BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73341)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31173)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trần Hoài Thư, những câu thơ cuộc đời

14 Tháng Tư 20227:43 SA(Xem: 970)
Trần Hoài Thư, những câu thơ cuộc đời
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Hòn Chồng Bethlehem. Sau đoàn tụ với thân phụ mới theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín.

 

Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 bộ binh trong 4 năm. Sau đó về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV trong 2 năm. Ông đã từng bị thương 3 lần.

 

Năm 1980, ông sang đến Mỹ, đi học trở lại, tốt nghiệp Cử Nhân Điện Toán và Cao Học Toán Ứng Dung. Ông được nhận vào làm cho công ty AT&T và sau đó chuyển sang làm cho công ty điện toán IBM. Chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu là Project Leader.

 

Khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay “Nước Mắt Tuổi Thơ” đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức…

 

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Cho đến nay, phần lớn các tạp chí văn học dạng báo giấy ở Mỹ đã đóng cửa nhưng Thư Quán Bản Thảo vẫn tồn tại và đã phát hành đến số 75. Tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM của nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã sưu tầm và in lại hàng trăm tác phẩm giá trị, đáng kể nhất là bộ THƠ MIỀN NAM gồm 5 tập với tổng cộng khoảng 3500 trang và bộ VĂN MIỀN NAM 4 tập với tổng cộng khoảng 2400 trang.” (Theo Trang thơ báo NV).

Nhà văn Trần Hoài Thư.
Nhà văn Trần Hoài Thư.

 Trần Hoài Thư được biết đến ở miền Nam trước 1975 là một nhà văn, dù ông cũng có làm thơ, song chỉ in báo các tác phẩm văn xuôi, thế nhưng những người yêu văn của ông, vẫn thỉnh thoảng được đọc những bài thơ rải rác của ông do bạn bè giới thiệu, mãi đến sau này, qua tập tuyển thơ “Ô cửa” của ông in ở hải ngoại, đặc biệt là tập thơ “Vịn vào lục bát” (Thư Quán bản thảo in năm 2017), người hâm mộ mới có dịp “thấu cảm” hết những vần thơ Trần Hoài Thư viết, thể hiện như chính cuộc đời ông, luôn vượt qua những khó khăn của cảnh ngộ để đạt được những đam mê cháy bỏng của mình, đó là viết, và sưu tầm những áng văn chương một thời của miền Nam và được bạn bè, bạn đọc, đặt cho cái tên là “Người ngồi khâu di sản văn học miền Nam”, và chính ông cũng đã viết mấy câu thơ tự trào “ Lão ngồi khâu di sản/ Kim đâm mà không hay...”

 

Từ một thầy giáo dạy Toán ở trung học, Trần Hoài thư đã có những bài thơ ấn tượng: “Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa/ Để tôi về đếm những đám mây/ Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ/ Những con chim từ xa vắng lạc bầy”. Và hình ảnh người thầy giáo qua “ Ô cửa” hoài niệm ấy, sẽ già theo năm tháng, khi mà đất nước còn chiến tranh, xa cách: “Tôi sẽ đứng như một người thiên cổ/ Lớp học buồn , như từ cõi cô đơn/ Thầy ngồi đó, đôi vai gầy tóc bạc/ Chút ngậm ngùi, cơn nắng đọng hòang hôn” ( Ô cửa) tâm trạng ấy và cuộc đời của người thầy giáo mới ngoài 20 tuổi ấy, đã rẽ sang một trang đời khác, đó là chàng Chuẩn úy trẻ măng, nắm giữ Trung đội trưởng Thám kích, lằn ranh sinh, tử, khiến những vần thơ hoài niệm trước trở thành ngang tàng, khí phách, trong bài thơ “ Một ngày không hành quân”, đó là: “Xin cô hàng thêm một két bia/ Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết/ Cô hàng ơi, một mai tôi chết/ Ai tiêu dùm, ba tháng tiền lương”. Không ai có thể tiêu dùm cho nhà thơ, khi mà: “Hôm qua tôi dừng chợ Bồng Sơn/ Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc/ Tôi nói làm sao qua dòng nước mắt/ Thị trấn này vừa mất thằng con.../ Tôi quá buồn ra đứng bờ sông/ Sông Lại Giang ráng chiều đỏ sậm/ Nhớ nó ngã nhào trên bờ đá xám/ Thấy cả ngọn đồi những xác Bắc Nam”. Đó cũng là thực tế của cuộc sống gian khổ lúc bấy giờ, cho nên nhà thơ phải: “Cô hàng ơi cho một ly không/ Tôi rót mời một người lính Bắc/ Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật/ Trên người vẫn còn sót lại bài thơ” Sự khẳng khái, ngang tàng, song vẫn: “Khi tôi buồn tôi nói trăm năm/ Có nghĩa là tôi vẫn còn muốn sống/ Đừng nhắc cùng tôi người tôi yêu dấu/ Kẻo tôi lại sầu, mửa hết mật xanh”, vâng, “vẫn còn muốn sống”, là sự khao khát, sự thú nhận rất chính đáng và cũng thật đáng yêu và trân trọng!

 

Chàng sĩ quan trẻ thuở ấy, vẫn khát khao viết, khát khao văn chương, cùng những truyện ngắn đăng trên các báo văn chương, danh giá thời bấy giờ, là tấm “thông hành” để một vị Tướng cảm thông cho chàng mà rút về làm phóng viên chiến trường... tận miền Tây sông nước, thủ phủ của “Cần Thơ gạo trắng, nước trong”. Ở đây, nhà thơ đã gặp mối tình nồng thắm nhưng cũng hết sức lãng mạn, đầy chất lính. Những vần thơ của Trần Hoài Thư, trong đoạn văn “Hành phương Nam” thật nhẹ nhàng và cũng đầy lãng mạn: “Qua sông mùa mận chín/ Tháng nắng ngại đường xa/ Em ra vườn sau nhà/ Hái mời anh chùm mận/ Bông mận rơi lấm tấm/ Da mận hồng như môi/Ôi con mắt có đuôi/Má hồng đào ửng đỏ/ Si em người em nhỏ/ Ta ở mãi quên về/ Trái mận nào dậy thì/ Ta giữ hoài không cắn…”. Phải chăng đó cũng chính là nàng thơ, người vợ tấm mẵn của Trần thi sĩ, mãi đến tận hôm nay, khi cơn strocke, đã khiến nàng trở thành “người thực vật”, không còn nhận biết những người chung quanh, nhưng thi sĩ vẫn dành cho nàng những vần thơ của một người chồng biết thương yêu vợ: “ Theo người, theo cả trăm năm/ Theo người, muối sát bầm sưng nỗi buồn/ Theo người, cha con mỗi tuần/ Con ôm lấy mẹ, cha cầm bàn tay...” ( Theo người). Và những hoài niệm bên nhau: “ Em khuyên tôi mỗi ngày hãy chọn niềm vui/ Nhưng tôi không có niềm vui nào làm sao để chọn/ Cũng muốn lắm, nhưng bầu trời quá nặng/ Không chừa một khoảng nào dưỡng khí bình yên...” ( Mùa Xuân 2). Thật ra, niềm vui chủ yếu của nhà thơ, chính là... ngồi dưới Basement của căn nhà để...khâu lại những di sản của văn chương miền Nam, ông tỉ mẩn, đọc, chọn ra những trang viết trên các sách báo thời bấy giờ, để tập hợp lại, ngổi gõ bàn phím vi tính, trình bày bài, rồi in ấn và đóng gáy thành những quyển sách đồ sộ, dày hàng ngàn trang, bìa cứng công phu, để lưu giữ những trang viết tri kỷ, tri âm mà ông tuyển chọn. Người viết bài cũng được cái may mắn, khi ông tuyển chọn đến 5 bài thơ đăng trên Văn Học, Thời Tập và Đông Phương thuở ấy để in trong tập “ Một thời lục bát miền Nam” ( Thư Ấn quán XB 2016) như một cái duyên tri ngộ bây giờ.

 

Những năm sau 1975, cuộc sống tù đày, vất vả, biến ông trở thành người bán cà rem dạo, ngày xuống tàu, tìm đến chân trời tự do, Trần Hoài Thư đã có bài thơ với nhiều cảm xúc đặc biệt: “Lăn chiếc phuy dầu lên tàu cá lớn/ Trời ơi, ta từ biệt Việt Nam/ Việt Nam. Đêm ấy đêm trừ tịch/ Có những con người lại cách ngăn”. Ông “chào tất cả những con đường thân, đường quen... và cả những ai lầm lũi trong đêm lạnh về nhà”, vì bởi ông biết: “Vẫn biết lần đi là bỏ hết/ Là phủi tay. Cháy túi. Sạch trơn/ Quay nhìn lại: Em còn bóng nhỏ/ Ngọn đèn vàng lạnh một dòng sông...”. có lẽ đó là những cảm nhận và ấn tượng mà ông suốt đời khó có thể quên: “Trong khoang chật, nghe chừng nín thở/ Anh hùng đâu. Một nỗi lặng thinh/ Gió trừ tịch hú dài Bãi Giá/ Đập mạn thuyền, sóng vỗ buồn tênh”. Đó chính là “Đêm từ giã Việt Nam”, mà những người đồng cảnh ngộ, khi đọc bài thơ không thể nào không nhớ: “Là lúc, thấy mình như bất hạnh/ Sắp làm người không có quê hương”. Có lẽ sẽ không gì buồn, ngậm ngùi hơn...

 

Giỏi vi tính, là kỹ sư công nghệ thông tin, Trần Hoài Thư chủ trương trang Web Thư quán bản thảo, rồi Blog THT, đăng tải những sáng tác của thân hữu bạn bè và của ông, bên cạnh việc in sách, báo phát hành trong giới văn nghệ, mới đây, khi chính bản thân ông cũng bị stroke ở lứa tuổi gần 80, phải ngồi xe lăn và chống gậy, nhưng khi đã dần hồi phục, ông lại bắt đầu chơi facebook, với trang facebook Trần Hoài Thư, mà trên nền Avatar, ông đưa lên hình ảnh ông ngồi ghế, chống gậy, đối diện với vợ ông đang ngồi trên xe lăn...bất động, và viết những câu thơ... xa xót lòng người, song cũng đầy sự lạc quan, ý vị: “Và lại mùa thu . Lá bướm bay/ Tôi và em lại đến chốn này/ Tôi đẩy xe, em ngồi, pho tượng/ Nhưng tôi nghe hơi ấm tỏa đầy/ Tôi đẩy xe, hay tôi đẩy tôi/ Mỗi tuần, và chỉ một giờ thôi/ Chân tôi bước, quên mình bị strocke/ Những bước vui, và vững tựa đồng...”.

 

Theo khai sinh, thì tháng 12 năm nay, ông tròn 80 tuổi, lứa tuổi mà dân gian... gọi là “kim cương”. Cầu mong nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư luôn “Vững tựa đồng” và “bất hoại” bên những sáng tác của mình và những di sản văn chương mà ông đã bỏ công suốt cuộc đời để khâu đóng lại...

 

Trần Hoàng Vy

(3/2022)
Nguồn : Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn