BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73362)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mơ Giấc Đời Thường

13 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 1736)
Mơ Giấc Đời Thường
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong đời tôi có những giấc mơ bất chợt, không tưởng lại đến. Không là vì hết, lại gặp. Có bao giờ bạn tưởng được người tôi muốn nói đến là Hồ diệu Bang, lảnh tu đảng ngày nào của Trung Quốc. Tôi không bao giờ nghĩ đến ông ta, và cũng không hiểu sao ông xuất hiện, trong cơn mơ lạ kỳ nầy. Điều tôi có chút cảm tình với ông, qua việc sinh viên biểu tình ở Thiên An môn trước đây. Những giọt nước mắt thương tâm ở một người lãnh đạo, trước thân xác những người trẻ tuổi chống áp bức, đòi hỏi dân chủ công bằng xã hội. Nhưng cũng chính những lời phát biểu, đứng về phía quyền đòi được làm người. Những giọt lệ chắc không muốn cho ai thấy, biểu lộ bề trong một con người thật, làm địa vị, sự nghiệp bị kéo xuống, cho đến cuối đời ông nhắm mắt.Tôi không hề quen biết ông ta. Tôi không có chút huyết thống nào để ràng buộc, bắt nhớ. Một giấc mơ đi qua. Ở đó không có hàng rào ngôn ngữ, địa vị, chủng tộc. Không chuẩn bị đo lường, gặp nhau từ tâm thức cuả một ngươì đang ngủ. Phải chăng ở không gian nầy, còn có hơi thở sống còn, là còn thấy những việc ngớ ngẩn không liệu trước.

Như buổi trưa nay ở xứ người. Hơn ba mươi năm sau, vẫn thấy được gần mười ngàn người dân. Đàn ông, đàn bà, con nít, gái thượng để ngực trần, bồng bế tả tơi gồng gánh cái gia tài cỏn con từ thành phố An Lộc, đổ dồn về hướng Chơn Thành, Lai Khê.

Bắt tay đơn vị bạn được rồi. Tiếng báo cáo qua máy truyền tin. Cả tiểu đoàn reo vui.. Hai mươi ngày chiến đấu ở một điểm dằng co. Cái khoảng chia cắt địch chen vào, đã diệt xong, vòng đai An Lộc và đơn vị giải toả đã thông nhau. Hơn ba mươi ngày qua, chúng tôi một bộ đồ trận trên người, không tắm rửa. Ở cánh rừng cao su nầy, cách thị xả trước mặt bảy trăm thước, sau trận đánh, đơn vị án ngữ cho đoàn người từ trong thành phố ra đi. Cả tháng qua, người dân sống trong không gian, thời gian chịu đựng, chỉ thâý tia chớp, chỉ nghe tiếng nổ như bài học nằm lòng, thành phố bị địch vây phủ, hưởng chung đạn pháo với người lính trong cuộc. Bây giờ trận địa tạm lắng, là lúc dân chúng thoát đi khỏi vùng giao tranh. Đi là rời xa, về hướng trước mặt, trên quốc lộ 13. Người lính chúng tôi, chứng kiến cảnh nầy không sao dấu được cảm xúc bồi hồi. Chiến trận vừa tạm lắng, liệu khoảng cách xa rời có còn là chốn yên thân ?



Thực vậy, không tưởng được. Họ là người dân miền Nam, thoát đi như kẻ nhận chịu, tài sản là những gì trên vai, tay xách. Gia đình là người gần gũi ở một đoạn đường. Là cha, là mẹ, anh chị, trẻ thơ. Chỉ riêng trên con đường vượt thoát về quận Chơn Thành, gần hai ngàn người ngả xuống. Máu đổ, xác người bỏ laị từ đạn pháo, từ phục kích cuả địch. Giấc mơ cuả đường đi không đến cho mỗi phận người là như thế đó.

Hơn một năm trước, trên đất Kampuchia, buổi đầu tiên đổ xuống vùng địch chiếm đóng, khu vực người Việt bị “cáp duồn”. Lần đó cái cảm giác chủ động hào hùng hơn hoàn cảnh nầy. Lần đó có chúng tôi trực tiếp ở trận điạ với ngươì dân. Trực thăng vận đổ quân xuống ruộng đồng ngập nước. Trên không máy bay L 19 bay quầng, phát loa, rải truyền đơn kêu gọi người dân Việt chạy ra, có chúng tôi đến. Có súng nổ, có đạn pháo chống trả, nhưng tấm lòng người lính miền Nam, cứu người Việt Nam, tinh thần dân tộc rỏ nét hơn ở cuộc chiến tham dư. Tại vùng 4 chiến thuật, sư đoàn 9BB đảm trách hành quân sang đất Kampuchia ( Bộ tư lệnh tiền phương, tiếp liệu đóng tại phi trường Châu đốc, 10 chiếc trực thăng chờ sẵn ứng chiến suốt ngày cho mặt trận ngoài lãnh thổ Việt Nam). Các trung đoàn hành quân tấn công hậu cần lớn quân Bắc Việt trên đất ChùaTháp, giải toả vùng bị chiếm, mở màn cho giai đoạn Việt kiều hồi hương. Phương tiện bằng tàu, bằng máy bay chuyên chở, đưa dân về miền Nam định cư.

Ở căn cứ Neak Luông, cách Nam Vang hơn 60 cây số. Trung đoàn 15 BB thay thế chiến đoàn B thủy quân lục chiến. Hình ảnh cho đến bây giờ vẫn còn trong tôi mỗi lần nhắc đến. Tại căn cứ hành quân bộ chỉ huy trung đoàn, năm chiếc trực thăng ứng trực dưới ánh nắng. Phía trong bìa rừng không xa, mấy cô gái Miên vận xarông, một tay ôm chiếu, một tay xách sô nước chờ sẵn. Các cô gái bản xứ bán thân, mời gọi người lính, đổi lấy gạo xấy, thịt hộp lương khô, tiền bạc. Dưới đôi mắt cuả người sáng tác, tự dưng tôi có ý nghĩ so sánh. Hai hình ảnh ứng chiến hoàn toàn tương phản, trong một xã hội chiến tranh vừa mới đến.

 Hơn một năm hành quân trên đất Kampuchia. Biết bao điều tai nghe mắt thâý. Mỗi ngày trên sông nước Cưủ Long , xác người xỏ xâu thả trôi sông lều bều. Từ xa cứ thấy dáng nằm xấp là biết người nam, nằm ngưả là nữ. Coi như sống sao chết vậy. Trên bộ, đi qua những vùng đất khoai mì mọc lên cao, lá xanh tươi tốt, ở dưới là mồ chôn tập thể những người dân Việt. Người dân Kampuchia không phân biệt đâu là người lính miền Bắc đi qua, để lại ân oán cho người dân Việt ở điạ phương lãnh đủ sự trả thù tàn sát. Từ nỗi ám ảnh mồ chôn sống người ở Huế năm tết Mậu Thân chưa phai. Bấy giờ, nhìn mồ chôn tập thể đồng bào người Việt trên đất Kampuchia, mới thấy xác người Việt lưu vong trải đều theo vận nước đi xa.

Từ một giấc mơ không tưởng, bất chợt lại quay về một thời của năm tháng cũ. Chuyện đời. Có những điều tưởng như mơ mà là thực. Cái thực bình tâm, tỉnh táo thức, biết rỏ cay đắng não lòng. Hơn ba mươi năm qua, đâu ai nghĩ có một ngày chúng ta mất tất cả. Giấc mơ thực của một đời người đã dày vò nỗi lòng người lính, người dân, kẻ ở lại, người lưu vong, ngậm nỗi đau thương cho đến ngày nhắm mắt. Hẳn là cho mãi đến ngàn sau, thế hệ người dân nâỳ còn, là còn tiếng kêu bi thiết đánh động lương tâm. Nghiệp quả cuả một dân tộc, một thế hệ phải trả?

 Cuối tháng tư năm 75 mất miền Nam, 9 ngày sau đó chúng tôi bị giữ lại khi theo lệnh trình diện. Qua hàng rào kẽm gai, đứa con gái đầu lòng mười tháng tuổi đã được đưa qua lổ vuông rào cho tôi bồng. Đó là buổi chiều đầu tiên gia đình biết tin qua loa phóng thanh. Từ buổi đó tôi ra đi, chung cùng số phận với anh em, đồng đội, chuyển tiếp qua nhiều trại. Lần thăm nuôi đầu tiên một năm sau. Ở tốp người đi ra gặp gia đình. Có đứa bé gái hai tuổi, một mình chập chửng đi vào, đối diện với tốp người ra nhận thăm nuôi. Không ai biết con của ai trong đồng bọn tù. Nó cầm tấm hình chụp chung với nội, quơ qua, quơ laị trước mặt. Khi nhận ra hình ba tôi, đoán là con mình. Tôi bồi hồi ẳm lên. Đứa bé nín thinh nhận chịu, không chút ngỡ ngàng. Mười lăm phút cho thăm nuôi, trên chiếc bàn daì ngồi đối diện, hai họng súng chực hờ, trước đôi mắt người vợ, trước đôi mắt trẻ thơ. Bài học nhân cách làm người tù binh. Lần đó còn có ba tôi. Một lần thôi và cũng là lần cuối cùng cha con gặp nhau.

Nhiều năm sau dài cơn mõi mòn chờ đợi, ba tôi mất đi. Cái chết cuả ba thật buồn rầu tội nghiệp, khi chuyển qua hai, ba, bệnh viện ở Sài gòn. Họ không nhận cấp cứu. Lúc thì tại vì không hộ khẩu, lúc thì khác phừơng, khác tuyến, khác khu vực chữa trị. Nghe qua, nhớ đến năm đầu tiên mất miền Nam, anh em thương bệnh binh cũng bị trục xuất, dắt dìu ra đường chịu trận. Ba tôi. Người lính, người dân có khác gì. Chỉ còn tiếng thở dài, đành thôi. Ngày ba tôi mất, đêm đó ở nhà trại tôi nằm mơ thâý gia đình. Hình ảnh nầy thường nhật, tôi không nghĩ đến. Đã lâu rồi tôi tập quên đi. Mỗi khi có một thoáng hiện nào bắt nhớ, tôi đứng lên tìm quên, hay kiếm một cớ nào khác. Sự bạc bẽo vô tâm ở chính mình, là cách chaỵ trốn môí thương cảm gia đình. Tôi sợ phải nghĩ đến hình ảnh cha tôi một thân một mình. Tôi lo người vợ không biết làm gì sống, ngoài việc dạy học trước đây. Mối tình học trò từ thưở trung học rồi xong đại học mới cưới nhau, trong suốt bảy năm dài yêu thương. Tôi hiểu sự yêú đuối ở người vợ trẻ trước nghịch cảnh, đổi đời lớn lao nầy. Hoàn cảnh bên trong bị bưng bít, nên không ai hiểu người bên ngoài, cũng chịu đựng đau khổ như nhau.

Mỗi lần nghĩ đến tình thân. Ở đó có yêu thương, kỹ niệm. Có lo lắng mọi điều, là lúc tôi thâý mình không chịu đựng nỗi. Biết chắc một điều, không có ngày trở về, khộng có đời sống gia đình như ngày cũ nữa. Thì thôi, quên đi cho đau khổ khỏi hành hạ lấy mình.

Mấy ngày sau có tin thăm nuôi. Nghe báo, tôi linh tính có chuyện không hay. Chiếc áo vợ tôi mặc giống như trong mơ tôi đã thấy. Đi cùng là thằng bé mười ba mười bốn tuổi. Hỏi là ai vâỵ. Thằng Sơn con chị tôi, đi theo thăm cậu. Chỉ mới vài năm thôi, đầu óc tôi thế nào, không nhận ra thằng cháu, thường hay theo tôi trước đây mỗi lần về phép. Đứa con gái nhỏ thỏ thẻ hỏi lâu quá sao ba không về. Nghe con hỏi tủi buồn không biết trả lời sao. Tin ba tôi mất.. Điều tôi đoán, đã là chuyện thực. Biết có ngày nầy, tôi vẫn nghe lòng mình chùng xuống với nỗi đau. Lúc nầy, mấy anh em tôi còn đang ở tù, tứ tán bắc nam, ba tôi không chờ gặp được đứa con nào. Mọi sự bên ngoài một tay gia đình chị tôi lo liệu.

Lúc nầy đang ở trại tù Xuyên Mộc. Trại chia làm 3 khu, theo thế tam giác ở giửa rừng mới khai phá, không có đường xe khách. Chung quanh là vùng định cư người miền Bắc đưa vào. Xe bao đến đây ( loại xe chạy bằng than quạt lửa), phải ngủ lại cả người lẫn xe, hôm sau chờ thăm nuôi mới quay về. Bấy giờ tôi lao động trên bệnh xá. Chiều tối qua nghe tin, có nhờ tên tù hình sự an ninh cầm mền ra. Nghe vợ tôi kể đêm ở rừng lạnh quá. Hỏi ra, mới biết thay vì đưa dùm, hắn ta đưa cho vợ hắn. Gặp nhau, mười lăm phút thăm hỏi chuyện nhà. An ủi nhau để có chút niềm tin mong manh, chứ biết đến bao giờ. Lúc chia tay, biết ngày mai ra sao, có sống còn gặp lại. Lần nào cũng vậy, lén lút qua vợ, qua con. Tôi gởi mấy bài thơ viết trong tù. Những giòng thơ đau thương nghiệt ngã, những cảm xúc rất thực lòng. Trong nỗi sâu kín của tâm hồn, chỉ còn có thơ để vịn vào trang trãi, an ủi chính mình. Sau đó, về nhà vợ tôi chép lại từ mấy mảnh giấy vụn chi chít chữ, vào tập sách giữ gìn.. Những bài thơ mà sau nâỳ đọc lại, nếu không sống trong hoàn cảnh nầy, chắc tôi cũng không làm được. 

Cùng ngày trở vào trại, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, công an trực goị tôi lên bệnh xá cấp cưú. Bệnh nhân bị méo miệng, mắt mở lệch một bên. Tưởng ai, hoá ra anh chàng an ninh ban nảy. Thấy mặt nó, nhớ chuyện cái mền vừa rồi. Tôi đã bực. Nhưng lúc nầy trông hắn ta thật thảm, nước mắt nước miếng chảy ra há hốc, miệng không ngậm laị được. Bệnh xá với hai chục giường bệnh, chia từng khu vực loại bệnh. Cách sắp xếp nầy cũng từ anh em chúng ta điều hành. Nói rỏ thêm một chút. Bệnh xá ở đây là bệnh xá mẫu để quay phim, hờ khi có phái đoàn quốc tế đến, nên tương đối sạch sẽ, sàn lót gạch bông, thuốc men được cung cấp, qua cục trại giam bộ nội vụ. Ỡ trại nầy, Hồ hưũ Tường, Nguyễn mạnh Côn chết, Duyên Anh cũng bị tai tiếng từ đây. Coi như ban ngày tôi ở bệnh xá, chiều tối trở về lán, chung rọ hoàn cảnh với anh em, cửa khóa kín hai ổ khóa. Từ trước đến nay, mấy lần có tin phái đoàn quốc tế, nhưng rồi cù cưa nhùng nhằng, đâu đó nghe nói bị chận lại ở phía ngoài, tôi chưa thâý phái đoàn nào được phép vào tận nơi đây cả.

Đã quen với nhiều ca cấp cưú. Tôi ngồi sau lưng hắn ta, châm kim đàng sau mấy huyệt Phong trì, Phong phủ, Giáp Xa, Bách hội. Chỉ hai phút sau, cạnh hàm trên co giật run lên, rồi hạ xuống, nghe tiếng chuyển động, miệng nó ngậm lại được. Tên cán bộ công an đứng đó theo dõi buột miệng “Địt mẹ, hay thiệt”Có khen gì đi nữa, khoảng cách ở người cai ngục và tù nhân còn đó, vẫn quanh quẩn ở tiếng chữi cuộc đời. Sau ngày ba tôi mất, tôi có niềm tin chuyện trở về. Cuộc đời như vòng Parabol, khi đã xuống tận cùng, thì sẽ cất lên. Thời gian ở bệnh xá, mấy nhân vật nằm bệnh ù điều trị lâu nhất tôi còn nhớ như Nguyễn văn Bốn, sư đoàn 22, bệnh cổ trướng. Nguyễn văn Thành sư đoàn 21 bệnh hở van tim, Giang văn Bé tiểu khu Phước Tuy bệnh xuyển. Đặc biệt có ông thầy Ngã Sáu, (tội hình sự, nhưng nằm điều trị chung một bệnh xá). Lúc có bệnh nặng cần chuyển, nhưng không được chấp thuận. Anh em nhờ ông viết ít chữ bùa để dưới gối nằm người bệnh, là hôm sau bệnh nhân được chuyển đi bệnh viện. Tôi không biết làm sao giải thích chuyện nầy. Một lần để thử ông ta. Anh Lang người làm chung trên bệnh xá hỏi ông ta về đưá con trai. Tôi thấy ông bảo chờ chút. Ông nhắm mắt gỏ vào vách, che tai lại nghe. Một lát ông kể lại đoạn đường vượt biên sóng nước ra sao, như thể ông ta đi chung trong cuộc. Tôi keó anh Lang ra hỏi riêng. Đúng không? Anh Lang nói đúng như thằng nhỏ vượt biên gởi thư về kể cho vợ anh ta. Tới phiên tôi. Tôi hỏi về chị tôi, và nơi chôn cất ba tôi. Mỗi lần vậy. Ông ta bảo chờ một chút. Đưa tay gỏ vào vách ván cụp cụp, áp tai vào nghe. Ông mô tả nhà chị tôi ở hẽm, trước cửa nhà ra làm sao, mộ ba tôi chôn vị trí như thế nào. Tôi thấy ông nói đúng, kể cả mộ ba tôi sau nầy khi về tôi mới biết. Một xã trưởng ở Tân Trụ, Long An. Ông là người tù chính trị, chống chính quyền, có án đưa từ Chí Hoà lên, bị tra tấn lúc ở các trại giam trước, hay bí tiểu. Ông nói với tôi, chú về chắc tôi chết quá, không còn ai để trị bệnh. Ở đây không có thuốc men. Cách vài ngày phải nhờ chú. Nói xong, giọng ngào nghẹn, bất chợt ông qùi xuống, nước mắt chảy ra. Ông khóc. Hành động bất ngờ làm tôi ngỡ ngàng. Tôi cũng không ngờ tấm lòng ông đối với tôi. Ông dặn dò. Chú về ghé qua nhà tôi, tôi còn đứa cháu chưa có gia đình, giỏi lắm. Nhà có ruộng vườn sẵn hết, khá lắm. Tôi muốn gả nó đền ơn cho chú. Tôi nhắn về trước. Tôi cười trừ. Thôi chú, tôi có vợ rồi. Chú cười gượng. Có sao đâu, tôi có tới ba bà lận mà.

Một năm sau ngày ba tôi mất, tôi có giấy tạm tha. Qua cổng trại, quay đầu ngó laị. Tôi thâý đôi mắt cuả Nguyễn văn Thắng, người bạn tù ăn cơm chung nhìn theo thật buồn, tuyệt vọng. Nó ám ảnh tôi dai dẵng về sau, mỗi lần nghĩ đến. Tôi cũng không có dịp tìm đến nhà ở Tân Trụ như chú gởi gấm. Mấy tháng sau hỏi thăm nghe tin chú mất ở bệnh xá, lòng thấy bùi ngùi thương nhớ anh em còn trong cảnh ngộ. Đã lâu. Không hiểu sao tự dưng đêm nâỳ, tôi lại nhớ câu chuyện về chú. Tha lỗi cho tôi ghi lại hình ảnh và mấy giòng muộn màng nầy.

Ngày về thăm mộ cha tôi. Giọt giọt nước mắt cho lần hạnh ngộ. Ở dưới mộ sâu, ba nằm đó. Từ buổi trưa ra đi, chỉ một lần duy nhất gặp lại ở kỳ thăm nuôi. Tôi biết ba tôi cũng buồn nhiều lắm. Hoàn cảnh rối ren lúc bấy giờ, ba nói ba già rồi, con có đi thì cứ đi, ba ở lại. Cũng vì nắm níu tình cha con, không nỡ bỏ ba một mình, tôi ở lại. Được gì? Có được đâu sự gần gủi nào. Chỉ có năm dài trong cảnh tù đày khốn khổ, cho đến ngày ba nhắm mắt, không gặp. Thời gian cầm bằng như không, một thời tuổi trẻ chôn vùi, vợ con chung cùng một hoàn cảnh chịu đưng.

Đứng ở bên mộ, tôi nghĩ đến hoàn cảnh thân phận mình bây giờ mà thấy chua xót quá. Tất cả đều đổi thay xa lạ, chính mình mang lấy mặc cảm, không muốn nói, nhìn tới ai. Suốt mấy năm dài bị theo dõi rình rập báo cáo, tạo cho mình mối nghi kỵ ở người chung quanh. Bây giờ trở ra cuộc đời rộng lớn hơn, cảm thấy mình lớ ngớ trước ngôn ngữ danh từ thường nhật không giống ai, cầm bằng sự thua thiệt cười buồn. Hôm nay ở đây, ngày mai về quê nhà, nơi khai báo địa chỉ cư trú quản chế. Liệu tôi có thời gian đi đứng được tự do chút nào? Đó là lý do tôi lưu luyến ở Sài gòn đến hai ngày, thay vì về thẳng, bỏ mặc vấn đề an ninh đe dọa từ chổ thả. Ba năm sau nghiã trang Phú thọ Hoà giải toả. Lý do nhà nước cần lấy đất . Tất cả đều chịu chung số phận mồ mã, hài cốt bốc lên, trong đó có ba tôi (dù là đất chôn mua vĩnh viễn).

Đâu ai nghĩ chúng ta mất tất cả, điạ vị, nhân cách làm người trên đất nước mình sanh ra, hành xử trong cuộc sống để rồi tản lạc khắp nơi tìm tự do. Chuyện đời thật tình cái gì cũng có thể xảy ra. Oái oăm trong mơ tôi gặp người thất sủng Hồ diệu Bang. Tôi còn nhớ trong trại cải tạo, cán bộ lên lớp dạy cho chúng tôi niềm kiêu hảnh là, đồng chí Lê Nin là người Việt Nam, vì ông ta họ Lê, tên Nin. Bây giờ trong mơ qua câu chuyện, lại thấy ông nhận mình là người Việt Nam lưu lạc ở đất Tàu. 

Năm xưa, trên đất nước Kam puchia, chúng tôi đến đưa người dân Việt về nước. Hai mươi năm sau chúng tôi sống lại đời sống di dân. Đâu ai nghĩ. Cái vòng tròn xoay định mệnh không hẹn lại đến. Bây giờ, ở đất nước không là cuả riêng ai. Cứ quên mình là ai, để không thấy lạc lõng thân phận con người. Nghĩ là vậy, nhưng không dễ vậy. Đôi khi vẫn nghe chua chát ngậm ngùi. Ở một quốc gia có quá nhiều sắc dân chủng tộc. Chúng ta sống trôi theo một luồng sóng mênh mông. Ở đó có ham huống đua đòi theo tới. Ở đó có định mệnh đẩy đưa, không còn chọn lựa nào khác. Ở hai bờ vực, ở hai bờ đại dương trong cuộc sống. Người đi thương về chốn cũ. Kẻ ở lại, mang tâm trạng nuối tiếc. 

Ở quê nhà anh và tôi là kẻ đứng bên lề. Còn chốn nầy sự kỳ thị không nói ra, vẫn là một giai cấp thứ bậc trong xã hội. Điều cảm nhận nầy, chính thế hệ chúng ta, những người bỏ nước ra đi bị dị ứng và chiụ đựng nhiều nhất. Bạn tôi ơi, hiểu dùm. Không có chổ quay về, khác gì như người không thể ra đi. Cảnh ngộ có khác, vẫn chung cùng một thân phận là người mất nước.

Sống, đâu phải giản đơn trong ý nghĩ sống chỉ có mình. Còn nhớ, mới đây cô bạn người Đại Hàn trong sở khoe, nước họ ở vùng quê, hiện giờ rất nhiều cô gái Việt Nam. Tôi hiểu dụng tâm, muốn nói chuyện mua gái, bán buôn người mình. Nghe qua, không phải là người thân, không có tình ruột thịt, dù ở Bắc hay Nam, miền Trung, miền Tây, thành thị hay thôn quê, không quen biết, vẫn thấy hổ thẹn chính mình. Tôi nói chuyện nâỳ chỉ xảy ra, sau ngày mất miền Nam. Thời chúng tôi không có kế hoạch, dịch vụ buôn người lao động. Cô bạn nghe qua, như người khác tin hay không khó mà biết được. Bởi hàng loạt mai mối mua gái, bán nhau qua lại, là một phong trào ở Đài loan, Mã lai, Đại hàn trên xác thân dân tộc Việt .

Người trong nước chủ xướng có tiền không thấy đau, nhưng người Việt lưu vong lại nhục dùm cái tình yêu tổ quốc. Cô gái Miên ngày nào cầm chiếu sẵn sàng đỗi chác xác thịt riêng rẽ, ven cạnh bìa rừng, đằng xa mấy chiếc trực thăng ở căn cứ Neak Luông, chắc vẫn không có khã năng son phấn bán mình đi xa như vâỵ. Cô ta chỉ thấy cây rừng bao phủ dòm ngó. Ở đó có đất trời, có lạc hậu với hoa đồng cỏ nội, có sung sướng, có đau khổ, có hy sinh cho ai vì một lý do nào đó, vẫn là sự mặc cả xòng phẳng giữa một cá nhân, tiền trao cháo múc. Cái hình ảnh vương vấn năm xưa người lính nào cũng thâý, thấy để mà thâý trên đất nước chính họ. Hình ảnh mà mấy chục năm qua, tôi vẫn còn nhớ để so lại bây giờ. Nó không là tiếng kêu bi thiết, bị gạt gẫm bỏ rơi. Nó không là biểu tượng để đánh giá một dân tộc trong thời chiến.

Còn bây giờ chúng tôi bỏ nước ra đi, từ cái giá phải trả xong, vẫn chưa yên. Người khác vẫn nhìn màu da tôi, cho về một phía. Khác chăng ở hoàn cảnh và định vị nơi chốn. Có nói thêm cũng không mấy người chịu hiểu. Đứa con gái ngày nào ẵm bồng qua lổ vuông rào. Bây giờ đã làm mẹ, không thấy xót xa oán trách về một thời ấu thơ khốn khổ, đi theo mẹ thăm nuôi cha qua nhiều trại tù. Tuổi trẻ lớn lên sống với tấm lòng vị tha nhân ái làm người, đâu có nỗi đau đeo đẳng của người trong cuộc.Thời gian có đẩy lùi quá khứ đi xa, vẫn không xô ngả nổi một giai đoạn lịch sử, có hai miền đất nước. Có che dấu thân phận thế nào đi nữa, thực tế dấu tích vẫn còn đó. Bởi, nếu không có sự thể ngày trước, thì đã không có ngày hôm nay.

Giấc mơ nào rồi cũng qua đi. Cuộc đời như một dòng sông xuôi chảy. Tình yêu, tình người có như cát bồi che lấp rồi cũng thản nhiên thôi. Trong em và tôi. Phải chăng, giấc bình yên là không có cơn mơ nào trong đời sống thực.

 HOÀI ZIANG DUY
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn