BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73223)
(Xem: 62211)
(Xem: 39389)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (2)

17 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1915)
Hôn Em, Kỷ Niệm (2)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

CHƯƠNG HAI


 Căn nhà bố tôi thuê ở xế cổng huyện đường, đối diện với bức tường đất dầy kín dây bìm. Chim cuốc sống trong những hang hốc tường thành huyện. Khi hoàng hôn phủ xuống phố huyện, họ hàng nhà cuốc kêu rỉ rả. Tiếng cuốc kêu hòa với tiếng trống thu không trên chòi huyện, nghe nó buồn bã làm sao. Tôi lại uống những ngụm buồn này như đã nuốt những miếng buồn ở thị xã. Thoạt tiên bố tôi mở của hiệu chữa xe đạp. Ông đã chơi chiếc Saint Étienne, đã mất nhiều thì giờ chăm sóc nó và đã học được cách lau dầu, chữa xe tại một hiệu sửa chữa xe đạp. Phố huyện chưa có hiệu chữa xe. Ông bèn thử thời vận vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Bố tôi mua hai chiếc xe con, ba chiếc xe lớn cho thuê giờ, thuê ngày. Bố tôi rất có công với phong trào đi xe đạp ở huyện Phụ Dực. Học trò trường huyện đã nhờ hai chiếc xe con mà biết đi xe đạp. Họ thuê một giờ, nửa giờ. Cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn. Bố tôi sảng khoái trả lời những thân chủ tới hỏi xem đã hết giờ chưa bằng tiếng Tây: “ Encore 5 minutes, 20 minutes encore…”! Những đêm trăng không còn chiếc xe đạp nào rảnh rỗi. Đàn ông, đàn bà ở phố huyện thuê xe tập miệt mài ở bãi đá bóng. Chừng họ biết đi, biết “nhảy pê đan” , họ thuê xe cả ngày, làm những chuyến du lịch sang Ninh Giang hay qua Hải Phòng... Mẹ tôi, dịp này bày thêm cái bàn bán nước chanh đá, bia và nước ngọt. Đời sống của dân Miền Bắc cơ cực lắm. Muốn thưởng thức cốc nước chanh đường có cục đá lạnh, phải lên tận thị xã. Mà, một đời người, cơ chừng, rất hiếm hoi một chuyến đi tỉnh. Mỗi ngày, me tôi ra Ngã tư Môi đón xe Thái Bình – Hải Phòng nhận đá ướp bằng mạt cưa đựng trong cái túi cói. Một anh “ét” giúp đỡ mẹ tôi, lấy tiền công rẻ. Nhờ nước đá, quý thân chủ đạp xe toát mồ hôi đã chiếu cố nước chanh tận tình. Và bước đầu lập nghiệp của bố tôi trôi chảy.

Tôi đi học trường huyện. Tôi học rất dốt. Tháng nào cũng đội sổ và bị bắt nạt hoài. Chiếc áo chùng đen của tôi không ngày nào không có vết phấn. Bạn cùng lớp đã đè tôi xuống sân cỏ, dùng phấn bảng vẽ nhảm nhí sau lưng áo tôi. Tôi đến trường với nhiều chiếc kẹo hối lộ. Thiếu kẹo bánh là khốn khổ, khốn nạn. “Cóp pi” bài tính đố mất 4 chiếc kẹo. Nhờ vẽ, mất 2 chiếc. Hôm nào bị giữ vở luân chuyển, vừa tốn kẹo vừa lạy lục muốn khóc. Tôi không hiểu tại sao cái đám bạn học của tôi lại tàn tệ với tôi như thế. Trường tôi có hai cây ngâu, nếu sáng sớm trời mưa, nước đọng trên lá ngâu đầm đìa. Nhiều lần tôi bị ướt hết áo vì trò chơi quái ác của bạn học. Chúng nó rủ tôi tới gần cây ngâu. Một đứa kéo mạnh cây ngâu rồi chạy nhanh. Tôi khờ khạo hứng nước. Lắc đầu không chịu dại dột, lần sau chúng đẩy tôi tới. Và tôi sợ hãi sân trường, đi học muộn, bị thầy quở mắng, bị đánh đòn và bị quỳ. Tôi oan uổng, tôi bị ngộ nhận. Nỗi oan uổng và ngộ nhận như một cái lưới bủa xuống đời tôi, tới nay, tôi chưa biết cách gỡ. Tôi không thù hận những người bạn học thuở xưa nhưng tôi khinh bỉ những kẻ chỉ biết phán xét tôi qua những vu khống, những kết tội mang nặng đố kỵ, hờn ghen khi tôi bước xuống cuộc đời. Vì tôi sợ hãi sân trường nên giờ ra chơi tôi phải trốn vào chuồng xí. Một bận, sự vắng mặt của tôi ở sân chơi bị phát giác. Bạn cùng lớp đã nhốt tôi luôn trong đó. Chúng nó dùng đinh đóng chặt cánh cửa. Tôi khóc lớn, kêu gào. Ông tùy phái đã “giải phóng” tôi, đưa tôi lên lớp, trình rõ sự tình với thầy giùm tôi. Thầy bảo nói tên đứa tai ác. Tôi không dám nói. Tôi biết, trận mưa đấm sẽ rơi xuống thân thể tôi trên đường về. Tôi chán trường chán lớp, vì vậy tôi phải nghĩ cách nghỉ học. Và cách hay nhất là giả vờ ốm. Rồi tôi ốm thật, ốm bởi sợ đi học, sợ bạn, sợ thầy, sợ bàn ghế, sợ sân trường.

Nhưng ốm thật hay ốm giả vờ tôi vẫn bị đẩy tới trường, tới chốn tù ngục trong ý nghĩ của tôi. Tôi tiếp tục dâng hiến bánh kẹo để được yên thân. Và để được yên thân lâu bền, tôi phải ăn cắp tiền của mẹ tôi. Mẹ tôi bắt quả tang tôi cuỗm mấy đồng bạc. Bà hỏi ngọn ngành. Tôi thú tội. mẹ tôi không đánh tôi. Hôm sau, mẹ đưa tôi tới trường, chờ tôi vào lớp. Giờ ra chơi mẹ tôi đứng ngoái hàng rào trông chừng tôi. Tan học, mẹ tôi đón tôi về. Cứ thế, con gà mẹ bảo vệ chú gà con ròng rã tháng trời. Những thằng quái ác bị mẹ tôi chỉ mặt từng đứa. Chúng hết hành hạ tôi mà tẩy chay tôi. Tôi lủi thủi như một kẻ bị khu trừ ở sân trường. Tôi có vẻ giống thằng Vọng. Không, tôi sướng hơn thằng Vọng nhờ mẹ tôi, song tôi thua thằng Vọng tài đá bóng và học giỏi. Thằng Vọng còn được thằng Vũ bênh vực che chở. Tôi thì chẳng ai bênh vực. Người ta đã ngạc nhiên khi đọc những truyện viết về thời thơ ấu của tôi. Và người ta đều tưởng rằng những ông nhóc hào hùng, độ lượng, quấy nhộn là tôi thuở nhỏ, hoặc ít ra cũng mang tâm sự của tôi. Chả có dáng dấp tự truyện gì ở Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, Thằng Khoa cả. có chăng là sự bất hạnh trải dài theo những nhân vật bất hạnh nhất, bị bạc đãi nhất trong tiểu thuyết của tôi. Tôi không muốn những đứa trẻ gieo đau khổ cho những đứa trẻ. Tôi muốn chúng nó thương yêu nhau, đùa nghịch với nhau, trao gửi kỷ niệm lẫn nhau, chúng nó đừng thù ghét nhau quá sớm. Rồi chúng sẽ biết thù ghét khi rời nhà trường và khi những chiếc roi oan nghiệt quật nát mặt chúng nó không xót thương. Mỗi người chỉ có một lần làm tuổi nhỏ. Tôi thì không có cái lần tuyệt vời đó. Cái lần ta sống những tháng năm đẹp nhất đời ta. Tôi đành sống lại bằng những nhân vật nhỏ bé của tôi trong xã hội truyện tuổi thơ đôn hậu. Ở đó, tôi đá bóng tuyệt cú mèo như Bồn lừa, tôi bắn súng cao su trứ danh như thằng Luyến, tôi nghịch ngợm như thằng Vũ, tôi thất tình như thằng Côn, tôi được bạn bè công kênh như thằng Vọng. Và tôi khỏe. Tôi hạ bất cứ kẻ nào bắt nạt bạn tôi. Và tôi học giỏi, tôi được thầy khen. Ở đó, tôi quên tôi đã là thằng Long hèn yếu phải chui vào chuồng xí trốn hình phạt tàn nhẫn của bạn cùng lớp. Những nhân vật tuổi thơ của tôi giúp tôi giải tỏa nỗi ẩn ức ngày xưa còn bé. Tôi nhìn tôi qua thằng Vũ. Tôi rất tự hào nếu những đứa trẻ đang có mặt ở những sân trường hôm nay bằng tuổi tôi hôm xưa đều là những thằng Vũ. Thằng Vũ yêu cha mẹ, anh em. Thằng Vũ thương thầy, thương bạn. Thằng Vũ dại gái, cuối cùng thằng Vũ yêu nước, thằng Vũ lên đường bảo vệ vùng trời chứa chan kỷ niệm của nó. Tôi quên hẳn tâm sự bùi ngùi của tôi khi tôi sống với những nhân vật tuổi thơ của tôi.

Ngoài sân trường tôi vẫn đóng vai một thằng bé lép vế. Tôi ham chơi đùa, thèm chơi đùa. Những đứa trẻ phố huyện cho tôi chơi chung sau khi tôi đã van nài khô nước bọt. Chơi nhảy cừu tôi cứ bị làm cừu cho chúng nó nhảy. Chơi bi hầm, chúng nó âm mưu hầm vỡ bi của tôi. Chơi con vụ chúng nó giao hẹn “thóc đâu bồ câu đấy”. Tha con vụ của tôi ra bờ ao, bổ văng con vụ của tôi xuống ao và bắt tôi ngồi trên bờ. Hoặc chúng nó giao hẹn “ dắt vụ lấy vụ, vở vụ lấy đinh” mài nhọn đinh con vụ, nhắm con vụ của tôi bổ dính để đoạt. Chơi đánh đáo ăn tiền, hễ tôi ăn chúng nó vồ tiền. Chơi đánh đáo đấm, hễ tôi thua chúng nó đấm oằn người, tôi được: đấm thật khẽ. Đi tắm ao chúng nó dìm tôi uống nước sặc sụa. Tôi phải nằm nhà, đánh đai tuổi thơ của mình bằng những cuốn “ Quốc văn giáo khoa thư ”. Tôi nghe chim cuốc kêu rỉ rả. Tiếng trống thu không hay tiếng trống cầm canh dội vào tận hồn tôi một nỗi niềm không biết định nghĩa. Có thể, đó là tiếng trống gợi mộng mơ. Giá tôi hiểu lớn lên tôi viết văn, chắc chắn, tôi đã bằng lòng với khung trời hắt hiu này. Văn chương nó thoát ra từ nỗi cô đơn. Ai đó đã nói thế. Văn chương của tôi không thoát ra từ nỗi cô đơn nào, dù tâm hồn tôi đã thấm từng giọt cô đơn thuở lên chín. Có thể là tôi sợ hãi nỗi cô đơn, tôi không dám kêu thét hãi hùng, không biết kêu thét hãi hùng. Tôi viết văn với một ý nghĩ của riêng tôi: Văn chương không dùng để hô phong hoán vũ, không dùng để kể khổ mà chỉ dùng để mua vui, để giải thoát những cảnh sầu não của người đời. Vậy thì, giá tôi hiểu lớn lên tôi viết văn để bằng lòng cái khung trời hắt hiu cua huyện lỵ Phụ Dực, cái khung trời ấy cùng những tiếng buồn thảm ấy, chắc chắn, đã không giúp ích gì cho tiểu thuyết của tôi. Đâu phải chỉ có nỗi buồn làm nên văn chương? Đâu phải chỉ có nỗi cô đơn tạo ra tác phẩm?

Tôi đã sống cùng những vạt nắng úa thả hoàng hôn tím trên giậu bìm. Bình thản như thế và thầm lặng như thế. Bạn thân nhất của tôi là những nhân vật trong những bài tập đọc, những cậu chuyện kể ở hai bộ “Quốc văn giáo khoa thư” và “Luân lý giáo khoa thư” . Những thằng bé chăm chỉ, những thằng bé lười biếng, những thằng bé “đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, tay chân dơ bẩn” , những thằng bé sợ ma, những thằng bé lễ phép, những thằng bé trốn học đã an ủi tôi và không bao giờ bắt nạt tôi. Cửa hiệu sửa chữa và cho thuê xe đạp của bố tôi hết nhộn nhịp vào mùa đông. Mưa dầm gió bấc chẳng ai thiết ra ngoài đường. Những ngày nhàn rỗi này, đôi tay của bố tôi không đen bẩn dầu mỡ. Ông thường ngồi trên chiếc ghế đẩu, ôm cậy lục huyền cầm, nhìn mưa ngoài trời mà tưởng mưa trong lòng mình. Ông đã thấy Nam kỳ qua màn mưa. Ông đã thấy sân khấu cải lương Nam kỳ. Bố tôi bèn thoát thực tại. Ông viễn du. Ông mơ mộng: Một bầu rượu, một túi thơ, cùng với giai nhân sống ngoài vòng cương tỏa, hoặc thả thuyền dưới ánh trăng trong hoặc đưa nhau tới chốn non bồng … Bố tôi tay đàn, miệng nói lối rồi ca vọng cổ. Vọng cổ, nơi thần tiên của bố tôi, nơi không có dao cầu, thuyền tán, không có máy vá chín săm lốp và những cái “lắc lê” thô lỗ. Nơi không có những con ốc vặn dài tay vẫn không chịu nhúc nhích. Nơi ấy, bố tôi đóng vai thiên tử, ban danh vọng và tình yêu cùng khắp thiên hạ. Bố tôi vọng tưởng nơi ấy, vọng tưởng chuỗi ngày đẹp nhất đời của bố tôi bằng những lời ca trau chuốt, mỹ miều. Cuối cùng, ông tự ví nơi ấy như nàng Thôi Oanh Oanh và ông là Trương Quân Thụy: Hỏi trăng, trăng chỉ thờ ơ. Hỏi nước, nước lại hững hờ xuôi chảy. Muốn tìm em anh tìm đâu cho thấy? Trăm năm tâm sự một ngọn đèn … tàn

Ngọn đèn đã thật sự tàn bởi những giọt nước mắt, đã thật sự tàn bởi lòng thương yêu vợ con. Hình tưởng một lãng tử tóc lộng đường xa, hồn đầy mộng ước, bằng lòng định cư đời mình ở một xó xỉnh làm anh thợ sửa chữa xe đạp, tôi đã nghẹn ngào tội nghiệp bố tôi. Bố tôi giống con ngựa bị té trong một cuộc đua hào hứng và không tiếp tục chạy đua được nữa, người ta cho về kéo xe. Có lẽ, cái tâm sự một ngọn đèn tàn của bố tôi đã biến bố tôi thành một người trào lộng thay vì một người cay cú. Bố tôi ưa đùa bỡn cả lúc ông giận dữ. Với bố tôi, không có gì là quan trọng. Tất cả đều đáng cười, trừ kỷ niệm theo gánh hát lưu lạc Nam kỳ của bố tôi. Bố tôi cũng biết làm thơ. Rất tiếc những bài thơ của bố tôi đã không in thành một pho thơ “lưu truyền hậu thế” để tôi có thể liệt thi-sĩ-bố-tôi vào khuynh hướng nào. Ông thích những bài thơ mang nặng tính chất … hiếu hỉ. Đã bảo bố tôi ưa đùa bỡn mà. Sự nghiệp thi ca của bố tôi, tôi thuộc lõm bõm 2 bài. Giá tôi thuộc hết, tôi đã viết thêm một cuốn truyện khôi hài nhẹ nhàng về một thi sĩ … hiếu hỉ. Vậy mà thi-sĩ-bố-tôi vẫn có tri kỷ và đôi tri kỷ này gửi ở trong trí nhớ của tôi một giai thoại thi ca … hiếu hỉ. Dạo ấy khoảng năm 1947 gia đình tôi di cư về huyện Tiền Hải. Bố tôi phát động “phong trào đi xe đạp” tại ngã ba chợ. Vì mang trong cơ thể “giòng máu lang thuốc” nên bố tôi quen hai hiệu bán thuốc nơi đây. Một hiệu tên Phú Hậu, nhãn hiệu “Rồng xanh”, hiệu kia là Phú Mỹ, nhãn hiệu “Rồng vàng” . Ông Rồng xanh lấy em gái ông Rồng vàng. Hai ông cùng làm một nghề và hai cửa hiệu sát nách nhau, cạnh tranh nhau ra mặt. Ông chủ hiệu Phú Hậu kết thân luôn với ông thợ cắt tóc bất đắc dĩ. Ông này tản cư và túng quẫn quá, xoay nghề phó húi kiếm ăn chờ ngày “kháng chiến thành công” . Trong một bữa ăn kỷ niệm đệ tứ chu niên của cửa hiệu Phú Hậu, thi-sĩ-bố-tôi cảm khái viết một bài thơ:

Rồng xanh bên cạnh Rồng vàng.

Chữ đề Phú Hậu nét vàng chưa phai.

Tạp hóa thuốc Bắc gồm hai.

Bán buôn bán lẻ đơn sai chẳng hề

Lại thêm có thợ lành nghề …

Bài thơ bất hủ của thi-sĩ-bố-tôi được trịnh trọng lồng vào khung kính treo trước của hiệu Phú Hậu. Nửa tháng sau, ông Phó Húi ghé qua nhà tôi, tự giới thiệu tên tuổi, “khen” bài thơ của bố tôi (!) và yêu cầu sửa chữ chưa ở câu hai thành chữ không

Rồng xanh bên cạnh rồng vàng

Chữ đề Phú Hậu nét vàng không phai.

Không phai, “thằng” Phú Mỹ mới tức hộc máu mồm. Dương Khuê phó húi sảng khoái nói và Nguyễn Khuyến thợ sửa xe đạp gật đầu cảm phục. Đến nỗi bố tôi, tôi được hớt tóc, cạo mặt, lấy ráy tai miễn phí. Đó là tài hiếu hỉ bằng văn thơ của bố tôi. Đó cũng là chuyện sau này. Bây giờ, tôi đang hình tưởng một lãng tử bằng lòng định cư đời mình ở huyện lỵ Phụ Dực. Ở đây, ngoài tiếng chim cuốc, tiếng chim bìm bịp, tiếng trống thu không, tiếng đàn vọng cổ, ngoài những vạt nắng úa thả hoàng hôn tím trên giậu thành, tôi còn được nghe tiếng nhạc ngựa và nhìn những ông chánh tổng, những ông lý trưởng đầu đội khăn xếp, mặc áo chùng the, quần trắng, lưng thăt lưng màu, vai đeo ống* cưỡi ngựa không yên lên huyện hầu quan. Một ông chánh tổng hay một ông lý trưởng thường mang theo vài tên tuần đinh tháp tùng. Bọn tháp tùng chạy bộ sau và giữ ngựa khi chánh tổng vô huyện đường. Cảnh tương thật đẹp mắt nếu không có những người dân quê trốn thuế bị trói giật cánh khỉ. Bị quất roi mây cùng khắp thân thể và vợ con họ khóc lóc trong tiếng nhạc ngựa rộn rã, trong màu sắc thắt lưng và trong vẻ quan trọng ghê gớm của thầy chánh, thầy lý. Tôi đã bị bắt nạt và tôi tin rằng những người dân quê đang bị bắt nạt. Tôi thương họ. Và, chưa hiểu thế nào là bất bình, chưa hiểu thế nào là công lý, là lẽ phải trái, sự phạm tội và hình phạt, tôi đã nghiêng hết tình cảm đôn hậu của tuổi thơ về phía những người bị trói, bị đánh đập mỗi ngày, bị đưa lên huyện, bị tống vào nhà giam. Tâm hồn tôi rực rỡ những đóa hoa mơ. Tôi mơ đào một con đường từ gầm giường của tôi tới nhà giam trong huyện đường, dắt những người bị nhốt về làng của họ. Có khi nào giấc mơ trở thành sự thật đâu. Nhưng giấc mơ đào đường hầm đã mở lối cho những giấc mơ, cho một cõi mơ của cả đời tôi.

Vào cuối năm lớp ba, mẹ tôi lên thị xã sinh đứa con thứ tư. Tôi được theo. Mẹ con tôi trọ nhờ nhà ông Cai. Mẹ tôi phải chờ ngót một tuần lễ mới lại bà đỡ Giới. Bà sinh con gái. Bố tôi đã dặn đặt tên nó là Vũ thị Chi Mai. Suốt ngày tôi ở phòng mẹ tôi, quanh quẩn chiếc nôi buông tấm màn lan tiêu trắng. Mẹ tôi khỏe mạnh, lại sinh con rạ nên không hề mất sức. Đợi em tôi bú được, chúng tôi sẽ về Phụ Dực. Tôi đã thay em tôi bú để mẹ tôi khỏi vắt sữa căng đầy vú: “Con bú đi, vắt bỏ phí lắm” . Mẹ tôi nói thế. Tôi bú tiếp sức em tôi đến ngày nó đầy tháng. Chín tuổi, miệng tôi còn hôi sữa mẹ. Còn hôi sữa mẹ mà đã mộng mơ. Nửa tháng sau me con tôi rời thị xã trên chuyến xe hàng Thái Bình – Ninh Giang. Những chuyến xe Thái Bình – Ninh Giang đi qua huyện Phụ Dực rất hiếm. Tuần lễ một lần, Xe thường dừng trước cửa nhà tôi để đỗ khách hoặc chết máy. Mỗi lần xe qua là một biến cố lớn của trẻ con phố huyện. Nếu xe chết máy, trẻ con xúm coi bỏ cả ăn cơm. Xe chạy chậm, dù nó mang dấu hiệu “Con Sóc”. Ghế gỗ ngồi đau ê ẩm. Quảng đường hai chục cây số, ít nhất, xe chết máy sáu bận. Tài xế văng tục hò hét “ét”. “Ét” nạt nộ hành khách nhà quê và quay “ma ni ven” toát mồ hôi. Xe đã nằm ăn vạ trước cửa nhà tôi suốt đêm. Lần này nó nằm ăn vạ ở Đồng Bằng. Mẹ tôi bế em tôi ngồi bên lề đường, không dám ngồi trên xe sợ “ét” thay cái bánh “kích” làm nghiêng xe có thể lật đổ. Thay bánh xong thì chết máy, Mẹ tôi phải thuê xe tay, gần nửa đêm mới tới nhà. Tôi không sao quên được chuyến xe bất hạnh đó. Mẹ tôi, đôi mắt của mẹ tôi, tiếng thở dài của người và tiếng khóc của em tôi. Cuộc đời của chúng tôi, hình như, đã được an bày trên những chuyến xe bất hạnh.

Tôi đã kể những ông chánh tổng thắt lưng dài đỏ hoe cưỡi ngựa không yên da. Những ông chánh tổng đã ở lại phố huyện để thuê xe đạp tập đi, tập nhảy “pê đan” tập xuống “pê đan” và sắm xe đạp thay ngựa. Xe đạp tạo cuộc cách mạng đẩy ngựa về chuồng. Người phát động cuộc cách mạng là bố tôi. Ông đã ăn nên làm ra nhờ cách mạng. Những người cách mạng đều ăn nên làm ra. Có kẻ đổ mồ hôi, nước mắt. Có kẻ chỉ mất nước bọt. Bố tôi vội vàng đáp ứng nhu cầu cách mạng bằng cách lên tỉnh tìm một người thợ. Và bố tôi đóng vai trò chủ nhân, ông viết thêm hàng chữ: “Nhận sơn xì, sơn hấp xe đạp” dưới tấm bảng cũ: “Cho thuê, sửa chữa, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay”. Ông đi khắp nơi mua xe đạp cũ, đem về sơn lại, kẻ chỉ rất đẹp. Ông “mạ kền” vành, “ghi đông” , đĩa, chắn xích, “may ơ” bằng ngân nhũ. Tôi phải ca ngợi tài năng của bố tôi một chút. Ông không học ai mà biết sơn xì, sơn hấp. Tôi tiếp tay bố tôi, chiều chiều, lấy con dao cạo lớp sơn cũ rồi lấy giấy nhám đánh bóng. Bố tôi sơn xong cái khung xe, cái “phuốc” , bỏ vô thùng gỗ lớn, khép cửa lại, đợi nó khô. Đó là sơn hấp. Còn sơn xì ly kỳ hơn. Ông bắt tôi bơm hơi vào cái bình sắt nhỏ. Từ cái bình, có một cái ống sắt bé chuyền hơi lên hộp sơn. Bố tôi bấm nút, sơn phun ra như màn sương. Sơn bám vào khung xe, đó là sơn xì. Khi sơn khô, bố tôi dùng râu dê, kẻ những đường chỉ trắng, đỏ, xanh lên thật khéo léo. Chiếc xe cũ mèm, lúc lắp đủ lệ bộ, trông hào nhoáng kiểu nhà quê. Và các ông chánh tổng, lý trưởng đặt tiền mua trước tấp nập.

Cuộc cách mạng xe đạp cao quý của bố tôi, như bao cuộc cách mạng cao quý khác, rồi cũng chìm vào quên lãng, cũng thả hoàng hôn tím xuống giậu bìm. Bố tôi không đợi nó chết hẳn. Ông dẹp hiệu khi nó còn đầy đủ cơ hội vươn lên, xoay qua nghề làm đại lý rượu Văn Điển. Tôi lại làm quen với mùi rượu, với những cái thùng gỗ hình bầu dục đánh đai bằng nhiều sợi dây sắt, với những cái chai, với những cái nhãn in câu đề cao phẩm chất rượu Văn Điển mà nay tôi còn nhớ “Uống say không nhức đầu, ngủ dậy không đắng miệng vì chế bằng gạo nếp và men thuốc Bắc”. Bấy giờ có hai hãng rượu. Rượu Phông Ten của Nhà nước và rượu Văn Điển của tư nhân. Bà cả Ngõa, mẹ cậu Phạm Mộng Dzực làm đại lý rượu Phông Ten và thuốc phiện. Rượu Phông Ten giá rẻ hơn rượu Văn Điển và không cần dán nhãn hiệu, gắn si kín nút. Cậu Dzực chơi với bố tôi, kết nghĩa anh em với bố tôi. Cậu là tay đua xe đạp, đã tham dự vòng đua quanh Đông Pháp**. Tôi hay tới nhà cậu Dzực đứng xem người ta mua thuốc phiện đựng trong cái ngao đồng. Những người nghiện nom thật tang thương. Họ mua thuốc bằng tiền và bằng cả văn tự ruộng đất. Có người mua bằng xà tích bạc của vợ. Tôi đã đọc những truyện kể về những người nghiện thuốc phiện trong Luân lý giáo khoa thư  và thuộc lòng hai câu:

Trai tráng sĩ cũng so vai rụt cổ,

Gái thuyền quyên cũng mặt bủng da chì

Thằng bé chín tuổi lại sớm thắc mắc: Tại sao sách khuyên người ta không nên hút thuốc phiện, uống rượu mà không cấm người ta bán thuốc phiện, bán rượu? Thắc mắc đó, thằng bé chẳng biết hỏi ai. Vì bố nó đang bán rượu! Mỗi tuần, ba bốn chiếc xe đò chất đầy những thùng rượu gốc từ thị xã về đại lý Phụ Dực. Thùng rượu vần lên chiếc bục cao. Bố tôi chỉ dẫn người nhà, thả cái vòi cao su vào cái rốn thùng rượu, dùng miệng hút cho rượu chảy lấy đà để đong vô từng chai. Rồi đút nút. Rồi nấu những bánh si lớn chảy ra, dốc ngược chai rượu nhúng vào si kín nút. Rồi đóng dấu Văn Điển đè lên. Sau hết, dán nhãn hiệu quanh chai “Rượu Văn Điển – ngon và bổ” . Ngon và bổ lúc đầu thôi, nó bị rượu Phông Ten đánh chết. Bố tôi chuyển nghề buôn bã rượu. Ông thuê miếng đất rộng, đào hầm, xây gạch, trát vữa, lên thị xã mua bã rượu tận hãng đem về bán cho dân quê nuôi lợn thay cám. Lợn chê bã rượu. Công việc làm ăn của bố tôi thất bại. Ông chưa kịp toan tính nghề mới thì quan huyện đổi đi nơi khác. Quan huyện mới về là ông Phạm Gia Đĩnh. Cuộc sống buồn tẻ nhưng bình thản của dân huyện Phụ Dực chợt nghe một nỗi lao đao...

Còn tiếp

* Ống dài chừng cánh tay và to bằng vỏ viên đạn đại bác. Như ống quyển của thí sinh ngày xưa. Trong đựng văn thư và giấy tờ quan trọng. Đôi khi, cả tiền hối lộ quan huyện và tiền trà nước cho bọn nha lại.

** Hồi đó không gọi là Đông Dương.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn