Tôi về quê vào trung tuần tháng 12 năm 2020. Đây là lần về thứ 20, kể từ lần đầu tiên năm 1980. Lần đó thân phụ tôi còn sống và còn phục vụ Thánh Thể, mặc dù tuổi đã trên 80 và sức khỏe đã sa sút, các anh chị còn đủ cả. Nhưng bây giờ thì tất cả đã không còn!
Nhưng còn con người làng An Mỹ ! Hơn 200 năm trước đã đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt ngay từ thuở đó người làng An Mỹ đã có một con người nghe theo tiếng gọi huyền nhiệm của Tình Yêu cao cả mà bước theo Đấng Cứu Thế, Đấng một lần duy nhất trong lịch sử nhân loại đã hạ sinh vào một đêm lạnh giá, không phải trong ngôi nhà mình ấm cúng có lò sưởi mà trong một hang đá, nơi trú qua đêm của những mục đồng chăn đoàn vật sống tại Bê-lem, “thành của Đavít” tại một cánh đồng, ba bề trống trơn, bên ngoài gió ù ù thổi rợn người.
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa,
ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa
vì ngươi là nơi
vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta
sẽ ra đời”(Mt 2,6)
Con người làng An Mỹ, xóm đạo Kẻ Lường kia, đã trở thành một Linh mục tiên khởi của quê hương tôi. Đó là Thầy cả Phaolô Điều. Nhưng rồi ngài đã bị bắt và chịu tử vì đạo năm 1860. Trong trang báo điện tử của Tổng Giáo phận Hà Nội ngày 09 tháng 09 năm 2016, đăng Danh Sách Các Đấng Tử Vì Đạo Thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đã được chuyển hồ sơ sang Tòa Thánh. Danh sách có tất cả 385 vị thì linh mục Điều xếp ở hàng thứ 90, theo quê quán. Ngày xử án cha là 25-3-1860, tại Hà Nội.
Làng An Mỹ quê tôi, ngoài vấn đề con người mà linh mục Điều là tiêu biểu tiên khởi, còn có một ngôi nhà thờ toàn bằng loại gỗ quý, lợp ngói cất lên từ năm 1881. Kiến trúc này, cũng tiêu biểu một phần nào cho nền tảng văn hóa cổ truyền của dân tộc Lạc Việt. Do số giáo dân của làng tăng cao, nhà thờ gỗ không đủ chỗ giáo dân tham dự thánh lễ và cầu nguyện, nên một ngôi nhà thờ lớn bằng gạch, đá vững chãi được dựng lên từ năm 1914, hoàn thành năm 1918.Ngày 15 tháng 12 năm 2018 dân làng tôi đã mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ này, Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội về chủ tế thánh lễ và ngày 24 tháng 2 năm 2019, Tân Tổng Giám mục Hà Nội là Đức cha GiuseVũ Văn Thiên về cử hành nghi thức Cung hiến Nhà thờ và Bàn thờ đá mới, sau đó ngài chủ sự thánh lễ đồng tế với một số các linh mục thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Như vậy, nếu con số 1881 được chạm khắc ở một chỗ nào đó của ngôi nhà được tìm thấy trong lúc phá hủy, là năm ngôi nhà bằng gỗ lợp ngói được cất lên làm nhà thờ, là chính xác, thì khi xây dựng ngôi nhà thờ lớn bằng gạch đá năm 1914, Nhà thờ gỗ trở thành nhà ở của các linh mục được cử về mục vụ giáo hữu, đã là 33 năm. Còn nếu tính tới năm 1954 là năm tôi rời xa nơi đây để vào Sài Gòn, là 73 năm. 73 năm ngôi nhà thở gỗ vẫn còn tốt! Nhưng năm tôi về thăm nhà là 1980 thì ngôi nhà gỗ quý của làng trước kia đã không còn, cả khu nhà xứ cũng hoang tàn, cỏ dại mọc tùm lum, một đống rơm to tướng trên mảnh đất là nhà chúng tôi ở trước kia. Lòng tôi trùng xuống, xót xa. Tôi nghe nói, ngôi nhà gỗ quý đã bị phá hủy trong chiến dịch Cải cách ruộng đất năm 1956. Cây hồng to cao cả 10m cạnh cổng ra vào nhà xứ cũng không còn một dấu tích nào.
Bể dâu trong cõi lòng người hay thế sự đổi thay!?
Tôi không biết ở miền Bắc vào thời kỳ thế sự đổi thay ấy, có giáo xứ nào rơi vào hoàn cảnh như giáo xứ ở quê tôi: những di tích về kiến trúc văn hóa và tôn giáo cổ bị phá hủy hoàn toàn ? Tôi chỉ biết tại Sài Gòn, có một nhà nguyện bằng gỗ quý, trải qua hơn hai thế kỷ, dẫu thời gian đã làm hư hỏng, nhưng còn những con người biết nơi đó không phải chỉ thuần là vật chất vô tri, song còn ẩn sâu trong mọi cây cột, cái kèo, đòn tay, mái ngói v.v…một tinh thần, tiêu biểu cho một nền móng tôn giáo mặc khải, một giá trị nhân văn đã được truyền bá trên khắp địa cầu suốt hai thiên niên kỷ vừa qua. Đó là ngôi nhà nguyện nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn – Tp.Hồ Chí Minh, tọa lạc tại 180 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3. Tại đây, khoảng hơn mười năm trước, theo chương trình họp mặt và sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Hội những người cao tuổi thuộc Tòa Tổng giám mục Sài Gòn (trực thuộc Hội những người cao tuổi của LHQ), vì là một thành viên, tôi đã tham dự những buổi họp mặt và sinh hoạt này. Trước khi họp mặt và sinh hoạt ở tầng trên, chúng tôi đã có cuộc họp mặt để dự thánh lễ tại nhà nguyện bằng gỗ, lần nào cũng vậy. Sau này, buổi họp mặt và sinh hoạt của hội được chuyển về nhà thờ Tân Định. Lý do có lẽ là linh mục chính xứ Tân Định lúc ấy phụ trách về giáo dân nên ngài cho như thế là phải lẽ. Phần tôi, vì việc riêng, đã không sinh hoạt với hội trước đó một thời gian không lâu.
Về ngôi nhà nguyện bằng gỗ trong Tòa Tổng giám mục Sài Gòn, theo những dòng lịch sử ngắn gọn, thì 12 năm trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi (tức vua Gia Long, năm 1802), ông cho cất lên một ngôi nhà bằng tre lợp tranh bên hữu ngạn rạch Thị Nghè, làm nhà trọ cho Giám mục Bá Đa Lộc (1774-1799), dạy học cho Hoàng Tử Cảnh. Năm 1799, Nguyễn Ánh cho làm lại dinh Giám mục bằng gỗ lợp ngói. Sau khi Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) từ trần (1799), ngôi nhà được làm nơi trọ cho linh mục thừa sai Liot từ 1799-1811. Năm 1864, sau Hòa ước Việt-Pháp 5-6-1862, vua Tự Đức giao ngôi nhà gỗ lợp ngói đó cho Giám mục tiên khởi Giáo phận Tây Đàng Trong là Đức cha Dominique Lefèbre (1844-1864) để làm Tòa Giám mục.
Năm 1864 là năm có quyết định xây dựng Thảo cầm viên. Vì thế ngôi nhà gỗ lợp ngói đó được dời về khu đất các thừa sai. Khu đất này, sau năm 1975 là Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh, ở đường Alexandre de Rhodes, phía bên phải nhìn vào Dinh Thống Nhất, song song với đường Lê Duẩn hiện nay.
Năm 1911, khi xây xong Tòa Giám mục hiện tại, Đức cha Mossard (1899-1920) đã dời ngôi nhà thờ gỗ lợp ngói về chỗ hiện tại làm nhà nguyện Tòa Giám mục.
Sau 212 năm, trong ngôi nhà nguyện cổ đó, lần lượt xuất hiện những chỗ mục nát, dấu hiệu của sự xuống cấp. Khi không còn có thể phục chế hay gia cố nữa, song cần phải làm mới toàn bộ theo kiến trúc cổ kính như xưa. Ban Văn hóa Công giáo của Giáo phận cùng với Ban quản lý Tòa Tổng giáo phận, được giao nghiên cứu và thực hiện công trình lịch sử này.
Tôi về quê lần này vào mùa đông, tuổi lại cao. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, phi hành đoàn trên chuyến bay cho biết, lúc đó là 8:30 và thời tiết bên ngoài là 13°C, tôi biết là mình sẽ lạnh. Áo ấm, áo khoác và khăn len choàng cổ đã mang theo nhưng đều để trong valy hành lý gửi, tôi đi mình không lên máy bay. Như thế thật thanh thoát vì không ràng buộc vào một cái gì.Nhưng sẽ phải chịu rét suốt từ lúc xuống máy bay cho tới khi về đến nhà. Thời gian còn lại, tôi cũng muốn mình là thế này. Khi đó, tôi sẽ được mây trắng đưa về trời, như lời trong bài hát Chúa chăn nuôi tôi.
Khi máy bay dừng hẳn trên đường băng, tôi mở điện thoại di động liên lạc với người cháu sẽ đi đón tôi ngay tại sân bay Nội Bài. Đi đón tôi hôm đó là hai người cháu trai, con của người anh, ông mới mất hơn một năm trước. Vì lần về quê này, cùng đi với tôi là ông thông gia, người Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ông kém tôi một tuổi. Các cháu tôi thuê một ô tô bảy chỗ ngồi, đi thẳng từ quê lên Nội Bài, quãng đường này dài khoảng trên 70 km. Trên đường về quê, chúng tôi tới phố Phủ Doãn để đón đứa cháu gái ngoại của tôi, là cháu nội của ông thông gia cùng đi. Cháu này đã ra Hà Nội hai tuần lễ trước với các bạn cùng ngành học tại Đại học Khoa họcXã hội & Nhân văn, để trao đổi việc học tập với các sinh viên cùng ngành tại Hà Nội. Khi mục đích của chuyến đi hoàn tất, các bạn trong đoàn trở về Tp. Hồ Chí Minh thì cháu xin ở lại Hà Nội, thuê kháchsạn ở để chờ chúng tôi ra đón về quê cùng một lúc. Nó đã về quê tôi hơn một lần cùng với gia đình, khi mới 5 tuổi. Lần về đó, chúng tôi đã lên Lạng Sơn thăm Tòa giám mục, dự thánh lễ chiều tại núi Đức Mẹ do Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt cử hành và đi Đồng Đăng, thăm một gia đình người cháu bên họ mẹ tôi. Buổi sáng trước khi đi Lạng Sơn, chúng tôi vào một nhà hàng ăn uống, trước mặt là sông Tô Lịch. Nhà hàng này của một người họ Trần, họ bên chồng người chị lớn của tôi.
Ngồi trên ô tô gần hai giờ đồng hồ không thấy lạnh, nhưng về tới nhà, tôi mở cửa xe, bước ra ngoài, mặc trên mình chiếc sơ mi mỏng manh từ ở nhà đi, tôi lạnh run lên. Cái rét ở quê lúc ấy hầu như muốn quật ngã tôi. Tôi chạy vội về phía nhà người chị, gần chỗ chiếc ô tô chở chúng tôi đậu. Bà chị tôi mất đã ba năm trước, nên mỗi lần về sau đó, tôi đều vào trong nhà thắp lên một nén hương nguyện cầu cho chị, rồi mới vào nhà tổ ở xóm trong. Lần này, vừa bước vàotrong sân nhà, tôi như có sức đẩy từ phía sau của chị. Tôi tin như vậy vì chị không muốn tôi chịu rét như thế. Và cũng bởi chị thương yêu tôi rất mực, chỉ sau mẹ tôi thôi, ngay từ lúc chị chưa đi lấy chồng. Tôi bước nhanh vào nhà, thì từ trong buồng, hai chị em gái, là cháu nội của chị tôi, chạy ùa ra, miệng cười tươi như hoa chào tôi, bốn bàn tay mở rộng như muốn ôm lấy toàn thân tôi đang rét run lên. Mặc dù đang trong trạng thái chưa ổn định tinh thần, tôi cũng cảm nhận được một chút hơi ấm từ những bàn tay ấy. Ngay lúc ấy, tôi nhìn lên bàn thờ của anh chị tôi đặt dưới di ảnh song thân chúng tôi. Một cháu vội thắp mấy cây nhang rồi trao cho tôi…
Ngày hôm sau, tôi dẫn ông thông gia vào tham quan khu vực chung quanh nhà thờ, nhóm giáo lý viên nữ đang tạo một hang đá, gần bờ ao. Rồi tôi đưa ông xuống nghĩa trang, thăm viếng các phần mộ các cụ tổ của dòng họ tôi. Nơi đây đang có mấy cuộc xây mới phần mộ của cả một dòng họ, có chỗ tập hợp được trên 30 ngôi mộ. Trong lúc đang thư thả tìm mộ người thân, thì tôi có cuộc gặp gỡ và trò chuyện ngắn ngủi ngay tại nghĩa trang. Một người anh em còn trẻ trong Gia đình Hy Vọng, gồm các linh mục, nữ tu và chủng sinh, đồng hương của tôi, anh từ Hà Nội về thăm nhà, nghe nói tôi mới về và đang ở nghĩa trang, anh đã chạy xe xuống trao đổi với tôi vài lời, chúc tôi Giáng Sinh sắp tới bình an và sức khỏe. Anh có mấy quả bưởi ngon, là quà Giáng Sinh, biếu tôi, gửi ở nhà chị tôi. Mặc dù tôi đã xa quê hương lâu rồi và cũng chẳng phải là một tu sĩ, nhưng tôi vẫn được coi là một thành viên tinh thần cũng như người anh em của tôi nói ở đây. Cả hai chúng tôi đã có thời ngồi học ở ngôi trường chủng viện, nhưng rồi, một biến cố của thời thế lịch sử hay một thay đổi khẩn thiết về nhận thứcđối với cuộc sống nhân sinh, xem ra đó mới là mình thật, mà chúng tôi đành rời xa ngôi trường thân thiết ấy, để bước vào ngôi trường rộng lớn mênh mông. Nơi đây, chiên thì ít mà sói dữ thì nhiều, người chân thật thì như lá mùa thu, còn kẻ gian dối thì bước ra ngõ là gặp, hiểm nguy luôn rình rập. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng Đấng đã nhìn xem và dò thấu tâm can chúng tôi ở cái thời xa xôi ấy, cũng vẫn nhìn xem và đồng hành với chúng tôi trong cuộc lữ hành trên đường đời này.Chắc chắn là thế. Bởi vì, trong cõi sâu của lòng mình, chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh ngôi trường chủng viện, với những con người trẻ trung, nhiệt thành, lý tưởng…chúng tôi vẫn duy trì cái Tinh Thần Tu Sĩ Kitô giáo nguyên thủy, nhưng cũng biết mình được đặt ở chỗ này, ở nơi này, ở quê hương này và ở thời đại này. Đặc biệt là ở trong gia đình này.
Cũng đã gần giờ cơm, người con dâu duy nhất của chị thứ hai tôi, làm cơm mời tôi và ông thông gia. Chúng tôi rời nghĩa trang. Có một gia đình đi ô tô con, chắc là ở xa về đi viếng mộ người thân, cũng rời nghĩa trang lúc ấy. Nhưng toán thợ đang xây mới các phần mộ thì vẫn làm. Chúng tôi vừa đi qua một căn nhà gần đường lớn, thì nghe có tiếng gọi. Tôi quay lại. Người vừa gọi đã bước vào nhà trong, lúc trở ra, trên tay xách mấy quả bưởi, biếu tôi. Chị tự giới thiệu mình là người trong họ bên mẹ tôi. Tôi “À!” một tiếng rồi trao đổi với chị vài lời. Mẹ chị gọi tôi bằng cậu, chị có một em gái (út) là Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, Hà Nội.
Sang ngày thứ ba có mặt ở nhà, tôi dẫn ông thông gia tham quan con đường 10m, chạy từ phía trên cách làng tôi khoảng 3 km xuống tới dưới, gần đường vào nghĩa trang. Phía ngoài con đường 10m là đồng ruộng, phía trong có hai ngôi trường học. Một là Trường Tiểu học. Hai là Trường Mầm Non. Hai trường học không xa nhau bao nhiêu. Cả hai đều là những ngôi trường vững chắc, 2, 3 tầng.
Khi trở về nhà, con gái tôi đã từ trong Sài Gòn ra, để hai ngày sau đưa chúng tôi về. Nó không an tâm khi để hai ông già và con gái của mình đi máy bay.
Trong lúc ngồi ăn cơm trưa, ông thông gia vui vẻ bảo hai anh em tôi đi tới đâu cũng có người chào hỏi, đứng lại nói chuyện vui vẻ. Đây là một làng đạo, vấn đề đạo đức còn tốt quá. Ông xui tôi đi tới đâu cũng gặp họ hàng, đang đi ở con đường lớn, từ phía sau lưng cũng có người quen dừng xe lại chào. Tôi thích lắm. Lần sau ông ấy về, tôi đi theo nữa, rồi ông nhìn mọi người cười. Các cháu tôi cũng cười. Ông nói tiếp, đây là lần thứ hai tôi và ông xui đi với nhau. Lần trước chúng tôi đi sang Campuchia.
Buổi tối sau giờ cơm, một cháu tôi chở ông thông gia đi vào sân nhà thờ, xem hang đá và đèn, ra tượng đài Đức Mẹ Hồn Xác lên trời ở bờ hồ và chung quanh hồ, lên khu chợ mới v.v…Ở đâu đèn cũng được giăng mắc kín, ánh điện sáng lung linh, thỉnh thoảng lại điểm một ngôi sao 5 cánh. Đúng ra thì Giáng sinh năm nay, việc trang trí đèn và làm các hang đá không được rầm rộ như các năm trước, đặc biệt năm 2018, kỷ niệm mừng 100 năm xây dựng nhà thờ lớn. Năm đó tôi cũng về dự lễ. Có lẽ, một tuần trước Giáng Sinh năm nay, xứ đạo quê tôi có sự thuyên chuyển linh mục cũng như ở nhiều xứ khác trong địa phận. Vì thế, việc tổ chức lễ Giáng sinh không khởi sắc lắm. Cha xứ cũ vướng mắc vào tâm trạng bất an, ngài đang chuẩn bị cho việc nhận xứ mới, nên không còn tâm trí để chỉ đạo việc tổ chức Giáng sinh như các năm trước. Còn cha mới thì có ít ngày chuẩn bị. Tuy nhiên, giáo xứ vẫn có một chương trình văn nghệ trước lễ nửa đêm. Mặc dù vậy, không khí trong mùa Giáng sinh hầu như ẩn giấu một nỗi u hoài, một nỗi phiền muộn trong lòng người. Khi tôi rời gót chân ra đi, tôi cũng mang theo một nỗi băn khoăn, lại không thể bày tỏ.
Về quê hương lần này, tôi nhận ra một nét mới khác trước, nó mang tính cách của một khu phố tại các thành thị. Điều này tôi đã thấy được thực hiện trước hết như một thử nghiệm tại xóm chúng tôi, lúc tôi về khi anh tôi ốm nặng vào tháng 5/2019. Ông đã qua đời sau khi tôi về được khoảng một tuần lễ. Lần đó,những thanh niên trong xóm đã dựng lên một cổng sắt, ngay đầu đường vào các ngõ trong, đặt bên cạnh cổng vào nhà người chị thứ hai của tôi. Phía trên hai trụ sắt là một vòng cung. Trên đó gắn một hàng chữ NGÕ XÓM GIỮA. Đây là xóm bao gồm hầu như tất cả các nhà trong họ nội của tôi. Bây giờ, tôi thấy có gắn thêm một cái bảng kẻ hàng chữ Đường Thanh Niên Tự Quản.
Bây giờ, các xóm, các ngõ, các ngách và hẻm trong làng được mang một con số, như các hẻm tại thành phố Sài Gòn.
Trong một Ngõ có nhiều ngách, nhiều hẻm. Mỗi tên gọi đều có số 1,2,3…Nhà cũng mang số theo ngách, hẻm.Thí dụ: Ngách 1, nhà số 1, số 2…Ngách 2, nhà số 1, số 2…Hẻm 1, nhà số 1, số 2… Hẻm 2, nhà số 1,2,3…
Con đường lớn của làng, bây giờ mang tên là ĐƯỜNG AN MỸ. Đường này có nhiều ngõ thì có số của ngõ, như Ngõ 1, Ngõ 2, Ngõ 3 v.v…Ngõ có tổ: Tổ 1, Tồ 2, Tổ 3…Số nhà theo ngõ và tổ. Làng tôi còn có chợ, là những ki-ốt hợp lại. Khoảng hơn mười năm trước, chợ này là một cái máng dẫn nước từ xa về cung cấp nước cho nông nghiệp. Khi sáp nhập vào thành phố Hà Nội, một khoảng dài máng này được lấp bằng những tấm bê tông đặt trên miệng máng,bên dưới vẫn có nước chảy, bên trên cất thành những ki-ốt để lập thành chợ. Hai bên chợ có tên gọi là ĐƯỜNG MÁNG TRÊN (từ ngoài vào làng) / Tổ. Nhà số…Và ĐƯỜNG MÁNG DƯỚI/ Tổ. Nhà số… Ở bờ hồ, nơi có Tượng đài Đức Mẹ thì có NGÕ BỜ HỒ, phía trước tượng đài có đường vào nhà thờ, có tên là NGÕ NHÀ THỜ.
Với con đường 10m chạy ở bên ngoài làng dài khoảng 4 hay 5 km và hai ngôi trường học, một là Tiểu học và một là Mầm non xây dựng cao tầng, tôi không muốn nghĩ về làng quê tôi sẽ còn thay đổi nhiều như thế nào, sau 10 hay 20 năm nữa. Bởi vì có một cái gì chua xót. Làng quê sẽ mất tính chất nông nghiệp, mất đi cái êm ả, thanh bình từ thuở nào!Đó là điều chắc chắn, vì hiện nay sự thay đổi về cách sống, cách ăn mặc đã khác xưa nhiều rồi. Một nhà máy công nghiệp sẽ mọc lên ở một cánh đồng nào đó, và chung quanh sẽ là những ngôi nhà mới?! Ngay bây giờ, nhiều người đã không muốn làm ruộng nữa, chỉ còn người già, các phụ nữ có tuổi. Một công cấy là 400.000đ. Cho người khác làm, cũng không ai muốn làm. Đồng ruộng bây giờ rẻ rúng đến thế sao! Thanh niên, thiếu nữ lên thành làm hoặc ngồi cả ngày trong nhà may màn.
Về quê lần này, tôi không có dự tính trước, một phần vì tuổi đã cao nên cũng ngại ngùng di chuyển. Nhưng không ngờ, về quê lần này, tôi lại có một vài dấu ấn như đã ghi trên đây, để nhớ và suy gẫm cho quãng thời gian xa cách còn lại của đời tôi.
KHẢI TRIỀU
Ngày 31-12-2020
(Sinh nhật thứ 85)
Nguồn : http://t-van.net/?p=47735