Câu chuyện chỉ nghe kể một lần mà cứ mãi lưu lại trong lòng tôi nỗi ngậm ngùi: “Những ngày cuối mùa Xuân năm ấy, nơi nghĩa trang Phật Giáo Tuy Hòa quạnh hiu trên đồi cát, lưa thưa những cây dương liễu trơ cành, một bà cụ lang thang từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác, lấy chiếc khăn lông vắt vai, lau từng tấm mộ bia, rồi lẩm bẩm: ‘không phải tên của nó’. Cứ thế bà cụ đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác trong suốt những ngày cuối Xuân sang Hè. Từ sáng tinh mơ bà cụ ra khỏi nhà, mang theo túi cói đựng mấy thẻ nhang, chai nước uống, xách nón lá ra đi cùng đứa cháu ngoại. Gia đình không ai dám ngăn cản - đi như vậy còn hơn để bà cụ ngồi nhà khóc rấm rức và kể lể những chuyện não lòng, làm tâm thần mọi người thêm bấn loạn. Sau mấy tháng như vậy, bà cụ kiệt sức và ốm nặng. Qua cơn thập tử nhất sinh, bà cụ phát cuồng…”
Bà cụ đó là mẹ của Bác sĩ Thái Văn Châu, một người tôi kính yêu như mẹ ruột, kể từ ngày tôi và Thái Văn Châu kết bạn tâm giao.
Thái Văn Châu tốt nghiệp bác sĩ khóa 21 SVSQ/Quân Y/ Hiện dich, được đưa về phục vụ tại ĐĐ224/ TĐ 22/QY thuộc Tr.Đ 42/SĐ/22BB. Thời gian làm nhiệm vụ bác sĩ quân y của Châu ngắn ngủi - chưa đầy hai tháng - thì tình hình chiến sự biến chuyển đột ngột: Quân Đoàn 2 được lịnh triệt thoái khỏi Cao nguyên và phải thi hành cấp tốc. Lúc đó Tr Đ 42 đang quần thảo với Sư đoàn 3 Sao Vàng Bắc Việt ở mặt trận Bình Khê cũng phải theo lịnh lui binh xuống Quân cảng Qui Nhơn để lên tàu di tản vào Nha Trang.
Trong tình hình khẩn cấp và nhiều bất cập trong cuộc lui binh, chỉ có các thương binh được ưu tiên, cùng một ít các đơn vị đến trước được lên tàu. Đa số còn lại “tan hàng” tại chỗ và tự tìm đường thoát thân. Một bài viết của Y sĩ Trung uý Phan Ngọc Hà trên Diễn Đàn Cựu Sinh Quân Y, kể lại giờ phút cuối cùng khi rời khỏi Qui Nhơn bằng đường bộ: “Trên ba chiếc xe Jeep, các Bs Thái, Bs Quát, Bs Đãi, Bs Hà… cùng mấy y tá - không có mặt Bs Châu trong đoàn xe này. Họ cho xe chạy hết tốc lực trên Quốc lộ 1 - Trực chỉ Nha Trang.”
Còn lại phía sau là những hung tin. Gia đình Châu ở Tuy Hòa nhận được vài nguồn tin từ những người lính cùng đơn vị với Châu, bảo rằng: Có thấy Bs Châu ra đến bờ biển, nhưng sau đó không biết Bác sĩ đi về đâu? Có thể họ đã chứng kiến cảnh tượng dã man nhưng ngại ngùng không dám nói sự thật, sợ đem đến kinh hoàng cho gia đình. Hơn nữa trong lúc mọi người tìm cách thoát thân, tâm thần bấn loạn, họ không dám xác quyết Bác sĩ Thái Văn Châu còn hay mất.
Trong những ngày đầy biến động đó, các người anh của Châu ra Qui Nhơn dò tìm tin tức. Rải rác nơi Quân cảng, năm bảy xác người mặc quân phục trôi dạt vào bờ, được kéo lên đặt nằm trên bãi biển. Trong thành phố Qui Nhơn cũng có những xác người nằm chết bên vệ đường, trên vũng máu khô quánh, đen ngòm. Những người anh nhận diện từng xác chết, nhưng không thấy thi thể của Châu. Họ tìm đến các nơi đóng quân của bộ đội Việt cộng hỏi thăm tin tức về Châu. Nhưng hoàn toàn vô vọng…
Ở nhà, mẹ Châu đi hết am này, chùa nọ cầu xin sự bình an. Bà cũng tìm đến các ông thầy bói, các bà đồng bóng, mong tìm ra tin tức - Kẻ nói con bà còn lẩn trốn đâu đó, rồi sẽ trở về. Người bảo con bà sẽ không bao giờ trở lại. Không ai xác quyết con bà đã chết. Nên trong tâm thức của bà vẫn còn hy vọng. Mấy tháng trời trôi qua, không thấy đứa con trai trở về, bà cụ tự đi tìm kiếm đến phát cuồng vẫn không thấy hình hài đứa con yêu dấu. Chỉ còn lại trong lòng người mẹ khốn khổ niềm hy vọng cho đến lúc lâm chung, rằng: “Thằng con trai thân yêu vẫn còn sống và nó sẽ trở về”.
Sau khi ra tù cải tạo, người đầu tiên tôi đến thăm là Bác sĩ Phan Ngọc Hà, tốt nghiệp cùng khóa 21 SVSQ/ Quân Y/ Hiện dịch với Châu, phục vụ cùng đơn vị, TĐ 22/QY trong những ngày cuối tại chiến trường Bình Định và là bạn đồng hương của Châu và tôi. Tôi nghĩ, không ai biết nhiều tin tức về Châu hơn Hà. Lúc ấy Bs Hà mở phòng mạch “chui” ở đường Hồng Thập Tự (nếu tôi nhớ không lầm). Gặp nhau, anh em mừng mừng… tủi tủi… Câu chuyện đầu tiên là tin tức về Châu. Hà kể chi tiết những ngày đầu ra đơn vị cho đến lúc tan hàng. Khi ra về Hà căn dặn: “Những điều tôi kể, anh đừng nói cho bà cụ Thái Văn Châu biết. Đến bây giờ bà cụ vẫn hy vọng Châu còn sống. Không ai cho bà cụ biết sự thật. Thà vậy, để bà cụ sống trong hy vọng, còn hơn biết sự thật - bà cụ đau buồn… Tội nghiệp!”
Tết năm đó, tôi về quê, ghé thăm mẹ Thái Văn Châu, người tôi đã kính yêu như mẹ ruột, thì mẹ qua đời đã hơn một năm. Người nhà kể lại: Trong khi đau ốm, mẹ cứ trách: “Có thằng con trai làm bác sĩ mà mẹ đau bịnh, nó chẳng về thăm nom chữa trị. Thằng con bất hiếu!” Rồi mẹ khóc… rồi mẹ bào chữa, bênh vực cho thằng con - “Đừng nghĩ thế, tội nghiệp cho nó… Nó không bất hiếu đâu. Nó bị người ta giam giữ, không cho về…”. Lời cuối cùng của mẹ trước lúc lâm chung - “Mẹ không gặp được thằng Châu nữa rồi”. Hai mắt mẹ cố nhướng lên, như để đợi chờ… nước mắt ràn rụa chảy dài hai bên thái dương, nhưng rồi không cưỡng lại được, đồng tử lạc đi, mắt mẹ khép lại và thở hắt hơi cuối cùng…
Tôi im lặng, nước mắt ứa ra, bao kỷ niệm hiện về… Tôi biết đời mẹ, cho đến lúc lâm chung, chưa một lần, mẹ được một ông bác sĩ cầm tay hỏi han bịnh trạng, hay đặt ống nghe lên lồng ngực chẩn đoán, mặc dù mẹ có thằng con làm bác sĩ. Thời của mẹ, ở một quận miền núi xa xôi, thuộc vùng Liên Khu 5, do Việt Minh kiểm soát, khi đau bịnh chỉ dùng thuốc nam, thuốc bắc hoặc lá cây rừng. Trầm trọng lắm mới rước ông y tá, tiêm vài mũi thuốc tây. Sau 1954, chính quyền Quốc Gia có xây nhà thương ở Thị xã Tuy Hòa. Nhưng việc đến bệnh viện, đi khám bác sĩ là cái gì nghe còn xa lạ. Mẹ cũng đâu biết nhà hộ sinh là gì - Ngày mẹ rút ruột sinh con - có đứa sau này làm đến bác sĩ, cũng chỉ nhờ chiếc dao nhíp của bà mụ làng - cắt rún, chôn nhau. Tội nghiệp cho mẹ! Nếu đừng có chiến tranh cướp đi đứa con trai của mẹ, thì đời mẹ đâu đến nỗi thê lương…
Sau này, Bác sĩ Hà có viết một bài khá dài “Tìm Dấu Chân Xưa” và một bài “Người Bạn Đã Ra Đi” trên Diễn Đàn Sinh Viên Quân Y. Mỗi lần nhớ lại những điều Hà kể và đọc một đoạn trong bài viết: “Những quân y tá sống sót kể lại rằng: Bác sĩ Thái Văn Châu đã tìm được tấm ván để bơi ra tàu, nhưng chỉ mới loay hoay chừng vài thước thì trúng đạn. Nằm sấp trên tấm ván, khẩu súng colt 45 mang bên hông phải đã chỉ cho địch quân biết rằng anh là sĩ quan, mục tiêu ưu tiên của hỏa lực trên bờ. Tôi bồi hồi nghĩ về: Số phận con người - chiến tranh và tội ác.
Người ta thường nói: Chiến tranh là hủy diệt, là bạo tàn. Đừng tìm nơi chiến trường sự nhân đạo và lòng nhân ái. Nhưng thỉnh thoảng, đọc ở đâu đó, ta sẽ bắt gặp những mẩu chuyện thể hiện tình nhân loại trong chiến tranh. Đơn cử một chuyện xảy ra trong Đệ nhị Thế chiến: Mấy người lính Mỹ dìu một đồng đội bị thương, tìm nơi ẩn núp, đã được một gia đình người Đức che chở, giấu trong nhà vào đêm Giáng Sinh. Lính Đức xông vào. Bà chủ nhà bảo: “Này các anh, tối nay chúng ta quên chuyện chiến tranh đi nhé. Hãy vứt súng vào đống củi, chúng ta cần ăn tối”. Binh lính Đức và Mỹ căng thẳng, bối rối nhưng cũng làm theo, bỏ súng vào đống củi, ngồi vào bàn ăn. Khi xong bữa, người lính Đức băng bó lại vết thương cho người lính Mỹ, một kẻ thù không đội trời chung. Họ đặt người lính Mỹ bị thương lên cái cáng vừa tự chế. Anh Hạ sĩ người Đức chỉ vào bản đồ hướng dẫn cho mấy người lính Mỹ đi đến phòng tuyến của quân Mỹ. Sau đó, họ bắt tay nhau và chào tạm biệt.
Đấy, ai bảo chiến tranh là hủy diệt tất cả? Nhưng xem ra, trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã vắng bóng tình nhân loại và tình tự dân tộc cũng không còn. Tôi thấm buồn, tự hỏi: Do đâu và vì ai?
Khi người bộ đội Việt Cộng truy kích anh lính Cộng Hoà, có thể họ không quen biết nhau, nhưng cùng chung nòi giống và không có hận thù dân tộc. Có chăng chỉ là sự cuồng tín về một ý thức hệ ngoại lai mơ hồ. Khi người bộ đội nã đạn vào Bác sĩ Thái Văn Châu, chắc chắn anh không nghĩ rằng đã làm cho đồng bào mình mất đi một bàn tay làm lành vết thương và bệnh tật; anh ta cũng không nghĩ sẽ đem đến sự mất mát não lòng cho một người hiền mẫu. Than ôi, anh ta nghĩ đó là một chiến công (!?)
Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó lời tự tình của nhà thơ, nhà văn tiền chiến Hồ Dzếnh: “Nếu tất cả súng đạn ở đời nay dùng để khạc ra một lý thuyết, đem bán đi, chế thuốc cứu trăm bệnh cho loài người, thì thế giới chắc là không có những cái chết oan uổng…”
Mỗi năm, gần đến ngày 30-4, hay ngày Lễ Mẹ (Mother’s Day), tôi nhớ về người bạn tri kỷ và nghĩ đến người mẹ nhân từ. Tôi muốn viết - muốn tỏ bày thương tiếc khôn nguôi… Nhưng viết được đôi dòng, tôi nghẹn…
Bao năm như thế, thời gian cứ trôi qua, tôi không viết nổi một bài nhớ thương người bạn nối khố. Không hiểu “Người” khuất bóng bên kia muốn tôi đừng thổ lộ cùng ai, hay là ngôn ngữ không đủ để tôi diễn tả hết nỗi lòng thương tiếc - nó cô quánh thành một khối nặng trĩu trong tim, không thể tách ra để nói nên lời? Có lẽ khi sự đau khổ vượt qua lằn ranh cùng cực, hệ thần kinh rung cảm tê liệt: con tim chết điếng, nước mắt không thể tuôn ra - con người ráo hoảnh, chỉ thấy hư không, yên lặng!
Dù cho ngôn ngữ không diễn tả hết nỗi lòng, lần này tôi phải viết. Nếu không, sẽ không còn có dịp. Tôi viết không chỉ để trải lòng thương tiếc mà mong một mai, ai đó muốn nhìn lại một giai đoạn nghiệt ngã của chiến tranh, nên biết và nhớ đến Bác sĩ Thái Văn Châu.
Quê quán của Thái Văn Châu ở Sơn Hòa, một quận lỵ miền núi, cách Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bốn mươi chín cây số về hướng Tây, trong một gia đình có năm anh em - hai anh trai, một chị gái và cô em út. Gia đình thanh bạch, nhưng vẫn giữ nền nếp nho phong. Từ thời Pháp thuộc cho đến những năm sau 1954, Sơn Hòa vẫn là một quận nghèo khó - đèo heo hút gió. Chỉ có những đặc sản độc đáo: mật ong, khô nai, thuốc lá, cam Sơn Hòa ngon tuyệt.
Chuyện một ông bác sĩ xuất thân từ một quận nghèo khó, xa xôi vào thời kỳ cả tỉnh, số bác sĩ gốc người Phú Yên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như Bs Kính, Bs Thanh, Bs Hà, Bs Kỳ, Bs Bách, Bs Hiển và Bs Châu… là một hiện tượng để người dân Sơn Hòa hãnh diện và ngưỡng mộ.
Ngày nào, người mẹ ước mơ thằng con trai học qua bậc tiểu học, nó viết được một tờ giấy bán bò, một tờ khế ước thuê ruộng là mẹ đã thấy vui và hãnh diện với bà con, làng xóm. Thế mà nó thi đậu vào trường Trung học công lập. Rồi đây nó sẽ xa núi rừng xuống Thị xã Tuy Hòa học tiếp. Mẹ vui mừng, tần tảo, chắt chiu kiếm tiền gởi cho con ăn học.
Mẹ mường tượng, một ngày kia, nó sẽ lấy được bằng Tú Tài, nguời ta sẽ gọi con bà là ông Tú, ông Giáo. Hình ảnh thằng con trai bỏ bộ đồ bà ba, khoác lên bộ âu phục, hằng ngày đến trường dạy học, mẹ sẽ vui mừng, sung sướng biết bao. Mẹ chỉ ước mơ đến thế. Nhưng mẹ lo “chắc gì nó lấy được bằng Tú Tài”. Thế mà năm Đệ Nhất nó được chọn vào nhóm “bốn học sinh giỏi”, đại diện cho trường Trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa vào Nha Trang dự lớp thi tuyển (Concours Général). Nhóm bốn đứa gồm có: Diệp Thế H., Trịnh Thị Phương T., Lê Đức L. và Thái Văn Châu, con bà. Năm đó Thái Văn Châu lấy bằng Tú Tài 2 dễ dàng.
Ước mơ của Mẹ đã thành hiện thực. Nhưng thằng con trai của mẹ không muốn dừng chân nơi tỉnh lẻ - Nó muốn vào Sài Gòn học tiếp. Mẹ lo: làm sao chu cấp nổi! Nhưng thằng con trai trấn an: - Lên Đại học, con sẽ tự xoay xở được.
Thế là mẹ vui lòng để nó ra đi. Mẹ Châu bán chiếc kiềng vàng ngày cưới; mẹ tôi bán đôi vòng xuyến cho hai đứa con có tiền lộ phí và ăn ở lúc ban đầu ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ như in ngày Châu và tôi rời phố thị Tuy Hòa. Hai bà mẹ đưa con ra tận bến xe đò, nước mắt hai bà mẹ ràn rụa - những giọt nước mắt lo lắng và yêu thương… Mẹ Châu chạy vội mua chiếc bánh bao, mẹ tôi nhét gói cơm nắm bọc lá chuối vào xách tay. Hai bà mẹ cứ quấn quít bên con, xoa đầu, vuốt vai làm như còn con nít. Chúng tôi mắc cỡ với những hành khách đang chờ đợi lên xe.
Đấy, hai đứa học trò con nhà nghèo bắt đầu cuộc hành trình vào đời như thế đó.
Những ngày đầu, vào Sài Gòn với bao bỡ ngỡ. Hai đứa đến trọ nhà một người nấu cơm tháng cho sinh viên. Bữa ăn thường ngày là cải muối kho tóp mỡ và cá mòi bằm chưng hột vịt. Ít khi đổi món. Nhưng tiền nào của đó, trách làm sao được. Cái ăn rồi cũng tạm qua, nhưng cái tắm mới là cơ cực. Trời Saì Gòn nóng như nung, mồ hôi lúc nào cũng tươm ra. Bà chủ tiết kiệm nước, sáu đứa sinh viên chỉ có bốn lu nước cho một ngày - đánh răng, rửa mặt, tắm gội chỉ có từng ấy, nên khi dùng nước phải nhìn nhau, chia xẻ. Cực, nhưng cũng đành, không tìm đâu ra chỗ rẻ hơn. Nhưng sự đời “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Chúng tôi tìm được chỗ ở trong Đại Học Xá Minh Mạng. Ôi, những ngày đầu như vào cõi thiên đàng. Nước vòi dùng thoải mái, cơm “xã hội”, chỉ có ba đồng một phiếu - rẻ mạt! Nhưng thói đời “có voi đòi tiên” - “có cá phụ canh”- mấy tháng sau ngán cơm “nhà bàn”. Thỉnh thoảng hai đứa lại ra tiệm phở, gần Ngã Sáu. Để đủ no, mua thêm hai ổ bánh mì, chấm nuớc phở. Cô con gái bà chủ tiệm biết chúng tôi ở trong ĐHX, nên ưu ái - tô phở lúc nào cũng đầy ắp nước lèo. Đó là những kỷ niệm làm cho tình bạn chúng tôi gắn bó.
Như đã hứa với mẹ năm nào: “Lên Đại học, con sẽ tự xoay xở được” . Châu tìm chỗ dạy kèm. Hồi đó thường nói là làm “Précepteur” chứ không gọi “Gia sư”, nghe oai như bây giờ. Châu kể tôi nghe nhiều chuyện vui, buồn khi làm précepteur. Ngoài việc được thưởng thức món ngon vật lạ của nhà giàu Sài Gòn, còn được nghe những lời êm như ru của bà mẹ sai cô con gái, ở tuổi đương thì: “Con đem ly chè hạt sen (có khi ly cam vắt)… lên cho cậu giáo giải khát”. Cô con gái đẹp như mơ, lên lầu đặt ly nước lên bàn, ỏn ẻn và cũng một giọng êm như ru: “xin mời cậu giáo”. Nhưng lúc đó lửa lòng như đã tắt… Châu chú tâm vào việc học hành, không cho con tim rung động lang bang.
Năm đầu vào Đại học, Châu theo ban Toán Lý Hóa (MPC) cho tương lai một nhà giáo. Châu lấy ngay chứng chỉ MPC ngay khóa 1 của mùa hè năm ấy. Nhưng sau đó Châu đã thay đổi ý định làm thầy giáo, nộp đơn thi vào lớp dự bị Y khoa (APM) vì nghĩ rằng nghề này có nhiều cơ hội để giúp đỡ cho gia đình và phục vụ cho xã hội nhiều hơn. Kết quả kỳ thi cuối năm, Châu đậu hạng 4, thứ hạng khá cao để được học bổng của Bộ Y Tế, sẽ nhẹ phần học phí. Nhưng Châu sớm bỏ đời sống tự do của một sinh viên dân sự, nộp đơn xin thi vào Trường Quân Y. Thời đó trúng tuyển vào lớp Dự bị Y khoa (APM) không phải dễ, nhưng với Châu thì không khó lắm.
Nhớ lại, ngày nào Thái Văn Châu từ Sơn Hòa xuống, tôi ở Hòa Thắng ra. Chúng tôi trọ học ở hai nhà gần nhau. Những năm Trung học Đệ Nhất Cấp, Châu giỏi toán đại số, tôi giỏi môn hình học. Lên Đệ Nhị Cấp Châu giỏi Vật lý, Hoá học, tôi khá về hình học không gian. Những đêm nóng bức chúng tôi thường ra cột điện trước nhà học bài. Châu giải những bài toán về Động lực học, cân bằng công thức hóa học. Còn tôi chứng minh “hình học không gian ba chiều”.
Châu vừa học giỏi vừa có tâm hồn lãng mạn. Lên năm Đệ Tam, Châu bắt gặp tiếng “sét ái tình” (coup de foudre) và bắt đầu làm thơ tình. Châu cho tôi xem, nhưng với tôi, lúc ấy, bài học vạn vật, toán, lý hóa quan trọng hơn thơ tình. Thỉnh thoảng Châu rủ tôi đi xem phim, nhưng ngoài tiền cha mẹ gởi, vừa đủ đóng tiềm cơm trọ hoc. Tuần nào mẹ tôi bán được ít rau quả trong vườn, cho thêm vài chục thì để mua thêm sách vở. Cho nên chuyện xem phim coi như xa xỉ. Nhưng nể Châu, thỉnh thoảng tôi cũng đi cùng. Có điều mười lần rủ đi xem phim, chỉ đôi lần vào rạp. Tôi để ý, hễ hôm nào cô con gái lớn ông chủ rạp ngồi bán vé là Châu hăm hở mua vé vào xem. Nếu không thấy cô ta, thì Châu tiu nghỉu, bảo đi dạo phố một lúc rồi về - nói rằng phim hôm nay không hay - Thế là tôi biết tỏng lòng chàng…
Nơi tỉnh lẻ, chỉ có một rạp hát duy nhất, ông chủ rạp có năm cô con gái - vừa ngoan, vừa đẹp, lại biết giữ nền nếp gia phong xứ Huế. Nên nhiều cậu học trò “rắp ranh bắn sẻ”. Nhưng ông chủ rạp nào để ý đến mấy đứa “bạch diện thư sinh”. Ông giữ nếp xưa “Tôn sư trọng đạo”. Nên các vị Giáo sư dễ dàng tới lui, tiếp xúc… chứ đám học trò cùng trang lứa ít có cơ hội vui chơi, trò chuyện với các “nàng tiên”. Thần tượng để ông chọn rể là mấy vị giáo sư.
Tôi nhớ, một hôm Thái Châu chơi chiến thuật “xâm nhập thượng tầng”: Buổi sáng hôm ấy hai đứa rủ nhau đi tắm biển. Đạp xe qua đường Nguyễn Công Trứ, thấy ông già chủ rạp đang loay hoay sửa sang vài thứ trước cửa rạp. Châu bảo tôi vào chơi, giúp ông già vài việc như vịn thang, đưa đinh, kềm búa… Ông già vui lắm, vì có người giúp, không phải leo lên, tụt xuống… Châu cũng vui ra mặt. Xong việc, tưởng ông già mời vào nhà uống nước (nhà ở bên hông rạp). Như vậy sẽ được gặp nàng. Nào ngờ, ông già móc túi trao cho Châu vài chục bạc và bảo: “Những ngày cuối tuần, nếu rảnh rang đến đây giúp bác dán quảng cáo, hay sửa sang những hư hao trong rạp, bác cho ít tiền mua sách vở”. Thật là phũ phàng! Dưới mắt ông chỉ là hai thằng học trò nghèo, kiếm việc làm thuê. Châu từ chối nhận tiền, chào ra về, nét mặt buồn hiu. Không biết sau này, Châu có trở lại vào những ngày cuối tuần. Nhưng tôi thì không bao giờ.
Nhắc lại một chút kỷ niệm về mối tình đầu của Châu - “Tình học trò” - một thuở hồn nhiên, vụng dại… Thằng học trò nào chả thế: Mong được gặp người yêu trong mộng, nhưng khi đối mặt lại ú ớ, ngu ngơ… chẳng nói nên lời.
Sau này, khi lên Đại học, chúng tôi có rủ nhau đến thăm nàng đôi lần. Nhưng hình như lúc đó, nàng đã xuôi thuyền tình theo thầy về nơi bến đỗ. Còn Thái Văn Châu cũng neo thuyền ở bến tình yêu do ông Trời dẫn lối, đến với người tình mới tuyệt vời - duyên dáng, thông minh, tháo vát… Không lâu sau đó nên duyên vợ chồng.
Càng sống, càng chiêm nghiệm, càng thấy số phận của mỗi con người đã được an bài. Nhưng nào ai biết trước cái bí mật của sự an bài. Nó do ông Trời nắm giữ và ban phát. Tôi cứ bùi ngùi nghĩ đến cuộc đời ngắn ngủi của Châu. Nhưng nghĩ theo cách nói của một người nào đó, với đại ý: Đánh giá cuộc đời của một con người, không phải đếm số tháng năm họ sống bao lâu mà xem họ đã làm được những gì trong thời gian hiện hữu. Vậy thì, xem ra ông Trời đã ban phát và an bài cho Thái Văn Châu một cuộc đời khá trọn vẹn trước khi vào cõi vĩnh hằng.
Như để chuẩn bị cho cuộc ra đi trọn vẹn, Châu đã sắp xếp trước nhiều việc, như khi ra trường Sĩ quan Quân Y, thường thường các Quân Y sĩ, vài năm sau hay lâu hơn mới trình Luận án Tiến sĩ Y khoa, thì Châu đã trình Luận án ngay sau khi ra trường.
- Việc lập gia đình Châu cũng sớm hơn bạn bè một bước và để lại cho đời ba đứa con gái xinh xắn, thông minh. Hình như ông Trời cũng sắp xếp cho Châu gặp người phối ngẫu thông minh, đảm đang để khi Châu vắng bóng, có đủ khả năng nuôi dạy các con. Và người vợ ấy đã nuôi dạy các con của Châu đầy đủ trong những ngày khó khăn ở quê nhà, cho đến khi đưa được các con sang Mỹ, học hành thành đạt. Chắc là có sự dõi theo và phù hộ của Châu.
Dù suy nghĩ và biện giải cuộc đời ngắn ngủi của Châu đã có sự an bài của định mệnh cho bớt ngậm ngùi… Nhưng vĩnh biệt cuộc đời trong lòng biển lạnh vẫn là nỗi niềm xót xa trong lòng người ở lại … ./.
LÊ ĐỨC LUẬN
(Tháng 5- 2020)