BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhân Đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, tưởng nhớ đến mấy người bạn ở Hành Thiện của tôi

23 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1100)
Nhân Đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, tưởng nhớ đến mấy người bạn ở Hành Thiện của tôi
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Quê tôi ở làng Cát Xuyên thuộc Huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định, cách xa làng Hành Thiện chừng 4 cây số. Làng tôi được nhiều người biết đến vì có Chợ Cát mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 theo Âm lịch.

Vào năm 1950 -51, tôi theo học tại tư gia của Thầy Đặng Vũ Tiển – như tôi đã viết chi tiết trong bài được đăng trong Đặc san Hành Thiện năm trước đây.

Năm 2012 này, tôi muốn viết về một số người bạn thân thiết xuất thân từ Hành Thiện, mà đều đã qua đời trong những năm sau 1975.

1 – Trước hết là trường hợp bị thiệt mạng trên đường vượt biển của các bạn Đặng Như Kỳ và Đặng Ngọc Lân là những bạn tôi hay gặp vì cùng làm việc trong ngành luật pháp ở Saigon.

Anh Đặng Như Kỳ là luật sư, hồi trước năm 1975 anh cộng tác với các luật sư Lê Sĩ Giai, Nguyễn Tường Bá, Đàm Quang Lâm trong văn phòng của Luật sư Vương Văn Bắc tọa lạc trên đường Pasteur Saigon. Vào khỏang năm 1978 – 79, anh Kỳ đem gia đình cùng đi vượt biên, nhưng không may anh bị rớt xuống biển vào lúc sắp được một con tàu chuyên chở viễn dương cứu vớt và đã bị chết đuối trước sự đau lòng chứng kiến của người bạn đời của anh là chị luật sư Thục Lan.

Còn anh Đặng Ngọc Lân thì làm Lục sự lâu năm tại Tòa Thượng Thẩm Saigon, Vào cuối thập niên 1970, anh Lân cũng đem gia đình đi vượt biên và bị mất tích tòan bộ gia đình trên biển cả. Anh Lân và tôi thường hay gặp nhau tại Tòa án Saigon và chúng tôi hay chuyện trò với nhau về những kỷ niệm tại quê nhà vào thời kỳ trước năm 1954 ở Hành Thiện ngòai miền Bắc.

2 – Người bạn thân thiết khác nữa là anh Nguyễn Xuân Nghiên cũng bị thiệt mạng vì tai nạn xe cộ trên xa lộ Biên Hòa vào năm 1977 – 78. Anh Nghiên là một giáo sư dậy môn Lý Hóa rất thành công và nổi tiếng tại Saigon từ cuối thập niên 1950, và sau này đứng ra làm Hiệu trưởng của trường Phục Hưng ở gần với bệnh viện Saint Paul trên đường Phan Thanh Giản.

Anh Nghiên và tôi cùng là sinh viên di cư từ Hanoi vào miền Nam hồi giữa năm 1954 với nhau, lại ở chung trong một căn lều tại khu đất cũ của Khám Lớn Saigon, gần kề với Tòa Án, nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm thật đáng nhớ với nhau. Đầu năm 2011 tôi đến thăm anh chị bác sĩ Chu Bá Bằng tại thành phố Houston tiểu bang Texas, thì được anh chị gợi lại những kỷ niệm rất thân thương gắn bó với anh Nghiên, việc này khiến cho tôi nhớ lại cái thời sinh viên đại học Hanoi chúng tôi ở lứa tuổi đôi mươi, mà vừa mới cùng nhau đặt chân trên đất Saigon để tiếp tục việc học hành tại vùng đất tự do ở miền Nam. Cái thuở thanh xuân đày thơ mộng ấy sao mà đẹp đẽ dễ thương biết bao!

Rồi sau năm 1975, tôi còn gặp lại anh Nghiên mấy lần, kéo nhau cùng đi uống cà phê và tôi được anh cho biết đang bận rộn lo việc chăm sóc trồng vườn cây thuốc nam tại miệt Long Thành trên đường từ Saigon đi ra Bà rịa – Vũng Tàu. Anh Nghiên vẫn lạc quan, tự tin tháo vát, không hề tỏ vẻ e ngại gì trước sự “đổi đời” ở miền Nam lúc đó. Tôi vẫn còn nhớ việc anh kể lại cho tôi nghe nhiều chuyện ngộ nghĩnh đến tức cười liên quan đến một số nhân vật vào hàng lãnh đạo ở Hanoi – mà đều xuất thân từ làng Hành Thiện và đất Nam Định.

Ấy thế mà chẳng bao lâu sau, tôi được tin anh Nghiên bị tai nạn xe và anh đã thiệt mạng vào lúc chưa đến tuổi 50. Cùng với vài người bạn khác, tôi có đến viếng thăm linh cữu của anh được quàn tại tư gia và bày tỏ niềm thương tiếc với gia đình. Anh bác sĩ Bằng có cho tôi biết là hiện chị Nghiên và các cháu đã qua định cư ở bên Pháp, và tôi hy vọng sẽ có dịp đến thăm viếng gia đình chị – khi tôi qua thăm bạn bè ở Âu châu vào mùa hè năm 2012 sắp tới.

3 – Người bạn thân thiết khác nữa mà vừa mới qua đời vì bệnh cách nay mấy năm tại Canada là anh Nguyễn Xuân Quế. Vào kỳ hè năm 1952, khi mới từ miền quê ra theo học ở Hanoi, thì tôi bắt đầu quen biết với anh Quế, vì cùng ở trọ chung với nhau tại một căn gác trên đường Phủ Dõan gần với phố Hàng Bông thuộc khu vực trung tâm thành phố. Anh Quế tính tình hiền lành, điềm đạm và rất mực chung thủy với bạn bè. Vào miền Nam, chúng tôi thường hay gặp nhau, nhất là sau năm 1975 anh em chúng tôi đều là nạn nhân của chế độ hà khắc của người cộng sản, nên dễ thông cảm và tin tưởng tâm sự với nhau.

Vào năm 2003, con trai của anh chị Quế là cháu Khanh lại kết hôn với cháu Thanh Giang là con của cô em của bà xã nhà tôi ở thành phố San Jose California. Vì thế mà giữa anh em chúng tôi – ngòai tình bạn lâu năm – lại còn có thêm mối ”liên hệ sui gia“ với nhau nữa. Lâu lâu, qua điện thọai, chúng tôi vẫn chuyện trò thân mật với nhau và gợi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm của thuở hàn vi trên đất Bắc và những năm tháng bước vào đời ở miền Nam.

Nhưng cũng chẳng được bao lâu sau, thì anh Quế đã ra đi về bên kia thế giới, bỏ lại gia đình và các bạn hữu thân thương. Riêng đối với tôi, thì tôi luôn giữ được những kỷ niệm tốt đẹp về anh Quế là một người bạn thâm tình, khẳng khái và hết mực hồn nhiên gắn bó với gia đình và bằng hữu. Tình bạn giữa anh và tôi đã kéo dài đến gần 60 năm từ miền Bắc vào Nam và qua cả đến miền Bắc Mỹ này nữa.

4 - Tôi còn muốn viết về một người bạn học khác nữa – cũng gốc gác từ Hành Thiện – đó là anh Đặng Mộng Lân mà vừa mới qua đời ở Hanoi cách nay chừng 3 năm. Anh Lân học chung lớp Đệ Nhất với tôi tại trường Chu Văn An Hanoi niên khóa 1953 – 54. Chúng tôi cùng thi Tú tài phần hai với nhau trong kỳ thi vào đầu tháng 6 năm 1954. Sau đó thì chia tay nhau, tôi di cư vào miền Nam, còn anh Lân thì ở lại miền Bắc. Qua anh bạn chung là Phạm Xuân Yêm dậy học lâu năm ở Pháp, tôi được biết anh Lân là một giáo sư về khoa học tại Đại học Hanoi, mà lại có nhiều công trình nghiên cứu và biên khảo về Vật lý rất có giá trị, cụ thể như là cuốn “Tự Điển Vật Lý”.

Bạn Yêm còn cho tôi biết là anh Lân đã tìm cách chỉ dẫn về cách thức ứng xử cho nhà thơ Lê Đạt sau nhiều năm bị tù vì chuyện “Nhân Văn Giai Phẩm”, lúc được trả tự do, thì vẫn bị theo rõi quản chế ngặt nghèo. Anh Lân mách bảo nhà thơ là nên tìm các sách báo chuyên về khoa học ở Thư viện, cụ thể là về nhà bác học Einstein, để mà nghiên cứu – dịch thuật, thì sẽ giảm bớt được sự căng thẳng trong đầu óc và còn tránh được mọi chuyện phiền phức với cơ quan an ninh hay bày đặt làm khó dễ nữa.
Tuy xa cách đã lâu, nhưng tôi vẫn giữ được cái ấn tượng sinh động về một người bạn học năm xưa ở Hanoi mà có tính tình trầm lặng kín đáo này, và qua một anh bạn khác là Đỗ Xuân Lôi đã từng dậy học nhiều năm tại Đại học Bách khoa ở Hanoi, tôi còn được biết thêm chi tiết về những ngày cuối đời của anh Đặng Mộng Lân nữa.

Nhưng bài viết đến đây kể đã dài rồi, tôi xin tạm kết thúc ở đây với tấm lòng thương nhớ vô vàn đến những người bạn cùng lứa tuổi, cùng xuất thân từ miền đất Xuân Trường – Nam Định và cùng học hành, cùng sinh họat chung với nhau trên đất Bắc, tại miền Nam cũng như trên đất Mỹ nữa. Các bạn tuy đã lìa xa chốn thế gian này, nhưng các bạn vẫn còn hiện diện trong tâm tưởng chúng tôi với những kỷ niệm thật tươi đẹp của thế hệ những người đương thời với các bạn vậy.

Xin nguyện cầu các bạn luôn mãi thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.

California, cuối năm Tân Mão 2011

Đoàn Thanh Liêm

Theo Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn