BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hiếp Dâm Lịch Sử (Sau 30-04-75)

10 Tháng Tư 200812:00 SA(Xem: 1163)
Hiếp Dâm Lịch Sử (Sau 30-04-75)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Mấy ngày sau khi có sự đổi thay của lịch sử, tôi gặp Nam ở bên Hồ Con Rùa. Nam đi bên kia, dường như đạp xe. Tôi gọi, Nam giật mình. Tất cả đều gấp rút. Tôi không nói gì cả, móc trong túi ra tờ căn cước:

- Tao không cần nữa. Mày thì cần, dùng nó mà đi đường.

Nam bỏ đi. Tôi lặng yên nhìn theo bạn, bùi ngùi.

Tôi quay lại quán cà phê ở cây đa gần bên hồ. Bọn bụi đời ngồi đó khá đông. Tôi thấy anh bạn cũ nguyên làm quản lý cho tòa soạn báo Sống. Nó đạp xích lô rề lại, vảy tay và hét lên:

- Uống cà phê đi. Tao vừa chạy được mấy cuốc.

Thêm một thằng đạp xích lô nữa ở ban Văn Nghệ Địa Phương Quân. Hắn cũng dừng lại, nhào vô cười khanh khách:

- Mẹ nó, họ bảo chạy mau thì tôi chạy thật chậm. Họ bực bỏ xuống đường, trả tiền xe. Họ bảo chạy chậm tôi chạy mau, họ sợ cũng đòi xuống, trả tiền đi xe khác.

Anh này tên là Hoàng hát thật hay, khí phách ngang tàng và trong ban Văn Nghệ của đại úy Tô Công Biên. Anh vốn không được trọng dụng lắm nên chỉ mới lên hạ sỹ.

Thạch Hãn, tức anh chàng đạp xe trước, nói:

- Ai trốn quân dịch hoài thì bây giờ đỡ lo rồi.

Tôi cười nhẹ:

- Đỡ lo chuyện bắt lính. Nhưng lại chỉ lo đạp xích lô cả đời thôi.

Tôi uống ly cà phê rồi bỏ đi. Ngang qua đại lộ Nguyễn Huệ, thì nhớ ngay đến một chiến binh Thủy Quân Lục Chiến [1] vừa gục ngã ở tượng Thủy Quân Lục Chiến, gần tòa Quốc Hội. Người ta kể, anh ta đến trước tượng lính, cười lên ngạo nghễ rồi nã một phát súng lục vào đầu. Thật là một cái chết oai hùng, sảng khoái.

Tôi đi loanh quanh suốt buổi chiều hôm ấy, cho đến đêm khuya không về nhà. Ngồi trên băng đá ở bến tàu và đọc lại mấy vần thơ cũ:
Rải rác mưa tro mờ Bến Chương Dương
Ánh đèn khuya lạnh lẽo chơi vơi buồn
Tôi khép áo mưa
Ngồi trên băng lạnh
Trông ngóng những con tàu tha phương
Hồi còi rú lên buồn thảm
Tiếng còi như nỗi thê lương...
Nhiều người đã bồng bế nhau ra đi.

Hồi chiều qua gặp Bùi Giáng ở Gia Định đang cõng một tảng đá to. Đi sau là một đám sinh viên Vạn Hạnh. Dường như có anh chàng Tiệp Khắc hay Pháp gì đó thấy thế lại gần hỏi:

 

 

 



- Lão già kia, sao vác tảng đá to thế. Sao không bỏ xuống cho nhẹ mình?

Bùi Giáng trả lời:

- Nếu bỏ tảng đá xuống, tôi sẽ bay đi khỏi đất nước này đấy.

Phần nhiều người miền Nam đều muốn ra đi. Họ ngồi túm ở Bến tàu-Bến Chương Dương dưới trời mưa gió. Ai cũng mong vượt đại dương, lìa bỏ quê hương và chờ đợi những con tàu âm thầm rời bến. Họ khốn khổ, mỏi mòn và tuyệt vọng.

Buổi sáng Sàigòn ồn ào, lộn xộn như một bầy cá trong rọ mà người ta vừa vớt từ dưới ao lên.

Bọn văn nghệ báo chí chùm nhum ở Nguyễn Huệ gần Câu lạc bộ báo chí. Có quán cà phê vỉa hè gần đó, thường thì Huy Cường (nổi tiếng ở dơ lẫn nhờ mấy phim Việt Nam anh đã đóng trước đây) đang đấu hót với số đông trong bầu không khí chộn rộn. Vài hôm sau, nghe nói là Huy Cường bị tóm vào Công An vì tội nói bậy bạ và phản động. Cố cãi nhưng Công an lấy một xấp hình ảnh trưng ra làm bằng chứng là anh đã tụ tập trái phép.

*

Sách được các nhà Khai Trí - Sống Mới tuôn ra vô số cho anh chị em văn nghệ sỹ bán xon khắp nơi, từ trước đường Lê Lai đến rạp Rex; sau đó bị tịch thu, đuổi bắt, họ lại chở sách đến hẻm Cá Hấp, gần bên hông rạp Hưng Đạo ngồi bán.

Vài người bộ đội đi qua, đứng nhìn hỏi:

- Có “Nghìn lẻ một đêm” không?

- Có “Tâm hồn cao thượng” không?

Lại có tên hét to:

- Sách ngụy! sách ngụy!

Một số chị em bụi đời ngồi túm tụm gần rạp Rex nhìn qua chửi tục. Lát sau bộ đội và bọn “30” mang băng đỏ đi tới thu sách. Thế là vô số những người bán sách áp lại đánh giải vây cho nhau.

- Tụi nó tới kìa!

- Chạy đi, chạy mau. Coi chừng bị bắt, bị cải tạo hết đó.

- Đốt đi! Đốt đi!

Rồi sách được quăng thành đống và người ta mồi lửa. Lửa bật cháy càng lúc càng to, khói lên mịt mù gần bùng binh bên hông rạp Rex.

- Đốt hết, đừng để tụi nó chở về.

Xe díp đậu lại, bọn CA mang súng ống ùa vào chỉ biết nhìn đống lửa. Vài chị em lắc đầu:

- Thật tiếc cho sách.

- Tụi man rợ này thật giống thời giặc nhà Tần đốt sách chôn học trò!

- Rồi đây người trí thức không có nữa!

- Nhìn sách báo bị đốt, mình tiếc cho thời kỳ tự do nhất trong lịch sử. Một nhà giáo nói với bạn.

- Bây giờ chúng nó tịch thu tất cả, để cho dân không biết gì đến Tự do và nhân quyền. Tội nghiệp cho lịch sử dân tộc.

Sau khi giải cứu được cho một em bé bán sách bị lôi lên xe, tôi lập tức đi về hướng chợ Sàigòn. Lúc qua nhà sách Khai Trí, tôi thấy ông Khai Trí đứng ngoài cửa, ông nói:

- Anh thấy thế nào?

Tôi nhìn ông cười:

- Chúng nó hủy diệt toàn bộ văn hóa tự do rồi. Ông không mở tiệm bán cày cuốc đi cho hợp thời.

Ông buồn, than thở:

- Kho sách tôi hết sạch.

Tôi nói:

- Sao ông không đi?

Ông Khai Trí yên lặng hỏi tôi:

- Còn Chu Tử?

- À, tôi quên. Để tôi ghé Chu Tử xem sao.

Tôi đi qua mấy hàng sách bán ngoài lề đường và nói với họ:

- Sách bị hốt ở gần rạp Rex. Bày ở đây coi chừng đó.

Hai cô gái đang ngồi nhìn lên, một cô gọi tôi:

- Anh Kiệt có nhớ em không?

Hơi ngờ ngợ, tôi hỏi:

- Em ở đâu!

- Em ở gần Đề Thám, gần nhà in báo Phổ Thông.

- À! Thư Lâm Ấn Quán của con gái cụ Đông Hồ phải không?

Cô gái không trả lời và hỏi:

- Bộ anh đi mua sách hả?

Tôi lắc đầu. Cô lại hỏi tôi:

- Anh có nhớ hai câu thơ này không?

- Thơ gì?

Cô gái duyên dáng đọc:

Anh ngồi dưới một cành dương liễu
Trong chốn lao tù nhớ tới em! ..


Thơ của anh đấy!

Dường như tôi viết bài này khi nằm trong Quân lao Gò Vấp nên nói:

- Phải, anh còn nhớ! Thôi chào em nghe!

Đáng lẽ tôi phải hỏi tên cô vì cô nhớ tới thơ của mình, một niềm vui nho nhỏ nhưng gấp quá, tôi cần phải gặp những người bạn thân để liệu việc gì đó.

Tôi quay sang nhà Chu Tử trong lúc gia đình anh đang chộn rộn. Anh Chu Tử ăn mặc gọn ghẽ, cứ đi tới đi lui, mấy người trong gia đình cứ đưa mắt nhìn theo anh.

Tôi chào. Anh cười:

- Sòng phé đã tan rã cả mấy hôm nay rồi, chỉ có anh mò tới.

Rồi thêm mấy bạn lạ bước vào. Anh không ngồi với tôi nữa và quay sang với mấy người đó, thầm thì, rù rì. Con mắt Chu Tử đã lớn càng nở to trong đôi kính. Có khi anh lại chửi thề.[2]

Tôi biết anh có chuyện riêng, không muốn mình nghe, dù rất thân! Tôi từ giã anh, ra bến xe lam đi về hướng Ngã Sáu Sàigòn.

*

Thường nhật tôi hay lên đó uống cà phê ở nhà một người bạn tên Chiêu. Anh là chủ trại chăn nuôi heo ở Dĩ An. Lúc này tôi và Chiêu đang tìm “đường cứu nước” ngày nào cũng bàn bạc ở đó, nhưng ghe tàu chưa có nên công việc chậm chạp như gà mắc đẻ.

Khi công việc chưa ra gì thì Chiêu chở chạy vòng vo đi thăm mấy người bạn ở cầu Chữ Y, những người này toàn là dân tư sản.

Bây giờ là lúc CS đánh Tư Sản nên họ sợ lắm. Nhà cửa ruộng vườn và sinh mạng đều bị bắt, bị cải tạo, bị tịch thu. Chiêu nhờ có ông bác ở ngoài Bắc vào làm ở Tòa án tối cao gì đó bảo lãnh nên chưa bị gì. Tuy vậy Chiêu sốt ruột lắm, anh nói với vợ và tôi:

- Đi chuyến này có Ba Kiệt theo thì đỡ lo. Kiệt nhớ kiếm cho một số đàn em tin cẩn, trang bị vũ khí đề phòng cướp biển.

Tôi ậm ừ nghĩ trong bụng:

- Mẹ tổ! Gặp cướp biển thì chỉ có nước đi mò tôm! Đánh chác gì ba cái nghề võ với súng đạn.

Nhờ có sự bảo vệ của cấp lớn nên Chiêu thường trụ ở nhà tại khu ngã 6 Saigon. Ở đây an toàn hơn là về Dĩ An. Mỗi ngày Chiêu phát cho tôi một số tiền nho nhỏ để đưa cho bà xã đi chợ.

Lúc này có Vũ Bằng và thi sỹ Lý Minh từ Quận Tư lên thăm.

Dọc đường chúng tôi đi qua ngả Thị Nghè đến Ngã Ba Hàng Xanh. Xe cộ tấp nập, đủ loại hàng được bày bán trên mé lộ. Chúng tôi không mua mà chỉ đi xem rồi ghé quán cà phê. Vũ Bằng còn rất khoẻ. Tôi cười nói dóc với ông:

- Tôi đang viết món ngon Nam Bộ đấy!

Vũ Bằng hỏi thiệt tình:

- Anh cũng có nghiên cứu về món ăn?

- Tôi đọc món ngon Hà Nội của ông rồi. Sau tôi mê món thịt cầy. Thường buổi cùng bọn Nguyên Vũ, Mặc Tưởng ăn nhậu thịt cầy ở đường rầy xe lửa, cổng số 3, gần chợ Vườn Chuối.

Ông Vũ Bằng tươi cả nét mặt:

- Ồ! Tôi có đến đấy một lần.

- Chiều thứ bẩy thì không còn chỗ trống.

- Ở đấy ngon hơn ở Lý Thái Tổ .

Uống cà phê với Lý Minh, nhà thơ miền Nam, bạn của Trần Phong Giao. Tôi hỏi:

- Có gặp Trần Phong Giao không?

Lý Minh cười:

- Gặp một lần. Nghe nói Trần Phong Giao đang bán phở.

- Anh em ở toà soạn báo Văn còn ai không?

- Họ biến đâu mất. Còn Dương Nghiễm Mậu thì đang làm sơn mài gì đó, núp rất kỹ.

- Kinh nghiệm Cộng Sản ở miền Bắc mà! Tôi đáp.

Vũ Bằng và Lý Minh ngồi im lặng...

- Thôi chúng tôi về đây. Hôm nào rảnh Kiệt qua Tân Thuận chơi.

Hai người ra về có vẻ thong dong. Tôi ăn uống qua loa vài chén cơm rồi lên nhà Hoanh, hắn đi cà thọt đang ngồi với một đám anh em, có cả Thế Nguyên, anh Thảo nhà giáo và Nghiêu Đề.

Họ thường đấu láo ở quán cà phê trong cư xá. Hoanh nói:

- Tối nay mình ra Cấp chơi.

Thế Nguyên nói:

- Cẩn thận.

Hoanh bảo:

- Ở đó là quê hương của tớ. Có nhiều ghe đi biển ở gần hải đăng.

Thế Nguyên nói:

- Tùy các anh.

Hắn làm cho mỗi người một cái thẻ ở Hội Nhà Văn, lúc đính vào túi thì bộ đội cũng không làm khó dễ gì. Chiều hôm đó, bốn năm tên lên xe đò ra Vũng Tàu.

Vừa ra nhà Hoanh ở gần Hải đăng, chưa kịp uống chén nước thì có một số bộ đội ở xã tới:

- Các anh cho xem giấy tờ. Các anh đi đâu ra biển giờ này!

Hoanh nói:

- Nhà tôi ở đây mà. Ông già tôi là bác Tư đó.

- Tôi không hề thấy các anh ở địa phương này. Mau trình giấy tờ ra.

Hoanh nói:

- Chúng tôi là người ở Hội Nhà Văn đấy.

- Chúng tôi chẳng biết hội hè gì hết. Giờ này ra biển thì bị bắt. Có lịnh giới nghiêm đó. Biết không?

Ông già của Hoanh nói:

- Chúng nó là người nhà mà. Tháng nào lại không ra đây chơi!

Công an xã, có bộ đội đi kèm, nói:

- Thấy các anh là người của Hội Nhà Văn nên chúng tôi thông cảm. Ngày mai các anh phải trở về Sàigòn ngay, không được phép ở lại đây?

- Sao vậy?

- Đây là vùng biển cấm. Các anh định vượt biên thì mới ra đây.

Suốt đêm đó họ cho người canh giữ. Ở cái ụ có chiếc ghe lớn, họ cũng cho một chú bộ đội địa phương và hai anh chàng “30” ngồi canh chừng.

Biết đã bị động, chúng tôi đành trở về Saigòn ngày hôm sau.

Tôi theo Hoanh lên nhà Thế Nguyên ở gần Ngã Bẩy gặp một anh cán bộ cấp cao tên là Tư Bình. Sau khi biết tôi, Tư Bình bèn rủ đi nhậu và nói:

- Hồi nằm trong rừng Kong Pong Chăm. Tôi đọc tờ Chí Trai , thấy anh trả lời Tổng thống ngon lành quá, nên mong có lúc về Saigòn tìm anh nhậu một bữa cho biết.

Tôi không chịu nổi cái tài uống rượu của Thế Nguyên và Tư Bình nên nhậu một hai lần rồi không lại đó nữa.

Tôi thấy Bùi Giáng đang đeo bị gậy múa võ ở bùng binh Ngã Bảy bèn ra gọi:

- Thầy ơi! Thầy!

- Kiệt hả?

- Thầy vào đây uống cà phê!

Tôi bước tới một quán cà phê rộng nhưng vắng teo. Tôi nhìn vào không có ai. Bùi Giáng ngồi xuống nói:

- Có sống được không? Mầy võ giỏi, sao không phi thân vào đánh chết cha chúng nó hết đi.

Tôi buồn ,không trả lời.

Trong quán, cô chủ bước ra ăn mặc rất Tây, vóc người như đầm. Thật đẹp.

Cô hỏi, giọng người Bắc ở trong Nam từ lâu:

- Các ông uống gì!

Tôi nói:

- Cho cà phê đen! Hai ly!

Tôi uống với Bùi Giáng một lúc, cũng sốt ruột đâu đâu. Tôi móc tiền còn lại đưa hết cho Bùi Giáng rồi nói:

- Thầy ngồi uống cà phê. Tôi đi đây.

Tôi trả tiền, nhìn cô gái thanh nhã một cái nhìn còn đầy khao khát, rồi lên xe lam đi về Khánh Hội.

Tôi hay ghé Bằng- Đặng Phi Bằng, hắn viết cho Văn Hóa Ngày Nay, và cả Tân Phong, sau này chuyên dịch sách cho các nhà xuất bản.

Hiện giờ thì Bằng chạy thuốc Tây làm ăn khá, lại rất thân với bà Nguyễn Thị Vinh. Lúc nào ghé Bằng, hắn cũng nhét cho tôi mấy đồng, nói vài câu chuyện văn nghệ rồi mạnh ai nấy chạy theo cái sống.

Ngồi với Bằng, tự nhiên nhớ tới anh Lý Đại Nguyên và cụ Nguyễn Đức Quỳnh, tôi bật cười khan. Bằng hỏi:

- Mầy cười gì mà có vẻ thống khoái thế!

- Tao nhớ cụ Quỳnh lúc còn sống ở Đàm Trường Viễn Kiến.

- Nhớ gì mà cười!

- Cụ Quỳnh thường chứng minh rằng các cuộc chiến tranh trong lịch sử Việt Nam thường thì miền Nam đánh ra Bắc thắng, như thời Nguyễn Huệ đánh ra Thăng Long vậy!

- Cụ Quỳnh nói chuyện đời xưa thôi. Bây giờ, mày thấy không. Bộ đội từ Bắc đánh vào Nam...

- Tao không đi lính mà cũng thấy thua rồi!

Tự dưng nói đến đó, ngực và cổ tôi nghẹn ứ lại, khí uất xông lên, muốn xỉu xuống. Bằng chụp lấy tôi hoảng:

- Gì .. Gì đó! Bộ từ sáng tới giờ, mầy chưa ăn gì hả?

Giây lát tỉnh lại, tôi nói:

- Đi bộ xa nên hơi mệt. Dương Văn Minh đầu hàng- Tao tự thấy buồn! Tại sao lúc đó mình không xông pha trận mạc như anh em, tử chiến với Cộng Sản. Để bây giờ.. Tất cả cũng trở thành số không.

Bằng nói:

- Có rất nhiều tướng đã tự tử.

- Họ rất anh hùng. Giờ thì lịch sử đã thay đổi.

Tôi nói:

- Tự nhiên tao nhớ tới cụ Tam Ích. Ông có nói tới trò hiếp dâm thính giác trong văn học. Còn bây giờ thì lịch sử cũng bị hiếp dâm rồi đó!

*

Sau một thời gian tôi có dịp quay lại Ngã Bảy, để đón xe lam đi Sàigòn.Trời mưa tôi tạt vào quán của nàng thiếu phụ có vóc dáng vẻ đẹp Tây Phương đó. Nàng bước ra, thấy tôi, tự dưng nói một câu:

- Mấy hôm nay anh đi đâu mất tiêu!

Tôi cảm động, ngồi lại uống cà phê bên người đẹp. Thời buổi đói meo mà cô không có vẻ gì “khổ sở “ như mọi người. Cô nói:

- Mấy hôm nay em đi bơi!

Tôi nhìn cô, cô lại nói :

- Có nhiều cán bộ làm quen lắm. Có một ông cấp đại tá, muốn gặp em thường.

- Thế chồng em làm gì trước đây?

- Chồng em làm trung tá đi cải tạo rồi !

Ngoài trời tối rầm xuống, mưa gió bất thường. Tôi nhìn mưa, uống hết ly cà phê lúc nào không biết. Cô chủ quay vào nhà trong. Quán chỉ có tôi ngồi là khách duy nhất.

Trời mưa càng lớn. Cô chủ trở ra và thực thà nói tiếp theo chuyện về mấy anh cán bộ. Cô bảo:

- Anh biết không? Họ bám riết, mà em không ưng.

Tôi nói:

- Thế cô định làm gì?

- Em quốc tịch Pháp, có lẽ sẽ đi Pháp.

Thế là lại thêm một người đẹp muốn rời xa quê hương.

Cô càng nói càng có vẻ thân mật với tôi hơn. Giờ này, tôi không biết đi đâu. Tôi nghĩ, chắc ông Bùi Giáng cũng chẳng đi đâu.

Những người còn lại như Tô Kiều Ngân, Văn Quang, Hồ Nam, Nguyễn Thụy Long, Uyên Thao... có lẽ vì lý do nào đó còn ở lại.

Trời mưa dai dẳng, tôi quay sang cô chủ nói:

- Cho anh mượn cây viết.

Cô chủ vào đem cây viết bơm mực của thằng con nàng vừa đi học về:

- Anh viết coi còn mực không?

Tôi đến bên tường, xé ra một tờ lịch lớn ngồi viết.

Bây giờ tôi chỉ có thơ,.. và viết gì đây?

Có lẽ viết cho người chủ quán nét mặt cô đơn kia, đang ngồi trước mặt. Tôi làm thơ:
Trời mưa có buồn không em
Có nghe máu chảy ruột mềm từ lâu
Ngày mai những hạt mưa ngâu
Mưa cho đất nước thêm màu tang thương
Gầm lên sau bãi chiến trường
Chồng đi cải tạo đôi đường nước non
Em ôi giữ vẹn lòng son
Thờ chồng trọn đạo nuôi con một mình..
Mưa rơi man mác sự tình
Chờ chồng em nhé mai anh sẽ về
Ngày xưa đã nguyện câu thề
Đừng vì dâu bể ê chề người xưa..

Sau khi tôi viết đầy trang lịch lớn, mưa cũng dần tạnh. Tôi gác bút lên tờ lịch, gửi lại chút tiền cà phê, và đi thật nhanh.

 

 

 



Trong mưa gió, tôi nhớ mấy câu thơ của ai đó:

“...Tôi đi giữa phố giữa nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trong mầu cờ đỏ...”[
3]

Ngày tháng ấy giờ đã trôi qua hơn ba mươi năm tan tác...

Trần Tuấn Kiệt – SG 2008


[1] Người tuẩn tiết này là T/tá Long phục vụ ngành Cảnh Sát Quốc Gia.

[2] Nhà văn Chu Tử [Chu văn Bình] sau đó bị chết trên đường vượt biên vì mảnh đạn VC bắn tàu. Xác ông đã được thả chìm vào lòng biển Nam Hải. Có thể nói ông là người bị thảm tử đầu tiên được ghi nhận trong số những người không may trầm mình dưới đáy đại dương trên con đường gian nguy tìm kiếm tự do.

[3] TTK trích từ bài thơ rất dài: Nhất Định Thắng của Trần Dần. Bài này ông TD sáng tác năm 1955 và đã cho đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân năm 1956. Hai câu này đúng ra là:

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ.

{Chú thích: PBTD}
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn