BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77502)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32412)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Buổi Sáng, Ngày Ba Mươi

10 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1387)
Buổi Sáng, Ngày Ba Mươi
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44
Có những sự kiện nhỏ bé xẩy ra trong khoảng thời gian lặng lẽ của đời sống bình thường, thuộc về một người nào đó – Nhưng chúng luôn được nhớ lại – Bởi cảnh sống nhân sinh thật ra thì đâu cũng chừng ấy sự việc, với những con người, và tất cả đều có chung một mẫu số: Ai cũng một lần thấm đau. Người Mẹ nào cũng thấm đủ Cơn Đau. Thánh Mẫu Maria, Phật Quán Thế Âm là những Người Mẹ Khổ Đau Nhất.

Cuối năm Âm lịch là thời điểm làm Người Việt thường sống lại, nhớ lại rất đầy đủ. Với tận cùng

Để nhớ lần của Bà Ngoại với Nh. H

° ° °


1960 Căn gác gỗ được xử dụng làm nhà kho chứa những đồ dùng đã hư hỏng, cũ kỷ của một giòng họ; thay vì vất đi như quá khứ suy tàn, đã được giữ lại để nên chứng tích về một thời phú quý. Những đồ đạc tồi tàn phải miễn cưỡng coi trọng, vừa xem thường tội nghiệp. Sự tàn tạ suy sụp không thể che dấu nơi chiếc bàn thờ long chân mất cánh cửa tủ, khung xe kéo bánh gỗ nẹp vành cao su, lớp sơn then màu đen tróc những miếng loang lỗ trông như da người già trổ đồi mồi, bộ ghế trường kỷ phải dựa vào hai cây cột chính. Và cây cột cũng chỉ là khối tròn mỏng manh yếu ớt, lớp sơn son bên ngoài đã bị mối ăn suốt từng mảng lớn; thớ gỗ nứt dòn lốp xốp nếu bị đụng chạm, khẽ bóp hay dùng ngón tay, vật cứng ấn mạnh vào. Lõng chỏng trong đống đồ vật hỗn độn có hình khối vừa kể là những bộ phận không biết xuất phát từ những chủng loại, vật chất gì… Vài hộp gỗ sơn son thiếp vàng, khung của một chiếc lọng hay tán dù, những chân đèn, giá gỗ, bao áo gối vải xa-tanh hay một loại gấm đoạn bị rách tung toé, lỗ chỗ bông gòn vàng xỉn đen xám bày ra ngổn ngang. Và từng gói đồ dùng của những người từ lâu vắng mặt hay đã chết. Những người đã bỏ nơi nầy ra đi từ hằng hai, ba chục năm nay. Từ trong bộ ghế mây, đống đồ vật tối tăm chết chóc, dưới chân bàn thờ, trong chiếc quan tài để dành cho một người sắp chết luôn luôn có tiếng rì rì, kĩu kịt âm âm cuả loài mối, dán. Âm động của thời gian, quá khứ đang lụi tàn. Căn phòng luôn mờ mờ như có bó hương lớn đang cháy đỏ tỏa khói, do chỉ được nguồn ánh sáng chiếu qua những khe cửa lá sách và lớp kính từ bao lâu bụi đóng dầy.

Có con người nằm im trên nắp chiếc quan tài. Gã thiêm thiếp ngủ cùng căn phòng yên lặng như khối nhà mồ. Gã nằm như thế từ bao lâu không chuyển mình, bàn tay vói qua ghế tràng kỷ đè lên cuốn sách lật ngữa, nửa phần sách bật khỏi mặt ghế thỏng xuống sàn gác. Ý hẳn gã đã giữ cuốn sách ở vị trí lưng chừng nầy suốt giấc ngủ. Không nghe tiếng thở của người, chỉ âm ỉ rì rào của lũ mối tham lam thâm hiểm. Căn phòng tối rất nhanh theo bóng dâm từ ngoài hàng hiên đậm lại với buổi chiều. Người ngủ vẫn giữ nguyên vị thế nằm sấp bực bội, khó chịu, hai chân gấp lại chổng lên. Hóa ra gã đã thức tự bao giờ…

Con người ngồi dậy. Đấy là gã tuổi trẻ chưa đến hai mươi, tóc bồng lên phía trước rũ xuống trán, phía sau dài quá gáy lấp lên cổ áo lạnh. Và dù chiếc áo được may bởi hai lớp nỉ dày cũng không che đậy được phần cơ thể gầy gò tuy đang ở độ tuổi phát triển; vẻ gầy yếu do suy dinh dưỡng, không hoạt động cơ bắp nơi khoáng đạt, với chiếc cổ cao khẳng khiu lộ liễu, thêm bởi đầu tóc dài rậm. Tất cả làm nét khốn khổ điêu tàn càng đậm phần thảm hại. Tuy nhiên gã vẫn duy trì được vẻ láu lỉnh đùa cợt do nụ cười bất chợt trẻ thơ. Cách thế, phản ứng của loại người không muốn bị nhận chìm bởi hoàn cảnh.

Gã đi rón rén đến dãy cửa kính ngăn căn gác và lan can mặt tiền. Bước chân dù nhẹ cũng đủ làm sàn gác rung rinh, răng rắc chuyển động. Gã dò bàn chân cẩn thận tránh những lỗ nứt lộ liễu do mối ăn thủng, hai tay choàng chiếc chăn vàng nâu sát quanh thân người, đi đến khung cửa, tì trán vào ô kính nhìn xuống lòng đường… Hơi nhích đầu lui, gã dùng ngón tay di di bụi trên mặt kính, kéo một góc chăn chùi phần trán, xong áp mặt vào lớp kính sát hơn. Cặp mắt nâu đen nhìn chăm chăm xuống lòng đường loáng nước như thể gã đang tìm kiếm một điều gì tuy quen thuộc nhưng luôn mới mẻ. Mưa xứ Huế gây gây ẩm, khí lạnh thấm qua lớp kính mờ bụi căm căm.

Người thanh niên nhìn từ cực phải con đường, phía đầu con hẻm trải đá lồi lõm luôn đầy rác bẩn do những gia đình từ trong sâu đem ra đổ, nơi nầy là mặt sau của ngôi nhà lớn, hướng cửa chính mở ra phía Đường Gia Hội. Mình lại lẫn thẩn rồi, phải gọi là Đường Chi Lăng chứ. Thì lúc ấy còn bé nên quen gọi thế, mười năm hơn chứ ít gì.. Lúc đó mình đâu đã được mười tuổi, còn nhỏ chút xíu. Gã lẫm bẩm về những điều chợt nghĩ ra, cũng như muốn bào chữa khuyết điểm đã không nhớ chính xác về một điều gì có giá trị của quá khứ mà hiện tại tồi tàn nầy như một cách xúc phạm. Hắn ta tiếp tục dõi mắt từ chân đống rác đến nóc nhà. Trước khi mở tiệm bán xe đạp hiệu Rồng Vàng, nhà nầy là cơ sở gì, hẳn phải giàu lắm mới xây nhà lớn như thế kia? Khi nghĩ đến chữ “giàu”, gã xây mặt nhìn lui căn gác. Quái thật! Có tiền sắm những thứ quỷ nầy làm gì nhỉ. Khối tiền đấy chẳng chơi. Gã xoay hẳn người lại đưa chân lên mép tay dựa chiếc ghế trường kỷ, đạp lay lay. Coi chừng đấy ông ạ, sập lầu hết chỗ ngủ bây giờ. Gã nhìn quanh đống đồ cũ khinh miệt diễu cợt. Thế mà ông cũng nhờ nó mà qua mùa Đông đấy, đừng giở trò bạc. Gã lại đưa mắt nhìn lên nóc ngôi nhà lớn. Khoảng tường TAM GIÁC dưới đầu hồi.. Hình con Cò với hàng chữ số màu ĐEN 1922. Như thế căn nhà nầy có cùng năm mẹ mình sinh. Tại sao lại vẽ hình con cò, phải hình con chó mới đúng với năm ấy. Mà cũng phải thôi, ai lại đi vẽ hình con chó trên nóc nhà bao giờ. Và hình vẽ cũng đẹp đấy chứ, gần bốn mươi năm nét còn sắc. À còn chuyện nầy nữa. Không hiểu tại sao mẹ lại hay tự trào, “Con cò mà đi ăn đêm”. Có thể lúc trẻ bà cũng đã nhìn hình vẽ nầy và thắc mắc như mình chăng. Không phải thế đâu, thuở còn nhỏ mẹ mình đâu ở xóm nầy, nhà ông ngoại đâu trên Nam Giao cơ mà. Cũng không hẳn như vậy, anh không nhớ bà hay kể chuyện “Con ma cây khế” sao. Con ma cây khế ngồi ru con. Như thế nhà phải ở đâu đầu vườn bông, nơi con hẻm nhỏ. Vậy là có ma thật sao.. Mẹ mình đâu phải là người lắm lời nhiều chuyện, có thấy mẹ lớn tiếng và cãi cọ cùng ai đâu.. Hình ảnh con cò những kỷ niệm ngày nhỏ gây lòng vui vui, gã có cảm giác như đang chứng kiến, nghe đối thoại giữa hai mẹ con, sinh hoạt đầm ấm gã từng sống cùng, thực hiện, nay mất đi, xa xôi như nỗi bất hạnh, bất ngờ phải nhận ra nơi căn gác tồi tàn lạnh lẽo nầy. Có mẹ ở cùng vẫn hơn.. Không biết gã đã nói nên lời hay chỉ thoáng ý nghĩ. Chỉ biết gã lại rơi vào cảnh thực tế hiu quạnh buồn thiu. Mẹ mình bây giờ ở đâu?.. Chỗ làm việc lại đuổi mẹ, họ không chịu cho mẹ làm nhân viên, dù nhân viên phù động công nhật vì lý lịch chính trị. Như trường hợp ở Ty X Nha Trang vậy. Mấy hôm nay mẹ cứ lang thang suốt ngày trong sở thú, chẳng lẽ cứ ở hoài trong nhà người ta. Ngồi ở chỗ chuồng khỉ nhìn mẹ con khỉ đùa giỡn với nhau mà tủi thân. Gần bốn mươi tuổi vẫn không kiếm được miếng ăn nuôi các con, bỏ hai con ngoài ấy thật đau lòng cho mẹ lắm.. Mẹ biết làm sao bây giờ? Ai mua máu mình mẹ cũng bán ngay, làm sao cho hai con được bữa ăn qua ngày. Mẹ nói như thế là nói thật vì cũng đã đi đến chỗ mua máu, nhưng người ta cũng không nhận. Họ thấy mẹ quá gầy yếu, sợ lấy máu xong mẹ chịu không nổi mà ngất đi tại chỗ thì phiền cho họ.. Gã không nghĩ tiếp nữa, như có cái gì nghèn nghẹt ở cổ. Gã thở hắt ra từng hơi mạnh như muốn đẩy ra cục, khối vướng vít cay cay kia. Gã chặt chặt lưỡi như thể đang bị đứt tay hoặc phải chứng kiến cảnh tượng một người già đang đứng nép bên đường bị tên đi xe đạp bất cẩn tông phải. Sở dĩ gã nghĩ đến cảnh tượng kia vì dưới đường đang có hai, ba người đàn bà gánh gồng chạy lướt thướt. Thân người lấp kín dưới đôi quang gánh và tấm ni-lông, chỉ thấy dạng chiếc nón trắng đục trong màn mưa chiều tối. Hóa ra, ngày nhỏ mình thường thấy khó khăn nôn nao khi nhìn thấy những người đàn bà gánh hàng chạy trong mưa chỉ là do biết trước tình cảnh của chính mẹ mình. Nhưng, những người kia chỉ một lát nữa, họ sẽ về đến nhà, vặn to ngọn đèn dầu, đi xuống bếp, ngồi bên lò lửa với những đứa con quanh quẩn. Mẹ bây giờ ở đâu? Gã liếc về phía trái, lên trên tàng cây xanh đậm của hàng bông gòn, tượng Đức Bà in sậm trên nền trời và sau lưng, trên cao hình Thánh Giá. Gã chỉ nghĩ thế thôi, chứ thật ra không thể thấy hình tượng Thập Giá được. Phải cúi người xuống, nhìn chếch lên từ mép hiên nhà. Nhưng cũng phải vào buổi ban ngày, lúc trời nắng. Bây giờ, giữa cảnh mờ xám đất trời, với nỗi u uẩn trong lòng gã thấy Thánh Giá như một cách cầu viện. Thật sự gã cũng không thấy được tượng Đức Bà. Gã chỉ Biết nỗi buồn đau có thật.. Người Mẹ nào cũng đau khổ. Người Mẹ nào cũng thấm Đau. Chẳng biết mẹ mình bây giờ ở đâu?

Người đi xe đạp với chiếc cặp da vắt ở thanh ngang đằng trước dừng lại ở ngay mái hiên dưới đường, ông nhìn lướt qua từ nhà số 3 đến nhà số 7.. Gã thanh niên mở nhanh khung cửa, bước ra hiên lầu. Đây, đây.. Nhà số 5 có thư phải không? Khi người phát thư tỏ ý xác nhận thì gã đã leo qua thành lan can gỗ, hơi ngần ngại một thoáng ngắn trước khi đu thẳng người xuống đất.

- Có ai tên là Thái, Nguyễn Văn Thái?
Người đưa thư kéo tờ giấy màu xanh nhạt nơi cuốn sổ; để ra xa tầm mắt, đọc chậm rãi,
- Nguyễn Thái à.. Làm gì có ai tên ấy ở đây. Bác đưa thư cho em bao nhiêu lần, không nhớ tên em sao…
- Bởi thế mới hỏi, tên nầy lạ quá. Cậu tên Hải chứ gì. Đoàn.. gì Hải phải không?
- Vâng, Đoàn Trọng Hải.
- Đó, tôi nhớ đâu sai. Tại sao lại gởi cho ai tên Thái ở nhà nầy?
- Bác xem người gởi là ai, ở đâu..
- Không ghi địa chỉ người gởi, chỉ đề bệnh viện Nha Trang, người gởi tên.. Nguyễn văn Hai. Ông đưa thư kiểm chứng từ cuốn sổ cái.
- Em đâu quen ai ở bệnh viện Nha Trang, cũng không biết người nào tên như thế. Gã thanh niên trả lời nhanh tỏ ý không muốn nhận tờ điện tín. Có đe dọa ghê ghê đâu từ trong tờ giấy nhỏ màu xanh nầy.
- Hay là cậu cứ ký nhận đi, xong mở ra xem trong đó có gì. Nếu đúng là của mình thì nhận, không thì trả lại.
- Có bao giờ bưu điện chuyển tin sai không? Gã tuổi trẻ cố nài nỉ, tránh xa.
- Sai sao được, ghi-sê khi nhận đã kiểm soát một lần, người đánh điện tín coi lại lần thứ hai, sai là cả tổng đài chịu trách nhiệm. Có gì người ta mới gửi điện tín, tụi tui phải đi phát ngay, mưa gió gì cũng phải đến tay người nhận. Cậu ký đi, tôi chịu trách nhiệm mà.
Người thanh niên đưa tay nhận tờ điện tín như gánh chịu một phận cùng đành.

Bây giờ quả thật không thể chịu đựng nổi nữa. Gã đã ngồi bẹp xuống bậc thềm hồi nào không hay, tay vò vò tờ giấy, mắt di chuyển vô tình từ rặng cây, cột điện, đến dưới mái ngôi nhà lớn, chỗ hình vẽ con cò.. Có phải vậy không? Tại sao lại như thế.. Hình như gã đang lẫm bẩm những câu vô nghĩa, hoặc một nội dung mơ hồ, không nắm vững cách phát âm.
Gã xoay người vào trong, bò lê trên mặt đất, mồm ngậm tờ giấy. Gã bò đến cửa, thân hình lắc lư, run rẩy như con chó bị trấn nước. Gã cố đưa bàn tay qua ô cửa kính vỡ để kéo cây móc bên trong, nhưng bàn tay không còn điều khiển được cứ lần mò trên những ô mắt cáo. Giữ vị thế quỳ, đầu tì vào khung cửa, gã dùng bàn tay trái đỡ cùi chỏ cánh tay mặt, nâng lên từ từ.. Nhưng ngón tay vẫn rờ rẫm bạc nhược, không thể nào tìm ra ô thủng lỗ.. Cuối cùng, gã phải bám cả hai tay, chậm chạp đứng lên, xoay xoay chiếc tay cầm, lay lay cánh cửa. Tiếng khô nỏ chiếc thanh ngang rơi xuống, gã túm chiếc áo ở bụng như đang phải bị chấn thương mạnh, cong người lại, đi vào phòng, ngã xuống chiếc đi-văng gỗ, nằm cong queo như con tôm khô luộc. Anh đã THẤY hình dạng, đã cảm được, nhận ra ngây ngây hơi lạnh Sự CHẾT ở đây, trên chiếc đi-văng gỗ nầy.. Thằng Q, em mình nằm chết như thế nầy; có đâu mấy tháng.. Mười năm trước, 1950.

Lạnh! Cái lạnh từ trong cơ thể, nơi đường ruột rung rung sôi, nơi hoành cách mô bị ép cứng, trong dạ dày bị khuấy trộn, bàng quang muốn nứt đôi như đang đầy ứ nước tiểu. Mình có ăn uống gì đâu mà đau bụng và muốn tiểu thế nầy. Gã chỉ loáng thoáng nghĩ được câu ngắn ngủi, xong trở lại đối phó với cái lạnh kỳ quái càng ngày càng tăng. Đâu có tấm chăn, cái đắp.. Tấm chăn màu Đỏ quấn tròn xác đứa bé em, thò chiếc đầu lơ thơ những sợi tóc nâu nhạt.. Gã liếc xuống nền nhà, trước bàn thờ có chiếc chiếu dùng cho người ngồi quỳ lạy trong dịp cúng giỗ. Gã hơi ngần ngại vì bản tánh sạch sẽ, nhưng phản ứng nầy không kéo dài được lâu. Cơn giá lạnh chụp riết, thấm sâu. Gã đánh bò cạp, rên hừ hừ, bò xuống đất đến chỗ tấm chiếu. Khi đã đắp được thân hình, gã mới nhận ra được điều nghịch lý: Chiếc đầu nóng sôi như đang bị hắc ín chảy nhão rót theo hai giây thần kinh từ đỉnh đầu nối xuống gáy. Gã nằm mê mê, tờ điện tín đắp lên mặt.

…Sóng người đẩy dạt gã từ phòng đợi ra sân ga, ở đây đang đầy ắp những người mặc y phục quê xứ Bắc; y phục của ngày di cư năm 1954, vào Đà nẵng. Tất cả đều ở vị thế NẰM với những bao bị lớn màu cứt NGỰA. Cho dù vùng vằng chống cự, gã cũng phải bước qua đống hành lý hỗn độn và khối đông với cảm giác e dè.. Có những gai, đinh lẫn trong bao gói ngổn ngang kia. Những người đàn bà thoạt tiên nhìn gã với ý chế diễu, sau buông lời chưởi mắng, mỗi lúc một tồi tệ. Gã cố chạy trốn nhưng chân dính cứng xuống sân xi-măng bởi một loại dầu nhớt ĐEN. Gã thử rút một CHÂN.. Đôi giày há mõm trơ những cái đinh SẮT (Vừa bực bội vừa buồn cười như tình cảnh của phim Charlot coi ngày nhỏ) Nhưng bây giờ gã không thể há miệng cười được vì trong mồm đang đầy những HẠT trơn, tròn, trắng, nhạt nhạt. Những hạt nầy đóng ở vòm miệng, thành lưỡi nhưng không thể nuốt xuống hoặc nhổ ra, bởi nùi bông gòn chật cứng khô khan đầy miệng. Dầu dính chặt chân, đế giày thủng, những đinh gai, những bàn tay bấu víu, cào cấu trên cổ chân, tia nhìn khinh miệt, lời xĩ nhục. Tất cả trạng thái, tình cảnh kỳ cục khó khăn nầy hình như kéo dài bất tận. Mặc cho lời chưởi mắng, ta hãy cứ gắng đến cửa phụ lên được tàu đi Nha Trang với mẹ là xong. Gã tự nhủ khi lách người qua khe hàng rào gồm những cây cột màu trắng bê-tông cốt sắt, nhưng chỉ lọt được cánh tay, thân kẹt lại vẫy vùng, lúng túng. Làm sao bây giờ; tàu đã đến kia rồi.. Tiếng người cãi cọ, giọng Quảng Nam khắc khoải, đau đớn, tuyệt vọng… Những người đàn bà Bắc đồng loạt đứng lên. Tất cả chạy vào hẻm núi đá ĐEN, những bàn CHÂN trần xô đẩy, đạp lên nhau, ngàn vạn tròng MẮT hốt hoảng trợn trừng. Cảnh tượng càng trở nên hỗn loạn khi đoàn tàu rầm rập tới, còi hú dài rền vang. Tàu tiến vào sân ga, không một bóng hành khách, các toa dài thậm thượt chỉ chất đầy vòng cườm TANG và than đá ĐEN. Gã thanh niên bứt được qua khe hàng rào, chạy theo đám đông đàn bà, hướng mũi tên Đỏ trên tấm bảng mầu trắng có ghi rõ hàng chữ “ĐI HÀ NỘI”. Thế là không đi Nha Trang, phải ra Hà Nội, KHÔNG tìm được mẹ. Làm thế nào bây giờ?! Gã thanh niên bị đám đông kéo theo vào hẻm núi tương tự như lần đầu bị kéo ra khỏi phòng đợi. Và lần nầy cũng không phải cảnh khó khăn như khi bước qua đám đàn bà nằm nơi nhà ga mà đã là một tình trạng thực khốn khổ với những GAI nhọn đâm lút bàn CHÂN và DẦU ngập đến GỐI. Ô kìa, mẹ đang đứng trên núi cao, đỉnh núi ĐEN thẫm, tay mẹ cầm cuốn sách lớn bìa màu Đỏ.. Mẹ đưa con cầm hộ.. Gã muốn kêu lớn, nhưng không thể nào phát âm dù đã vùng vằng, cào cấu, thử đến lần thứ HAI, lần thứ BA. Gã cuống cuồng trèo lên sườn núi, cũng là cách thoát thân bởi hai sườn núi đang dần siết chặt lại. Từ vị thế chông chênh trên sườn núi gã nhìn lui.. Đám đàn bà đang trong cơn cuồng khấu tuyệt vọng, đạp lên đầu nhau tìm đường thoát thân. Người mẹ vẫn lặng yên nhìn gã xót thương, ánh mắt buồn thảm đau đớn và thân người bà nâng CAO dần với vị thế bất động.. Bà đưa cho gã cuốn sách. Nhưng khi gã chạm đến bìa thì cuốn sách biến thành cái KHUNG VÀNG: Từ trong rơi ra những hạt cườm như những hạt trơn trơn gã đang ngậm phải. Người thanh niên cố gắng trèo nhanh, tay bám vùn vụt lên những lằn đá núi. Đá cắt tay gã những đường máu Đỏ tươi. Hốt hoảng, gã di động tay qua những phiến đá khác. Chết rồi! Gã kêu lớn.. Mẹ ơi.. Nhưng người mẹ đã lẫn vào trong mây. Và tay gã ướt đẫm máu những vết cắt mới. Máu chảy đỏ trên sườn đá thành giòng. Gã dẫy dụa, cào cấu, lăn lộn trên sườn núi loang loáng máu. Người thanh niên vụt tỉnh giấc.. Nước mắt đầy tròng, chảy tràn xuống cổ, sau vành tai. Chưa bao giờ trong đời gã khóc dữ dội đến như thế.

…Anh Rô, anh Rô.. sao Rô khóc dữ rứa? Giọng đứa em sũng ướt lo âu. Nỗi tội nghiệp của con chó nhỏ sắp bị bán, cho đi hoặc bị giết. Con bé cầm tờ điện tín e dè.. Nó đọc những giòng chữ mã hóa khó khăn. Nước mắt dần chảy dài, tờ giấy hóa ẩm ẩm ươn ướt.

Bây giờ gã sống trong tình trạng tuyệt vọng của giấc mơ, hiện thực nơi toa tầu bẩn thỉu, ẩm ướt nhớp nháp và đứa em ngồi co ro bên cạnh. Con bé ngồi im do tiết lạnh, phần lo sợ chuyến đi bất chợt hiểm nghèo. Gió đùa mưa rây rây bay vào toa qua cửa sổ, đám hành khách nhốn nháo lên xuống, những gánh quà rong chao đảo đi lại ồn ào. Cảnh tượng ngoài trời nhòa nhạt trong vùng hơi nước xám đục, qua màn khói tàu kéo lướt thướt từ từ kết đọng trước khi tan. Gã trẻ tuổi chỉ phân biệt được loạt âm động đều đều nhịp bánh xe, tiếng máy tàu hừng hực, va chạm ngúc ngắc từ những tấm kim loại nối kết hai đầu của mỗi toa, hệ thống thắng siết, nhả dưới lườn xe.. Chen trong chuỗi âm thanh xao xác, tiếng khóc rấm rứt, nấc nấc tội nghiệp của đứa em. Hai anh em đến ga Nha Trang vào nửa đêm. Trên lối đi chìm bóng tối dẫn đến bệnh viện, người thanh niên có lúc nhận ra.. Biển đang gầm gừ chuyển động ở một nơi nào đó rất gần. Gần như sát bên cạnh, trong thân. Cơn lạnh từ chiều hôm qua hình như càng lúc càng siết chặt. Gã choàng tay ôm em. Hai chiếc bóng xao động chập chờn trên mặt đường theo tàng lá cây bị gió quật ngã nghiêng.

Người mẹ nằm sát mặt nệm như cành cây mục bị lấp xuống đất đã lâu. Dấu hiệu sự sống chỉ còn nơi tròng mắt, nhưng ánh mắt cũng đã lạc thần, thỉnh thoảng lóe lên tia nhìn kinh hãi van xin…

- Mẹ em bị “cancer vert”, ung thư gan. Chúng tôi không thể làm gì hơn được. Đây là triệu chứng của giai đoạn cuối cùng. Tiếc rằng không phát hiện từ trước và nền y tế nước ta không có phương tiện. Người bác sĩ diễn đạt, tóm tắt bệnh lý với cách thức khác thường lệ, vượt qua khỏi lạnh lùng khách quan nghề nghiệp.

- Dạ.. Hai anh em con cám ơn bác sĩ, cám ơn các chú, các cô y-tá ở đây… Chúng cháu chỉ hai anh em, không biết gì hơn, không có gì cả. Hai anh em thôi à. Một người nào đấy hỏi nhỏ. Vâng, cháu mười bảy và em cháu mười hai. Người bác sĩ và đám y tá bước ra, ông nói khẽ với nhân viên phụ trách trực tiếp giường bệnh.. C’est trop tard… Plus de morphine pour ell. Ông cố làm vẻ dửng dưng sau khi vỗ nhẹ nhẹ vai gã thanh niên.

Sự chết đã hiện nên cụ thể từ ngón chân lên đầu gối. Hai ống chân, đúng hơn hai ống xương chân phủ lớp da khô tái lạnh tanh, xuôi im tê liệt bất động. Tất cả phần thịt từ đùi bụng đã hoàn toàn teo khô, tiêu biến. Ánh mắt xiêu lệch, leo lét, trống vốc.. Lâu lâu người mẹ đão tròng mắt qua lại như tìm tòi, cố nhớ một điều gì hoặc lẫn trốn một sợ hãi đe dọa. Hình như bà muốn đưa tay lên nắm, sờ con, nhưng cơn đau đớn từ trong cơ thể lôi kéo, đẩy bàn tay vào một chuyển động rời rạc lẫn lộn. Những ngón tay run run đưa trước mặt, lay lắt khe khẽ như muốn hất bỏ, tách ra lớp da thịt, bộ phận nào trong cơ thể đang bị lỡ loét, nhức nhối, đau đớn.. Những ngón tay bất chợt thả xuống, bấu vào mép chăn, sờ sò lên ngực, gạt nhè nhẹ ở bụng. Động tác tuy yếu ớt nhưng tia nhìn bỗng loé lên ánh quyết liệt. Lần quyết định cuối cùng để bức thoát khỏi nỗi đau quá sức chịu đựng.

..Mạ.. mạ.. đau..quá.. Chiếc lưỡi cử động khó khăn.. Mỏi chân lắm.. mạ bỏ hai đứa.. Tội lắm. Người mẹ không nói được hết câu, đưa hai cánh tay lên che mắt. Con chim heo bay qua kêu thét tiếng ngắn. Âm rờn rợn ác độc xẻ bóng tối chập chùng, đêm mùa đông sũng ướt, miền biển lộng gió chướng.

Người thanh niên gỡ cánh tay bà mẹ xuống. Anh mở mí mắt sụp cứng, nhìn vào tròng mắt đứng sững. Mẹ chết thật rồi em ạ.. Gã nói tiếng nhỏ. Thật sự chỉ mấp máy môi. Đứa em cắn chặt những ngón tay giữa kẽ răng, vùng vằng đầu tóc ngắn.. Em không biết.. Em không biết.

Bên ngoài, phía biển hình như gió thổi mạnh hơn. Người tuổi trẻ đột nhiên nghe tiếng sóng dập dồn mạnh mẽ rồi bất chợt lặng thinh. Ngày chưa đến, bóng tối nhờ nhờ qua khung cửa sổ dưới tàng cây đục màu chì.

Gã nhìn xuống ngôi mộ vừa mới đắp, mưa nhỏ rây ướt thấm mềm lớp đất nâu đỏ như cặn máu. Vậy là kết thúc đời của mẹ. Một đời người. Gã đã đến đây từ Huế, người mẹ đi ra từ Sài Gòn.. Hai mẹ con gặp nhau ở đây, một nơi chốn không hề định trước. Trên sườn núi lưng Đèo Rù Rì, gã trẻ tuổi nhìn theo con đường nhựa đen, Quốc Lộ I chạy thấp thoáng uốn lượn, lẫn khuất giữa đá núi, đồng ruộng và bờ biển. Quay lại hướng thành phố Nha Trang, những khối nhà hỗn độn, cầu xóm Bóng, hàng dừa xanh màu lục đậm cùng màu mặt biển nằm im. Đèo Rù Rì. Tên nghe lạ quá. Mẹ chưa tới bốn mươi. Mẹ chưa hề trọn một buổi ngày vui vợ chồng, hạnh phúc gia đình đầm ấm. Động tác thoải mái, nét mặt thư thả, bình yên nhất là những khi mẹ đã chùi xong nền nhà, ngồi chống tay trên mép giường, nhìn chiếc sàn loang loáng nước.. Nắng hanh chiều cuối năm dọi vàng ô chữ nhật đổ chéo từ ngoài hiên hắt bóng vào. Những giờ khắc quá ngắn như màu nắng chiều cuối năm hiu hắt. Niềm vui của mẹ cũng mau chóng thoáng qua như buổi giao hòa đất-trời, cũ-mới, của ngày tận cùng, đêm trừ tịch. Mẹ thắp hương, nhỏ bé mong manh đứng trước bàn thờ, nét mặt phảng phất khói nhang, đôi ngươi loáng sáng ánh nến. Và mẹ hình như mĩm cười. Đang hoan lạc lung linh. Mẹ mình chỉ có những phút vui quá ngắn và KHÔNG THẬT. Và từ một tế bào nào đó tận sâu trong cơ thể đã gây nên một cơn ĐAU có THẬT làm run cánh môi, làm ánh mắt lo sợ lạc thần, đẩy đẩy những ngón tay tuyệt vọng co quắp. Và có thật sự mất mát tưởng như không thật nầy. Nơi nấm mộ nằm im không kẽ nứt, giữa núi đá trùng trùng vây kín và biển im lặng ngoài xa.

Đột nhiên, gã nhớ ra sáng hôm nay, ngày Ba-mươi Âm lịch. Chiều nay, chiều cuối năm, và sẽ là đêm Giao Thừa. Như thế, Tết nầy Mẹ không ở với mình. Mẹ sẽ mãi không có.

Phan Nhật Nam

Nhớ một lần cuối năm ở Nha Trang.
Tết Năm Tân Sửu, 1960-1961
& 6 tháng 11, 2003 ở Huntington Beach, California.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn