BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39400)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (1)

11 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1690)
Hôn Em, Kỷ Niệm (1)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Chẳng có gì cảo cả, tinh khiết, mãnh liệt và hữu ích bằng kỷ niệm êm đẹp của thời tuổi nhỏ sống dưới mái gia đình. Người ta hằng nói về vấn đề giáo dục, nhưng kỷ niệm ấu thơ thánh thiện, có lẽ, là căn bản giáo dục tốt hơn hết. Nếu ta mang đầy đủ kỷ niệm của tháng năm đẹp nhất đời người khi bước cuống cuộc đời thì kể như ta hoàn toàn thoát nạn. Hoặc nếu ta chỉ mang theo một kỷ niệm êm đẹp thôi, kỷ niệm đó cũng sẽ có ngày cứu giúp ta.

DOSTOIEVSKI

(Les frères Karamazov)

CHƯƠNG MỘT


 Ông nội tôi qua đời năm tôi năm tuổi. Mãi tới hôm nay tôi vẫn chưa biết tên thật của ông tôi. Ông bà tôi có tám người con. Bố tôi là con trai duy nhất nên tôi là cháu đích tôn của ông bà tôi. Những vuốt ve, những trìu mến ông tôi dành hết cho tôi, tôi chỉ được nghe kể lại. Và được nghe kể lại của cuộc đời lận đận nghèo khổ của ông, một người trải nỗi buồn của mình khắp các miền quê khi ngồi dạy học và sống như kiếp tầm gửi với các hiệu bán thuốc Bắc khi ngồi xem mạch, kê đơn. Đã chẳng thấy ai mỉa mai cái nghề thầy đồ, thầy lang của kẻ sĩ vỡ mộng khoa bảng thưở xưa. Những người quen, nhắc nhở đến ông tôi đều lễ phéo một điều cụ Mai Viên hai điều cụ Mai Viên. Môn đệ của ông tôi cũng lận đận giống thầy. Không ai đạt nổi một địa vị nào trong xã hội. Tuy thế họ đã góp tiền dựng một ngôi nhà cột gỗ lim, mái ngói ở chính miếng đất nơi thầy họ chôn rau cắt rốn để thờ phụng. Mỗi năm, vào những dịp giỗ tết họ rủ nhau về nhà thầy cúng vái, khóc lóc và tặng quà vợ thầy. Chuyện này chấm dứt từ xảy ra chiến tranh.

Tôi vừa nói bố tôi là con trai duy nhất, thành thử dù là con ông đồ, bố tôi đã hưởng trọn vẹn nuông chiều, thương yêu của ông bà tôi và trọn vẹn nể vì, quý mến của các cô tôi. Và, vì thế bố tôi đã thả lỏng ấu thời của mình ở bãi vắng mùa hè với đủ các kiểu diều cánh thoi, diều cánh cốc, diều vè, diều sáo; đã tung lưới băng đồng bắt chim, bẫy chim; đã tha hồ bơi lội bờ ao, sông ngòi chờ lớn hơn làm chuyến giang hồ đây đó.

Cậu-bé-bố-tôi chê trường làng, chê ông đồ Bảng. Cậu thường trèo lên cây Bòng trêu chọc con thầy bằng hai chữ nói lái bàng đổ, và lấy cớ sợ thầy, cậu đóng vai là học trò nhưng không sách cầm tay. Ông tôi mãi dạy học xa nhà không biết sự tình. Khi ông tôi biết, ông tôi bèn xích chân bố tôi lại bằng một sợi tơ hồng. Bố tôi làm con rể một ông đồ. Cũng ông đồ. Sao giòng họ nhà tôi và những giòng họ liên hệ nhiều người học dốt vậy. Bố tôi lấy con gái của ông đồ Báng ở làng Đồng Thanh. Cô thứ nhất của tôi lấy ông đồ kiêm ông lang. Cô thứ năm của tôi làm dâu ông đồ Khoái. Ông họ tôi làm đồ nho. Bác họ tôi làm đồ nho. Đồ nho và thầy lang. Đó là giai cấp no đói thất thường của hoàng hôn Nho học. Tôi quên không hỏi bố tôi lấy vợ năm mấy tuổi. Chắc sớm lắm. Cái trò chơi vợ chồng này đưa đến một tan vỡ và bố tôi có vẻ hằn học. Nguyên nhân nào đó tôi không rõ, ông tôi bỏ nghề thầy đồ, lên tỉnh thuê nhà mở hiệu thuốc Bắc và hành nghề thầy lang. Tỉnh Thái bình quá đông thầy lang. Đến nỗi, một ông cử nhân Hành Thiện qua thăm bạn thầy lang Thái Bình đã xuất một vế câu đối đùa bỡn: Thái Bình bát vạn lang. Lang trắng, lang vàng, lang lốm đốm. Bố tôi được theo ông tôi, vừa học nghề vừa học chữ. Cô vợ ở lại quê giúp mẹ chồng cuốc đất trồng khoai.

Tỉnh thành làm sáng mắt bố tôi. Ông tỉnh ngộ. Nhờ thân chủ tín nhiệm, hiệu Mai Viên phát đạt. và bố tôi có tiền túi, mỗi sáng mua một gói xôi lúa cho cậu Bùi Công Hội, em ông chú rể của tôi. Để trưa cậu Hội nán lại một tiếng, dạy bố tôi chữ Pháp. Cậu học trò nghèo con ông đồ Khoái đã giúp bố tôi đậu nổi cái bằng Sơ học yếu lược, rồi Sơ học bổ túc rồi lên Thành Chung. Bố tôi rất tự hào chuyện này. Lên học Thành chung, bố tôi trổ mã và học tập tán gái. Bố tôi rất đẹp trai. Ông cao 1 thước 70, cân nặng 60 ký lô; tóc rẽ ngôi phải tự nhiên cơ hồ Thượng đế đã cho ông một mái tóc khỏi tốn tiền mua bi – ăng- tin.

Bố tôi mua chiếc xe đạp nhãn hiệu Saint Éstienne. Ông đã cưỡi xe đạp đi săn gái. Chuyện tình của bố tôi, tôi đã được nghe kể. Như thế này: Mẹ tôi ở huyện Hưng Nhân, bên kia sông Trà Lý, làng mẹ tôi là làng Thanh Triều, cái tên hay lạ. Tôi có một ý niệm thật mơ hồ về quê ngoại. Tôi về đó hai lần. Một lần theo bố về đón mẹ. Một lần theo mẹ về trốn bố. Cả hai lần đều buồn thảm. Hễ có chuyện xô xác giữa bố mẹ tôi là y rằng, dẫu xa cách mấy, mẹ tôi cũng xếp quần áo bỏ về quê mẹ. Và ở đó khóc tối ngày vì nhớ con. Ở đó, giận chồng vô vàn, vẫn chờ mong từng giây từng phút chồng về đón. Ông ngoại tôi mất ngày mẹ tôi còn trứng nước. Xảy cha còn chú, xảy mẹ úp vú dì. Mẹ tôi sống với chú, tôi gọi là ông: Ông Cai. Ông chú của mẹ tôi xuất thân từ hàng ngũ lính khố xanh, đăng lính trơn và giải ngũ với cấp bậc Cai.

Bà ngoại tôi lưng còng. Mẹ tôi còn ông anh trai: bác Khoát. Bác Khoát vừa bị hen vừa bị ma ám. Nửa đêm bác nhảy xống ao, bốc bùn ăn ngon lành và cười ghê rợn. Cái huyền thoại âm u về quê ngoại tôi được nghe kể, là huyền thoại bà ngoại tôi một mình vào tận sào huyệt bọn cướp. Ông Cai bị cướp đến đánh, cả nhà bị trói và con bò cái của ông bị dắt đi. Mười ngày ròng rã bà ngoại tôi đã theo chân bọn cướp bằng dấu chân bò. Và lọt vào hang cướp, buổi trưa, lúc bọn cướp ngủ say. Bà lặng lẽ dắt con bò về.

Quê ngoại nhà tôi có nhiều nhãn. Nhãn mọc cùng khắp. Có bận mẹ tôi ăn nhãn thay cơm, bị bội thực, bị say nhãn, phải lấy ông đồ rau chườm bụng. Tôi đã biết quê ngoại như thế đó. Một quê ngoại có ông bác bị ma ám, có bà lưng còng, có mẹ sống nhờ chú. Quê nội nhà tôi nào hơn gì. Tôi cũng có một ông họ chân đơn, một ông chú hen và vụ đuổi trộm ly kỳ của bà nội. Hai miền quê nội, quê ngoại nhà tôi đầy những móng vuốt phiền muộn. Tôi cố nhớ đoạn đường từ quê ngoại tới ngã ba chợ huyện Tiền Hải, một bà già lưng còng, đi bộ tìm đến thăm con cháu. Tôi cố nhớ mấy chục bạc giấy vo tròn nhỏ nằm trong bàn tay của mẹ tôi, dúi thật nhanh vào tay bà tôi. Tôi cố nhớ mấy chục bạc vo tròn đó đã bỏ ngay vào túi tôi với nụ cười và một câu nói không chữ nghĩa diễn tả: Bà khỏe mà, đi bộ được, bà chẳng cần tiêu pha gì, cho cháu ăn quà. Tôi cố nhớ cái mụn to bằng đồng-hào đôi mọc trên đùi đúng dịp bà tôi ở chơi cùng gia đình vài hôm. Cái mụn gây nhức nhối, đau đớn. Bà tôi đã thức suốt đêm, dùng móng tay dài mơn man quanh mụn và dùng cả hơi thở, bà cúi gần cái mụn thổi nhẹ nhàng cho tôi bớt đau và ngủ thiếp. Cái mụn nay trở thành cái sẹo, cái sẹo mang một điển tích tha thiết lẫn ngậm ngùi.

Tôi cố nhớ một hình ảnh thê lương của quê ngoại vàng vọt. Và, bây giờ, tôi nghĩ rằng cái ý niệm thật mơ hồ về quê ngoại của tôi đã không còn mơ hồ nữa. Bốn mươi tuổi tôi mới hiểu quê ngoại vàng vọt của tôi đã rực rở trong chiếc bị cói đựng mươi bắp ngô, dăm củ sắn, một gói đậu đeo trên vai một bà già lưng còng. Ngô sắn vườn nhà. Bà ngoại tôi cuốc đất trồng ngô sắn. Bà ngoại tôi tưới mồ hôi xuống đất vườn. Tôi muốn ngoạm một miếng thương, cắn một miếng yêu đào bới từ lòng đất quê ngoại, chở chất trong chiếc bị cói và đi theo bà ngoại tôi những cây số ngàn bao nhiêu tình ý. Nhưng tôi chỉ có thể ngoạm bắp ngô, cắn củ sắn của bà ngoại trong nỗi tưởng tiếc và tự trách mình đã coi thường những bắp ngô, những củ sắn của bà ngoại thuở lên mười.

Mẹ tôi sống với ông Cai trên vùng đất buồn hiu hắt đó suốt một thời tuổi nhỏ. Và mẹ tôi đã hưởng mật ngọt niên thiếu bằng quanh năm cắt cỏ chăn bò, vớt bèo, xay lúa, giã gạo. Năm mười bảy tuổi, ông Cai lên tỉnh làm nhà và mở hiệu nấu cơm tháng cho lính, mẹ tôi được đưa lên tỉnh hưởng thứ mật ngọt khác. Là, ngày hai buổi, mẹ tôi gánh cơm tới trại lính khố xanh phục dịch những ông lính bị cắm trại. Bọn lính này đã tán tỉnh mẹ tôi và tha hồ buông những lời ong bướm lính nghề. Ông Cai có bổn phận gầy dựng cuộc đời mẹ tôi. Ông đã nghĩ đến người chồng tương lai của đứa cháu mồ côi, nghèo khổ. Người chồng của nó sẽ là ông Quản, ông Đội hoặc bét nhất là ông Cai. Như hai bà dì của tôi, một bà làm vợ ông Quản, một bà làm vợ ông Đội.

Trên chiếc xe đạp Saint Étienne, lãng-tử-bố-tôi đã gặp cô-gái-quê-mẹ-tôi thẹn thùng gánh cơm ở những quãng đường vắng. Ông lẽo đẽo dắt xe theo mẹ tôi tới cổng trại lính, đứng ngoài chờ và theo về tới đầu phố. Bố tôi mê tít mẹ tôi. Ông kiên nhẫn theo đuổi ròng rã 3 tháng. Và hai người trở thành nhân tình. Ngôn ngữ tán gái của bố tôi hẳn dịu dàng hơn bọn lính khố xanh thô lỗ. Một trong những ông Cai dòm ngó mẹ tôi, ghen tức. Ông này mách ông Cai. Và ông Cai cảnh cáo mẹ tôi bằng roi vọt. Tôi nhớ ông Cai có bộ ria ghi đông trông thật khiếp. Khi nóng giận, bộ ria ghi đông của ông vểnh lên. Lúc ấy, ông là lính khố xanh đang tiêu diệt quân Cách mạng chống Pháp. Mẹ tôi bị ông Cai nhốt vài hôm, không cho gánh cơm đến trại lính nữa. Ông Cai hung hăng tới cửa hiệu của ông nội tôi gây ồn ào. Ông nội tôi im lặng, không thèm chấp với quân võ biền. Ông mắng bố tôi và cho biết chẳng bao giờ ông thuận làm thông gia với một tên vũ phu. Bố tôi mê mẹ tôi quá rồi. Bố tôi bỏ học lay hoay tìm cách dụ dỗ mẹ tôi thoát ly khỏi cái “địa ngục nhơ nhớp”. Bố tôi làm quen với thằng đầy tớ nhà ông Cai, mỗi ngày dúi vào túi nó vài hào. Chính thằng đầy tớ đã đóng vai ông Tơ trong chuyện hôn nhân không lễ cưới của bố mẹ tôi. Nó mở cửa cho mẹ tôi trốn ông Cai giữa khuya. Bố tôi, vẫn chiếc xe đạp Saint Étienne chở mẹ tôi về làng Thanh Triều. Tôi gắng sức tưởng tượng chiếc xe đạp sản xuất năm 1930, chiếc xe đạp kiểu đàn ông. Mẹ tôi ngồi trên khúc sắt tròn của khung xe, hai tay nắm chặt ghi đông phía trong. Bố tôi ngồi trên yên xe, ngực áp vào lưng mẹ tôi, mặt áp vào tóc mẹ tôi, hai tay cầm hai cái poa-nhê. Và đó, bố tôi đã ôm cả mẹ tôi quanh vòng tay thương yêu. Cả bố tôi lẫn mẹ tôi đều không nói đã trần tình với bà ngoại và bác Khoát ra sao. Nhưng, chắc chắn bà ngoại và bác Khoát không phản đối vì nhìn thấy tương lai mẹ tôi qua chiếc xe đạp Saint Étienne, chiếc xe đạp gây chấn động một vùng quê, quyến rũ trẻ con nối đuôi nhau chạy theo reo hò. Ở quê ngoại, đêm hôm ấy, đứa con của tình yêu là tôi hình thành và phá vỡ cái mộng gã cháu gái cho chú Cai lấy khoản tiền trừ công lao nuôi dạy của ông Cai.

Ông Cai nổi giận xách gậy đi lùng mẹ tôi khắp thị xã. Mỗi ngày, ông Cai diễn võ giương oai trước nhà ông nội tôi. Bố tôi giấu mẹ tôi thật kỹ. Ông Cai kiên nhẫn … nổi giận. Ngót 3 tháng chối quanh với ông nội tôi, một hôm bố tôi thú tội và khóc lóc kể rằng mẹ tôi đã có thai. Ông nội tôi rất thèm có cháu nội. Ông đã tuyệt vọng vì người vợ cưới cho bố tôi. Ông nội tôi thở dài rồi bảo bố tôi đem mẹ tôi về nhà. Mẹ tôi trở thành công chúa cấm cung bất đắc dĩ. Ông Cai dùng thế lực lính khố xanh, nhờ Sở Cẩm đến khám nhà ông nội tôi. Mẹ tôi phải trốn trong nhà xí nồng nặc mùi phân và nước tiểu ròng rã 2 tiếng đồng hồ. Đấy là lần nổi giận cuối cùng của ông Cai. Khi hay tin mẹ tôi mang thai, ông Cai đích thân tới xin lỗi ông nội tôi và kết luận chuyện hôn nhân có số. Chuyện tình của mẹ tôi hết sóng gió. Tôi ra đời năm sau, vào ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại nhà hộ sinh của bà đỡ Giới ở ngay thị xã Thái Bình. Không hiểu sao giấy khai sinh của tôi lại ghi nơi sinh là làng Tường An, chốn lập nghiệp của tổ tiên tôi.

Ông nội đặt tên tôi là Vũ Mộng Long. Những ông đồ nho thường hay nhồi một điển tích vào tên con cháu, dù con cháu có lớn khôn làm nghề tài xế hay phiêu bạt mãi vô Nam Kỳ cạo mủ cao su. Truyện bố tôi kể: trước ngày mẹ tôi sinh tôi, trời đại hạn. Buổi chiều, vừa lúc mẹ tôi đau bụng dữ dội thì, từ một góc trời, có con rồng đen to lớn hút nước và ban đêm mưa lớn. Mộng Long, do đó là mơ thấy rồng. Hay con rồng mộng mơ của họ Vũ. Tôi, tôi đã chán chường cái tên Long. Nó theo đuôi tiếng đong mà chỉ mình tôi hiểu. Long đong, lận đận. Về hạnh phúc. Phải chăng cái tên nó vận vào đời tôi nên mãi hôm nay, tôi vẫn nghĩ mình là con rồng mộng mơ hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn giản như bát canh ngon của người già, như manh áo mới của con trẻ?

Tôi ra đời được mọi người “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Ông tôi yêu cháu đích tôn của ông và thương mẹ tôi vô cùng. Cô Hồng của tôi, khi khơi dậy kỷ niệm, thường nhắc chuyện làm phỏng một miếng lớn ở giữa ngực tôi. Cô tôi nấu nước dưới bếp. Tôi xuống chơi. Cô tôi chiều tôi, nướng khoai cho tôi ăn. Tôi nghịch bếp làm đổ ấm nước, bị phỏng nặng, phải đem vào nhà thương. Cô tôi bỏ trốn. Tôi nằm nhà thương rên rỉ đêm ngày. Mỗi lần tôi rên rỉ là ông tôi rít qua kẽ răng: Cháu tao mà mệnh hệ gì, tao giết con Hồng. Ông tôi là một ông lang nổi tiếng, một ông lang bảo thủ không chấp nhận sự tiến bộ của Tây y. Nhưng vì quá thương yêu tôi, ông tôi đã dẹp tự ái, đích thân đưa tôi vô nhà thương. Người ta đã băng bó vết phỏng của tôi và vết phỏng ấy loét thêm, loang rộng. Ông tôi vội vàng bồng tôi về chữa lấy. Mãi một tháng vết phỏng mới ăn da non và khỏi hẳn. Bây giờ vết phỏng còn lờ mờ giống hình con ngựa ở một bên ngực chạy dài xuống bụng tôi. Cô Hồng đợi tôi “không mệnh hệ” gì mới dám về nhà.

Kỷ niệm cô tôi khơi dậy đã dìu tôi vào vùng sương mù. Và trong cái vùng sương mù đó, hôm nay tôi trở về, vận dụng cả mặt trời tưởng tượng cũng không soi sáng nổi một lối đi. Ông tôi chết khi tôi chưa biết đón nhận tình thương và chưa biết khóc. Vẫn cô Hồng kể, cô đã bế tôi theo sau quan tài ông tôi và lúc hạ huyệt, cô tôi đã cấu tôi thật đau cho tôi khóc. Để có những giọt nước mắt nuối tiếc ông nội của đứa cháu đích tôn.

Ông tôi chết, bố tôi thừa hưởng cửa hiệu bán thuốc Bắc. Bố tôi bán thuốc theo đơn chớ không xem mạch. Vì ngày ông tôi còn sống, bố tôi ít chú ý đến dao cầu thuyền tán. Ông kết bạn với một người chủ hiệu cắt tóc ở bến xe, cạnh rạp Odéon đàn đúm kéo nhị, gảy đàn và hát vọng cổ. Phong trào cải lương bành trướng trên đất Bắc kỳ vào hồi này. Những gánh hát với những đào kép trứ danh Nam kỳ lần lượt Bắc du. Bố tôi đã bị giọng hát của ông Tư Chơi thu hút linh hồn. Và một hôm u ám của mẹ tôi, bố tôi đã cùng bác Khải, chủ hiệu cắt tóc, khăn gói theo một gánh hát vô tận Sài Gòn. Bố tôi giã từ vợ con đi theo gánh hát năm tôi sáu tuổi. Hai năm sau ông trở về với một khuông mặt đầy son phấn cải lương và bốn chiếc răng vàng chói lọi. Khi tôi biết chiêm ngưỡng khuông mặt của bố tôi, son phấn cải lương đã nhạt nhòa. Có lẽ, chỉ còn lãng đãng trong ký ức của ông. Nhưng bốn chiếc răng vàng vẫn chói lọi, vẫn là niềm kiêu hãnh giang hồ của bố tôi. Ở miền Bắc, thường thường những tay anh chị mới thích trồng răng vàng. Ngó vài chiếc răng vàng trái mùa trên hàm răng trắng đều đặn của bố tôi, tôi đã bất mãn. Ông bèn mất công giải thích bằng một kỷ niệm buồn bã. Một anh Bắc kỳ mê vọng cổ, bỏ vợ con vô Sài Gòn, lưu lạc khắp miền lục tỉnh. Anh nuôi mộng trở thành kép hát hữu hạn và hồi hương chinh phục người quê hương.

Nhưng anh Bắc kỳ vỡ mộng kép hát. Anh không thể ca sáu câu vọng cổ thật mùi, dù anh hết lòng ngưỡng mộ cả sân khấu cải lương lẫn người và đất Nam kỳ. Anh chỉ đạt nổi một ước ao khiêm nhượng là được chụp chung một tấm ảnh với nhiều đào kép chưa mấy nổi tiếng. Anh về Bắc, mang theo tấm ảnh, bốn chiếc răng vàng và một trời tương tư miền Nam. Bố tôi thường kể về các ông Năm Châu, Tư Chơi, Bảy Nhiêu bằng giọng nói cảm phục, Mãi sau này, lưu lạc vô Sài Gòn, nhớ người bố lãng tử, tôi mới thấm thía cái kỷ niệm buồn bã của bố tôi. Và tôi viết cuốn Mây mùa Thu. Thằng bé Bắc kỳ trong gánh hát Đồng Ấu lưu diễn miền lục tỉnh chở chất tâm sự của bố tôi. Ông thầy tuồng Văn Nghị, ông bầu Năm Chiêu là những hình ảnh nghệ sĩ mà bố tôi đã ngưỡng mộ. Bố tôi không đủ tài năng đóng vai chính trên sân khấu. Và, rốt cuộc bố tôi cũng đã không đủ tài năng đóng vai chính ở bất cứ vở tuồng nào đó trong cuộc đời. Ông luôn luôn đóng vai phụ hèn mọn, tuồng này nối tiếp tuồng khác, những vai phụ nói chẳng hết lời, dẫu chỉ là những lời cay đắng. Tôi mường tượng một chuyến tàu đêm về Bắc, bố tôi ngồi bó gối trên toa hạng bét giã từ Sài Gòn, giã từ sân khấu Sài Gòn với những giọt nước mắt ngậm ngùi. Để viết đoạn kết Mây mùa Thu, thằng bé Bắc kỳ giã từ gánh hát của nghệ sĩ Năm Chiêu ở bến phà Mỹ Thuận. Nó nhìn hiện tại nó dưới nước. Tôi nhìn một đoạn dĩ vãng của bố tôi dưới nước. Tôi thấy một nỗi niềm vừa bắt tôi cảm động vừa bắt tôi phì cười. Tôi không hiểu tại sao bố tôi lại mê vọng cổ thế. Mê vọng cổ hay mê một đào ca vọng cổ? Dù sao chăng nữa bố tôi còn biết đam mê. Và những bước chân của bố tôi hẳn đã làm xúc động cả trái xoài Mỹ Tho, trái măng cục Lái Thiêu … Những bước chân ấy tôi không tin rằng tôi đã có. Bởi vì, tôi thiếu đam mê. Và còn bởi vì tôi thiếu một nơi chốn trở về hong vết thương đời, hong vết thương tình.

Bố tôi hồi hương chừng vài tháng thì mẹ tôi có mang đứa em thứ ba. Mẹ tôi tưởng bố tôi đã rủ bụi giang hồ, quên hẳn những lớp lang hư ảo dưới ánh đèn màu sân khấu. Mẹ tôi lầm. Bố tôi lại ra đi. Lần này ông lên Vĩnh Yên lập đồn điền rồi lang bạt khắp tỉnh mạn ngược. Mẹ tôi sinh đứa em gái, đặt tên nó là Lý. Tôi cần nói là mẹ tôi mù chữ và chỉ biết đọc biết viết vào đầu những năm kháng chiến nhờ em gái tôi dạy để đi chợ khỏi bị lội bùn. Mẹ tôi không hiểu thiên lý là ngàn dặm. Bà đã hiểu là xa xôi. Và bà cho em tôi tiếng Thiên làm lót: Vũ Thị Thiên Lý. Em tôi sống vừa vặn ba tuần. Nó chết trong khi bố tôi đang lãng du trên con đường… thiên lý. Mẹ tôi khóc sưng mắt.

 Bấy giờ tôi đã lên tám và đã biết cảnh nhà trống trải. Các cô tôi trông coi cửa hiệu thuốc Bắc. Cửa hiệu càng ngày càng vắng vẻ. Tôi học vở lòng ở trường bà Sơ và chơi đùa với đứa con gái con ông bà bán nước trà dưới hiên nhà ông Hậu Hèo. Tôi không nhớ hai đứa tôi đã chơi những trò gì, đã xưng hô với nhau ra sao. Cô Hồng thích kể chuyện cũ. Cô thường làm tôi đỏ mặt câu chuyện tôi ăn cắp ô mai, bỏ vào miệng, chạy khỏi nhà đi tìm con “Khánh sún”, nhả ô mai ra cho con “Khánh sún” ăn. Con Khánh sún, người bạn thơ, người tình thơ của tôi, đã ăn những trái ô mai tuyệt diệu đó. Tôi có một trí nhớ rất tốt. Buồn ghê, tôi đã không nhớ nỗi khuôn mặt người tình thơ của tôi, người bạn thuở lên tám chưa biết tình tự đã hiểu buồn bã. Nỗi buồn ở cổng sau: Mẹ tôi ngồi trên những viên gạch, khóc sụt sùi. Tình thiết tha, tình thơ mộng rồi cũng dẫn đến những kết luận sầu khổ. Nỗi buồn ở cửa trước: Hiệu thuốc Bắc ế ẩm, vắng hẳn những nụ cười ròn rả của các cô tôi. Nỗi buồn ở trong nhà: Tôi một mình chơi với những cái nút chai, những cái vỏ hến và tự hỏi sao mình không được chơi với cái tàu thủy chạy xình xịch, cái tô tô vặn cót. Đứa em gái của tôi không an ủi tôi được chút nào. Nó độc chiếm cái võng, ngủ li bì. Thỉnh thoảng em tôi gạ tôi chơi trò đi xe hàng. Nó làm tài xế, đánh đu võng, bảo đưa tôi lên Bắc Cạn tìm bố. Lúc đó mẹ tôi mắng em, cấm em nhắc tới bố, sợ bố nóng ruột, bố hắt xì hơi. Vùng trời thơ ấu của tôi thật ảm đạm. Đưa tay là bắt gọn một miếng buồn. Tôi đã nuốt bao nhiêu miếng buồn. Và, bằng những miếng buồn tuổi nhỏ, sau này, tôi dùng như hành lý vào đời.

Một ngày giữa hạ, bố tôi từ mạn ngược xuôi đồng bằng. Ông dắt về năm con dê. Bố tôi không kể chuyện rừng thiêng nước độc mà ngồi bóp trán nghe mẹ tôi khóc. Ông thề độc địa từ nay không bỏ bê vợ con nữa. Bố tôi dẫn anh em tôi ra nghĩa địa thăm mộ em Lý. Ông chỉ chớp mắt. Rồi ông bế em Tú, nói rằng sẽ đền em Tú đứa em khác. Khi những con dê chết dần vì bị ngã nước, bố tôi quyết định dẹp cửa hiệu bán thuốc Bắc, và dẫn mẹ con tôi sang huyện Phụ Dực lập nghiệp. Tôi không tài nào quên cái cảnh dọn nhà trốn chạy sự sa sút của gia đình tôi. Các cô tôi trở về làng Tường An làm ruộng. Trên ba chiếc xe bò, gia tài của ông đồ nho để lại cho anh trưởng nam gồm cái tủ cao, dài gồm những ngăn kéo nhỏ, cái quầy, cái thuyền tán bằng gang nặng, cái dao cầu, cái bào thốc, hai ba cái cân bé, vài cái rây, ít chai liễn… được di chuyển vào nửa đêm. Mẹ tôi và em Tú đi bằng xe tay từ chiều. Tôi ngồi trên chiếc xe đạp Saint Étienne, chỗ mẹ tôi đã ngồi, của bố tôi. Hai bố con tôi áp tải những món đồ đạc tang thương suốt một đêm. Mãi hôm nay, tôi còn nghe rõ tiếng bánh xe bò bọc sắt lọc cọc trên con đường đá củ đậu lổn ngổn khúc Ngã tư Môi dẫn vào phố huyện Phụ Dực. Và tôi hiểu tại sao bố tôi mơ ước trở thành kép hát, tại sao bố tôi thương nhớ đất Nam kỳ. Một đời người không có hai lần vinh quang hay kéo dài sự vinh quang của mình sang cõi chết. Bố tôi hẳn đã cảm hai câu thơ: Thà một phút huy hoàng rồi sụp tối. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm. Ông muốn tạo cho mình một phút huy hoàng, một phút thôi, một phút của những phút làm Năm Châu, Tư Chơi, Bảy Nhiêu, Huỳnh Thái, Sĩ Tiến … rồi cam đành thu thân phận mình vô chiếc vỏ ốc cô đơn buồn tẻ. Nhưng không có một phút huy hoàng cho bố tôi. Chỉ có bốn chiếc răng vàng le lói, một tâm sự ủ ê và rọi chiếu vào cuộc đời tối tăm của bố tôi. Bắt đầu ở huyện Phụ Dực.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn