BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76323)
(Xem: 63017)
(Xem: 40409)
(Xem: 32006)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Chút Kỷ Niệm Với Hà Chưởng Môn

01 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1523)
Một Chút Kỷ Niệm Với Hà Chưởng Môn
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Bây giờ Lão Thi Bá Hà Thượng Nhân đã phiêu du vào khung trời vô định. Có thể cụ đang mỉm cười khi tôi viết những giòng này để nhớ về cụ. Cụ thường phán những việc làm vụn vặt là "Trẻ con!"

Lúc đầu khi mới quen biết, cụ bắt phải gọi là anh. Cụ nói: "Bọn mình văn nghệ văn gừng mà cứ chú chú, ông ông nghe nó nặng nề quá." Nhưng khổ nỗi tôi lại là bạn của con cháu cụ nên cuối cùng tôi xin phép gọi cụ là chú. Nhiều bạn bè nghe tôi kêu cụ là chú lại cứ nghĩ là có họ hàng? "Thấy người sang bắt quàng làm họ" nên cứ phải thanh minh thanh nga miết. Cụ gốc họ Hoàng như tôi, nên gọi cụ là chú thì cũng không mấy sai gì.

Gặp lại cụ vào cuối thế kỷ 20 sau một thời gian dài xa cách. Trên đường đưa cụ về thăm con cháu ở thành phố Tulsa, Oklahoma; lúc đó cụ chưa tới 80. Suốt gần hai giờ lái xe cụ kể đủ mọi chuyện trên đời. Những năm sau cứ mỗi lần có dịp đi San Jose tôi lại ghé thăm cụ. Hai lần sau cùng thì cụ quá yếu không đi đứng được bình thường nữa, nhất là lần cuối cách nay hơn một năm. Thể xác hao mòn cùng tháng năm, nhưng cụ vẫn còn rất tinh tường. Cụ có thể nhớ lại những vần thơ của cụ hay của bạn bè đã viết nhiều chục năm trước. Chẳng vậy mà nhiều vị ví cụ như "Cuốn tự điển của thơ văn". Hồi còn trẻ cụ là bạn học cùng lớp với nhà thơ Hữu Loan ở Thanh Hóa. Cụ kể lại từng chi tiết mối tình của Hữu Loan và những hệ lụy từ tình yêu mà nhà thơ Hữu Loan phải hứng chịu trong trận đòn thù "Nhân văn giai phẩm" những năm đầu thập niên 50!

Một đôi lần thắc mắc tôi hỏi cụ: "Sao chú không có một tác phẩm nào để lại vậy"? Cụ mỉm cười, nụ cười thật đẹp và hiền: "Để làm gì cháu. Người đời tích thơ mình thì nhớ, còn không thì quên. Sống ở đời đâu phải mọi người đều yêu mến mình. Ghét thương là chuyện thường tình, mình cứ sống thật với lòng mình là tốt rồỉ." Từ cuộc sống đến suy nghĩ cho đến thơ văn, tất cả với cụ thật giản dị.

Cụ không nghiện rượu, nhưng cũng thích lai rai khi có bạn bè. Một lần tôi ghé San Jose thăm vợ chồng người bạn là cháu của cụ, cũng lâu lắm rồi nên không nhớ chính xác năm nào nữa. Hôm đó ngoài cụ Hà, vợ chồng người bạn còn có anh chị Đào Văn Bình và vợ chồng tôi. Tất cả cũng hạ hết mấy chai vang với món chả cá quê hương miền Bắc. Ngày đó cụ còn khỏe, giọng ngâm thơ của cụ còn sang sảng. Cụ kể những chuyện "ngày xưa còn bé" những bài thơ về một chuyện tình. Tiếng cụ Hà nhẹ, rất nhẹ như hơi thở, thật ấm áp. Trong khi kể chuyện đôi mắt cụ mơ màng như đang gửi hồn vào một cõi xa xăm nào của quá khứ. Trên đôi môi lúc nào cũng như phảng phất nụ cười đang nở.

Nhớ lần gặp cụ Hà trên "Đỉnh gió hú" Long Giao sau ngày nước mất nhà tan: "Tưởng cậu chạy kịp rồi chứ, dân Vũng Tàu mà sao còn vào đây"? Tôi cười đau: "Bỏ anh em lại sao đành chú, âu cũng chẳng thoát nổi số mạng chú ạ!"

Mấy tháng sau chuyển lên "Đỉnh gió hú" rất vô tình tôi lại nằm ngay chỗ cụ. Phía dưới cái ghế ngồi cụ viết lại một bài thơ bằng bút chì, rất hay. Tôi có đọc loáng thoáng thấy có vị nào đó kể là bài thơ của cụ viết trên một tấm ván ép. Bây giờ tôi không thể nào nhớ lại hết bài thơ ngoài hai câu "Anh thương em từng phút, anh nhớ con từng giây".

Thoáng đó mà đã ba mươi sáu năm trôi qua, Hà chưởng môn đã vội vã ra đi không chờ nổi một ngày trở về thăm quê cũ! Mấy năm trước tình cờ đọc bài thơ gồm 88 câu lục bát của nữ sỹ Huệ Thu mừng sinh nhật thứ 88 của cụ trên tờ nguyệt san Nguồn hay trên Net, tôi cũng không nhớ nữa. Ngồi buồn tôi họa lại bài thơ 88 câu gửi chúc thọ cụ. Đâu khoảng hơn tuần sau tôi nhận được bài của cụ gồm đủ 88 câu lục bát với chính thủ bút của cụ, lời thơ đơn sơ và thật chân tình. Trước đó cụ còn gửi cho tôi hai bài song thất lục bát cũng bằng chính nét bút của cụ. Bây giờ trang thơ của cụ gửi tôi lưu lại như một kỷ niệm quý trong đời.

Một lần khác, khoảng 2006 tôi nhận được một phong bì chứa 11 tờ giấy gồm 21 trang thơ. Phần chính của những trang giấy này là hai lời giới thiệu 1 và 2 "TIẾNG KHÓC ĐÊM TÂN HÔN". Theo tôi nhận định thì cả hai bài giới thiệu này đều do chính cụ Hà viết. Tôi đã viết về mối tình này trong bài "CHÂN DUNG MỘT NHÀ THƠ VÀ MỐI TÌNH SẦU" đã phổ biến trên báo chí.

Lần cuối cùng tôi về thăm cụ cách nay hơn một năm. Sau khi người con trai thường săn sóc cụ đột ngột từ trần, tinh thần của cụ bị suy sụp nặng. Cụ không còn đi đứng được nữa! Cụ ngồi trên xe lăn, người săn sóc đẩy xe ra phòng khách. Cụ như một ngọn đèn leo lét. Ngọn đèn chợt lóe sáng khi cụ nói về thơ phú. Trí nhớ của cụ đã không còn như những ngày trước. Tôi thầm hứa là sẽ về đưa tiễn cụ trong lần ra đi cuối cùng. Khi từ biệt tôi nắm chặt bàn tay xương xẩu của cụ để nghẹn ngào với câu từ biệt : "Thôi cháu về!"

Tôi đã không thực hiện được lời tự hứa. Cụ giã từ cuộc đời để thảnh thơi ra đi vào lúc 7 giờ 45 chiều ngày 11 tháng 10 năm 2011, và tôi nhận được tin buồn vào buổi sáng hôm sau. Tôi đã không thể nào ra đi khi bên cạnh tôi là người vợ thân yêu đang bị bệnh nặng! Có những điều mình muốn làm nhưng đã chẳng thể thực hiện được. Tôi đành nhờ người bạn cũng là cháu của cụ thay tôi thắp cho cụ nén nhang trước vong linh cụ!

Trong ngày Hà Chưởng Môn "Trở về với cát bụỉ" ngày 18 tháng 10 năm 2011 tôi đã hoàn tất bài lục bát KHÓC CHÚ HÀ THƯỢNG NHÂN. Tôi dùng giòng lục bát để trải tấm lòng của tôi dành cho một Nhà Thơ Lão Thành, một Chiến Hữu trong QLVNCH, một người Cựu Tù Nhân Chính Trị và cũng là một người chú mà tôi hằng kính trọng.

Chúc chú Hà Thượng Nhân an giấc ngủ ngàn thu!

Vùng gió xoáy 18-10-2011

Du Yên

KHÓC CHÚ HÀ THƯỢNG NHÂN

Ôi thôi chú đã đi rồi
Chú đi bỏ lại đất trời Việt Nam
Quê hương nay vẫn lần than
Muôn dân giờ vẫn cơ hàn chú ơi
Cớ sao chú vội về trời
Để thu tan tác tơi bời lá bay
Nhớ xưa lao lý những ngày
Nắng mưa chẳng quản đọa đày tấm thân
Mắt nhìn thẳng mặt cộng quân
Một bầy bán nước vừa đần vừa ngu
Có mắt mà cũng như mù
Mị dân xây dựng ?cần cù bần nông?
Ăn cướp lên mặt kể công
Ngu si dốt nát tham ?hồng hơn chuyên?
Mở miệng thưa gửi ươn hèn
Tôn thờ Lê-Mác nên quên giống nòi
Chú nay vội vã xa đời
Còn ai chia một trận cười thế gian
Bút gươm diệt cộng tham tàn
Chú đi để lại muôn vàn tiếc thương!
Vùng gió xoáy - ngày 18-10-2011
Du Yên


TÁM MƯƠI TÁM CÂU LỤC BÁT
MỪNG HÀ CHƯỞNG MÔN TRÒN 88 TUỔI

Ôi chao đã chẳng kịp rồi,
Không về chúc thọ lỡ hoài dịp vui,
Hậu bối dạ cứ bồi hồi
Nhớ về quá khứ một thời đau thêm,
Lao đao khổ lụy bao năm
Vần thơ xưa đã làm mềm bước chân
Duyên may hội ngộ đôi lần
Nhưng sao so được cho bằng hôm nay
"Bát bát niên" tuổi choáng say,
Bạn xưa giờ gặp, mi mày có saọ..!


Kể từ, nghiệp dứt binh đao,
Xuân này sao đoá hoa đào làm ngơ?
Đầu Xuân khai bút viết Thơ
Phạm Tiên sinh nhớ cánh đò trên sông
Cảm thông riêng để trong lòng
Đời nhiều gian trá sao đong lòng người...
Ôm niềm đau, cụ vẫn cười!
Thơ không gom lại tờ rời dễ cho *
Để danh cụ mãi thơm tho
Mặc người... nhọc xác đi dò lòng ai.

Một thời sát cánh chung vai
Để giang hồ thoả chi trai với đời,
Vang danh tự thuở đôi mươi
"Đàn Ngang Cung" khẩy vang trời, một bên...
Bút thép vạch kiếp sống hèn
Trải bao tai họa, ưu phiền... vẫn ngông!
Sống nghèo không động của công
Luân Hồi chữ sắc với không coi thường
Với cụ chỉ có một đường :
" Trong đời quý nhất tình thương ấy mà..."


Tám mươi tám tuổi, dẫu già!
Vẫn cùng bạn cũ khề khà rượu ngon.
Bể dâu, đâu quản mất còn
Thì sao lại để cõi buồn lân la...?
Bạn còn, bạn mất tới nhà
Thương nhau há kể đường xa nẻo gần,
Dù đại dương có rẻ phân
Cũng coi như đã dự phần tỉnh mê
Mong ngày thở lại hương quê
Để cho đời trải mọi bề, vạn nan...!

Buồn! sau ngày chinh chiến tàn
Đời theo vận nước như làn gió sương
Tổ Quốc xa... đời ly hương,
Cứu dân cứu nước tìm đường nẻo nao?
Đọa đày dân, lại hô hào,
Cửa nhà tù mở, chui vào hết ra,
Anh em sáo thịt, nồi da !
Còn phường phản quốc như hoa được mùa,
Đất, biển dâng hiến như đùa
Có tiền đầy túi, được thua coi thường...

Quê Mẹ giờ cách đại dương
Lại chung số phận ly hương cùng Người
Đau thương chỉ oán đất trời
Sao quê hương mãi chịu thời lao lung
Che lỗi lầm bằng ?tại, nhưng...!?
Dân đã khổ đủ hãy ngừng trò chơi
Một đời dâu biển rã rời
Thăng trầm thế sự trách người lẫn ta
Tuổi chồng chất thời gian qua
Nhận thêm một tuổi... tưởng già từ lâu !

Tuy giờ đã bạc mái đầu
Vẫn như hồi trẻ, ran câu chuyện cười
"Đàn Ngang Cung" vang khắp nơi
Vần thơ vẫn mãi khứ hồi như xưa
Men rượu dần ngấm ý thơ
Cây đa vàng lá chẳng chờ gió thu...
Viết đôi giòng để vui đùa
Tính Người đâu thích xe xua ngoài đường
Luôn cười mà chẳng thèm buồn.
"Xin cầu chúc cụ khỏe luôn để mừng"

"Bát thập bát tuế" mừng Ông
Thơ còn mang nặng nỗi lòng trung niên
Môi luôn hé nụ cười duyên
Bao nhiêu bằng hữu về thêm, xin mời
Dù sống riêng một góc trời
Chỉ mong hội ngộ trong đời, đôi khi...
Cạn niềm nhớ thuở xuân thì
Người Thơ đâu nỡ trách chi lỗi lầm
Biết cụ từ thuở xa xăm
Trang thơ cụ tặng vẫn cầm xum xoe...

Nhớ xưa: "Mỗt thuở đi, về"
Sống giản dị, chẳng nhiêu khê, rối mùng
Cầu mong tuổi hạc tinh anh,
Một lần tái ngộ, viên thành cuộc vui
Sinh nhật cuả cụ qua rồi,
Chỉ xin chưởng bối mỉm cười lượng dung
Trách chi tên lãng tử...khùng
Tuy vui đấy, biết đâu chừng... lẻ loi !

Du Yên

* Cụ đã viết gửi tặng hai bài song thất lục bát

Bài thơ này chú Hà Thượng Nhân viết tay. Xin đánh máy
lại để gửi đến quý vị cùng thưởng lãm những vần thơ của
Hà Chưởng Môn:

NỐI ĐIỀU BÀI 88 CÂU CHÚC THỌ
CUẢ DU YÊN

Ờ là cậu cháu Du Yên,
nhớ ngày sinh nhật chưa quên tuổi già
người ta thì gọi lão Hà...
cháu thương cháu gọi chú Hà Thượng Nhân.
sinh ra giữa cõi càn khôn,
Gì hơn tình nghĩa hàn ơn nơi mình
Cám ơn các cháu thật tình,
Vẫn là người bạn nhà binh thuở nào
cũng trong cải tạo gian lao,
Chặt cây, đốn gỗ có bao giờ từ?
Tản cư rồi lại di cư
Giật mình mới biết hình như đã già
Tấm lòng còn vẫn thiết tha
Tâm tình còn vẫn mặn mà xưa nay
Vẫn là chén rượu còn say,
Gặp nhau ôm cả đôi tay cùng cười
Tuổi ừ thì ngoại tám mươi,
Nhưng mà nghĩ lại vẫn người ngày xưa
Mặc bao nhiêu nỗi nắng mưa
Chẳng thừa cốt cách vẫn thừa phong lưu.
Một đời chẳng biết cơ mưu
Nhường ai ngựa gấu, áo cừu mình không
Đã từng Nam Bắc Tây Đông
Quý nhau chỉ một tấm lòng mà thôi
Người như còn nhắc đến tôi
Ngang cung muốn gẩy mà rồi cũng quên
Nhanh chân họ cướp ghế trên,
Một đời vui mãi làm tên lính già,
Lại thêm mấy khúc thi ca
Vẫn còn nhớ đến rằng ta sinh ngày...

Du Yên thân mến,
nhận được bài thơ chúc thọ của Du Yên, chú cảm động
quá, viết luôn một mạch, không sửa chữa để gửi cháu.
Xin cám ơn, xin cám ơn.
Hà Thượng Nhân


Quen nhau là đã dịp may
Thân nhau là đã duyên may giữa đời
Muà xuân xứ lạ quê người
Bổng nhiên nhớ quá đất trời Việt Nam.
Bao giờ về lại núi Lam
Nhớ anh em quá ta làm thi nhân
Ở xa thì cũng như gần,
Năm châu thì cũng có ngần ấy thôi
Quê xưa trải chiếu mình ngồi,
Một ly rượu đế đủ rồi phải không ?

Trời Tây lại nhớ trời Đông,
Nằm trong gió lạnh nhớ vùng thanh xuân.
Rượu chưa tót đủ mấy tuần,
Mà nghe bóng xế tà huân bên lầu
Ta đâu mà bạn ổ đâu ?
Ngàn câu chỉ cốt một câu chân tình.
Chúng ta chẳng ngại hư vinh
Nhưng nghe mãi chữ chủ sinh cũng buồn
Ô hay giọt lệ nào tuôn
Trời mưa tự thuở mình còn thanh niên
Chú không vì nỗi lòng điên
Mà quên ngay được người hiền Trúc Lâm
Thôi thì dù lỡ hay lầm
Hơn nhau riêng chỉ cái tâm chân thành.
Anh còn tôi, tôi còn anh
Cỏ cây còn một màu xanh đón mừng
Mùa xuân, ờ biết đâu chừng
Còn chờ mở hội tưng bừng quốc dân.
Bấy giờ xa cũng như gần
Lính già chen mãi bước chân ta về
Ta cười ta khóc hả hê
Thì ra còn một lời thề tuổi xanh
Hoa lê trắng cả đầu cành
Nắm tay: là chị, là anh thuở nào.
Xin đem rượu quý rót vào
Rằng ta cũng đã ngọt ngào cuộc chơi
Du Yên người bạn nhỏ ơi
Tám mươi tám tuổi cuộc đời còn chi
Còn đâu mái tóc xanh rì
còn đâu tiếng hát thiếu nhi thuở nào
Ta còn nhận được ta sao,
Tưởng như tất cả bay vào hư vô,
Ai đi xây dựng cơ đồ ?
Ai về tàn giấc giang hồ lòng đau
Ngoài vườn rụng một mo cau,
Và còn thấm mãi muôn sau nỗi nhà
Về đây hát lại lời ca
Tặng non tặng nước, tặng ta tặng mình
Viết cho thấu chữ bất bình
Viết cho rượu ngọt mà hình như cay
viết cho ngàn kẻ cùng say
Tiếc không còn cánh chim bay thuở nào
Thời gian là cớ làm sao ?
Cái còn cái mất lạc vào như không !
Lửa chưa tàn một chữ ngông,
Đã nghe trên dưới bốc đổng càng say
say rồi ta nắm bàn tay
Nhìn ra không lẽ chú mày già chăng ?

Du Yên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn