Đứa cháu gái mở đôi mắt đen tròn xoe nhìn bà nội, tay lay lay đầu gối bà:
- Đi nội, đi mà nội.
Bà Hồng nhìn chăm chăm vào mặt cháu mình, nghiêm nghị:
- Nội nói không, đừng có lì.
Cô cháu rươm rướm nước mắt, đôi má bầu bĩnh phụng phịu:
- Con muốn biết mà. Cho con biết một lần đi.
Bà Hồng cố nén tiếng thở dài, giọng lạnh băng:
- Nội nói không là không, ngủ đi.
Cô cháu giận dỗi quay lưng lại, mái tóc dài óng mượt đổ trễ tràng trên màu gối trắng, cái thân hình mũm mĩm kia hình như đang tức tưởi vì ấm ức. Bà Hông âu yếm nhìn cháu, đứa cháu lớn nhất của bà, cũng là đứa cháu đầu của cả giòng họ, con bé quen được sự cưng chiều, dỗ dành từ các cô, chú – có khi chỉ lớn hơn nó vài tuổi. Đâm ra học được cái nết xấu nũng nịu, nhõng nhẻo, muốn cái gì là òn ỉ dỗi hờn. Bà tuy rất thương con cháu, nhưng lại làm ra vẻ ngoài cứng rắn để tụi nhỏ nhìn thấy bà còn biết sợ, chớ để lỏng lẻo riết rồi đứa nào cũng hư hết ráo, dạy dỗ gì nỗi.
Bà trở mình. Hình như con nhỏ bắt đầu ngủ rồi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Mà mấy đứa tròn tròn như vầy đặt xuống là ngủ liền hà. Có biết trời trăng gì đâu. Bây giờ mà khiêng nó liệng xuống ao may ra mới dậy. Vậy mà cũng bày đặt yêu sách với bà nội, cái mặt bùng thụng thấy phát ghét. Mỗi lần thấy cháu gái phụng phịu là bà nén cười, giả bộ trợn mắt lên chửi sa sả: Đồ thứ con gái mặt má bầu ngó lâu muốn chửi. Mày mà bùng thụng nữa là tao đập chết … con đĩ mụ nội mày bây giờ.
Bà chửi – mà chỉ một mình bà hiểu. Con … đĩ mụ nội của nó, là bà chớ ai vô đây. Chỉ có chửi như vậy mới ổn thỏa thôi, mình tự chửi mình mà. Chớ mà chửi theo kiểu cha mày, mẹ mày thì e con cái nó buồn, nhứt là con dâu. Sự đời đâu có ai muốn nghe người khác chửi mình đâu. Nên bà chọn cách chắc ăn nhứt. Tự mình mắng nhiếc mình đâu có ai trách cứ gì được.
Vậy mà bữa nay cháu gái bà hình như đã lớn rồi, mặc dù trong con mắt bà nó còn nhỏ chút xíu, tới bữa ăn bà phải răn đe nhắc nhở, vì là con nhỏ cứ nguây nguẩy không chịu ăn vì sợ mập. Mập thì sao chớ, ông bà cha mẹ nào hổng muốn con cháu mình hồng hào đỏ đắn, mũm mĩm dễ thương. Mà hổng biết sao bữa nay cái con nhỏ này ai xúi ai biểu mà dặc một dặc hai đòi bà phải làm cái chuyện ngược ngạo vậy hổng biết. Cái chuyện mà bà đã lập lời thề, và cha mẹ, em út, con cháu không ai dám có lời khuyên nhủ. Ngay cả mười bảy năm trước đây, hồi con nhỏ này mới sanh ra đời, cha mẹ bà cũng đã để mặc cho bà chọn cách xử lý. Vậy mà bữa nay, nó dám nũng nịu, dám òn ỉ, dám phụng phịu, mếu máo đòi hỏi bà vô lý quá sức.
Bà lại trở mình, nhìn vào đứa cháu gái yêu của bà, và của cả giòng họ. Đứa cháu mà bà luôn hãnh diện vì nó, cha mẹ nó cũng vậy. Con bé tuy nhõng nhẻo nhưng lại rất ngoan, và học giỏi nữa. Ông bà cô chú ai cũng thương. Và bỗng nhiên bà lại chợt nghĩ rằng liệu con bé nói có đúng không? Con bé, bằng cái đầu óc thơ ngây, đã nói lên những suy nghĩ mà người lớn tránh né. Những suy nghĩ mà cha mẹ bà, em út bà, con trai con gái bà đều coi như điều cấm kỵ, lời nguyền thề không xoá được.
Hồng là con gái đầu của ông Năm Trạng, cháu nội địa chủ Thìn. Mang tiếng địa chủ nhưng thực chất chỉ là cái doi ở mé sông Rạch Sâu Chợ Mới, rộng cỡ hơn trăm công đất là cùng. Kệ. Miễn có cho thiên hạ thuê mướn thì là địa chủ rồi. Lớn là địa chủ lớn, nhỏ cũng địa chủ, mà địa chủ nhỏ. Địa chủ Thìn có 4 đứa con, 2 đứa chết hồi còn chút xíu. Còn 2 đứa là cô Ba Điểm và Năm Trạng. Cô Ba tuy con gái nhưng theo Tây học, cha mẹ có tiền mà, mần việc cho Nhà thương lớn của Pháp ở Cần Thơ. Năm Trạng quyền kế thừa đất đai cha mẹ để lại, tuy ít nhưng cũng đủ sai đầy tớ vác rơm rải khắp đường đi để cậu Năm tập chạy xe đạp, té cũng hổng đau.
Đất ở đây thấy vậy chớ hổng phải vậy, nhiều khi bữa trước còn um tùm xanh tươi cây cỏ, bữa sau ngủ dậy trống hoắc trống huơ. Lở mà. Có bửng thì chèm nhẹp, có bửng lại khô rang, cặp cặp theo mé sông ngó thiên muôn vạn trạng vậy chớ hổng biết ông bà lấy đi hồi nào. Người ta nói sông sâu bên lở bên bồi mà coi ở đâu trúng chớ ở đây trật lất. Bên này lở miếng bự chần dần mà bên kia năm thì mười họa mới thấy bồi được một miếng nhỏ như cứt ráy, cho nên hổng lạ lùng gì khi thấy đất đai của địa chủ Thìn ngày một thụt lui.
Nói thì nói vậy chớ cái bến sông này cũng không đến nỗi không cưu mang được con người. Lở thì ta cất cái nhà xích xích vô trong. Mỗi ngày con nước ròng nước lên là đủ xài thả cửa. Tôm cá dưới rạch ê hề muốn xúc bao nhiêu thì xúc. Hồi đó sao ông bà mình hiền khô há. Xúc tôm xúc cá gì cũng để đủ ăn thôi chớ hổng ai nghĩ tới công chuyện phơi khô bán kiếm tiền. Vậy nên còn sót lại về đời sau con cháu mới còn chút nị mà ăn. Chớ như thời bây giờ thả trái nổ cái rầm xuống sông. Ông bà ông vãi cha tôm cá chết từ đời ông cố hỉ chết xuống đời cháu con lúc nhúc, vớt được mớ tôm cá lớn ăn thôi còn ba con cá con tép cháu thì nổi lềnh bềnh.
Hai bên bờ sông rau dừa rau đắng mọc nhoi, nhổ một mớ chấm kho quẹt là cái nồi cơm nấu mấy lon cũng hết. Còn điên điển nửa, điên điển nấu canh chua, điên điển chấm mắm kho. Còn rau dền rau dệu rau sam rau ngổ, vừa ăn vừa làm thuốc. Khỏi lo táo bón kiết lỵ .
Đa phần dân miệt dưới này cất nhà bên giòng kinh rạch, khá khá như nhà địa chủ Thìn thì xích vô trong chút thôi chớ cũng chừa đường ra mé kinh. Một cái cầu dắt xuống nước làm chỗ giặt đồ, rửa ráy, vo gạo vút nếp, tùm lum thứ. Xa xa khúc mé trong con kinh quẹo quẹo mọc vật vựa mấy cây bần, cây dừa nước, mấy bụi ô rô; lâu lâu có chiếc ghe chèo ngang, cao hứng hò lên vài câu nghe mùi mẫn đứt ruột:
Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi.
Để qua khúc sông này rồi bờ bụi tối tăm
Nhà địa chủ Thìn đạo Chúa, ông bà theo đâu hồi mấy ông cố Tây mới vô Nam truyền đạo, cả trăm năm rồi, có cô em gái đi tu làm dì phước. Năm Trạng lớn lên được cha mẹ hướng cho phải lấy người cùng đạo, càng ngoan đạo càng tốt. Bà dì phước liền nói chỉ có cưới con mồ côi là hiền lành đạo nghĩa. Nhà địa chủ Thìn vốn căn cơ chân chất nên nghe lời cô em gái, qua Cù lao Giêng, vô nhà dòng nuôi trẻ mồ côi của Pháp cưới được một cô gái mười bảy tuổi nhan sắc bình thường nhưng tay nghề thêu thì sắc sảo nhứt trại, đem về đẹp duyên tần tấn.
Hổng ai ngờ vợ Năm Trạng – Xiếu là cô gái tinh nghịch số một của nhà dòng. Trong nhà mồ côi cô nổi danh chọc ghẹo khắp chị em trong trại, hết các chị em cùng lớp tới lớp lớn, lớp nhỏ, mấy bà dì phước Tây - Việt gì cô cũng không tha. Chắc là hồi địa chủ Thìn tới hỏi dâu, mấy bà dì phước già gã được cô Xiếu đi có khi mừng rớt nước mắt hổng chừng. Có một chuyện còn lưu truyền hoài trong nhà dòng Cù lao Giêng nhiều năm, là hồi nẳm có lần giặc giả tùm lum, mấy ông cha bà phước đem trại mồ côi ở Sa Đéc xuống ở nhờ trại Cù lao Giêng cho qua cơn loạn lạc. Cô Xiếu chọc ghẹo trong nhà hoài, ai thấy cô cũng lo thủ thế, nên thấy có bạn mới, khoái chí lắm.
Trong nhà dòng có thông lệ mỗi tháng ai cũng đi xưng tội một lần, cái này người trong đạo mới hiểu được. Là tới một cái bàn quỳ nhỏ, có tấm ván ngăn cái mặt lại, trên tấm ván có đục nhiều lỗ nhỏ, treo lên đó 1 cái khăn mỏng, giống như rèm cửa sổ. Người xưng tội qùy bên này, ông cha ngồi bên kia, nói với nhau qua tấm vải mỏng đó. Mà cái bàn quỳ để giữa nhà thờ, người đi xưng tội xếp hàng nối đuôi nhau, mỗi người chừng hai ba phút, thú nhận các tội mình đã phạm trong việc làm, lời nói, tư tưởng. Chờ ông cha khuyên dạy xong, đọc kinh tha tội, gõ cái cạch rồi đi ra cho người khác tới.
Phải mô tả ở đây cho rõ ràng để nhiều người hổng biết, hiểu sai cái sự việc quan trọng trong đạo này. Như hồi mấy chục năm trước đây chiếu phim ngoài miền Bắc, ông đạo diễn nào dựng cái phim gì tầm bậy hết sức, nói ai đi xưng tội là chui vô buồng kín lẹo tẹo với mấy ông cha. Thiệt là không biết mà còn dám đưa lên phim lên ảnh, truyền bá bậy bạ nhảm nhí cho những người ngoại đạo; chớ người trong đạo, coi rồi chỉ thấy tức cười cho cái dốt của phim.
Trở lại chuyện cô Xiếu – người nghịch ngợm độc đáo của trại mồ côi Cù lao Giêng. Thấy có nhiều chị em mồ côi ở Sa Đéc về, cô khoái chí lắm, tẩn mẫn ngồi gãi càm (nếu có râu chắc cũng nhổ râu) suy nghĩ cách chọc phá chị em mới này.
Cô te te tới chỗ mấy chị mới làm quen, chớ người cũ trong Cù lao Giêng thấy cô là né qua cho lẹ chớ ai dám để cô tới gần. Cô khều khều một chị hỏi:
- Nè. Mấy chị đi xưng tội chưa?
Chị này trả lời thiệt thà, con mồ côi (hồi xưa kêu bằng con bà phước) ai nấy cũng thiệt thà, tất nhiên – trừ một số người quá sức hiếm hoi như cô Xiếu thôi:
- Chưa, nghe nói sáng mơi (mai) mới cho xưng.
Cô Xiếu gật gù:
- Phải rồi. Mơi mới xưng được, tại bữa nay còn học bài mà.
Các chị ngây thơ xúm nhau hỏi:
- Ủa. Bài gì mà học vậy?
Xiếu làm ra vẻ quan trọng:
- Tại mấy chị ở xa hổng biết, chớ ở đây đi xưng tội là phải đọc 1 bài kinh dài lắm, hổng đọc là ông cha ổng giận đá văng bàn qùy ráng chịu á.
Các chị ngây thơ sợ hết hồn:
- Bài kinh làm sao? Chị dạy tụi em đi.
Trúng tủ. Cô Xiếu làm luôn một tràng, chắc là suy nghĩ đâu cả tiếng đồng hồ mới ra đây:
- Mấy chị ở Sa Đéc là phải đọc như vầy nè:
“Thưa cha, con là đờn bà mới, ở Sa Đéc mới tới. Xem trẹm bánh trứ ngự hạ, bàn tụ hay bàn tạ”.
Các chị nhao nhao lên:
- Nghĩa là sao vậy?
- Ai cũng phải đọc hả?
- Đọc khúc nào vậy?
Cô Xiếu lên mặt giảng giải:
- Ai cũng phải đọc. Quỳ xuống bàn qùy là đọc liền. Đọc rồi mới nói thưa cha cho con xưng tội. Tại mấy chị ở Sa Đéc thì phải đọc vậy. Tụi tui ở đây đọc là “Thưa cha con ở Cù lao Giêng …………”
Nghe hợp lý quá, các chị tin liền, nhưng cũng còn người thắc mắc:
- Thì cũng phải nhưng mà cái câu sau: xem trẹm gì đó nghĩa làm sao?
Cô Xiếu cố nín cười:
- Ai mà biết. Câu đó học từ hồi mấy ông cố Tây còn ở đây. Mấy chị muốn biết thì kiếm mấy bà phước Tây hỏi đi.
Có ai dám kiếm mấy bà phước Tây mà hỏi. Thì thôi mình mới tới có người chỉ dạy cho là tốt rồi. Ba bốn chục chị Sa Đéc xúm lại học thuộc như cháo dưới sự chỉ dạy tận tình của cô Xiếu tốt bụng. Qua bữa sau, tới giờ giải tội cho các chị mồ côi Sa Đéc, ông cha giải tội ngạc nhiên khi thấy mấy chục người ai cũng đọc câu tụng kỳ cục đó. Ông nghĩ bụng chắc đây là thông lệ viện mồ côi Sa Đéc đặt ra, nên giờ ăn cơm, đem chuyện này hỏi bà dì phước phụ trách:
- Bộ ở nhà phước Sa Đéc đặt thêm bài kinh xưng tội mới hả? Mà sao bài kinh gì lạ quá, hổng hiểu gì hết.
Bà phước ngẩn ngơ, hỏi lại chị em, mới hay bài này do một chị trong Cù lao Giêng dạy. Bộ sậu quản lý nhà phước Cù lao Giêng không cần tra xét cũng biết ngay chóc thủ phạm là ai. Cô Xiếu được kêu ra, nhận tội không cần chối, vì chối sao nổi với mấy chục chị Sa Đéc. Kết quả cô phải chịu hình phạt nổi tiếng nhứt nhà dòng là qùy gối giăng tay giữa nhà thờ trong buỗi lễ suốt một tháng.
Cô Xiếu về làm dâu nhà địa chủ Thìn chưa được bao lâu thì ông già chồng qua đời. Từ khi ông Thìn mất, cái nhà bự chảng nằm trên miếng đất hồi ông bà ông vãi để lại thì rộng mênh mông, còn bây giờ ngày một ngày hai hẹp té lại bởi do đất nằm bên bờ sông lở, sanh ra cái chuyện là ma tà chọc ghẹo.
Cô Xiếu nấu sương sáo cho công thợ ăn. Nói nào ngay nhà này tuy mang tiếng địa chủ chớ hổng phải trong nhà ăn không ngồi rồi. Cũng hổng phải là ép nàng dâu như trả nợ. Chỉ là thấy việc thì làm thôi. Sương sáo nấu được lần đầu, qua lần 2 thì không đông, lần 3 cái chảo làm cái bụp, chảy té re bếp nước tắt ngủm. Thôi bỏ.
Rồi chuyện ban đêm ngủ dậy chợt thấy trên trốc nóc nhà chỗ sáng chỗ tối, mà cây đèn dầu huê kỳ nhỏ như cái hột vịt rọi vô cái mặt người ta còn thiếu lấy đâu chiếu sáng tới nóc nhà.
Rồi đồ đạc cất trong nhà hết bị đổi chỗ cái này tới đổi chỗ cái kia, cao trào nhứt là bộ áo dài cưới cô Xiếu cất trong tủ, một tay cô giữ chìa khóa, mà bữa đó ngủ dậy thấy cái áo cưới vắt to hỏ trên đọt tre, lấy cây sào dài móc xuống được thì trầy xước tùm lum, còn bộ nút vàng thiệt cẩn trên áo thì bị lắt cái còn cái mất. Ăn trộm mà lấy thì nó lấy cho hết chớ bỏ lại làm chi hổng biết.
Tức mình. Phải người khác thì sợ xanh máu mặt, mà gặp tay cô Xiếu thì có ngán ai đâu. Một mặt cô Xiếu rước về tượng Chúa thiệt lớn, một mặt mời ông cha sở xuống nhà đọc kinh, mặt khác cô lấy thang trèo lên tuốt mái nhà, lục lọi kiếm tìm coi trong mớ rường kèo cột có gì khác lạ hông. Cái việc coi như mò kim đáy biển vậy mà rốt cuộc cô kiếm ra một miếng vải đen bằng 2 ngón tay, vẽ mực đỏ, nhét dưới cây rường gần trính nhà. Hổng biết ai cắc cớ làm chuyện này. Mấy người khác đạo đồn là thợ mộc muốn yểm ông địa chủ mà vía ông Thìn lớn nên trấn át được, tới lúc ông Thìn chết mới mon men hù dọa. May là có cô con dâu trời không sợ đất không sợ nên từ đó mới hết cái chuyện ma tà trong nhà.
Mà thiệt là cô Xiếu không sợ trời không sợ đất. Ở trong trại mồ côi cô còn chưa sợ nói gì ra ngoài làm bà địa chủ. Ông Năm Trạng nghiêm trang chừng mực bao nhiêu thì bà vợ nghịch ngợm, tai quái bấy nhiêu. Xui xẻo cho ai mắc phải cái tội gì để lối xóm biết được. Anh rể mò em vợ chẳng hạn. Má vợ đánh bài ăn cắp tiền con rể chẳng hạn. Bà Xiếu nghĩ ra vần vèo thơ thẩn, rủ con nít lại cho bánh cho kẹo rồi dạy tụi nhỏ thuộc lòng, ca hát rêu rao đầu làng cuối xóm. Còn cuối vườn nhà bà có cái ao, bên kia ao là nhà ông Tỏ có bà vợ tên Tơ, với một mớ con hột gà hột vịt. Nhà ông Tỏ nuôi nhiều gà, nhứt là gà đá. Buổi sáng bà Xiếu làm bộ đi ra ao, hai tay vỗ đùi lạch bạch hỉnh mũi nhái tiếng gà, gáy vang lên tên của cả nhà ông Tỏ:
“Tơ, Tí, Tỏ, Lồng, Bàn,Chim”. “Tơ, Tí, Tỏ, Lồng, Bàn,Chim”
Bà Xiếu nhái khéo quá, gà nhà ông Tỏ tức tiếng gáy, xúm nhau gáy vang rân.
Nghịch ngợm như vậy nhưng mà không hại ai. Cũng không cậy thế mình là bà chủ mà lên mặt ức hiếp người khác. Chỉ có cái dở là bà … đẻ nhiều quá. Sòn sòn ba năm hai đứa. Cái công ông Thìn lựa cô con dâu thêu giỏi nhứt viện mồ côi coi như trớt quớt. Hết chửa tới đẻ, đẻ rồi chửa tiếp thì thêu thùa gì nỗi. Huống chi gia tài ăn hổng hết mắc mớ gì làm cho khổ. Chỉ lo cơm nước cho thợ với mớ con lúc nhúc cũng thấy hết ngày hết tháng. Đừng có ai hỏi sao giàu vậy mà không nuôi đày tớ. Cũng có, nhưng là gia đình hai ông bà già khú đế thời cha mẹ để lại. Ở riết quen tay quen chưn, cho họ nghỉ, thuê mướn người khác hổng đành lòng. Cũng may là hai ông bà này còn có được người con trai tên Cẩn, nhưng anh ta bị bệnh đâu từ hồi ba bốn tuổi gì đó, nghe thì được mà nói chuyện thì ngọng ngịu. Được cái ông Năm Trạng tin cậy dữ lắm, đi thu lúa ruộng là dắt theo cùng.
Vậy nên khi Hồng mới lớn một chút đã thấy cực rồi. Năm sáu tuổi là nách em bên hông đi chơi cho má làm công chuyện. Nách riết mà hai bên hông chai sần, ngó bắt gớm. Thiệt ra Hồng là con thứ hai, mà người con đầu sống hổng được mấy năm thì ra đi, nên Hồng trở thành con cả, dù vẫn kêu tên Ba Hồng. Mười tuổi là 4 giờ sáng Hồng phải dậy, cầm cây đèn dầu đi rảo một vòng dưới sàn cái nhà rộng mênh mông để … lượm trứng vịt chớ chi. Bữa nào cũng cả thúng. Lượm rồi mới để cho chú Sáu quét dọn được. Mười ba tuổi Hồng lãnh nhiệm vụ nấu ăn sáng trưa cho thợ cấy. Giỏi gì giỏi dữ vậy hổng biết. Mà tại giỏi nên mới cực. Dở có ai biểu làm đâu.
Năm Hồng mười bảy tuổi ông Năm Trạng bàn với vợ:
- Đất đai nhà mình giờ còn hổng được bao nhiêu, mỗi năm mỗi lở riết như vậy tới đời tụi nhỏ hổng biết làm sao mà chia. Má xấp nhỏ coi có hướng tính kiểu gì hông?
Bà Xiếu trầm ngâm:
- Không có đất thì phải học nghề mới sống được. Con đông không đủ đất chia thì mình cho nó đi học nghề. Tiền bạc bây giờ mình còn. Đứa nào lớn cho đi đứa đó.
Còn chưa biết tính sao cho Hồng thì thời may cô Ba Điểm về thăm nhà cha mẹ. Cô Ba theo Tây học, đương làm bác sĩ ở Phụng Hiệp. Cô biểu cho Hồng về ở với cô, chờ năm sau đủ tuổi theo học lớp bà mụ vườn hai năm chánh phủ mở một kỳ.
Vậy là bà Xiếu – hay còn kêu là bà Năm Trạng, cắn răng cho đứa con gái lớn ra đi theo chị chồng học nghề. “Để mai mốt còn lo nỗi cái thân nó”. Cũng phải thôi, đất vườn mỗi năm mỗi lở, ai có ở miền này mới thấm thía cái câu bên lở bên bồi. Bồi thì chút chút chớ lở thì làm cái ào, trời cho thì trời lấy chớ biết kêu ai. Đứa lớn đi thì đứa nhỏ thế vai, kẹt cái kế Hồng là Tư Nhan, con trai tay chưn lóng cóng, phụ cha nó thì được chớ biết mẹ gì cái vụ quán xuyến trong nhà. Vậy cho nên Năm Thơm còn nhỏ chút nhéo cũng phải đứng ra thay cho chị.
Hồng về Phụng Hiệp ở với cô Ba Điểm, chung với Sáu Sa, đứa em gái xinh đẹp nhứt nhà cô Ba ẩm về nuôi hồi đâu còn chút xíu. Kệ. Chị em gần gũi nhau cho thêm tình cảm, trên vai thì chảy xuống tay mà. Cô Ba không con mà có 2 đứa cháu gái đẹp như thiên thần, sướng muốn chết, cưng chiều 2 chị em không biết bao nhiêu mà kể cho xiết.
Nhưng mà nói gì thì nói, việc Hồng xuống đây ở là có mục đích đàng hoàng, chớ không phải như hồi xưa cô Ba thấy Sáu Sa dễ thương hết biết nên bắt về nuôi cho vui nhà vui cửa. Vậy nên cô Ba cho Hồng ăn chơi vài bữa, rồi biểu chuẩn bị bước vô trong nhà thương, làm quen lần lần với mấy cái cảnh con nít con nôi khóc lóc, mai mốt đi học còn biết thò tay ẩm con nít còn đỏ hỏn, chớ không liệu hồn quăng con người ta xuống đất cái ạch chớ hổng phải chơi.
Hồng nghe lời cô Ba dặn, qua qua lại lại trong nhà thương, thấy có bà già y công (hộ lý) lỗ mũi bị bệnh gì mà xẹp lép, người ta kêu bằng bà Năm xẹp thì thương lắm, hay lén đem đồ ăn bên nhà cô Ba đưa cho bà Năm. Lần hồi cô Ba biểu Hồng thử vô phòng sanh ngó chừng mà quen lần lần, để sau này khỏi ngơ ngơ ngáo ngáo. Mới hay cái số người trời tính chớ hổng ai tính nổi. Cô Ba làm trong bệnh viện bao nhiêu lâu chưa từng gặp cái sự tréo ngoe nào. Mà Hồng mới lần đầu tiên bước vô phòng sanh là dội ngược đi ra thề không bao giờ học.
Hổng phải là Hồng kiêu căng hay tánh hạnh bạc bẽo, chê bôi cái phận đàn bà. Mà bởi ngay từ lần đầu tiên bước vô chứng kiến cảnh qua đò vượt cạn, Hồng đã tận mắt nhìn thấy một quái thai. Đứa nhỏ là con của một me Tây, được đưa tới từ hai ngày trước. Lúc đó chỉ biết chờ đau rồi đẻ thôi, làm gì có thuốc men, siêu âm, xét nghiệm như bây giờ.
Khi bàn tay cô Ba đón đứa nhỏ trong lòng mẹ nó ra, Hồng đứng kế bên và xém xỉu. Đứa nhỏ không hề có cái trán, dẹp lép cái mặt nhìn rất sợ và cái miệng – cái miệng hơi méo pha trộn với cái mặt dẹp và không trán, làm cho người ta hình dung ra một con cá thờn bơn.
Cô Ba bình tĩnh quấn đứa nhỏ lại, còn Hồng thì chạy ra sau bụi chuối, gục mặt xuống đất ói miết, tự thề trong lòng không bao giờ học làm mụ vườn nữa. Khi ngước mặt lên cô thấy bà Năm xẹp nhìn cô thông cảm. Lau nước mắt ràn rụa, cô hỏi bà Năm:
- Bà thấy gì hông bà Năm?
Bà Năm gật đầu, rồi nói nhỏ:
- Phụ tui đào cái lỗ chôn đứa nhỏ.
Hồng ngơ ngơ:
- Nó chết rồi sao?
Bà Năm xác nhận:
- Chết rồi. Cô Ba nói mấy đứa như vậy khó mà sống được lắm.
Từ hôm đó, Hồng không vô chỗ làm của cô Ba nữa. Hồng cũng tính xin với cô Ba cho Hồng về ở với cha má chớ trong bụng không còn thiết tha gì cái sự nghiệp này. Ở nhà không làm gì, quen cái tay cái chưn hoạt động từ hồi nhỏ, Hồng đi tuốt ra bờ mương sau, gần cái vàm có chiếc ghe bự chảng của ai đậu hổng biết. Bé Sa chạy lăng xăng sau chị, chỉ trỏ:
- Cái tum ở gần chiếc ghe là của bà Năm xẹp đó chị ba.
Hồng hỏi:
- Còn chiếc ghe của ai?
- Của con bà Năm xẹp.
Té ra mẹ con bà Năm ở gần đây, mà sao bà Năm già ngắc già ngơ vậy mà còn đi làm chi hổng biết. Ở không cho con cháu nó nuôi. Hổng biết con cháu ở đâu mà để cho bà già làm lụng cực khổ dơ dáy vậy. Hồng dắt em đi tới gần hơn chút nữa, bé Sa cằn nhằn:
- Đi tới đây dơ dáy hôi thúi quá hà mà chị Ba dắt em đi.
Đúng là chỗ này đất dưới chưn bắt đầu lẹp xẹp, rồi còn thêm mùi bùn sình, mùi cây cối tùm lum. Hồng nói:
- Vậy mình về heng.
Bé Sa gục gặc cái đầu, nắm tay chị Ba lôi riết về. Chưa đi được mấy bước thì hai chị em nghe tiếng hát xa xa:
Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn.
Quan với quân lên đường
Hồng quay đầu ngó lại thấy trên chiếc ghe có người đàn ông đứng quay lưng lại múa máy tay chưn. Bé Sa cười rúc rích:
- Ông đó vừa múa võ vừa hát.
Hai chị em kéo nhau vô nhà. Chưa tới cửa thì gặp bà Năm xẹp đi ra. Bé Sa lẹ miệng:
- Bà Năm, tụi con mới ra chỗ gần nhà bà Năm.
Bà Năm hấp háy đôi mắt già:
- Ra đó chi vậy?
Hồng trả lời:
- Con đi loanh quanh cho biết mà.
Bé Sa chêm vô:
- Nhà bà Năm có ông gì vừa múa võ vừa hát đó.
Bà Năm cười móm mém:
- Vậy là thằng cháu nội tui nó về. Chớ tía nó ngồi trong ghe không có đi đâu ra ngoài.
Hồng ngạc nhiên:
- Sao vậy bà Năm?
Bà Năm buồn buồn:
- Bịnh mà.
Rồi thôi. Hai chị em Hồng cũng đi vô. Hồi đó ở quê thiếu gì bệnh. Mà người ta còn kiêng cữ gió máy, nhốt kín trong nhà. Có người nghe kể nhốt riết mà tới hồi ra đường con mắt ráo hoảnh, khỏi ngó thấy gì luôn. Tây y nói thiếu Vitamine A còn thuốc Nam truyền miệng hô bị lòa mặt trời. Hổng biết ai sai ai đúng, nhưng mà ở miết trong ghe hổng ra chắc bệnh dữ lắm nghen. Hèn chi mà bà Năm già cóc đế còn phải đi mần kiếm tiền nuôi con. Vậy mới khổ.
Qua qua lại lại nói chuyện nhà cửa với bà Năm mấy hồi, Hồng mới biết hoàn cảnh gia đình bà Năm cũng đoạn trường lắm. Hồi xưa ở Phong Điền, bà Năm có được một ông con trai, cái người bệnh trốn trong ghe đó, tên là Cự - Hai Cự. Lớn một chút cho đi học võ, giỏi dữ lắm nghen, đi theo người ta lên đấu võ đài nữa đó. Hai Cự có vợ, sanh được một gái là Hai Dung, đứa trai là Ba Nhiêu, cũng cho học hành đàng hoàng lắm. Đương yên ổn thì vợ Hai Cự chết, lúc đó thằng nhỏ mới được mười một tuổi. Hai Cự buồn quá dắt con trai đi phiêu bạt giang hồ, gởi con Dung lại cho má nuôi. Hai cha con đi với nhau, may phước gặp được một ông Chà và (Nam Dương – Indonesia) thương lắm, rủ hai cha con ở lại, đi thu hoa chi mấy cái chợ cho ông. Cũng là cậy mấy miếng võ trong mình Hai Cự và thằng con trai bắt đầu lớn.
Ba Nhiêu lúc đó mới học hết tiểu học trường làng, nhưng nhờ theo cha lang bạt kỳ hồ, khôn ngoan trước tuổi. Đi theo ông Chà và hồi lâu học được thêm tiếng Chà và, còn bập bõm tiếng Pháp do ông Chà và bày cho nữa. Hai Cự thấy con trai thông minh như vậy thì vui lắm, gắng sức dạy nghề võ cho con, với gởi tiền về cho bà Năm lo đem con Dung đi học may vá giống người ta.
Mới được 5 năm làm ăn rủng rỉnh chút thì Hai Cự phát bệnh. Mà bệnh độc thiệt. Bắt đầu từ ngón chưn cái đau nhức bên trong, rồi thì thịt thúi lần lần, lần lần chịu không nổi. Ai bày gì biểu gì cũng lo, tiền bạc dành dụm được chút đỉnh trút ra cho hết. Đã vậy chòm xóm còn nhiều chuyện nói Hai Cự bị cùi, nhốn nháo muốn đuổi đánh mẹ con bà cháu nhà bà Năm. Cũng may là bữa đó cô Ba Điểm đi dự đám cưới con ông đốc học ở Phong Điền, cũng là người quen với cô Ba hồi cô Ba đi Pháp. Cô Ba thấy nhốn nháo mới xuống coi chuyện gì. Ngó qua cái bệnh lạ cô nói cho dân làng biết chứng bệnh này theo Tây học hổng phải cùi lở gì hết mà là bệnh hoại thư.
Cũng may là ông đốc học là người có tiếng tăm, cô Ba Điểm lại là nguời có học có hành có chữ nghĩa còn đương mần việc cho nhà thương Tây nên mẹ con bà Năm thoát khổ. Thấy vậy cô Ba kêu bà Năm về Phụng Hiệp mần việc cho nhà thương cô đương quản, hưởng lương của Chánh phủ, dù sao cũng còn khá hơn ở Phong Điền. Vậy là mẹ con bà Năm về theo cô Ba, cất cái tum phía sau cho cả nhà ở, còn Hai Cự ở một mình trên ghe, do chứng bệnh lạ hôi thúi lắm cô Ba không cho người khác ở chung. Riêng đứa cháu trai không về Phụng Hiệp mà đi theo ông Chà và kiếm tiền phụ thêm lo thuốc cho cha.
Hồng hỏi bà Năm:
- Vậy chớ mà cái bệnh của chú Hai phải chịu mãn đời sao?
Bà Năm rướm rướm nước mắt già nua:
- Trời cho sao chịu vậy mà. May là có cô Ba thương tưởng chớ không thôi người ta hô cùi lở bắt đưa ra biển rồi.
Hồi đó có cái trại cùi ở đâu xa lắm, dân quê mùa kêu tắt là ra biển cho gọn. Hồng ái ngại:
- Rồi hốt thuốc ở đâu uống vậy bà Năm?
Bà Năm than thở:
- Ai bày gì làm đó cô ơi. Mấy hổm rày cắt lá tre đốt lên lấy tro nấu nước ngâm.
Mấy hồi sau này thiệt là rảnh rang vì Hồng đã nhứt quyết về nhà không theo học. Mà cô Ba thì còn lu bu công chuyện chưa có giờ đưa Hồng về nhà cha mẹ. Làm hết công chuyện nhà Hồng đi tới đi lui phát ngán. Bé Sa rủ:
- Chị Ba với em vô trong đồng chơi đi.
Chiều mát mát hai chị em tò tí dắt nhau đi. Đi đại cho vui thôi chớ biết ruộng vườn gì của ai. Hồi còn ở nhà cũng có khi Hồng theo ông Sáu đưa cơm cho thợ, cũng đi trên bờ ruộng thênh thang xanh ngát như vầy. Nhưng mà đi lật đật như ma vật vãi, sợ trưa trờ trưa trật thợ gặt thợ cấy hổng kịp cơm ăn. Về thì nắng chang chang, cũng te te đi cho lẹ chớ ngắm nghía gì nỗi. Còn bây giờ rảnh rang, trời chiều mát mẻ, hai chị em thảnh thơi dắt nhau đi lon ton vừa đi vừa ngó trời ngó đất, hít hít mùi lúa trổ đòng đòng thơm ngát. Đương đi ngon lành thì bé Sa la :
- Quớ chị ba. Con rắn.
Hồng giật nẩy mình nhìn theo hướng tay bé Sa. Xích xích mé dưới miếng ruộng gần đó, con rắn ngóng cổ cao nghệu thở phì phò. Hai chị em thay nhau la làng thì thấy bóng người ở bụi tre nhỏ gần đó phóng tới. Rồi chớp mắt sau trên tay anh ta lúc lắc con rắn thấy ghê. Anh ta cười:
- Hết rồi. Hai chị em đừng có la nữa.
Hồng tỉnh táo lại còn bé Sa lẹ miệng:
- Anh giỏi ghê ha, bắt rắn cái một.
Anh thanh niên cười cười:
- La dữ quá mà, phải nhảy ra bắt chớ.
Bé Sa thắc mắc:
- Nhà anh ở đây hả?
Anh chỉ vô bụi tre trả lời:
- Tui đi cắt lá tre.
- Chi vậy?
- Mần thuốc cho ông già. Mà hai chị em ở đâu tới đây?
Sa chỉ tay:
- Ở chỗ nhà thương đó. Cháu của má Ba.
Anh thanh niên không nói gì thêm, bỏ đi. Hồng suy nghĩ, cắt lá tre làm thuốc. Chắc là con cháu gì của bà Năm đây. Cô hỏi với theo:
- Phải anh là cháu bà Năm xẹp hông?
Anh không quay lại mà gục gặc cái đầu. Bé Sa hân hoan:
- Chị Ba giỏi thiệt á. Tự nhiên cái biết cháu bà Năm.
Chiều bữa sau rảnh rảnh. Hồng ngồi bắt chí cho bà Năm, cô kể chuyện hôm qua đi chơi. Bà Năm nói:
- Ờ, nó đó. Mấy bữa nay ngày nào nó cũng đi cắt lá tre về để sẵn cho tía nó làm thuốc. Mà bữa nay nó đi mần việc cho người ta rồi.
Rồi bà thở dài:
- Thiệt là trời hành con tui đau đớn chưa đủ. Còn khổ thêm thằng nhỏ gánh vác chuyện bệnh hoạn nữa.
Mấy bữa sau cô Ba Điểm đưa Hồng về nhà, cha mẹ khuyên nhủ cách gì Hồng cũng nhứt định không chịu trở lại Phụng Hiệp. Hồng nói thấy một lần là cô sợ cho tới già tới chết. Bây giờ đưa vàng cho cô cầm biểu cô đi học đi làm cô cũng chịu thua. Thà về nhà mình nấu cơm lượm hột vịt chấm muối ớt ăn cũng được.
Một bữa Hồng ra bến nước giặt đồ, ở quê nhà nào cũng có cái bến nước trên mương, nhà Hồng cũng vậy. Thủy triều vô rồi thủy triểu ra, canh con nước ròng nước lớn mà lấy nước sạch xài cho sướng. Hôm đó Hồng giặt một thau đồ bự chảng, sơ ý làm trôi cái áo trắng mới tinh của mình. Cô đương lay hoay kiếm cây sào kéo lại thì đã thấy chiếc ghe chèo tới, người chèo ghe khều cái áo trắng tươi đưa lại cho cô. Nụ cười trên môi anh ta làm cho cô nhớ ra đây là người đập chết con rắn bữa hổm, cũng là cháu bà Năm xẹp, con trai ông Hai Cự. Anh hỏi cô:
- Nhớ tui hông?
Hồng gật đầu. Anh lại hỏi:
- Nhà đây hả?
Hồng lại gật. Có tiếng xí xa xí xố trong ghe vọng ra. Anh ta nói:
- Thôi tui vô vàm một chút, chiều trở ra.
Chạng vạng hôm đó anh ta trở ra thiệt, cầm theo chùm dừa nước và nắm bông điên điển đưa cho Hồng khi cô đương lúi húi đãi mớ đậu xanh để sáng mai nấu cơm nếp. Nụ cười của anh ta sáng rực, còn đôi mắt lại quá long lanh.
Hồng không hề biết rằng, đằng sau bụi ô rô gần bến nước, có một đôi mắt khác nhìn theo cô chăm chắm.
-------------------
Con nhỏ rướn người thò tay xuống nước khoát khoát, bà Hồng cằn nhằn:
- Bây làm giống gì vậy? Ngồi không ngứa tay ngứa chưn lắm hả?
Con nhỏ cười hì hì:
- Cho mát mà nội, với lại nước đâu có dơ.
Bà làm bộ nghiêm mặt với nó. Nó le lưỡi rút tay vô, giả bộ nhắm mắt dựa vô vách tác ráng ngủ. Chiếc tác ráng nhỏ xíu, chở hơn chục người chớ mấy. Hai bà cháu xuống ở bến Ninh Kiều đi vô chợ Bảy Ngàn. Chợ Bảy Ngàn nhỏ như cục cứt mũi nên không có ghe lớn mà đi, gần hai chục nguời lên chiếc tác ráng này để vô trỏng.
Tối hôm qua sau một đêm không ngủ được, sáng nay bà đổi ý kêu con nhỏ soạn đồ bà dắt đi chơi. Con nhỏ la lên sung sướng rồi dọn đồ rẹt rẹt. Mả cha nó chớ. Quen cái thói được cưng chiều cho dữ, mai mốt lấy chồng rồi mẹ chồng nó quánh cho khóc bầm con mắt luôn. Tướng con này mà. Nhỏng nha nhỏng nhảnh chớ biết mần ăn gì. Thôi kệ, con cháu mình thì mình thương mình cưng. Chừng nào thành con người khác rồi họ muốn nhào muốn nặn gì là quyền của họ. Chớ lo chi cho xa dữ vậy. Hổng lẽ sợ mai mốt nó khổ rồi bây giờ cũng bắt nó phải chịu khổ trước sao? Mà đã kêu là cái số rồi thì chạy trời hổng khỏi nắng, trước sau gì hổng khổ. Còn trời đã cho sướng thì con mụ nội mày có hổng biết dạy mày thì mày cũng sướng như thường.
Mà cái con này nó cũng nhiều chuyện lắm. Hồi mấy năm trước hổng biết suy nghĩ sao mà mẹ nó gởi hai chị em nó về quê (mà thiệt ra là tỉnh lỵ) để đi học. Chắc sợ con mình lớn lên quên hết cội nguồn. Cháu về nên bà cũng khăn gói về ở với nó. Ba bà cháu ở trong cái nhà hồi nẳm sanh nó ra, sau này gia đình đi làm ăn xa tuốt luốt mới cho người ta mướn, bây giờ lấy lại để ở. Cái nhà nằm trong hẻm nhỏ nhưng hết hẻm là con đường rộng mênh mông liên tỉnh, kế ra một chút là nhà thờ, rồi bến xe, tỉnh lỵ mà. Đối diện nhà bà là nhà cha mẹ, tức là ông bà Năm Trạng, cái con nhỏ này phải kêu bằng ông cố bà cố. Hồi xưa mười mấy tuổi là có gia đình, cho nên cháu cố học đệ ngũ, đệ tứ mà ông cố bà cố còn khoẻ mạnh đi tới đi lui; còn bà nội nó, tức là bà, hơn năm mươi chớ mấy. Liệu chừng mà con này lấy chồng sớm là bà lên chức bà cố mấy hồi. Còn cha má bà thì thành ông sơ bà sơ. Ông sơ bà sơ gì mà tóc chưa kịp trắng hết, trí nhớ minh mẫn hổng quên hổng sót miếng gì.
Vậy cho nên cái con nhiều chuyện này ngày nào cũng ôm cổ bóp chưn bà cố, thủ thỉ đòi kể chuyện hồi xưa, tức là hồi nó còn ở trong cái cõi mông lung nào đó chớ chưa chui được vô đầu gối của thằng cha nó nữa. Ác cái là ông bà Năm Trạng lại cưng đững con nhỏ hết sức, nhứt là mẹ bà – bà Xiếu. Tối ngày hễ hết giờ học hành thì thấy hai bà cháu hủ hỉ với nhau. Mà cái con này cũng quái ác, con gái non nõn ở tỉnh lỵ mà hổng ham chơi bời gì hết, ai rủ đi ra phố chơi hay đi coi phim coi cải lương nó cũng ừ hử ra đi chút xíu là thấy một mình trở về. Hỏi thì nó nói có cái gì hay đâu mà coi, thà ở nhà đọc sách đọc truyện còn hơn. Vậy nên bà cố nó cưng nó lắm, bã nói khỏi mất công lo xa.
Mà nói về kể chuyện thì bà Năm Trạng có đầy một bụng, kể hoài hổng hết, hai bà cháu kể rồi cười sục sục với nhau. Thiệt tình là bà già, già sắp chết rồi mà còn giỡn chơi hổng ai bằng. Hèn gì hồi trẻ nhiều khi ông Năm Trạng nửa khóc nửa cười với bà vợ ác ôn. Xa lạ gì đâu, mới hai tuần trước, bà Hồng với bà Năm, hai mẹ con dắt nhau ra chợ, bà Năm cặp theo cái thúng nhỏ, hổng biết tính đi mua cái gì mà để cái bao bồng bột trắng hếu trong thúng. Lon ton ra tới đầu hẻm, gặp bà Tư Bảnh đi vô. Bà Tư Bảnh hồi xưa cũng ở trong hẻm, mấy năm nay theo con gái về Đồng Quao coi chừng nhà cho nó. Bữa đó hổng biết có chuyện gì mà bà Tư Bảnh trở về nhà.
Vậy là bà Năm Trạng ôm lấy bà Tư Bảnh khóc hu hu ngon lành, bà Hồng còn chưa biết gì thì bà Tư Bảnh lật đật hỏi:
- Chị Năm, chị Năm sao khóc dữ vậy?
Bà Năm chùi nước mắt:
- Ông Năm tui chết rồi.
Bà Hồng nghe là biết giỡn liền nhưng mà bà Tư Bảnh thì hốt hoảng:
- Ủa anh Năm mất hồi nào vậy?
Bà Năm hích hích:
- Hơn mười ngày.
Rồi bà chỉ vô cái bao bồng bột trong thúng.
- Khăn tang tui đây nè.
Bà Tư Bảnh lúc này tin thiệt, khóc bù lua bù loa:
- Trời ơi. Tội nghiệp anh Năm quá, Anh Năm hiền lành quá, đàng hoàng quá mà sao trời bắt đi sớm vậy hổng biết.
Ở đầu hẻm lác đác vài người tò mò bước ra ngó hai bà già khóc lóc với nhau. Để cho bà Tư khóc đã đời, Bà Năm Trạng mới hỏi tỉnh rụi:
- Sao chị khóc dữ vậy chị Tư?
Bà Tư chùi nước mắt:
- Anh Năm ảnh chết tui thương quá mà.
Bà Năm giả nai:
- Ủa, ổng chết hồi nào?
Bà Tư ngạc nhiên:
- Thì chị mới nói hồi nãy.
Bà Năm cười hí hí:
- Tui nói vậy mà cũng tin hả. Con mẹ này dễ bị gạt dữ ta!
Bà Tư vừa giận vừa tức cười, chửi đổng:
- Đồ mẹ già mất nết.
Bà Năm cười ha hả kéo bà Hồng đi. Vậy đó. Bà Năm Trạng tuy ngoài bảy mươi chớ cái đầu mới bạc chưa được phân nửa, trí khôn còn nhớ rành mạch chuyện trên trời dưới đất và nhứt là nghĩ ra cách chọc ghẹo hết người này tới người khác.
Vậy cho nên cái con này nó lẻo đẻo tối ngày theo bà cố, tối ngày lục lọi trong cái đống chuyện đời xưa khúc nhặt khúc khoan của má bà kể lại, nhiều cái bà quên đâu mất tiêu mà nó nói leo lẻo giống như nó sống đâu thời năm một ngàn chín trăm mười mấy vậy. Là do bà cố nó kể chớ ai vô đây.
Bởi vậy mà mấy bữa nay nó làm mình làm mẩy, phụng phịu giận hờn đòi đi cho bằng được, nên giờ hai bà cháu mới ngồi trên chiếc tác ráng này. Không phải vì nó hả? Còn lâu mới thuyết phục nỗi bà. Nhưng mà bà cũng tự hỏi mình, tại sao mà bà có thể vì một đứa con nít mà xoá bỏ đi lời thề đã bao nhiêu năm rồi tồn tại? Cái gì xui khiến bà như vậy? Đâu chỉ vì những giọt nước mắt và đôi má phụng phịu, cái môi dỗi hờn của con nhỏ. Phải vậy hông?
Con nhỏ mở mắt ra, lắc lắc tay bà nội:
- Nội. Nội. Con kể nội nghe cái này.
Bà Hồng hỏi:
- Gì? Nói đi.
Con nhỏ cười chúm chiếm:
- Sáng hôm qua cố làm con sợ gần chết.
Bà Hồng ngó nó lườm lườm sau cặp kiếng:
- Cố làm gì mà sợ?
Nó thủ thỉ:
- Hồi cố đi nhà thờ về á. Hồi nội đi mua đồ ăn sáng đó. Con đương ngồi học thì thấy bà Năm Hợi cõng cố vô nhà. Con hết hồn tưởng cố trúng gió lật đật phóng lên hỏi cố bị sao vậy. Cố cười sằng sặc nói có sao đâu, tao đi nhà thờ về làm biếng đi bộ nên rủ con mẹ già này oản tù tì ai thua phải cõng về nhà. Con mẻ thua phải cõng chớ chi.
Đã vậy mà bà Năm Hợi còn cười hì hì:
- Ốm nhom ốm nhách cõng nhẹ re. May hông thôi mà bà cõng tui thì bà có nước lết chớ đi gì nỗi.
Cố cười hăng hắc:
- Còn lâu tui mới thua. Nói cho bà biết.
Con nhỏ ngừng lại, nuốt nước miếng rồi nói thêm:
- Con cũng biết cố hổng thua. Cố oản tù tì với con lần nào cố cũng thắng hết.
Ờ. Cái này thì chắc ăn rồi. Bà Năm Trạng oản tù tì với ai có khi nào mà thua đâu, trừ phi bà cố tình nhường, cho con nít thí dụ. Thiệt là bà già hết biết, sắp có cháu sơ rồi mà còn lí la lí lắc như con nít. Kể ra thiệt hổng ai tin. Bà là con gái ruột, tóc cũng bạc rồi mà nhiều lúc còn bị mẹ mình xí gạt. Như hồi tháng trước, con nhỏ này bị đau bụng dữ lắm, ông thầy thuốc Tế Sanh đường hốt cho nó ba thang, dặn trong mười ngày không được ăn cái gì chua, ngọt hết. Vậy mà có bữa bà đương ngồi trong bếp, nghe tiếng mẹ mình bên ngoài vọng vô:
- Tao nghe nội mày dặn hổng được ăn chua ngọt mà sao mày còn ăn quýt vậy?
Từ trong bếp bà lật đật chạy ra:
- Đâu? đâu? Quýt ở đâu mà ăn?
Bà già cười ha hả chỉ con nhỏ nằm đắp mền, đắc chí:
- Bây giở mền ra coi, nó trốn trong mền ăn đó.
Dĩ nhiên là không có trái quýt nào hết mà chỉ có bà già cắc cớ kiếm chuyện cười chơi thôi. Vậy đó, mẹ con mà còn bị gạt nữa chớ đừng nói người ngoài.
Con nhỏ bỗng dưng dựa đầu vô lòng nội:
- Nội à. Nội kể chuyện hồi xưa cho con nghe đi nội.
Bà Hồng làm nghiêm:
- Chuyện gì mà kể. Bao nhiêu chuyện bà cố kể cho nghe chưa đủ sao?
Con nhỏ nũng nịu:
- Cố hổng có kể chuyện ông nội đâu.
Bà Hồng trừng mắt:
- Nhiều chuyện. Ngủ đi.
Con nhỏ lại bùng thụng cái mặt má bầu ngó lâu muốn chửi, cụp mắt xuống giả bộ ngủ như hồi nãy. Bà Hồng nhìn cháu, bỗng bâng khuâng………….
----------------------
Cái tin con trai Hai Cự đòi cưới cháu gái cô Ba Điểm làm cho bà Năm xẹp muốn nổ banh cái lỗ mũi. Ai đời cái thằng hổng biết ngó trên ngó dưới gì hết. Nhà người ta ăn trắng mặc trơn, dầu gì cũng tiền muôn bạc vạn. Còn nhà mình cất cái tum ở nhờ trên đất người ta, kiếm từng cắc bạc sống qua ngày mà nó đòi làm cái chuyện động trời. Hổng có cô Ba cho làm công ở đây thì lấy cơm đâu bỏ vô miệng Hai Cự. Còn chưa kể hồi đó hổng có cô Ba thì mẹ con bà Năm bị đám dân Phong Điền đuổi đánh đòi đưa ra biển rồi. Ơn nghĩa cô Ba mang hổng biết bao nhiêu mà trả cho nỗi. Vậy mà tối hôm qua Hai Cự nói má qua gặp cô Ba nói trước một tiếng, rồi mình chèo ghe tới bên Chợ Mới thăm nhà người ta. Trời ơi. Mặt mũi bà mà sao dám nói chuyện đó với cô Ba. Khác nào thấy người ta giàu có muốn nhảy vô bắt quàng.
Còn thằng Hai nó nghĩ sao mà kỳ cục? Chưn cẳng như vậy, thịt mỗi ngày rửa đi một miếng, hôi thúi quá chừng, bà là mẹ còn chịu hổng xiết, biểu qua nhà người ta ai chịu cho nỗi. Mỗi lần con Dung qua làm thuốc cho tía nó là cái mặt nó nhăn như khỉ đột. Riết rồi Hai Cự ghét quá hổng muốn ngó mặt, biểu đi dìa cho rồi để tự lo.
Mỗi lần thằng cháu nội bà về cũng tội nghiệp lắm, nó vô thăm hỏi tía cho ổng vui đôi chút rồi cũng bước ra ngoài, tối chui vô cái tum của bà Năm mà ngủ. Vậy mà đèo bòng đòi cưới con nhà giàu. Cưới con người ta về rồi ở đâu? Con cái sanh ra nuôi nấng chỗ nào? Đáng lẽ thấy con mình dại dột như vậy Hai Cự phải khuyên lơn nó. Đàng này còn cười ha hả biểu bà phải đi gặp cô Ba.
Hai Cự có cái lý của Hai Cự. Ổng nói qua cơn bĩ cực phải tới hồi thới lai chớ. Con trai ổng cực khổ từ hồi mười một tuổi. Bây giờ trời cho nó chuột sa chỉnh gạo, sao ngăn cản nó làm gì? Hổng lẽ muốn con ông cả đời làm thuê làm muớn hoài sao. Còn con Dung nữa kìa, nghèo quá hổng ai dám rước. Cưới được con gái nhà giàu ít nhiều gì cũng có chút của hồi môn dắt lưng. Đem đi lấy vốn làm ăn, biết đâu trời cho khấm khá như hồi trước. Chớ cái kiểu mấy đồng bạc má lãnh đủ mua gạo, mấy đồng con Dung kiếm đủ mắm muối trong nhà, thằng Nhiêu lâu lâu đưa về thì lo mua thuốc rê, thuốc uống. Chờ tới chừng nào mới có của cải trong nhà như người ta đây?
Cô Dung cũng có cái lý của cô Dung. Cô cũng muốn em trai mình lấy vợ giàu để còn mong nhờ cậy. Nhưng mà cô thấy buồn trong bụng. Con gái lớn chưa kịp lấy chồng mà thằng em đã dắt vợ về nhà rồi. Vậy là mang tiếng gái già chớ còn gì nữa. Giống cô Ba Điểm vậy. Nhưng mà cô Ba Điểm giàu có sang trọng, hổng lấy chồng là tại cổ kén cá chọn canh, muốn kiếm cho được một ông chồng giỏi giang như cổ nên mới ở tới tuổi này. Chớ như cô Dung mới qua hai mươi thôi mà mang tiếng gái già thì đau xót lắm. Mà còn cưới con nhà giàu nữa chớ. Mai mốt em dâu nó leo lên đầu con chị chồng ngồi. Dung cũng không muốn em mình cưới vợ trước chút nào.
Nhiêu thì hổng có cái lý gì hết ngoài cái lý ‘thương cổ”. Giống như Nhiêu đã nói với Hồng “Qua hổng biết suy nghĩ gì hết, qua biết có một chuyện là qua thương em, muốn ở chung với em”. Có nhiêu đó thôi. Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Chị hai hổng muốn tui cưới con gái nhà giàu. Kệ tui. Cưới về là vợ tui. Giàu nghèo gì cũng vậy. Lấy quạ theo quạ, lấy gà theo gà. Tía muốn tui chuột sa chỉnh gạo. Tía mơ mộng dữ đa. Nhà người ta con trai mấy đứa, nữ sanh ngoại tộc; làm gì đâu mà có của đưa về cho tía. Còn bà nội nữa. Tối ngày than thở nợ ân nợ nghĩa với cô Ba. Nợ ân nghĩa thì sao. Cưới về tui lo cho cổ đầy đủ sung sướng khỏi đụng móng tay là coi như ân nghĩa chu toàn rồi. Già rồi lo chi cho dữ hổng biết.
Vậy đó. Mỗi người một ý. Cân phân tới đâu rồi bà Năm cũng phải kiếm cái áo mới nhứt khoát vô mình đi gặp mặt cô Ba Điểm. Thấy cô ngồi trên trường kỷ không nói không rằng, vừa gặp mặt bà Năm là thở hắt ra. Làm cho bà Năm vừa rầu vừa mắc cở muốn chết.
Bà Năm rầu một, cô Ba rầu tới năm, sáu lận. Cũng tại cô Ba làm lanh đem Hồng về đây học việc, mới gây nên nỗi quen biết Ba Nhiêu. Làm sao mà vợ Năm Trạng hổng trách chị chồng nhiều chuyện. Thiệt tình là cô Ba không có ý chê bôi nhà họ. Chúa dạy mọi người giàu nghèo gì ra trước mặt Chúa đều bình đẳng như nhau. Nhưng mà có học qua, cô Ba biết cái bệnh của Hai Cự còn là bệnh nan y, chưa có thuốc gì trị nỗi. Như vậy con Hồng về nhà này cung phụng cho ông già chồng bệnh tật hôi thúi suốt đời. Sao mà trong bụng cô hổng ưng chút nào hết. Khổ con nhỏ lắm a. Về cái nhà này rồi giang sơn một gánh, nào bà nội, nào cha chồng, chị chồng. Nhà cô Ba bao nhiêu năm nay sống sung sướng nhàn hạ. Quanh năm Năm Trạng đi thu lúa, mẹ con Hồng ở nhà ăn rồi đẻ, con Hồng tuy là có cực khổ em út cơm nước nhưng mà chưa hề buôn bán, ruộng vườn. Gã nó về đây mần cái giống gì mà ăn hổng biết. Cô Ba nghĩ tới nghĩ lui mà đau muốn bể cái đầu, ân hận sao mình đem nó về đây cho trai gái quen biết nhau, chớ để ở trển mụ nội cha quân nào đi tới đó mà quen biết.
Hôm trước vợ chồng Năm Trạng cũng có than thở với cô. Hai vợ chồng cũng biết luật đạo không được cấm cản chuyện hôn nhân của con. Nhưng mà luật đạo cũng buộc cha mẹ phải lo cho con làm phép cưới theo luật. Mà vợ Năm Trạng là con bà phước, cái chuyện đạo nghĩa đặt lên hàng đầu. Của cải tiền bạc bỏ qua được chớ đạo thì nhứt quyết phải đâu ra đó à nghen. Năm Trạng thì cằn nhằn thằng đó đàn ông mà con mắt ướt rượt, lưng dài vai rộng như vậy mai mốt mèo mỡ gà đồng khổ thân con Hồng lắm. Thiệt tình hổng phải chê nghèo mà chê cái tướng đào hoa lộ ra mặt của Ba Nhiêu. Cha mẹ nào hổng thương con, nghĩ tới mai mốt con gái mình nuôi nấng cưng đững nưng niu, về nhà người ta đầu tắt mặt tối mà còn bị phụ phàng thì lòng cha, lòng mẹ nào chịu cho thấu. Thương con thì giấu đút cho nó chớ hổng lẽ khiêng ruộng vườn mình ra nuôi giòng họ chồng nó. Cả chục đứa em hột gà hột vịt lúc nhúc phía sau nó làm chi? Đó là chưa nói nếu thuộc mớ bội bạc có cho ăn ngập mặt tới cũng cũng trăng hoa, cũng trắng như vôi thôi chớ tốt lành gì. Năm Trạng tối ngày thở dài thở ngắn chê trách tướng tá thằng nhỏ đào hoa bạc hạnh. Làm giống như giỏi coi tướng coi số lắm hổng bằng.
Mấy cái chuyện này hôm trước cô Ba có đem ra nói với Hồng rồi. Con nhỏ không nói không rằng ngồi khóc sướt mướt. Thiệt đúng là nữ sanh ngoại tộc, ông bà nói hổng sai. Người lớn nói điều hay lẽ thiệt cho nghe thì làm như tra khảo gì nó hổng biết. Nhà này hiền lành quá nên con gái mới nhỏng nhảnh như vậy. Chớ còn thiếu gì nhà cậy có của, đổ tiền ra mướn người hãm hại, ngăn cản không cho con gái lấy nhà không môn đăng hộ đối. Coi mấy tích tuồng là biết liền hà.
Sau cùng cô Ba và vợ chồng Năm Trạng quyết ý với nhau. Không phải chỉ riêng Ba Hồng, mà sau này tất cả mọi đứa con trong nhà đều làm như vậy. Đứa nào lấy vợ lấy chồng mà khác đạo, không có phép cưới trong nhà thờ thì coi như cha mẹ tai ngơ mắt nhắm, sau này có đói khổ gì thì cũng đừng khóc lóc quay về. Ngoài chuyện đó ra thôi, còn nghèo giàu tiền bạc gì cũng không màng tới.
Vậy nên khi bà Năm cất tiếng nói, thì cô Ba Điểm vô đề ngay lập tức, cô nói:
- Bên nhà tui cũng biết rồi mà bà Năm. Bây giờ tụi nhỏ nó muốn vậy, mình là cha mẹ đâu có cấm cản gì được đâu, luật Chúa hổng cho phép gia đình tui như vậy. Nhưng mà tui cũng nói thiệt. Nhà tui đạo gốc cả trăm năm nay. Cho nên muốn gã con Hồng là phải theo phép đạo, cho có lễ cưới trong nhà thờ, rồi bất kể chuyện gì cũng được hết.
Bà Năm xẹp mừng húm, lật đật trở về chiếc ghe kể lại cho Dung với Hai Cự nghe, chắc mẵm được yên cái thân già lần này rồi. Ai dè Hai Cự phùng mang trợn mắt:
- Cái gì? Theo đạo hả? Nhà này có một con trai, ai cho theo, ai thờ cúng ông bà
Bà Năm lập cập:
- Theo cũng đâu có sao. Thấy nhà cô Ba tốt hết sức mà.
Dung chì chiết:
- Thuở nay vợ theo chồng chớ chồng nào theo vợ đâu?
Bà Năm rầu rầu:
- Người ta như vậy là đã nhân nhượng chín phần rồi bây.
Hai Cự cương quyết:
- Không. Tui hổng cho thằng Nhiêu theo đạo vợ. Muốn cũng không cho.
Vậy là hai bên kình chống quyết liệt rồi. Hai Cự suy nghĩ riết rồi nghĩ ra mưu cao. Kêu Ba Nhiêu tới nói khích đủ thứ rồi dặn dò con trai làm như vầy như vầy. Coi bộ Ba Nhiêu cũng một ý với cha, đắc chí muốn cho gây thù với bên nhà vợ.
Một bữa Ba Nhiêu chèo ghe lên nhà thủ thỉ với Hồng lâu quá không xuống thăm cô Ba. Hồng cũng nghe lời xin phép cha mẹ đi thăm cô. Ba Nhiêu chèo đường kinh mé trong đổ ra ngoài vàm đi tuốt luốt mấy ngày mới quay lui về nhà cô Ba Điểm, còn nhắn bạn hàng nói giùm với vợ chồng Năm Trạng là đón Hồng về nhà chồng rồi. Vợ chồng Năm Trạng xanh máu mặt, giận con thì ít giận mình thì nhiều, nhưng cũng nén lòng sai Tư Nhan đi xuống đón chị về.
Tư Nhan nhỏ hơn Hồng 2 tuổi, vậy mà cũng bày đặt tập tành yêu đương. Giả để ý Bướm – con Sáu Tang, hai đứa bằng tuổi. Nhà cửa gia thế thì hổng có gì phải chê rồi, mà vợ Sáu Tang hổng chịu, muốn kiếm thằng con rể trộng trộng hơn một chút. Bã nói lấy thằng chồng con nít về thì con gái bã khổ. Nên mỗi lần Nhan với Bướm hẹn hò mà có đứa nào mét là Sáu Tang vác dao rượt Tư Nhan chạy có cờ.
Tư Nhan lon ton mới đi xuống chưa kịp nói gì với chị thì gặp Ba Nhiêu kéo vô quán nhậu. Nói qua nói lại một hồi Tư Nhan nghe anh rể hờ kể khổ, suy nghĩ lại thân phận mình đương mới tập tành yêu đương, cha mẹ vợ khó khăn nên mình cũng khổ. Nghĩ đi nghĩ lại rồi te te xuống ghe chèo riết về nhà, trả lời cha mẹ là chị Ba chỉ ở lại hổng về.
Vợ chồng Năm Trạng buồn muốn đứt ruột, sai tiếp Năm Thơm xuống đón chị, mà Năm Thơm còn nhỏ quá nên phải điều thím Sáu đi cùng. Tới nơi, Năm Thơm đọc thuộc lòng mấy câu má dạy rồi lật đật bụm lỗ mũi chạy tuốt luốt lên nhà cô Ba. Con nhỏ chịu hổng nỗi cái mùi hôi thúi.
Hai Cự đắc ý lắm. Coi như bên nhà trai thắng trận rồi. Con gái họ về nhà mình ở thì mụ nội cha họ cũng hổng dám làm giá nữa. Lo mà làm đám cưới cho lẹ chớ mặt mũi nào nhìn ai. Bây giờ thì đừng có bàn tới cái chuyện đạo nghĩa nghen.
Nhưng mà vợ chồng Năm Trạng làm đúng lời đã nói. Sau khi Năm Thơm về nhà rồi, chờ thêm 3 ngày nữa không thấy Hồng quay về, Năm Trạng tuyên bố coi như không hề có đứa con này. Đau xót lắm nhưng nó làm gia đạo mình nhục nhã quá, mà nó lại là chị lớn nữa chớ. Không làm thẳng tay mấy đứa nhỏ sau này đâu có sợ cha sợ mẹ.
Vậy là Hai Cự chỉ tính đúng có nửa nước cờ thôi. Hồng về nhà Nhiêu ở, không có phép cưới ở nhà thờ, nhưng cũng không có chút trầu xanh cau chát gì hết. Tưởng vợ chồng Năm Trạng giàu có, gã con gái cũng có mớ vàng hồi môn lận lưng. Ai dè bên gái nín thing, không hề có tiếng lớn tiếng nhỏ gì, tới nỗi một tiếng trách móc từ cô Ba Điểm cũng không moi ra được. Vậy là tự nhiên “rước một bà lớn về nhà ăn báo cô”, Dung đay nghiến như vậy.
Nhiêu giận lắm. Mưu kế này tía bày ra. Ổng biểu làm như vậy thì nhà giàu họ sợ xấu mặt, lo làm đám cưới liền khỏi cần trả giá. Vậy mà ông bà già vợ cứng lòng như đá, bỏ quên luôn cô con gái cưng không thèm dòm ngó tới. Còn về tới nhà thì nghe chị nói cay nói đắng, nghe tía chửi rủa lầm bầm. Thiệt là ổng già quá rồi. Mấy năm nay bệnh hoạn ngồi thu lu trong ghe, đầu óc tính toán suy nghĩ cạn sợt, tưởng ai cũng ngu hơn mình. Nghĩ vậy rồi nghĩ giận luôn mình, ba chớp ba nháng nghe sao làm vậy, hổng biết có một câu nói cho vừa lòng cha mẹ vợ.
Chỉ tội nghiệp cho Hồng thân cô thế cô, ở cách nhà bà con có một miếng vườn mà hổng dám lui tới, tối ngày quanh quẩn trong cái tum hẹp té, lay hoay cơm nước, cắt lá tre đốt làm thuốc cho cái chưn ông già. Mà ông già thì tánh tình hết sức nóng nảy, chắc tại do bịnh hoạn lâu năm ngồi riết trong ghe nên bực bội chửi bới om sòm. Chị chồng thì từ ngày có em dâu là bỏ luôn cho em, lâu lâu ghé qua vài phút thì xoi mói cạnh khoé đủ điều.
Cô Ba Điểm biết hết, thương cháu lắm, thương đứt ruột chớ đâu phải không. Nhưng mà tội nó nặng như vậy biết gỡ làm sao đây. Cũng muốn cho biết mùi gian khổ với người ta. Chớ cưng chiều quá mình nói điều hay lẽ thiệt nó bỏ ngoài tai. Có khi trong bụng còn cười mình cổ hủ nữa hổng biết chừng. Cô cấm luôn Sáu Sa không được ra ngoài thăm chị. Còn với bà Năm xẹp thì tuyệt đối chỉ nói công việc, không thèm hỏi tới Hồng nửa tiếng. Coi như cô cháu gái không hề có mặt ở cái đất này.
Vậy đó. Vậy là Hồng sống thui thủi ngày này qua ngày khác chờ chồng về. Trong sự dằn hắt của cha chồng và sự chì chiết của chị chồng. Chỉ có bà Năm xẹp – bà nội chồng là còn thương tưởng tới cô. Mỗi lần bị cha chồng mắng chửi – Hồng khóc, thì bà Năm xẹp dỗ dành. Mỗi lần chị hai nói đay nói nghiến – cũng bà nội an ủi vỗ về. Hồng không ngờ cuộc đời mình thay đổi lẹ làng như vậy. Hồi nào nhà cửa thênh thang, cha mẹ thương yêu, bước ra ngoài đường tá điền một điều cô ba hai điều cô ba. Bây giờ lủi thủi trong góc vườn không dám đi đâu, cha chồng kêu một tiếng mà không dạ thì nghe mắng xối xả. Tiền bạc không có, ăn bữa nào biết bữa đó đã đành, mà chồng còn đi cả tuần lễ, nửa tháng mới về. Một mình với cái thai lớn dần trong bụng, tối ngủ trong tum gần bà nội, quấn cái mền rách mà chảy nước mắt thương con, thương phận mình.
Bà Năm Xẹp thương cháu dâu đứt ruột. Thương thiệt tình, thương dữ lắm chớ hổng chơi. Con người ta gia thế đàng hoàng, trắng non nõn như bông bưởi, tóc quăn có lọn, mặt mũi sáng trưng, lấy chồng đâu mà hổng được. Về nhà mình rồi lam lũ như tá điền đã đành, chồng còn đi kiếm tiền xa, ở nhà thui thủi một mình, tối ngày hầu hạ cha chồng hung dữ. Tội nghiệp con nhỏ. Bầu bì thai nghén như vậy mà có cái gì ăn cho bổ dưỡng đứa nhỏ đâu. Trong khi nhà cô Ba thiếu giống gì. Có bữa bà thấy cô Ba để chén chè đậu xanh trên bàn làm việc, nói với bà đi ra chợ một chút. Bà biết ý chờ cô Ba đi bưng chén chè về cho cháu dâu ăn, cũng hổng nói cho nó biết gốc nguồn. Cô Ba cũng làm lơ.
Vậy mà có bữa con nhỏ bị đòn oan. Bữa đó Ba Nhiêu về nhà, vợ chồng nhỏ to nói chuyện nên cơm nấu hơi bị trễ, Hai Cự đói bụng nổi quạu. Trên này bà Năm hổng biết, te te bưng tô cháo gà cô Ba múc sẵn xuống đưa cho cháu dâu. Con nhỏ bầu bì thèm thuồng bưng tô cháo húp cái rột. Hai Cự ngồi trong ghe nổi nóng quơ khúc củi nhằm con nhỏ liệng tới. May mà bà Năm kịp la một tiếng, Ba Nhiêu phóng vọt ra ôm khúc củi gọn lỏn trong mình, còn Hồng thì thất sắc làm rớt nguyên tô cháo. Bà nội, cháu dâu ôm nhau khóc mướt. Ba Nhiêu hầm hầm vịn cây chuối đá ịch ịch muốn trốc gốc luôn.
Vậy chớ gần tới ngày Hồng sanh, cô Ba hỉ hả đón cháu vô nhà, xúm xít săn đón như con gái ruột. Đồ đạc sanh nở cô cũng chuẩn bị đâu ra đó rồi, chớ cô biết nhà chồng Hồng có tiền đâu mà lo cho chu đáo. Mấy ngày trước khi sanh Hồng sướng như bà hoàng, đó là so với lúc còn ở nhà chồng. Sáu Sa chạy lẩn quẩn bên chị, mong chờ đón đứa cháu đầu tiên. Cô Ba làm như Hồng chưa hề có lỗi gì, săn đón chăm sóc nhắc nhở dỗ dành chiều chuộng. Không hề có một câu nói trách móc la rầy.
Thằng nhỏ được sanh ra nhằm đúng ngày rằm tháng bảy. Cô Ba nén tiếng thở dài khi nhìn thấy cái mặt y hệt bên nhà Hai Cự, nhứt là cặp mắt ướt rượt giống thằng cha nó. Đã vậy cái lưng dài đểnh, hai bàn tay nhỏ nhắn là thấy quân làm biếng rồi. Bên nhà cô Ba mặt ai cũng rơm rơm thon gọn, thằng nhỏ này cái mặt tròn quay giống nhà Hai Cự không sai.
Giống thì giống chớ biết sao. Cháu mình mình cưng chớ có gì đâu. Ba tháng nằm trong nhà cô Ba, Hồng được ưu tiên chăm sóc nhờ bà nội chồng nhiều nhứt. Cô Ba thì lu bu công chuyện không trực tiếp lo cho cháu được, chỉ có tiền bạc là muốn nhiêu cũng có thôi. Hai Dung lên thăm cháu được ba lần. Cha thằng nhỏ mỗi tuần mỗi về, coi bộ cưng con trai lắm. Ông Năm Trạng mắt nhắm mắt mở làm ngơ cho bà Năm chạy lên chạy xuống thăm con, có khi còn kéo theo lũ con nít tới thăm chị Ba nó nữa. Nói gì thì nói, ruột cắt ruột sao đành.
Trở về nhà nội rồi mới thấy cơ cực. Hôm đi cô Ba lưõng lự hoài hổng muốn cho bước ra. Mà cháu mình bây giờ là con người ta, thân con gái trong nhờ đục chịu, lấy gà theo gà lấy phụng theo phụng, biết làm sao mà cản được bây giờ. Hồng rươm rướm nước mắt, chào cô Ba rồi ôm thằng nhỏ đi te te xuống ghe chào cha chồng. Hai Cự coi bộ vui lắm, thò tay ôm thằng cháu đích tôn liền.
Mấy tháng sau thì Hai Cự lăn ra chết, sau khi ăn hết một hơi chục vịt lộn Ba Nhiêu xách về kèm theo chai rượu đế. Nghĩ cho cùng sống mà đau đớn vậy cũng đâu muốn sống làm chi. Được ăn một bữa thỏa chí tang bồng rồi chết gọn hơ kể cũng sướng. Hổng nói ra chớ trong nhà ai cũng mừng thầm, mấy năm nay Hai Cự đau đớn quá sanh ra hành tội hết người này tới người khác.
Rồi cô Ba Điểm lấy chồng. Lấy một ông trước đó đi tu mà không chịu được cực khổ phải xin về. Về nhà rồi ổng làm thầy giáo rồi tu tại gia thêm gần chục năm nữa, hổng biết ai làm mối làm mai sao mà tuốt ở trên Năng Gù xa xôi xuống đây xin cưới cô Ba. Tuy là ông này nhỏ hơn cô Ba vài tuổi nhưng mà đạo đức, có ăn học, gia thế đàng hoàng. Nghĩ cho cùng cũng trèm trèm bốn mươi tuổi rồi còn hổng lấy thì sau này biết lấy ai.
Hồng sống với bà nội chồng thêm một năm nữa, mới cấn bầu đứa thứ hai thì bà Năm Xẹp mất. Già quá rồi mà. Khổ cái thân làm riết cho tới ngày nhắm mắt. Đó là cô Ba còn thương tưởng không để làm cái gì quá nặng nề. Sáng đó mệt mệt một chút, kêu Hồng vô cạo gió rồi thở hơi ra. Trước lúc nhắm mắt bà Năm tỉnh táo lắm, kêu Ba Nhiêu tới nắm tay dặn dò:
- Nhà mình mang ơn cô Ba dữ lắm. Mà con vợ bây nó hiền lành thiệt thà. Tại thương bây mà bỏ hết cha mẹ anh em xuống đây chịu cực chịu khổ. Bây phải ăn ở với nó cho trọn đạo tới ngày nhắm mắt. Chớ bây mà trăng hoa, phụ nghĩa tào khang là tội mang lút đầu con ơi.
Ba Nhiêu lắc tay bà nội, rươm rướm nước mắt:
- Nội đừng lo, tui hứa lo lắng thương yêu vợ con cho nội vừa bụng.
Rồi Ba Nhiêu giơ tay thề độc:
- Tui – Ba Nhiêu – thề với trời đất. Nếu tui mà ăn ở bạc tình bạc nghĩa với mẹ xấp nhỏ thì cho tui sau này tuyệt đường con cái, không ai nối dõi tông đường, không ai hương khói ông bà, chết xuống rồi cho heo nái ủi mã.
Hồng khóc ngằn ngặt trong miệng. Hai Dung đứng sau lưng lẩm bẩm:
- Thề gì khôn dữ. Có con trai rồi còn làm bộ.
Bà Năm Xẹp coi bộ vui lòng lắm, bóp tay Ba Nhiêu thiệt chặt. Tới lúc buông tay thì ra đi nhẹ nhàng. Âu cũng là cái số, sống thời cực khổ mà chết nhẹ như bông.
Làm bữa cúng trăm ngày cho bà Năm rồi, Ba Nhiêu mới kêu chị và mẹ tới nói chuyện. Anh biểu Hồng thu dọn đồ đạc theo anh về Chương Thiện sống, ở đó có cái nhà nhỏ nhỏ gần chợ, ông Chà và mới cho anh đem vợ con về. Chiếc ghe anh giao lại cho Hai Dung muốn làm gì thì làm.
Hồng không biết tính toán gì hết, chồng biểu gì nghe vậy. Với lại ở đây cũng đâu còn gì. Cô Ba cũng đã yên bề gia thất rồi, bây giờ cổ còn phải lo chồng con cổ chớ hơi sức đâu dòm ngó tới cháu. Vậy thì đi.
Mấy năm đầu ở Chương Thiện thiệt là sung sướng. Ba Nhiêu cưng vợ lắm. Nhứt là thấy Hồng mỗi ngày mỗi đẹp thêm dù đã hai đứa con bên nách. Nhà ở gần chợ nên mỗi ngày Hồng ra ngoài mấy bước chớ bao nhiêu. Thời giờ còn lại lo cơm nước cho 2 đứa con. Ba Nhiêu đi góp ở mấy cái chợ loanh quanh đó hai ba bữa về nhà một lần. Mỗi lần về buổi tối rảnh rỗi là Ba Nhiêu lại kéo vợ ra sân dạy võ. Anh sợ mình đi hoài ở nhà trộm đạo tới ức hiếp vợ con. Hồng thông minh nhanh nhẹn nên chồng dạy tới đâu thông suốt tới đó. Ba Nhiêu hả dạ lắm.
Hồng sanh đứa thứ ba là con gái. Con nhỏ giống bên ngoại, đẹp y hệt Sáu Sa. Quên nói Sáu Sa lúc này đã nổi tiếng đẹp nhứt tỉnh lỵ lúc đó. Mấy ông mần việc trên Tòa Phán lượn tới lượn lui hết nhà cô Ba Điểm tới nhà ông Năm. Con Minh Hương – đứa con thứ ba của Hồng giống Sáu Sa như đúc. Hai vợ chồng cưng thiếu điều muốn hái sao trên trời cho con chơi.
Vậy mà con nhỏ ra đi lãng xẹt. Chiều đó thấy hổng chạy chơi với 2 đứa anh, rờ trán nóng hầm hầm mới đâm cỏ mực cho uống. Bảy giờ tối con nhỏ nóng hừng hực như lửa, mẹ con quýnh quáng không biết làm sao, chồng thì ngày mai mới về. Thương con quá Hồng liều mạng giữa đêm hôm trời tối đen như mực giao thằng lớn ngó chừng hai đứa em. Nhảy tuốt xuống sông bơi một mạch qua bên kia quần áo ướt nhẹp vô gõ cửa nhà ông thầy thuốc Bắc. Cầm 3 thang thuốc quay lại bờ sông, bơi đứng một tay về tới nhà bắt lửa nấu lên liền.
Thuốc chưa kịp uống thì con nhỏ ra đi sau mấy cơn co giật. Thằng lớn – Hai Liêm la lên:
- Má ơi má. Em sao vầy?
Hồng run bần bật ôm con trong tay, con nhỏ oằn người trợn mắt mấy cái rồi đi xuôi. Hồng đổ gục xuống như cái cây gặp bão, trong lúc Ba Phụng ngây thơ cầm con vịt đồ chơi bằng nilon nhét vô tay em.
Bà Hồng lại khóc. Mấy mươi năm rồi mỗi lần nhớ lại cái chết của từng đứa con là bà Hồng khóc. Đứa nhỏ nào cũng chết trên tay bà, cũng chết lúc không có cha bên cạnh. Minh Hương, Ba Phụng, Sáu Hùng. Ba cái chết như ba nhát dao xiên trong trái tim bà, xiên rồi cắm nguyên ở đó. Mỗi lần nhớ tới mỗi lần đau. Mẹ mà. Mẹ nào mà không đứt ruột đứt gan, dù còn nhỏ như Minh Hương, như Hùng. Hay trộng trộng như Ba Phụng. Trái tim người mẹ mỗi ô là một đứa con. Trái tim người mẹ mỗi lần con cái ra đi là mỗi lần tan nát. Cuối đời trái tim còn lại những miếng vá kệch cỡm tồi tàn.
Cái lần mà Ba Phụng chết là lúc đó Ba Nhiêu đương sanh sự mèo mã gà đồng. Lúc này hai vợ chồng đã nghe lời ông chủ chợ dọn về Vị Thanh được gần một năm. Mấy lúc sau mấy chị em Hồng – Năm Thơm, Sáu Sa, Bảy Trinh, Tám Lê, Chín Phẩm, Mười Lộc hay kiếm chuyện chèo ghe chạy lên chạy xuống thăm chị lắm, dù ông Năm Trạng không hề mở miệng câu nào. Mấy cậu mấy dì hay khen anh Ba vui vẻ, lo lắng cho em út, đứa nào muốn ăn cái gì anh Ba cũng lật đật đi mua liền. Vậy đó. Cái miệng anh Ba khéo léo ngọt ngào, nói năng như thoa mỡ, em vợ trai gái đứa nào cũng thương. Trong nhà mình thương thì ngoài đường cũng có người thương. Lối xóm rỉ tai Tám Lê nói cho biết Ba Nhiêu đương cặp kè tò tí với con mẹ Hai Minh chồng chết bán sạp vải ngoài chợ.
Hồng ghen lắm. Đàn bà mà. Ông bà nói rồi, ớt nào hổng cay. Hỏi thì Ba Nhiêu la lối nói ghen bóng ghen gió. Căn vặn bao nhiêu lần cũng chối bai bãi, thề thốt đủ điều. Trời bắt sao mấy bữa đó Ba Phụng nóng đầu dữ lắm mà tay chưn lạnh ngắt nên Hồng quên hết mọi sự, đầu óc chỉ lo nghĩ tới con. Uống được hai thang thuốc thì thằng nhỏ bớt nóng, tối ngồi canh con thấy chị Tư đầu hẻm thò thụt ra vô nháy nhó, mới chạy ra hỏi giống gì. Chị Tư thì thào:
- Hồi nãy thằng con tui mới đi ngang dinh ông Cậu. thấy ở phía sau có tiếng nói chuyện y hịch tiếng cậu ba.
Hèn chi. Hèn chi hồi chạng vạng này thấy thằng nhỏ bớt bớt, cha nó ép ăn được miếng cháo rồi lật đật đi tắm thay đồ bỏ đi đâu mất. Hồng dỗ Năm Sơn ngủ rồi, ăn được nửa chén cơm thì hổng thấy chồng đâu. Té ra trốn đi mèo chuột. Con thì đứa mới mở mắt đứa bệnh rề rề mà đành đoạn bỏ đi ban đêm ban hôm như vậy. Sôi máu lên Hồng dặn Hai Liêm:
- Con ở nhà ngó chừng em cho má đi bên này chút nghen.
Ngó lại hai đứa nhỏ lần nữa rồi Hồng ra sau bếp rút cây mác vót, cây mác bén ngót Hồng hay để vót mấy cây tre làm đèn cho mấy đứa nhỏ chơi, lăm lăm đi ngã tắt ra mé sau dinh ông Cậu.
Trời mờ mờ, trăng non mới nhú. Hồng kiếm tới kiếm lui một hồi thì nghe có tiếng cười rúc rích ở bụi chuối đầu hè. Bậm môi nén gan, Hồng đi nhẹ nhàng tới, nghe giọng nói lã lơi của Hai Minh:
- Anh nói hổng biết bao nhiêu lần rồi mà anh có dám đâu.
Giọng Ba Nhiêu ngọt như thoa mỡ:
- Miễn em biết qua thương em là đủ rồi, còn vợ còn con từ từ qua tính.
Hai Minh nũng nịu:
- Làm sao mà biết anh có thiệt tình thương em không?
Ba Nhiêu chưa kịp trả lời thì Hồng đã phóng thẳng từ trên xuống một mác, vừa kịp cái tay Ba Nhiêu đưa lên. Nhưng rủi ro (hay may mắn) là cái bóng dao hồi giơ lên tuy trăng mờ ảo nhưng con mắt nghề võ của Ba Nhiêu thấy kịp, bắt ngược tay lại nắm được cái cán dao, tay kia Ba Nhiêu chụp vai áo Hồng, miệng kêu lớn:
- Chạy đi, chạy đi.
Hai Minh sợ thất thần chạy vắt giò lên cổ. Hồng liệng cây mác xuống đất, bù lu bù loa:
- Bây giờ anh còn cãi nửa hông? Con cái nheo nhóc anh bỏ nhà bỏ cửa ra đây mèo chuột như vậy hả.
Ba Nhiêu nín thinh kéo vợ về nhà. Ngó chừng mắc cở nên xuỵt vợ nói nhỏ thôi. Hồng cũng sợ xấu mặt, nước mắt nước mũi tèm lem mà hổng dám khóc lớn. Về tới nhà cũng không dám để con biết, hai vợ chồng lặng lẽ rửa chưn lên giường ngủ.
Sáng bữa sau Ba Nhiêu không nói không rằng bỏ đi một mạch. Hồng bồn chồn lo lắng trăm bề mà thấy Ba Phụng còn chưa khỏe nên cũng không dám bỏ đi kiếm chồng. Chiều đó thì Ba Phụng trở mình, than đau hết đủ chỗ, rồi thở yếu lần lần, mặt mũi xanh nhợt. Hai Liêm kiếm cha vừa đi vừa khóc, lối xóm cũng túa đi kiếm giùm mà hổng ai thấy Ba Nhiêu ở đâu. Mười giờ đêm đó Phụng trút hơi thở cuối cùng, trên cánh tay người mẹ, còn ráng ngóc đầu hỏi cha đâu rồi.
Hồng như muốn phát điên, trái tim chị hình như bể đi phân nửa. Con chết, chồng phụ bạc, nếu không phải vì Năm Sơn còn đỏ hỏn chắc chị nhảy xuống sông chết cho khuất mắt. Hồi xưa ông già nói hổng sai chút nào. Cái người đàn ông con mắt ướt rượt miệng mồm leo lẻo như vậy hổng mèo mã gà đồng thì còn ai vô đây. Chỉ tại chị dại dột nghe lời thề thốt của anh mà quên lời dạy cha mẹ. Để tới bây giờ còn biết khóc với ai. Gần chục năm rồi không dám bước về nhà. Tưởng một lòng một dạ với chồng vậy là chồng không phụ. Ai dè đâu tai nghe mắt thấy, chị còn biết tin ai bây giờ. Cho tới nỗi con chết mà cũng không có mặt cha. Phải chi đi làm lụng xa xôi như hồi con Minh Hương cũng đành. Đằng này …
Bữa sau, không biết ai nói mà Ba Nhiêu hối hả chạy về, ôm xác con trai khóc như mưa như gió. Chị nhìn chồng, trái tim lạnh băng, không hề gào thét cấu xé như mọi người tưởng tượng. Hình như trong chị, tình yêu đã cạn dần.
Sau đám ma thằng Phụng, chị mỗi ngày mỗi ít nói hơn, mặc dù Ba Nhiêu không tiếc lời xin lỗi thề bồi. Anh cũng chấm dứt qua lại với Hai Minh. Có lần không biết vô tình hay cố ý, chị nghe anh tâm sự với hàng xóm:
- Hổng ngờ vợ tui hiền lành vậy mà lúc ghen dữ thiệt. Bữa đó không phải nghề võ như tui là có án mạng rồi. Thiệt tình bữa sau tui chỉ muốn bỏ đi vài ngày để làm nư thôi, cho lần sau bã đừng hung dữ vậy nữa. Ai dè …
Chị nghe mà đau lòng, lần sau – anh còn muốn bao nhiêu cái lần sau như vậy nữa chớ. Sao mà đàn bà khổ vậy hổng biết? sao mà đàn ông tham lam vô độ như vậy? Cũng không phải. Cha chị mười bốn đứa con, có câu gì tiếng gì sai trái đâu. Tại cái tánh trăng hoa nó mọc rễ trong đầu chồng chị mà. Hết lần này còn manh tâm lần nữa.
Rồi ngày trôi tháng trôi, chị lần lần thấy mình thêm lợt lạt. Chồng về cũng được, không về cũng được. Bổn phận người vợ chu toàn là đủ rồi. Đâu đó chị cũng có nghe kể chồng chị lăng nhăng hết người này tới người khác, nhưng chị cũng không thèm để ý tới, cái máu đó nó có sẵn trong mình rồi mà, làm gì ngăn lại nỗi mà ngăn cho mất công. Ngay cả khi đứa con thứ năm, Sáu Hùng mất khi vừa tròn 7 tháng chị cũng chỉ lặng lẽ đưa con ra đồng. Cha nó, còn đương đi theo người đàn bà nào ở đâu chị không thèm biết.
Khi chị có bầu đứa thứ sáu thì Ba Nhiêu ngang nhiên công bố cặp với con gái út Hương chủ Cầu. Cái chức Hương chủ là hồi nào xa lắc còn để lại chớ thời sau này kêu đại cho có mà thôi. Nhưng mà nhà đó giàu lắm, đất đai mênh mông cò bay thẳng cánh. Út Kiều cương quyết bắt xác Ba Nhiêu vì ngoài cái mã đẹp trai, phong độ, ăn nói ngọt ngào còn thêm vì đủ nghề võ bảo đảm cho gia tài nhà đó không sợ trộm cướp. Một đàng con gái nhà giàu mới lớn. Một đàng bà vợ già một nách mấy đứa con. Người như Ba Nhiêu mà bỏ qua trở về với vợ mới là chuyện lạ.
Nhưng mà, trái tim chị đã tan nát lâu rồi. Bắt đầu từ khi Ba Phụng trút hơi thở sau cùng mà miệng còn hỏi cha đâu rồi má. Mọi yêu thương hờn giận chồng sau bao nhiêu năm chung sống đã đóng băng cứng ngắt trong chị như ngọn núi Cấm – Thất Sơn. Từ ngày đó tới giờ chị sống vì con, vì bổn phận, vì sợ cái tiếng đời. Còn trong lòng chị, hình ảnh người thanh niên có nụ cười tươi rói, đưa cho chị chùm dừa nước và mớ bông điển điển trên cầu ao đã thay bằng đôi cái bóng núp trong bụi chuối sau dinh ông Cậu, đã thay bằng bờ vai trắng hếu trễ tràng chiếc áo của Hai Minh, đã thay bằng đôi môi tím ngắt mấp máy lần sau cùng của Ba Phụng.
Chị không biết mình đúng hay sai. Không biết giành giựt lại người đàn ông duy nhất trong đời là điều phải làm hay không đáng có. Nhưng cái mà mấy năm nay chị còn níu kéo, dù là rất yếu ớt, dù rất mong manh, là chị muốn con chị, khi sống - vẫn còn có cha. Vẫn còn để tụi nhỏ reo mừng đu hai bên tay Ba Nhiêu trong những lần ông về nhà. Dù chỉ còn Hai Liêm, Năm Sơn và …..đứa bé cựa quậy trong bụng. Nhưng hình như, đã tới lúc phải tới rồi. Hồi nào tới giờ, Ba Nhiêu – hoặc chối, hoặc im lặng làm như không có, dù chuyện đã rõ ràng. Nhưng lần này, nghinh nghinh cái mặt về nói với chị chuyện Út Kiều, làm như đây là thành công lớn nhất trong đời ổng, chị không nói không rằng, cười lạt lẽo bỏ đi.
Khi chị sanh đứa út, con gái. Ba Nhiêu về nhà thăm vợ thăm con được nửa buổi thì Út Kiều ngồi ghe tới tận nhà kêu réo chồng chị đi. Ba Nhiêu quýnh quáng lật đật gom đồ đi mất. Thím Bảy, dì Tư hàng xóm qua giúp chị, căm giận nhìn người chồng bạc bẽo. Thím Bảy nguyền rủa:
- Đồ thứ ăn ở thất đức. Vợ người ta mới sanh mà muốn chọc cho máu sản hậu nổi lên đặng chết đây mà.
Dì Tư nghiến răng:
- Thằng chồng khốn nạn. Con điếm non giựt chồng. Quân này ông trời bắt bây tuyệt tông tuyệt giống.
Chị chỉ thấy tức cười. Trong lòng chị làm gì còn thương yêu mà có máu sản hậu. Ổng đi với ai hay đi tới chừng nào thì cũng giống như ông Chà và chủ chợ đi thu tiền góp thôi. Có liên quan gì tới chị đâu. Khi tình yêu đã không còn, thì mọi thứ giận hờn ghen ghét đều trở nên xa xỉ. Người ta không hơi đâu thèm quan tâm đến kẻ lạ người dưng.
Tác ráng cặp bến đò, bà Hồng dắt cháu gái lên bờ. Con nhỏ bước đi loạng choạng vì không quen ao hồ sông nước. Bà Hồng hỏi thăm đâu đó vài câu rồi hai bà cháu đi tới một căn nhà nhỏ nửa dưới nước nửa trên bờ, cái kiểu nhà thường thấy ở cặp theo sông miền Tây. Người đàn bà trộng tuổi, ăn mặc nghèo khó ngước lên nhìn:
- Hỏi ai.
Bà Hồng cười cười:
- Phải cô Năm bến đò hông đây.
Người đàn bà gục gặc:
- Phải, nhưng mà lâu rồi không có đưa đò nữa, lớn tuổi rồi.
Bà Hồng nhìn thẳng cô Năm:
- Năm nhớ tui hông?
Cô Năm nhìn kỹ lại rồi ré lên:
- Chị Ba. Chị Ba Hồng phải hông?
Con nhỏ theo bà nội bước vô nhà bà Năm. Ngôi nhà đơn sơ như chính chủ nó. Ba người ngồi xuống sàn ván được lau sạch bóng. Bà Hồng biểu con nhỏ:
- Nằm xuống nghỉ đi con. Nội biết mày mệt mà.
Bà Năm te te rót nước, rồi cầm quạt lên quạt cho hai bà cháu. Bà Hồng hỏi:
- Ổng vô trỏng rồi hả?
Bà Năm gật đầu:
- Hai tuần mới ra đây một lần, ở vài bữa rồi vô.
Rồi bà Năm chỉ tay qua con nhỏ:
- Phải nó đây hông?
Bà Hồng gật đầu:
- Nó đó. Mười bảy tuổi rồi.
Bà Năm gật đầu:
- Ngó giống Hai Dung lắm.
Bà Hồng chợt nhớ, hỏi:
- Chị Hai bây giờ sao? Được con cháu nhiều hông?
Bà Năm thở ra:
- Có đứa nào đâu. Hồi đó lấy ông chệt là già ngắc rồi, đẻ đái gì nổi. Mà chết gần năm năm nay. Chết ở Núi Sập mà.
Bà Hồng thở ra:
- Núi Sập là gần chỗ tui, có qua lại đâu mà biết.
Con nhỏ nằm nãy giờ, kêu nho nhỏ:
- Nội ơi! Ngộ quá.
Hai bà già chồm tới, đồng thanh hỏi:
- Gì con?
Con nhỏ bệu bạo:
- Con nằm qua bên này, cái nhà nghiêng bên này. Con nằm qua bên kia, cái nhà nghiêng bên kia.
Hai bà già cười ngất. Bà Năm vỗ vỗ nựng con nhỏ:
- Hổng có gì đâu. Say đất đó. Con nhắm mắt lại đi.
Rồi bà nói:
- Chị ba nằm nghỉ chút. Em đi nấu miếng cơm ăn.
Bà Năm đi rồi. Bà Hồng ghé lưng nằm xuống bên cháu, mới ngó thấy cái hình để trên đầu tủ. Hình này đâu mới chụp hồi ngoài năm mươi, ngó cũng còn phong độ dữ. Hổng biết từ đó tới giờ ngoài Út Kiều và Năm bến đò thì Ba Nhiêu còn trăng gió với bao nhiêu đàn bà nữa. Nghĩ cho cùng thì Năm là giỏi nhứt. Giữ được ổng tới nay gần ba chục năm, mà có trẻ đẹp gì đâu, thua bà vài tuổi là lớn hơn Út Kiều dữ lắm. Vậy là Út Kiều dù có giàu, có trẻ, có đẹp đi nữa cũng không độc chiếm nỗi người đàn ông đa mang này, cuối cùng thì ai chấp nhận chia sẻ là còn vớt vát chút đỉnh thôi. Cũng như bà hồi mấy năm đầu vậy.
Bà lại miên man nhớ về những tháng ngày sau khi sanh Út Vân. Lúc đó Hai Liêm mới mười hai tuổi. Bốn mẹ con bồng bế đùm níu nhau chống ghe đi chạy giặc. Đi tới đâu kiếm ăn tới đó. Hai Liêm trèo cau mướn cho người ta kiếm tiền, cau vừa ăn thì chủ lấy, cau tầm dung thì cho thằng nhỏ đem về. Buổi chợ bà Hồng bán trầu cau, tan chợ về nhà chẻ cau tầm dung phơi khô để bán cho mấy tháng không có cau tươi. Năm Sơn mới có năm tuổi cũng phải biết giữ em cho anh hai đi mần, má đi bán. Có bữa về nhà con nhỏ khóc thôi muốn lòi rún, thằng anh dỗ con em hổng được cũng mếu máo khóc luôn.
Được không bao lâu thì bên ngoại kiếm ra được bốn mẹ con. Tư Nhan, Bảy Trinh đi xuống đón chị và cháu. Năm Thơm lúc đó đã chết vì sanh khó. Mẹ con đùm núm dắt nhau về nhà ông ngoại. Năm đó bà ba mươi mốt tuổi.
Ông Năm Trạng là người mực thước, nói một là một, hai là hai. Từ ngày Hồng đi ông thương con đứt ruột mà giận cũng sôi gan. Sai hai đứa em kêu về mà con chị không chịu về. Từ ngày đó ông tối nằm vắt tay lên trán nhớ con thở dài chớ cương quyết không bao giờ nhắc tới cái tên Hồng. Lúc sanh nở ông làm lơ để bà Năm xuống lo cho con cho cháu. Rồi sau này nghe mấy đứa nhỏ nói vợ chồng Hồng chuyển đi chỗ khác, gia đạo ôn hoà ông cũng mừng cho con. Mấy đứa còn lại cũng yên nơi yên chỗ. Tư Nhan cưới vợ gần nhà, cô Bướm hồi xưa chớ ai. Sáu Sa lấy một thầy cảnh sát con nuôi ngài đốc học – hiền như cục đất.
Năm 45 loạn lạc khắp nơi, thời thế thay đổi. Ông nghe lời Bảy Trinh giao đất vườn lại cho cách mạng, chỉ giữ lại phần đất đầu nhà thờ cho Tư Nhan. Chúa nói rồi mà; Chúa sẽ nâng người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người hèn mọn. Gia đình ông nhiều năm nay sung sướng rồi, bây giờ Chúa muốn lấy đi cho người khác, ông sao dám cãi.
Gia đình ông dọn qua tỉnh lỵ, ông mua được cái nhà với miếng đất phía trước mặt, ở ngay phía sau nhà dòng, bước ra khỏi hẻm là nhà thờ. Người đạo Chúa kiếm chỗ nào gần nhà thờ mà ở. Lúc này Sáu Sa đã theo chồng lên Sài Gòn sống, Bảy Trinh ở lại làm việc bên quê vợ, Tám Lê chuẩn bị lấy chồng. Chín Phẩm, Mười Lộc đương đi học ở xa. Hai ông bà Năm sống cùng với Út Kế và cậu con trai ngọng nghịu của ông bà Sáu.
Ông Năm Trạng đâu phải người vô tình, hổng biết bà vợ có để ý không chớ ông Năm biết rõ Cẩn – người con trai ông bà Sáu thầm thương trộm nhớ Hồng từ cái hồi Hồng mới mười lăm mười sáu tuổi. Lúc đó Cẩn hay đi thu lúa ruộng với ông, thiệt thà, khoẻ mạnh và hiền lành chân chất. Ông Năm chưa bao giờ có ý gã con gái mình cho Cẩn nhưng ông biết rõ Cẩn thiệt bụng với Hồng. Ngó cặp mắt thương yêu của Cẩn lúc phụ công chuyện nhà là biết hết chớ gì. Chỉ có cái Cẩn không nói ra được nên Hồng còn khờ khạo hổng biết thôi.
Ngày Hồng đi theo Ba Nhiêu, Cẩn thẩn thờ mất hồn mất vía, ông Năm kêu cả buổi cũng hổng thấy quay đầu ngó lại. Ông Năm thương lắm, xót lắm. Cẩn bằng tuổi Cảnh, đứa con lớn nhứt của ông đã mất hồi ba tuổi, nên ông coi Cẩn như con ruột mình. Ngó cái tướng Cẩn lầm lũi chèo ghe, lầm lũi vấn điếu thuốc rê ngồi co ro bên bụi chuối, ông Năm thương đứt ruột. Nhứt là cái lần ông thấy Cẩn len lén chùi nước mắt khi nghe bên sông ai cất tiếng ầu ơ buồn tận mạng:
- Ầu ơ. Cây đa trước miễu ai biểu cây đa tàn.
Bao nhiêu lá rụng anh thương nàng bấy nhiêu.
Năm Cẩn hai mươi lăm tuổi, ông Năm đích thân đi hỏi vợ cho anh, tuốt dưới Năng Gù. Cẩn lấy một cô gái câm điếc, nhưng ngó sạch sẽ gọn gàng ngăn nắp. Cẩn về Năng Gù ở được mấy năm thì giặc giả làm chết đi hai mẹ con. Cẩn trở về ở với ông Năm cho tới bây giờ, dù cha mẹ không còn nữa.
Gia đình ông Năm qua tỉnh lỵ, Cẩn cũng đi theo. Anh ra đường nhận làm thuê làm mướn bất cứ công việc gì nặng nhọc. Nhà Năm Trạng lúc đó tiền bạc cũng đâu còn, sống bằng nhiều nguồn của con cái góp lại, Cẩn cũng là một.
Hồng về nhà rồi, ông Năm kêu Tư Nhan, Bảy Trinh phụ với Cẩn cất cho Hồng cái nhà trên miếng đất đối diện nhà ông, cho cha mẹ con cái hủ hỉ với nhau, còn coi phụ hai đứa nhỏ cho mẹ nó đi mần kiếm cơm nữa. Tội nghiệp nhứt là Hai Liêm, lăn lộn ra ngoài đời sớm, bán báo, đánh giày, theo gánh tuồng sơn đông mãi võ, lơ xe đò liên tỉnh, cái gì cũng có.
Hồng cũng cực khổ có kém gì ai. Chị không nề hà bất cứ chuyện nặng nhọc gì để kiếm được tiền nuôi con. Ra tỉnh lỵ là mức sống cao hơn, đâu thể đi bán vài nọc trầu là đủ được. Hồng làm đủ việc, từ lau chùi quét dọn rạp hát cho tới phụ hồ, nấu cơm, bán xôi đầu hẻm. Thường thường là Cẩn kiếm việc nhẹ nhẹ cho cô ba làm, tiện nhứt là làm chung với Cẩn để đỡ đần cho cô ba đỡ cực khổ.
Thói đời đàn bà đẹp ra đường nhiều người nhìn ngang ngó dọc. Hồng cũng vậy. Mới ngoài ba mươi, tuổi xuân còn đương phơi phới. Ra tỉnh thành dù có cực khổ đi nữa thì vài tháng sau cái nhan sắc mặn mà của đoá hoa thời kỳ mãn khai đã lồ lộ ra trước mắt mọi người. Nhứt là ai cũng biết chị một nách ôm ba con, chồng đi đâu hổng biết. Hồng không hé răng một tiếng về chuyện chồng con. Thiên hạ đoán lờ mờ chồng chị ba đi vô bưng biền hay chết trong giặc giã gì đó. Biết thân cò lặn lội bờ sông một mình nuôi con là đủ rồi. Làm ở đâu vài tuần cũng có đàn ông rề rề theo chọc ghẹo. Từ ông cai thợ hồ cho tới thày cảnh sát, mấy ông mần việc chánh phủ quần áo trắng tươi. Đặc biệt nhứt có một ông luật sư goá vợ, con cái nghe kể mần việc hết ở Sài Gòn, chủ nhựt nào cũng đón chị ở nhà thờ hỏi đon hỏi ren, rồi ăn mặc lịch sự thắt cà ra quách tới thăm ông bà Năm Trạch.
Thiệt ra Hồng có lấy ai đi nữa cũng không bị ràng buộc gì. Giấy tờ hôn thú một miếng lận lưng cũng hổng có, hồi xưa mấy ai mà làm. Về phép đạo cũng không. Muốn lấy chồng hồi nào hổng được. Nhưng ba đứa con là núm ruột, là trái tim tan nát còn sót lại của chị Hồng. Lấy chồng rồi, dù già hay trẻ, dù nghèo hay giàu, dù có ăn học hay dốt nát thì con mình cũng hổng được họ thương yêu đâu. Cha nó còn chưa thương nó lấy đâu người dưng nước lã mà thương. Vậy thôi. Một mình cặm cụi mà làm nuôi con cho rồi. Được phận mình mà con cái khổ sở thì người mẹ đâu chịu nỗi. Số phận an bày rồi. Tại mình không nghe lời cha mẹ, không giữ trọn đạo Chúa dạy, không được vô nhà thờ làm lễ cưới, được chúc lành thì phải chịu sự đọa đày mà thôi. Nếu biết nghe lời mẹ cha như mấy đứa nhỏ thì cuộc đời mình có khi đã tốt hơn nhiều rồi. Cắn răng mà bước đi cho hết để con cái còn nhìn người khác.
Bà Năm bưng cái nồi cơm nhỏ xíu, chén nước mắm hột vịt, mấy con cá kho ngó lui với tô canh chua điên điển ra trước mặt bà Hồng:
- Ăn bậy ba miếng chị Ba. Tới bất tử quá có gì ăn nấy.
Bà Hồng quẹt quẹt lên cái mặt con nhỏ:
- Dậy ăn cơm nè con.
Con nhỏ lồm cồm ngồi dậy, đi ra đằng sau rửa tay rửa mặt rồi ngồi vô mâm so đũa mời hai người lớn. Bà Năm và miếng cơm vô miệng, ngó lom lom con nhỏ:
- Mới ngó thì giống chị Hai mà nhìn kỹ cũng hổng giống mấy há.
Bà Ba gục gặc đầu:
- Ờ. Cặp mắt chị Hai lộ, còn con này 2 con mắt như 2 cái giếng.
Bà Năm nghiêng nghiêng đầu:
- Cái mỏ thì giống.
Bà Ba nhìn cháu yêu thương:
- Cái mỏ chu chu, mếu mếu mỗi lần nhõng nhẻo đó cô Năm.
Bà Năm hỏi:
- Vậy chớ đứa nào giống anh Ba nhứt vậy?
Bà Ba cười:
- Thằng em kế con này. Mà thiệt tình là nó giống ông Hai Cự. Còn cái lỗ mũi đứa nào cũng giống mẹ, cao ráo tròn trịa hết.
Bà Năm quay lại ngắm nghía bà Ba:
- Giống cái lỗ mũi chị thì đẹp hơn héng chị Ba.
Bà Ba tủm tỉm:
- Năm Sơn giống tui nhứt nên mấy đứa con gái nó đứa nào cũng được gái hơn bầy con thằng Liêm. Còn con con Út thì giống bên nội tụi nó.
- Vậy tới nay chị được bao nhiêu cháu nội ngoại rồi.
Bà Ba nhẩm tính:
- Con Hai Liêm bốn đứa, con Năm Sơn mười đứa, con Út Vân năm đứa. Cộng hết là mười chín.
Bà Năm xuýt xoa:
- Sướng dữ ha.
Rồi bà tư lự:
- Nhiều vậy mà hồi đó sao chị Ba hổng để ổng quay về?
Bà Ba không trả lời. Con nhỏ dỏng lỗ tai nghe, chờ hoài hổng thấy gì, nó khều bà nội:
- Nội. Bà Năm hỏi kìa.
Bà Hồng liếc con nhỏ một cái, nó biết lỗi nín khe. Bà Năm xới thêm nửa chén cơm, thở ra:
- Anh Ba về đây kể ảnh ăn năn hối hận dữ lắm mà chị không tha thứ, không thèm nhìn tới nửa con mắt chớ đừng nói tiếng nào. Em cũng thấy sao chị giận gì mà giận dữ vậy. Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Huống chi cóc chết ba năm còn quay đầu về núi. Anh Ba ảnh đã hối hận rồi thì chị cũng bỏ qua cho yên nhà yên cửa.
Bà Hồng cười mũi, bắt qua chuyện khác:
- Tui thấy cô Năm giỏi chớ, giữ được ổng mấy chục năm.
Bà Năm kéo ống quần chùi miệng:
- Giỏi gì chị ơi. Vài năm là ổng cặp thêm một bà. May là Út Kiều nó ghen tận xương tận tủy. Ở đâu nó cũng tới đánh ghen um sùm trời đất hết nên người ta sợ quá dạt ra đó chớ.
- Vậy tui mới khen cô Năm giỏi. Con Kiều nó như vậy mà cô Năm giữ ổng được mới hay.
Bà Năm vói tay lấy ấm nước trà rót ra mấy cái ly, thủng thẳng trả lời:
- Em mà chị Ba. Em là người biết điều biết lẽ. Ai đàng hoàng em đàng hoàng lại, ai ngạo ngược em cho ngạo ngược luôn. Hồi đó anh Ba mới thương em, em biết anh Ba có vợ con, em chèo ghe lên tới nhà chị Ba thú thiệt. Em còn nhớ chị Ba nói với em: Tui với ổng đã không còn gì, cô nhắm giữ được ổng thì giữ. Chị Ba cho phép em rồi thì em có sợ con nào nữa đâu.
Bà têm một miếng trầu rồi kể:
- Hồi đó con Kiều cũng xuống đây làm dữ với em, ngay tại cái bến đò này nè. Nó nói chưa được ba câu thì em chụp nhận đầu xuống nước liền. Em nói tao với mày cùng làm lẻ, cùng giựt chồng người ta, mày lấy quyền hành gì chửi tao? Em nói cho mấy người đứng vòng quanh coi biết là em đã tới ra mắt chị Ba, coi như em được chị Ba chấp thuận rồi, nó còn chưa bằng em nữa mà muốn gây sự với em sao được. Nó chửi lại, hăm he về kêu tá điền tới rạch mặt em. Em nói cái mặt tao mày dám rạch hay không tao chưa biết chớ cái đầu mày tao chặt cái một liền ngay bây giờ nè. Em nói với nó em không cha không mẹ không anh em, nhà cửa tiền bạc cũng hổng có, cùng lắm thì em mất cái mạng chớ có cái gì mà mất. Còn nó mà chết rồi thì bỏ ruộng bỏ vườn bỏ cha bỏ mẹ bỏ vàng bỏ bạc. Còn ông Ba thì chết con này ổng đi kiếm con khác chớ bộ ổng thèm thương tưởng gì ai đâu.
Bà Ba cười:
- Cô dữ vậy hèn chi mà con Kiều phải chịu nhịn.
Bà Năm đắc chí:
- Em vậy đó chị Ba. Phải hổng phải gì một tiếng em làm liền. Ai sợ nó chớ em đâu có sợ. Mấy năm sau này em thôi đưa đò, anh Ba ở trỏng với nó rồi cúp nhúp tiền đưa ra đây cho em xài. Khỏe chị Ba héng. Ghen tuông thì có bao nhiêu con Kiều nó lãnh hết rồi, em hơi sức đâu mà để ý.
Bà Ba nhướng mắt ngạc nhiên:
- Bộ ổng đem về nhiều tiền lắm sao?
Bà Năm lắc đầu:
- Cũng hổng bao nhiêu. Tiền cà phê cà pháo chút đỉnh thôi mà. Em có căn nhà sát bên cho mấy người bạn hàng trong chợ gởi đồ qua đêm là đủ ăn rồi. Một mình ăn uống được mấy chị ba.
Bà Ba lại hỏi:
- Mấy năm gần đây ổng còn lăng nhăng nữa hông?
Bà Năm trề môi:
- Cái giống đó tới chết cũng hổng bỏ đâu chị. Già ngắt già ngơ còn ăn diện, đầu chải bi ăng tin láng mướt. Mới năm kia cặp với con mẹ chủ tiệm thuốc tây, con Kiều nó lên làm um sùm, con mẹ chủ tiệm bị con cái rầy rà quở trách, xấu hổ quá mới thôi đó chớ.
Bà Ba lắc đầu không nói. Bà Năm coi bộ chưa thỏa mãn, xỉa cục thuốc bự chảng rồi nói thêm:
- Mà nói thiệt cái ông Ba này ổng ác nhơn lắm. Ổng ở với ai cũng hổng có hôn thơ hôn thú gì hết. Ổng nói con Kiều lập mưu bao nhiêu lần đưa ổng đi ra làng làm giấy mà ổng hổng có đi. Cho nên ra đời là ổng còn độc thân mà, ổng có cặp với bà giá nào đi nữa cũng hổng ai kiện cáo nổi ổng. Ổng nói cho dù em hay con Kiều thì cũng không có quyền hạn gì giữ ổng đâu. Chỉ có chị Ba với mấy đứa nhỏ giữ ổng thì giữ hổng giữ thì thôi. Em nói chắc hồi mười mấy năm trước mà chị Ba cho ổng quay đầu lại thì chắc là bây giờ gia đình đoàn viên vui vẻ lắm.
Bà Ba cười khẩy. Con nhỏ lom khom dọn dẹp chén dĩa ra sàn nước rửa. Trở vô nó thấy hai bà già đương nằm gần nhau tâm sự. Bà Năm nói:
- Tại thân em côi cút, mẹ cha anh em hổng có. Nên chừng nào anh Ba còn thương em là em còn giữ ảnh lại cho tới cùng. Chớ chị thì khác. Em hay nói với anh Ba. Chắc hồi xưa chị Ba bị ông bỏ bùa nên mới đi theo ông, tới chừng bùa hết linh rồi thì chỉ căm ghét ông đó.
Bà nội nó trầm ngâm rồi nói:
- Tui hổng nói ra thì cô Năm hổng biết rồi trách tui. Mà cái chuyện này nhiều người trách tui lắm rồi, tui cũng không hơi đâu nói qua nói lại. Bữa nay nhân đây tui nói với cô Năm, để sau này rảnh rang cô Năm nói lại cho ông Ba ổng biết, rồi tiện thể con cháu tui nó cũng biết đầu đuôi gốc ngọn, chớ để sau này tụi nhỏ cũng giống như cô Năm, trách móc tui sao vô tình không tha thứ cho người quay trở lại.
Bà quờ tay kiếm lon cổ trầu, nhổ cái bẹt, móc khăn mùi soa chùi miệng rồi kể:
Cái hôm tui sanh con Út được hai ngày thì ổng về thăm, trước đó ổng ở miết bên con Kiều cả tháng. Ngồi hỏi chuyện chưa kịp nóng đít thì nghe tiếng nó kêu anh ơi anh hỡi dưới ghe. Ổng lật đật chưn thấp chưn cao chạy theo nó. Mấy người hàng xóm tới chơi nguyền rủa con Kiều hổng xiết, nói nó cố tình chọc cho tui lên máu sản hậu đặng chết, chớ ai mà vợ người ta mới sanh dám tới trước cửa nhà réo thằng chồng đi.
Nói thiệt cô Năm, tui nghe họ nói mà tức cười. Thiệt tình mấy năm sau này tui ở với ổng chẳng qua là vì mấy đứa nhỏ. Cô Năm hổng có con cô Năm không hiểu được tình mẹ thương con nó lớn cỡ nào đâu. Vì con mình cái gì mình cũng chấp nhận được hết đó cô Năm. Chớ còn tình cảm vợ chồng với ổng tui hết đâu hồi cái lần thằng Phụng con tui nó chết lận. Kể thiệt thì nếu sau đó ông Ba ổng đừng có mèo mã gà đồng nữa, có khi mình cũng còn nghĩ đi nghĩ lại chút đỉnh. Nhưng mà ổng cứ chứng nào tật đó, tui hỏi cô cái ấm nước mà cô chỉ rót ra chớ không châm vô thêm thì làm sao mà không cạn kiệt cho được. Thương yêu gì nữa đâu mà ghen tuông, mà lên máu sản hậu hả cô Năm?
Nhưng mà nói ngay, nếu tới đó mà thôi thì tui cũng không dứt khoát như vậy. Dù sao cũng phải giữ người cha cho con cái mình. Con có cha như nhà có nóc mà, dù là cái nóc dột tanh banh cũng còn hơn là hổng có, huống chi hồi nào tới giờ ổng vậy đó chớ cũng còn biết dòm ngó tới con. Nhưng mà cô Năm biết hông, chưa tới một tuần sau thì cái bụng tui đã nghĩ khác rồi.
Là mấy bữa sau thì súng bắn liên hồi. Ai cũng thấp tha thấp thỏm chạy ra khỏi bương hết. Thấy người ta đi dữ quá, mẹ con tui mới bồng bế nhau xuống ghe. Lúc đó tui mới sanh con Út được có một tuần thôi nghe cô Năm. Thằng Liêm ngồi đàng mũi, tui đàng lái, chèo chiếc xuồng ra ngoài vàm. Ra tới đó thấy ổng đương ngồi trên chiếc ghe tam bản bự chảng của con Kiều. Chắc là gia đình nó cũng nghe bắn dữ quá nên từ dưới chạy ngược lên. Hồi đó mạnh ai nấy chạy, có biết đường nào đâu mà lần.
Rồi thấy ghe xuồng hai bên cũng chạy thêm khúc nữa. Hai mẹ con tui, thằng nhỏ mới mười hai tuổi, tui mới sanh một tuần, hè hụi chèo chống đi theo. Đằng trước là thằng cha Ba Nhiêu ngồi tréo ngoe trên tam bản hút thuốc lỏ con mắt nhìn vợ con cong xương sống chèo đổ mồ hôi, cô nhắm cô chịu nổi hông? Mấy chiếc ghe quen biết đi ngang chửi rủa um sùm mà chả làm như đui điếc.
Bao nhiêu đó chưa đủ đâu cô Năm. Mẹ con tui hổm rày bữa no bữa đói, có ăn thì cũng chút đỉnh cầm hơi. Trên ghe lớn họ ăn cơm rồi còn dư một rổ, lát sau thấy chả xách cái rổ cơm trắng phau ra phía sau. Thằng Sơn tui lúc đó mới năm tuổi, biết gì. Thấy cha xách cơm mừng quá la lên:
- Cho con ăn đi cha. Con đói lắm.
Tui thấy thằng chả lưỡng lự một lát rồi cái con Kiều trong ghe bước ra, nói nhỏ nhỏ là thằng chả đổ nguyên rổ cơm trắng xuống nước. Thằng Sơn tui còn đương mếu máo thì anh Hai nó giáng một bạt tai xiểng niểng, mắng thằng em hễ có thì anh Hai cho mày ăn rồi chớ sao mày lại phải khóc lóc xin ăn. Tui biết thằng nhỏ căm hận cha nó mới đánh em chớ anh em nó thương nhau dữ lắm.
Vậy đó cô Năm. Cô công bình nói một tiếng đi. Tui giữ ổng là giữ cha cho con tui. Ổng làm như vậy có xứng đáng là người cha của con tui hay không vậy cô Năm. Như người ta thấy vợ con chèo chống thì phải nhảy xuống lo phụ. Mà có không như vậy thì cũng biết nhín miếng cơm cho con ăn. Mà còn tệ hơn nữa thì cơm thừa canh cặn cho con mình một miếng, nó đói nó khóc mà.
Nỡ vì tiếng nói của một con đàn bà mà hất miếng cơm ngay trước mặt con. Loại đàn ông đó mà là người được sao cô Năm? Nói thiệt với cô, lúc đó cái cử chỉ, cái hành động hất rổ cơm trong tiếng kêu đói của thằng nhỏ, trong con mắt tui ông Ba còn thua súc vật nữa. Con vật còn biết thương con của nó chớ ổng coi như đồ chết đi rồi. Ổng vợ bé vợ mọn là có lỗi với tui, tui tha thứ được. Nhưng ổng vì sắc đẹp mà quên con mình thì tui tha thứ sao được mà tha hả cô Năm. Tui giữ chồng là muốn cho con mình có cha. Bây giờ thằng cha nó coi như trúng đạn chết ngay trước mắt tui rồi, tui giữ làm chi các xác thúi đó hả cô?
Nói thiệt với cô Năm, từ giờ phút đó tui coi như không còn ông Ba nữa. Nhưng mà tui hổng dám kể với ai, cha mẹ anh em cũng không dám. Nhục nhã quá mà. Mình lấy nhằm một con người còn tệ hơn con chó. Nói ra cho thiên hạ họ khinh mình sao?
Nên đâu có ai biết vì sao mà khi ổng tới nhà tui ở một tuần lễ, ra sức nịnh nọt cha má tui, ngọt lạt với mấy đứa em tui, dỗ dành con cái tui, bồng ẩm nưng niu cháu tui mà tui không ngó ngàng gì tới. Ai cũng nói tui vô tâm lạnh nhạt, không biết tha thứ khoan dung. Nhưng mà đâu có ai biết đối với tui ổng như cái cái xác thúi chưa chôn. Tui khinh rẻ tới mức không còn biết giận hờn căm thù gì hết.
Bà Năm thở dài không nói. Một lát bà Ba lại tiếp:
- Cô Năm hay ai cũng vậy. Ai cũng nghĩ là ông Ba ổng hồi tâm chuyển ý, muốn quay đầu lại với vợ con. Nhưng mà cô Năm ơi, ai cũng như cô Năm hết, mới biết được các bề ngoài, cái xác, cùng lắm là trái tim ổng thôi, chớ hổng ai biết cái suy nghĩ trong đầu ổng đâu. Chỉ có tui là tui biết ổng nghĩ gì thôi. Cho nên tui dễ gì mà thèm để cho ổng đạt được ý nguyện của ổng, dễ gì mà cứu ổng thoát khỏi cái lời thề độc mấy chục năm trước ổng thề với bà cố xấp nhỏ. Vậy đó cô Năm.
Bà Năm tò mò:
- Ổng thề độc giống gì vậy chị Ba?
Bà Ba cười gằn:
- Cô ở với ổng bao nhiêu năm nay mà cô hổng thấy cái gì lạ sao? Tui hỏi thiệt cô từ khi cô ở với ổng cho tới nay ổng mèo mở ăn ở thêm bao nhiều người đàn bà nữa?
Bà Năm đếm ngón tay, lẩm nhẩm:
- Chắc sáu hay bảy gì đó chị Ba, mà tại em nghĩ ai cũng phận lẽ mọn như ai nên em không thèm để ý, ổng muốn làm gì ổng làm.
Bà Ba cười lớn:
- Cô hiểu sai ý của tui rồi. Tui không nói cái chuyện ghen tuông. Tui nói cái chuyện hồi xưa tới giờ ổng gần gũi cả chục người đàn bà rồi mà cô hổng thấy ổng có thêm đứa con nào nữa sao?
Bà Năm gật đầu:
- Em hiểu ý chị rồi. Ý là chỉ có chị mới có con thôi phải hông?
Bà Ba xác nhận:
- Phải đó. Ổng ăn ngủ với bao nhiêu người. Mà rốt cuộc có ai có đứa con nào cho ổng đâu. Lớn tuổi hổng nói, trẻ nheo nhẽo như con Kiều mà cũng có hơn gì đâu. Cũng đâu phải ổng đâu có con. Ở với tui mười ba năm là sáu đứa. Cô Năm có thấy lạ lùng hông?
Bà Năm im lặng. chắc bà cũng đương nghĩ về bà, cũng là phận đơn chiếc. Bà Ba nằm im một lát rồi nói:
- Cái hồi sanh con nhỏ này được bốn tháng, ổng mò về nhà tui muốn nhận cháu nhận con. Tui biết liền là ổng không kiếm ra được đứa con nào nên mới về xuống nước. Chớ mà ổng có con thì còn lâu. Vậy thì đâu phải là ổng thương cháu thương con gì đâu. Ổng thương chính ổng đó cô. Ổng sợ chết rồi không ai giỗ quải, hương khói cho ông bà tổ tiên rồi ổng mang cái tội, chớ đâu phải ổng thương yêu gì tụi nhỏ đâu. Tui biết ổng mắc lời thề mà. Hồi bà nội ổng trước khi chết, dặn dò ổng phải lo lắng cho mẹ con tui. Ổng thề là nếu ổng một dạ hai lòng, bỏ bê vợ con thì trời cho ổng tuyệt tử tuyệt tôn, heo nái ủi mã. Ổng tưởng thề lung thề trớt như vậy rồi là thôi. Nhưng mà chắc bà nội chết nhằm giờ linh hay sao mà ổng mắc lời thề nặng nề như vậy. Tui biết nên không thèm nói gì hết. Cha mẹ tui không ép, em út tui không dám nói ra nói vô. Con tui thì hận cha nó. Vậy cho ổng biết ở đời có nhân là có quả mà.
Bà Năm thở dài, nói qua chuyện khác:
- Vậy chị ở đó cho tới bây giờ sao?
Bà Ba lắc đầu:
- Tui đi đi về về thăm cha mẹ tui thôi, còn ở với mẹ con nhỏ này trên kia xa lắm. Hai năm nay về đây cho mấy đứa đi học.
Bà Năm tò mò:
- Chớ bây giờ xấp nhỏ ở đâu vậy chị.
Bà Ba ngồi dậy têm miếng trầu, thủng thẳng bới lại đầu tóc, rồi kể:
Hồi mới đầu về mẹ con cũng cơ khổ lắm. Gởi được 2 đứa nhỏ cho ngoại, bà Hồng bước ra mần mướn hổng thiếu chỗ nào. Ngày nắng kiếm việc còn dễ, ngày mưa ngồi nhà nhìn nhau, mong có ba hột gạo nấu miếng cơm ăn với muốt ớt là mừng rồi. Phải chi còn ở ruộng, còn có ốc có cua mà mò. Ra tỉnh lỵ rồi, muốn ăn cọng rau cũng phải có tiền. Có ngày thiệt tình phải xách lon đi mượn gạo. Cũng may là còn có Hai Cẩn. Hai Cẩn chịu thương chịu khó phụ giúp nhà ông Năm Trạng đã đành. Còn đưa cái thân tật nguyền ra gồng gánh phụ má con bà Hồng. Nói chí tình có lần Hai Cẩn đi mần mướn cho mấy đoàn cải lương xuống hát ở rạp Minh Hiển. Thấy anh em nghệ sĩ ăn uống thừa thải, Hai Cẩn cúp núp xin về khi thì mớ chưn cẳng, cánh gà, bữa lại nửa con cá chiên. Xin rồi đem về cho Năm Sơn, Út Vân ăn chớ Hai Cẩn có ăn miếng nào đâu. Vậy mới nói. Con người ta có qua hoạn nạn mới biết cạn biết sâu. Chớ giàu có chè chén say sưa làm sao biết ai giả ai thiệt. Thấy Hai Cẩn thương yêu tụi nhỏ mà bà Hồng ức lòng. Nỗi hận chồng bạc bẽo vô tâm nhân lên gấp mấy.
Qua mấy năm cơ cực, Hai Liêm đã lớn bộn, bắt đầu làm ra tiền nhiều hơn. Hồi nào đi mần kiếm tiền thì đi, hồi rảnh rang cặp kè với cậu út Kế. Hai cậu cháu bằng tuổi, dắt nhau đi chọc ghẹo người này người nọ. Nói nào ngay Hai Liêm cũng cực khổ đủ bề, nên bà Hồng nhiều khi thương con cũng bỏ quá mọi việc. Nhứt là thời gian theo lơ xe đò, học theo đủ mọi tánh hư nết xấu. Ông Năm Trạng bực mình quá một hai bắt phải về nhà.
Mười chín tuổi mà Hai Liêm còn trốn lính, tại cái hồi mới về nhà đổi tên đổi họ, đổi luôn năm sanh, tối ngày lo đi bán thuốc Sơn đông cái miệng dẻo quẹo nên nhiều cô cũng lui tới lắm. Mà Hai Liêm còn lông bông chưa kiếm ra ai hết. Đợt đó cậu Út Kế để ý cô giáo Triến, dạy học trong nhà thờ, nên bữa hai bữa là kéo nhau vô trường học. Cô giáo Triến có người bạn là cô giáo Chính, con mồ côi trong nhà phước Cù lao Giêng. Cô này người đen đúa, mà cái mặt không giống người Việt mình, hổng biết lai nước nào nữa, cha mẹ lạc đâu hồi chút nị có biết gốc nguồn đâu nà. Có điều cô Chính hát hay lắm, nghe nói đâu hồi ở Viện mồ côi cô toàn được học rồi hát, hát rồi ăn, hổng biết làm giống gì hết. Ra ngoài cô cũng hát solo trong nhà thờ lớn, cái giọng lãnh lót cao vút thanh tao làm cho bà Năm Trạng tấm tắt khen hoài.
Cô Chính hiền lành, nhiều tuổi mà ngây thơ như con nít (phải bà Năm Trạng mà xẻ bớt phân nửa cho cô thì hay biết mấy), ai nói gì tin đó khỏe re, hổng nghi ngờ gì hết. Hai Liêm đi với Út Kế tới thăm cô Triến, ngồi nói tào lao thiên tướng đủ thứ, thấy cô Chính gọt đu đủ phơi làm dưa món, ngứa miệng chọc cô Chính một câu:
- Mần chi cho cực vậy cô? Cô gom vốn liếng đưa tui buôn bán còn mau giàu hơn. Phi thương bất phú mà.
Nói giỡn mà cô Chính tin thiệt. Một bữa hổng biết mấy chị em cô giáo có chuyện bất đồng sao đó. Cô Chính quày quả đi thẳng tới nhà cha Giám học xin nghỉ dạy, hỏi đi đâu cũng không nói.
Sáng chủ nhựt bà Ba Hồng đương ngồi trước nhà ngó vô ba cuốn sổ góp hụi. Lúc đó bà cũng bắt chước người ta tập tành làm chủ hụi, thì thấy cô Chính bước vô, mới hỏi:
- Ủa cô giáo đi chơi hả?
Cô Chính thiệt thà:
- Hông. Bữa nay tui hết làm cô giáo rồi. Thằng Liêm có nhà hông vậy?
Bà Ba ngạc nhiên:
- Nó vô trong Ba Thê rồi. Có gì hông cô giáo?
Cô Chính rất thiệt thà:
- Bữa hổm nó biểu tui gom tiền đưa cho nó mần ăn. Bữa nay tui nghĩ dạy, đi mần chung với nó nè.
Bà Ba Hồng tá hỏa. Trời đất. Cái kiểu nói lã lơi như vầy là kiểu nói chọc ghẹo cho vui thôi. Thằng con trai bà nói với cỡ tám chục con mẹ đàn bà như vậy rồi đó. Chết cha rồi. Lần này nó hổng ngó trước ngó sau, nói đúng ngay chóc vô lỗ tai con bà phước thiệt thà có gì tin đó. Bà Hồng gặng lại:
- Vậy ý cô là muốn hùn vốn mần ăn với thằng Liêm thiệt đó hả?
Cô Chính gật đầu:
- Ừa. Tui xin nghỉ dạy học rồi mà.
Bà Ba xài kế hoãn binh:
- Vậy cô khoan khoan nghe cô. Để tuần sau con tui nó về rồi tui nói lại để coi nó tính cách nào.
Cô Chính gật đầu:
- Ờ tui về nghen. Nó về bà ba biểu coi nó tính lẹ đi chớ tui nghĩ dạy rồi người ta hổng cho ở lâu đâu.
Bà Năm Trạng đi nhà thờ về tới khúc quanh trong hẽm, ngó trực thấy cô Chính liền cười hỉ hả:
- Đi dâu vậy cô giáo? Vô nhà chơi cô ơi. Sáng nay hổng thấy cô hát trong nhà thờ gì hết vậy?
Cô Chính cười tươi rói:
- Bữa nay con đi nhà thờ buổi chiều đó bà Năm.
Bà Năm tính nói thêm thì thấy bà Hồng nháy nhó ra hiệu nên chưng hững lại, nói bâng quơ.
- Chà đám bông này mấy bữa nay hổng ai tưới hết.
Cô Chính thấy hết chuyện, chào hai bà già rồi xách nón đi về. Bà Hồng lật đật kéo mẹ vô nhà:
- Má coi coi chớ cái vụ này lớn rồi.
Rồi bà thuật lại hết cho bà Năm nghe, ông Năm Trạng cũng được mời xuống tham gia. Bà Năm ngồi nghe hết rồi cười ngỏn nghẻn:
- Hay à nhen. Cái chuyện này coi bộ hay nghen.
Bà Hồng cằn nhằn:
- Má ngộ thiệt á. Con rầu muốn chết nãy giờ mà má cười.
Bà Năm tỉnh rụi:
- Mắc chi bây rầu. Phải duyên phải nợ ở với nhau tới răng long tóc bạc, ai cấm đâu.
Bà Hồng than:
- Phải chi thằng Liêm con nó đàng hoàng chút. Hay là cô giáo còn trẻ trẻ chút đi. Đằng này cô giáo lớn hơn mấy tuổi, mà thằng này bây giờ hoang đàng quá.
Bà Năm sửng cồ:
- Bây ngó lại cô Ba bây coi. Cổ lấy chồng trẻ hơn mấy tuổi mà có sao đâu nà? Đâu phải hễ cứ vợ già là xấu đâu. Huống chi cô Chính là con bà phước….
Bà Năm chưa kịp nói hết câu, ông Năm tằng hắng tiếp:
- Con bà phước hiền lành ngoan ngoãn nhỏ nhẹ dễ thương quá mà.
Bà Hồng che miệng cười, còn bà Năm thì nghinh nghinh:
- Chớ sao, hổng vậy sao có thằng cha muớn 4 chiếc tam bản xuống đón về.
Câu chuyện bỗng dưng trở thành vui vẻ. Ông Năm cười một hồi rồi nghiêm mặt:
- Nói vậy chớ chuyện này hổng phải chơi. Cô giáo xin nghỉ dạy ai cũng biết. Mà cổ người thiệt thà, gặp ai cũng kể chuyện hùn vốn với xấp nhỏ. Gặp mấy người xấu xa họ dựng chuyện tầm bậy là tội nghiệp cho cô giáo lắm đó bây.
Bà Hồng phân vân:
- Vậy cha tính sao?
Ông Năm tần ngần một lát rồi nói:
- Kêu thằng Liêm về nhà trước đã rồi hãy nói.
Liêm về tới nhà, nghe mẹ kể chuyện, cười như bị thọt lét:
- Đụng ai mà con hổng rủ hùn vốn với con vậy ngoại? Hổng lẽ con đi cưới hết mấy chục người sao?
Ông Năm gườm gườm:
- Mấy đứa khác bây giỡn chơi, người ta hiểu. Còn cô Chín nhỏ tói lớn ở viện mồ côi, hổng biết giỡn cợt là gì. Bây nói sao cổ hiểu vậy. Ai biểu nói mà hổng nhìn người làm chi.
Liêm chống càm suy nghĩ:
- Rồi hổng lẽ biểu con cưới cổ, cổ lớn tuổi hơn con mà.
Ông Năm dằn cái ly uống nước cái cộp xuống bàn:
- Mẹ con bây liệu tính sao thì tính. Người ta con bà phước, danh giá không để cho bây giỡn cợt đâu.
Chiều đó bà Hồng đội nón tới thăm cô Chính, nói năm điều ba chuyện vòng vo rồi bà thủ thỉ:
- Tui hỏi cô Chính thiệt cái này. Hổng biết cô Chính có bằng lòng chịu về nhà tui ở, làm con dâu tui luôn hay không? Mẹ con tui nghèo khó, đón cô về thiệt tình là hẹp hòi cho cô quá.
Cô Chính sững người. Cô chưa bao giờ nghĩ tới chuyện có người mẹ chồng bất tử như vầy. Nhưng trong lòng cô bỗng trỗi lên một tình cảm bất ngờ. Bất ngờ đến độ cô hoang mang ngơ ngẩn. Cuộc đời cô vốn không may, bị đưa vào Viện mồ côi từ 5 tuổi, cô sống như một cây cỏ năn, cỏ lát mọc hoang trên đồng ruộng hiền lành. Mười mấy năm trong tiềm thức khát khao được thầm thì tiếng má ơi. Tiếng má ơi của những ngày còn trôi nổi trên giòng sông Mê Kông. Tiếng má ơi ngày cô khóc thét khi người chị cả dắt cô vào bỏ trong nhà phước.
Lâu lắm rồi cô không còn muốn nhớ mình là ai, muốn quên đi những khuông mặt thân quen trong gia đình. Dù rằng, đã nhiều đêm, trong giấc ngủ, cô vẫn mộng mị chập chờn những hình ảnh ngày thơ dại. Chiếc tam bản rộng và những thùng hàng hoá. Cái khăn bịt đầu của cha, hàm răng vàng nhiều chiếc của mẹ. Những người anh, người chị xúm xít quanh mâm cơm và những bàn tay bốc thành thạo. Tiếng cá quẫy bì bọp dưới sông và tiếng mái chèo rẽ nước. Câu hát cha thường hay hát trong đêm trăng.
Ôi nàng Sơ ron thân yêu ơi. Ngồi đây mà coi trăng sáng lên non rồi
Để rồi khi cô giựt mình thức dậy, mồ hôi ướt đẫm mái đầu, ngơ ngác quờ tay tìm một hình ảnh còn mơ màng sót lại. Mơ màng một tiếng gọi má ơi. Mơ màng câu hát của cha. Và xót xa giận hờn, chất ngất não nề chôn sâu mặt mình trong đống gối mền lùng nhùng xấu xí. Đã nhiều lần cô tủi thân, đã nhiều lúc cô oán giận, đã nhiều khi cô trách móc. Nhưng cô – vẫn giống mọi đứa trẻ mồ côi trên thế gian này. Dẫu có giận hờn, dẫu có ấm ức, dẫu có giả bộ lạnh lùng. Thì trong tận cùng của trái tim vẫn thèm được gọi hai tiếng má ơi, cha ơi. Vẫn mong được một bữa cơm gia đình ấm cúng. Vẫn mong có một mái ấm thật sự cho mình.
Cho nên, khi nghe người đàn bà ngồi trước mặt nói ra câu nói với nét mặt đầy thương yêu. Cô ngỡ ngàng thực sự. Và trong tâm linh có ai đó thì thào với cô rằng: Gia đình cô là đây, người mẹ yêu thương của cô là đây.
Đám cưới cô giáo Chính tổ chức nhẹ nhàng, có ông cha sở nhà thờ Chánh toà làm chủ hôn. Cô giáo Chính hát cho chính lễ cưới của mình trong nhà thờ. Vẫn với chất giọng mượt mà trong sáng, thanh tao nhẹ nhàng. Trong đám người dự lễ, có kẻ thì thào:
- Vợ lớn hơn chồng mấy tuổi.
Kẻ khác nói:
- Thằng đó lông bông nên ông bà Năm bắt cưới con mồ côi cho dễ dạy.
Người thì nói:
- Hổng biết làm sao mà ở nỗi với chị Ba Hồng. Bà đó khó khăn kỹ càng phát sợ
Lại cũng có người triết lý rằng:
- Cái nồi phải úp với cái vung, chớ có ai úp 2 cái vung vô với nhau đâu. Hai Liêm hoang đàng ba chìm bảy nổi, bán trời không văn tự thì phải cưới cô Chính ngây thơ hiền lành mới xứng đôi vừa lứa chớ. Gọi là bổ khuyết cho nhau.
Người khác nghe được bồi thêm:
- Chớ để Hai Liêm mà cưới một con vợ bốn chín năm mươi thì có nước xóm làng này điên đảo hết.
Mà cô Chính ngây thơ thiệt, ngây thơ đến mức mà ông bà Năm Trạng phải thông báo tình trạng hồn nhiên của cô cháu dâu mới tinh cho mấy cậu mấy dì trong nhà biết. Biết để thông cảm, để tha thứ, để đừng bắt lỗi bắt phải cháu dâu. Có mấy câu chuyện hay ho về cô Chính mà bao nhiêu năm sau lưu truyền miết trong giòng họ, người này chuyền miệng người kia vừa kể vừa cười khúc khích. Nhứt là mợ Bảy Trinh, cô con dâu khôn ngoan nhứt, duyên sắc mặn mà nhứt trong đám con dâu ông Năm Trạng.
Bà Năm buổi sáng mua 2 con cá lóc về rọng trong thau nước, buổi chiều bà sực nhớ, kêu cô Chính xuống bếp thăm chừng coi 2 con cá còn sống không. Cô Chính lật đật xuống bếp rồi lên trả lời thật kính cẩn:
- Thưa ngoại. Một con đương hấp hối, một con đã sinh thì.
Ôi Chúa ơi. Câu nói này nếu là cái miệng người khác nói thì thành ra câu nói giỡn. Vì đây là câu dùng cho người, nói kiểu cọ văn chương là sử dụng trong nhân cách hoá. Nhứt là cái từ sinh thì, chỉ để dành cho người trong đạo, ý nói là chết rồi. Vậy mà cô Chính nói một cách hết sức nghiêm trang chớ không hề bỡn cợt, làm cho một người tinh quái như bà Năm phải cắn răng không dám để bật ra tiếng cười nào vì sợ cô cháu dâu mắc cở. Cho tới khi cô Chính bước về nhà mẹ chồng thì bà Năm vật xuống sàn, cười nghiêng cuời ngã, cười như bị ma nhập hổng bằng. Ông Năm cũng phải vén cửa buồng ra cười sùng sục ké với vợ mình. Thiệt là … người gì mà thiệt thà quá sức.
Rồi lần khác, mới nghe đồn Hai Liêm cặp bồ với ai đó ở trong Ba Thê, bà Hồng kêu con trai về, mắng phủ đầu lập tức. Ông Năm Trạng hầm hừ thằng cháu ngoại mới cưới vợ đã bày đặt nọ kia. Cô Chính thấy ai cũng cũng bênh mình, ngồi cười khoái chí. Hai Liêm mắc cở, đổ quạu, quay qua chửi vợ:
- Cười cười cái gì. Con c…..
Cô Chính te tái:
- Làm gì đem ra chửi tui. Anh tưởng có mình anh có sao anh đem khoe.
Rồi cô chỉ tay ra cửa:
- Ngó coi nè. Con chó cũng có.
Hai Liêm chưa kịp nổi khùng thì cô đã tiếp thêm:
- Ông ngoại cũng có nè.
Lần này thì một trận bão cười. Bà Hồng cười, Năm Sơn cười, Út Vân cười, ông Năm vừa ho sặc sụa vừa cười, bà Năm té ra giữa nhà cười, mợ Bảy (qua nhà chồng thăm chút rồi về) phóng vô buồng (vì sợ cha chồng mắc cở) cười lăn lộn. Đến nỗi Hai Liêm đương tức tối cũng phải gập người mà cười. Chỉ có cô Chín mở đôi mắt ngây thơ nhìn mọi người, không hiểu mình đã nói sai cái gì mà mọi người cười như trúng bùa.
Được không bao lâu thì có khóa học hộ sinh mới mở ở bệnh viện Long Xuyên, Chín Phẩm lúc này đã ra nghề được 2 năm, kêu chị ba đưa con dâu vô xin học, học được 6 tháng thì cô Chính có mang, tính ra sẽ sanh con vào đúng thời gian tập sự, vậy cũng tốt. Tuy đã bắt đầu ra đời va vấp, nhưng cô Chính vẫn giữ nguyên nét ngây thơ hồn nhiên ngờ nghệt, thậm chí còn mét bà ngoại chồng “Dì Chín ăn cóc mà hổng cho con miếng nào”, làm cho bà con lối xóm ai cũng vừa thương vừa tức cười.
Lúc cô Chính gần sanh thì trong bệnh viện Long Xuyên có sự thay đổi chút xíu, là năm đó vợ ông Tỉnh trưởng có mang gần ngày, đánh tiếng muốn sanh tại bệnh viện tỉnh, chớ thường thì mấy bà lớn hay về Sài Gòn sanh nhà thương tư hay nhà thương Từ Dũ (hồi xưa còn kêu là nhà thương chú Hỏa). Vậy nên Ban Giám đốc bệnh viện Long Xuyên lật đật kêu thợ hồ tới sửa sang một cái phòng đặc biệt để dành cho quan bà đầu tỉnh. Vừa kịp cái phòng sửa xong thì quan bà sanh một công tử trắng trẻo phốp pháp, nhân viên bệnh viện lớn nhỏ ra vô thăm hỏi nườm nượp. Ở được 5 ngày, hai mẹ con bà lớn lên xe traction về dinh, hôm đó là thứ bảy.
Qua ngày chủ nhựt cô Chính vác cái bụng bầu đi xay xảy, bà bác sĩ phụ trách khoa sản mới ghẹo cô:
- Lo sanh đi chớ, ai đời đi trực mà dắt con theo.
Cô Chính cười hì hì:
- Còn lâu mà cô Bảy, mới có 8 tháng rưỡi.
Cô Bảy nói vui:
- Hễ trong vòng 3 ngày nữa mà sanh thì tui cho nằm phòng đặc biệt một mình như bà lớn vậy đó.
Ở đời nhiều cái lộng giả thành chân, 7 giờ sáng thứ hai đương đứng chào cờ sao thấy cô Chính nhăn nhăn, rồi một lát thấy cô Bảy biểu y công chạy về nhà cô Chính nói người nhà đem đồ đạc vô bệnh viện, 8g15 phút con bé có đôi mắt đen láy ra đời, nhanh nhẹn láo liên nhìn chung quanh rất khác lạ với những đứa trẻ khác. Cô Bảy giữ đúng lời hứa đem 2 mẹ con vào phòng đặc biệt, cười hỉ hả:
- Con gái sinh năm hợi, tháng hợi, giờ thìn, nằm phòng đặc biệt này mai mốt làm biếng lắm nghen.
Hồi đó chế độ nghỉ sanh có một tháng thôi, được ba tuần lễ bà Hồng mua sữa bò về tập cho cháu nội bú để chuẩn bị cho mẹ nó đi làm trở lại. Nhưng con nhóc ương ngạnh khóc ngằn ngặn phun phèo phèo, ọe lên ọe xuống. Thấy vậy mấy người mới biểu hay là tập cho nó bú thép, nghĩa là bú nhờ vú người khác, hồi đó sanh đẻ tùm lum, đàn bà cho con bú thiếu giống gì. Vậy mà cũng không xong với nó, mặc dù nó chưa đủ một tháng tuổi, hễ người lạ ôm vô là nó giãy, mím chặt môi lại không bú, nhìn vô không ai dám tin là đứa nhỏ chưa đầy tháng.
Rồi cũng tới ngày cô Chính phải đi làm, con nhỏ khát sữa khóc lịm đi, bà Hồng sợ quá lấy nước cơm quậy đường đổ cho cháu, chờ giữa giờ bưng nó tới bệnh viện cho bú mẹ, rồi hễ ngày nào cô Chính trực tối thì mẹ con bà cháu dắt nhau lủ khủ lên bệnh viện ngủ, làm cho cô Chính cằn nhằn cô Bảy:
- Tại cô Bảy hồi đó nói em đi làm mà vác con theo nên bây giờ nó vậy.
Cô Bảy cười ha hả:
- Hổng ngờ con gái bây ở trong bụng mà nghe bà Bảy nói gì là làm theo hết. Vậy là mai mốt còn làm biếng nữa đó nghen.
Hết thời gian thực tập, người ta điều cô Chính về làm phụ trạm y tế ở Xẻo Quýt. Người phụ trách ở đây tánh tình khó chịu, mà cô Chính lại quá thiệt thà, nên bà Hồng xót con dâu mà không biết phải làm sao.
Xui rủi là đúng vào thời điểm đó bà Hồng bị giựt hụi, một con hụi hốt đi gần chục dây hụi, làm cho bà Hồng bị các con hụi khác làm dữ, đến nỗi phải cầm cố căn nhà đang ở, rồi năn nỉ người ta cho thuê lại trong chính căn nhà của mình.
Bà Hồng xuống tinh thần rõ rệt, mới đỡ đỡ hai năm nay, chưa thấy khá giả gì thì tai bay họa gởi, phần lo lắng nợ nần phần chạy miếng ăn cho Năm Sơn, Út Vân đương tuổi lớn. Một ngày có người bưu tá tới nhà đưa một lá thơ có tên cô Chính, bữa sau cô Chính về mở ra đọc bà Hồng mới hay là thơ trả lời của Bộ Y tế (thời Ngô Đình Diệm) là nhận cô Chính về vùng dinh điền (còn kêu là vùng rừng thiêng nước độc). Bà Hồng khóc lóc thì cô Chính nói:
- Cái này là tự con viết đơn xin đi đó má. Con tính làm ở Xẻo Quýt lương tháng chưa nổi bốn trăm đồng, mà người ta còn hạch sách mình đủ thứ. Con thấy giấy chiêu mộ người ta trả tới ngàn hai, mà một mình một cõi không ở dưới quyền ai hết.
Ba tháng sau giấy tờ gởi tới kêu cô Chính đi tới một địa phương xa lắc, nghe đâu cách Long Xuyên ba bốn trăm cây số. Cô Chính một thân một mình, vác cái bụng bầu đứa thứ hai, cầm trong tay cái sự vụ lệnh và bản đồ hướng dẫn, ra đi mà không biết đó là nơi nào.
Mẹ ra đi được 2 tuần thì con nhóc lên đậu mùa, điều này hết sức vô lý vì trước đây nó đã được chủng đậu và lên trái đậu (nghĩa là đã miễn nhiễm với bệnh này – cái này thế hệ trước mới biết được – giống bệnh này hiện nay đã tuyệt chủng). Vậy mà trái đậu lên hết khắp người con nhóc, mưng mủ xanh lét hôi thúi quá chừng. Hàng xóm ai cũng nói con này có qua được cũng khó, nhẹ thì rổ mặt, nặng thì mù mắt, bà Hồng thương cháu khóc lên khóc xuống, kiêng cử tự nhốt 2 bà cháu trong buồng kín tối đen tối hù, cũng may là con nhỏ ngoan ngoãn không khóc lóc gì hết.
Vậy mà trời thương, ưu ái đến nỗi 2 tháng sau con nhỏ hết bệnh ra khỏi buồng, kiếm hết trên mặt trong mình không có một vết thẹo, một điều quá sức hiếm hoi đối với chứng bệnh quái ác này. Bà Hồng quỳ lạy bàn thờ, cảm ơn đất trời đã thương xót cháu gái bà, còn con nhóc vẫn ngoan ngoãn ngây thơ chẳng biết gì.
Cô Chính đi được 6 tháng thì gởi thơ về, kể đã sanh được một thằng con trai, rất vất vả vì một thân một mình. Bà Hồng lật đật khăn áo, giỏ xách, đùm đùm gói gói bắt Hai Liêm ẳm con gái theo bà đi lên cái xứ mà người ta kêu là chó ăn đá gà ăn muối đó.
Lên đó mới thấy không phải là quá đáng sợ như người ta truyền miệng. Cũng có đường lộ xe chạy sát bên, cũng sông cũng nước như ai. Có điều là thôn ấp nên không thể nào đem so với tỉnh thành được. Cô Chín đưa cho mẹ chồng mười tháng lương, là số tiền người ta trả cho cô bắt đầu từ ngày cô nạp đơn xin ra dinh điền. Cô dặn bà Hồng đem về chuộc lại cái nhà, rồi giao nhà lại cho ông bà Năm Trạng cho người khác mướn, lên đây ở luôn với cô.
Từ đó, mười mấy năm nay, bà Hồng sống cùng cô con dâu ngoan ngoãn hiền lành thiệt thà. Vừa thương dâu vừa cảm cái ơn đã giúp nhà chồng qua hồi gian khổ. Bà Hồng và cô Chính đối đãi với nhau như mẹ con ruột. Bà Hồng giúp con dâu chuyện nhà cửa, chỉ vẽ cho cô Chính cách sống ở đời. Ngay cả khi Hai Liêm mèo mở ở đâu thì cũng một mình bà Hồng tới lui ngăn cản chớ cô Chính không bao giờ phải lên tiếng.
Có điều. (kể tới đây bà Hồng thở dài) Cái gì cũng vậy, Hai Liêm thuộc giòng giống đa tình như ông già, cũng lang thang đầu làng cuối chợ, gây cho cô Chính nỗi bất bình trong lòng. Cái buộc của người theo đạo Chúa là không được thay chồng đổi vợ chớ ngày một ngày hai, tình cảm vợ chồng lần lần phai lạt, điều này bà Hồng biết rõ hơn ai hết, con trai và con dâu bà sống với nhau trên danh nghĩa chớ sự lạnh nhạt đã lấn át hết rồi. Người phụ nữ mà Hai Liêm thích thú phải biết chiều chuộng chồng, thậm chí phải lẳng lơ mới mong giữ được người đàn ông trăng hoa bay bướm. Còn cô Chính hiền lành nghiêm trang đoan chính, một tiếng cợt đùa còn không biết nữa thì lấy đâu ra mà cầm giữ được.
Đôi khi bà Hồng nghĩ rằng bà và gia đình đã sai lầm khi xây dựng nên cuộc hôn nhân này. Người đàn ông mang lại hạnh phúc cho con dâu bà phải là người nghiêm nghị, chân thực. Còn người phụ nữ của con trai bà phải là người biết nũng nịu biết lã lơi. Hai thái cực không bổ khuyết được cho nhau mà trái lại ngày càng đẩy nhau xa ra, nỗi bất bình ngấm ngầm càng lúc càng phát triển, lấn át đi chút tình cảm suy dinh dưỡng trong hai con người ngược ngạo đối lập nhau đó.
Thương con thương cháu, bà Hồng đem hết chút sức già còn lại, chăm sóc bầy trẻ bốn đứa và quán xuyến việc gia đình để cho cô Chính rảnh tay lo cơm áo gạo tiền. Còn Hai Liêm làm đồng nào xài hết đồng đó, đổ vô ba cái rượu chè, vợ bé vợ mọn. Bà Hồng khổ tâm hết sức, đến nỗi bà chỉ lo tập trung cho gia đình này, lơ lơ đãng đãng bầy con của Năm Sơn và Út Vân.
Bà Năm hỏi thăm vòng vòng:
- Vậy chớ dì Sáu, cậu Bảy, dì Tám, dì Chín, cậu Mười, cậu Út bây giờ sao rồi chị Ba?
Bà Ba trầm ngâm:
- Cũng tứ tán rồi cô ơi. Sáu Sa lấy chồng ở Sài Gòn, từ hồi giải phóng tới giờ về đây ở. Bảy Trinh đi bán thuốc Nam, vô vùng xôi đậu bị nghi ngờ làm mật vụ nên bị cách mạng thủ tiêu mười mấy năm nay rồi. Tám Lê lấy chồng gần nhà, cũng hơn chục đứa con. Chín Phẩm lấy chồng rồi ly dị hơn chục năm nay. Mười Lộc hết đi lính bây giờ sửa đồng hồ trong hẻm. Út Kế mất cũng hơn chục năm nay rồi.
Bà Năm xuýt xoa:
- Nhớ hồi đó dì Sáu với dì Chín đẹp ghê chị Ba há. Em vô nhà mà sững hết người luôn, lúc đó dì Sáu mới ở Sài Gòn về nữa chớ.
Bà Ba gật đầu:
- Ờ. Hai đứa nó đẹp nhứt nhà. Mà con Sáu thì yên nơi yên chỗ còn con Chín thì cũng như tui thôi.
Bà Năm nói lý:
- Hồng nhan bạc phận mà chị ba.
Bà Ba lắc đầu:
- Hổng phải đâu cô Năm. Nếu nói hồng nhan sao con Sáu chồng con êm đềm như vậy. Giòng họ tui có kiểu khác cô ơi. Hể con gái lấy chồng mà ai không vô nhà thờ làm phép cưới là khổ ải vậy đó. Mà chuyện con Chín tức cười lắm đó cô.
Bà Năm hăm hở:
- Kể nghe đi chị Ba.
Bà Ba gát tay lên trán, thở ra:
- Nó cũng giống tui, lấy chồng không có sự ưng thuận của cha mẹ. Tại chồng nó theo đạo Hoà Hảo, ở với nhau được 4 mặt con, lúc đó chồng nó làm trung úy, thằng chả lẹo tẹo với bà nào trong Kinh Xáng, con Phẩm mới ly dị. Rồi chả về trỏng ở luôn với bà Hai. Ở với nhau mấy năm hổng biết con mẹ gì hết, tới ngày giải phóng mới tá hỏa ra con vợ là Cách mạng. Rồi ngày cải tạo con vợ dắt thằng chồng lúc đó là đại úy ra trại giam. Thiệt là tri nhơn tri diện bất tri tâm mà.
Bà Năm cười hăng hắc:
- Ngộ thiệt há. Thằng chồng gì mà dở dữ vậy hổng biết.
Buổi sáng bà Ba biểu con nhỏ chuẩn bị về. Bà Năm cản:
- Ở chơi mấy bữa đi chị Ba, để em coi có ai quen đi vô trỏng em nhắn ổng ra.
Bà Ba bật cười, lắc đầu
- Tui xuống đây đâu phải để gặp ổng đâu cô Năm. Thiệt tình nếu hổng phải vì con nhỏ này thì tui hổng mắc chứng gì mà xuống đây hết. Tại nó khóc lóc giận hờn muốn biết ông nội. Tui nghĩ nếu tui không thỏa mãn cho nó về sau này con cháu trách tui. Nên tui đưa nó xuống đây, gặp thì tốt, không gặp thì sau này nó cũng biết đường đi nước bước. Nếu con cháu ổng còn tưởng nhớ tới ổng thì tụi có cũng biết hướng mà kiếm. Còn không thì cũng đâu có trách được tui. Tui khỏi mang tiếng cấm cản ai hết.
Bà Năm buồn buồn:
- Chị Ba cương quyết dữ vậy sao chị Ba.
Bà Ba cười lớn:
- Cô hỏi chi cái câu trễ tràng dữ vậy.
----------------------
Bà Ba mất được nửa năm, một bữa Hai Liêm nhận được một lá thơ đặc biệt, đem về đưa cho vợ con coi, nội dung như vầy:
Liêm con.
Cha viết lá thơ này cho con với tấm lòng của người cha đau khổ.
Bao nhiêu năm qua cha xa rời mẹ con, xa rời các con, các cháu. Lòng cha hằng mong có ngày được sum vầy vui vẻ trong gia đình, được quây quần bên đàn cháu nội ngoại.
Lỗi cha lớn quá, mẹ con không thể tha thứ được. Bao nhiêu năm qua cha đã hết sức mong chờ một tiếng tha thứ của mẹ con, cha đã về nhà mong được nhận con nhận cháu. Nhưng mà mẹ con cứng lòng quá, mẹ con đã không nhìn mặt cha.
Ôi biết bao nhiêu năm qua rồi, cha ngỡ như mình không thể nào quay trở lại. Nhưng mà cha không thể tưởng tượng rằng có ngày mẹ con lại tới Bảy Ngàn, dắt theo đứa cháu nội năm xưa cha đã ẩm bồng. Con ơi. Khi nghe dì Năm kể lại, cha đã mừng biết bao nhiêu. Cha nói chắc mẹ con đã bằng lòng tha thứ cho cha rồi. Phải chi hôm đó cha biết trước mà về Bảy Ngàn sớm thì chắc đã được gặp mẹ con. Cha tính mấy bữa nữa cha về nhà ông bà ngoại con, hỏi thăm đường đi nước bước để mà lên thăm con cháu. Nhưng không ngờ hôm nay dì Sáu con đi bán ghé qua đây, nói cho cha biết là mẹ con đã vĩnh viễn ra đi sau ngày tới Bảy Ngàn tìm cha chưa được hai tháng. Cha nghe như sét đánh bên tai, trời long đất lỡ con ơi.
Ôi đau xót biết chừng nào. Người vợ hiền lành đảm đang của cha, người đã thay cha lo lắng chăm sóc cho các con trong bao nhiêu ngày qua. Người đã hy sinh hết toàn bộ tuổi xuân, sắc đẹp cho các con, chỉ vì một người chồng khốn nạn là cha đây. Để cho mẹ con bao nhiêu năm trời khổ sở.
Ôi trời ơi có hay. Tại đâu nên nỗi loan phượng lìa đôi. Một ngày cũng nghĩa vợ chồng. Đành đoạn làm chi cho tới chết cũng không nhìn được mặt nhau. Cha biết lỗi lầm cha lớn lắm. Giá như cha biết mẹ con ra đi sớm như vậy thì cha đã tức tốc chạy ra nhà ông bà ngoại con liền hôm đó. Có khi còn được gặp mặt mẹ con lần sau cuối.
Ôi Liêm con ơi. Đau khổ cho cha biết chừng nào. Bây giờ tóc cha đã bạc, sức cha đã cạn mà cha chưa được nhìn thấy con cháu của mình. Trong khi các con đứa nào cũng đã yên bề gia thất, con cái đầy nhà. Nếu như xưa kia cha đừng lầm lỗi thì bây giờ cha đã hưởng cảnh con cháu đoàn viên rồi. Tại cha quá tội lỗi nên đến giờ sau cùng, mẹ con đã tha thứ cho cha mà cha cũng không xứng đáng được hưởng ơn huệ đó. Cha đau khổ biết mấy con ơi.
Cha của con. Ba Nhiêu.
Hai Liêm vừa đọc thơ vừa khóc sụt sùi. Mấy đứa nhỏ đứng xung quanh nhong nhóng cái cổ lên nghe lá thơ mùi mẫn nhứt đời tụi nó. Vợ Hai Liêm mặt lạnh căm, cười mũi một tiếng bỏ đi.
Qua ngày sau, Hai Liêm nói với vợ:
- Bà chuẩn bị nhà cửa chỗ ở nghe. Tuần sau tui đi về đón cha lên đây ở.
Bà vợ cười khẩy:
- Cha ông ông muốn làm gì ông làm, đừng kêu tui.
Hai Liêm trừng mắt:
- Nói gì?
Bà vợ điềm nhiên:
- Tui nói cha mẹ ông, ông muốn phụng dưỡng tui hổng cấm. Nhưng mà ngày tui về nhà ông tui chỉ biết có má thôi. Tui mồ côi không cha không mẹ, bao nhiêu năm nay má dạy dỗ, lo lắng cho tui, chăm sóc con cái tui. Cho tới khi ông đi mèo chuột má cũng hết sức bênh vực tui, thương yêu tui. Trong lòng tui chỉ có bà nội xấp nhỏ thôi. Tui không biết ai là cha chồng tui hết. Tui hổng mắc mớ gì phải đi phụng dưỡng cái ông già bạc tình bạc nghĩa đó. Nghĩ cho cùng, ổng có thương yêu gì xấp nhỏ đâu. Ổng chỉ muốn thân ổng về già được vui vẻ sung sướng, con cháu hương quả thờ phượng thôi. Đó là ổng lo cho ổng mà. Nói gút lại một câu. Chừng nào má biểu tui lo cho ổng thì tui lo, vì má mà. Nhưưng mà má đâu có biểu tui vậy đâu. Má chỉ nói là để cho ổng mắc lời thề, không người hương khói, không ai thờ phượng, heo nái ủi mã thôi. Ông muốn cãi lời má thì ông đi đón ổng về đi. Còn tui thì không đâu nhen. Con cái tui đứa nào nghe lời ông thì nghe, không nghe – cũng là nghe lời bà nội nó dặn dò. Hổng có gì sai hết.
Hai Liêm trợn ngược mắt lên. Muốn cãi lại mà không biết lấy lý lẽ gì mà cãi.
Mấy chục năm sau, có lần ở bến đò Vị Thanh người ta thấy xuất hiện một phụ nữ trung niên đeo kiếng đen, quần Jean áo pull vai mang túi xách tới hỏi mấy xe nước mía:
- Mấy chị cho em hỏi ở đây lâu có biết nhà cô Út Kiều ở đâu hông?
Mấy cô trẻ trẻ lắc đầu, một bà già già bán chuối nướng gần đó trả lời:
- Phải hỏi bà Út mẹ cô Thanh xuất khẩu hông?
Người phụ nữ ngơ ngẩn một lát rồi nói:
- Dạ con hổng biết, chỉ biết là cô Út có ông chồng tên Ba Nhiêu.
Bà già gật đầu:
- Phải rồi, ông già đó thứ ba.
Người phụ nữ chưa tin lắm:
- Hình như hai ông bà đó không có con mà.
Bà già chuối nướng cười :
- Con Thanh là con nuôi mà.
Người phụ nữ có vẽ mừng, ngồi xuống kế bên hỏi:
- Vậy họ còn sống hông dì?
Bà già lắc đầu:
- Chết hết rồi. Cả nhà con Thanh vượt biên cũng chết hết luôn.
Mấy người ngồi bên hình như cũng bắt đầu biết đang nói về ai nên góp chuyện.
- Ông Ba chết trước, hai năm sau bà Út chết theo.
- Mấy tháng sau bà Thanh xuất khẩu trốn đi vượt biên, bị hải tặc giết chết cả nhà.
Một người ngồi kế trề môi:
- Con mẹ Thanh giàu có mà thất nhơn ác đức, thu mua tiêu hột xuất khẩu toàn là cân ăn gian của người khác.
Bà già cười móm mém:
- Vậy mới bị người ta rủa mà.
Chị xe nước mía nãy giờ mới góp vô:
- Trước khi đi vượt biên bà Thanh xây hai cái nhà mồ tổ chảng cho hai ông bà già, ai dè mới đi được mấy bữa ăn trộm vô đục nhà mồ ra lấy của. Tại vì chôn trong đất ruộng mà. Nó nghi nhà giàu có chôn vòng vàng theo nên đào xác để lấy. Hổng biết đào lên được mấy ngày mà xương xóc để lăn lóc, trâu bò đi ngang đạp bà Út bể nát thiên linh cái.
Người phụ nữ rùng mình. Bà già chỉ tay bâng quơ:
- Ở phía đó đó cô. Mà điều sau này không có ai làm chủ, Ủy ban cho tịch thu làm đất công, xây cái trạm xá lên đó rồi.
Người phụ nữ hỏi ráng thêm:
- Vậy mồ mã còn nguyên chỗ cũ hay sao?
Mọi người lắc đầu. Một người nói:
- Người ta thông báo bốc mộ mà không ai làm, về sau Ủy ban cho bốc đại rồi đem đi đâu không biết nữa.
Người phụ nữ cám ơn rồi lặng lẽ xuống đò đi về. Xa xa mấp mé sau rặng ô rô, câu ầu ơ vang lên buồn bã:
Ví dầu tình bậu muốn thôi……..
Viết xong ngày 02/01/2011 - Anchu
Ý kiến bạn đọc
17 Tháng Ba 20117:00 SA
Mẹ Gâu
Khách
Cô ơi truyện hay quá!
Nhưng mà buồn. Hình như truyện nào của cô cũng buồn. Đọc rồi cười vì những cái ngồ ngộ trong truyện rồi lại buồn.
Nhưng có lẽ đọc xong lại cảm thấy mình hạnh phúc vì những gì mình đang có. Cháu cảm ơn cô vì điều đó.
À mà ngôn ngữ Tây Nam Bộ không khó hiểu đâu :)