BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72824)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghĩ về hiện tượng người muốn vất bỏ Căn Cước Quân Nhân

23 Tháng Mười Một 200212:00 SA(Xem: 1125)
Nghĩ về hiện tượng người muốn vất bỏ Căn Cước Quân Nhân
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Những ngày đầu tháng 11 vừa qua có sự kiện ký giả David DeVoss của tờ báo chuyên về thương mãi tài chánh vùng Châu Á, Asian Inc’s America có đăng bài phỏng vấn về dự định của một người muốn về Việt Nam làm ăn với chính quyền cộng sản ở đấy. Dư luận bùng lên chống đối, bởi nhân vật kia không phải là một thương gia vô danh nào đó, và công việc chỉ bao gồm trong dịch cụ tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng đấy là một Tướng Lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng không phải là một viên tướng bình thường của riêng giới quân sự, nhưng là Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Chủng Không Quân, và hơn thế nữa, đấy cũng là Chủ Tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương, là Phó Tổng Thống nền Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam. Trong sinh hoạt lịch sử chính trị, quân sự thế giới vẫn thường có hiện tượng những người trẻ tuổi, thuộc giới quân nhân từ những vị thế, điều kiện thuận lợi (do hoàn cảnh khách quan, và phần lớn do nhân vật kia tạo nên) nắm giữ quyền lực, và từ đó tạo nên những kỳ tích đáng nễ phục. Đại Đế Alexander, khởi nghiệp từ năm 335 trước Công Nguyên đến năm 323, đã gồm thâu một đế quốc từ Âu Châu đến biên giới Aán Độ, mà chỉ do lời khuyên ngăn của các tướng lãnh, nên vị quân vương bách thắng nầy đã dừng lại, chứ thật sự ông đủ sức đi hết vòng thế giới. Sự nghiệp lẫy lừng của Alexander dựng trên yên ngựa, đầu mũi gươm vào những năm ông 30 tuổi. Thời cận đại, Việt Nam có Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh; Pháp với Napoléon. Gần đây, cùng thời điểm của những thập niên 60, 70, có hiện tượng phổ quát về những người lính thuộc các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh chuyển hướng hoạt động, tham dự vào tranh chấp quyền lực nơi quốc gia mình, và sinh hoạt chính trị thế giới: 1961, Tướng Phác Chánh Hy lên cầm quyền ở Đại Hàn, Đại Tá Quaddafi, Libya năm 1969, hoặc Pinochet nắm giữ vận mệnh đất nước Chile đầu thập niên 70.. Dẫu thành công hay thất bại, những nhân vật kia đã một thời chiếm giữ sự chú ý hàng đầu của công luận thế giới. Tình thế Việt Nam với chiến tranh cao độ trong thập niên 60-70 càng thể hiện tình trạng trên rõ nét, cụ thể hơn - toàn bộ sinh hoạt chính trị, quân sự đã gắn chặt với danh tính của những nhân vật mang tên "Thiệu-Kỳ"- Những danh tự nầy không còn là từ riêng để chỉ về những cá nhân, mà đã trở thành tính từ đặc trưng cho một giai đoạn lịch sử khốc liệt của Miền Nam. "Chế độ Thiệu-Kỳ"; "Nội các chiến tranh của Kỳ", "Quân đội Thiệu-Kỳ". Những cụm từ nầy dùng với nhiều ý nghĩa đối nghịch, bạn lẫn thù đồng xử dụng. Những ý nghĩa ấy nay đã không còn giá trị, nhưng danh xưng kia vẫn tồn tại, bởi chúng chỉ một nội dung đích thực đã xuất hiện, sống cùng vận mệnh, lịch sử Dân Tộc Việt: Chế độ Việt Nam Cộng Hòa-Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nói như vậy hẳn đủ để trở lại câu chuyện về một người mang danh tính Nguyễn Cao Kỳ và nội dung bài báo. Cũng nên nói thêm rằng, chúng tôi và nhân sự nầy trước kia cũng như hiện tại hoàn toàn không có một liên hệ, tranh chấp cá nhân trong bất cứ lãnh vực nào, nên chắc chắn những lời sau hoàn toàn không phải là phản ứng do từ xung đột giữa những người có chung đối tượng hoạt động, mục tiêu chiếm đoạt. Chúng tôi thuộc giới truyền thông, báo chí, hằng mấy mươi năm qua (từ trong nước ra hải ngoại hôm nay) chỉ có một mục tiêu hành động, và phục vụ: Truyền thông đến đồng bào mình, cộng đồng người Việt những điều cần kíp đã, đang xẩy ra có liên quan đến sinh hoạt, đời sống của mỗi người, với ý nghĩa trung thực nhất của người làm công tác văn hóa, văn nghệ. Chúng tôi không hề xử dụng diễn đàn chung để đề cập, đả kích vụ việc cá nhân. Trở lại sự kiện người tên gọi Nguyễn Cao Kỳ, Thiếu Tướng Tư Lệnh Không Lực VNCH, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (1965-1967) và Phó tổng Thống VNCH từ 1967 đến 1970, chúng tôi sẽ không đề cập đến những ý kiến của ông ta nói về nguyên do, hậu quả của việc giao thương buôn bán với chính quyền Hà Nội mà ông ta sẽ đóng một vai trò trung gian, giới thiệu (theo như bài báo đã trình bày khá rõ ràng); và cũng thế, chúng tôi không bàn đến việc"ông ta sẽ về Việt Nam hay không" (theo như lời đính chánh của Nguyễn Cao Kỳ qua điện đàm với các ký giả Cao Sơn, Võ Phong (San José). Chúng tôi nói về một điều cụ thể- Câu nói của cá nhân Nguyễn Cao Kỳ muốn từ chối cuộc chiến mà ông ta đã có mặt từ thuở còn trai trẻ (lúc vừa vào tuổi 20) – cũng là cuộc chiến mà mỗi người chúng tôi hằng tham dự với tận hiến hết đời sống bằng máu, thịt xác thân, và trả giá cuối cùng bằng cái chết. KHÔNG NHỮNG TỪ CHỐI, MÀ NGUYỄN CAO KỲ CÒN KHINH MIỆT VẤY NHỤC BẰNG CỤM TỪ TỒI TỆ TÀN NHẪN: "A DIRTY LITTLE WAR". Chúng tôi muốn nói về nội dung vô lại rẽ rúng nầy. Cũng trong bài viết đính chính của những ký giả kể trên hoàn toàn không nhắc đến lời nói bội bạc đáng lên án kia, vậy chúng tôi có quyền khẳng định: ĐẤY CHÍNH LÀ NGÔN NGỮ CỦA NGUYỄN CAO KỲ- NGÔN NGỮ CỦA MỘT KẺ PHẢN BỘI, VÔ ƠN ĐỐI VỚI NHỮNG CHIẾN HỮU- NHỮNG NGƯỜI LÍNH ĐÃ TRÃI THÂN GIỮ VỮNG MIỀN NAM TRONG SUỐT BA THẬP NIÊN TỪ 1954-1975 CŨNG ĐỒNG THỜI XÂY ĐẮP NÊN CÔNG DANH, SỰ NGHIỆP CỦA CÁ NHÂN TÊN GỌI NGUYỄN CAO KỲ. Chúng tôi không hề quá lời. Sợ rằng không đủ chữ nghĩa để nói lên hết lòng phẫn nộ – Sự phẫn nộ chính đáng của Người Lính chiến đấu vì nghĩa vụ cao thượng Bảo QuốcAn Dân. Cơn phẫn nộ không phải do lần đầu bị xuyên tạc, mạ lỵ, vấy nhục, bởi chúng tôi đã quen, hằng tập thói quen chịu đựng tình cảnh bị nhục mạ hạ tiện nầy đến từ đám báo chí ngoại quốc, các thành phần thiên tả, từ phiá kẻ thù, kể cả cách đánh giá hàm ý coi rẻ của một số thị dân Miền Nam trước 1975. Nhưng chúng tôi vẫn giữa chắc tay súng chiến đấu trong suốt cuộc chiến dai dẵng tàn khốc, và kể đến hôm nay 27 năm sau ngày mất miền Nam, sức chiến đấu kia không hề tàn lụi, bởi SỨC SỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT MÃI BỀN VỮNG, VÀ CHÚNG TÔI LÀ NHỮNG NGƯỜI LÍNH THUẦN THÀNH CỦA DÂN TỘC KHỔ NẠN SIÊU VIỆT NẦY. Xác định nầy không do chúng tôi tùy tiện tạo dựng để an ủi lần thất trận oan nghiệt của mình năm với ngày 30 tháng Tư 1975, nhưng do hằng hằng xác chứng của cả toàn khối dân đau thương khi đối diện với cái chết, và gọi lên sức cứu viện cuối cùng.. Anh Lính cộng hòa ơi.. lính cộng hòa ơi.. Người dân đã gọi lên như thế trên chín cây số chết của Đại Lộ Kinh Hoàng, nam Quảng Trị; ở xã Xa Cam, cửa ngỏ phía nam của An Lộc năm 72; trên đường đèo Củng Sơn, Tuy Hòa; dưới chân Hải Vân, địa giới Thừa Thiên- Quảng Nam tháng 3, 1975. Người dân đã gọi như thế suốt cuộc máu lửa, trên đường tỵ nạn, di tản, chạy loạn. Và cả nước sau 1975 khi bị hải tặc Thái Lan bức hại, bọn cướp Khmer Đỏ tàn sát, lính cộng sản bắn giết trên đường vượt biên.. Người Việt đồng hiểu nên, PHẢI HIỂU nên điều đau đớn: NGƯỜI LÍNH DÂN TỘC KHÔNG CÒN KHI NGƯỜI LÍNH VNCH BỊ TƯỚC MẤT VŨ KHÍ.. Nguyễn Cao Kỳ không thể vì một mối lợi (cho dù lớn đến bao nhiêu) hạ nhục cuộc chiến đấu cao thượng nầy. Và hơn thế nữa, cá nhân kia cũng chính là người đã thụ hưởng phần lớn nhất trên bàn tiệc máu của quê hương. NẾU KHÔNG CÓ CUỘC CHIẾN VIỆT NAM, CÁ NHÂN TÊN GỌI NGUYỄN CAO KỲ LÀ AI? LÀM GÌ? Ở ĐÂU? 

Trong cuộc chiến 1960- 1975, số lượng thiệt hại của quân chủng không quân quả thật rất ít so với bộ binh, nhưng số lượng ít ỏi của những người "tự trời, trong vũng lửa rơi xuống, chết trước khi chạm mặt đất" nầy đã làm hiện rõ cái chết vĩ đại lặng lẽ của những người tự hiến - Hiến dâng đời mình cho Tổ Quốc-Không Gian. Chúng tôi không nói điều văn chương, chữ nghĩa, nhưng bởi chỉ một năm 1972 thôi, đã từng tận mắt trông thấy mỗi lần xuất kích của Trần Thế Vinh ở Quảng Trị; Nguyễn Du, Trịnh Đức Tự ở mặt trận Quảng Nam- Đà Nẵng, của Phạm Văn Thặng "Thặng Fulro" nơi Tây Nguyên. Ba mươi năm sau, hôm nay khi ngồi viết những giòng nầy, chúng tôi vẫn thấy ra vũng lửa vàng tươi khi chiếc tàu trúng đạn, và tiếng bạn kêu cấp cứu qua hệ thống máy không-lục, âm thanh cuối cùng của người phi công tuẫn nạn bởi đã liều thân cố bảo vệ chiến hữu dưới đất bằng sự yểm trợ sống chết, tăng cường khả năng hỏa lực để quân bạn giữ vững trận địa, thâu đoạt chiến thắng. Thiếu Tướng Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ không lẽ không biết lần chết bi tráng của những phi công chiến hữu mình? Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ lẽ nào không biết đến chi tiết, khi phi công Đỗ Hữu Toàn, Toàn "đờn" cố rà sát thân tàu trúng đạn trên mặt đất ở đèo Khánh Dương, chỉ một vài giờ nữa của ngày 27 tháng 1, 1973 là chấm dứt "Chiến cuộc Đông Dương, tái lập hoà bình tại Việt Nam"- nơi chốn ấy có khu đồn điền mà sở hữu chủ là chính ông đứng tên khai thác. Và sáng ngày 29 tháng Tư, 1975 để ông có đủ thì giờ bước lên trực thăng bay ra Hạm Đội 7, Trung Úy Nguyễn Văn Thành, phi công phi hành đoàn Hỏa Long C119 cố bay lên vùng trời Tân Sơn Nhất, dùng vũ khí cơ hữu của Hỏa Long,chỉ là những khẩu đại liên Minigun 7.62 ly tuyệt vọng chống trả với những dàn đại pháo đặt ở Hốc Môn, Bà Điểm, kéo dài phút cuối cùng của Sài Gòn trong cơn hấp hối.. Để rồi toàn thể phi hành đoàn, con tàu, đồng bốc lửa, rã cháy do một hỏa tiễn tầm nhiệt cắt đôi thân, cánh. Ông có nghe ra tiếng thét đau thương của người lính không quân, Phi Công Thành "Mọi" chết trong vũng lửa- Những người chết cho lần tháo chạy của chính ông? Và ông phải nhớ, Nguyễn Cao Kỳ phải biết, đúng lúc ông bước chân xuống sàn tàu USS Blue Ridge là khi chiếc C130 chở toàn bộ sĩ quan cao cấp của Bộ Tư Lệnh Không Quân đâm vào tòa cao ốc đường Đồng Khánh Chợ Lớn. Nguyễn Cao Kỳ, ông nào có biết cái chết oan khốc thương tâm của người thiêu sống trong lửa ngọn, những sĩ quan không quân và gia đình của họ. Chắc chắn rằng trong số những sĩ quan bị thảm sát trong buổi sáng đau thương ấy không thiếu những người có đủ điều kiện để vào cơ quan DAO (Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ), để sau đó bình an ra khỏi nước trước giờ thất trận, đầu hàng theo lệnh Dương Văn Minh. Nhưng những sĩ quan cao cấp ấy đã ở lại- ở lại rất đông- phải chăng bởi lời kêu gọi "mở một trận đánh cuối cùng oanh liệt như Stalingrad" của chính ông. Nguyễn Cao Kỳ, ông lừa dối người sống, phản bội người chết. Chúng tôi không thể nói điều gì khác hơn. Có lẽ trí nhớ của ông quá cạn, trí não ông quá hạn hẹp - Không dài, lớn hơn điếu thuốc ông hút dối khi đợi chia những quân bài. 

NGUYỄN CAO KỲ, ÔNG ĐẮC TỘI VÔ CÙNG VỚI ANH LINH CỦA LIỆT SĨ, ANH HÙNG ĐÃ CHẾT ĐỂ SÁNG DANH CUỘC CHIẾN ĐẤU MÀ ÔNG VỪA TUÔNG LỜI VẤY NHỤC. CÓ NGHĨA – ÔNG ĐÃ VẤT BỎ CĂN CƯỚC QUÂN NHÂN CỦA MÌNH - ÔNG KHÔNG XỨNG ĐÁNG Ở CÙNG ĐỘI NGŨ CHÚNG TÔI- NGƯỜI LÍNH QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.

Nếu trở lại Sàigòn, ông sẽ theo đường Công Lý (cũ) vào thành phố, con đường ngày trước ông thường đi, về từ nhà, nơi căn cứ Tân Sơn Nhất. Ông sẽ ngừng lại ở Ngã Tư Công Lý- Yên Đổ, chắc chắn như thế, bởi tình trạng kẹt xe, và cảnh tượng giao thông hỗn loạn kinh hoàng ở Sàigòn bây giờ là một "hiện tượng có tính cách tất yếu"- ông nên học dăm ba từ ngữ Việt cộng để chứng tỏ có "tiến bộ" cho họ tin cậy. Nhưng cũng chắc một điều, người cộng sản không hề tin ông như chúng tôi, những người lính đã có một lần "tin"- không lẽ ông không có một tấm lòng?! Ông sẽ ngừng lại, đủ thì giờ để nhìn vào quán phở Dậu- nơi ấy, khoảng 1966, ông đã từng biễu diễn màn màu mè - ăn cơm nguội với phở để chứng tỏ ông cầm đầu một nội các của dân nghèo. Và ông cũng đủ thì giờ để nhìn chung quanh, xuống lề đường: Ông sẽ thấy những hình nhân mặc áo lính - áo tác chiến hoa của Biệt Động, Nhảy Dù; chỉ áo thôi chứ không có quần. Bởi đấy là những người cụt chân. Cụt cả hai chân - Những Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa- Những người đã tham dự, thực hiện, bỏ dỡ cuộc chiến mà ông vừa đặt tên "a dirty little war"- Cuộc chiến đã đưa ông vào vị trí: Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nội Các Chiến Tranh. Chiến tranh nào dơ bẩn hở kẻ gọi là "thiếu tướng nguyễn cao kỳ?" 

Phan Nhật Nam
23 tháng 11, 1961-2002
Người Lính ở đủ 41 năm. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn