BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73245)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (6)

27 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1524)
Hôn Em, Kỷ Niệm (6)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

CHƯƠNG SÁU


Gia đình tôi sống ở ngã ba chợ huyện đã gần một năm. Cửa hiệu của bố tôi khấm khá, không phải lo ngại những hôm mưa dầm gió bấc. Tôi vẫn đến trường để chẳng học hành gì và vẫn ghé thăm chị Hạnh. Cho tới hôm chị dọn nhà về Thái Ninh thì huyện lỵ Tiền Hải, đối với tôi, chẳng còn chi lưu luyến. Tôi nghỉ học đều đều. Thầy Cầm nghỉ, tôi nghỉ theo. Và thầy Cầm nghỉ luôn luôn, nghỉ vô hạn định. Tôi có thì giờ giúp đỡ bố tôi vá săm, lốp xe đạp hay đốt thau trong cái lò máy vá chín. Tôi trở thành một chú thợ nhỏ cừ khôi. Mình tôi đủ khả năng tháo tung cái xe, lau dầu mọi bộ phận, nắn vành cong hay thay “râu tôm” ở “rulip”. Quả thật, bố tôi không hãnh diện về sự cừ khôi của tôi. Thâm tâm, bố tôi chỉ muốn tôi học giỏi. Tôi đã có tháng ba dưới gốc cây gạo xù xì gai góc. Tháng ba hoa gạo nở đỏ chói. Hoa gạo to bằng nắm tay, rơi xuống đất bồm bộp. Những chiếc hoa không rụng kết trái và trái lớn hơn trái chuối hột. Tháng sau, nắng gắt, trái gạo đen gớm ghiếc nứt tung. Bông gạo thoát ra, tản mạn, bay theo gió như những cụm mây trắng. A, cái hoa gạo thô bỉ cũng cho tôi một cụm mây tuyệt vời. Bên trong lớp vỏ đen còn có thứ trắng, thứ trắng gây mơ màng, thoát ra, bay cao … Tôi đã là đứa trẻ cô độc ở huyện lỵ Phụ Dực, bạn bè với những thằng nhãi trong xã hội Quốc văn giáo khoa thư , với những giọt nắng thả hoàng hôn xuống giậu bìm, với những con ong đen cả ngày lởn vởn trên những chùm hoa mò hèn mọn. Tôi lại là đứa trẻ cô độc ở ngã ba chợ huyện, bạn bè với những con quạ khoang gớm ghiếc và với những cụm mây bông gạo êm ả trôi với những lớp mây trời. Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông đều là mùa buồn, mùa gây úa cành lá tuổi thơ của anh em tôi.

Bố tôi bỏ quên cây đàn kỷ niệm chuyến dọn nhà này. Mái tóc của bố tôi đã nhiều sợi trắng. Những buổi chiều mưa biển động, bố tôi ngồi đăm chiêu. Tại sao bố tôi không ngâm nga mấy câu vọng cổ mà chẳng cần tiếng đàn dạo? Chỉ một thoáng nhớ Nam kỳ đã vơi nhiều u uẩn. Phải, chỉ cần một thoáng nhớ, một câu vọng cổ ngọt bùi, bố tôi đã có nơi lẫn trốn hiện tại. Ông đã chối bỏ. Tôi thấy rõ khuôn mặt bố tôi qua những tia chớp. Bố tôi mang tâm sự của con ngựa già biết mình kiệt sức. Hình tưởng, tôi muốn ví bố tôi như một ông bầu kiêm nhà soạn tuồng cải lương. Ông bầu dẫn gánh hát nghèo mạt lưu diễn cùng khắp để mơ ước ngày về hạnh phúc. Đường về bị bít lối. Ông bầu không dám ngoảnh lại. Ông bầu ứa máu mắt. Bố tôi đấy. Những tia chớp của những chiều mưa biển động quét ngang mặt bố tôi. Cơ hồ tia lửa hàn xì lướt trên thanh sắt. Đã không ai quỳ trước mặt bố mình nói lên những lời ngưỡng mộ. Thường, người ta đợi bố mình chết mới kể lể công đức sinh thành. Khi tôi hiểu thanh sắt đã ngậm miệng nhịn đau thì tôi đã xa bố tôi ngút ngàn. Và những gì tôi nói về bố tôi, viết về bố tôi đều vô nghĩa. Bố tôi đâu có nghe rõ, đọc được. Ngay cả những gì tôi làm nên cũng vứt đi, vì bố tôi không chứng kiến. Gửi gì biếu bố? Một bông hồng hay một giọt nước mắt. Chẳng thể gửi gì, hỡi đứa con bất hạnh! Bố tôi nhẫn nại làm việc nuôi mẹ con tôi. Chiến tranh còn cách xa Tiền Hải dù, thỉnh thoảng năm bảy phát đại bác của tàu chiến Pháp thị uy ngoài khơi Đồng Châu có khiến rung động căn nhà tôi. Nghề sửa chữa xe đạp vất vả, suốt ngày dầu mỡ dính tay nhưng dễ chịu. Bố tôi quen biết ông Phú Hậu, ông Phú Mỹ và nhà thơ … phó cạo bất đắc dĩ để xướng họa những vần thơ … hiếu hỉ nên cũng đỡ buồn. Ông có ý định xuống vùng đất tân bồi canh tác ít mẫu đất và nuôi vịt. Một nhà điền chủ muốn giúp đỡ bố tôi. Ý định đó mỗi ngày một thôi thúc bố tôi. Ông thí nghiệm nuôi lợn nái và gà. Quên thơ hiếu hỉ, lãng-tử-bố-tôi dựng chuồng lợn, chuồng gà. Mẹ tôi lo bèo cám. Đàn gà và bốn con lợn nái của bố tôi là ước mơ mới. Tôi thấy ông sung sướng nghe tiếng gà mái cục ta cục tác xuống ổ và tiếng lợn nái gầm rống đòi “đi tơ”. Tâm hồn bố tôi gửi vào bầy gà con, lũ lợn nhỏ tương lai.

Mùa đông, những con gà thay phiên nhau “mặc áo tơi”. Đôi cánh nó trề xuống. Nó đứng một chân, nhắm mắt, bất động. Nó không gáy, không đẻ, không ăn. Mào nó tái xám, mỏ nó chảy rãi, và nó chết. Lấy tỏi giã nhỏ đổ vào họng nó, vẫn chẳng cứu nỗi. Gà chết không kịp làm thịt, đành đào hố chôn. Lợn mẹ lẫn lợn con bị “đóng dấu”. Những cái dấu xám xịt trên lưng báo hiệu hết đời lợn. Bố tôi không oán trách trời, không thở dài tiếc của. Ông im lặng. Song mái tóc ông, tóc trắng đã lấn át tóc đen. Bố tôi dẹp ý định lập ấp. Mười năm sau, trong cái Bưu thiếp giới hạn tình thương gởi vô Nam cho tôi, bố tôi viết: “Bây giờ, bố nuôi bò ở Trà Lý” ! Bố tôi đã trở thành gã cao bồi. Không, bố tôi đã trở thành gã mục tử già trong xã hội chủ nghĩa! Lúc này, tôi đủ khả năng soạn một vở cải lương, thuê một đạo diễn, mời nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há thủ vai và dành cho bố tôi một vai quan trọng thì bố tôi lại ở mãi miền Bắc và đang lùa bò về chuồng giữa những hoàng hôn hắt hiu nhất của kiếp người. Đúng dịp bố tôi thất bại chuyện chăn nuôi, đáp ứng phong trào thi đua “Cụ ông thi với cụ bà. Nuôi lợn cho béo nuôi gà cho to”, ở đây phát khởi bệnh sốt rét. Con bệnh sốt liên tiếp vài ngày hoặc cách ngày sốt một trận, da mặt tái, vàng ủng và bụng có báng. Thuốc ta, thuốc tầu đầu hàng. Bố tôi đóng cửa hiệu sửa chữa xe đạp lên thị xã. Ông tới nhà thương xin học lớp y tá cấp tốc. Nửa tháng sau ông trở về, nắm cẩm nang tây y với bí kíp diệt bệnh sốt rét. Chỉ là cái “sơ ranh” mũi kim to, thuốc ký ninh tiêm và uống. Bố tôi biến thành danh y, nổi tiếng khắp vùng. Hai ống ký ninh chấm dứt bệnh sốt rét. Uống thêm vài viên ký ninh vàng, đắng và tẩm bổ thời gian là da dẻ hồng hào. Mười lăm phát ký ninh liên tiếp, cái báng nhỏ dần rồi tan biến. Dưới mắt và trong ý nghĩ dân quê miền biển, bố tôi là thần y. Ông đã giúp biết bao người khỏi chết vì bệnh sốt rét quái ác. Bố tôi được đền bù công lao xứng đáng. Người giàu trả nhiều tiền, người nghèo trả ít, tùy ý. Có người trả tiền thuốc bằng thúng gạo, thúng khoai. Có người trả bằng con gà, con cá. Bố tôi tận tâm với nhiệm vụ mới. Ông đi thật xa diệt giặc sốt rét. Ai mời cũng đi. Xa mấy cũng đi. Mưa gió bất chấp. Bố tôi là chiến sĩ diệt sốt rét, chiến sĩ tiên phong ở vùng này. Cảm sốt đừng mất công sắc thuốc. Uống hai viên “át pi rin” , đắp chăn kín mít. Một lát, ăn bát cháo hành thật nóng, mồ hôi toát ra là hết bệnh. Nhức răng không ngủ nỗi à? Một viên “át pê rin”, mười lăm phút hết ngay đau nhức. Tây dược vừa bước chân tới đây đã chinh phục bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Bố tôi “khởi sắc đợt nhất”. Người ta mời ông vào Ban Cứu thương của xã. Ông tận tình “phổ biến” phương pháp tiêu diệt bệnh sốt rét bằng ký ninh tiêm mông và ký nô xanh tiêm mạch máu. Hoa Đà không vá chín, vá sống săm lốp xe đạp nên cửa hiệu sửa chữa xe đạp dẹp bỏ. Công cuộc cách mạng xe đạp của bố tôi cáo chung. Ông theo đuổi cuộc cách mạng y tế. Dân quê Tiền Hải chỉ đủ hiểu biết để phục bố tôi, họ chẳng tìm hiểu vĩ nhân nào đã chế ra thần dược ký ninh cho phơi xác vi trùng sốt rét. Thấm thoát, năm học lớp nhì đã qua. Tôi lên lớp nhất học thầy giáo Trường. Thầy Trường không giống thầy Cầm, thành thử, cái sự học lem nhem, mất căn bản của tôi lại lao đao. Nhưng tôi vẫn phải đi học. Trước ngày tiêu thổ kháng chiến, bố tôi “tu nghiệp” thêm hai tuần. Là người ham học hỏi, thông minh và đã ngồi ở thành chung, bố tôi hẳn thâu lượm được nhiều kiến thức chuyên môn. Ông còn mua sách Tây y về đọc và ghi tên học lớp trữ dược viên. Ông đã thi và đã đỗ. Và bố tôi tính chuyện mở một trữ dược phòng. Tôi chỉ có mười đầu ngón tay mà bố tôi thì có quá nhiều nghề đến nỗi tôi không đếm xuể. Tất cả nghề nghiệp của bố tôi đều mang tính cách tạm bợ. Ông là dân du mục trong nghề nghiệp. Mỗi nghề đãi ngộ ông một thời gian. Nghề “thuốc tây” gần như tàn ở đây. Vì nhiều người biết tiêm thuốc ký ninh trị sốt rét. Phần đông là “môn đệ” của bố tôi. Ông thăm dò đường lối sang bên kia sông Trà Lý, mạn Thần Đầu, Thần Huống. Cuối năm đó, tôi thi Sơ học bổ túc. Tôi đậu mới buồn cười! Mảnh bằng do ông Tăng Xuân An ký tên và đóng dấu. Mảnh bằng đã không đem về cho bố tôi một nụ cười mãn nguyện. Dạo này, bố tôi lười biếng thăm hỏi chuyện học của tôi. Cái học đã suy vi hay tại thóc cao gạo kém?

Chiến tranh gần quá rồi. Bằng những khẩu hiệu chuẩn bị phản công . Đói khổ còn gần hơn. Tiền bạc kiếm khó khăn, thóc gạo lên giá vùn vụt. Gia đình tôi chuẩn bị chống đói. Tôi lên Trung học hai tháng thì nghỉ. Vừa học vừa đào hầm tránh bom cũng vô tích sự. Thoạt đầu, trẻ con ăn cơm bữa sáng, người nhớn ăn cháo. Rồi người lớn ăn một bữa. Bữa cơm thảm hại của “cách mạng thành công”. Sáng sớm, tôi bưng cái nồi đất qua chợ mua nước luộc lòng lợn. Vài chục bạc là sấp xỉ lưng nồi. Buổi trưa chan nước luộc lòng lợn nhạt nhẽo vào cơm, ăn vội cho qua ngày đoạn tháng. Tối rồi, mọi người ăn thêm một củ khoai luộc. Thị xã tiêu thổ kháng chiến. Đường sá chằng chịt hố chữ chi. Xe hàng chạy than của ông tài hùng nằm một xó đợi ngày kháng chiến thành công. Xe đạp chạy bằng lốp đặc và ít ai muốn đi. Do đó, bố tôi không thể phục hưng cửa hiệu sửa chữa xe đạp. Ông bỏ gia đình ở ngã ba chợ huyện, một mình mon men tới vùng đất mới lập nghiệp. Tôi được thả lỏng nơi xó xỉnh này, suốt ngày câu cá, bơi lội và giao du với mấy thằng oắt móc túi. Có hai đứa đáng chú ý: Quý và Bệu. Thằng Quý lớn hơn thằng Bệu. Thằng Quý hỏi tôi:

- Mày chơi với chúng tao không sợ mẹ mày đánh à?

Tôi đáp:

- Tao có làm gì đâu mà mẹ tao đánh.

Quý nói:

- Nhưng mẹ mày cấm mày. Ở đây, ai cũng cấm con cái chơi với chúng ta. Thôi, mày đi chỗ khác.

Bệu cười. Mắt nó híp giống mắt lợn:

- Cút về nhà mày đi.

Nó giơ nắm đấm. Tôi chuồn vội. Quý và Bệu thân nhau nhất, ham chửi nhau nhất và thích choảng nhau nhất. Những hoàng hôn vàng vọt hay những trưa mịt mù, Bệu nằm vắt chân chữ ngũ trên chõng tre, nghêu ngao kể sa mạc:

Bác mẹ sinh ba người con.

Hai người đèn sách đáp ơn sinh thành.

Anh cả làm quan Bắc Ninh.

Anh hai tổng đốc Thái Bình tỉnh ta.

Còn em đói khổ quê nhà

Bát cơm không có, quả cà cũng không…

Quý vỗ bụng đánh trống miệng. Bọn oắt này chẳng hề hát những bài đập tan xiềng xích nô lệ hoặc ngợi ca cách mạng mùa thu. Cách mạng chê bỏ lũ ăn cắp hay lũ ăn cắp bị tước đoạt quyền làm nhi đồng. Hạnh phúc thường nằm dưới mái nhà. Không có mái nhà là không có tất cả. Bọn oắt đã không có gì, mặc dù, cách mạng đã nhân danh chúng nó mà vùng lên. Cách mạng không đủ màu nhiệm đổi thay cuộc đời những kẻ khốn cùng. Tôi đứng xa quan sát đám Quý, Bệu. Rồi tôi đến gần. Chúng nó hết xua đuổi tôi. Mỗi sáng, bọn chúng lên đường “hành nghề” ở các chợ xa. Chúng không dám “hành nghề” ở chợ huyện. Nhiều hôm, chúng về tay trắng. Nhiều hôm, chúng về mặt mũi sưng vù, quầng mắt tím bầm. Ít hôm lắm, chúng về với khoản tiền trả nợ ăn uống chịu bà chủ quán cơm. Những hôm chúng về với thương tích cùng khắp, đứa nọ săn sóc đứa kia. Và chúng ngồi riêng rẽ, ôm mặt khóc. Như bất cứ một đứa trẻ nào, chúng có nụ cười và cả những giọt nước mắt. Tôi bắt tội nghiệp chúng nó. Một hôm, chúng lên đường “hành hiệp” mãi chập tối mới về. Về có Quý và Bệu. Mấy giọt máu khô tái trên mặt hai đứa. Chúng bị đánh toét mặt. Dùng thuốc lào rịt vô vết thương cầm máu, chúng tưởng rồi sẽ khỏi. Tôi đem “biếu” chúng chai thuốc tím bảo chúng rửa vết thương. Lại tán nhỏ mấy viên “Đa di năng” bảo chúng rắc lên. Chúng tin tôi, làm ngay vì biết bố tôi là … chiến sĩ diệt sốt rét có bằng khen của Ủy Ban kháng chiến hành chính xã. Tôi “được” gần chúng, bèn hỏi:

- Mấy đứa kia đâu.

- Bị “cớp” rồi.

- Sao thế?

- Đen.

- Đen là gì?

- Là dao cùn, cứa không rách ruột tượng. Bọn tao chuyên rạch ruột tượng. Mày hiểu bọn tao làm nghề gì chưa?

- Hiểu.

- Mày về nhà mày đi kẻo mẹ mày chửi bọn tao.

- Mẹ tao không chửi đâu. Mẹ tao không chửi ai.

- Mày muốn quen bọn tao à?

- Ừ.

- Không sợ dân móc túi à?

- Không.

- Tại sao?

- Bọn mày không độc ác.

- Thôi mày về nhà đi.

- Mày không có nhà à?

- Ừ.

- Bố mẹ mày đâu?

- Tịch. Chết đói năm kia. Mày về đi, lát nữa lén mang cho bọn tao vài củ khoai sống cũng được.

Tôi chờ tới khuya, đem bốn củ khoai nướng giấu mẹ cho Quý, Bệu. Ít bữa sau, chúng khỏi đau, lại lên đường “hành hiệp”, lại nghêu ngao trống quân, sa mạc, cò lả, lại rên xiết vì no đòn hội chợ. Không thù hận, không mơ ước, chúng sống đợi ngày chết. Cái chết hứa hẹn bó chiếu và chẳng ai thương tiếc. Ngày kia, tôi ra sông đào bơi lội. Có Quý và Bệu. Đang đùa giỡn một mình thì bị bọn nhãi xóm chợ xông đến, đứa rút chân, đứa dìm đầu. Tôi la hét vùng vẫy. Tôi uống nước sặc sụa. Tôi sắp chết đuối. Bỗng tôi thấy tôi được dìu lên bờ. Tôi nằm thở dốc. Rồi sợ hãi khiến tôi tỉnh táo. Tôi đứng dậy nhìn xuống sông. Trận thủy chiến đang sôi sục. Hai hiệp sĩ Quý và Bệu của tôi đấm bọn nhãi dưới nước. Dìm chúng nó thật lâu. Sau hết, hai hiệp sĩ phóng nhanh lên bờ, gom hết áo của địch thủ liêng xuống nước và mặc vội cái quần đùi, hô hoán:

- Chạy nhanh!

Tôi chỉ kịp ôm quần áo, vù một mạch về nhà. Chẳng mấy chốc, nhiều người đàn ông kéo tới ngã ba, túm lấy hai hiệp sĩ của tôi, đấm đá không nương tay. Họ vu hai hiệp sĩ của tôi ăn cắp quần áo của con họ. Hai hiệp sĩ chịu đòn rất can đảm. Không khóc. Không van xin. Không bào chữa. Tôi đứng nhìn nỗi oan uổng của ân nhân mình, không dám giải bày hộ, bởi nhỏ bé, không dám can thiệp, bởi yếu đuối. Đấm đá trả thù giùm con cháu mình chán, người ta hả hê bỏ về. Tôi chạy vội khỏi nhà qua hỏi thăm Quý:

- Đau không mày?

Nó toét miệng cười:

- Thấm gì! Chưa gãy răng là “chu” rồi.

Bệu bĩu môi:

- Đấm đá như gãi ghẻ!

Tôi nói:

- Sao không cãi?

Quý hất đầu:

- Cãi gì? Bọn tao không được phép cãi. Bọn tao ăn cắp thật mà. Thôi mày về đi. Hôm nay “đếch” cần thuốc của mày.

Tôi gặng hỏi:

- Tại sao chúng mày cứu tao?

Bệu toan đáp thì Quý xua tay:

- Cút về nhà mày đi! Hỏi, hỏi cái con….

Tôi đành cút về nhà. Tôi cố nhớ những tay đạo tặc trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Có một nhân vật đã làm tôi mê tít. Đó là Hắc y hiệp sĩ, gã hiệp sĩ chuyên ăn trộm của kẻ giàu phân phát cho kẻ nghèo. Quý hay Bệu chưa thể là Hắc y hiệp sĩ, nhưng với tôi, chúng đã là hiệp sĩ cứu khốn phò nguy. Hơn thế nữa chúng là những đứa nặng nề tình nghĩa. Một chút nghiêng xuống chúng của tôi được chúng đứng thẳng đền đáp. Và không kể lể. Và thản nhiên. Khi tôi vào đời, tôi đã không còn gặp những thằng móc túi bảnh bao như Quý và Bệu. Chỉ gặp những thằng đẹp mã ton hót, đem hết sức mình phục vụ chúng, đưa cái thân sâu bọ của chúng lên làm người, tạo địa vị cho chúng, gây danh lợi cho chúng để bị chúng bội phản tàn nhẫn. Đã học thuộc bài học của Quý và Bệu và đã sống dài quá nửa đời người, tôi chẳng muốn phán xét những thằng hèn mọn đó. Luôn tưởng đến Quý và Bệu, chữ nghĩa của tôi dành một phần ngợi ca những tâm hồn lạc loài mà một đời định cư ở xó chợ, hè phố hẩm hiu. Thời thơ ấu của tôi có bốn đứa trẻ chí tình với tôi: Hải, Hiển, Quý và Bệu. Tôi thích quen thân cùng Quý, Bệu, chúng nó cứ xua đuổi tôi. Hình như chúng thèm yêu thương nhưng ghét thương hại. Làm sao nói rằng tôi thương yêu chúng? Tôi phải chờ dịp. Song chưa có dịp, tôi đã rời khỏi ngã ba chợ huyện.

Bố tôi mở cửa hiệu bán thuốc Âu Mỹ ở chợ Thần Đầu. Miền này khí hậu rất xấu. Nằm dưới chân đê Trà Lý, con đê cao hơn mặt ruộng chút ít, lại gần cửa biển mà không hề có nhánh sông nào dẫu là sông đào, dẫn nước vào làng. Nước sông Trà Lý chảy hết ra biển, phù sa chỉ đãi ngộ những cánh đồng Tiền Hải. Ao hồ nơi đây tù hãm. Quanh năm màu nước xanh rêu. Người ta đào giếng lấy nước uống. Dân chúng nghèo nàn, bệnh hoạn. Bố tôi không dám đưa cả gia đình sang, sợ bị ngã nước. Tôi được giao phó công việc cách hai tuần đem tiền về nhà. Lần đầu tiên tôi sống xa mẹ và các em. Cũng lần đầu tiên tôi đi một mình trên đoạn đường dài heo hút, qua bến đò Trà Lý mênh mông. Những hôm gió đông thổi, sóng to bằng cái nhà, đứng trên bờ ngỡ cái phà bị sóng nuốt trững vì phà quá nhỏ mà sóng quá cao. Mỗi chuyến phà mất nửa ngày. Mẹ tôi không bao giờ quên bỏ nắm gạo vào túi tôi, dặn dò qua sông phải ném gạo và khấn vái thủy thần. Tôi không sợ sóng sông Trà, bởi trên phà đông người. Nhưng khúc đường hai cây số ngước mắt chẳng thấy trời đã làm tôi khiếp đảm. Thần Đầu, cái địa danh nghe đã hãi hùng, khúc đường gần tới nó còn hãi hùng gấp bội. Hai bên chi chít cây rừng. Rừng thị. Cây nọ sát cây kia. Những cây cạnh đường vươn cành lá che lấp mặt trời. Ánh sáng chỉ soi rõ đường đi những hôm trời nắng. Khách lạ qua đây, gặp mùa thị, có thể chết ngất nếu sợ ma. Thị chín rơi bôm bốp xuống đường, trúng đầu là thường. Như ai cố ý ném mình. Đằng trước, đằng sau vắng lặng. Đất Thục của thời tuổi nhỏ của tôi là đây. Hễ qua đây, đêm nằm ngủ toàn mơ thấy ma quỷ. Cho nên, bữa nào trễ đò, mặt trời ngã bóng, tôi phải chạy vòng ngã Thần Huống, dẫu xa thêm mấy cây số. Tưởng tượng những ông đom đóm lập lòe trước mắt mình đã đủ bạt vía. Tưởng tượng bữa tiệc của ma thì chết luôn. Bố tôi đã coi khinh khúc đường này. Và ông bảo đã thấm gì với những đoạn đường rừng Việt Bắc.

Có lẽ, tôi may mắn hơn bố tôi. Tôi không phải đi qua những đoạn đường gian truân, những đoạn đường khiến ta rùng mình hoảng sợ. Cám ơn bố, bố đã chịu khổ nhiều để con khổ ít và để những đứa cháu nội của bố không biết khổ là gì, ít ra, trọn thời niên thiếu của chúng. Chắc con khổ ít, khổ bằng một bát nước trong cái biển khổ của bố nên con tầm thường hơn bố. Là con thích phô trương nỗi khổ của con và hay kể lể nỗi khổ của con cho mấy đứa cháu của bố xót xa giùm. Mà bố, bố im lặng, bố thản nhiên. Như con ốc trôi dạt trên bãi cát. Bất chợt con nghĩ rằng con thiếu may mắn hơn bố. Nếu con khổ nhiều, tâm hồn con hẳn là trang trải, hẳn là sẽ không xúc động trước những phẩn nộ thường tình. Người ta chỉ sung sướng khi biết cách bọc một lớp mật quanh nỗi đau khổ và nuốt trôi nỗi đau khổ ấy thay những người thân yêu của mình. Bố là người sung sướng. Con vừa nhận ra niềm sung sướng của bố khi viết tới trang sách này. Con cũng vừa nhớ một câu dặn dò của bố trong tấm Bưu thiếp mười lăm năm trước: “Thôi, con không về là tại số con phải xa bố mẹ. Nhưng con đừng quên bất cứ lúc nào, bất cứ ở hoàn cảnh nào, cũng phải tỏ ra nhún nhường thì dẫu con xa nhà, bố mẹ và các em con mới yên tâm”. 

Rất tiếc con vừa mới nhớ lời khuyên của bố. Giá tâm niệm lời khuyên tâm huyết của bố, con đã chẳng làm hư đời con và cái hình hài quý giá bố mẹ tạo ra bằng tình yêu nồng thắm đã chẳng hằn lên dọc ngang những dấu vết roi đời thù hận. Làm sao con có thể cởi áo trình bố những dấu vết này? Để, chắc chắn, được bố an ủi:

- “Hãy can đảm, chú bé. Những ngọn roi đó cần thiết cho con, cho tuổi trẻ kiêu ngạo của con. Chú bé, người ta phải trèo từ gốc lên ngọn cây. Chú thì nhún chân cái khẽ đã thấy mình ngồi trên ngọn. Sự thành công của chú dễ dàng quá nên chú đâm ra ngông nghênh. Roi vọt là cái giá của sự thành công sớm sủa và dễ dàng. Còn là sự ngăn giữ cho chú khỏi rớt xuống vực thẳm quên lãng. Con yêu, cám ơn những làn roi ấy, chớ buồn phiền”.

Ở Thần Đầu, uống nước giếng, tôi bị ghẻ lở. Một lần mang tiền về Ngã ba huyện Tiền Hải đưa mẹ, mẹ tôi mất công hái lá gáo nấu nước bắt tôi tắm. Nhà tôi có hai cái giường lớn. Con trai ngủ chung với bố, con gái ngủ chung với mẹ. Bố tôi sang lập nghiệp bên kia sông Trà Lý thì lũ em tôi, giống bầy lợn con, chui rúc cạnh mẹ. Vì sợ ma. Lâu lâu bà ngoại tới thăm các cháu, kể chuyện ma cho các cháu nghe rồi, nửa đêm thắp đèn dẫn các cháu đi tiểu. Bà ngoại về, các cháu thay phiên đái dầm ! Mẹ tôi biết tôi là đứa sợ ma hạng nhất.

- Con bị ghẻ, không ngủ chung với các em được, nhỡ các em lây ghẻ thì tội các em.

Tôi ngủ trên giường của bố, ngọn đèn Hoa kỳ vặn nhỏ. Một lát, mẹ tôi gọi:

- Long!

- Dạ!

- Con chưa ngủ à?

- Dạ!

Một lát mẹ tôi lại gọi:

- Long!

- Dạ!

- Con ngủ đi. Mẹ thức trông chừng. Con chớ sợ hãi.

Cứ thế, rất đúng thời khắc, mẹ tôi gọi tôi xem tôi ngủ chưa. Tưởng tượng những con ma ở rừng thị Thần Đầu, những con ma ở quê ngoại, làm sao mà nhắm mắt nổi. Cuối cùng, mẹ tôi nói:

- Thôi con qua đây ngủ với mẹ.

Tôi qua nhanh. Mẹ tôi bảo:

- Con nằm dưới chân mẹ nhé.

Tôi chưa kịp đáp, mẹ tôi đã nói:

- Chẳng phải mẹ sợ con ghẻ đâu, con ạ. Hồi con còn bé, con ghẻ lở tanh tưởi lắm. Các cô không ai dám bế con. Chỉ có mẹ bồng con đêm ngày. Nếu con nằm cạnh em, các em lây ghẻ hết. Con hiểu chứ?

Tôi bắt tủi thân. Và tôi khóc. Mẹ tôi dỗ dành:

- Hay mẹ xuống nằm cạnh con nhé.

Tôi lặng thinh. Rồi tôi ngủ thiếp. Thức giấc, tôi thấy tôi không còn nằm dưới chân mẹ và các em nữa. Mẹ tôi nằm giữa giường, một bên là tôi, một bên là ba đứa em. Tôi không muốn khóc mà tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Buổi sáng, tôi tính qua Thần Đầu, mẹ tôi giữ lại, bảo là phiên chợ có nhiều món quà ngon. Hôm sau, đúng lúc chợ đông nhất, hai chiếc máy bay khu trục đen xì gầm thét trên vùng trời quê mùa. Chợ nhốn nháo, xô đẩy, đạp lên nhau chạy trốn. Mẹ con tôi dắt dìu nhau nhảy xuống cái hầm trú ẩn cách cửa nhà mình mấy chục thước. Máy bay không ngang qua nhiều bận. Nó đảo lộn rồi trút bom xuống giữa chợ. Tiếng bom nổ inh tai nhức óc. Máy bay bắn đạn lửa. Đạn lửa đốt cháy hàng dãy nhà mái rạ. Nhà tôi bị ăn một tràng đạn lửa, bốc cháy dữ dội. Mẹ tôi phần sợ hãi, phần tiếc của, ngất đi. Lúc mẹ tôi tỉnh, máy bay đã bỏ đi. Và cảnh tượng khiếp đảm diễn ra. Người chết tan xác, tay chân văng tứ tung. Nhà cháy không ai cứu hỏa. Chúng tôi ngủ một đêm ngoài trời. Tin máy bay Pháp bỏ bom chợ huyện lan truyền nhanh đến nỗi sáng sơm hôm sau bố tôi đã về kịp. Thấy gia đình còn nguyên vẹn, ông mừng rở. Thản nhiên trước cảnh đồ đạc, quần áo cháy ra tro, bố tôi vỗ vai mẹ tôi:

- Chúng ta sẽ gây dựng lại.

Gia đình tôi dắt díu nhau qua Thần Đầu. Chuỗi ngày sầu thảm đón đợi chúng tôi ở những cái ao tù quanh năm màu nước xanh rêu. Gánh hát đã vắng khách bên này sông Trà Lý, ông-bầu-bố-tôi đem cái xác gánh sang bên kia sông. Giã từ ngã ba chợ huyện.

 Còn tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn