BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73397)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kẻ buôn tranh

27 Tháng Mười Hai 20217:13 SA(Xem: 3770)
Kẻ buôn tranh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Ở Việt Nam thú chơi tranh đã có từ xa xưa, thời mà làng nghề tranh như Đông Hồ phát triển cực thịnh, đến nỗi có cả phường buôn tranh nằm giữa đất kinh kỳ, ngay cạnh Hồ Gươm cổ kính , đó là phố Hàng Trống. Vào những ngày Tết, các ông cụ già hay những người đứng đầu trong gia đình thường sắm tranh chơi Tết cùng với câu đối. Tuỳ ước mong gửi gắm mà người mua chọn tranh, chọn chữ cho mình. Tranh ấy như một lời chúc mừng năm mới thì đúng nghĩa hơn. Tranh thường màu sắc sặc sỡ, in trên giấy điệp từ những khuôn có sẵn.

Thời Pháp thuộc, văn hoá châu Âu du nhập vào nước ta, hội hoạ hình thành từ trường mỹ thuật đông dương với những tên tuổi lừng lẫy sau này như Vân Trí, Vân , Lân, Cẩn rồi Phái, Nghiêm...tuy nhiên sau cách mạng thành công cùng với vụ việc nhân văn giai phẩm dã mang và thời kỳ chiến tranh, bao cấp lại giai đoạn trầm lắng kéo dài của hội hoạ cũng như số phận của những hoạ sĩ nổi tiếng và thú chơi tranh của người Việt. Một bức tranh vẽ ra hay treo trong phòng khách cũng có thể bị đánh giá là tiểu tư sản, chưa kể người ta còn bình luận nội dung bức tranh hàm ý gì đó về chính trị nữa. Thời kỳ này lành nhất để những người mê tranh trang trí cho nhà mình là những bức tranh sơn mài. Thời kỳ bao cấp là thời kỳ thịnh của tranh sơn mài, nhưng nó được tính là đồ thủ công mỹ nghệ lúc đó để xuất khẩu chứ không phải là tính sáng tác truyền tải tư tưởng của hội hoạ. Cũng lúc đó thì tranh cổ động, tuyên truyền là đất sống cho nhiều hoạ sĩ. Hình ảnh lãnh tụ, công nhân, nông dân, thiếu nhi quàng khăn đỏ có mặt khắp nơi công cộng của các tỉnh thành hay trên bưu thiếp, báo chí. Thú chơi tranh gần như biến mất trong tâm thức người Việt một thời gian dài đến hàng chục năm, bởi những khó khăn về kinh tế thời bao cấp cũng như những kiểm duyệt gắt gao về sáng tạo.

Khi mở cửa, kinh tế có thay đổi và phát triển, người ta quan tâm đến xe gắn máy, đài đóm, ti vi, tủ lạnh. Lúc này họ tran trí nhà cửa bằng những bức tranh in trên giấy bóng, hoặc in trên giấy ảnh. Sau nữa khi người ta quan tâm tới xe ô tô, biệt thự và đồ hiệu như đồng hồ, túi xách. Người ta chơi tranh mạ vàng, mạ bạc, tranh điêu khắc gỗ. Có người muốn chơi tranh sơn dầu của đầu thế kỷ cũng khó có tiền, bởi những bức tranh của họa sĩ nổi tiếng thời đầu thế kỷ ấy đã chu du trời Tây hoặc nằm kín đáo trong nhà của những người đam mê. Tuy nhiên có cung ắt sẽ có cầu, những xưởng vẽ của các hoạ sĩ trẻ ra đời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chơi tranh ấy, những hoạ sĩ vẽ sao chép hoặc vẽ theo yêu cầu trên phố Nguyễn Thái Học đầy nhan nhản. Trong 4 tài năng của người đàn ông khi xưa dùng để tiêu khiển hoặc quảng giao hay tán gái là cầm, kỳ, thi, hoạ tôi có đến 3. Về thi tức thơ, văn thì khỏi nói, nhiều người đã đọc những gì tôi viết. Còn về cờ tướng, trung bình cứ gặp 100 người chơi cờ, tôi chỉ thua 5 người. Về âm nhạc tôi chỉ là người thích nghe. Kể như này không phải khoe khoang về bản thân mình, mà kể để dãi bày nhân duyên tôi thành kẻ bán tranh sau này.

nguoibuongioBài viết này cũng chỉ để quảng cáo bán tranh, cho nên có những chỗ quá chút huênh hoang mong các bạn đọc thông cảm đừng khắt khe như đọc bài viết khác, bởi đã quảng cáo thì ai mà chả nói hay lên. Lúc nhỏ tôi rất thích vẽ, vẽ khá đẹp. Tôi thích nhất là vẽ phong cảnh, phố phường và làng quê. Nhưng chỉ vẽ bằng bút chì vì vẽ màu quá xa xỉ với hoàn cảnh gia đình. Hồi đi học, mỗi khi làm bích báo, sản phẩm của tôi đều được các bạn khen vì bài thơ và những hình vẽ, nhiều bạn gái mỗi lần phải nộp bích báo nhờ tôi làm hộ nữa.

Quãng đời tiếp theo đó của tôi tất nhiên không có màn cầm, kỳ, thi, hoạ...nó là quãng đời của một kẻ xã hội đen, giang hồ với kết cục là nhà tù. Cuốn theo dòng đời thành một kẻ giang hồ, rồi cũng cuốn theo dòng đời tôi thành nhà văn được nước Đức mời nhận học bổng, rồi sinh sống làm ăn và trở thành người mang quốc tịch Đức. Rồi cũng cuốn theo dòng đời, bây giờ tôi thành một gã buôn tranh sơn dầu châu Âu. Nếu như ông Niuton ngồi dưới cây táo phát hiện ra định luật sức hút về trái đất thì cơ duyên đến với nghề buôn tranh của tôi lại bắt đầu từ cửa tiệm làm móng tay của người Việt trên mảnh đất của những hoạ sĩ thiên tài nhất thế giới. Tôi hay đi chợ đồ cũ để săn mua đồng hồ đeo tay, kính mắt, bật lửa. Mỗi lần đi ra cái chợ đồ cũ, tôi hay ghé tiệm làm móng tay của người bạn. Lúc đầu không để ý lắm, cho đến một hôm nhìn người khách rút mấy chục euro trả tiền sơn bộ móng tay. Tôi mới giật mình so với những bức tranh bán ở chợ đồ cũ. Chỉ hai lần sơn móng tay, tiền bằng một bức tranh cỡ khoảng 50x60 cm. Cô thợ sơn móng tay từ một vùng nông thôn Việt Nam vượt lậu vào Đức, cô chỉ cần học vài tháng là có thể thành một người thợ làm móng tay. Một sản phẩm cô làm trong một tiếng đồng hồ có giá bằng nửa bức tranh sơn dầu. Ôi, những bức tranh sơn dầu có bức cách đây cả trăm năm, vẽ bằng bao nhiêu tâm huyết, tốn bao nhiêu sơn dầu. Đòi hỏi kỹ thuật cũng như năng khiếu, đam mê và thời gian vẽ. Vậy mà tính ra chỉ bằng cô thợ móng tay làm 2 tiếng đồng hồ. Rồi tôi nhận ra, khi ở Việt Nam, tôi đến rất nhiều nhà chẳng thấy ai treo tranh gì cả. Hiếm lắm khi đến nhà ai treo một bức tranh phong cảnh màu nước, tôi ngẩn người ngắm và tự nhủ chủ nhà là một người có đẳng cấp văn hoá, có nội tâm chiều sâu. Tôi nghĩ mọi sự so sánh đều khập khiễng, giá trị mang lại cho người bỏ tiền ra cho thứ mình cần ở mỗi người là khác nhau. Nhưng một phụ nữ có bộ móng tay đẹp, mái tóc đẹp và đôi lông mi tha thướt ngồi trong quán cà phê, trong văn phòng làm việc hay trong phòng khác nhà mình mà đằng sau cô ấy, trên khoảng tường có một bức tranh sơn dầu của hoạ sĩ châu Âu vẽ phong cảnh hay tĩnh vật, chắc chắn sẽ tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ ấy rất nhiều.

Thế còn đàn ông thì sao. Có gì thâm trầm hơn, sâu lắng hơn sau những vật lộn với thương trường, với công việc. Người đàn ông với ly rượu, chén trà, điếu thuốc ngồi lơ đãng nhả khói ngắm những bức tranh trên tường. Vài triệu một bức tranh, chỉ là một miếng vải được bôi sơn, nhiều người có thể cho rằng không đáng mua. Tuy nhiên tôi vẫn quyết thành kẻ buôn tranh, bởi tin rằng thú chơi tranh ở Việt Nam sẽ có ngày lôi cuốn được nhiều người hơn. Tại sao nhiều thú chơi đã lôi cuốn được nhiều người, mà hội hoạ là một trong những văn hoá tinh tuý nhất của con người cùng với thi ca, âm nhạc lại chưa nở rộ. Chắc chắn là theo thời gian có lúc chơi tranh sẽ trở thành một thú chơi tao nhã, lịch thiệp và văn hoá.

Để viết quảng cáo bán hàng, thế này cũng đã là dài lắm rồi. Bạn nào đọc xong mà có ý mua tranh, nhắn cho tôi nhé.

25/12/2021
Người Buôn Gió
Blog Người Buôn Gió
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn