Ngã Ba Long Hưng, làm sao quên được cái thuở đạn cối quân thù cày xới từng thước đất. trên những đụn cát, dọc bờ quốc lộ, có những hàng cây bạc hà, cành cháy xém, những tàng cây khô quéo, nằm trơ trơ trước mưa gió, nắng lửa Nam Lào qua bao năm tháng. Vết tích nhắc nhở cho khách qua đường dấu vết còn lại từ những cuộc trốn chạy hổn-loạn vì hiểm-họa Cọng-Sản… Trong ký-ức bao người vẫn còn in hình ảnh rải rác ngang con đường số 1 nầy , những chiếc cột nhà cháy đen nằm xiêu vẹo, vài con chó hoang không chủ sục-sạo tìm mồi trên những xác người chết lúc loạn ly,em bé thơ ngây ngủ yên bên nắm vú mẹ đang nằm chết với đôi quang gánh lúc bàng hoàng trốn chạy họa Cọng Sản.
Xa xa về phía Bắc chừng vài cây số, ngõ vào thánh địa La Vang nằm bên trái như thuở nào. Một trại lính với kiểu kiến-trúc tân-thời, mái ngói đỏ rực chiếm lỉnh một góc lớn ở lối vào đã làm mất vẻ mỹ-quan ban đầu về một vùng đất thiêng trên cánh rừng thưa chập chùng những đồi sim tím.. Con đường nhỏ lát đá chạy dài theo từng triền dốc ngoằn nghèo mà mới thoạt nhìn hầu như không có lối ra do cây cối um-tùm che kín tầm nhìn .. Các quán giải khát, bún phở phục-vụ khách hành hương nằm rải-rác trên lối vào thánh địa. Những vũng nước đọng sau cơn mưa chiều qua cũng đôi khi làm cho người dân làng đi đường co ro tránh né khi một chiếc ô tô băng qua làn nước đục màu đá ong nầy. Trời tức giông nên cơn nóng hấp hơi đến đầm-đìa mồ hôi hạt. Thánh đường lộ dần mái tháp sau chừng hai cây số trên con lộ rẽ lối từ quốc-lộ. Vẫn có đây ngôi làng La Vang thượng, La Vang hạ. Dân làng sau những lần cố thoát hiểm-họa Cọng Sản, đã về đây lập nghiệp trở lại. Những nương sắn, luống khoai dưới những rặng phi lao vẫn mượt-mà một màu xanh đến cuối chân trời. Ngôi tháp chuông hình hộp có chiếc thánh giá quen thuộc trên đỉnh đầu vẫn còn lưu lại cho các thế-hệ về sau chứng-tích chiến tranh xâm-lược của Cọng Sản Bắc Việt vào thôn tính miền Nam bằng bạo lực. Tháp chuông giáo đường vẫn còn nguyên những lỗ đạn hình chóp nón quanh bốn bức tường. Ngôi tháp không đổ qua trận tái chiếm Quảng Trị kiêu-hùng, vẫn đứng vững, thách đố với thời gian. Ơn nhiệm-mầu lành thánh đã là sức mạnh vô hình mãnh-liệt cho bao chiến-sĩ kiên-cường chống lại lũ cuồng si quyết giữ La Vang vẹn toàn. Phía trước tháp chuông là hai dãy tượng của mười hai chặng đường thánh giá ghi lại nỗi khổ nhục Chúa Cứu Thế trên đường bị đóng đinh vì tội kiêu-ngạo của loài người. Nơi đây một thời, trong lúc giao-tranh giành lại ngôi giáo đường, những viên đạn thù đã bắn bể cánh tay tượng Chúa. Quá xót-xa, người lính Thủy quân lục chiến của miền Nam đã vội lắp lại, nhưng không liền nên đành phải mang đi..
Giặc bắn gảy cánh tay Chúa
Lắp lại không liền con đành phải mang đi
(thơ Vũ Hoàng Chương)
Ôi người lính Cọng Hòa, ắp đầy tình thương của đồng bào, quyết gìn-giữ chốn tôn-nghiêm bằng chính máu mình, nhưng bên cạnh đó cũng tràn đầy một niềm tin siêu-nhiên. Hãy tưởng lại chiếc ba lô quân hành nơi anh mang theo ngoài cấp số đạn, thêm quân trang quân dụng,thực phẩm hành quân, chiếc ba lô anh cài thêm cánh tượng Chúa, sức nặng theo nỗi nhọc-nhằn đã nâng cao tình yêu của đấng Cứu-Thế. Theo bước đường hành quân, anh lính chiến cỏng Chúa trên người, lòn lách lửa đạn cứu tượng Chúa, cất giữ một niềm tin trên chiếc ba lô của chính mình…
Lữ khách nhìn lại La Vang, vẫn một khung trời quen thuộc của địa hình hành quân xưa cũ. Từ cổng ngoài đi vào, hai dãy tượng trãi dài trên một khu đất rộng. Những bức tượng đá trắng thiết đặt trên những bệ cao. Cuối tầm nhìn từ ngoài vào là chiếc lầu chuông bằng gạch đỏ được lưu lại, một biểu tượng của La Vang vẫn còn trong ký-ức ngàn đời của người giáo dân Việt Nam tin yêu Chúa. Ngôi nhà nguyện phía sau lầu chuông được thay mới. Từ bàn thánh, ghế quỳ, nhà sau đều đổi mới, đẹp bằng kiểu kiến-trúc tân thời.
Phía phải của giáo đường, bức tượng linh-thiêng nhiệm-mầu Mẹ Maria bồng Chúa Giê-Su dưới hai cây sồi và vẫn mang nét cổ-kính huyền-diệu. Người Việt trong và ngoài nước luôn cất giữ trong lòng như một nơi tôn-kính nhất để dâng lời nguyện cầu, để thổn-thức, tâm tình với Mẹ. Nơi đây, quý vị tổng thống VNCH, những quân nhân các cấp sau giờ làm việc hay hành quân, vẫn thiết-tha mơ-ước và cố tìm về đây, quỳ xuống dâng lời cầu nguyện,mong sao cho đất nước thanh-bình và thoát khỏi sự điêu-linh vì hiểm họa Cọng-Sản..
Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam
Trời u-ám chiến tranh điêu tàn
Mẹ hởi giơ tay làm phước bình an
Đưa Việt Nam qua chốn nguy-nan...
Trong trận tái chiếm Quảng Trị của mùa hè đỏ lửa 72, vết tích đạn bom phi pháo được đong đầy trên từng thước đất của xứ sở địa đầu giới tuyến nầy, nhưng không một vết đạn nào tìm đến chốn tượng đài Đức Mẹ đầy linh thiêng ấy. Ngày nay, dưới chân tượng đài, vô số những tấm bia đá khắc ghi lời cảm tạ nhiệm-mầu của con cái Mẹ từ khắp nơi trên thế giới. Đền thánh ngày nay được lót bằng những tảng đá mài bóng loáng quanh một khuôn-viên rộng lớn, bao quanh và chạy dài đến nhà thờ.Khách hành hương trong và ngoài nước hầu như không khi nào vắng.
Từ bờ Nam sông Mỹ Chánh nơi bờ tuyến cuối cùng trấn giữ vòng đai miền Nam, lữ khách cố tìm trên hai bờ đại lộ kinh hoàng những vết tích chiến trường cũ, cố nhớ lại hình ảnh bảo quốc an dân của người lính Việt Nam Cọng Hòa với áo giáp, nón sắt, cây súng M16 ở tư thế sẳn sàng trong màu áo rằn ri thủy quân lục chiến. Bao nhiêu năm trường chiến-đấu, lính ở đâu là dân bám lấy đó. Lính ở lại, dân ở lại. Lính chuyển vùng, dân chuyển theo.
Sự gắn bó dân quân tựa cá với nước đã nói lên được thế nào là chính nghĩa của cuộc chiến. Mùa hè đỏ lửa 72, khi bám theo quân ta hướng về bờ Nam sông Mỹ Chánh, người dân Quảng Trị đã trả giá quá đắt khi hàng trăm người vô tội đã bỏ xác vì những đợt pháo kích dọc theo đại-lộ kinh-hoàng cùa Cọng quân khi chúng cố tạo áp-lực với quân ta bằng cách muốn kềm chân người dân để ta gặp khó khăn tránh né dân lành khi lâm trận.
Cây cầu sắt tuyến Mỹ Chánh vẫn còn nguyên vẹn, nằm thu mình im bóng bên chiếc cầu mới đang nườm-nượp xe cộ lưu-thông. Pháo đài góc cầu phía Nam vẫn còn, màu vôi phai nhạt bao mùa mưa nắng còn gợi nhớ cho đời hình ảnh cuộc chiến-đấu miền Nam bằng những dấu đạn công phá lởm chởm vòng quanh lô cốt. Con đường số 1 năm xưa đầy kinh-hoàng cảnh người dân gồng gánh chạy loạn, giờ thay thế bằng cảnh hai bên có những ngôi nhà, trạm xăng dầu, quán ăn phục-vụ xe đường dài. Xe cộ từ Hà Nội đi Sài Gòn, băng qua các thành phố miền Trung ven biển chạy vun-vút ngày đêm. Những bãi cát trắng vùng Hải Thượng, Hải Thọ nơi chứng kiến bao cảnh máu đổ thịt rơi do đạn pháo quân Cọng Sản, giờ đây, những cây dương, bạc hà như từng được tươi-tốt lên từ những xác người, đang khoan thai rủ lá theo dòng thời gian. Nhìn xa xa phía sau hai bờ, nhà cửa cây cối vẫn còn dáng đìu hiu, một xứ sở có tài nguyên nghèo nàn. Quanh vườn chỉ trơ trơ vài dãy sắn, luống khoai ....
Tiến về phía ngã ba Hải Lăng, những chiếc xe ca vụt qua, rít lên những âm thanh như cuốn hút người đi. Lữ khách như lảo đảo, nhưng dĩ vãng vẩn miên-man gợi về. Giọng nói đầy âm sắc địa phương đưa về thực tại:
--Eng về mô, vô đây uống nước cái đã, cần chi em chỉ cho…
Nghe nói rồi bổng chốc gợi nhớ cho lữ khách những bối cảnh sinh-hoạt chốn địa đầu giới tuyến nầy qua những lần chuyển quân, trấn đóng…
Quảng Trị đây rồi, lữ khách cố tình nhắm mắt lại, níu kéo một vùng quá khứ.…đâu đây nón sắt ba lô và trang thiết bị, những người trai trong những đội hình quả trám, hàng ngang, hàng dọc, bung tuyến hay co cụm trong những chiến thuật địa hình nhằm gìn-giữ từng tấc đất hoặc bảo bệ từng cánh chốt…. Những chiến sĩ, những người lính hùng hổ, gan lì nhưng vẫn thật ngoan-ngoãn tuân-phục với những “ông thầy” khi có trách nhiệm. Đâu đây còn in vết ký-ức những đêm gác chong mắt xuyên đêm cảnh giác quân thù hoặc len lỏi bước chân trên trục tiến quân qua các đồi cát. Ôi những bước đi chân cứng đá mềm, vượt đồi núi, vượt rừng sim để bắt tay cùng đơn vị bạn nhằm tạo một vòng đai máu tiến chiếm mục-tiêu như trên vạch kẻ của phóng đồ hành quân. Lữ khách quỳ xuống, cung kính hôn lên đất, bốc từng nắm rải dài, thổn-thức nhớ đồng-đội từng sát cánh, từng vội chia tay trên vùng đất nầy. Có những cuộc hạnh-ngộ trùng phùng các chàng trai từ bao nẻo đường xa-xôi về đây cùng nhau đấu vật với quân thù, cùng gìn-giữ từng tấc đất của giang-sơn quê mẹ, họ lại có những phút giây chia tay bàng hoàng, đột biến, ra đi như tình cờ bằng những cú bắn sẽ CKC hay một trái B40 đang núp lén sẳn tự bao giờ: một nồi vừa cơm bốc khói, một điếu thuốc đang hút dang dở, một ống đạn pháo binh vừa cõng nước lên đồi và có khi đang ở một phút tư lự nhớ gia-đình hay người yêu đều có thể trở thành giây phút biệt ly cho người chiến sĩ cọp biển ở tuyến đầu nầy khi bị rình-rập từ một điểm phục-kích nào….đồng đội ơi, khi chuyền nhau rít một điếu thuốc Bastos, san-sẽ một chuyện tình rô mê ô ju li ét , hoặc những phút chạnh lòng thương cha nhớ mẹ, hay lời tâm sự cho nhau ở những buổi đăng trình khi chia tay người thương bé bỏng ở lại..Những người lính kể cho nhau về đôi mắt, ôi những đôi mắt buồn tiển đưa đầy tính biệt ly và mang ra tận chiến trường như một thứ hành trang tình tứ thủy chung.Những đôi mắt nầy từng giúp họ rực sáng dưới ánh hỏa châu,gắn bó theo anh lính chiến ở những phút giây đối diện lằn tên mũi đạn.Ngoài tình yêu tổ-quốc nỏi anh hiên-ngang chấp nhận hiểm nguy để tiến bước,anh có bên người hình ảnh những đôi mắt với những dư-âm huyền hoặc của một tình-yêu nam nữ thời ly-loạn…Anh em đồng đội sống với nhau những phút giây chan-chứa và keo-sơn đó để rồi số phận oái ăm luôn phải vấp cảnh người đi kẻ ở.Những ngày cuối khóa quân-trường,các chàng trai đả phải đương đầu với những cuộc chia tay mà biết rằng ngay mai dễ gì gặp được.Màu áo hoa biễn và giới-tuyến Quảng-Trị xa-xôi đã trở thành gắn bó khi họ hiên-ngang nhập cuộc vào gia-đình cọp biển nầy...Eng ơi,miền nè,ngoài cươi,cái đoại,ảng nước,cái gáo...Vài anh em thường cố học những âm sắc của ngôn-ngữ địa-phương để có được sự hòa-đồng lúc đóng quân quanh vùng dân cư sinh sống. Cuộc chiến có những mất mác tàn-nhẫn không lường được để có những cuộc ra đi nhẹ nhàng, tức tưởi và đôi khi tình cờ nữa.Chuyện xảy ra hôm nay mà ngày mai lại đến với biết bao đổi thay và bất ngờ . Có rất nhiếu người ở lại đằng sau cuộc chiến, từng cưu mang tâm-sự ngọt-ngào của những người bạn thuở sống chết có nhau mà tóc giờ đây đã bạc, lưng sắp còng, nhưng cho đến phút lâm chung của một đời người vẫn còn ấn tượng sâu-đậm về nỗi thâm tình của đồng-đội.Bao nhiêu năm qua rồi,chiến-tích dài theo năm tháng của những tận thư hùng quyết giành từng tấc đất với quân thù,những người lính chiến bao nhiêu lần ngồi lại,ôn kỷ-niệm xưa,nhớ chiến trường cũ,nhớ đồng đội mình..Khi có dịp mặc lại màu áo đơn vị và khi nâng-niu lại những tấm huy chương còn rực sáng những chiến công năm nào,làm sao không khỏi ngậm-ngùi khi nhớ lại biết bao đồng đội,chiến sĩ mình đã ngã xuống để tạo vinh-quang cho những chiến thắng của màu cờ sắc áo mà mình có được đến ngày nay và mãi mãi ...
…tôi với anh hai người xa lạ
Từ phương trời chẳng hề quen nhau
( trích nhạc tình đ..chí)
Khung cảnh đổi chủ vô tình, đường xá, nhà cửa, xe cộ, quán xá như đang ở trong một hấp-lực quay-cuồng tìm nhựa sống. Chỉ có những vết đạn in dấu trên thành lô-cốt bờ Mỹ Chánh, quanh bờ tường tháp chuông thánh đường La Vang hoặc những bờ độn cát trắng từng thấm máu đồng bào và chiến-sĩ cùng những rặng phi lao phất phơ những cành lá rũ trước cơn gió Lào ác nghiệt là còn trọn vẹn ần-tích ân-tình người lính cũ.
Bên vùng đất trải dài từ bờ Nam sông Mỹ Chánh, dọc theo quốc lộ 1, bung rộng qua Hải Lăng, xuống giòng Thạch Hãn, băng qua cổ thành Đinh Công Tráng, người lính hởi, giờ nầy anh ở đâu, còn trên đời nầy hay siêu-thăng nơi tiên cảnh…dấu tích anh vẫn còn bên những căn nhà ven đồi: chiếc mũ sắt ngày nào ôm-ấp anh nay là chiếc gàu múc nước giếng cho người dân làng, quanh các triền đồi Hải Lăng ,Triệu Phong,Cam Lộ....chiếc ca nhôm vẫn còn sắc men sáng loáng treo bên lu nước căn nhà ven đồi vùng La vang thượng, chiếc xẻng anh đào hố năm nào thoáng thấy đâu đây trên rẩy sắn nương đồi và đêm về, tiếng côn trùng rì rả một liên khúc về những điệu luân-vũ nhịp nhàng như ai-oán cho giấc mộng chưa thành của những người trai phải bỏ cuộc giữa chừng giữa tuổi thanh xuân đang tràn-trề ước-mộng...
Lữ khách hôn lên những nắm đất cát trắng, đất cát mãi chung tình với những đồng đội ngày nào cùng dẫm bước trên vùng đất nầy trong một cuộc chiến đấu vì tự do cho miền Nam bằng những bước chân oai hùng như triều dâng sóng vổ. Đất cát không biết khóc, chỉ có người khóc thương tiếc đồng đội thuở sống chết và sát cánh nhau trên một chiến tuyến của chiến trường xưa cũ và xa hơn cây cối nơi đây bốn mùa mãi phất phơ cành trước gió cùng tiếng rỉ ran loài côn trùng về đêm như lời ru êm cho những đồng đội ngã xuống được yên giấc ngàn thu.
SEUL LES MORTS PLEURENT L’OUBLI DES VIVANTS
ĐỒNG ĐỘI ĐÃ MẤT CHỈ BIẾT KHÓC KHI BÈ BẠN CÒN SỐNG QUÊN HỌ (IMMORTEL-PHÁP)
MX Hoa Biển
Sacramento 7/09
Gửi ý kiến của bạn