BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hành Trình Cuối Đông (2)

04 Tháng Mười Một 198812:00 SA(Xem: 951)
Hành Trình Cuối Đông (2)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

(Bút ký về một chuyến đi có thật)


Phần 2


Đoàn văn nghệ Langbian muốn rời Nha Trang sớm để tiếp tục cuộc hành trình còn rất dài nhưng sau cơn bão số 10 và lũ lụt, cầu Tuy Hòa đã bị tắc chưa đi được nên đoàn quyết định đi vòng lên đường Tây nguyên. Thực ra đoàn cũng muốn đi qua Đaklak và Gia Lai-Kontum, hai anh em Tây nguyên ruột thịt của Langbian nhưng vì đường quá xa, xăng và tiền chuẩn bị ít ỏi nên ban đầu định không đi, nhưng nay vì tắc đường quốc lộ 1 nên đoàn quyết tâm đi. Ấu cũng là "số mệnh" nếu có "số mệnh", vì chính tại Đaklak mà chuyến đi đã trở thành một "cuộc vận động có tính cách bè phái, mang màu sắc chính trị, lợi dụng công khai và dân chủ" như bị quy kết sau này, xuất phát từ sự báo động của Đaklak.

Quốc lộ 19 đi Buôn Ma Thuột xấu quá. Quãng đường từ Ninh Hòa qua khỏi đèo Phụng Hoàng chỉ khoảng 60 cây số mà xe đi mất hơn hai giờ nên đoàn xuất phát ở Nha Trang lúc 1 giờ trưa mà đến gần 6 giờ chiều mới đến Buôn Ma Thuột.

Đoàn tìm đến Ban vận động thành lập Hội văn nghệ Đaklak ở cơ quan Sở văn hóa thông tin thì mọi người đã về cả, đoàn nhờ mấy nhân viên ở tập thể tại đây nhắn lại hẹn sáng mai làm việc và đi tìm chỗ nghỉ. Các nhà khách ở trung tâm thị xã đã hết chỗ nên người ta giới thiệu đến nhà khách tỉnh ủy ở biệt điện Bảo Đại cũ.

Ơ' đâu cũng gặp dinh, điện, nhà nghỉ của Bảo Đại. Vua có khác!

Biệt điện Bảo Đại là một khu vườn yên tĩnh ở ngoại ô của thị xã, rộng khoảng hai hecta. Một ngôi nhà gác dài bằng gỗ, đơn giản nhưng hài hòa giữa khung cảnh chung quanh. Quả thực những nhà thiết kế có trình độ thẩm mỹ cao. Cổng vào biệt điện có lối đi lớn ở giữa và hai đường chung quanh chạy vòng ra sau trải nhựa. Vườn trồng đủ loại cây, mỗi thứ hai cây, trồng đối xứng quanh trục đường. Ngay sau cổng vào là hai cây long não lớn, cành mọc từ gốc và vươn tán sum suê như một cây đại thụ. Rồi dương liễu, soài, bơ, dừa, săng lẻ, ngọc lan, tùng... Tất cả đều có vẻ hùng vĩ, hoang dã và hơi âm u.

Người ta mới xây thêm mấy dãy nhà phụ làm phòng ngủ cho khách du lịch, trông thực dụng, xấu xí, phá vỡ vẻ hài hòa của khung cảnh. Chỉ có một ngôi nhà gác mới xây kiểu nhà sàn dân tộc dành cho chuyên gia nước ngoài trông có vẻ thẩm mỹ.

Ta lên án sự hưởng thụ của vua chúa ngày xưa nhưng ngày nay lại dùng các dinh, điện này để làm nơi nghỉ ngơi cho các ông lớn, không phải chỉ ở Buôn Ma Thuột mà nhiều nơi khác cũng thế. Có phải thời đại nào những kẻ cầm quyền cũng thích hưởng thụ? Tại sao không dành những nơi này để làm cung thiếu nhi, nhà bảo tàng văn hóa hay nhà sáng tác cho văn nghệ sĩ mặc dù cũng đã có chủ trương như thế? Anh em văn nghệ nói thẳng điều này có làm cho các "ông lớn" phải nhức nhối không, hay lại nổi giận lên và chụp ngay một cái mũ lên đầu văn nghệ? Nếu văn nghệ là lương tri thì văn nghệ phải nói thẳng điều mình nghĩ, văn nghệ chân chính không làm văn nô, bồi bút cho bất cứ ai và không thế lực bạo quyền nào có thể dập tắt tiếng nói chân chính của văn nghệ.

Sáng hôm sau đoàn đến Sở văn hóa thông tin, rất may gặp được toàn thể thường trực ban vận động thành lập Hội văn nghệ Đaklak. Nghe nói đây là ban vận động được lập lần thứ ba, vì trước đó hai lần đều do đấu đá nhau nên không thành, phải giải thể. Ban vân động hiện nay có Châu Khắc Chương, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy kiêm trưởng ban; Dương Thanh Tùng, phó giám đốc Sở văn hóa thông tin kiêm phó trưởng ban; Y Tim, phó trưởng ban và Đinh Hữu Trường ủy viên thường trực, và một số ủy viên khác. Thường trực Ban vận động mới có quyết định chỉ định bộ phận chuyên trách nên triệu tập họp để bàn kế hoạch. Thế là đoàn văn nghệ Langbian đã đến đ'úng lúc (hay không đúng lúc?) để làm việc với cả tập thể thường trực ban vận động. Rút kinh nghiệm ở Nha Trang - Phú Khánh, đoàn văn nghệ Langbian phân công như sau trong các cuộc tiếp xúc: Bùi Minh Quốc, trưởng đoàn đại diện Hội văn nghệ Lâm Đồng làm công tác ngoại giao giới thiệu khái quát về các hoạt động của Hội văn nghệ Lâm Đồng và những vấn đề chung cần trao đổi; Bảo Cự giới thiệu tạp chí văn nghệ Langbian, kiến nghị của Hội văn nghệ Lâm Đồng về vụ tuần báo Văn nghệ, kiến nghị của các hội văn nghệ địa phương và bản tuyên bố cá nhân (đã thông qua ở Phú Khánh); Hoàng Như Thủy An, Lưu Hữu Nhi Dũ lo phát hành sách, tạp chí Langbian. Ngoài ra Hữu Loan và các thành viên của Hội văn nghệ Lâm Đồng khi tiếp xúc với giới văn nghệ và công chúng sẽ tiếp xúc với tư cách là những người sáng tác, hoạt động văn học nghệ thuật.

Sau khi đoàn văn nghệ Langbian trình bày mọi chuyện, từng thành viên của thường trực ban vận động Hội văn nghệ Đaklak đều phát biểu hoan nghênh nhiệt tình và xu thế đổi mới của Lâm Đồng nhưng vì ban vận động mới thành lập, chưa có tư cách pháp nhân(?), chưa họp bàn kế hoạch nên không tiện ký chung kiến nghị với các hội bạn mà sẽ có ý kiến riêng sau.

Đang lúc trao đổi, Văn Thanh, trưởng ban biên tập tạp chí Văn nghệ Đaklak, đến báo tin sáng nay Phòng văn nghệ đài phái thanh - truyền hình Đaklak có tổ chức một cuộc tọa đàm góp ý một số bài thơ đang có vấn đề tranh luận, chưa được phát trên đài và ban tổ chức nghe tin có đoàn văn nghệ Langbian đến nên mời sang tham dự.

Đoàn nhanh chóng kết thúc cuộc làm việc với ban vận động Hội văn nghệ để sang dự với đài đúng lúc Văn Thảnh, trưởng phòng văn nghệ của đài cho xe đến đón.

Cuộc tọa đàm ở đài có khoảng hơn mười người dự, gồm cán bộ phòng văn nghệ và một số cộng tác viên, tập trung trao đổi về hai bài thơ của Nguyễn Mạnh Tấn và Văn Thanh.

Nguyễn Mạnh Tấn, một người viết tại chỗ từ trước giải phóng, hiện nay là chủ nhiệm một hợp tác xã chế biến cà-phê ở Buôn Ma Thuột, với bài thơ "Sáng nay" phô bày một hiện thực đau đớn, đúc kết trong một so sánh cảm giác tâm trạng lạ lùng:

 Thời chiến
 Sáng nay
 Thức dậy
 Mới thấy mình còn sống
 ...
 Thời bình
 Sáng nay
 Thức dậy
 Thấy mình sắp chết

Và hình ảnh cuộc đời thường xót xa với tình cảnh hết gạo, hết cám, hết mắm, vợ bó gối, con gục đầu, heo tung chuồng, với hàng ngàn nghị quyết hay nhưng thực hành quá dở, với rừng cờ, pa-nô, áp-phích hoàn thành kế hoạch nhưng người ta vẫn vượt biên, với xe tăng ngủ vùi trên tảng đá (tượng đài xe tăng chiến thắng ở ngã sáu Buôn Ma Thuột), với Chúa biến thành tượng đá rồi Chúa lại vẫy tay chào...

Đúng là một bài thơ "khó chịu".

Bài "Bạn bè ơi, có lẽ nào? " của Văn Thanh rất dài, tới bảy trang đánh máy, nhưng nhức nhối nhất là hai câu:

 Tôi bây giờ như quả trứng ung
 Đảng ấp suốt hai mươi lăm năm không nở được

Những người tại chỗ dự tọa đàm phát biểu ý kiến rất sôi nổi, hầu như thống nhất quan điểm là các bài thơ tuy phản ánh hiện thực nhưng tính tư tưởng yếu, bi quan, nói cho hả giận, căm giận nhiều hơn yêu thương, tâm nhiều nhưng tình ít, không chỉ ra được lối thoát, lãnh đạo không thể chấp nhận...

Khi được mời phát biểu, anh em văn nghệ Langbian đều hoan nghênh việc làm của đài, vì tuy không sử dụng bài và trong tọa đàm có nhiều ý kiến phê phán nhưng đã tổ chức tọa đàm là đã tôn trọng văn nghệ, tôn trọng tác giả (có mời tác giả dự), tuy nhiên ý kiồên riêng về các bài thơ và những vấn đề quan điểm sáng tác lại khác với những ý kiến phê phán đã được phát biểu.

Bảo Cự cho rằng nỗi đau nào của con người cũng cần được phản ánh vào văn học, kể cả những niềm đau rất riêng và niềm đau chung của mọi người. Riêng nỗi đau trong các bài thơ trên lại không đơn lẻ mà rất phổ quát, đó là sự th.ật cần được nói ra. Không phải bài thơ nào cũng chỉ ra được lối thoát. Tìm lối thoát ra khỏi hiện thực đau buồn của đất nước là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là của những người lãnh đạo chứ không phải là của riêng nhà thơ, trong một bài thơ. Văn nghệ nói lên sự thật, dù gay gắt cay đắng nhưng lãnh đạo phải lắng nghe chứ văn nghệ không phải gò bút cố viết, cố nói cách nào cho vừa lòng lọt tai lãnh đạo.

Hữu Loan, từ trường hợp riêng đặc biệt của mình, nói về cái chung rất gay gắt: "Các anh đã lạc hậu sau tôi 30 năm vì bây giờ mới đặt ra những vấn đề như thế. Tôi vẫn là cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời không chịu đẽo tròn để lăn long lóc. Cái tâm mới là điều quan trọng trong văn học. 'Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tàí. Về kỹ thuật không dám chữa thơ ai, nếu thơ xuất phát từ tâm. Sai lầm của chế độ là đã đề cao giai cấp tính, đến chỉ còn đẳng cấp thống trị. Giai cấp tính không bằng nhân đạo tính. Văn chương của quần chúng hiện nay rất vĩ đại, thống trị phải soi vào để sửa. Những người tạo ra sai lầm phải sửa chứ không phải bắt văn nghệ sửa. Không được ỉa ra để bắt người ta hốt, phải tự hốt đi.

Ngày trước tôi làm bài thơ có câu:

 Cụ Hồ như Trời cao
 Kêu làm sao cho thấu

Xuân Diệu biên tập, yêu cầu sửa nhưng tôi không sửa vì rõ ràng cụ Hồ không xa cách quần chúng nhưng ở nhiều địa phương nhân dân bị đàn áp vẫn kêu không thấu cụ Hồ.

Ngày xưa Trần Tế Xương đã viết:

 Một tuồng rách rưới con như bố
 Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng

Đó là nỗi đau của thực tế cuộc sống. Chúng ta viết hôm nay cũng thế mà thôi.

Theo Bùi Minh Quốc, bài thơ của Nguyễn Mạnh Tấn là tiếng kêu cứu từ dưới đáy xã hội, rất thật lòng nên người nghe phải trăn trở, không thể thờ ơ. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới hôm nay vì để đổi mới phải làm hai điều: giải quyết thế lực bảo thủ trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đồng thời giải quyết tình trạng thờ ơ, đứng ngoài cuộc của nhiều người. Bài thơ Văn Thanh là tiếng nói đầy trách nhiệm về sự sai lầm kéo dài vừa qua nên cần phải được lắng nghe và trân trọng.

Sau ý kiến của khách, cuộc tọa đàm sôi nổi hẳn lên, đi vào tranh luận nhưng lúc đó đã quá trưa rồi. Anh em đề nghị chiều tiếp tục trao đổi nữa và chuyển thành một buổi gặp gỡ nói chuyện văn nghệ giữa đoàn khách với anh em sáng tác ở địa phương, mời thêm người tham dự. Tuy đến tối đài phải tổ chức một buổi gặp gỡ giữa đoàn khách với công chúng yêu văn thơ của thị xã nhưng đài vẫn nhiệt tình tổ chức tiếp cuộc gặp gỡ buổi chiều.

Điều lạ là những người đã phê phán mạnh mẽ thơ Nguyễn Mạnh Tấn và Văn Thanh khi được yêu cầu đọc thơ lại đọc những bài có nội dung và xu thế tương tự. Phải chăng người ta đã nói không thật lòng, theo một ý đồ chỉ đạo hay người ta nói theo những giáo điều đã trở thành tín điều, thành thói quen, nhất là trong hội nghị, nhưng tự thâm tâm, với sự tác động mạnh mẽ của thực tế cuộc sống, người ta đã nghĩ khác và viết khác hơn trong tác phẩm đích thực của mình? Phải chăng đó là tín hiệu đáng mừng của đổi mới? Chính trong buổi chiều này, những người tham dự đã ký vào bản "tuyên bố" đòi dân chủ mà sau này họ phải bị kiểm điểm(?!).

Buổi tối gặp gỡ công chúng là một buổi thú vị và chứng tỏ tài tổ chức của đài. Tất cả chỉ chuẩn bị trong một buổi chiều nhưng hội trường đầy người, gồm nhiều thành phần, từ cán bộ lãnh đạo cho đến sinh viên, học sinh. Dương Thanh Tùng giới thiệu đoàn khách rất trân trọng. Linh Nga, cô gái "ĐDê, nguyên văn công, là người dẫn chương trình tuyệt hảo, sinh động với giọng Hà Nội ngọt ngào. Có cả người ngâm thơ và hát nhạc minh họa.



Hữu Loan lại nói chuyện "Màu tím hoa sim", đọc"Hoa lúa","Khát vọng hiến dâng", Bùi Minh Quốc nói về hình ảnh người mẹ trong thơ mình từ "Mẹ đào hầm" thời kháng chiến và những điều "Mẹ đâu ngờ" hôm nay, qua mấy bài thơ chính luận trữ tình nẩy lửa. Bảo Cự nói về nhóm Việt và văn học yêu nước tiến bộ tại các đô thị miền Nam trước đây. Hoàng Như Thủy An ngâm "Bên kia sông Đuống" hào hùng của Hoàng Cầm đã bao lần ngân vang trong những đêm đốt lửa đấu tranh của sinh viên học sinh miền Nam. Lưu Hữu Nhi Dũ, thành viên trẻ nhất của đoàn, sinh viên đại học tổng hợp mới ra trường cũng được mời đọc thơ tình. Do ban tổ chức quý khách yêu cầu và người nghe cũng nhiệt tình - dù buổi gặp gỡ nói chuyện kéo dài đến khuya - nên tất cả thành viên trong đoàn đều phải xuất hiện. Đây là buổi ra mắt công chúng đầy đủ nhất của đoàn trong suốt chuyến đi. Phải chăng điều này đã tác động mạnh đến Đaklak, gây nên những phản ứng không thuận lợi sau này?

Không phải chỉ chừng đó. Lại còn thêm một buổi gặp gỡ nữa. Sáng hôm sau, đoàn đã dự định lên đường nhưng anh em ở địa phương lại níu kéo ở thêm một ngày nữa để dự sinh hoạt kỷ niệm 100 ngày mất nhà thơ Thanh Tịnh.

Buổi sinh hoạt này tổ chức tại quán cà-phê Nhớ. Ở đây quán "Nhớ" mới ra đời nên được phép "nhớ", chứ quán "Bâng khuâng", một quán nổi tiếng từ trước giải phóng thì sau 75 không được "bâng khuâng" nữa, phải tự xóa bảng hiệu vì bị phê phán đặt tên như thế thiếu quan điểm, mất lập trường. Dù sao, sự tồn tại của quán Nhớ cũng là một tiến bộ đáng mừng.

Quán Nhớ đơn sơ, mái tranh, vách liếp, trang trí đơn giản, bàn ghế làm bằng gốc cây đặt chung quanh các cọc tiêu trong một khu sân nhỏ nhưng gọn gàng ấm cúng. Chủ quán là anh Thông, một người có đầu óc tổ chức. Quán đã thực hiện nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ như triển làm tranh, ảnh nghệ thuật, giới thiệu nhạc tiền chiến, thơ Quang Dũng... Đây là một hình thức tổ chức, tập hợp mới mẻ, đáng chú ý. Nghe chủ quán nói ban đầu rất khó khăn, phải làm nhiều đơn từ và phải xin đến sáu con dấu mới được phép làm. Những sinh hoạt ở đây được cán bộ các ngành văn hóa văn nghệ tham dự và giúp đỡ.

Buổi sinh hoạt kỷ niệm 100 ngày mất của Thanh Tịnh quy tụ khá đông người dự gồm nhiều nhóm, anh em hoạt động văn nghệ, giáo viên, sinh viên học sinh và cả những người yêu thơ ở cách thị xã 20, 30 cây số cũng tìm đến. Có hai người nói chuyện về cuộc đời, sự nghiệp thi ca của Thanh Tịnh. Ban tổ chức giới thiệu hai người này là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về hưu, trước đây đã có gặp gỡ, từng công tác chung với Thanh Tịnh. Tiếp đó là minh họa thơ, các ý kiến phát biểu về thơ Thanh Tịnh. Vì nội dung chuẩn bị sẵn tương đối dài nên đoàn khách chủ yếu ngồi nghe, không phát biểu ý kiến. Trước khi ra về, do ban tổ chức và những người tham dự yêu cầu, Hữu Loan có lên phát biểu vài lời và đọc bài "Màu tím hoa sim".

Ấn tượng của đoàn về Đaklak rất tốt đẹp, rất "nhớ" và "bâng khuâng", nhưng thật bất ngờ, sau này khi ra đến Huế, đoàn mới biết Ban tuyên giáo Đaklak đã báo cáo lên Ban tuyên huấn Trung ương về việc làm sai trái của đoàn văn nghệ Langbian đã đi vận động, có tính cách bè phái, xách động, kích động, v.v... và v.v... Sau đó, với điện mật của Ban bí thư Trung ương Đảng gởi Tỉnh ủy Lâm Đồng và tất cả các tỉnh thành ủy, công văn của U'y ban trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam gởi các hội văn nghệ và ban tuyên giáo các tỉnh, thành trong cả nước nghiêm khắc phê phán chuyến đi của đoàn văn nghệ Lâm Đồng làm chuyến đi nổi lên như một sự kiện nghiêm trọng. Tuy nhiên đó là chuyện về sau, còn bây giờ thì đoàn văn nghệ Langbian vẫn phơi phới tiếp tục cuộc hành trình, trên chiếc xe sực nức mùi cà-phê lừng danh Buôn Ma Thuột mà Nguyễn Mạnh Tấn đã biếu đoàn đến ba ký, sau này đoàn đem tặng lại bạn bè trên dọc đường đi và uống mãi suốt cả chuyến đi cho tới khi về Đà Lạt vẫn chưa hết. (Hương vị của cà-phê Đaklak, tấm lòng và tình cảm của anh em văn nghệ Đaklak đối với Langbian vẫn không hề nhạt đi dù sau này chúng tôi biết Châu Khắc Dương, trưởng ban tuyên giáo kiêm trưởng ban vận động Hội văn nghệ Đaklak đã nói là không muốn tiếp đoàn, đã ngăn cản không cho đoàn đưa các nội dung kiến nghị, tuyên bố ra, đã yêu cầu Sở văn hóa thông tin cho xăng để tống xuất đoàn đi sớm... Chao ôi! Chúng tôi không buồn cho mình mà chỉ tự hỏi Hội văn nghệ Đaklak sẽ đi về đâu khi có một người phụ trách như thế!)

***

Quốc lộ 14 dẫn vào cửa ngõ thị xã Pleiku rực vàng hoa hướng dương dài đến mấy cây số, tràn lên giữa sườn núi Hàm Rồng. Đây là loại hoa quỳ dại, hoa nhỏ và dân giã, không chải chuốt đài các như hướng dương của phương tây, nhưng vào cuối đông này là mùa hoa nở, hàng triệu đóa hoa quỳ thắp sáng cả một vùng rừng núi.

Hướng dương gợi nhớ nhiều điều:

 Lòng em như đóa hướng dương
 Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời
(ca dao?)

 Hướng dương lòng thiếp như hoa
 Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
(Chính phụ ngâm khúc)

Ai là hướng dương, ai là mặt trời? Bao nhiêu người con gái đã hướng lòng mình về một phương rực rỡ, bao nhiêu người con trai đã xứng đáng là vầng thái dương ánh sáng chan hòa. Bao nhiêu hướng dương đã tàn và thái dương đã chìm tắt. Tây nguyên là xứ sở của hướng dương. Đoàn văn nghệ Langbian ra đi với lời chào tiễn biệt của hướng dương Đà Lạt cuối đèo Prenn, gặp lại hướng dương ở đỉnh Phượng Hoàng trên đường đến với Đaklak, bây giờ lại đi giữa rừng hoa vàng trên lối vào "đất nước đứng lên" của anh hùng Núp. Hướng dương phải có vị trí xứng đáng hơn trong xúc cảm của những người sáng tạo văn học nghệ thuật về Tây nguyên.

Hội văn nghệ Gia Lai - Kontum mới được thành lập, ra mắt ban chấp hành lâm thời tháng trước. Hôm đó văn nghệ Langbian không sang chia vui được nên lần này đến trước hết là để chào mừng bạn. Trụ sở hội mới được cấp ở số 86 đường Phan Bội Châu gần trung tâm thị xã. Nhà cũng khá rộng tuy trang bị ban đầu còn đơn sơ. Một phòng trưng bày tranh, tượng, ảnh nghệ thuật ngay trong cơ quan chào mừng buổi ra mắt của ban chấp hành hội vẫn còn.

Chúng tôi gặp hầu như đủ cả lãnh đạo và cán bộ cơ quan hội bạn: chủ tịch Trịnh Kim Sung, phó chủ tịch Nguyễn Khắc Quán và những người khác như Nay Nô, Thu Loan, Tuấn, Huy... Cơ quan mới thành lập nhưng đã có biên chế nhiều hơn Lâm Đồng. Lâm Đồng chỉ có chín người, trong đó có một chuẩn bị về hưu, có lẽ là một hội văn nghệ tỉnh ít cán bộ nhất nước.

Hội văn nghệ Gia Lai - Kontum rất quý khách, lo cho khách ăn ở chu đáo. Cũng như nhiều nơi khác đây là sự giúp đỡ quý báu cho đoàn văn nghệ Langbian trong chuyến hành trình dài vì văn nghệ Langbian giàu tình cảm, tâm huyết nhưng nghèo vật chất quá. Chúng tôi đã tổ chức một cách hơi phiêu lưu với tinh thần vừa đi vừa khất thực" bạn bè.

Trong buổi làm việc chung với lãnh đạo hội bạn, bạn tán thành kiến nghị của ba hội Lâm Đồng, Phú Khánh, Nha Trang đã ký, nhưng có vẻ dè đặt trước những điểm kiến nghị hơi mạnh mẽ. Bạn trình bày tình hình hội mới thành lập, còn nhiều khó khăn, cần hết sức tranh thủ lãnh đạo tỉnh bằng các phương pháp khéo léo, có sức thuyết phục để được hỗ trợ. Việc cụ thể mà hai hội thống nhất là thảo ra một bản kiến nghị về hợp tác toàn diện giữa các hội văn nghệ ba tỉnh Tây nguyên hai bên ký ngay và sau đó chuyển tiếp cho Đaklak. Rõ ràng Tây nguyên là một vùng đất độc đáo của tổ quốc mà văn hóa văn nghệ cũng có đặc trưng cần phát huy bằng sự phối hợp hoạt động giữa những người hoạt động văn học nghệ thuật ba tỉnh.

Hội bạn đã nhanh chóng tổ chức một cuộc gặp gỡ với anh chị em sáng tác và cán bộ các ngành văn hóa tư tưởng tại thư viện tỉnh và một đêm gặp gỡ công chúng tại Nhà văn hóa trung tâm.

Hầu như ở đâu cũng thế, việc ký hay không ký vào bản tuyên bố cá nhân là một sự lựa chọn không đơn giản. Chúng tôi coi đó là quyền tự do hoàn toàn của mỗi người nhưng sự tranh luận, đánh giá của mọi người đối với mỗi người về việc này lại là quyền của công chúng. Trong cuộc gặp ở thư viện tỉnh tại Pleiku có giáo sư Đắc tham dự. Giáo sư Đắc đồng tình với cách đặt vấn đề nhưng vì là cán bộ ở Hà Nội đến địa phương công tác nên không tiện ký. Đặng Kim Tấn, phó Ban tuyên giáo Gia Lai - Kontum, một người làm thơ của tỉnh, phát biểu rất dài, đại ý hoan nghênh đổi mới nhưng cần phải chờ đợi vì nghị quyết 05 mới ra đời một năm, thời gian cón quá ít, và không đả động gì đến việc ký tuyên bố. Nguyễn Đỗ, một người làm thơ, đến họp muộn, yêu cầu đưa ngay văn bản đến để ký và phát biểu hơi gay gắt, đề nghị những người tham dự nói rõ quan điểm của mình, không nói lòng vòng, phải tỏ thái độ của mình ngay đối với việc ký vào bản tuyên bố mà theo anh là hoàn toàn cần thiết và chính đáng. Thái độ vủa Nguyễn Đỗ có thể làm một số người khó chịu. Nhưng biết sao, tỏ thái độ là quyền của mỗi người và trong nhiều vấn đề của cuộc sống, việc va chạm về quan điểm là điều bình thường, nhất là trong cuộc đấu tranh cho đổi mới hiện nay.

***

Chúng tôi rời Gia Lai - Kontum đi Nghĩa Bình, nơi đang khẩn trương chuẩn bị kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa.

Từ Pleiku, theo quốc lộ 19, qua khỏi đèo An Khê là bắt đầu huyện Tây Sơn, quê hương Nguyễn Huệ. Đoàn định vào thăm Nhà bảo tàng Quang Trung nhưng kẹt cầu không đi được. Người ta đang sửa chữa, mở rộng cây cầu nhỏ bắc ngang qua một nhánh của sông Côn, trên đường đi vào nhà bảo tàng và các di tích khác nơi quê hương Nguyễn Huệ.

Đi ngang qua nơi này, anh em lại nhớ đến "Phẩm tiết" của Nguyễn Huy Thiệp và bắt đầu luận về anh hùng và nhân vật anh hùng trong văn học. Hoạt động văn nghệ kể cũng thú vị. Đi suốt sáu nghìn cây số không bao giờ hết chuyện. Chuyện nào cũng hào hứng sôi nổi, không phải nói tào lao để giết thì giờ mà nói bằng tất cả tâm hồn và nhiệt huyết của mình, có lúc đưa đến tranh cãi gay gắt, ngay trong đoàn.

Mọi người đều thống nhất anh hùng cũng là con người có những khía cạnh thường tình. Biết yêu, thậm chí yêu nhiều hay nói cách khác, mê gái cũng là chuyện bình thường của anh hùng, không có gì đáng chê trách hay hạ phẩm giá của anh hùng. Chính điều đó mới làm cho anh hùng là con người, gần gũi với con người. Riêng Nguyễn Huệ có ba vợ, theo"Hoàng Lê nhất thống chí" trước khi ra Bắc cưới Ngọc Hân có tuyên bố một câu rất dân dã mà cũng rất ngang tàng: "Ta chỉ mới quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không. "

Luận về anh hùng, đánh giá lại anh hùng là quyền của mọi người và của lịch sử. Mỗi triều đại có quan điểm riêng, không thể đem quan điểm đó áp đặt cho hậu thế vĩnh viễn. Lịch sử không đứng nguyên một chỗ và hậu thế có quyền đánh giá lại lịch sử. Không được dùng lịch sử để che đậy tội ác của mình hiện nay. Cho nên luận điểm cho rằng"nói xấu Nguyễn Huệ được thì nói xấu Bác Hồ và các lãnh tụ hiện nay cũng được" là một luận điểm dễ được nhiều người đồng tình nhưng rất nguy hiểm.

Chúng ta không hạ bệ thần tượng nhưng không tôn sùng thần tượng một cách mù quáng mà phải đánh giá đúng thần tượng. Đừng để đến khi nhận ra thần tượng chỉ là lớp sơn hào nhoáng bên ngoài còn bên trong mục ruỗng rồi thất vọng và niềm tin sụp đổ. Dù là Nguyễn Huệ hay bất cứ anh hùng nào khác là niềm tự hào của dân tộc, nhưng nếu ta phát hiện ra có điều gì không tốt, không xứng đáng, ta không có quyền làm ngơ hay che đậy, giấu giếm để tiếp tục tung hô. Đánh giá lại lịch sử không phải là bội bạc,"bắn súng lục vào quá khứ"mà là trách nhiệm của mỗi thế hệ để tìm ra bước đi lên cho tương lai. Tại sao việc Liên Xô trong cải tổ xét lại Xít-ta-lin làm nhiều người của ta không hài lòng, thậm chí run sợ và tìm cách ngăn cản ảnh hưởng của những việc như thế vào công cuộc đổi mới của ta? Lịch sử sẽ là vị quan tòa rất công bằng, không ai che giấu sai lầm, tội ác của mình trước lịch sử mãi được. Công là công, tội là tội, không được mập mờ đánh lận con đen.

Riêng về Nguyễn Huệ cũng có ý kiến cho rằng đánh ngoại xâm nhưng không mang lại hạnh phúc cho nhân dân chưa phải là anh hùng. Nguyễn Huệ chưa lên ngôi đã giết tướng, nếu làm vua lâu dài chưa chắc đã hơn gì Lê Lợi. Ơ' Quy Nhơn người ta yêu mến Nguyễn Nhạc hơn Nguyễn Huệ. Đó là một luận điểm hơi cực đoan, nhưng hãy chứng minh một cách khoa học đi và sẽ tranh luận để làm sáng tỏ chứ không phải vội quy kết là nói xấu anh hùng, hạ bệ thần tượng.

Đến Hội văn nghệ Nghĩa Bình ở Quy Nhơn, lãnh đạo hội đi vắng nên dù có nhiều cán bộ ở cơ quan cũng không ai tiếp đoàn cả dù ở Pleiku đoàn đã điện về báo trước. Đoàn đến nhà riêng tìm Thanh Thảo, nhà thơ, phó chủ tịch hội. Nghe nói Thanh Thảo là phó chủ tịch hội nhưng ít khi đến cơ quan vì đang mâu thuẫn với Thu Hoài, chủ tịch hội và nội bộ lãnh đạo hội đang rất gay cấn, chia hẳn thành hai phe xung đột nhau từ mấy năm qua và hiện nay đang ở vào giai đoạn một mất một còn. Hoạt động của hội do đó hạn chế rất nhiều. Đoàn kết là một vấn đề không đơn giản nhưng đừng vội quy là văn nghệ hay mất đoàn kết. Ơ' lãnh vực nào tình trạng này cũng có thể xảy ra nhưng có nơi người ta che giấu kỹ còn anh em văn nghệ thì cứ nói huỵch toẹt ra. Vấn đề là ở chỗ đoàn kết với ai và cần phải đấu tranh chống ai, không thể đoàn kết với kẻ xấu được.

Thanh Thảo báo tin cho một số anh em văn nghệ và anh em kéo đoàn đi uống bia mừng gặp mặt. Nhiều tin tức văn nghệ nóng hổi trong nước được trao đổi và mỗi người đều có quan điểm của mình. Hóa ra nhiều người ở mọi nơi đều quan tâm đến tình hình thời sự văn nghệ hiện nay vì đó là những vấn đề nóng bỏng liên quan đến lương tâm và trách nhiệm của mỗi người.

Trong khi chờ làm việc chính thức với lãnh đạo hội bạn, đoàn tranh thủ đi thăm mộ Hàn Mặc Tử vì đã đến Quy Nhơn thì không thể không viếng Hàn Mặc Tử được. Trước đó, đọc tin trên báo thấy nói mộ Hàn Mặc Tử mới được sửa sang lại, ai cũng mừng. Vừa qua có người đã làm ầm ĩ về chuyện khôi phục, đánh giá lại Hàn Mặc Tử nhưng thực ra ở miền Nam, mấy chục năm qua Hàn Mặc Tử không hề bị hiểu lầm,"hạ giá", mà Hàn vẫn là một trong những nhà thơ được yêu mến nhất, thơ Hàn nhiều lần được tái bản, trong sổ tay người yêu thơ nào cũng có thơ Hàn. Những dòng thơ viết bằng máu, bằng hồn, bằng não của nhà thơ đau thương bạc mệnh đã làm rung chuyển mọi tâm hồn đa cảm:

 Ôi điên cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
 Ta cắm thuyền chính giữa mảnh hồn ta

Không ngờ chuyến đi thăm mộ Hàn lần này đã để lại nhiều dư vị cay đắng. Cùng đi với đoàn có Trần Hinh, làm thơ, viết nhạc, phó giám đốc Sở giao thông vận tải, nguyên đại biểu quốc hội, một người có tâm hồn văn nghệ và rất phóng khoáng.
Mộ Hàn chỉ cách trung tâm thị xã khoảng bốn cây số, nằm ven bờ biển. Đầu đường lên dốc đến mộ có tấm bảng lớn ghi: Ghềnh Ráng, danh lam thắng cảnh được nhà nước xếp hạng. Nghiêm cấm chặt cây, đào đá...

Con đường lổn nhổn đá sỏi, nước xói thành hào sâu ngay giữa đường, có một chiếc tải và mấy công nhân đang lấy đất bên lề đường, cạnh đó hai người đang san lấp đá mặt bằng, có vẻ như để làm nền dựng quán.

Trên đầu dốc là một cổng lớn có bảng đề"Doanh trại quân đội nhân dân", tấm bảng méo mó, gẫy gập nhiều khúc. Anh em đi vào bằng cách lách mình qua một cánh cổng lớn khép hờ làm bằng khung sắt và lưới B40. Bên trong, mấy căn nhà làm bằng tôn Mỹ, cả vách lẫn mái, có rào lưới sắt chống B40 và kẽm gai, cao chớn chở.

Qua cổng mới đi mấy bước, một sĩ quan mang quân hàm đại úy đi ra xua tay không cho vào, yêu cầu đi đường vòng phía ngoài vì đây là khu vực cấm. Trần Hinh nói từ trước vẫn đi lối này và có ông cụ ở Hà Nội mới vào muốn đi thăm mộ Hàn Mặc Tử nhưng viên sĩ quan vẫn kiên quyết từ chối. Vì bị xua đuổi rất gắt nên anh em không ai muốn nói gi thêm và đành ra cổng đi vòng ngõ khác. Ngõ mới này là một đường dốc gập ghềnh, hai bên rào kẽm gai công-xéc-ti-na của Mỹ ba bốn lớp dầy đặc. Bảo Cự nói đùa:"Ai muốn đến với nhà thơ chân chính phải đi qua con đường sạn đạo". Thế nhưng đi đến nửa dốc thì đường tắc, kẽm gai vây hãm tất cả. Thấy có một chỗ kẽm gai thưa anh em đang bàn đạp rào sang nhưng một ông già, đang đứng cuốc cỏ lúa bên kia rào lên tiếng ngăn cản. Trần Hinh nói: "Có ông cụ bạn của Hàn Mặc Tử ở xa vào thăm mộ". Ông già trả lời ngay: "Mộ bạn chứ mộ cha cũng phải đi đường kia, đạp hư lúa ai chịu? "

Anh em ai cũng điếng người không sao đối đáp được. Mặc dù mộ Hàn chỉ cách đó vài chục mét nhưng không cách nào vào được, anh em đã phải trở xuống và quyết định bằng mọi cách phải đi vào bằng cổng doanh trại vì nhà nước đã có bảng đề đây là danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Bùi Minh Quốc rất tức giận, lấy thẻ nhà báo ra đi tìm chỉ huy đơn vị. Người chỉ huy lại chính là viên sĩ quan đã ngăn cản không cho đoàn đi lúc đầu. Sau này kể lại, Bùi Minh Quốc nói rằng đã tự giới thiệu mình là nhà thơ, giới thiệu anh em trong đoàn, nói về Hàn Mặc Tử nhưng thuyết phục mãi viên sĩ quan vẫn khăng khăng không nghe bảo vì lý do bảo vệ an ninh doanh trại. Quốc nói nếu vì lý do an ninh thì có thể cử chiến sĩ cùng đi để bảo vệ. Cuối cùng viên sĩ quan đồng ý cho một chiến sĩ dẫn đi nhưng phải đi vòng đường dưới. Trong khi Quốc vào làm việc thì anh em trong đoàn đã đi đến mộ Hàn, chỉ cách đó 20 mét và không có một chướng ngại nào cả. Chiến sĩ dẫn Quốc đi tắt cũng theo lối chúng tôi vừa đi vì anh biết đường dưới đã bị rào không đi được.

Chúng tôi đã đến với mộ Hàn như thế. Việc này xảy ra lúc 9 giờ ngày 17-11-1988.

Mộ Hàn Mặc Tử chưa hề được sửa sang như tin báo đăng. Tượng mẹ Maria đứng giơ hai tay trên đầu ngôi mộ xây xi-măng đơn giản, vài chỗ đã nứt nẻ.

Mộ bia ghi:

 Đây an nghỉ trong tay mẹ Maria
 Hàn Mặc Tử tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí
 Thứ nam cố Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Thị Dung
 Sanh 22-9-1912 Lệ Mỹ (Quảng Bình)
 Tử 11-11-1940 Qui Hòa (Bình Định)


 Cải táng và lập mộ 13-2-1959 do
 Chị Nguyễn Thị Như Ngãi, Nguyễn Thị Như Lễ
 Em Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu
 Bạn Quách Tấn

Hôm trước ở Nha Trang, chúng tôi gặp Quách Tấn có nghe ông nói chuyện về việc cải táng và lập mộ cho Hàn, chi phí phần lớn do tiền nhuận bút của Hàn được các nhà xuất bản trả cho người thừa kế. Có lẽ từ ấy đến nay mộ chưa được tu sửa lần nào.

Chúng tôi đang đứng nói chuyện bên mộ Hàn thì có một ông già cuốc đất gần đó đến chào, tự nhận được một ông chủ giao nhiệm vụ trông coi, làm cỏ chung quanh mộ Hàn và xin ít tiền uống rượu. Một bà già có vẻ khùng không hiểu ở đâu đến đứng nhìn khách và ré lên cười như điên dại.

Từ giã mộ Hàn chúng tôi cám ơn chiến sĩ rất trẻ của doanh trại đã đưa chúng tôi đến và hỏi anh đã đọc thơ Hàn chưa. Anh cười và thật thà trả lời chưa đọc.

Trên đường về, bình luận những việc mới xảy ra và những điều nghe thấy chung quanh mộ Hàn, ai cũng có ý nghĩ cay đắng. Riêng Hữu Loan hoan nghênh ông già trồng lúa vì ông đã biết bảo vệ thành quả lao động, chống lại bất cứ ai làm hại đến công sức của mình. Đó là một khía cạnh t'tch cực của người nông dân. Hôm sau chúng tôi thuật lại đầy đủ câu chuyện này trong buổi gặp gỡ ban biên tập và phóng viên báo Nghĩa Bình, không sợ người địa phương tự ái vì chúng tôi nghĩ sự thật cần phải được nói ra và nói với tất cả tấm lòng của mình. Các bạn ở báo Nghĩa Bình h'ứa sẽ lên tiếng và có bài viết về mộ Hàn Mặc Tử, một niềm tự hào của Quy Nhơn.

(Sau này khi đi qua Quảng Bình, nơi sinh của Hàn, chúng tôi nghe nói ở thị xã Đồng Hới có một con đường mang tên Hàn Mặc Tử. Điều ấy không an ủi được Hàn nhưng làm ấm lòng những người yêu mến Hàn và những người làm văn nghệ nói chung.)

Điều bất ngờ là Thu Hoài, chủ tịch Hội văn nghệ Nghĩa Bình, mới đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh về, tiếp đoàn rất tử tế, có cả bia bọt đàng hoàng, trái với không khí lạnh nhạt ở cơ quan lúc đoàn mới tới. Chúng tôi chưa thể bàn công việc một cách nghiêm túc như ở các hội khác vì mới nêu công việc, chủ nhà đã chuyển sang đãi bia, lẩn tránh vấn đề và nói đủ thứ chuyện trên đời. Tuy nhiên Thu Hoài cũng bày tỏ quan điểm là nhất trí với nội dung kiến nghị của ba hội Lâm Đồng, Phú Khánh và Nha Trang đã ký, nhưng về điểm đề nghị cách chức, cho rằng sợ gây rắc rối, không cần thiết. Từ Quốc Hoài, tổng thư ký hội muốn họp ban thư ký để bàn tập thể và ký chung kiến nghị. Cuộc gặp nói chung không đạt kết quả cụ thể.

Sau này chúng tôi được biết Thu Hoài đã đi xin ý kiến ban tuyên huồấn về viêc ký kiến nghị, cùng với tình hình nói chuyện, đọc thơ ở Nhà văn hóa trung tâm nên ban tuyên huấn đã báo cáo với Thường trực tỉnh ủy Nghĩa Bình, và Thường trực tỉnh ủy Nghĩa Bình đã báo cáo với Trung ương, đồng thời điện hỏi Tỉnh ủy Lâm Đồng về chuyến đi của đoàn văn nghệ Lâm Đồng. Cũng như ở Đaklak, chuyện này xảy ra sau khi đoàn đã rời Quy Nhơn nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động của đoàn ở đây.

Buổi nói chuyện ở Nhà văn hóa trung tâm Quy Nhơn, có thêm Thanh Thảo tham gia, rất hào hứng mặc dù phòng rất chật, ồn ào vì có nhà hát ngay bên cạnh. Sau khi chăm chú nghe Bảo Cự giới thiệu tạp chí Langbian, kiến nghị về vụ tuần báo Văn nghệ của Lâm Đồng và bản"tuyên bố". Số đông người nghe là thanh niên và sinh viên Trường cao đẳng sư phạm đã vỗ tay hưởng ứng nồng nhiệt những bài thơ bốc lửa của Hữu Loan và Bùi Minh Quốc, những bài thơ châm biếm nhẹ nhàng mà cay độc của Thanh Thảo. Một số người đạp xích-lô cũng đến bên cửa ra vào đứng nghe.

Thế Kỷ, ủy viên Ban thư ký hội văn nghệ, chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ của Nhà văn hóa trung tâm lúc đầu giới thiệu khách rất long trọng nhưng khi kết thúc, cám ơn có nói thêm: "Vì đoàn khách nêu quá nhiều vấn đề, trình độ của người nghe có hạn nên có thể tiếp thu không đầy đủ".

Chúng tôi không chú ý đến ý kiến này lắm vì cho rằng đó chỉ là câu nói xã giao, lịch sự nhưng sau này nghe nói khi tỉnh ủy mời lên để phản ánh tình hình, Thế Kỷ nói câu đó có ý phê phán đoàn khách và không đồng tình với nội dung đoàn khách trình bày(?!). Sau này nữa có ngưồi lại bóp méo thêm nói rằng ban tổ chức đêm thơ thấy nội dung không tốt nên đã yêu cầu chấm dứt sớm hơn một giờ so với dự định(?!).

Bù lại, cuộc đối thoại tại báo Nghĩa Bình rất thú vị. Báo Nghĩa Bình mời đoàn đến dự cuộc đối thoại ngẫu hứng với sự tham dự của hai phó tổng biên tập báo Nghĩa Bình, đồng chí Hữu Tỷ, đồng chí Kiên và gần ba mươi phóng viên của báo và đài. Nói là đối thoại ngẫu hứng nhưng câu chuyện xoay quanh chủ đề công khai và dân chủ trong văn nghệ, báo chí và đời sống chính trị hiện nay, đề cập cụ thể đến các việc tuần báo Văn nghệ, truyện"Phẩm Tiết" của Nguyễn Huy Thiệp, nông dân Nam bộ biểu tình...

Ngoài những nội dung chính báo Nghĩa Bình đã tường thuật trong đặc san"Văn hóa thể thao Nghĩa Bình" tết Kỷ Tỵ, với các ý kiến của Hữu Loan, Bùi Minh Quốc, Thanh Thảo, Bảo Cự về những vấn đề chung, Hữu Loan còn phát biểu một số ý kiến về chính trị và văn nghệ rất đáng lưu ý. Ba mươi năm ở ẩn bất đắc dĩ nơi quê nhà, Hữu Loan đã nghiền ngẫm được nhiều điều.

Hữu Loan nói: "Đất nước ta là nơi nói giỏi nhất nhưng làm sai nhiều nhất. Người sai lầm ít thì bị trị tội nặng không được sửa sai, như bác sĩ làm chết người, lái xe gây tai nạn bị lấy bằng, đi tù, còn những người làm sai nhiều, giết nhiều người, làm hại làm khổ hằng triệu người thì lại được sửa sai, nói dễ dàng"sai thì sửa".

Người nói thật cũng bị trừng trị. Tôi cũng bị trừng trị vì tôi viết văn là nói thật. Có người hỏi động cơ viết văn của tôi là gì, tôi trả lời động cơ viồêt văn của tôi là thích chửi vua. I³t ai dám chửi vua nhưng vua sai thì nhà văn có quyền chửi.

Lãnh đạo văn nghệ là vô lý vì chỉ làm thui chột văn nghệ. Trường hợp bài"Màu tím hoa sim", bài thơ khóc vợ nhưng phải một năm sau khi vợ chết tôi mới làm vì trước đó tôi không dám làm, không muốn khóc riêng, sợ mất lập trường.

Hiện thực xã hội chủ nghĩa không là cái gì cả. Hiện thực là hiện thực. Giữa người làm văn nghệ và quần chúng bao giờ cũng nhất trí nhưng lãnh đạo chuyên thọc gậy bánh xe cản trở văn nghệ. Vụ tuần báo Văn nghệ hiện nay phải chăng là một vụ"Nhân văn" trước đây lặp lại?

Cái gì, kể cả tội ác, cũng có giới hạn, nên Xít-ta-lin đang bị lên án và Tần Thủy Hoàng đã bị tiêu diệt. Lịch sử không đứng nguyên một chỗ, hậu thế có quyền đánh giá lại lịch sử. Không được dùng lịch sứ để che đậy tội ác của mình hiện nay.

Quan điểm của Hữu Loan, xuất phát từ kinh nghiệm cuộc sống riêng của mình có thể một số điều chỉ đúng trong một số trường hợp nhưng cũng có điều, tuy trái với quan điểm"chính thống" hiện nay, nhưng buộc ta phải suy nghĩ xem xét lại chứ không phải vội vàng quy chụp. Trong công cuộc đổi mới, công khai và dân chủ đòi hỏi phải nói lên sự thật, dù sự thật đó có làm chói tai, khó chịu nhiều người. Dĩ nhiên người nói lên phải nói bằng cả tấm lòng và ý thức xây dựng. Tự do tư tưởng, tự do tranh luận, tính đa nguyên của chủ nghĩa xã hội thực ra ta vẫn nói nhưng chưa quen với việc nó hình thành và vận hành thực sự trong cuộc sống. Bây giờ là lúc phải tập quen, nhất là đối với lãnh đạo vẫn quen với lối"dân chủ tập trung" và"cấp dưới phục tùng cấp trên" lâu nay.

Còn Tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn