BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31167)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hai đứa trẻ

01 Tháng Mười Hai 20227:25 SA(Xem: 1413)
Hai đứa trẻ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Quyên và Hoa vốn xuất thân cùng một xã, với tên gọi thân thương là xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, một tỉnh hiền hòa thuần nông như bao nhiêu tỉnh nghèo khó trên mảnh đất hình chữ S thời Việt Nam Cộng Hòa, cũng bao lần tách ra nhập vào, nâng lên, đặt xuống, lúc tỉnh lúc thành phố như 52 lá bài trong bàn tay độc đoán, chuyên quyền của cộng sản sau 1975.

Cha mẹ nghèo, nhưng may mắn có một mảnh vườn vài nghìn mét vuông trồng bưởi Năm roi, giống bưởi mập mạp thuôn dài, vỏ xanh láng bóng, ngọt nước, mỏng cùi vốn rất nổi tiếng ở Miền Nam Việt Nam nên gia đình Quyên cũng thuộc diện có của ăn của để và nuôi bốn anh chị em Quyên ăn học thành người. Quyên là út ít nên được gia đình đầu tư nhiều nhất, thậm chí còn nuôi ước mơ du học tại Mỹ, Úc, Canada hoăc làm việc tại Singapo , Nhật Bản qua diện xuất khẩu lao động.
hoa buoi

Đang theo lớp học tiếng Anh tại trung tâm hành chính của tỉnh để thực hiện ước mơ “vùng thoát” như bao nhiêu con người bình dị khác, Quyên bỗng nhận tin dữ: Má ốm, ba chết vì kiên trì giữ đất. Quyên như người đảo đồng, ngồi thụp xuống nền xi măng giá lạnh, đầu óc quay cuồng bao ý nghĩ…

Trước đó, khi cơn sốt đất nổ ra, mảnh đất hiền hòa nơi gia đình Quyên ở được nâng cấp lên thành thi xã…Giữa cơn xoáy lốc của nền kinh tế thị trường , bao nhà hàng, cửa hiệu mọc lên như nấm, hàng hóa từ biên giới đổ về, từ Hà Nội, Sài gòn tràn qua, xếp chen chúc , ê hề trên kệ, trên giá, thậm chí lấn cả ra vỉa hè bất kể ngày hay đêm… Từng chùm đèn pha lê, đèn màu sáng lấp lóa lung linh trên những biển hiệu, gờ tường của các siêu thị, nhà hàng, khách sạn …Mới có vài năm “lên đời” mà các trục đường chính đã nườm nượp người qua lại, ăn nhậu, bia bọt, dòng xe máy nối đuôi nhau bấm còi nhức óc…inh tai, cảnh sầm uất dường như quá tải.

Ẩn sâu trong lòng thị xã vẫn còn những con hẻm nhỏ thưa thớt nhà cửa , quán xá. Con ngõ dẫn vào nhà Quyên là một trong những ngõ như vậy, Ngõ rộng đủ để cho hai xe tải cồng kềnh tránh nhau(nếu có) , hai bên là hai bờ tường ẩm ướt rêu phong, giữa là con đường đất gồ ghề, lồi lõm dẫn tới vườn bưởi, vườn cam, vườn ổi xanh mượt , chạy dài tít tắp

Biết bao người từ ngoài tỉnh đổ về gạ mua mảnh đất hương hỏa của ba Quyên cũng như các hộ lân cận khác. Giá đất cứ tăng vù vù mỗi ngày, hôm trước còn vài trăm ngàn đến nửa tỷ 1000 mét, vài chục hôm sau đã thành 1 tỷ, nhiều người bỗng chốc giàu lên vì ôm đất, cũng nhiều người ôm hận vì dại dột bán đất với giá quá rẻ mạt. Riêng nhà Quyên có chủ đầu tư đã mạnh dạn đề nghị giá 6 tỷ một nghìn mét- cao ngất ngưởng, nhưng ba cương quyết không bán. 3 anh chị Quyên cũng háo hức trước viễn cảnh mua nhà thành phố , thoát cảnh làm kỹ sư, công nhân mà phải thuê nhà trọ hàng tháng hết năm này sang năm khác, nhưng ba mắt mở mà không trông, tai mở mà không nghe, hết lần này lần khác chối bỏ ngoại cảnh, chỉ nhăm nhăm một mục tiêu tối thượng đã xác định là giữ lấy đất huơng hỏa của tổ tiên để lại . Tự nhiên bán nhà bán đất rồi theo các con lên thành phố ở, cuồng chân cuồng cẳng, mất tự do lắm. Từng tham gia mấy cuộc họp của gia đình, Quyên rất thích thái độ tự tin , nghiêm cẩn, có phần bảo thủ của Ba. .. Cao 1 mét 70, nặng 67 ký, ông mang cốt cách của một người đồng quê chất phác trung thực, tự tin. Bù lại sự thiếu hụt của kiến thức, sách vở, ông rất giàu năng lực thực tiễn , không uyên thâm, sâu sắc như ông nội – vốn là con của một thầy đồ trong làng, tư duy “bưởi, cam “ tuy đơn xơ, giản lược nhưng ứng phó biến hóa, nhiều khi lắt léo không ngờ với môi trường, thời tiết, giống má, cây trồng khiến anh Hai -vốn tốt nghiệp đại học nông lâm, hiện là trưởng phòng nông nghiệp huyện phải phục lăn. Trong ông không có sự thông tuệ, khôn ngoan hoạt bát của một người chuyên sâu sách vở, nhưng sớm va chạm và gắn bó hết mình với môi trường, nơi ruộng đồng, thôn quê. Có thể nói , nổi bật trong ông là đức hy sinh, sẵn sàng nhận phần thiệt thòi về mình, gánh chịu mọi việc nặng nhọc trong nhà ngoài xóm khiến không những ông bà nội quý mến mà má Quyên cùng đám gái làng cũng phải để mắt đến. Bản thân Quyên, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quen thuộc này, ngày ngày hít thở bầu không khí trong lành với mùi hương bưởi ngan ngát quanh năm, Quyên cũng ghiền giống tính cách của ba, nếu không vì theo học tiếng anh do người nước ngoài trực tiếp giảng dạy, chắc Quyên cũng chẳng chịu xa ba mẹ lên tận trung tâm hành chính của tỉnh làm gì, trừ khi ông trời xe duyên bắt Quyên lấy một chàng mũi lõ mắt xanh ở tận trời tây xa lắc, Quyên mới rời bỏ mảnh đất ngào ngạt hương bưởi, hương cam này mà đi . Tuy vậy dù xa xôi đến mấy, tâm hồn, tình cảm của Quyên vẫn quyến luyến mảnh đất quê hương giàu tình nghĩa này…

Vậy mà nhân , thiên thật khéo trêu đùa. gia đình Quyên cùng hơn hai mươi gia đình khác nằm trong diện bị chính quyền thị xã thu hồi để giao cho công ty bất động sản Hoàng Quân. Ba má Quyên chết điếng, tuy nhiên vẫn quyết định giấu các con để khỏi gây xáo trộn trong nhà, ngày lại ngày âm thầm bám đất.

Trở về nhà sau một khóa ôn luyện, Quyên bàng hoàng khi biết tin dữ, nhưng vẫn cố bám lấy hy vọng là nhà nước phải có chế độ đền bù hợp lý, chí ít công ty Hoàng Quân phải cử người đến từng hộ gia đình để thương lượng với dân giá đền bù thỏa đáng, khi được người dân đồng ý mới có quyết định thu hồi… Nào ngờ …

Đang ôn luyện trên lớp cùng hơn 50 đứa bạn ở trung tâm ngoại ngữ, Quyên nhận được điện thoại của chị gái… Lòng nóng như lửa đốt nên vội vàng bỏ lớp ra ngoài hành lang nghe ngóng …

Vừa kịp áp điện thoại vào tai, chưa kịp “a lô” Quyên đã nghe tiếng khóc ai oán vọng ra từ đầu dây bên kia, gặng hỏi mãi , hết tiếng Mỹ lại tiếng Việt, Quyên mới nghe được câu trả lời đau xót lẫn trong tiếng nức nở oán thán của chị :

– Quyên ơi, Ba mất rồi…hu hu…

Bỏ lại lớp học, Quyên bắt xe về lại nhà, trên đường đi bao nhiêu câu hỏi loang loáng trong đầu, vẫn biết đời là vô thuờng, sống nay chết mai, nhưng ba từ nhỏ đã gắn bó với ruộng đồng nên có sức khỏe dẻo dai hơn người , làm sao có thể ra đi đường đột, bỏ lại vợ cùng 4 đứa con và một đàn cháu nội ngoại 5, 7 đứa như vậy được? Bình thường mỗi lần về nhà ông vẫn đùa: “Ba sẽ sống đến 90 tuổi đủ thời gian làm đám cưới vàng, bạc với má tụi mày, thậm chí còn làm hóa thạch sống, sống vắt ngang 2 thế kỷ 21 và 22 nữa… Vậy mà mới tròm trèm 55 , ông đã vội vã ra đi là làm sao?

Chân thấp chân cao vào nhà, quên cả trả tiền xe ôm cho người hàng xóm, Quyên vội vàng lao về phía quan tài nơi mẹ đang ngồi ủ rũ bên cạnh, còn các anh chị thì hoảng loạn nháo nhác , người lo chuẩn bị tang lễ, người lo an ủi mẹ… người khóc, người gào, người kể lể ai oán.

Ước mơ du học tận trời tây vĩnh viễn bị chôn vùi từ hôm ấy, đơn giản vì mất đất, mất vườn cũng là mất đi nguồn thu nhập chính của cả gia đình, làm sao hội tụ đủ điều kiện để nuôi tiếp ước mơ ? Hơn nữa má gần như đột quỵ sau tai biến của gia đình, chồng chết, nghề nghiệp không có, nguồn thu nhập duy nhất trên mảnh đất của ông bà để lại không còn, cùng một lúc mất đi 2 điểm tựa vào chồng, vào đất, bà suy sụp , ngã lăn trên mặt đất, cả tháng trời không ăn không ngủ… nằng nặc đòi đi theo Ba. Ba anh chị Quyên đều có gia đình, tuy là người nhà nước, nhưng lương ba cọc ba đồng , bình thường vẫn phải nhận tiền tài trợ đều đặn từ ba má sau mỗi lần thu hoạch từ vườn bưởi rộng lớn, có tới vài ngàn gốc này , nay mất đi nguồn thu, tiền nuôi vợ con còn không đủ, lấy đâu ra tiền chu cấp cho em?

Trong tiết trời thu u ám, từng luồng mây xám lơ lửng trên nền trời tím bầm như tiết đọng mãi không chịu chuyển rời làm tâm trạng Quyên càng thêm u uất. Theo lời kể của dân làng cũng là sự xác nhận của má , thay vì phải thương lượng với dân giá đền bù thỏa đáng rồi mới ra quyết định thu hồi, thì công ty bất động sản Hoàng Quân bất ngờ thuê lực lượng công an , dân phòng đến cướp trắng trợn 84.000 mét vuông của hàng chục hộ dân. Ngay sau đó họ phân lô bán nền! Tất cả gồm 10 lô , mỗi lô từ 5 đến 10 nghìn mét vuông, giá dao động từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng. Chung quy lãnh đạo công ty chỉ bỏ ra chưa đầy 3 tỷ để thuê lực lượng ăn cướp có tổ chức từ chính quyền xã, huyện mà thu về 840 tỷ. Nghĩa là cướp trắng của dân 837 tỷ chia nhau. Vì lợi nhuận kếch xù nên họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì… kể cả giết người bịt miệng.

Ba chết, trên tay còn cầm chặt bài thơ như một lời nhắn nhủ trăn trối mà bất kỳ ai đọc cũng phải rơi lệ, căm hờn. Anh Tư , vốn tốt nghiệp đại học tổng hợp, khoa văn, có chút vốn liếng chữ nghĩa kiến thức hơn người nên sửa đổi lại vài vần điệu bằng trắc cho phù hợp, còn ý thơ thì giữ nguyên:

NHỚ LẤY ĐỪNG QUÊN

Hôm qua loa gọi ngoài đồng

Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao

Làng trên xóm dưới xôn xao

Công an các cấp tràn vào tràn lan

Chúng là chó ác cắn dân

Ở đâu có chúng là dân chết mòn

Thương cha , thương mẹ , thương chồng

Thương mình, thương cả rụộng đồng cha ông

Bao nhiêu máu đổ trên đồng

Lấm lưng quần quật mà không còn gì

Làng trên xóm dưới xanh rì

Có đảng cây cối ù lì tả tơi

Người dân đói rách bời bời

Có đảng dân mất cả đời ấm no

Công an cùm kẹp , dày vò

Có đảng mới hóa ốm o, hao gầy

Ngày xưa dân có ruộng cày

Ngày nay bị gậy ăn mày… ơi ai

Thù này nhớ để trên vai

Một vai thù đảng , một vai chống trời

Con còn bé dại con ơi

Từ nay con nhé trọn đời khắc sâu

Công an: cha nguyện chặt đầu

Bao nhiêu thằng cướp cho hầu tổ tiên

Làng quê mới sáng tinh sương

Bỗng dưng nghi ngút khói hương khắp làng

Bàn tay trắng những băng tang

Dùi cui roi điện khắp làng vung lên

Con ơi nhớ lấy đừng quên…

Bài thơ sau khi được chỉnh sửa đã đặt ngay ngắn trên ban thờ, đúng lúc những nén nhang cắm trong bát hương đùng đùng bốc cháy, ngoài sân những tàu lá chuối bất ngờ rung lên soàn soạt, như linh hồn sống động của ba vừa thức tỉnh, trở về.

Cả tháng trời má vẫn chưa ra khỏi cơn ám ảnh ghê rợn trước tội ác và cái chết bất đắc kỳ tử, thảm khốc, phi lý của ba. Ngồi trước ban thờ, Má nói trong dòng nước mắt uất ngẹn:

-Ba các con chết, một cái chết ai oán tức tưởi vì kiên quyết không rời mảnh đất , xung quanh ba chỉ có vài con dao rựa cùn mòn, han rỉ. Thay vì phải nuốt hận vào lòng thì ba cùng má và vài bà con chòm xóm vác dao ra giữa vườn bưởi để giữ đất. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi đêm, khi âm khí còn tràn trề mặt đất, khi lực lượng công an thực sự là những tên côn đồ, cướp bóc tràn vào chặt, phá thì ba vung cao con dao hét lớn:

-Đất này là đất của ông bà tổ tiên chúng tao. Mảnh đất đã nuôi dưỡng gia đình tao từ bao đời nay, chúng bay không chịu đền bù, thương thuyết với bà con thì không được quyền cướp đất. Đứa nào dại dột xông vào tao chém…

Một mình giữa bày sói, bị cả trăm tên xông vào dùng roi điện, roi gân bò quật tới tấp, ba cương quyết chém trả chống đỡ, cuối cùng như Từ Hải chết đứng giữa vòng vây dày đặc của triều đình, ba gục ngã , máu miệng, máu mũi tung tóe tuôn trào.

Trong tiếng gào thét của dân làng, một chiếc xe cứu thương của lực lượng cảnh sát trườn tới, mấy bóng người mặc áo blu trắng lao đến bế thốc ba vào lòng xe đưa đến bệnh viện cấp cứu và đưa ba trở lại nhà trong đêm với một thân hình lạnh ngắt, cứng nhắc. Ba chết vì đau đớn, uất hận, thân hình không bán thân bất toại hoặc co quắp như người bệnh nặng bình thường khác mà chết trong trạng thái trương lực cơ, toàn thân duỗi dài, gồng mình hết cỡ, đến mức đứt hơi mà chết…

Đưa hai tay đỡ má, Quyên khẽ rùng mình, không phải vì luồng hơi lạnh giá từ cơ thể ba phả ra và không khí hiu hắt trên ban thờ hắt xuống mà chủ yếu vì gương mặt biến dị của ba. Một gương mặt bình thường rắn rỏi cương trực mà lúc này, sau trận càn của lũ đánh thuê , trừ hàm răng, không còn chỗ nào nguyên vẹn, môi rách, mũi sưng, tai rúm ,hai gò má đều bị dập nát, mắt mở trợn trừng, hầu như biến dạng.

Từ sau cái chết của ba, má bỏ ăn, bỏ ngủ , bỏ mặc thuốc thang, dù trên người còn bao vết bầm tím, xây sát do vũ khí hiện đại của chính quyền xã, huyện gây ra…

Gian nhà ba gian hai trái xây từ thập kỷ 70 dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa , bây giờ chỉ còn hai mẹ con. Thứ bảy chủ nhật nào anh Hai, chị Ba, anh Tư đều tranh thủ tìm về động viên an ủi, mua thuốc hay thức ăn cho má với quyết tâm phải kéo má ra khỏi biến cố khủng khiếp này, không thể để má vì quá đau buồn tuyệt vọng mà lỡ bước theo ba, lần nào má cũng kể:

– Má khổ lắm các con ơi, đêm nào ba cũng hiện về kêu tức, kêu đau các con à, ba bảo ba bị thằng Thái đánh liên tiếp vào đầu, ngã xuống rồi , nghe tiếng má gào khóc, van xin mà nó vẫn không tha, kiên quyết đánh ba đến chết. ..Ngừng giây lát như nuốt một hơi nghẹn, giọng má bức xúc: – Ông ngoại con hồi còn sống vẫn bảo: “Hài cốt người chết có ấm cúng thì thân quyến mới yên ổn được”. Ba chết trong tuyệt vọng đau đớn nên xương thịt chôn dưới đất rồi nhưng hồn phách chưa yên ổn đâu, má muốn đưa ba lên chùa làm chay, tụng kinh ba ngày ba đêm để vong hồn ba được siêu sinh tịnh độ, mấy đứa giúp má đi…

Cả anh cả và anh Tư đều lặng đi, không dám có ý gì, còn chị ba bảo: “ nhà mình làm lễ chiêu tích điện* tức cúng cơm sớm chiều tới lễ tế ngu** ba ngày là trọn vẹn rồi má à . Ba có phải chết già chết bệnh đâu mà đưa lên chùa cúng bái …

II

Ký ức của Quyên là những ngày học ngoại ngữ trên tỉnh, ở đó nó thân với cái Hoa nhất, con bé có gương mặt tròn, cằm thuôn nhọn hình chữ V, theo nhận xét của một số người lớn tuổi cùng lớp, cằm nhọn hoắt như đuôi lá trầu thế là dễ phản thùng lắm, nhưng Quyên mặc kệ, dù sao mỗi đứa tìm đến trung tâm này đều có một mục đích khác nhau, đứa muốn giỏi giao tiếp để có thể xuất ngoại, đứa muốn thi toft với số điểm cao để đi du học ở các nước đế quốc đang giãy chết. đứa đang xin vào công ty xuất nhập khẩu của tỉnh, việc nhẹ , lương cao lại hay được đi đó đi đây, đứa lại đơn giản học để chơi, để biết, bởi bao nhiêu năm qua, ông bà, cha mẹ bị lãnh đạo nhà nước cấm đoán không cho học tiếng của đế quốc, của kẻ thù , nay mở cửa hội nhập toàn cầu, gia đình lại có tiền, khuyến khích động viên con, em bằng những lời có cánh: ”Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời” tội gì không học.

Lớp học có đủ trình độ, đủ lứa tuổi, đủ mọi thành phần xã hội, chỉ có Hoa là cùng tuổi với nó,trước kia còn cùng xã, cùng thôn nên hai đứa bập vào thân nhau nhanh chóng…Ở một góc độ nào đó, nó không ưa Hoa về mặt thẩm mỹ, ăn diện theo kiểu con nhà giàu, hợm hĩnh, coi mình là trung tâm vũ trụ, còn những người hiện hữu xung quanh chỉ là cỏ giả, nghèo nàn, quê mùa, tội nghiệp, khác hẳn với đứa bạn chăm chỉ , hiền lành , tự ti nhút nhát năm nào,thường hay bị gọi là mít ướt vì cặp mắt lúc nào cũng ầng ậc nước, và thỉnh thoảng lại liếm môi, khác hẳn với bản tính tự nhiên, sôi động, nghịch ngợm quái quỷ như con trai của Quyên.

…Giữa thành phố sôi động, kim tiền này chẳng còn ai ngoài Hoa để cùng học, cùng chơi, cùng luyện âm mỗi tối, không lẽ thành cù lao cô đơn, vì sao hấp hối giữa biển người đông đặc nơi phố phường nhộn nhịp sao? Học ngoại ngữ mà không có bạn học cùng thì còn gì là hứng thú để quá trình nhận thức trở nên sinh động, dễ hiểu nữa ? Vì vậy bỏ qua mọi rào cản, giới hạn, thỉnh thoảng hai đứa lại rủ nhau ra trung tâm thành phố để làm quen với cánh Tây ba lô , xì sồ tiếng Anh cho quen mắt, quen tai … trước lúc về lại sà vào hiệu sách mua các loại sách tiếng anh hay song ngữ để hễ rảnh rỗi lại trao đổi với nhau vài lời thoại trong sách, trong các câu chuyện kể… Kỷ niệm nhớ đời nhất là một lần Hoa bắt bồ với một anh tây, đang lúi húi trong bếp với món lẩu Thái Lan vừa học mót trên Internet thì điện thoại gọi tới, đầu dây tiếng cậu bạn vang lên: Where are you? cuống quá Hoa trả lời: I am in the chicken. Chợt nghe tiếng cậu bạn cười vang nổ tung cả cell phone, Quyên liền sửa lại: Kitchen chứ, sao lại Chicken… – Ừ nhỉ, Hoa chợt nhớ ra, phụ họa, hóa ra tao nói nhầm à ? Mẹ kiếp, Nó hỏi tao “Mày đang ở đâu, lẽ ra tao phải trả lời tao đang ở trong bếp (in the kitchen) tao laị nói ngịu thành tao đang ở trong con gà (in the Chicken) ha ha…

Buộc phải nghỉ học ở nhà chăm mẹ ốm, Quyên bỗng thấy nhớ lớp, nhớ thầy, nhớ bạn da diết… 16 tuổi, chưa có bạn trai nên người nó nhớ nhất vẫn chỉ là cái Hoa. Điều an ủi duy nhất của nó trong những ngày buồn chán, thê thảm này là những cuộc điện thoại an ủi từ Hoa, gần đây nhất nó kể: – Tao mới bắt bồ với một anh tây , người Nga , da trắng nhưng lại định cư ở Mỹ. Qua những cuộc hẹn hò, thăm gặp anh ấy đã hứa sẽ ra tận sân bay quốc tế ở San Fransisco đón tao…Hi Hi, chỉ vài tháng nữa là tao bay rồi…sang đấy tha hồ mà ăn chơi nhảy múa, dự tiệc khiêu vũ với mấy anh tây mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng… hi hi… Sợ nó chạnh lòng buồn tủi trước hai số phận trái ngược: Con xa vỗ cánh, con nằm yên, nó vội vàng an ủi : Mày yên tâm đi, trước khi bay, nhất định tao sẽ xuống Mỹ Hòa một chuyến thăm bà con họ hàng đôi bên, tiện thể thăm má con mày luôn …tội nghiệp.

– Ờ, Quyên đáp, cố giữ giọng bình thường, không tỏ ra sốt sắng cũng không thờ ơ:

– Nhớ giữ lời nhé, có sách vở, đồ đạc cồng kềnh gì mà không mang lên máy bay được, cứ quẳng hết xuống đây, tao cân tất .

Chiếc xe ô tô màu trắng sang trọng đỗ xế trước ngôi nhà nửa cổ, nửa kim của Quyên , nghe tiếng động cơ xe ô tô nổ, biết là Hoa đến, Quyên vội vàng báo tin:

– Má, nhà mình có khách

Vừa ào ra cửa đón, hai con mắt Quyên đã xối cái nhìn chòng chọc vào Hoa và hai người đàn ông đi cùng, Một người trạc 40 nhưng tướng đã phát phì, bụng xệ, ngực chảy, mặt nổi sần u, cục, hai mắt ti hí, lạnh lùng, người kia trái lại, gày gò, nước da mai mái , mái tóc chải lật để lộ ra vầng trán hẹp, bẹp dí. Phía dưới là hàng lông mày đen sẫm giao nhau , đôi cặp mắt lồi trành ra ba góc vàng ệch, li ti tia máu , sống mũi vặn vẹo và đôi môi rúm ró không che nổi hàm răng nhọn ám khói bên trong.

Hoa nhanh nhảu giới thiệu:

– Quyên à, đây là bố tao, giám đốc công ty bất động sản Hoàng Quân, còn đây là chú Thái, lái xe

Cái tên gợi nhớ nỗi đau khủng khiếp hôm nào khiến Quyên thoáng chút ngây đờ như trong cơn ác mộng, không biết phải làm gì, Hoa giục:

-Ơ, mày không định mời khách vào nhà à ? Gớm phải thuyết phục mãi Chú Thái mới cho tao một đặc ân là đi ăn khao cùng bố đấy , hôm nay chú ấy nhận bằng lái, hết 45 triệu chứ ít đâu…từ bây giờ chú ấy không còn là bảo vệ, dân phòng nữa mà là tài xế riêng cho công ty của bố tao…Thôi nào…

Vẫn chưa ra khỏi cơn mộng mị, Quyên né người, nhường bước cho Hoa chủ động đưa khách vào nhà

Từ trên giường, má nó bỗng đổ gục , tay run rẩy, miêng lắp bắp:

– Nó…nó…chính nó…

Dồn hết sức lực trong thân thể tiều tụy, ốm yếu, má hét lớn :

– Đồ kẻ cướp, quân giết người…người…

Cả hai đứa xúm vào đỡ má ngồi dạy, trên bàn thờ, hương vẫn lập lòe cháy như hút hai đôi mắt của khách vào gương mặt nhợt nhạt, câm lặng của ba, khiến hai vị mặt biến sắc vội vàng lao ra xe , mặc Hoa ngẩn ngơ như bị trời đày, ngước đôi mắt buồn bã trông theo

Chiếc xe lao vụt đi trong ánh nắng âm u của tiết trời ảm đạm

Lại vỗ về nâng giấc, lại cháo lão tẩm bổ , triệu tập khẩn cấp ba anh chị ở quận Bình Minh nơi trung tâm thành phố về thăm má động viên, khích lệ tinh thần , ngọt nhạt hết lời, gần nửa đêm má mới hồi tỉnh, chịu ăn trở lại…Coi Hoa như con cháu trong nhà má tiết lộ:

– Cái thằng mắt ba góc, mặt mũi dị dạng, điệu bộ bất an tự xưng là lái xe ấy, chính là người đã giơ gậy ngành quật liên tiếp xuống thân hình khỏe mạnh rắn chắc của ba, khiến ba bị gục ngã, ngay cả khi ấy nó vẫn tiếp tục vụt vào mặt, vào hai cánh tay giơ lên che chắn của ba, trong tiếng rú gào, lăn xả của má…rồi má kết luận; Nghe biểu gậy của ngành công an là sắt bọc cao su, đánh không gây chảy máu nhưng để lại hậu quả lâu dài lắm, ba chúng bay không chết vì uất kết hôm ấy thì về nhà cũng chết vì tổn thuơng nội tạng vài tuần sau thôi.

Gục đầu vào vai Quyên, Hoa nói trong tiếng nấc:

– Tao xin lỗi, không ngờ công ty bất động sản của bố tao lại gây ra chuyện động trời này. Thảo nào ông ấy cứ bắt tao đi du học , mà kiếm cái bằng đại học ở xứ người nào có dễ, ông ấy muốn tao kiếm tấm chồng Việt Kiều để ở lại đón cả nhà qua cơ…

Đêm hôm ấy Hoa ngủ lại, dù bố nó 5 lần 7 lượt kêu taxi đến rước …

Sự thực cuối cùng đã bị phơi bày. Hoa chính là con gái giám đốc công ty bất động sản Hoàng Quân, theo lời Hoa kể: thời trước 1975 cả gia đình ông bà nội ngoại nó đều theo cách mạng, lén lút nuôi giấu cán bộ trong hầm nhưng nghèo rớt mồng tơi… Giữa năm 1985 má nó biểu: ông bà nội lần lượt quy tiên trong cảnh bần hàn túng quẫn phải làm đơn xin chính quyền huyện cấp hòm áo quan loại rẻ để lo tang lễ… Mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ ba ,khi cơn sốt đất nổ ra, bốn anh em gồm bố Hoa và ba chú em trai, em rể mới hùn hạp thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn rồi chuyển sang buôn bán bất động sản , mới đầu chỉ mua đi bán lại vài mảnh đất cằn, hoang hóa nên cũng mạt lắm . Từ vài năm nay chẳng biết mua chuộc lãnh đạo xã, tổ chức cướp đất của bà con nông dân thế nào mà giàu lên trông thấy . Đám lãnh đạo công ty từ giám đốc như bố nó đến phó, trưởng phòng đều ăn đậm, vớ bộn, sắm xe hơi tiền tỉ , mua biệt thự to đoành , đưa vợ gửi tiết kiệm vài chục tỷ , chưa kể còn lần lượt cho con đi du học xứ người…và dự định đưa cả nhà sang Mỹ theo diện EB5

Quyên nghĩ mà chạnh lòng ấm ức, thay vì biệt danh mít ướt, hay liếm môi hồi nhỏ, Hoa đã trở thành người khác hẳn: Tự kiêu, dạn dĩ, thích chơi ngông, tiền tiêu xả láng… thêm dăm ba Tiếng Mỹ trong đầu rồi chuẩn bị đu càng sang Tư Bản kiếm chồng, Hoa nhanh chóng trở thành hình mẫu của một người thành đạt, không chỉ đơn thuần nhà mặt phố, bố làm to nơi trung tâm hành chính của huyện nữa mà vượt qua cả không gian, thời gian, trưởng thành nơi xứ người bên anh chồng đẹp mã , giỏi giang nơi mảnh đất phồn hoa, đô thị…còn Quyên…quay mặt vào tường , tránh hơi thở nhẹ nhàng ấm nồng của Hoa bên cạnh, Quyên khẽ thở dài… còn đâu hình ảnh một thời với cái tên thơ mộng: Quyên bưởi, bởi không về quê thì thôi, hễ về là Quyên tha lôi cả mấy thùng bưởi roi cho cả lớp của mình, dù bất kỳ thành phần, lứa tuổi nào cũng có phần… Biết tính điệu đà của con, bao giờ lên trung tâm ba cũng xách theo cả bao tải bưởi kèm vài chục bông hoa giấu trong túi sách. Mùi hương cứ ngạt ngào tỏa hương găm vào tâm trí mọi người một chút gì đó thật tinh khôi, mơ mộng…Bây giờ vườn bưởi đã bị chặt phá, mùi hương chỉ còn trong ảo mộng … Quyên và Hoa cũng thuộc về hai thế giới, hai đẳng cấp khác nhau, kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Chỉ sau đêm nay thôi cả hai sẽ chẳng thể đi chung một con đường hoặc lưu giữ những kỷ niệm đẹp về nhau, giữa hai đứa đã hình thành một hố sau ngăn cách mà Quyên chỉ lờ mờ cảm nhận khi gia đình Hoa đột ngột bỏ lại ngôi nhà cấp 4 cuối xã để chuyển lên căn biệt thự to đùng nơi phố huyện…và bây giờ, khi sự thật bị phơi bày, cái hố sâu đó dã trở thành huyệt lộ sinh tử của hai người…

Sacto November 16th

T.K.T.T
Nguồn : Đàn Chim Việt

———–

*Chiêu tích điện là lễ buổi sớm và buổi tối, con cháu làm lễ trước linh sàng, buổi sáng thì thưởng thực, buổi tối thế tế tịch điện, nghĩa là “sớm mời vong dậy mà ăn, tối mời vong đi ngủ”.

*Lễ tế ngu

Chữ “ngu” ở đây có nghĩa là yên vui. Có ba lần tế ngu để an thần người chết. Đó chính là:

– Ngày an táng, lễ lần đầu gọi là sơ ngu, tổ chức ngay sau khi đưa đám trở về.

-Qua ngày hôm sau, tế thêm một lần nữa, gọi là tái ngu.

– Đến ngày thứ ba, tế thêm lần nữa gọi là tam ngu.

Lễ tế ngu nhằm làm cho vong hồn người quá cố được yên nghỉ nơi suối vàng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn