Tôi trở về sống bám với gia đình, bên sự thu nhập không chừng, bữa có bữa không! Dẫu thương yêu thế nào, cưu mang chỉ có giai đoạn! Khi sự thiếu thốn dần dà xâm chiếm, hoàn cảnh hao hụt, đói nghèo đang rình rập; thêm vào đó, sự soi mói thường xuyên của chính quyền khu vực, tôi quyết định phải tìm kiếm việc làm.
Khổ nỗi, công việc đào đâu ra trong cái thuở bắt đầu được gọi là giải phóng! May thay, tôi biết được chút ít về nghề cắt tóc, do nhờ cha tôi (thợ hớt tóc) chỉ lại trong những năm còn đi học. Tôi xin một ít đồ nghề, khăn choàng và chiếc xe đạp cũ – tôi đi hớt tóc dạo! Từ nhà đi ra, tôi có thể đi về hướng Lai Nghi hay xuống biển Cửa Đại. Những ngày đầu tiên, tôi xông xáo tìm kiếm, lần mò trong mỗi góc làng ở những vùng quê. Với hy vọng như “chào hàng,” cho hàng xóm chung quanh có cái nhìn quen thuộc về tôi: anh hớt tóc dạo! Dần dà, tôi bắt đầu có khách. Khách – tôi chỉ có thể tìm kiếm ở những vùng quê. Có khi, vì khí hậu hậm hực nơi miền Trung, đa số chỉ mặc mỗi quần xà lỏn, bình dân, ngồi bệt xuống bất cứ nơi nào; và tất nhiên, tôi cũng phải lựa cho mình một thế ngồi cho thích ứng để cắt tóc!
Khách tôi, thường là những trẻ con, bị ghẻ chốc đầy đầu! Hoặc người già vì không thể đi xa, tóc có khi không tắm gội cả tháng trời, hay người đánh cá về muộn màng bởi phải lo kéo lưới – với những mái tóc cứng như rễ cây vì muối biển.
Tôi gần như bỏ cuộc trong những ngày đầu tiên khi đối diện với thực tế khó khăn! Nhưng sự thiếu thốn về vật chất, cũng như nghĩ đến những dòm ngó như cú vọ của các vị công an, cán bộ xã phường, tôi không còn cách nào hơn là tránh né bên công việc, tìm kiếm sự sống còn. Dần dà, tôi tập làm quen, giải phóng cho chính mình, với đoạn đường vô cùng mới mẻ! Khó mà quên, những năm nghèo khó chừng như bao trùm cả một xứ sở. Sự trao đổi giữa tôi – anh cắt tóc dạo với những người quê dân dã đôi khi không hẳn bằng tiền! Đa số, lấy đâu ra mà có? Nên, có khi đổi chác bằng tất cả hoa quả có được ở vườn, vật trong nhà hay lúa ngô ngoài đồng ruộng, ngay cả đến những gì bắt được dưới mương, rạch, bờ ao… Không dám từ chối, tôi nhận hết!
Có hôm gió chướng thổi về hướng Non Nước, Vĩnh Điện, Cẩm Hà, hay gió thổi giật lên từ Cửa Đại, An Bàng, Trà Quế. Tội tình cho cả tôi và chiếc xe cũ kĩ mong manh – đạp về ngược gió, khi phải nài đeo theo về một số lỉnh kỉnh như ngô, khoai, sắn, đường, gạo, và cả đến cá tươi của khách đi lưới mới về. Nên nghĩ cho cùng, khi đối diện với sự đói khổ, nếu không muốn miếng ăn làm mình ngã qụy, chỉ tâm thức mạnh mẽ, mới có thể giữ cho mình còn chút thăng bằng.
Cứ vậy, tôi theo chu kỳ của người cắt tóc dạo, đi mỗi nơi mỗi tháng. Vì thế, tôi phải còm cõi đạp xe, lăn lóc xa hơn. Có khi đi lạc! Chính vì lần đi lạc, định mệnh để tôi gặp Lan – cô gái năm xưa! Tôi không quên, một hôm tôi đang lần mò tại một làng nhỏ ở Điện Dương. Trong lúc đang loay hoay tìm đường ra, tôi thoáng nghe tiếng gọi hối hả phía sau. Khi dừng lại, tôi mới hay có người kêu cắt tóc. Khác với dự đoán, người đàn bà gọi tôi về nhà ân cần mời ăn cơm! Đang lúc đói, được người mời ăn – làm sao mà từ chối!
Tôi ăn những 3 tô cơm độn với sắn khoai, bụng dạ tự nghĩ thầm, cứ ăn rồi hẳn hay! Đúng vậy, sau khi ăn uống xong, người đàn bà, được gọi là thím Dân, mới bắt đầu vào chuyện:
– Tôi chờ đã mấy hôm, mong cậu ghé lại đó mà! Cháu Lan (tên cô gái) đau cả năm rày… Thím dừng lại nhìn tôi, ngập ngừng, trước khi không muốn tôi nhận ra điều chưa muốn nói! Thím khẩn khoản nói tiếp…
– Trăm sự nhờ cậu cắt tóc dùm em… cho nó nhẹ bớt!
Thì cắt tóc cho con thím, nhưng tôi vẫn chưa hiểu sao lại phải nhờ tôi?!? Ngay cả lúc bà ta dìu cô gái, một cách rất khó khăn, ra ngồi ngoài sân, nơi dùng để phơi rạ trước nhà, tôi vẫn chưa hiểu được những gì thím Dân muốn tôi giúp? Tôi tần ngần soạn đồ nghề, chưa biết làm gì. Mãi đến khi khăn trùm được cởi ra khỏi đầu cô gái, đó là lúc tôi mới ngỡ ngàng nhìn rõ: Lan khoảng tuổi 15, 16. Có lẽ đã nhiều tháng không tắm gội, nguyên cả mái tóc dài rối bời, bó bện lại từng khúc, từng lọn dày trùng trục, che phủ cả phía trước! Kéo tóc Lan ra phía sau, chút lạnh lẽo chạm trên ngón tay tôi. Và bên màu da tái nhợt, để lộ khuôn mặt không còn sinh khí. Trong cảm nhận bất chợt vội vàng, tôi mang cảm tưởng, người con gái đã không còn đây. Chỉ mỗi đôi mắt đen, mờ mịt nhìn tôi… Đăm đăm. Xa thẵm!!!
Nhìn mái tóc tôi biết, không thể dùng tông-đơ (Tondeuse, loại cũ xưa phải bóp liên tục bằng tay), vì quá dày. Chỉ còn cách phải dùng kéo để cắt. Vài nhát kéo đầu tiên, tôi đã cảm thấy mũi kéo bị rít lại vì chất dẻo! Lạ lùng, tôi rút kéo ra khỏi mái tóc của Lan; càng hoảng hốt, khi nhìn thấy màu đỏ của máu dính đầy trên kéo!
Đó cũng là lúc, tôi mới bắt đầu cảm thấy hai bàn tay nhột nhạt vì không biết bao nhiêu chí tua tủa bò ra từ mái tóc, đang bám li ti trên tay tôi. Nhìn gần hơn nữa, chí như sôi sục từ trong da đầu của cô gái, chen chúc trong từng cọng tóc! Thì ra, chí vây bám sinh sôi nảy nở tự khi nào, hút đi từng chút máu của Lan, nên khi tôi dung kéo cắt, máu của những con chí, hay đúng hơn, máu của Lan đã bám vào cái kéo…
Sửng sốt! Tôi rảy tay liên tục để tránh đám chí đang lúc nhúc trên tay. Trong một thoáng, chừng như thấy sự lo lắng cũng như hiểu được tâm trạng sợ hãi trên khuôn mặt tôi, thím Dân kéo tôi ra xa, rưng rưng năn nỉ, “Cậu cố gắng làm cho xong dùm, Lan chắc không còn bao lâu nữa đâu. Thím muốn tắm rửa sạch sẽ cho em trước khi đi kẻo tội!!!”
Bên lời nói thống thiết, phát ra từ khuôn mặt thiểu não chất phát, nhưng bộc lộ sự can đảm của người mẹ đang đối diện với nỗi đau đớn mất mát quá lớn đang chờ đợi. Tôi không biết phải thể hiện gì hơn, ngoài công việc cắt cho xong mái tóc của Lan.
Hôm đó, không rõ tôi đã làm sao, nhưng cuối cùng rồi cũng xong. Chỉ nhớ sau khi cắt xong mái tóc Lan, tôi cởi hết áo quần của mình để giũ đi cho hết chí. Kế đến, tôi lao ngay xuống ao sau nhà của thím Dân để tắm. Cái lạnh của nước ao tù, thêm một phần cảm giác nhờn nhợt của những lá tre rũ mục bám sau gáy, dính quanh người, tôi mang nỗi thấm lạnh, rờn rợn, đi qua từ kẽ tóc!
…
Tôi trở lại ngôi làng nhỏ ở Điện Dương, như lệ thường theo những tuần sau đó. Tình cờ gặp lại thím Dân! Bà ân cần muốn tôi ghé nhà ăn mì Quảng. Lần này, tôi không thiết ăn uống gì nữa. Tôi chỉ muốn thắp cho Lan nén hương, khi biết cô gái đã mất đi sau ngày tôi cắt tóc. Tôi bước ra khỏi bóng tối buồn bã của căn nhà. Đứng bên góc sân, chần chờ để thím Dân bọc cho gói xôi nếp mùa vừa mới cúng.
Nắng nửa ngày có chút hắt hiu. Bên hàng rào chè thưa thớt xanh xao, dao động ít nhiều theo vài cơn gió. Và trong tầm mắt… chừng như có gì lao xao? Tôi tìm thấy vài lọn tóc của Lan vẫn còn cuộn quanh bên những nhánh cây xương xẩu!
Gió hôm đó chừng như xuôi chiều cho tôi đạp xe, về cùng môt hướng! Tôi bất chợt khám phá có sợi tóc dài nào bay ngang, vừa mới quẩn quanh trên mặt của tôi…
(Viết cho kỷ niệm rất thật.)
Thu Hoài
Nguồn : Người Việt