BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73314)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xóm Tôi - 30 năm

23 Tháng Bảy 200312:00 SA(Xem: 1176)
Xóm Tôi - 30 năm
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1. Chuyện ông Trọng
Xóm tôi là một liên kết các con ngõ nhỏ, chằng chéo xiên xẹo, đan vào nhau như mạng nhện. Xóm tôi có nhiều chuyện vui.

Nằm về cuối xóm, là dãy chuồng xí (toilet) công cộng, gồm ba buồng. Toàn bộ cư dân xóm tôi dùng chung ba buồng chuồng xí này. Ở cánh cửa buồng chính giữa, ai đó viết lên một câu lục bát:

“Cơm thơm độn rặt là ngô
Ăn rồi lại ỉa một lô cứt vàng”

Xã hội bao cấp, thực đơn trăm nhà như một, bởi vậy, thứ thải ra cũng giống hệt nhau. Thời kì này cứt cũng mặc đồng phục. Khi đó, tôi không hề biết là cứt cũng có nhiều mầu. Với tôi (cũng như hầu hết mọi người) cứt là mầu vàng. Nhưng chớ có tưởng bở, rằng cứt “monotone”, rằng thực phẩm đạm bạc thì mùi cứt sẽ hiền hoà. Con người với tất cả tính năng ưu việt của nó, dù ăn gì cũng cho ra sản phẩm có chất lượng vô cùng hung hãn.

Gắn liền với dãy chuồng xí này là một ông già hình dong cổ quái, mắt chột lưng gù, râu ria xồm xoàm. Tên ông là Trọng. Bọn trẻ con chúng tôi gọi ông là “ông Trọng pác”. Chả hiểu sao ông lại có cái tên như thế. Nhà ông Trọng - gọi là nhà cho oai, thực chất nó chỉ là một túp lều - đối diện nhà tôi, hơi chếch về bên trái.

Ông Trọng biết rất nhiều nghề. Trong xóm, ai thuê làm gì ông cũng làm. Dọi lại mái nhà, sửa cái chân ghế, gánh nước … v.v. Nhưng thu nhập chính của ông Trọng là quét dọn dãy chuồng xí đó. Một ngày dọn hai lần, sáng-chiều. Một tháng, mỗi hộ gia đình phải trả ông một hào [1].

Ông Trọng nghèo lắm, nghèo hơn nhiều mức nghèo chung khi đó. Ông sống độc thân, không vợ con, họ hàng. Ông nuôi một con chó và không đặt tên cho nó. Tôi thấy ông gọi nó là “con”, xưng “bố”. Bọn trẻ chúng tôi rất sợ con chó này, nó béo như một con lợn, đã thế còn trụi lông vì ghẻ.

Không những chỉ sợ con chó, chả hiểu vì lí do gì chúng tôi còn rất sợ ông Trọng. Đứa nào khóc nhè hay nhõng nhẽo lười ăn, bố mẹ chúng chỉ việc mang ông Trọng ra doạ. Lập tức, đứa nào đang khóc liền nín bặt, đứa nào nún cơm thì nuốt vội nuốt vàng.

Việc ngày hai lần dọn ba buồng chuồng xí, nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất không như vậy. Dân xóm tôi có thói quen là không chịu đi trúng mục tiêu, họ cứ thích tương bừa ra bên ngoài. Nó luôn luôn bẩn. Vào ngồi chừng năm phút (nhất là mùa hè), đi ra, mùi cứt ám vào người. Bởi vậy, mỗi lần dọn là một lần khổ ải cho ông Trọng. Nhưng không mấy khi ông phàn nàn về điều đó. Điều ông Trọng hay phàn nàn (với bố tôi) là, ông không dễ gì thu được cái món tiền công ít ỏi. Đi lấy tiền công lao động mà cứ như đi xin. Mà không phải cứ khúm núm xin xỏ là xong, có gia đình không đánh giá cao sự khúm núm, nên họ kiên quyết không trả. Ông Trọng có điên tiết lên chửi thì họ chửi trả, còn tiền thì đừng hòng, dứt khoát họ không đưa.

Thông thường, ông Trọng chỉ thu được hai phần ba số tiền mà lẽ ra ông phải có. Tức nước ắt vỡ bờ, có một lần ông Trọng đình công. Ông đình công được chừng hai hôm thì cả xóm nhốn nháo. Cứt đã ngập lên, không còn chỗ mà đặt chân. Có người đã phải đi vào túi ni-lon (nên nhớ đây là một sự xa xỉ, bởi thời đó, túi ni-lon rất hiếm, có thể bán hay dùng vào nhiều việc khác), rồi ban đêm lén lút quẳng ra đường cái.

Đến ngày thứ ba thì có mấy nhà thương thuyết (những chủ gia đình tương đối sòng phẳng với ông Trọng) xuất hiện, họ thuyết phục ông Trọng đi làm. Nhưng vô ích.

Tình hình tưởng như bế tắc thì sang ngày thứ tư, ông Trọng đi làm lại. Sở dĩ ông Trọng đi làm vì bố tôi thuyết phục được ông. Vốn dĩ ông Trọng rất nể bố tôi, vì bố tôi là một nhà thơ, hơn nữa bố tôi rất sòng phẳng và hào phóng.

Sau cái buổi sáng ông Trọng đi làm lại, ở ngoài khu chuồng xí, mọi người tụ tập đông như trẩy hội, cười nói râm ran. Họ xếp hàng rồng rắn, rất thứ tự (có người nhịn đủ ba hôm, vì họ không dám chơi sang đi vào bịch ni-lon). Ai đến trước, ỉa trước. Ai đến sau, ỉa sau. Hình như con người khi vui vẻ thì có xu hướng trở nên lịch lãm.

Để giúp ông Trọng bớt cực nhọc, bố tôi viết lên cánh cửa buồng chuồng xí một câu lục bát khá hay, bằng sơn đỏ:

“Ỉa sao đúng lỗ mới tài
ỉa chệch ra ngoài kĩ thuật còn non”

Ngay ngày hôm sau, xuất hiện bên dưới câu lục bát của bố tôi là một câu lục bát họa lại, hay không kém, bằng phấn học sinh:

“Còn non thì mặc còn non
đi trật vài hòn thì đã làm sao?”.

Đúng là khí độ của một dân tộc có truyền thống thi ca.***

Mấy năm sau cái vụ đình công thì ông Trọng chết. Ông chết trong nhà bốn hôm người ta mới phát hiện ra. Ba hôm ông Trọng không đi làm, khu chuồng xí lại ngập ngụa, tình hình bi đát không kém gì vụ ông đình công. Mọi người cứ tưởng ông Trọng lại giận dỗi gì, họ cử mấy nhà thương thuyết vào tìm ông Trọng để điều đình, lúc đó họ mới phát hiện ông Trọng đã chết.

Cũng may, nếu cư dân xóm tôi không có thói quen ỉa bậy, nếu như cái chuồng xí công cộng kia không ngập ngụa lên, không bốc mùi khắp xóm, thì có lẽ còn lâu mọi người mới phát hiện ra ông Trọng đã chết. Vì cái xác ông không bốc mùi.

Trong nhà ông Trọng không có gì đáng giá ngoài môt cuốn sổ tiết kiệm, số tiền trong đó đủ để sửa cho ông cái lễ hậu sự tử tế. Con chó trụi lông và béo như lợn của ông Trọng được cắt tiết để đám phu đòn và một số chức sắc trong xóm đánh chén một bữa linh đình.***

Đất nước thống nhất 30 năm. Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới cơ cấu kinh tế gần hai mươi năm. Cuộc sống thay da đổi thịt từng ngày. Xóm tôi cũng vậy, thay đổi về cơ bản. Không còn một mái nhà lá. Nhà nào thấp nhất cũng ba tầng bê-tông. Tất nhiên, nhà nào cũng có toilet riêng. Cái dãy chuồng xí ba buồng năm xưa không có lí do tồn tại. Nó đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Trên khu đất đó, giờ đây mọc lên một toà nhà khang trang, công năng của nó là trụ sở uỷ ban nhân dân phường.

Giờ đây, mỗi khi có việc tới uỷ ban phường, tôi luôn bồi hồi nhớ về dãy chuồng xí năm xưa, cả cái mùi hung hãn thân thương, lẫn nhân vật gắn liền với nó – ông Trọng “pác”.

[1] tương đương với một ngàn đồng bây giờ

2. Chuyện nhà Ấu - Bồi
Ở đầu xóm là cái vòi nước công cộng. Nước sinh hoạt của cả xóm trông vào cái vòi nước này. Nơi đây cũng là một trung tâm văn hoá, nhất là về mùa hè. Người ta thức cả đêm để xếp hàng lấy nước. Trong khi chờ đợi, các bà sồn sồn thì thào rỉ tai nhau, chuyện bà cô L. chửa hoang, anh B. cán bộ phường hủ hoá …, các ông rít thuốc lào sòng sọc bàn bạc tình hình thế giới …, các cô cậu choai choai nhấm nháy mắt la mày lém.

Nhưng vui nhất, đáng chú ý nhất là chuyện vợ chồng ông Ấu bà Bồi. Nhà họ gần ngay máy nước. Cứ khoảng một giờ sáng là hai vợ chồng đánh nhau. Mùa đông cũng như mùa hè. Đầu tiên là chửi nhau trong nhà, sau đó đánh nhau, đuổi nhau chạy vòng quanh máy nước.
Ông Ấu trước cũng làm cơ quan nhà nước, sau không biết vì tội gì - hình như là hủ hoá hay nghe đài địch, tàng trữ văn hoá phẩm đồi trụy gì đó - phải đi tù mấy năm. Ra tù không có cơ quan nhà nước nào tiếp nhận đã đành, mà xin vào mấy tổ hợp dép nhựa, kẹo gôm tư nhân họ cũng lắc đầu quầy quậy. Khốn nạn, người đông thóc ít, tử tế còn thất nghiệp dài cổ huống hồ thằng tù mãn hạn. Phẫn chí, ông Ấu ngồi nhà ăn bám vợ. Bà Bồi không làm ở cơ quan nào, bà là người ngoài biên chế, buôn bán lặt vặt. Từ ngày ông Ấu ra tù, bà chuyển nghề. Bà làm phò [1]. Cứ nhập nhoạng tối là ông Ấu lại chở bà Bồi đi làm. Hình như trên mạn hồ Ha Le hay hồ Tây.

Lí do họ đánh chửi nhau cũng khá vui. Ông chở bà đi đón bà về, trong khi chờ bà tác nghiệp ông cũng đứng ngay gần đấy để canh chừng công an. Bởi vậy, ông chứng kiến rất rõ. Quen rồi, chả có vấn đề gì. Nhưng lạ một cái là cứ rượu vào ông lại nổi cơn … ghen. Ông chì chiết bà, tại sao hôm nay mày máu lửa thế …, tình tứ thế …, thằng đó là thằng nào …, tại sao vừa “ấy” vừa hôn …, và …v.v. Mà hôm nào ông cũng rượu, bởi thế nên hôm nào hai ông bà cũng đánh chửi nhau. Họ chửi nhau to lắm, vừa chửi vừa kể lể, cứ như khai báo. Vì thế, mọi người ai cũng biết chuyện của hai ông bà.

Ông Ấu bà Bồi có độc một đứa con gái, tên Lan. Bọn tôi gọi nó là Lan “tây”, vì nó rất xinh. Cái Lan học cùng lớp với tôi hồi phổ thông, nó học rất giỏi, năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi. Đã thế nó lại hát hay nên được bầu làm quản ca [2]. Trong lớp, tôi ngồi ngay phía sau nó. Không hiểu vì động lực gì, cứ lâu lâu tôi lại túm tóc nó giật rõ mạnh làm nó bật ngửa đầu ra sau. Có hôm tôi vẩy đầy mực vào lưng nó, chỉ vì cái áo của nó mới và trắng tinh. Tệ hơn, có hôm tôi nhét một con cóc chết vào hộc bàn nó. Tôi nhớ như in cái vẻ mặt nó khi đó, có lẽ chỉ thiếu chút nữa là nó ngất xỉu. Nhưng cái Lan không bao giờ mách cô giáo. Nó im lặng chịu đụng đủ trò tai ác của tôi. Cùng lắm thì nó cũng chỉ giương cặp mắt to đen láy nhìn tôi trách móc …***

Công cuộc đổi mới khiến đời sống xã hội thay da đổi thịt từng ngày. Cái máy nước công cộng xóm tôi không còn nữa. Bây giờ nước đến từng nhà. Khoảng đất đặt máy nước giờ là một cái điện thờ rất hoành tráng. Chủ nhân điện thờ là bà Bồi, nhưng thấy mọi người gọi bà là “cô” Công Tôn Tằng Liễu Hạnh Lê Ba. Bà Bồi năm nay ngoài bẩy mươi nhưng vẫn rất phong độ, mặt hoa da phấn như diễn viên Hàn Quốc. Nghe đồn cái điện của bà rất thiêng. Khách khứa ra vào điện toàn phu nhân của các đại gia, đi xe hơi biển số xanh [3] cấp vụ, cấp bộ.

Cái Lan đã hai đời chồng, giờ sống một mình. Nó mua một căn nhà rất to ngoài mặt phố kinh doanh khách sạn nhà hàng karaoke. Tôi gặp lại nó là một sự tình cờ. Hôm đó, sau một chầu nhậu sương sương với mấy đứa bạn cũ, chúng nó rủ tôi đi dùng món thịt “tươi sống”. “Muốn hàng còn “tem” cũng có” – chúng nó quảng cáo.

Cái Lan nhận ra tôi ngay, nó tiếp tôi rất vồn vã. Nó khoe, khách của nó toàn tầm cỡ thứ, bộ trưởng hoặc chủ nhiệm uỷ ban này nọ. Bởi vì nhà hàng của nó độc quyền cung cấp trẻ vị thành niên. “Đảm bảo o-ri-din tanh tách” – nó khẳng định. “Mình làm việc này để đức cho con là chính. Thu mười thì chi đến sáu bẩy. Chả bõ. Chỉ mấy thằng có quyền là sướng. Chả mất con mẹ gì mà vẫn ăn phần hơn” - vừa nói, cái Lan vừa móc khoé móng chân, đưa lên mũi hít một hơi rồi nó nói tiếp: “Mà mấy con ranh nhà quê này, có chinh chẳng bán để làm gì. Còn hơn đi làm ôsin, rồi thằng chủ nó cướp không. Một lần bán chinh bằng ba đời cấy lúa. Ối đứa xin xỏ tôi mà chưa được ‘duyệt’ đấy”.

Chỉ tiếc cho ông Âú, ông mất hơi sớm. Còn sống đến hôm nay thì ông cứ chã rượu thoải mái mà chả phải ghen với thằng nào.

[1] từ lóng miền Bắc chỉ làm đĩ.
[2] người bắt nhịp hát tập thể.
[3] biển số xe nhà nước

3. Chuyện nhà lão Sình
Xóm tôi nằm kề bên một cái nhà máy gạch ngói. Nhà máy có hai ống khói vút cao, chọc thẳng vào bầu trời, nom oai nghiêm lắm. Nghe nói, nhà máy được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhiều công nhân tham gia xây dựng đã chết (vì xây hai cái ông khói), bây giờ thỉnh thoảng họ hiện hồn ra khóc lóc trêu đùa nhau. Hãi lắm. Lũ trẻ con chúng tôi hay chui vào đây để ăn trộm đất sét làm bài tập thủ công.

Cả cái nhà máy rộng lớn chỉ có một người làm bảo vệ, đó là lão Sình . Nhưng không phải vì thế mà bọn tôi có thể thoải mái vào chơi hay lấy đất. Bọn tôi rất sợ lão Sình, vì lão dữ lắm. Có hôm lão bắt quả tang chúng tôi đang móc đất (thứ đất sét dầu, nguyên liệu làm gạch ngói), lão vụt túi bụi lên đầu chúng tôi bằng chiếc roi da rất dài. Ngoài công việc bảo vệ, lão Sình còn làm thầy thuốc. Những bà những cô trót nhỡ hay “vỡ kế hoạch”, sang tháng thứ tư thứ năm bệnh viện lắc đầu, cứ tới lão là xong hết. Chỉ một thang thuốc là tuột ra liền. Cái “bảo sanh viện” của lão Sình rất đông khách, bởi vậy, tuy phải nuôi hai vợ và bẩy đứa con nhưng nhà lão vẫn thuộc loại giầu.

Anh Phong là con lão Sình với bà vợ đầu. Anh là cả. Tôi ghét và sợ lão Sình bao nhiêu thì lại quí anh Phong bấy nhiêu. Anh Phong cao to đẹp trai, da trắng hồng, và đặc biệt anh có một cơ thể rất tuyệt, cơ bắp nổi cuồn cuộn. Trong đầu lũ trẻ chúng tôi luôn hình dung và hay kháo chuyện nhau, rằng một mình anh Phong có thể tay không bóp chết ba thằng giặc. Anh Phong kể chuyện rất hay, anh biết cơ man nào là chuyện ma, chuyện cổ tích. Cứ buổi tối nào anh kể chuyện là lũ trẻ ngồi vây vòng trong vòng ngoài im phăng phắc. Trong đám trẻ, anh Phong có vẻ quí tôi nhất. Biết tôi mê đọc truyện, anh luôn đáp ứng nhu cầu của tôi. Nào “truyện cổ Anderxen”, nào “Nghìn lẻ một đêm”, nào “Juliver du kí” … tất nhiên chỉ là cho mượn, nhưng như thế là quí lắm rồi. Sách báo thời đó không sẵn như bây giờ. Tôi còn nhớ như in, ở trang đầu mỗi cuốn sách, bao giờ anh cũng ghi một, hai câu thơ hay những câu châm ngôn, triết lí. Nét chữ nghiêng nghiêng, đều tăm tắp được viết bằng bút ngòi chấm mực có nét thanh nét đậm, đẹp tuyệt vời … Có lẽ, nhân cách tôi hình thành như ngày hôm nay, có một phần của anh Phong.

Bà vợ hai của lão Sình chỉ có một đứa con, tên là Vũ, bọn tôi gọi là Vũ “lé”. Thằng Vũ học cùng lớp với tôi, tuy bằng tuổi nhưng nó to cao mạnh khoẻ lắm. Trong lớp, không có đứa nào là đối thủ của nó. Là anh em cùng cha khác mẹ với anh Phong, nhưng nó không có điểm nào giống anh. Nó nghịch ngợm, phá phách và đặc biệt học rất dốt. Nói chung, nó có phẩm chất của một nhà lãnh đạo. Suốt mấy năm học cùng, tôi luôn là đứa phải làm bài tập về nhà cho nó. Vì nó đã chỉ định. Còn bài kiểm tra, nó phân công đứa khác.

Trong nhà máy gạch có một dẫy buồng tắm công cộng, dùng phục vụ công nhân nữ (nam giới không cần tắm trong phòng). Phía sau dẫy buồng tắm có một cây ổi to, một cành của nó vươn trùm lên nóc nhà tắm. Thằng Vũ bèn “phát minh” ra trò trèo lên cái cành đó để dòm phụ nữ tắm. Thỉnh thoảng, nó còn rủ thêm mấy đứa đi cùng. Bình thường, nó luôn là đứa xem đầu tiên (và lâu nhất. Vì cành ổi này chỉ chịu được từng đứa một), nhưng hôm đó không hiểu sao đứa xem đầu tiên lại là thằng Cổ (con trai thứ ông Bá Cò). Thằng Cổ xem say mê, mãi không chịu xuống, thằng Vũ phải lấy súng cao su bắn hai phát nó mới chịu xuống. Xuống tới nơi, nó hả hê: “Hay quá !”. Thằng Vũ thoăn thoắt leo lên, nhưng chưa đầy hai phút thì nó tụt xuống và ra lệnh tất cả phải đi về. Mặt nó hằm hằm, rất hãi, nên mặc dù đang háo hức nhưng không đứa nào dám phản đối.

Mấy hôm sau, thằng Cổ kể với bọn tôi, rằng trong buồng tắm hôm đó là mẹ thằng Vũ, và đặc biệt, có cả lão Tiện “lác”, tắm chung.

Lão Tiện “lác” cũng là cư dân xóm tôi, lão hành nghề hoạn lợn. Một tuần sau cái vụ đó xẩy ra, nhà lão Tiện bị cháy.

Tuần lễ tiếp sau , lão Sình đánh vợ (mẹ thằng Vũ) liên tục. Mà đánh rất ác. Có hôm lão lột quần áo bà ta, vừa đánh vừa đuổi ra đường. Thằng Vũ bênh mẹ, vác dao chém bố, may trượt, chỉ bị thương nhẹ. Rồi nó và mẹ nó bỏ nhà đi mất tăm. Năm đó, nó đang học lớp bẩy.

Anh Phong tốt nghiệp lớp 10 (phổ thông trung học) với số điểm tối đa, nguyện vọng của anh là thi vào đại học kiến trúc, nhưng lão Sình không chịu. Lão Sình sắm được cỗ xe bò, lão bắt anh nghỉ học đi xe bò kéo. Thời đó đi xe bò kéo làm tốt tiền. Vì việc này mà anh Phong cãi nhau to với lão Sình. Tôi còn nhớ, anh bảo với lão Sình thế này: “Bố không chịu nhìn xa, con tiếp tục học, sẽ có tương lai hơn. Nghề xe bò kéo chỉ là nhất thời. Mai đây, đất nước hiện đại hoá, làm gì có chỗ cho xe bò? Tương lai sẽ thuộc về trí thức. Bố đừng có mà quyết định độc tài như thế”. Lão Sình rít lên: “Mẹ cha mày. Đại học với tiểu học cái tổ sư mày. Mày bảo bố mày là độc tài phỏng? Địt mẹ, ông cho mày biết thế nào là chuyên chính vô sản” Rồi lão đánh anh Phong một trận tơi bời. Một trận đòn ghê rợn. Tôi chưa từng thấy ai đánh con như lão Sình. Kể ra anh Phong cũng dại mồm. Gọi nhà độc tài là độc tài là điều nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn cả gọi gái đĩ là đĩ.

Cuối cùng anh Phong cũng phải khuất phục lão Sình. Nhưng anh cũng chẳng theo nghiệp xe bò kéo lâu la gì. Một năm sau khi anh trở thành tài xế xe bò thì xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Anh Phong viết đơn xung phong nhập ngũ.***

Công cuộc đổi mới cơ cấu kinh tế khiến bộ mặt đô thị thay đổi chóng mặt. Cái nhà máy gạch với hai ống khói uy nghi chọc thẳng lên trời năm xưa không còn nữa. Thay vào đó là một khách sạn liên doanh vớI nước ngoài, 30 tầng lừng lững. Người ta vẫn giữ lại hai cái ống khói, như một thứ di tích. Nhưng nay trông chúng yếm thế thảm hại.

Tôi xa nhà hơn mười năm, nay trở lại ngỡ ngàng.

Lão Sình chết. Lão chết sau năm năm ngồi thiền, nhịn ăn. Sau khi lão chết một tuần người ta mới phát hiện, bởi lão thiền một mình trong một chiếc am cỏ phía tây Hà thành. Xác lão khô đét, bộ mặt thanh thản, cặp mắt khép hờ như người ngủ gà. Đám tang lão khá to, có cả chủ tịch phường – chính là thằng Vũ - tới đọc điếu văn. Trong am, người ta thấy rất nhiều những bức thư pháp tuyệt kĩ, nội dung là những áng văn thơ của chính lão Sình. Sau này, những di sản đó được trưng bầy trong nhà truyền thống phường. Nghe đâu, nhà nước có kế hoạch đệ trình Unesco công nhận số di sản đó là di sản văn hoá nhân loại

Sau cái đận bà vợ hai và thằng Vũ bỏ đi, cộng với việc anh Phong vứt chiếc xe bò đi bộ đội, lão Sình đâm rượu chè be bét. Nền công nghệ bao cao su thuốc tránh thai phát triển cũng là một tác nhân khiến gia cảnh lão sa sút trầm trọng. Lão Sình quá chán đời, nên lão quyết định tự tử bằng một liều thuốc hỗn hợp gồm: hai thang thuốc sổ thai cộng hai liều bả chuột của trung tâm công nghệ hoá mầu cộng hai tép he-rô-in cộng hai vỉ thuốc ngủ cộng hai viên thuốc lắc. Nhưng lão đã không chết. Không phải vì được cấp cứu kịp thời mà chắc do lão chưa tới số. Cái bài thuốc dùng để tự vẫn của lão chỉ khiến lão ngủ ba ngày. Sau khi tỉnh dậy, lão rụng hết tóc, cấm khẩu và rất giỏi làm thơ. Mấy tháng sau, lão tậu một mảnh đất con con ở phía tây Hà thành, dựng lên cái am cỏ. Lão ngồi thiền, sống bằng nước lã khí giời và làm thơ, viết thư pháp.

Tôi gặp lại anh Phong rất tình cờ. Hôm đó, ngồi trong quán nước trà đầu ngõ, tôi thấy anh đang đi thất thểu. Tôi nhận ra anh ngay, mặc dù anh đã kém phong độ đi nhiều. Vẫn nước da trắng, nhưng không hồng hào mà xanh mét, còn những cơ bắp khi xưa tôi từng thán phục nay đã biến mất cả.

Anh em găp nhau tay bắt mặt mừng, rồi anh cho tôi biết hoàn cảnh anh bây giờ … Sau khi giải ngũ, anh không xin được việc làm, mặc dù các anh chị em giờ đây ai cũng khá giả, nhưng vốn khái tính nên anh kiên quyết không nhờ vả ai, hiện anh đang sống bằng nghề đạp xích lô. Rồi anh bảo: “Hôm nay gặp lại chú cũng là cơ duyên. Xe anh hỏng, đang phảI sửa nên anh mớI lang thang thế này. Còn bình thường, bận chạy xe chắc gì đã gặp được nhau … À ! chú cho anh mượn năm chục, mai anh gửi trả ngay, anh thêm vào trả tiền công sửa xe. Xe kì này hỏng nặng phải thay nhiều thứ quá …!”

Hai hôm sau, tôi phải ra uỷ ban nhân dân phường để xin chứng nhận tạm trú. Gặp ngay thằng Vũ “lé”, nó to béo bệ vệ, nói năng sang sảng. Gìơ nó là chủ tịch uỷ ban nhân dân phường. Nó cũng nhận ra tôi ngay. Cũng tiện. Chính vì thế mà tôi xin được cái giấy tạm trú rất nhanh chóng, không có chút phiền hà gì. Khi chia tay, nó rỉ tai tôi: “Thích “hàng sống” không? Tớ chiều. Nhà hàng này tớ bảo kê, đảm bảo hàng “Việt Nam chất lượng cao”. Thích “bóc tem” cũng có? Chủ nhà hàng là con Lan “tây”, nhớ không? Tớ chiêu đãi cậu để trả ơn làm bài tập về nhà đấy nhá … hé… hé … hé”.

Trên đường từ uỷ ban về nhà, tôi nhìn thấy anh Phong (vẫn đi bộ thất thểu), tôi gọi anh, định rủ anh làm mấy vại bia hơi. Anh Phong nghe tôi gọi, anh quay lại, nhìn tôi vẻ sững sờ, rồi anh cắm cổ chạy rõ nhanh.

Hết sức ngạc nhiên về thái độ anh Phong, trong bữa cơm tối hôm đó, tôi mang câu chuyện ra kể với mẹ. Bà nghe xong, cười tủm tỉm rồi bảo: “Từ khi nó xuất ngũ đến nay, có chịu đi làm đi ăn gì đâu. Cũng có lần làm bảo vệ cho một cơ quan, nhưng được đâu nửa tháng thì nó dẫn quân vào khoắng sạch kho của người ta. Bị bắt, đi tù hai năm. Bây giờ nó nghiện hê-rô-in, toàn vật vờ ăn cắp vặt, “xin đểu”, “vay đểu”. Mẹ cũng bị nó “vay đểu” một lần. Thôi, coi như đánh rơi”.***

30 năm thống nhất. Gần 20 năm đổi mới. Bộ mặt xã hội thay đổi như rồng cuốn. Xóm tôi cũng vậy. Từ nhà cửa đường xá xe cộ tới con người, thay đổi như hổ vồ.

4. Chuyện nhà tôi
Từ nhà máy gạch đi xuôi xuống chừng 220 mét là một cái hồ lớn. Hồ này không tên tuổi như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, nhưng thực tế là nó đẹp chẳng kém. Nước hồ xanh ngăn ngắt, xung quanh cũng liễu rủ thướt tha. Bọn trẻ xóm tôi hay rủ nhau xuống đây bơi lội.Tháng nào cũng có một đứa chết đuối. Nhìn chúng nó bơi lội tung tăng tôi vô cùng thèm thuồng, nhưng không bao giờ dám. Bởi bố tôi rất nghiêm khắc. Ông cấm tiệt hai anh em tôi đi bơi. Cũng có nhiều đứa bị bố cấm, nhưng chúng nó không sợ. Buổi trưa nào cũng có cảnh ông bố cầm roi đuổi đằng sau, vừa đuổi vừa chửi, thằng con chạy đằng trước, vừa chạy vừa cười nhe nhởn. Cứ thế. Vòng quanh hồ. Và người thua bao giờ cũng là các ông bố.

Trong xóm, chỉ duy nhất gia đình tôi thuộc thành phần viên chức nhà nước. Mẹ tôi là công nhân trại lợn Cầu Diễn. Bố tôi là nhà thơ. Ông công tác ở nhà hát Opera dân tộc. Chức danh bố tôi là trưởng phòng nghệ thuật, công việc chính của ông là bảo quản, phun thuốc chống mối mọt cho phòng truyền thống của nhà hát.

Với tôi, cái phòng truyền thống này là một thế giới đầy huyền bí. Chính giữa phòng có hai bức tượng toàn thân hai ông mặc áo quần xanh đỏ, đi hia, mang gươm. Một ông mắt lác, vẻ hơi hung dữ. Một ông sứt môi, vẻ nhí nhảnh. Tôi không biết hai ông này là ai, song tôi rất kính cẩn hai ông. Tôi nghĩ, chắc đó là hai ông thần, thần gì thì chịu. Việt Nam mình vốn nhiều thần.

Trong phòng truyền thống có một giá sách rất to, đây mới thật sự hấp dẫn tôi, nhưng thông thường, bố không cho phép tôi lục lọi. Cứ khoảng hai tuần, ông lại phun thuốc chống mối cho giá sách này. Mỗi lần như vây, ông lại loại ra một số sách, báo bị mối xông. Tôi nhìn đống sách báo này hau háu. Nhưng chả bao giờ đến lượt tôi. Số sách báo này nhanh chóng chuyển tới mấy tiệm buôn sách báo cũ. Bù lại việc không được đọc, hôm đó nhà tôi có bữa tươi.

Nhà tôi có ba anh chị em. Chị Hương là cả. Kế là anh Hùng. Tôi là út. Mang tiếng con út, nhưng bố ghét tôi nhất, vì tôi học kém, chỉ mê đọc truyện linh tinh. Còn với mẹ, bà thương ba đứa như nhau. Học giỏi hay học dốt với bà không khác gì

Chị Hương học giỏi văn, năm nào chị cũng được đi thi học sinh giỏi. Một lần chị đoạt giải ba cuộc thi văn toàn thành phố.

Anh Hùng giỏi toàn diện, nhưng trội nhất là toán. Cũng như chị Hương, anh đoạt giải ba cuộc thi toán toàn thành.

Nhìn chung, nhà tôi như một biểu tượng văn hoá của xóm. Cũng dễ hiểu khi ông Trọng “pác” rất nể bố tôi.***

Vào đầu thập niên cuối thế kỉ trước, khi đất nước đã trở nên khá giả, các đoàn nghệ thuật được nhà nước đầu tư mạnh. Nhà hát Opera dân tộc của bố tôi cũng vậy, được đầu tư xây dựng một nhà hát riêng. Rất qui mô. Bố tôi được phân công làm phó ban quản lí xây dựng (thuộc bên A - chủ đầu tư). Từ ngày bố tôi thay đổi vị trí công tác, nhà tôi khá khẩm hẳn lên. Chuyện ăn uống thịt thà không phải nghĩ. Bố tôi có thêm nhiều bạn (là những ông thuộc bên B - thầu xây dựng), họ suốt ngày uống rượu ngâm thơ.

Công trình xây dựng nhà hát mà bố tôi là phó ban quản lí đạt một kỉ lục. Kỉ lục câu giờ. Công trình dự kiến hoàn tất sau hai năm, nhưng thực tế là mười hai năm nó mới hoàn thành. Tôi không được chứng kiến ngày khánh thành nhà hát này. Khi đó, tôi đang ở xa (tôi học trung cấp thú y, ra trường, tôi được phân công về một trạm xá của một huyện lỵ trên Tây Nguyên).

Ở vào cương vị phó ban quản lí công trình, bố tôi mang lại cho gia đình cuộc sống vật chất khá dễ chịu. Nhưng bù lại, mẹ tôi rất đau khổ. Vì bố suốt ngày nhậu nhẹt, và tệ hơn, bố tôi có bồ. Bồ của bố là một chủ quán cà phê. Nghe nói hai người yêu nhau đắm đuối. Tôi không hiểu người đàn bà kia yêu đắm đuối bố tôi vì điều gì, bởi bố tôi hom hem, hói trán, và đặc biệt rất hôi nách. Có lẽ bà ta yêu bố tôi vì một tâm hồn thi sĩ.

Công trình nhà hát hoành tráng sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng được ba năm thì xuống cấp trầm trọng. Lún móng, nứt mái. Và một sự cố ghê gớm đã xẩy ra. Hôm đó, nhà hát đang biểu diễn thì trần nhà hát (phía khán giả) sập xuống. Cũng may, không có ai chết và bị thương. Vì các suất diễn thường không có khách nếu bán vé lẻ. Chỉ khi nào diễn hợp đồng hay phát giấy mời thì mới có khách. Người ta đành niêm phong nhà hát và chưa có kế hoạch cụ thể nào cho nó. Việc này đã đưa ra cả quốc hội để bàn bạc. Vì sự việc này mà bố tôi phải đi tù. Ông bị kết án 18 tháng tù giam. Pháp luật rất công minh. Ông trưởng ban, người chịu trách nhiệm chính, và cũng là người ăn chính, bị kết án gấp đôi. 36 tháng tù treo.

Sau khi ra tù, bố tôi dọn về ở hẳn với bà chủ quán cà phê (bố có vốn riêng gửi ngân hàng). Bố sống với bà ta được sáu tháng thì chết. Ông bị “thượng mã phong”. Khi bố chết, tôi đang bận quá nhiều việc (huyện lị của tôi quản lí, dân số mấy nghìn người mà chỉ có một trạm xá, nhân sự gồm một bác sĩ là tôi và hai y tá giúp việc là hai bà người Thượng vừa tốt nghiệp lớp xoá nạn mù chữ. Năm ấy, cả huyện mắc chứng sốt vàng chân. Cả người, bò, lợn. Mắc tất.) nên không về được. Tôi rất áy náy về điều này. Tuy bố không yêu thương tôi lắm, nhưng tôi luôn kính trọng ông. Với tôi, ông là một biểu tượng của thành công. Thành công về mọi mặt. Ngay cái chết của ông cũng khiến tôi ngưỡng mộ. Chết trên bụng đàn bà là một cái chết vĩ đại.***

Trong thời gian tám năm phục vụ trên Tây Nguyên, vừa làm việc vừa phấn đấu, tôi đã kiếm được cái “mát-tơ” tại chức, và tôi đã xin chuyển được về Hà thành. Một bệnh viện lớn đã đồng ý tiếp nhận.

Công cuộc đổi mới khiến xóm tôi thay đổi ghê gớm. Nhà cửa thi nhau mọc lên, nhà sau cao hơn nhà trước. Chỉ duy nhất nhà tôi vẫn thế. Vẫn căn nhà cấp bốn. Tuy nhiên, trong nhà cũng có toilet.

Anh Hùng tốt nghiệp đại học bách khoa, loại xuất sắc. Được nhận về một cơ quan nghiên cứu khá nổi tiếng. Chả hiểu thế nào, anh yêu một cô phò hơn anh mười chín tuổi, đòi cưới. Mẹ tôi phản đối quyết liệt, bà doạ tự tử nếu anh Hùng không nghe lời. Anh Hùng nghe lời mẹ, nhưng sau đó anh mắc căn bệnh rất lạ. Anh cứ ỉa ra rồi ăn vào, mồm miệng dớt dãi thều lều, suốt ngày gẩy bàn tính. Lâu lâu, đập phá ra trò, vì vậy, phải xích trong góc nhà.

Chị Hương tốt nghiệp đại học tổng hợp, khoa ngữ văn, nhưng ra trường không xin được việc làm. Nói cho đúng là có xin được việc, nhưng nơi nào chị làm lâu nhất cũng chỉ được sáu tháng là bị sa thải. Chị Hương mang nặng gien bố tôi. Chị là một thi sĩ. Làm ở đâu chị cũng không hoàn thành công việc được giao, hay cầm nhầm của công, đã thế đầu óc chị cứ lơ mơ về thơ thẩn. Bây giờ chị đã lấy chồng, ở riêng. Chồng chị Hương làm xe ôm, còn chị Hương bán quán nước chè di động (tức là nay ngồi vỉa hè này, mai ngồi vỉa hè khác). Chị cho tôi biết, vì thơ chị đã vượt quá xa tầm thời đại, người bình thường đọc vào rất dễ lên cơn động kinh, nên không có nhà xuất bản nào nhận in thơ chị, nhưng chị đã in được 27 tập, dưới hình thức photocopy. “Có một nhà xuất bản bên châu Phi đang liên hệ để dịch thơ của tôi đấy nhá” - chị Hương thì thào khoe với tôi, mắt chị đảo tròn rất gian, cứ như buôn bạc giả.

Sau khi bố tôi đi tù thì trại lợn Cầu Diễn giải thể, mẹ tôi được hưởng chế độ hưu non, coi như thất nghiệp. Không biết làm gì, thỉnh thoảng mẹ phải đi làm thuê lặt vặt cho mấy gia đình trong xóm. Người Hà thành gọi là osin. Nhưng cũng chả có việc đều, bởi mẹ già quá rồi, chủ nhà muốn chửi mắng bắt nạt cũng ngại, nên bí lắm họ mới thuê. Gia cảnh sa sút, buồn chuyện chồng con, đâm ra dạo này mẹ tôi sinh tật nói bậy. Cứ ngứa mắt ngứa mồm là bà chửi. Dạo bùng nổ dịch ca sĩ người mẫu chụp ảnh khoả thân trên mạng, báo chí, dư luận lên án, xóm tôi lập tức họp tổ dân phố, có cán bộ văn hoá quận xuống quán triệt, để các bậc phụ huynh kịp thời răn đe con cái. Mẹ tôi đi họp, tự nhiên, bà chửi đổng rõ to: “Vú lồn là bố mẹ nó cho nó, là giời cho nó. Giời thương nó giời cho nó lồn đẹp vú đẹp. Nó đưa lồn lên in -tờ -lét chứ nó đưa lồn lên mặt trăng thì đã chết bố con thằng nào. Chả khoe cũng phí. Dào ôi, đạo đức cái chết tiệt ba cái chuyện cởi truồng với mặc quần. Rõ là lũ thối mồm. Rõ là giống ghen ăn tức uống. Mấy thằng liền ông thấy lồn người đẹp hơn lồn vợ mình, tức, chửi. Liền bà thấy lồn người xinh hơn lồn mình, tức, cũng chửi. Rõ nỡm. Đéo mẹ cha nhà nó chứ, như bà đây, cả đời giữ lề giữ thói, có cái lồn cứ giữ khư khư cho thằng giời đánh, ngứa cũng đéo dám gãi, để nó vác cặc nó đi với gái. Rõ thật là …”. Cả hội trường xôn xao như ong vỡ tổ. Tôi phải chạy ra năn nỉ mãi bà mới thôi.***

Cái hồ xóm tôi nước vẫn trong xanh, những hàng dương liễu vẫn thướt tha rủ bóng. Con đường quanh hồ được lát gạch, đặt nhiêu ghế đá. Gìơ thì cái hồ này cũng nổi tiếng lắm, quanh đó, những quán bar karaoke mọc lên san sát, đèn xanh đỏ nhấp nháy, nhạc xập xình. Nhiều ông Tây bà Đầm và các cặp tình nhân nội địa khoác vai đi dạo mát

Một buổi trưa, tôi ngồi trong quán café ven hồ, chợt một cảnh tượng vô cùng quen thuộc diễn ra. Một thằng bé chạc 10 tuổi chạy thục mạng, vừa chạy vừa cười nhe nhởn, phía sau là một gã trung niên cởi trần trùng trục, tay cầm roi, miệng hò hét chửi bới đuổi theo. Nghe nói, ban quản lí công trình đô thị đã ra sắc lệnh cấm tụi trẻ con xuống bơi dưới hồ, nên tôi không hiểu bố con nhà kia đuổi nhau vì lí do gì.

Họ cứ đuổi nhau vòng quanh hồ, cho tới khi tôi ra về, họ vẫn tiếp tục đuổi bắt vòng quanh.

5. Chuyện nhà Bá Cò
Xóm tôi là một liên kết các con ngõ nhỏ, chằng chéo xiên xẹo, đan vào nhau như mạng nhện. Nhà tôi nằm cuối một ngõ cụt. Có vẻ như nhà tôi nằm vào vị trí trung tâm. Bởi vậy, mọi sinh hoạt của cư dân trong xóm, tôi đều [nghe nhìn] thấy rất dễ dàng. Xóm tôi có nhiều chuyện vui.

Con đường chạy ngang mặt xóm tôi , nói chung là một đường phố tĩnh lặng buồn tẻ. Dọc hai bên đường là những cây bàng già nua ốm yếu và buồn tẻ không kém con đường. Con đường chỉ xao động lên đôi chút khi trường tiểu học phóng thích chúng tôi. Và nó đáng được gọi là phố khi vào đầu tháng có bán cá biển ướp muối theo phiếu. Nhà ít nửa cân, nhà nhiều ba kí (tính theo nhân khẩu) hả hê tập trung ra cái máy nước công cộng băm băm chặt chặt, cãi nhau chí choé. Ruồi nhặng vi vu. Mùi cá bốc lên tanh khắm.

Ở đầu con ngõ cụt là cửa hiệu cắt tóc đồng thời là nhà ông Bá Cò. Ông Cò người thấp đậm chắc nịch tóc húi cua, trông rất hãi. Ông có hai vợ, bốn thằng con trai. Không hiểu vì lí do gì, cứ vào khoảng năm giờ sáng và sáu giờ chiều, mùa đông cũng như mùa hè, ông Bá Cò lại nghiêm trang chửi vợ chửi con. Nội dung câu chửi của ông cũng chưa bao giờ thay đổi. Ông chửi thế này: “Địt mẹ chúng m … ày …! Kh … ốn … ạn ! Bú … c … ă … c !”. Hai bà vợ của ông, to béo đẫy đà đỏ au núng nính, nhưng chưa bao giờ dám hó hé cãi trả một câu. Có thể ông Bá Cò oai như vậy vì ông kiếm nhiều tiền. Cửa hàng của ông rất đông khách. Thấy mọi người bảo ông cắt đẹp. Duy nhất, trong xóm tôi, chỉ có nhà ông là chủ nhật nào cũng ăn thịt.

Sau 30 năm, con đường nhỏ buồn tẻ chạy qua xóm tôi, giờ đã thành một con đường đôi đẹp có tiếng của thành phố. Dọc hai bên đường, thay cho những cây bàng là hai hàng đèn cao áp thẳng tăm tắp. Nhà cửa đua nhau mọc lên, toàn hai ba tầng, san sát. Ở đầu phố, một khách sạn 30 tầng liên doanh với nước ngoài đứng lừng lững vẻ bặm trợn. Nhà ông Bá Cò cũng vậy, bây giờ nó là một “beauty salon” hoành tráng. Không khí ngột ngạt. Âm thanh xe cộ nhức nhối. Rất ra dáng. Rất hiện đại.

Thời gian trôi thật nhanh. Mới đấy mà đã ba mươi năm. Tôi còn nhớ như in cái buổi chiều ba mươi tháng tư năm bẩy lăm. Khoảng hai giờ chiều, đài tiếng nói Việt Nam đưa tin thắng trận, ca khúc bất hủ “Như có Bác trong ngày đại thắng”” vang lang lảnh xen lẫn tiếng chửi từ nhà ông Bá Cò (trong xóm, chỉ nhà ông Bá Cò là có đài. Một chiếc “o-ri-ông-tông”).

Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng … Địt mẹ ch… úng …m…à…y ! Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng … Kh… ốn … n …ạn ! Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông … Bú … c… ặ … c

Đấy là lần duy nhất ông Bá Cò phá lệ. Ông đã chửi không đúng lịch. Tôi cũng không hiểu vì sao.

Tôi xa nhà đã lâu, nay trở về ngỡ ngàng. Khó khăn lắm tôi mới tìm được nhà mình.

Trời mùa đông, năm giờ sáng còn tối đen. Đang say sưa trong chăn ấm tôi chợt choàng tỉnh giấc. Giọng ông Bá Cò sang sảng cất lên: “Địt mẹ chúng m …à …y ! Kh …ốn … n …ạn ! Bú …c…ạ …c !”

Tôi bảo mẹ: “Ông Bá Cò năm nay dễ đã ngoài tám mươi, mà giọng ông ấy còn khoẻ ghê!”. Mẹ tôi bảo: “Lão Bá Cò chết lâu rồi. Đấy là giọng thằng Cử. Thằng cả đấy. Nó cũng lấy hai vợ”.

Trước cửa nhà tôi là một khoảng sân, rộng chừng gấp rưỡi chiếc chiếu đôi. Có lẽ đây là một khoảnh đất duy nhất còn sót lại của thành phố này chưa phủ bê tông. Buổi trưa hôm ấy, có mấy đứa trẻ tụ tập chơi bắn bi. Chúng chơi và cãi nhau nhí nhéo như mọi trẻ con khác. Có một thằng bé thấp đậm chắc nịch, tóc húi cua gây cho tôi sự chú ý, vì mỗi khi cãi nhau với đứa khác, nó đều kết bằng câu: “Địt mẹ mày ! Khốn nạn ! Bú cặc”.

Mẹ tôi bảo, đấy là con trai thằng Cử.

Đúng là trẻ con. Chỉ có trẻ con là hay phá lệ bừa bãi.

Đất nước độc lập thống nhất ba mươi năm. Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới gần hai mươi năm. Xã hội vặn mình như rồng cuốn. Xóm tôi vươn vai như rồng leo. Cư dân xóm tôi cũng như người dân cả xứ sở này, thay đổi từng giờ từng phút. Vậy mà ba đời nhà ông Bá Cò vẫn: Địt mẹ ! Khốn nạn ! Bú cặc !

Đến lạ.

Vương Văn Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn