BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76788)
(Xem: 63139)
(Xem: 40539)
(Xem: 32167)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cố nhân cách nửa địa cầu

29 Tháng Tám 20246:44 SA(Xem: 1043)
Cố nhân cách nửa địa cầu
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43

Đầu tháng 3 (năm 2013) mình được mời đến nhà riêng của bà đại sứ Đức tại Việt Nam ăn cơm. Lúc ngồi ăn, ông thứ trưởng ngoại giao Đức nói với mình.

– Ngày mai chúng tôi làm việc với chính phủ Việt Nam, tôi sẽ đưa trường hợp của anh ra.

3 hôm sau, an ninh gọi mình lên trả lại đồ đạc gồm điện thoại, máy ảnh, máy quay phim đã bị giữ từ hồi tháng 1. Hôm ấy anh Bang phó phòng a92 lôi mình ra quán cơm bụi hè đường, đối diện với trụ sở an ninh số 6 Hà Đông. Ngồi cùng với cán bộ điều tra vụ việc của mình. Anh Bang nói.

– Nghe nói mày sẽ đi Đức, thôi ở lại đây, nếu làm quảng cáo thì anh xin bên sở văn hoá truyền thông cho làm mảng băng rôn. Nhiều lắm đấy, cả thành phố cứ mỗi dịp lại thay băng rôn, làm quanh năm không hết việc. Cái băng rôn lại dễ làm, dán mấy chữ lên vải là xong. Hay mày thích viết thì bọn anh xin cho vào làm báo Hà Nội Mới hoặc An Ninh Thủ Đô. Chế độ tốt, lương cứng riêng, nhuận bút riêng, hai năm cho vào biên chế. Đi làm gì sang đó.

Anh Bang làm an ninh thiên về văn hoá, anh thường làm việc với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Còn anh Đàm Văn Khanh thì làm bên tôn giáo với Lê Quốc Quân, Jb Nguyễn Hữu Vinh… cơ quan an ninh điều tra thường chia ra nhiều bộ phận như vậy. Bên an ninh văn hoá nói chuyện thường nhã nhặn, từ tốn, ít khi nổi nóng.

Anh Khanh sau đó vài năm lên làm phó thủ trưởng cơ quan điều tra công an TPHN, còn anh Bang chắc về hưu. Anh Bang đi cái xe cub 81 cũ, lúc mình bị giữ ở trụ sở an ninh, mình thấy anh đạp mãi không nổ, bảo thôi anh tha cho em, em tặng anh cái Dream. Anh chửi:

– Mày làm đéo gì có tiền. Tí tao cho về đón con.

Đến chiều anh cho mình về, kịp đón con.

Quay lại lời đề nghị của anh Bang ở bữa cơm bụi ven đường, mình từ chối và nói muốn đi để cho con cái ổn định. Anh chép miệng.

– Thôi tuỳ mày, nhưng anh hứa nếu mày muốn làm gì mà bọn anh làm được, anh sẽ làm. Trước mắt có 2 việc là quảng cáo và viết báo đều đúng ý mày, anh lo được.

Anh Đàm Văn Khanh thì mình không làm việc, vì ở phòng bên cạnh. Đôi lúc ra cửa hút thuốc, anh Khanh thấy mình lại chửi Lê Quốc Quân và Nguyễn Hữu Vinh cho mình nghe. Anh chửi.

– Đm cái thằng Vinh, hôm lên đây mặc áo cộc tay NoU ưỡn ngực khoe, trời thì lạnh. Tao ngồi trong thấy thế, đéo ra đón, cứ cho chờ cho chết lạnh.

Có hôm anh chửi Lê Quốc Quân.

– Đm cái thằng rẻ rách ấy, mày chơi với nó làm đéo gì.

Thế mà anh Khanh lên chức, còn anh Bang thì giậm chân tại chỗ rồi về hưu.

Tan bữa cơm, mình chào anh Bang ra về. Lời chào như có vẻ lần cuối, hai bên cũng bịn rịn vì dù sao cả tháng trời hỏi cung, đến trưa toàn ăn cơm tâm sự với nhau. Giờ chia tay như này biết bao giờ gặp lại.

Mình lấy đồ bị giữ về, thì bên anh ninh tổng hợp gọi lên thành phố làm việc, anh trung tá an ninh ra đón ở cửa. Mình nhìn dáng đi tất tả của anh hỏi.

– Có việc gì anh phải vội thế.

Anh than.

– Đm tướng đi nó khổ, số cũng khổ.

Nhưng khi vào cửa, anh chỉ tay vào mình, nói gác cổng rất nghiêm.

– Anh này gặp giám đốc.

Anh đưa mình vào phòng khách công an TP Hà Nội, phòng rất to và trang nghiêm, trần nhà cao. Bộ bàn ghế lọt thỏm. Mình ngồi trên ghế khoảng 5 phút thì anh giám đốc Nguyễn Đức Chung đi vào.

Anh Chung mặc sơ mi trắng cộc tay, anh trung tá cúi chào lễ phép. Mình chỉ gật đầu, vì mình cả anh Chung Con có quen từ hồi mình làm giang hồ, anh ấy làm ở số 7 Thuyền Quang. Có lần anh ấy gọi mình đến số 7 Thuyền Quang bảo mình đi biểu tình làm cái gì, về mà lo làm ăn, có khó khăn gì thì gọi anh. Anh sẽ nhắc anh em để cho mình làm. Hôm đó anh còn nhắc vụ mình đòi nhau tiền bóng, đánh chém lộn xộn, anh em có báo cáo nhưng anh ấy bỏ qua vì nghĩ chưa có chuyện gì ghê gớm.

Anh Chung nét mặt nghiêm trang, không như ngày trước gặp nhau, có lẽ vì hoàn cảnh đã khác. Anh nói rất chính khách.

– Tôi mới làm giám đốc, có nhiều việc phải làm. Nhưng biết anh đi học nước ngoài, tôi cũng tạo điều kiện cho anh đi. Tôi và anh đều yêu nước, mỗi người một cách khác nhau. Nhưng chúng tôi ở cương vị này, có cái nhìn tổng quát được hơn anh. Có nhiều điều không phải như anh nghĩ đâu.


Anh dừng lại, rút túi ngực ra cuốn hộ chiếu.
– Đây hộ chiếu mới của anh, anh đi học bên đó, có gì khó khăn cứ gọi tôi theo số này.

Anh lấy ra tấm các vi dit đưa tôi, nói thêm.

– Anh đi học, có kiến thức gì đóng góp cho đất nước thì cứ ý kiến, chúng ta đều yêu tổ quốc của mình cả.

Mình nhận hộ chiếu, tấm các và nói.

– Cảm ơn anh, em đi sang đó có học bổng, chắc chẳng khó khăn gì đâu.

Anh Chung.

– Weimar là thành phố đẹp, tôi đã từng qua đó. Chúc anh học tốt và đóng góp xây dựng đất nước. Đây là quê hương mình, tôi xuất thân cũng con nhà nông, quê hương mình còn nhiều cái phải làm.

Mình thấy ngoài cửa thập thò một ông đại tá, một ông thiếu tướng cầm hồ sơ. Họ định trình gì, nhưng thấy giám đốc Chung đang tiếp một thằng như xe ôm với vẻ tâm tình, nên ngại. Mình bèn đứng dậy chào ra về. Anh đại tá và thiếu tướng nhìn theo vẻ thắc mắc như thằng xe ôm này làm gì mà giám đốc tốn thời gian tiếp như vậy.

Thoáng cái đã hơn 11 năm kể từ dạo ấy. Anh Chung Con giờ trong tù, mặc áo sọc. Tuy khoẻ mạnh nhưng không còn vẻ uy nghi như xưa.

Nguyễn Đức Chung
Nguyễn Đức Chung

Còn mình thì học hành chả đến đâu, loanh quanh trở thành thằng bán thuốc bổ vặt, nhặt nhạnh từng đồng để mưu sinh bên xứ người.

Hôm nay nhìn lại thấy ngậm ngùi cho thân phận của mình lẫn anh Chung, chắc gặp gia đình xong thì đến giờ anh đi nhặt cỏ trong trại giam.

Còn mình thì tiếp tục bán thuốc bổ não, bổ gan, bổ khớp với giá 500 nghìn một lọ ( tương đương bát phở đặc biệt bên này). Mỗi lọ được lời 80 nghìn, ngày cố găng bán lấy 50 lọ, có được 4 triệu, quy ra là hơn trăm euro sống qua ngày đoạn tháng, trong nỗi niềm nhớ quê hương và cố nhân khắc khoải.

Giờ mình về, bị xích cổ nhốt trong tù vì tội nào đó, giam cùng anh Chung Con. Hai anh em mỗi bên một bục xi măng, ngồi nói chuyện nhỉ, đời đúng là không biết trước được. Như các con bạc xóc đĩa hay nói.

– Biết được trong bát, trên đĩa đã giàu.

Nhưng chắc chắn một điều, cả hai đều có nỗi niềm chung, đó là nhớ mẹ.

Người Buôn Gió (Facebook)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn