Tôi cố nhớ mùa thu Hà Nội trước khi tôi đi đẹp và thơ mộng thế nào, mà không nhớ được nhiều lắm. Cố gắng lắm chỉ thấy một chút heo may, nắng vàng, gánh cốm, tiếng rao của gánh hàng rươi và những chiếc bánh trung thu trong tủ kính bên đường. Nhưng tất cả cái đó biến nhanh vào hình ảnh những cái nóng bức, ngột ngạt, đông đúc và ồn ào còi xe, hỗn loạn của Hà Nội. Bóng dáng công an, dân phòng giăng đầy trên các con đường ở Hà Nội, khiến cảm giác bất an hơn.
Dễ có thể thấy trên vỉa hè Hà Nội có cỏ mọc, có cây rau sam hoa vàng nở li ti. Buổi sớm bạn có thể thấy trong đám cỏ ven tường nhà có vài chú châu chấu, cào cào nấp trong đó. Nếu sớm nữa, bạn gặp hạt sương trên cất rau sam mọc chân tường, còn châu chấu, cào cào đậu luôn trên tường mặt tiền nhà bạn. Có khi chúng còn nhảy cả vào gường bạn ngủ.
Buổi trưa tiếng chim hót véo von, chào mào, chim vành khuyên đầy trên những cây bàng ra quả chín vàng mọng.
Buổi tối dưới ánh đèn đường đỏ quạch tù mù, châu chấu bay cả đàn cùng với bọn thiêu thân và những con cà cuống. Bọn cà cuống bay vài vòng thế nào cũng mỏi cánh sa đến xẹt xuống đường, chỉ ngồi đợi một tối là nhặt được vào con về nướng chín dầm nước mắm, chấm rau muống luộc.
Đêm đến thì tiếng dế kêu lẫn cả tiếng ếch nhái râm ran. Tôi nói thật đấy, không phải bịa chuyện Hà Nội là nhà quê đâu. Hồi ấy ở Hà Nội nhiều ao hồ, ngõ nhà tôi gần đê sông Hồng, nên cào cào, châu chấu, cà cuống, bọ hung, dế mèn nhiều nhan nhản. Lúc bé tôi thấy cả thế giới côn trùng của dế mèn Phiêu Lưu Ký trước cửa nhà.
Có lần tôi thấy góc nhà có một con rắn nhỏ, đen mướt. Lần khác thì thấy con cóc trong xó nhà. Chắc chúng vào ban đêm qua khe hở dưới cửa.
Tôi vào đời rất nhanh, chả hiểu mình giã từ tuổi thơ lúc nào. Nhoằng cái đi bộ đội, rồi tiếp đến giang hồ, rồi đi tù, rồi lại giang hồ. Lúc vợ con rồi, dừng lại thấy Hà Nội mà mình từng thấy trước kia đã biến mất. Một lần tôi vắng Hà Nội vài tháng đi lên trồng rừng trên núi cao. Lúc về gần đến Hà Nội mắt cứ thấy mờ mờ, cay cay. Mãi sau mới hiểu đó là khói của các xe cộ lưu thông trên đường phố. Trước cửa nhà tôi chiều nào cũng ầm ĩ người là người. Họ nói đủ thứ chuyện đâu đâu, tranh luận mãi về váy, túi lại đến những chuyến đi du lịc nơi này đắt, nơi kia có cái hay... rồi quay sang tiền nong cho vay lãi, lô đề, bóng bánh. Thỉnh thoảng lai to tiếng, xô xát, can ngăn ầm ĩ.
Cuộc sống phát triển, người Hà Nội có đời sống vật chất tốt hơn. Nhà cửa xây sửa liên miên, những mái ngói mà rêu và cây thài lài tím ngự trên hoặc những bước tường rêu như tấm thảm nhung lẫn cây dương xỉ chìa ra chỉ là dĩ vãng. Hè phố đầy người đi lại, cậy lên lát quanh năm, chả có cây rau sam, cỏ dại nào mọc được nữa. Dù chúng không chết vì người dẫm, vì nát đường chúng cũng sẽ chết vì khói của đủ loại xe cộ trên đường. Lũ côn trùng đương nhiên là mất hẳn. Còn hiếm lắm mới thấy một bóng chim sẻ, loại dạn dày nhất giờ cũng đậu tít trên cao lẻ loi một hai con.
Ở đây, Berlin, thủ đô của nước Đức hiện đại, nước Đức là nơi sản xuất ra nhiều thương hiệu xe ô tô nhất thế giới, cũng là nơi công nghiệp nặng, cơ khí, luyện kim tiên tiến trong hàng bậc nhất thế giới.
Nhưng nhiều vỉa hè ở Berlin chỗ nào có khe hở, hoặc chỗ vỉa hè giáp tường nhà, cỏ dại vẫn mọc cùng với cây Bồ Công Anh. Các gốc cây cổ thụ ven đường không bị xi măng hay hè đường vây kín, có một khoảng đất xung quanh thân cây khiên cỏ dại, bụi cây nhỏ mọc đầy. Lũ chim sẻ lúc nhúc, ríu rít ngay dưới đó. Chúng không việc gì phải đậu trên cao để khó kiếm mồi. Chúng núp ở bụi cây ngay sát chân người đi trên vỉa hè để nhặt nhạnh thức ăn.
Thật kỳ lạ là không khí mùa thu ở đây y hệt Hà Nội hơn 30 về trước, se lạnh, trong lành, hít hơi dài thấy hơi chút mát lạnh. Chỉ thiếu vài con châu chấu hay cào cào đậu trên tường hay núp dưới cây bồ công anh ven lề đường là y hệt Hà Nội ngày xưa.
Tôi rời Hà Nội vào giữa tháng Tư năm 2013, quay đi quay lại đã 10 năm chưa một lần trở về nơi mình đã sinh ra.
Trước hôm tôi đi, ông Lộc Vàng hát tiễn bài Nỗi Lòng Người Đi trong cái quán lá nghèo ven đường Trích Sài. Nghe nói ông không còn đủ tiền thuê quán, chẳng biết giờ ông hát ở nơi nào. Đêm đó hát xong, ông ngồi nói cho tôi đoạn trong bài hát.
- Hà Nội ơi ! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khùa nước chơi như ngày xưa.
Ông bảo nhiều người hát là
-Khua nước trong như ngày xưa- Hồ Gươm có trong bao giờ đâu, nước hồ từ thuở xưa đã có mầu xanh lục thẫm như này, người xưa còn gọi là Lục Thuỷ. Khua nước trong không đúng bản gốc, phải là khùa, tức lấy tay vục xuống nước múc lên hoặc khoắng nhẹ, người cũ gọi là khùa, cái từ ấy giờ chẳng ai dùng. Khùa nước chơi là tâm trạng người con gái nhớ nhung, khùa tay xuống nước nhớ người yêu đi xa.
Gửi ý kiến của bạn