BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73343)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi còn nợ một lời cám ơn!

12 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 1073)
Tôi còn nợ một lời cám ơn!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

“ Đời đâu phải cứ gì cơm áo
Mà không dành, chút xíu, cho nhau! “
[ Trần huy Sao ]

Viết về mình hay viết về gia đình mình thì thường người ta có tâm lý mượn bút mực để khoe, vì thế, tôi rất ngại ngùng và cố gắng ít khi đem chuyện nhà ra kể…Nhưng lần này thì phải “ xé rào” bởi vì vừa rồi khi đọc mục thư tín của người bạn văn của tôi trả lời cho một độc giả. Câu viết “…còn nợ một lời cám ơn…” của ông khiến tôi giật mình, lòng bồi hồi, cảm thấy thẹn vì câu nói vô tình nhắc cho tôi nhớ chính mình đây còn nợ nhiều người lắm một lời cám ơn thật thà ! Cám ơn đâu phải chỉ dành cho người thọ ơn, mà còn là tiếng nói thông cảm, sâu xa nào đó của người và người. Trong không khí xôn xao giao thoa giữa trời đất, bây giờ trong lòng tôi là một cảm giác an bình, xui giục tôi muốn viết, muốn kể lể, muốn bày tỏ những tình cảm và suy nghĩ lên trang giấy tinh khôi hồn giấy mới của năm mới đang bước tới thật gần.

Đời sống của tôi, đơn giản lắm. Nhiều lúc nhẹ như không. Còn quan niệm thì như một người nhạc sĩ đã nói dùm: “ Sống. Có nhiều người thương mến mình và chắc chắn không thiếu người ghét mình. Vì thế chúng ta có quyền yêu nhau, có quyền không ưa nhau. Nhưng đừng bao giờ hãm hại nhau” Sống đến tuổi này, trên dải đất bình yên này, trong một gia đình bình thường này - đã là một hạnh phúc. Tình của những người thương mến tôi, như những nhánh sông lớn, nhỏ, đổ ra cuộc đời tôi và nuôi dưỡng tôi bằng dòng nước bao dung. Còn những ghét ghen tị hiềm? Thị phi? Chê trách? Phẫn nộ? Đó là những mảnh gương, sắt, sáng loáng. Là những viên sỏi, cứng, bóng ngời. Những thứ đó dễ dàng cứa vào tâm hồn yếu đuối của tôi, nó còn có thể làm vấp chân tôi. Nhưng chính những điều ấy giúp tôi soi rọi mình, nhìn lại mình. Tôi có thể thành thật viết những lời này là do một người bạn - người kề cận kề bên tôi suốt bốn mươi năm, người thường chỉ cho tôi thấy những sai sót và nhắc nhở tôi những điều mà cách hành xử của tôi chưa đủ tử tế. Đó là chồng tôi!...

…. Bốn mươi năm. Con đường xa ngái với bao nhiêu biến động khôn lường. Không có cuộc hôn nhân nào chỉ ròn rã nụ cười. Trải qua bao nhiêu năm tháng, đủ thứ lận đận thăng trầm và trùng trùng phiền muộn lo toan khốn đốn. Chúng tôi còn sánh vai với nhau. Còn yêu nhau. Còn được kể lể tâm tình với nhau. Còn được tỏ bày và thông cảm với nhau đủ thứ chuyện… Nếu không nói tôi may mắn có được người chồng tri kỷ! Cảm ơn chồng tôi, chú Trình
Hãy sắp sẵn hành trang
Cười lên ngạo nghễ
Gian khổ, chông gai có gì đáng kể
Kiếp phù sinh ắt sẽ qua mau
Uống cạn chén này, đời thoáng giấc chiêm bao
Rồi phải tới một ngày
Định mệnh an bài trên con thuyền bảo ảnh
Một sẽ ra đi tới tận ven trời
Phút tiễn đưa nhau e lắm ngậm ngùi…

Đoạn thơ của ông Tuệ Quang khiến tôi nhớ đến người bạn văn khác, vừa mới quen, tuy có chút thân thiết nhưng chưa gặp mặt bao giờ. Đời sống của anh bây giờ, tôi mù tịt. Nhưng cõi văn của anh, tôi có thể hình dung được sự câm nín chịu đựng cố tình ra vẻ bình thản trong nỗi tịch liêu. Tâm hồn nhạy cảm của tôi mường tượng ra được nỗi lặng thinh cô đơn trên những chuyến xe từ sở làm trở về trong những buổi chiều như buổi chiều hôm nay. Chắc chắn người bạn văn của tôi nhiều lần ao ước trong ngôi nhà ấm áp quen thuộc kia, khi anh mở cửa - có đôi mắt và nụ cười thật đẹp của người vợ đón chờ! Và, tôi cũng kịp hình dung ra được khoảnh khắc thất vọng cực kỳ đau đớn khi anh chỉ đối diện với một mình anh! Sau những bước chân mệt mỏi thất vọng của anh bước vào căn phòng ăm ắp kỷ niệm…À! Hình như tôi nghe được cả tiếng thở dài của anh thì phải?

Nhiều lúc tôi muốn viết đôi điều với người bạn văn chương chưa hề gặp mặt đó để hàn huyên những mất mát của anh. Cũng như tôi có thể chia sẻ những khắc khoải xốn xang, mà bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão thời tuổi trẻ của anh, của chồng tôi, đã được đánh đổi bằng nỗi tuyệt vọng vô bờ. Nhưng tôi biết người bạn văn của tôi, lúc nào cũng tự hào trong nỗi cô đơn… Vì tâm sự gì đi nữa cũng chỉ là một chuỗi buồn vô vị!

Tôi vừa nghĩ tới và vẽ ra trong trí một ngôi nhà phủ um bóng mát ở Florida. Giờ này người vợ đồng cảm, giỏi giang, khiêm hoà của một họa sĩ nỗi tiếng lẫy lừng đang làm gì nhỉ? Có phải bà đang phóng mắt qua cửa sổ lơ đãng nhìn bóng chim vút qua trong bầu trời xám đầy gió? Hay bà đang nhìn ngắm say mê buồn bã cội mai quý, thân thương của người chồng trồng trước ngõ? Tấm hình đen trắng hắt bóng bà sánh vai ông trong những ngày cuối đời khiến tôi xúc động rưng rưng. Tôi tin rằng tình yêu của ông sẽ giúp bà can đảm tiếp tục sống và cầm bút trong cõi rỗng lặng quanh mình.

Nỗi đau xé lòng đến với một người ca sĩ có dáng vẻ duyên dáng khiến tôi đặc biệt mến mộ từ lúc gặp cô hát ở hội quán Cây Tre của Sài Gòn một thưở ngày xưa. Tôi kẹt lại VN gần hai mươi năm. Sang đây, gặp lại, cô vẫn duyên dáng vô cùng. Thêm hai mươi năm nữa. Nhìn, cô vẫn vậy, tuy có già hơn, nhưng nét duyên còn y nguyên. Người đàn bà trẻ thơ đó vừa mới để tang chồng mình.

Bài thơ của ông Tuệ Quang vẽ ra cảnh vợ chồng tiễn nhau, thật thãm! Nhưng những bóng dáng lay lắt nhớ thương của những người còn sống đã cắm phập vào tim tôi. Bỗng nhiên tôi chới với và ước ao, ngay bây giờ nếu có chồng tôi ở nhà. Tôi sẽ ôm anh thật chặt.

Tôi nhớ lại những ngày tháng cuối năm của mười mấy năm về trước. Gia đình tôi hồi hộp, cuống quýnh chờ đợi chuyến ra đi. Rời khỏi đất nước của mình mà bốn người chúng tôi như những cánh chim hồng bay bổng. Tôi còn nhớ như in ánh mắt của chồng tôi lúc đó, ánh mắt khiến tôi khóc thút thít trên vai anh trong khoang máy bay giữa bầu trời lồng lộng. Hai đứa nắm tay nhau. Qua khỏi được cửa ải đớn đau, sỉ nhục, chúng tôi cùng tràn trề một nỗi hoan lạc với tâm trạng được “ Thoát củi, sổ lồng”.

Ngay hôm nay, trong khi gia đình tôi với chín mái đầu đang cắm cúi, ríu tít, trên bàn bày la liệt những tô, chén, dĩa đầy ắp thức ăn. Chúng tôi đâu ngờ nước Mỹ vừa thoát một thảm họa kinh hoàng khi chiếc máy bay chở khoảng ba trăm hành khách suýt nổ tung trên bầu trời thành phố Detroit, cách nơi tôi ở không xa lắm. Nghe xong bản tin, tôi thở phào. Mừng, nhưng ăn hết ngon, lo lắng tự hỏi, còn tai họa nào nữa sẽ xảy ra trên đất nước của tôi?

Có người nói nước Mỹ là đất nước tạm dung. Tôi không nghĩ vậy. Có lẽ khi nói câu này, lòng vời vợi nhớ thương quê xưa của chúng ta còn quá sâu đậm. Chứ tôi không tin lòng biết ơn của con người VN mỏng lét. Vả lại người mình, tôi biết - ai ấy cũng thấm nhuần câu “Ăn cây nào, rào cây nấy” Huống chi đất nước này, cuộc sống này không mở hết vòng tay cho chúng ta sao?

Trước khi dừng những tản mạn có lúc vu vơ có lúc sôi nổi trong đầu. Tôi muốn trả lời câu hỏi trong bài viết chua xót của bác nhà văn Hoàng Hãi Thủy. Bài “ Nghĩ gì? Làm gì???” đăng trên: hoanghaithuy.wordpress.comn ngày 31 tháng 12 năm 2009. Đại ý bác hỏi: “ Nếu chúng ta thấy thằng vc với cờ đỏ sao vàng lởn vởn trước mặt mình, thì chúng ta làm gì?” Cháu xin phép được trả lời: Mặc dù, hiện nay Cha Mẹ thân tộc cháu còn sinh sống tại quê nhà. Nhưng, nếu cháu biết đó là một tên vc, cháu sẽ tìm cách đến trước mặt nó, trước tiên cháu sẽ dõng dạc nói thẳng vào mặt bọn chúng: “ Hồ Chí Minh là tên du đãng!!” Cháu không nói một cách hồ đồ, nếu chúng muốn tranh luận, có lẽ cháu có đủ lý lẽ và sự bình tĩnh để nói cho bọn chúng biết, cháu ghê tởm sự độc ác và giả trá của bọn vc VN như thế nào [ Dĩ nhiên sẽ có nhiều người chung quanh nghe. Để bọn chúng không dễ dàng gì chụp mũ ]

Cháu biết bác sẽ ngạc nhiên, sao cháu lại chọn câu này mà đối đáp với chúng? Thưa bác, câu nói này cháu đã nói một lần vào năm 1976 tại tỉnh Cần Thơ VN. Khi đi thăm nuôi chồng về. Nghe người ta kể chúng nó dựng tượng tên Hồ. Cháu vì phẫn uất sự bạo tàn của chúng nó, phẫn uất vì nỗi nước mất nhà tan. Cháu nói lớn với nhiều người: “ Bến Ninh Kiều đang dựng tượng thằng du đảng !” Dĩ nhiên chúng nó núm cháu ngay. [ Trong lúc đó, chồng cháu đang ở tù cải tạo tại Kinh 5 Chương Thiện ] Chúng nó đem nhốt cháu tại trại tạm giam Cần Thơ được vài tháng thì cơn đau tim của cháu tái phát. Lúc đầu, chúng nó tưởng cháu làm bộ, nhưng sau đó thấy cháu yếu lả, xanh lướt, nhiều lần tưởng chết. Chúng nó sợ cháu chết thật, bèn đưa cháu vô bệnh viện Cần Thơ. Thừa dịp chúng nó lơ là, cháu trốn ra khỏi bệnh viện, và nhờ bạn bè giúp đở, cháu thoát được về Sàigòn.

Bây giờ, đất nước này của mình. Chúng nó qua đây, nếu những người tỵ nạn không cứng rắn tẩy chay, thì sẽ có một ngày…chúng ta mở Radio, TV …Bất ngờ nghe “ Tiến quân ca…”…Chúng ta muốn vậy không? Tức nhiên là không. Không bao giờ.

Cháu cảm ơn những bài viết của bác. Những bài viết lẫm liệt của một công dân Việt Nam Cộng Hoà.

Hãy cho tôi cúi đầu bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn những tấm lòng dấn thân không mệt mỏi vì Cộng Đồng, Đoàn Thể. Tấm lòng liêm sĩ tranh đấu cho một Việt Nam không còn Tư Bản Đỏ.

thụyvi
[ Hầm Nắng, ngày đầu năm 2010 ]
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn