BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73175)
(Xem: 62203)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ba lần đến Giáo xứ Thái Hà

19 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 1234)
Ba lần đến Giáo xứ Thái Hà
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Hai tiếng Thái Hà đã quá quen thuộc đối với tôi từ lâu. Ngày còn nhỏ, ở đội Sói con, rồi Hướng đạo sinh; mỗi lần được các huynh trưởng cho đi cắm trại là chúng tôi lại náo nức. Thái Hà ấp, đền Voi phục, vườn Bách thú là những nơi chúng tôi hay được các huynh cho đến nhất. Những tín hiệu morse trên các mảnh giấy con con được giấu kín trong hốc cây, ở bụi rậm ven đường… đã đưa chân chúng tôi đến với những không gian bát ngát, không khí trong lành, cỏ cây xanh tươi mướt mát, những con cầm thú nho nhỏ đáng yêu, rồi những ngôi mộ đá trầm mặc trong lăng tẩm… Những cái đó có sức lôi cuốn ghê gớm, là hấp lực mạnh mẽ đối với tuổi niên thiếu, từ đó, cùng với sự giáo dưỡng của cha mẹ, thầy cô, chúng tôi lớn lên hàng ngày…

Thế rồi Hà Nội ngày một đổi thay. Vùng ngoại ô xưa lọt thỏm trong cái thành phố bụi bặm này lúc nào cũng không xác định nổi thời gian? Khu Thái Hà ấp bây giờ chật chội những người, nhà cửa xây cất lộn xộn, xiêu vẹo, ngổn ngang không hàng lối. Một lần tôi chợt rẽ thăm “ấp” thì ôi thôi, có chỗ họ xây nhà ở trùm lên cả một khu mộ, cửa khu mộ cũ (trong khuôn viên ấp) còn nguyên nhưng đã biến thành cửa nhà của họ! Ngó nhìn vào trong, tôi còn thấy cả một tấm phản kê trên một ngôi mộ đá… Gần đây, câu chuyện giáo dân Giáo xứ Thái Hà cầu nguyện trên mảnh đất của mình, để “xin” lại đất của chính mình đã làm xôn xao dư luận thành phố và cả nước, vang động đến cả hoàn cầu. Gây nên chuyện ồn ào nhất có lẽ không phải bởi những buổi cầu nguyện trong nhẫn nhục và im lặng của giáo dân, mà lại chính bởi các cơ quan truyền thông như Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình trung ương, Báo Hà Nội Mới, Báo An ninh Thủ đô… Không ngày nào không có tin tức, mà theo như cách nói đao to búa lớn của các báo đài thì sự việc đã mang tính hình sự rồi! Đến nỗi ông tướng xuất thân từ viên cảnh sát hình sự Nguyễn Đức Nhanh đã vào cuộc với những lời lẽ cũng… rất hình sự!.

Nghe một thời gian, cố chờ đợi xem luận lý của 2 bên ra sao để biết phải trái mà mãi mãi cũng chỉ thấy… độc một tiếng của nhà nước! Y hệt như thời hô khẩu hiệu: Nhằm thẳng quân thù mà bắn! Chợt tôi nghĩ đến văn hóa ứng xử của những con người có học, những con người trong xã hội văn minh. Và tôi nhớ tới lời Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lanh trong một Hội nghị: “Tiện đây, tôi xin nói một điều: có những bài trên báo chí nước ta phê phán quan điểm của một người Việt Nam nhưng lại không cho người đó thanh minh hay tranh luận lại trên chính tờ báo đó. Văn hoá nào lại như vậy?”.1 Và Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và cả nhóm - nhóm bạn trẻ trăn trở với hiện tình đau buồn của đất nước đã: “Chúng tôi mạn phép trả lời: Đó là văn hoá XHCN. Mong toàn dân kiểm tra”.2

Sự một chiều trên đã kích thích tôi… “quyết” lên đường đến đất Thái Hà một chuyến xem sao.

Lần thứ nhất

Trong tiềm thức của mình, trước kia tôi chỉ biết Thái Hà trong khuôn viên lăng Hoàng Cao Khải. Trong đó và ngay sát đó tôi nhớ không có ngôi nhà thờ nào. Do nghĩ vậy nên tôi đã đi dọc phố Thái Hà, hỏi thăm nhiều người, nhưng cũng chẳng ai biết nhà thờ Thái Hà ở đâu. Tôi đi quá sang phố Huỳnh Thúc Kháng, rồi vòng sang phố Thái Thịnh cũng không khá gì hơn. Quay về đến ngã tư Chùa Bộc – Tây Sơn thì nhìn thấy 2 chú công an trẻ đang đứng nhìn dòng người và xe cộ chuyển động trên đường theo tín hiệu đèn xanh đèn đỏ. Tôi tiến lại gần và hỏi:

- Tôi xin chào hai chú. Hai chú làm ơn cho tôi biết nhà thờ Thái Hà ở đâu?

- Dạ, bác đi dọc phố này (vừa nói chú ấy vừa chỉ theo hướng lên mạn Văn Miếu – Quốc Tử Giám), đến chỗ bệnh viện Đống Đa bác rẽ vào đó rồi hỏi tiếp.

Cám ơn chú công an tốt bụng, tôi ngơ ngác nhìn đèn tín hiệu để chuẩn bị qua đường thì cũng chợt thấy chú công an ban nãy nhìn tôi chằm chặp với thái độ như soi mói, cảnh giác gì đó với mình. Chậc, nghề nghiệp của họ, kệ họ. Với tôi thế là đủ… và tôi sực nhớ: thì ra đó là Nhà thờ Nam Đồng mà xưa kia người Hà Nội vẫn thường gọi, vì nhà thờ nằm ngay sau dãy nhà số chẵn của phố Nam Đồng; cũng như phố Hàng Bột thì có Nhà thờ Hàng Bột, làng Tám thì có Nhà thờ làng Tám vậy. Phố Nam Đồng nay mang tên Nguyễn Lương Bằng – một ông cộng sản gộc – cộng sản VIP như cách nói ngày nay, chẳng lẽ lại gọi là Nhà thờ Nguyễn Lương Bằng thì nghe sao tiện? nên gọi là Nhà thờ Thái Hà chăng? Hay tên Giáo xứ rồi Nhà thờ Thái Hà đã có từ trước mà tôi không được biết? Việc này xin gác lại và tìm hiểu sau vậy.

Đi đến cửa bệnh viện (mà đất này ai ai đã từng ở Hà Nội lâu năm cũng đều quá rõ xưa kia vốn là đất của Nhà thờ Nam Đồng), tôi liền rẽ sang trái để vào khu vực nhà thờ mà không cần “hỏi tiếp” như chú công an đã chỉ dẫn. Tôi quyết đoán rẽ vậy vì hướng đó rất đông người ra vào, và bằng linh cảm, tôi cho rằng trong số đó tuyệt đại đa số là những người công giáo. Theo dòng người, tôi đi dọc khu đất có ngôi nhà thờ bề thế để vào một khu đất thứ hai cũng có một ngôi nhà lớn (có lẽ là nhà nguyện). Trong sân đầy ắp xe máy và lác đó có ít xe đạp, được sắp xếp ngăn nắp dưới sự hướng dẫn của các trật tự viên đeo băng đỏ chữ vàng. Từ lâu tôi bị dị ứng với cái màu sắc này trên các băng và khẩu hiệu. Nhưng lạ kìa, những người giữ xe ở đây đứng ngồi khác nhau với một thái độ từ tốn, nói năng nhẹ nhàng, khác hẳn những chỗ trông giữ xe khác trong thành phố mà điển hình là trên chợ Đồng Xuân chẳng hạn – nhất là thời “đại ca” Khánh Trắng đang tung hoành, mà nay cũng chẳng hơn là bao! Tò mò, tôi ghé mắt thật sát vào cái băng đỏ vàng để nhìn (hơi bất lịch sự một tý vì không mang theo kính!) thì thấy 2 dòng chữ, dòng chữ nhỏ ở trên ghi: Giáo xứ Thái Hà. À, thì ra thế. Họ làm việc vì niềm tin có khác. Xem tấm băng đeo tay xong, thấy tôi tủm tỉm cười chú trật tự viên cũng nhìn tôi mỉm cười!

Nhìn quanh, tôi không thấy khoảng đất trống nào như đã chiếu trên Tivi cả. Mà hỏi ở đây lúc này thì có bất tiện không? Tôi liền cùng một người bạn (vừa gặp) đi tiếp ra phía sau thì thấy cửa mở thông sang một phố nhỏ có lẽ mới hình thành. Chúng tôi rẽ phải, đi ngược lên đầu phố chừng dăm chục mét thì nhìn thấy “khu đất quen thuộc” ở phía tay phải mình, trong đó có đông đảo giáo dân đứng cầu nguyện rì rầm trước ban thờ Chúa tại chính giữa khu đất. Ban thờ được thiết lập ngoài trời theo kiểu “dã chiến” nhưng rất uy nghi, đèn thờ, hoa nến đầy đủ.

Khu đất trống này mà bảo là Xí nghiệp may Chiến thắng sao? Nhà xưởng đâu? Khi ngồi uống nước nghỉ chân ở quán nhỏ gần đây, tôi mang thắc mắc trên hỏi cô chủ trẻ thì được cô trả lời:

- Xí nghiệp gì đâu hai ông. Cháu về đây cũng tới chục năm rồi. Từ lúc cái phố này còn lầy lội, chỗ dãy nhà kia (cô chỉ dãy nhà khá nguy nga đối diện khu đất) còn lác đác mấy nhà lá xơ xác thì bên này cũng chỉ như đám đất bỏ hoang. Chả thấy sản xuất cái gì cả.

Thấy mình hôm nay có vẻ hên! Lúc xuất hành chắc gặp cậu nào bảnh trai tính tình xởi lởi nên anh công an trẻ cũng vui vẻ chỉ đường, cô bán hàng cũng hay chuyện, tôi liền hỏi tiếp:

- Sao bảo giáo dân phá tài sản xã hội chủ nghĩa nên phải khởi tố hình sự?

- Chao ôi. Các ông ở xa chỉ nghe đài nên tưởng ghê lắm. Trên Tivi các ông cũng thấy đám đất trống huếch trống hoác như đất vô chủ, mẩu tường xây tạm thấp lè tè, mấy người ẩy một cái là đổ chứ có gì ghê gớm đâu.

- Trên Tivi người ta lượng giá cái bức tường bị phá là 3 triệu rưỡi mà!

- Trời đất! (cô chủ quán than). Bây giờ người ta nói bao nhiêu chẳng được!

Thấy ở nơi “nhạy cảm” này không nên đi quá xa, hai chúng tôi nháy nhau, đứng dậy trả tiền nước, không quên cám ơn cô chủ tốt bụng niềm nở với khách rồi đi ngược trở lại lối cũ. Chỉ sau một lúc mà số người vào cầu nguyện đã đông hơn hẳn, có tới hàng trăm người. Xa xa trong “vườn” (vì còn nhà xưởng gì nữa đâu!?) chúng tôi nhìn thấy đôi chú công an (có mặc sắc phục) đi lại, đứng ngồi bên các mô đất, trên các đám cỏ; nhưng lượng nhân viên công lực cũng không đông, chỉ loáng thoáng mấy người.

Trời bắt đầu sâm sẩm tối, đèn điện bật sáng, bây giờ chúng tôi mới nhận ra 2 cái bảng lớn (1 cái bằng nhôm kính hẳn hoi) được dựng ngay cạnh lối ra vào khu đất. Trên đó dán khá nhiều văn bản, nổi bật nhất là cái bản Titre Foncier (bản sao được phóng to cho mọi người dễ đọc). Chúng tôi đồng thời chỉ cho nhau cái Bằng khoán điền thổ này, rồi cũng ngẩn người ra với nhau vì hôm nay chẳng ai mang theo kính cả. Đành bảo nhau hôm khác quay trở lại vậy.

Theo lối cũ ra về, đi qua ngôi nhà nguyện (chúng tôi hiểu như vậy) và ngôi nhà thờ chính thì thấy số người đi lại đông gấp bội. Mà lạ, người thì đông, đi lại rất tự nhiên trong trật tự, im lặng với niềm tin thành kính; khác hẳn những nơi đông đúc xô bồ ồn ào khác. Cũng có vẻ có một số người như chúng tôi, đến để mục sở thị thì đi trong lặng lẽ, thận trọng, có thể ai ai cũng biết nơi đây “cá chìm” không ít.

Lần thứ hai

Lần này thì tôi cứ trực chỉ Nhà thờ Nam Đồng – Thái Hà mà đi.

Tuy là buổi chiều, nhưng trời còn sáng, trước hết tôi rẽ vào nhà thờ chính để xem.

Hôm nay không phải là ngày Chủ nhật mà sao người đông khác thường. Trong ngoài nhà thờ đặc người. Người thì đi đi lại lại, người thì đứng một chỗ trầm mặc hay đang đọc một tờ giấy in gì đó. Giữa sân có một người đàn ông đang phát tờ phơi (feuille). Tôi cũng đến xin một tờ. Là người ngoại đạo nhưng nhìn tờ giấy tôi cũng biết trên đó ghi các lời dạy của Đức Chúa Trời, của các vị Thánh… Đó là những lời đã ghi trong các cuốn Kinh của Gia tô giáo. Thấy một người đàn ông hiền lành, ăn mặc có vẻ ở xa đến, chừng trên năm chục tuổi, tôi lại gần làm quen và hỏi:

- Ông ở đâu lên?

- Em Thái Bình lên.

- Vất vả nhỉ. Ông đi lên đông không và có vất vả không?

- Chúng em đi một xe 24 chỗ. Cũng không có gì vất vả lắm.

Làm như mình là người trong cuộc để tăng niềm tin, tôi nói:

- Tôi thì ở gần đây thôi. Cứ chiều nào có thể thu xếp việc nhà được là tôi lại ra đây. Các ông bà thì làm sao được như thế chứ!

- Vâng. Việc nhà nông thì lúc nào chả có việc. Vất vả lắm ông ạ. Nhưng bức xúc quá, chúng em không đừng được nên phân công nhau lần lượt đi. Người này về thì người khác lên để góp thêm lời cầu nguyện. Mà đâu chỉ có Thái Bình bọn em?

- Tôi biết chớ. Hôm qua tôi có nói chuyện với hai ông, một ở miền Trung, cụ thể là Nghệ An, một ở Sài gòn ra. Họ bảo ra để góp lời cầu nguyện cho chân lý và lẽ phải.

- Dạ vâng. Ở nhà, cứ nghe Tivi là bọn em lòng nóng như lửa đốt. Biết họ nói láo rồi nhưng cũng chẳng biết làm sao. Vừa rồi em nghe một cô bé kể cho biết hôm trước họ còn đem ảnh tượng ra mà nhạo báng, để vào những nơi bẩn thỉu, nhục mạ hình ảnh Chúa và Đức Mẹ bằng cách vứt ảnh tượng xuống đất, rắc đất cát lên, rồi quay phim chụp ảnh để vu cáo giáo dân tập hợp lộn sộn, vô tổ chức, gây mất trật tự, mỹ quan thành phố; và lại không có lòng kính Chúa nữa chứ!? Như họ giảng dạy thánh kinh cho giáo dân vậy. Sao họ ngây thơ đến vậy hả ông? Người có đạo mình (ông tưởng tôi là người đồng đạo – không sao. Tôi đến đấy cũng có lòng thành kính và ngưỡng mộ thực sự) ai mà làm như thế phải không ông?

Sau khi tỏ sự tán đồng với người quen mới, tôi xin phép được ra khu “đất thánh” để cầu nguyện thì ông ta nói cũng đi cùng. Nhưng rồi do đông người nên chúng tôi lạc nhau.

Trên đường đi, tôi chợt có thêm một nhận xét nữa: Quả thực các quan chức chính quyền, các phóng viên đài báo sẽ ít khi ngờ là khi đến đây, mọi người dân Chúa đều coi đây là nhà của mình, tài sản của nhà thờ là tài sản của nhà mình, vì vậy, dù từ đâu tới, họ vẫn sẵn sàng giữ gìn và xả thân để bảo vệ. Nếu còn nghi ngờ điều này, xin mời các vị cứ đến Nhà thờ Thái Hà một chuyến mà xem cách họ đi lại, ăn nói và giữ gìn trật tự vệ sinh thì hiểu. Đông người và vô cùng trật tự. Khuôn viên Nhà thờ luôn sạch sẽ. Những người dù ở đâu đâu đến, gặp lần đầu, cũng nhìn nhau với ánh mắt trìu mến thân thương và dễ dàng chia sẻ. Đúng như một tác giả của một bài báo mạng đã kết luận: “Thật sự, đó là một sức mạnh vô đối”.3

Đến “linh địa” rồi, do hôm nay có chuẩn bị kính nên tôi sà ngay vào trước bảng tin. Thì đây: Titre Foncier N0 42 – Lập ngày: 16 Août 1944. Như vậy đất này có chủ sở hữu trước ngày “Cướp chính quyền” (Người ta vẫn hãnh diện mỗi khi nhắc đến ba từ ấy!? – tức không cần đến sự chính danh!) đúng 1 năm tròn! 4 Trên tấm bảng nhôm kính tôi còn thấy một tờ giấy có chữ ký của Linh mục Vũ Ngọc Bích (mà cơ quan truyền thông nói là tờ giấy hiến đất của Nhà thờ), bên cạnh đó có dấu ấn của 2 cái triện (con dấu) chồng lên nhau! Nền tư pháp tử tế nào trên hoàn vũ công nhận sự hợp pháp của mảnh giấy có đóng mộc như vậy? Ấy là tôi chưa kể bạn đọc nghe câu chuyện sau: Mới hôm trước đây thằng cháu tôi, cán bộ nhà nước ăn lương hẳn hoi, gọi giật tôi sang computer của nó xem của lạ! Thằng cháu tôi sau đó cứ cười ruồi suốt ngày như một thằng hâm. Tại sao? Vì trên máy của nó lúc đó là một “bằng chứng rõ ràng”: Linh mục Vũ Ngọc Bích đã hiến cho nhà nước “đất nhà thờ Nam Đồng” (sic) vào ngày 27/5/1963. Cái bằng chứng này càng đáng tin lắm lắm và cũng có giá trị pháp lý hẳn hòi vì nó được đánh bằng… máy vi tính với font chữ của Microsoft Word.5 Bạn đọc thấy ghê chưa? Thật uổng, mấy năm trước sinh viên Việt Nam đã háo hức giải thảm đỏ đón Bill Gates, các cháu biết đâu rằng khi Bill mới 11 tuổi, hãng của Bill còn lâu mới ra đời thì giữa Hà Nội “đỉnh cao của trí tuệ” đã có… Computer hiện đại rồi!!!

Lần thứ ba

Lần thứ ba này, tôi lại rủ ông bạn vàng hôm nọ cùng đi. Đúng giờ hẹn, chúng tôi gặp gỡ nhau ngoài mặt phố Nguyễn Lương Bằng, lối rẽ vào Nhà thờ.

Sống ở Hà Nội có tới 60 năm có dư, nhưng bấy lâu nay cũng đã nhiễm “thói ăn to, nói lớn” nên quả thực nhiều lúc thấy mình cũng chẳng khác những người lấy “duy vật” làm lẽ sống; nghĩa là đôi khi cũng nói lớn ăn to như ai! Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau để vào Nhà thờ, trao đổi nhẹ nhàng khẽ khàng như những người đi bên cạnh. Một không khí thánh thiện trang nghiêm vô cùng. Chúng tôi nói với nhau nhỏ nhẹ đến mức tưởng như chỉ là những hơi gió, mà không hiểu sao lại vẫn nghe thấy tiếng nói của bạn mình? Chứ nếu ngày thường, ở nơi khác thì có lẽ lại hả… hả… liên tục vì đã cùng đến tuổi nghễnh ngãng rồi. Không nói gì lúc này, nhưng sau đó chúng tôi đều bảo đấy là một hiện tượng thật kỳ lạ! Đời tôi không hiếm gặp những điều kỳ lạ (một khi nếu có dịp xin trở lại hầu bạn đọc những điều kỳ lạ này), nên tôi tin điều kỳ lạ này là có thật.

Chúng tôi lại rủ nhau ra Phố Đức Bà. Trời sáng nên nhìn rất rõ cảnh vật. Hôm nay chiều Chủ nhật 14/09/2008, cái ngày đáng nguyền rủa này đúng 50 năm trước, hỡi những ai biết điều gì đã xảy ra không? Và bao nhiêu người đi lại ở khu vực Giáo xứ Thái Hà hôm nay đang nghĩ về ngày ấy – 14/09/1958? 6. Tuy nhiên, giờ phút này, tại đây, giáo dân đang tập trung rất đông cầu nguyện, đọc kinh, phải tới vài trăm người. Trong khu đất trống, chỗ thì treo hình Đức Mẹ hoặc các Thánh, chỗ thì đặt tượng Chúa, chỗ thì chỉ dựng một thập ác bằng tre hay bằng gỗ, và chính giữa khu đất vẫn là bàn thờ uy nghi, đèn điện, hoa nến rất đầy đủ. Ngoài giáo dân, chúng tôi còn thấy có một vị Linh mục và rất nhiều Soeur đang đọc kinh cùng đồng đạo. Khi buổi cầu kinh dứt, trước khi ra khỏi khu đất vào lại nhà thờ ngay bên cạnh, vị Linh mục có nói chi đó với con chiên của mình nhưng vì đứng ở xa tôi không nghe rõ.

Đã bàn thảo trước, chúng tôi đứng lại chính giữa lối vào của khu đất để ước lượng. Thửa đất trống nên trông bát ngát quá, rất khó đoán xem nó rộng bao nhiêu mét vuông. Nó bát ngát và đẹp như vậy nên các “quan ăn đất” mới thèm, mới bỏ hoang hóa bấy nhiêu năm, và nghe nói đang chia chắc, đang tranh nhau miếng to nhỏ, gần đường xa lối đến mức cắn nhau nên mới lộ tẩy. Thôi đó là chuyện “nội bộ”, “bí mật quốc gia”, bỏ qua cho nhẹ. Chúng tôi trở lại với ý định của mình rồi đành chịu. Đột nhiên ông bạn tôi nảy tuyệt kiến:

- Đám đất gần hình vuông. Cứ tạm coi là hình vuông đi. Tôi và ông bắt đầu đi dọc đường cái, bắt đầu chỗ kia (bạn tôi chỉ) cho đến hết. Và đếm bước chân của mình xem sao.

Chúng tôi đi bên nhau. Tự đếm. Tôi được 180 bước, bạn tôi 175. Hai người tầm thước nên ước lượng mỗi bước 55 – 60 cm. Hai người đều đã có duyên nợ với những con số nên nhẩm tính khá nhanh. Chà chà, trên dưới vạn mét vuông chứ ít đâu!

Khi ra về thì trời đã nhập nhoạng, tình cờ có vị Linh mục đi ngược đường. Tôi mạnh dạn lên tiếng:

- Thưa Đức cha. Khoảng đất này bao nhiêu mét vuông ạ?

- (Mười) sáu ngàn mét. Vị linh mục khẽ khàng đáp.

Sau khi cám ơn chúng tôi hỏi nhau có nghe rõ không thì cả hai chỉ nghe rõ tiếng Sáu, còn hình như có tiếng Mười nữa thì phải. Thật bực mình với cái lỗ tai đã lão hóa!

Đi qua sân nhà nguyện, thấy có 2 cháu thanh niên gái đeo băng trật tự của Giáo xứ. Tôi hỏi:

- Cháu là người của Giáo xứ?

- Thưa bác không. Chúng cháu là sinh viên.

- Có trường Đại học Công giáo?

- Thưa không. Bạn cháu học Đại học Nông nghiệp. Cháu Đại học Xây dựng. Cháu là Nguyễn Thị T.T. bạn cháu là … (tôi nghe không rõ – lại chán cái anh già quá!)

- Các cháu là giáo dân?

- Vâng.

- Cháu đi làm thế này trường họ có biết không?

- Chắc không bác ạ. Hôm trước, lúc 12 giờ khuya ngày 31, họ còn dùng Đoàn TNCS đến đây để phá rối buổi cầu nguyện của giáo dân Giáo xứ kia mà!

- Cám ơn các cháu. Chúc các cháu làm tốt nhiệm vụ.

- Bác là nhà báo à? Bác đừng nêu tên chúng cháu lên nhé!

- Bác dốt thế sao?

Mấy bác cháu cùng cười và chia tay.

Thế đấy! Các cơ quan có trách nhiệm, Viện nọ, Sở kia liên quan đến cuộc sống dân sự đến đây mà nghiên cứu các mặt tôi tin sẽ có nhiều luận án Tiến sĩ (thứ thiệt) ra đời cũng nên; nó sẽ giúp các vị “tiêu chuẩn hóa cán bộ” một cách xứng đáng chứ không phải mua bằng nữa! Giáo dân tứ xứ đổ về không ngớt, có lúc lên đến hàng chục ngàn người/ngày mà vẫn đâu vào đấy. Không ồn ào, không to tiếng, không rác rưởi; luôn luôn nhường nhịn và cười thân thiện… Tuyệt nhiên không có một biểu hiện gì có tính dị đoan. Tôi chạnh nghĩ đến nhiều ngôi chùa, đền miếu phủ dưới sự điều hành của Hội Phật giáo nhà nước7 của Hòa thượng Thích Thanh Tứ (mà tôi biết ông là người của nhà nước, nguyên du kích Đường 39 quê tôi – vì trong lý lịch ứng cử Quốc hội ghi rõ nên tôi mới tường vậy). Chưa đến nơi đã bị chèo kéo, mời mọc; nào sắp lễ, làm sớ, mua vàng mã, đổi tiền lẻ và mới (tiền thật, ở đâu ra chắc ông thống đốc ngân hàng biết quá mà!); còn rác rưởi thì ôi thôi! Các bạn không tin cứ thử đến đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh sẽ thấy. Từ cách xa 3, 4 km (chỗ đền Trình) là… (để bạn đến thì hay hơn tôi kể ra ở đây).

Thảo nào, lần nào tôi cũng thấy từng tốp Cảnh sát cùng nhân viên Giao thông công chính dăm bảy người một; họ đến chắc có “thiện ý giúp” Giáo xứ ổn định an ninh trật tự (!?), nhưng rồi, không có việc, họ ngồi từng nhóm nói chuyện, uống nước, có chú tôi còn thấy ngồi gác chân… nhổ râu rất vô tư!

Ba lần đến Thái Hà, ngoài sự hiểu tường tận vụ việc đang “nóng”, cái chúng tôi ước mong là sao cuộc sống mọi miền trên đất nước này được yên bình như nơi đây! Nó như xưa ấy! Hãy đừng ai khuấy đục nó lên mà phải tội.

Trời! Bao giờ cho đến ngày xưa?!

19/09/2008 – Ngày khuôn viên Tòa Khâm sứ bị san lấp để làm vườn hoa!
Nguyễn Hữu – Hà Nội


1 Phát biểu tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chiều 30/08/2007, nơi có buổi lễ long trọng kỷ niệm 62 năm CM tháng 8 và Quốc khánh 2/9, với sự có mặt của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác. (Có thể đọc bài của GS Lanh theo đường Link: http://www2.vietnamnet.vn/service/show_forum.vnn?forumid=149783&page=5)

2 Mời đọc trang mạng: http://www.hungviet.org/svxuanthao/svxuanthao021007.html

3 Mời đọc trang mạng:
http://messageboards.aol.com/aol/en_us/articles.php?boardId=89539&articleId=66105&func=6&channel=People+Connection&filterRead=false&filterHidden=true&filterUnhidden=false

4 Theo Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận http://www.tdngonluan.com (số 58 ngày 01/09/2008) thì “đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, vốn có từ năm 1928 với diện tích hơn 60.000 m2”. Nhưng tại sao đến 1944 mới lập Bằng khoán điền thổ? Chính người viết cũng có thắc mắc này, nên cố công tìm hiểu thì được biết: Số đất trên được Dòng tu mua làm nhiều lần từ 1928 đến 1944, với sự đóng góp của giáo dân nhiều thế hệ; và đến khi lập “Titre Foncier” thì số diện tích trên được ghi trong đó kèm bản vẽ (cũng trong tấm Bằng này) rất nhiều mảnh đất nhỏ gộp lại. Bạn đọc nào còn chưa hẳn tin người viết (cũng là thường tình), hoặc tin rồi mà muốn mục sở thị thì mời đến thực địa xem tờ giấy làm Bằng này.

5 Mời đọc trang mạng: http://www.x-cafevn.org/node/1124 hoặc http://www.hungviet.org/conggiao/conggiao050908.html

6 Dịp này, có rất nhiều bài viết nhân sự kiện 14/09/1958. Người viết xin giới thiệu đường link đến một trong các bài đó: http://www.congdongnguoiviet.fr/BinhLuan/0809TuDongToiDungH.htm hay http://www.viettan.org/article. php3?id_article= 6293

7 Có người gọi là “Hội Phật giáo quốc doanh”. Trên báo Tiền phong Cuối tuần tuần này (số 38 / Từ 15 – 21/9/2008), tác giả Lưu An khi ca ngợi Giải thưởng văn học Tự lực Văn đoàn xưa còn nói đến “giải thưởng quốc doanh” của Hội Nhà văn Việt Nam nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn