BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tiếng Việt Thời Đại Mới

09 Tháng Năm 20238:28 SA(Xem: 836)
Tiếng Việt Thời Đại Mới
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41

(“Mình ơi !”)

 .

 hoctiengviet 

*

 

 

Tôi có việc phải đến tiếp xúc một công ty. Cô tiếp tân trẻ, tuổi chừng ngoài hai mươi, khá xinh, ân cần cúi chào. Tôi nói:

 

- “Tôi có hẹn với cô T. sáng nay.”

 

Cô tiếp viên liền nhắc điện thoại lên để gọi cho cô T. và đột ngột quay qua hỏi tôi:

 

- “Mình tên gì ạ?”

 

Tôi chưng hửng. Trời ! Lâu lắm rồi tôi chưa được ai gọi mình là… “Mình” cả ! Bây giờ bỗng dưng được gọi là “Mình.” Sướng mê tơi ! Mà cô tiếp tân nhỏ hơn mình nửa thế kỷ. Sực nhớ Nguyễn Công Trứ đã từng sượng sùng:

 

“Ngũ thập niên tiền….”

 

Nghĩ lại cũng may. Nếu lúc đó mà mình lơ đễnh ngó đi đâu đó thì cô ta dám kêu:

 

- “Mình ơi, mình tên gì ạ?”

 

Thì càng nguy ! Nguy là bởi vì chữ “Mình” của tiếng Việt mình phức tạp lắm !

 

Bùi Giáng từng viết:

 

“Mình ơi tôi gọi là nhà

Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi…”

 

Lại nhớ khi xưa Cô Diệu Huyền (?) có mục “Minh ơi !” trên Bán nguyệt san Phổ Thông. Cái ông Nguyễn Vỹ giỏi thiệt. Người ta có thể quên nhiều thứ trên báo Phổ Thông của ông chớ khó mà quên cái mục “Mình ơi…!của Cô Diệu Huyền do chính ông sắm vai !

 

Trên TV (truyền hình) ở Việt Nam ngày nay cách gọi “Mình” để chỉ đối tượng (khách mời) khá phổ biến. Chẳng hạn, một cô MC hỏi khách mời:

 

- "Nhà mình có mấy người con ạ?"

 

- "Nhà mình có ai mắc bệnh này không ạ?"

 

- "Nhà mình ở có xa đây không?"

 

Hóa ra “Nhà mình” không phải là “nhà của mình” mà là “nhà người ta !” mới chết!  Thậm chí vào quán cà-phê, lúc tính tiền, cô thâu ngân nói:

 

- “Của mình bốn chục ngàn ạ !”

 

Vậy “Mình” không phải là chính “Mình” mà là người đối diện, là đối tượng, ngôi thứ hai trong cách xưng hô. Bây giờ ngôi thứ hai đã trở thành ngôi thứ nhất. Thú vị quá !

 

"Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai..."

 

Hình như cách xưng hô này để bày tỏ tình thân ái?

 

Có điều một cô gái trẻ đẹp, nhỏ hơn mình nửa thế kỷ mà hỏi “Mình tên gì ạ?” thì ngẩn ngơ cũng phải ! Tiếng Việt phong phú lắm.

 

Vợ chồng thường gọi nhau là “Mình”:

 

- "Mình lấy giùm anh cái cặp.”

 

- "Mình đưa cho em cây dù…”

 

Nhưng khi có ai hỏi:

 

- "Chị nhà có khỏe không?”

 

Thì trả lời:

 

- Nhà tôi cũng khỏe.”

 

Hoặc:

 

- "Anh nhà có khỏe không?”

 

Thì trả lời:

 

- "Nhà tôi cũng ổn.”

 

Hai chữ “Nhà tôi ở đây nghĩa là vợ hay chồng mình.

 

Như vậy, ngày nay chữ “Mình” đã thay cho chú bác ông bà anh chị cô dì… ! Mà thay đổi từ lúc nào vậy nhỉ? Từ lúc nào mà người người sống với nhau thân thiết thương yêu đậm đà đến vậy? Chuyên xưng hô trong tiếng Việt không phải là “Chuyện nhỏ.” Cho nên ca dao thời đại có câu:

 

“Xin đừng gọi chú bằng anh

Để cho chú phải hy sanh cuộc đời !”

 

Tự điển tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1988)  định nghĩa “Mình” như sau:

 

- 1). Chữ dùng để tự xưng hoặc để chỉ bản thân cùng với người đối thoại một cách thân mật, có tính chất bạn bè. “Cậu giúp mình một tay.”

 

- 2). Chữ vợ chồng hoặc người yêu gọi nhau một cách âu yếm: “Mình mong em lắm phải không?” (trg 658).

 

Tự điển này cũng ghi thêm:

 

“Mình là chữ dùng để gọi nhau một cách thân mật giữa bạn bè trẻ tuổi.”

 

Thí dụ: “Mình đi trước, tớ còn bận.”

 

Như vậy điều kiện ở đây phải là giữa bạn bè thân mật, và trẻ tuổi, chớ không dùng để xưng hô giữa hai người xa lạ hay giữa một người trẻ với một người già như bây giờ (?).

 

Ngay cả trường hợp trên, nếu nói:

 

- “Bạn đi trước, tớ còn bận.”

 

hoặc:

 

- “Bạn đi trước, mình còn bận.”

 

Có lẽ hay hơn chăng? Không biết các nhà ngôn ngữ học bảo sao nhỉ?

 

 Bs. Đỗ Hồng Ngọc

(Saigon, 12.2015)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn