BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73340)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31173)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiếc Nhẫn Võ Bị Đà Lạt Trong Buổi Tiệc Tất Niên Mừng Năm Canh Dần

07 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 2959)
Chiếc Nhẫn Võ Bị Đà Lạt Trong Buổi Tiệc Tất Niên Mừng Năm Canh Dần
530Vote
41Vote
30Vote
24Vote
11Vote
4.536
Tôi không phải là một cựu quân nhân, nói đúng hơn chưa bao giờ tôi được cái hân hạnh là một chiến binh QLVNCH dù thâm tâm rất muốn. Khi bọn Cộng Sản chiếm được thủ đô Sài Gòn tôi đang là một học sinh bậc trung học. Chỉ có cha và anh tôi là quân nhân QLVNCH. Tuy vậy, tôi vẫn tham dự các buổi hội họp của hội cựu quân nhân tại địa phương mỗi khi có dịp như buổi họp mặt tất niên hôm nay.

Nối đuôi các xe khác, tôi chầm chầm chạy vào bãi đậu một nhà hàng nhỏ nằm bên cạnh đường của thành phố X trong vùng đông bắc Hoa Kỳ. Trời có nắng lẫn gió nhẹ, tuyết trên đường vẫn còn từng đám trắng xóa và không khí rất lạnh khiến khách đến dự phải vội vã bước nhanh vào bên trong nhà hàng ngay sau khi vừa ngừng xe. Trước cửa ra vào, một lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió. Người nói người cười vui vẻ trong tiếng nhạc lính phát ra từ một màn hình computer khá lớn. Tôi tìm một chỗ trống và ngồi gần các anh cựu sĩ quan miền Nam VNCH. Các HO hay cựu tù cải tạo Cộng Sản. Một người trong số họ có cái gì đó khiến tôi lưu luyến, cảm tình. Có thể những gì nơi anh từ khuôn mặt, giọng nói và dáng đi phảng phất hình ảnh anh trai tôi, một chiến binh Biệt Cách Nhẩy Dù. Anh tôi đã nằm xuống vào buổi chiều ngày 29-4-1975 trước cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn từ hướng tây bắc sau một trận đánh, một trong các trận đánh cuối cùng của anh và của quân đội miền Nam VNCH.

Ngón áp út tay anh đeo một chiếc nhẫn vàng nạm ngọc đỏ. Trong đời, khi tạm dung tại trại tị nạn Galang-Indonesia tôi đã nhìn thấy có người đeo một chiếc nhẫn như của anh bây giờ. Tôi thắc mắc hỏi, anh trả lời:

- Đây là cái nhẫn mãn khóa của anh, trường Võ Bị Quốc Gia.

- Trường Võ Bị Quốc Gia ở Đà Lạt đó hả anh? Có thể cho em xem nó một chút được không? Tôi hỏi.

Anh gật đầu và tháo nhẫn đưa cho tôi xem. Đó là một cái nhẫn vàng 18 cara có cẩn viên ngọc đỏ nằm giữa hàng chữ Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Hai cạnh bên có huy hiệu quân đội miền nam VNCH và phù hiệu của trường. Hai con số 25 và 68 nổi rõ ở phần cuối nhẫn. Chiếc nhẫn thật đẹp.

- Hai con số 25 và 68 này chỉ cái gì vậy? Tôi hỏi anh.

- Ồ! 25 là khóa học và 68 năm nhập khóa của anh. Anh trả lời.

- Trường Võ Bị Đà Lạt có bao nhiêu khóa cả thẩy? Bên các trường sĩ quan khác như Võ Khoa Thủ Đức, Đồng Đế... có nhẫn như bên trường Đà Lạt không? Tôi tiếp.

- Trường Võ Bị Đà Lạt có cả thẩy 31 khóa. Thực ra từ khi còn ở ngoài miền Bắc trước khi chia đôi đất nước, quân đội quốc gia Việt Nam đã có các khóa võ bị khác như trường ở Tông-Sơn Tây, ở Nam Định... Còn nhẫn, theo anh biết chỉ riêng trường Võ Bị Đà Lạt mới có thôi.


Chiếc nhẫn Võ Bị Đà Lạt của anh Trần Văn L, khóa 25 năm 1968.


Đang dở chuyện thì có người đến bàn hỏi thăm các anh, tôi nhìn chung quanh đã gần chật người trong các ghế ngồi. Khách đa số là nam giới, nữ giới ít hơn và rất ít người trẻ. Lát sau quay sang tôi, anh kể tiếp: " Năm nào cũng vậy cứ vào quãng thời gian trước tết ta, hội cựu quân nhân VNCH ở đây đều tổ chức buổi họp mặt tất niên. Cũng là dịp để anh em, bạn bè trong cộng đồng gặp mặt nhau uống trà nóng, ăn miếng mứt... hàn huyên và hỏi thăm nhau. Nước Mỹ, người Việt mình sống gần gũi thật mà ít có dịp để tập họp được đông đủ, chỉ trông vào mấy dịp lễ dịp tết thôi ".

- Được như vậy quá vui rồi. Không biết ở các tiểu bang khác người Việt mình có tổ chức như vầy không anh? Tôi hỏi.

- Ngày tết ta cho cộng đồng thì anh nghĩ chắc chắn phải có, truyền thống mà. Riêng các buổi họp mặt tất niên của cựu quân nhân miền Nam VNCH như ở đây thì anh không chắc. Cũng tùy nơi đó các cựu quân nhân, cựu tù cải tạo... có sinh hoạt hay không thôi. Ngưng một chút, anh hỏi tôi: " Em chắc cũng quân nhân hả, lính gì? "

- Không anh. Lúc Việt Cộng vào Sài Gòn em còn đang đi học. Tôi trả lời rồi tiếp: " Nhà hàng này có 20 bàn mà em thấy bàn nào cũng chật người. Kể ra số cựu sĩ quan, cựu HO ở đây khá đông hả anh ".

- Đông nhưng nếu mỗi quân nhân, mỗi cựu HO nào trong vùng đều đến dự buổi tất niên thì phải cần một nhà hàng rộng gấp ba lần mới đủ chỗ.

- Vậy sao! Họ không biết hay hội đã không... gửi giấy mời.

- Hội có thông báo mời chứ em nhưng mà... có người biết nhưng không đến dự. Có thể do hoàn cảnh riêng hoặc bận việc nên họ không đến được. Cá nhân anh thì nghĩ mình xa xứ phải sinh hoạt mật thiết với hội cựu quân nhân ở đây cũng như người lính phải gắn bó với quân đội.

Gửi trả lại anh chiếc nhẫn, đeo nó vào tay rồi anh bộc bạch: " Mỗi khóa sinh khi mãn khóa chỉ được một chiếc nhẫn thôi. Đa số đều giống nhau ở viên ngọc mầu đỏ, cá biệt ai may mắn thì được chiếc có ngọc màu lam mắt mèo. Thực ra chiếc nhẫn này là chiếc thứ hai, chiếc nhẫn nguyên thủy do sơ suất anh đã làm mất nó ".

- Đã mất. Tại sao vậy anh? Tôi hỏi.

- Anh làm mất khi hành quân tảo thanh Việt Cộng trong vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa. Hôm đó trời mưa rất lạnh, nó rớt mất lúc nào anh cũng không rõ. Có lẽ ngón tay mình nó co lại nên nhẫn mới sút ra.

- Rồi sao anh có lại chiếc nhẫn này.

- Sau khi trở về từ trại tù cải tạo, may mắn anh gặp lại một bạn đồng khóa và khi nghe kể đã mất nhẫn, anh bạn đã dẫn anh gặp một người làm cho chiếc nhẫn khác. Tuy nhẫn mới nhưng thực sự nó cũng từ cái khuôn của chiếc cũ vì người giữ khuôn này là cơ sở làm huân chương huy chương của QLVNCH trước đây. Gia đình họ vẫn giữ các khuôn cũ. Vậy cũng còn may vì có người khi nghe lệnh trình diện đã quên không tháo nhẫn để lại nhà và đã bị bọn Việt Cộng lấy mất khi nộp cho chúng.

- Hồi ở tù cải tạo, tôi nhớ có lần bọn quản giáo Việt Cộng đã nhiếc móc sĩ quan mình lai căng bắt chước đế quốc Mỹ làm nhẫn làm nhiếc tốt nghiệp. Tôi không rõ bắt đầu từ khóa nào của Võ Bị Đà Lạt mới có nhẫn mãn khóa hả ông? Một người trong bàn góp chuyện.

- Hình như từ khóa 16... Tôi cũng không chắc lắm. Các khóa trước đó thì không. Có lẽ khi có mặt quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam VNCH thì mình làm theo cách của trường West Points bên nước họ. Anh trả lời.




Buổi họp mặt tất niên mừng năm Canh Dần của Hội cựu quân nhân VNCH.


Câu chuyện tạm dừng khi có tiếng người hướng dẫn chương trình chuẩn bị làm lễ chào quốc kỳ. Sau các nghi thức trang nghiêm, ông chủ tịch hội cựu chiến binh (nhà thơ Nhật Hồng-Nguyễn Thanh Vân) ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của hội viên và các hội đoàn bạn (từ thành phố Detroit và Holand sang) và chúc tết đến tất cả anh chị em trong gia đình cựu quân nhân. Bữa tiệc bắt đầu, anh nói với tôi:

- Năm nào cũng vậy, quỹ hội kha khá thì tổ chức tiệc mặn không thì đơn sơ tiệc trà nhưng đều đặn duy trì. Hội viên người tuổi mỗi ngày mỗi cao không đến dự được, có người mệnh một. Tham gia sinh hoạt và dự các buổi hội như hôm nay cũng là cách duy trì tinh thần người Việt quốc gia ở hải ngoại. Người bên quê nhà sống trong chế độ Cộng Sản chỉ trông cậy vào người Việt hải ngoại mà mình lơ là khác gì cố tình chối bỏ trách nhiệm, đánh mất niềm tin quang phục của họ và ngay cả của chính mình nữa. Em coi, tụi anh trong buổi tiệc hôm nay hầu như ai cũng cao tuổi rất mong có thêm những hậu duệ như em tiếp sức. Người Việt quốc gia mình sau những năm sống êm ấm ở hải ngoại có người đã chủ quan hoặc đã quên chuyện cũ cho là bọn Cộng Sản bây giờ đã thay đổi không sắt máu như trước đây. Thực ra chúng không quên và chỉ muốn người quốc gia mình quên đi quá khứ thôi. Hồi bọn Cộng Sản chiếm được miền Nam VNCH, mình đã cười chúng là bọn " lói ngọng níu no, cả quỷnh... " mà đâu có ngờ giờ đây, bọn hai lúa Việt Cộng năm nào đã âm thầm cố sức: " phấn đấu xóa 100 % nạn mù vi tính cho cán bộ chiến sĩ và đạt bằng A Anh ngữ cho tất cả các đảng viên Cộng Sản ". Nhìn lại hàng ngũ người Việt quốc gia ở hải ngoại, những cựu chiến binh cựu HO như anh đây... thử hỏi có bao nhiêu người biết sử dụng máy computer? Định cư ở Hoa Kỳ nhiều năm mà có người vẫn bập bẹ tiếng Anh. Ngại khó học, viện lẽ đã lớn tuổi chính là một trong các chướng ngại cản bước giải trừ chế độ Cộng Sản, nếu như mình còn nghĩ về một ngày quang phục, một ngày hội lớn của dân tộc. Ngừng một chút, anh tiếp: " năm nào quản giáo Việt Cộng đã mỉa mai cái nhẫn Võ Bị Đà Lạt mà giờ đây cũng đã bắt chước làm nhẫn mãn khóa ở các trường huấn luyện sĩ quan của chúng. Chúng biết thích ứng với hoàn cảnh mà phía quốc gia mình có người vẫn như như ngủ mê. Chắc em đã nghe về Nghị Quyết 36 của chúng dành cho khối cộng đồng người Việt quốc gia ở hải ngoại ". Lấy tay chỉ về một bàn đông người, anh tiếp: " Em thấy ông cụ ngồi bàn đằng kia không? Cựu khóa sinh khóa 1 Nam Định đó. Còn ông thâm thấp người mặc áo len sọc trắng sọc đen ngồi ở bàn gần sân khấu? Cựu tiểu đoàn trưởng TĐ 2/43 của sư đoàn 18 bộ binh ở trận đánh để đời Xuân Lộc trong thượng tuần tháng 4-1975. Em thấy hai người đó cũng như tất cả người HO tụi anh tóc đều bạc cả nhưng vẫn duy trì sinh hoạt hội và vẫn muốn có sự tiếp tay của con cháu trong nhà. Đón tết ta trong cảnh bình yên xứ người nhưng không bao giờ quên lý tưởng.


Nguyễn Hữu Chế, cựu tiểu đoàn trưởng TĐ 2/43 sư đoàn 18 bộ binh VNCH.


Ra về khi buổi tiệc chấm dứt, tôi vẫn suy nghĩ về lời tâm tình của anh. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại giờ đã khác biệt hơn so với 10, 15 năm trước vì đông hơn và từ nhiều nguồn định cư khác nhau (đoàn tụ, du học, công tác ngoại giao hay thương mãi). Nhiều nơi có hình ảnh tương tự như bên quê nhà với phố xá, dân cư, trò chuyện bằng tiếng Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại từ hoàn toàn bên phe quốc gia rồi đây sẽ có thêm nhiều người thuộc phe Cộng Sản nữa và thử nghĩ trong mai hậu, số lượng người thuộc hai bên cân bằng như nhau. Cộng Sản đã không quên chuyện quá khứ và biết bổ khuyết những thiếu kém của chúng trong khi phía người Việt quốc gia, có người đã quên, không cố phát triển kiến thức của mình hoặc thậm chí lại... thỏa hiệp hoặc đầu hàng với chúng. Cộng Sản không còn là bọn hai lúa như ba mươi mấy năm trước đây nữa.

Người viết bài này xin mượn lời của nhân vật anh HO trong bài (cũng là lời của một lãnh tụ thời miền Nam VNCH): Vui Xuân Nhưng Không Quên Nhiệm Vụ.

Phạm Thắng Vũ
Grand Rapids-Michigan.
Feb 07, 2010.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn