BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhân mấy cuốn sách bị cấm và thu hồi

05 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 1165)
Nhân mấy cuốn sách bị cấm và thu hồi
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

(Ghi chép lại từ một buổi đàm thoại qua Liên mạng)


Bài này, tôi xin được ghi chép (có biên tập lại chút ít) từ một buổi đàm thoại qua Liên mạng.

Từ Cali: Allô… Anh Văn à!

Từ Hà nội: Ah! Chú Tân hả? Vui quá. Lâu rồi nhỉ? Dạo này trông chú… “phồn vinh giả tạo” quá – béo quá à! Webcam của chú tốt nên nhìn rõ lắm.

Cali: Mập quá hả. Sợ quá anh à. Trông anh dạo này cũng khá, không đến nỗi… “đói rách thực sự” như mấy năm trước tôi gặp khi về Việt Nam. Hình anh cũng rõ ràng lắm!

Han: Ơn… “đảng ta” đó! Đỉnh cao muôn trượng mà! Già rồi, người bắt đầu phát phì rồi.

Cali: Anh Văn ơi. Anh đã nhận được e-mail của tôi, có Forward cuốn Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh rồi chứ?

Han: Rồi. Nhận được từ hai hôm nay. Nhưng bận quá, hôm nay rảnh, đang định Reply e-mail của chú thì chú gọi đây.

Có thể người chuyển bài cho chú đã lầm gì chăng? Đây không phải Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, mà là tác phẩm Thời của Thánh Thần. Cả 2 tác phẩm đều đang hot, đang được săn lùng tại VN.

Cuốn thứ 2 đã xuất bản, lại do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam (vẫn mang danh là Hội Nhà văn quốc doanh) xuất bản hẳn hòi; nhưng liền sau đó có lệnh cấm và bị thu hồi. Tôi không mua được chính bản phẩm, phải mua sách in lậu. Kể ra mua sách in lậu cũng đáng xấu hổ nhưng biết làm sao được, “đồng chí Việt kiều yêu nước” cảm thông nhé, vì in và mua sách chính thức lại trở thành… vi phạm pháp luật! Tôi đã đọc ngấu nghiến xong. Đang đọc lại lần thứ hai trên mạng đây. Phải nói nó là cuốn sách "gối đầu giường" được đấy, ít nhất là đối với bọn tôi ở trong nước – luôn luôn khát sự thật chú Tân ạ. Trong tác phẩm, tác giả nói về số phận dân cư làng Động; như vậy là tác giả lấy ngay làng Động Phí – Sơn Minh – Phương Trì – Ứng Hoà – Hà Đông của mình làm bối cảnh. Cho nên, đọc tiểu thuyết mà như nghe chuyện thời sự vậy. Khi đọc, tôi thấy nhiều nhân vật tiểu thuyết như thấp thoáng đâu đó ngoài đời. Đúng ra là tác giả đã lấy nguyên mẫu từ đời thực vào tác phẩm. Một ví dụ: Khi nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ (nhân vật truyện) bị bắt sau cú “va” xe đạp với một người đàn bà, trong tay nhà thơ có cuốn “Váy Đình Bảng” của nhà thơ Bùi Việt – một phần tử văn nghệ đang có vấn đề. Đó rõ ràng là chuyện thật của nhà thơ Hoàng Hưng năm xưa bị bắt với cớ gần tương tự khi cầm trong tay bản nháp cuốn “Mưa Thuận Thành” (sau này đã được xuất bản) của nhà thơ Hoàng Cầm (có tên thật là Bùi Bằng Việt, lúc đó cũng đang bị theo dõi). Chuyện này bây giờ ở VN ai ai cũng đã biết, chẳng cứ có quen Hoàng Hưng hay không. Về vụ này, trong một buổi nói chuyện cùng lãnh đạo tối cao về Văn nghệ Tư Vuông,1 nhà văn Châu Hà (tác giả mượn lời) đã nói thẳng: “Vỹ nó có tội gì mà phải bày đặt ra một cuộc bắt bớ hạ cấp thế? …” (trang 419). Nguyễn Kỳ Vỹ còn là hiện thân của nhiều văn nghệ sĩ có số phận đau đớn khác. Sách cực hay. Tôi đang cho mấy ông già (nghĩa là tuổi tôi 70 chưa được gọi là già nhé!) quen biết mượn. Có thì giờ chú nên đọc. Nếu có đọc thì đừng bực mình vì mấy cái lặt vặt, cái hay nhất là cả cuốn sách ngót nghét 650 trang mà tôi không thấy mấy người Việt Minh (chính hiệu) được gọi là tử tế!!! Tôi nói gọi là tử tế cho nó nhẹ, chứ thực ra, nhà văn đã mô tả họ là những kẻ cực kỳ đểu cáng, mất dạy, dốt nát!!! (Hôm trước tôi đàm thoại với một chú em họ bên ngoại 81 tuổi ở Houston, tôi nói vậy thì chú ấy cứ cười cục cục trong máy, tỏ ra rất thú vị). Tử tế sao được khi “Câu chuyện ra tù của Vỹ chỉ đơn giản như vậy. Sinh mạng chính trị, tư cách công dân của một con người chỉ một cái hất đầu là đi đứt, chỉ một mảnh giấy là tha bổng.” (trang 469); hay: “Rồi Vỹ sẽ sống ra sao, nếu bệnh tật và những áp lực tinh thần đã tích tụ mấy năm qua bùng phát? Vợ chồng con cái Vỹ sẽ sống thế nào, khi tất cả thu nhập đều chỉ trông cậy vào đồng lương và việc dạy thêm của Khiêm? Đã gần hết năm rồi mà mọi chế độ tiêu chuẩn của Vỹ vẫn chưa giải quyết được. Mấy chục đồng bạc một tháng hoặc một chân cán sự quèn ở một cơ quan, mà cứ như quả bóng đá đi đá lại bao nhiêu cửa. Người ta vẫn cứ muốn hành hạ Vỹ, lấy miếng cơm manh áo, sự mưu sinh tầm thường để làm nhục kẻ sỹ.” (trang 498) v.v… Công bằng ra thì có đôi ba trường hợp ngoại lệ, như giám thị Bản (thuộc tuyến nhân vật phụ) được “tên tù chính trị ngoan cố” (tức nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ) chữa cho khỏi bệnh Trĩ mang về từ chiến trường, và thượng tá Võ Khang (cũng thuộc tuyến nhân vật phụ) tác giả chưa để bộc lộ nhân cách.

Còn cuốn thứ nhất: Tác giả nói chưa có ý xuất bản cuốn Hồi ký này, mới chỉ là bản nháp, mà tại sao nó lại xuất hiện trên mạng X-cà 2 ???!!! Sau khi tác giả có ý kiến (có thể do áp lực), mạng trên đã gỡ bài. Tuy nhiên đã có người kịp chuyển vào dạng PDF và phải dùng Adobe reader mới đọc được. Đọc rồi những tôi vẫn đang săn đón bài này được soạn trên Font chữ thông thường đây (tức soạn trong Office Word).

Cali: Nói chuyện với anh Văn bao giờ tôi cũng được nghe rất chi tiết. Nhưng sau khi gửi e-mail cho anh hôm đó. Tôi lại nhận ngay được một e-mail khác có nội dung như sau: (Để tôi mở máy, tìm và đọc nguyên văn anh nghe, đây rồi) Cuốn sách có tên "Thời của Thánh Thần" mới xuất bản và đã bị thu hồi tại VN. Đừng tin điều này. Sách này đã được cho phát hành lại sau một tuần bị thu hồi. Tác giả là Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn. Chúng nó chỉ giả vờ thu hồi, biến ra thành sách cấm để bịp Người Việt hải ngoại mà bán sách thôi. Nội dung chửi người Việt hải ngoại và nhất là nhà văn, nhà báo hải ngoại chuyên trồng cần sa để kiếm tiền chứ không phải viết báo. Tôi đã viết về sách này trên nhật báo SGN rồi. Anh nên đọc và thông báo về việc này cho bạn bè anh biết. Vậy thế nào anh Văn?

Han: Điều chú nói không thật chuẩn xác đâu. Cuốn Thời của Thánh Thần bị thu hồi và cấm thực sự. Hoàn toàn không phải cấm để mà lancer tác phẩm. Nếu nghi ngờ sự nói một đằng làm một nẻo thì chính bọn tôi ở nhà phải nghi ngờ mới đúng. Vì ăn bánh vẽ quá nhiều rồi! Tôi đã nói trên: Chú nếu có thời gian thì đọc chơi vì rất hay. Ngay sau khi nhận được bài chú gửi, tôi đã chuyển cho chú Thành (ở Pháp) và Thành rất khoái.

Tác giả là nhà văn Hoàng Minh Tường, theo tôi biết thì không có chức vị gì trong lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Tổng Thư ký Hội Nhà văn hiện nay là (Nguyễn) Hữu Thỉnh chứ không phải Hoàng Minh Tường đâu.

Nội dung chính của sách là nói đến Bi kịch của một gia đình miền Bắc trải dài theo thời gian suốt từ thời kỳ trước khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945 đến tận những ngày gần đây. Lên án gay gắt mấy việc làm lớn nhất của chế độ là: Cải cách ruộng đất, khủng bố văn nghệ sĩ trí thức trong vụ Nhân văn giai phẩm, Cải tạo tư sản, thanh trừng nội bộ trong vụ án chính trị gọi là Chống xét lại hiện đại, v.v... thậm chí cả bán bãi vượt biên sau này nữa. Chiến tranh cũng bị lên án luôn. Này nhé:


… Cải đã vĩnh viễn nằm lại ở một con suối không tên.

Hai mươi bốn liệt sĩ của làng Động lần lượt được báo tử” (trang 338). Hay:

 



Ba mươi mốt chàng trai Hà Nội của nông trường Quan Chi nhập ngũ ngày ấy, sau năm 1975 chỉ có ba người trở về” (trang 378). Lại nữa:

Cái làng Động thân thương, suốt cả một cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm, đồn địch dựng giữa làng, ác liệt là thế cũng chỉ có tám liệt sĩ. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, đau thương mất mát đã tăng gấp bội. Con số liệt sĩ vọt lên cấp số nhân, gấp chín lần, tròn hai trung đội” (trang 327). Đó là con số của một làng (nay gọi là xóm, đơn vị hành chính dưới cấp xã)!!! Việt Nam có bao nhiêu làng cả thảy? Con số thanh niên chết trận (chưa kể nạn nhân khác) sẽ là bao nhiêu? Tác giả không “trả lời” ta câu hỏi này nhưng ngay đầu Chương 15 ông viết: “Cuộc hành trình đến Độc lập Tự do quá dài và cực kỳ gian khổ. Cứ nhìn trập trùng bia mộ, tầng tầng lớp lớp nghĩa trang liệt sĩ khắp các thôn làng dọc dải đất hình chữ S thì đủ biết” (trang 327).

Nói đến đây tôi chợt nhớ đến chuyện: Một thời gian sau chiến tranh, quan hệ Việt Nam – Thái Lan được thiết lập. Trong buổi tiếp đón Thủ tướng Thái, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó có nói một câu đại ý: Để giành lại nền Độc lập Tự do, nhân dân Việt Nam đã phải đổ không biết bao nhiêu xương máu trong 3 cuộc kháng chiến. Lời đáp của ông khách Thái có câu: Nhân dân Thái Lan đến với hạnh phúc trong may mắn không phải qua 3 cuộc chiến tranh.

Khiêm nhường và sâu sắc biết bao!

Có một người duy nhất trong gia đình nọ (Kỹ sư Nguyễn Kỳ Vọng, thuộc nhóm những nhân vật chính) đi Nam năm 54, về sau ở lại do quá nặng tình cảm với cha mẹ anh em xa cách lâu ngày, nhưng rồi không sống được với những người cộng sản nên lại phải vượt biên. Sau anh có về gặp gia đình để xây dựng lại từ đường của dòng họ. Tác giả dành rất nhiều tình cảm tốt đẹp, thông cảm cũng như chia sẻ với nhân vật này.

Đây là một cuốn tiểu thuyết, nên bên cạnh đó còn một tuyến nhân vật phụ, tác giả cũng nói thế này thế khác; tôi cho đó cũng là cách nói để tác giả làm bật lên các nhân vật chính. Khi viết về hải ngoại (mà đây không phải là nội dung tư tưởng chính của cuốn truyện), hình như nhiều chỗ tác giả có vẻ như (theo tôi nghĩ) là cố tình dùng ngôn từ của những người theo phái “chính thống” (tức là thuộc hoặc theo chính quyền trong nước) nên có thể tạo ra sự hiểu lầm như người gửi e-mail (tôi tạm gọi ông này là ông X.) mà chú vừa nói chăng? Nhưng nếu đọc thật kỹ, cũng không thấy tác giả bôi xấu gì về họ, mà có phần còn nói tình cảm, hành động tốt đẹp mang tính nhân bản của họ (để đối chọi với nhiều nhân vật xấu trong tuyến nhân vật chính) nữa là khác (như với nhà văn Xuyên Sơn/ Du San về chiêu hồi quốc gia chẳng hạn. Câu nói “Kiếm được tiền là nhờ trồng cần sa đấy…” (trang 593) của Xuyên Sơn với bạn, đặt trong văn cảnh, rất rõ chỉ là tếu táo pha trò, nhằm thuyết phục bạn cầm tiền nhuận bút và tiền gửi cho bạn ốm đau ở nhà). Nhiều chỗ tác giả, hoặc tác giả để cho nhân vật thốt lên những câu xem ra có vẻ đi đúng “đường lối”, nhưng cũng vẫn không dấu đi cái giọng châm chích, mỉa mai… Này nhé: “Chiến Thắng Lợi nói sa sả hơn tiếng đồng hồ. Ông độc diễn thì đúng hơn. Ông nói về hai con đường, về giai đoạn quá độ, về quy luật tất yếu của lịch sử, về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản… Cứ nghe ông nói thì Mỹ, Nhật, Anh, Pháp… sắp chết đến nơi. Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc đang ở giai đoạn Chủ nghĩa xã hội phát triển, mọi người đang làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Chủ nghĩa xã hội đang nhỡn tiền thành thiên đường của nhân loại…”.3

Và nữa, ông X. không chú ý tác giả đã từng để cho Kỹ sư Vọng nói những câu đẹp đẽ và chí lý như sau sao:

- “Tôi hiểu anh đang nói đến nền tảng văn hoá, bản sắc dân tộc. Dù đi đến cùng trời cuối đất, người Việt mình cũng không thể hoà tan, biến mất trong biển lớn nhân loại. Anh đến Sài gòn Little ở Cali, hay đến Vécsai ở New Orleans vừa rồi, đã thấy rõ điều đó. Người Việt dù bị văng ra khỏi Tổ quốc thì họ cũng sẽ trở thành những tiểu vệ tinh luôn quay quanh đất Mẹ…”. Hoặc:

- “… Các anh có lợi thế là có tới tám mươi triệu người đọc… Vậy mà thật tiếc! Sao văn chương của chúng ta lại nhạt nhẽo, giống như văn kiện…?

Nhà văn Châu Hà từ trong nước sang Hoa Kỳ ngồi nghe những câu trên thì thái độ ra sao? Tác giả viết tiếp:

Châu Hà giật mình. Ông cảm thấy má mình, hoặc ở đâu đó trên mặt, như có vết nhơ”.4 Cứ trích dẫn như vậy thì còn nhiều lắm. Cứ đọc dăm ba trang lại muốn dừng lại để trích dẫn. Mà tiếp ngay sau đoạn vừa trích dẫn trên là 8 trang liền tù tỳ, toàn những lời văn búa bổ về cái chế độ lạ kỳ… Mặc dầu vậy, tôi vẫn xin được nhắc lại: Nếu chú có đọc thì hãy cho qua các tiểu tiết mà mình chưa hài lòng. Văn phong trong nước nó không thể giống văn phong hải ngoại được; mà ngay trong nước, miền Bắc miền Nam cũng khác nhau rồi kia mà. Và nữa, đây là Tiểu thuyết chứ không phải Truyện ký (Recit). Mặt khác, liệu đây có thể là một cách lách trong quá trình viết của tác giả để làm dịu lòng người kiểm duyệt, hằng mong sách được chấp nhận không?

Nhưng cuối cùng: Nhà văn tuy chui được qua một lỗ hổng nhỏ để tác phẩm ra đời nhưng rồi lại không qua được Cửa ải lớn sau nhà xuất bản là Ban Tuyên giáo (Ban Tư tưởng Văn hoá cũ) nên sách đã bị thu hồi và cấm lưu hành.

Quả thực bây giờ đi mua sách vẫn có. Nhưng không bói đâu ra chính bản phẩm (tôi biết một cán bộ có chức vụ cao ở bộ Xây dựng phải mua cuốn loại này tới 200 ngàn VNĐ; trước đó khi chưa có lệnh cấm, người anh ruột của ông này đã kịp mua với giá chỉ có 65 ngàn trong khi giá bìa ghi là 97 ngàn đồng! Chi tiết này cũng thú vỵ đấy chứ phải không chú Tân?). Bây giờ chỉ có sách in lậu mà thôi - chính điều này chứng tỏ sách được hưởng ứng ghê gớm lắm lắm chú Tân ạ!

Cái hay là: Gấp cuốn sách lại sau khi đọc, ai ai cũng thấy cái chế độ này quả là quái gở, nó làm hại dân tộc Việt biết chừng nào! Tác giả đã dùng thơ để làm lời đề tựa cho đứa con tinh thần của mình như sau:
“Dáng Việt, lưng còng Mẹ
Xót xa muôn kiếp Lạc Hồng”
(H.M.T.) và
“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
(Nguyễn Du)

Cali: Rất cám ơn anh cho tôi biết điều đó. Những điều anh nói rất có giá trị. Tôi sẽ nói lại với bạn bè của tôi. Lúc này tôi vẫn chưa đọc được cuốn sách đó, công việc không cho tôi thời giờ nên phải chịu, nhưng chắc chắn tôi sẽ in ra để đọc từ từ. Nhưng còn cuốn kia anh Văn?

Han: Cuốn Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh ấy à? Nếu so sánh 2 cuốn thì khó lắm. Mà không nên so sánh. Nhưng phải nói cuốn này cũng rất hay. Sách này thuộc dạng… thâm cung bí sử đó. Đụng chạm đến rất nhiều nhân vật, còn sống cũng như đã mệnh một, chủ yếu là những người liên quan đến văn chương, và cũng không thiếu gương mặt những nhà chính trị… cỡ bự.

Tôi nói thêm một ý lúc đầu: Hôm vào Google để tìm cuốn này, tôi gặp cơ man nào bài viết liên quan. Trên mạng X-cà tôi đã nói, người có nickname Nguongiomoi viết thế này: “Cảm ơn bác SNV đưa lên. Cũng cảm ơn cụ Mạnh (không phải cụ Mạnh kia, cụ này "sang" hơn,5 muốn hiểu sang là gì thì đọc hồi ký của cụ) đã viết hồi ký cho con cháu đọc. [Tôi] Đang đọc tới hồi kháng chiến. Thời đó Bác và Đảng còn hô hào dân chúng học hỏi tư tưởng cụ Mao. Có lẽ sau khi cụ Mao chết, không sợ phạm thượng nữa nên mới đổi qua học tư tưởng cụ Hồ. Mà phải công nhận tài đức hai cụ ngang hàng nhau! Học ai cũng được, học hỏi cụ Hồ còn đỡ mang tiếng vọng ngoại.”. Cũng trong trang đó, một nickname khác viết đại ý (tôi không nhớ được nguyên văn): Sau khi tác giả đề nghị gỡ bài, và bài nay đã gỡ, nhưng may quá, em đã chuyển sang dạng PDF vậy bạn nào muốn xem xin vào… thế là tôi theo hướng dẫn đó vào đọc được cuốn chúng ta đang nói đến.

Nói đến đây tôi lại phải xin nói thêm với chú một câu chuyện mới diễn ra ở nhà tôi hôm qua (tôi hay dài dòng lắm phải không?): Một ông bạn lâu không gặp tự nhiên đến chơi. Ông cho biết rằng: bà xã ông (cũng là đảng viên như ông) trong một bữa ăn tối tự nhiên lại nói chuyện chính trị mà từ lâu lắm rồi, tức là từ lúc về hưu bả có quan tâm gì đến nó nữa đâu. Bả phàn nàn tại sao ông Ngô Quang Kiệt lại ăn nói như thế. Thằng con lớn liền hỏi rằng mẹ bảo ông ấy nói làm sao? Bả trả lời: ổng bảo ổng nhục nhã vì là người Việt Nam, vậy ổng ở đâu ra? Mình chưa kịp lên tiếng thì thằng con nói: đến đài nhà nước mẹ nghe cũng chưa đầy đủ. Ông ấy không nói nhục vì là người Việt Nam mà cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi ra nước ngoài cảm thấy nhục nhã. Rồi nó nói thêm: Thôi, đến mai con đi làm về con in cho bố mẹ cái bài nói của Giám mục Ngô Quang Kiệt trước Uỷ ban nhân dân Hà nội 6 thì bố mẹ biết sự thật là thế nào. Tối hôm sau, được đọc bài ấy, đọc xong thì bà xã lại nói: Chết thật, ông Kiệt yêu nước vậy mà họ làm cho cả nước hiểu nhầm. Chú Tân thấy không? Tuổi trẻ trong nước có học thực sự bây giờ khá thế đấy. Hy vọng vào từng lớp này lắm lắm. Như Lê Thị Công Nhân chẳng hạn. Thân gái yếu đuối, phải mừng sinh nhật lần thứ 29 trong nhà tù. Thế mà khi nhà nước hỏi có sang Mỹ không thì cho ra tù và cho đi, Công Nhân đã từ chối sang một đất nước mà bao người trên trái đất này cho là thiên đường trên hạ giới để tiếp tục phải ở tù, đặng một khi ra tù tiếp tục góp phần tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền cho nhân dân ngay trên đất nước mình. Bái phục, ngàn vạn lần bái phục Lê Thị Công Nhân! Tôi nhớ, trong bài nói chuyện ở Prague hồi đầu năm nay, khi nhắc đến những người như Công Nhân ở VN, ở Myama, ở Trung Quốc v.v… ông Bush bảo “họ sẽ là những người lãnh đạo đất nước họ trong tương lai”. Tôi và chú cùng rủ nhiều người theo dõi vụ này xem sao nhé! Tôi bảo rủ thêm người vì tôi già rồi, chắc rằng tôi sẽ chết trước chú chớ! Đến lúc đó chú còn có thêm người cùng chú theo rõi vụ việc chớ! Nếu đúng Công Nhân (và nhiều chiến sĩ khác nữa) sau có chân trong hàng ngũ lãnh đạo thì ta phải tôn ông Bush là… Nhà tiên tri tài ba của thế kỷ!!!

Cali: Ý ngộ quá ha! Anh có thể nói thêm về nội dung và dư luận quanh cuốn Hồi ký này được không?

Han: Trên tôi đã nói những nét chính rồi. Chứ đi sâu vào thì dài dòng lắm. Chú hãy cố thu xếp thời gian mà đọc. Tôi biết chú rất bận, nhất là mặt kinh doanh; nhưng cố mà đọc. Sách gồm 5 phần (không kể mở đầu và kết luận), 26 chương. Từ chương 7 đến chương cuối nói về 20 nhân vật. Bên cạnh 20 nhân vật này có tới trăm rưởi, hai trăm nhân vật liên quan khác. Tác giả ca ngợi cũng nhiều, mà bật mí cũng lắm chuyện cười ra nước mắt. Hấp dẫn lắm. Lắm kẻ đau lắm. Trên đôi tờ báo đã xuất hiện vài bài phê phán tác giả, có bài khá gay gắt, hậm hực như bài của Hà Bình Trọng trên Văn nghệ trẻ số 42 (624) ngày 19/10/2008 là một ví dụ. Phê phán đấy nhưng lại chẳng nêu được điều gì cụ thể là tác giả đã nói sai. Nghĩa là chả làm sao phản bác được những nội dung cụ thể tác giả đã viết. Thế thì có khác chi thừa nhận: Trời ơi ông Mạnh “sang” này nói đúng quá! Chắc tác giả đang cười thầm đây!

Nói về sách cấm và hay ở VN hiện nay thì tôi muốn nói với chú nhiều nữa. Chẳng hạn, cũng với chủ đề về xã hội VN nhiều chục năm qua, cuối năm ngoái đầu năm nay có cuốn Dưới chín tầng trời của Dương Hướng (tác giả Bến không chồng đã được dựng thành phim, nói về các cô gái theo hay phải theo lời kêu gọi của đảng, không loại trừ có cô gái muốn… một cuộc phiêu lưu, hoặc muốn thoát vùng quê quá nghèo khó đã ra chiến trường; chiến tranh chấm rứt, may mà không bỏ xác nhưng… ôi thôi đã lỡ thì, cụm với nhau lại một Bến như một nông trường, một tổ hợp sản xuất chẳng hạn rồi mong ngóng một chàng nào đó không cần biết trẻ già, yếu khoẻ, xấu đẹp, đui mù hay lành lặn đến… cho một cái mà kiếm đứa con để dựa về sau!); hay trước đó có cuốn Cọng rêu dưới đáy ao của Võ Văn Trực (cũng là tác giả Chuyện làng ngày ấy). Các cuốn này đều có số phận gần giống 2 cuốn ta đề cập hôm nay.

Nhưng thôi dịp khác chú Tân nhé. Hôm nay, nhân mấy cuốn sách bị cấm, tôi nói sơ sơ vậy thôi, và cũng không có ý phân với tách tác phẩm chi cả. Sách hay, sách dở phải do từng người đọc nhận xét mới thoả đáng. Và kìa, chú có nhìn chữ duration trên cửa sổ đàm thoại không. Con số bên cạnh nó đang nhảy nhảy nhắc ta thời gian “chiếm dụng” mạng cũng lâu rồi đó. Ta nhường không gian mạng cho người khác nhé.

Cali: Anh Văn vui quá. Cám ơn anh nhiều vì buổi nói chuyện này. Hẹn lần sau hoặc trên e-mail nhé. Chúc anh luôn khoẻ. Bye bye!

Han: Bye bye chú Tân! Cũng chúc chú luôn vui và mọi việc hanh thông. Cho hỏi thăm tất cả.

Nguyễn Văn – Hà Nội
05/11/2008


1 Hiện thân của nhà thơ Tố Hữu – “tổng tư lệnh” chiến dịch bức hại văn nghệ sĩ.

2 x-cafevn.org

3 Chiến Thắng Lợi - một người trong tuyến nhân vật chính, có quyền sinh quyền sát ghê gớm (chỉ sau anh Tư Vuông). Trang 401-402

4 Trang 584-585

5 Chắc “cụ Mạnh kia” là “cụ” Nông Đức Mạnh – người mà một nguyên uỷ viên trung ương mấy năm trước từng có lần đã nói với tôi: “Loại trừ lúc ông ấy đọc văn bản do người khác viết. Còn khi ông ấy hứng lên mà nói buông thì quả thật bọn tôi chẳng hiểu ông ấy đã lảm nhảm nói những gì!”. Có lẽ vì lý do này mà Nguongiomoi có ý nói cụ Mạnh “này” “không sang” bằng cụ Mạnh “kia” chăng?

6 http://www.hungviet.org/conggiao/ngoquangkiet200908.html hay
http://vietcatholic.net/News/Html/58896.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn