***
Đối với người Việt từ bốn hoặc năm mươi tuổi trở lên, khi nói đến tác phẩm của Phan Nhật Nam là chúng ta nghĩ đến nỗi bi thương thống hận của người Lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), nỗi trầm luân của Quê Hương và nỗi đọa đày của cả một dân tộc!
Bất cứ thời gian nào và không gian nào, mỗi tác phẩm của Phan Nhật Nam đều cho người đọc cái cảm tưởng như từng dòng chữ còn ngùn ngụt khói chiến trường, còn ầm ì tiếng đại pháo, còn váng vất mùi máu từ vết thương đang làm độc của thương binh VNCH bị vây khốn trong vòng rào tử thủ!
Trong Tù Binh và Hòa Bình, ngoài những điều như tôi đã trình bày ở đoạn trên, Phan Nhật Nam còn đưa ra những nhận định rất chính xác, những phân tích tỷ mỷ, những nhận xét không suy suyển và những cảm nghĩ đầy phẫn nộ về những sự kiện lịch sử liên quan đến hiệp định ngưng bắn ngày 27-01-73!
Ngòi bút của Phan Nhật Nam gắn liền với chiến trận, với đời Lính; và Phan Nhật Nam cũng từng là thành viên trong ủy ban liên hợp phụ trách vấn đề trao trả tù binh, cho nên, chúng ta có thể khẳn định rằng những gì Phan Nhật Nam viết ra có một giá trị vượt xa sự tương đối.
Chúng ta được may mắn là tác phẩm Tù Binh và Hòa Bình đã thoát khỏi vòng hủy diệt văn hóa do cộng sản Việt Nam (csVN) chủ xướng và tác phẩm này hiện đang được lưu hành dưới vòm trời Tự Do. Nhờ vậy, mai sau con em của chúng ta sẽ không bị csVN đầu độc bằng những trang sử ký xuyên tạc để chạy tội; vì chúng ta đang có trong tay 422 trang chi chít những dữ kiện quan trọng của một giai đoạn lịch sử đen tối. Trong 422 trang này Phan Nhật Nam khẳng định ở trang 100 rằng: “Tôi viết vì những điều tôi thấy, những rung động làm run tay, những phẫn nộ làm chóng mặt”.
Trước những sự kiện có thật được Phan Nhật Nam ghi lại một cách mạch lạc trong Tù Binh và Hòa Bình, tôi nghĩ, không ai là người không cảm thấy lòng mình se lại khi đọc xong.
Thật vậy, như đoạn viết về Huỳnh Tấn Mẫm – một trí thức trẻ thường khuấy động hậu phương, làm lợi cho csVN – khi Mẫm được chính phủ VNCH trao trả cho những người cùng “chí hướng phá hoại” như Mẫm, thì Mẫm lại xin về với gia đình tại Saigon! Và luật sư Việt cộng Nguyễn Long, khi được trao trả cho “phía bên kia”, Long lại dùng tiểu xảo, chỉ với mục đích làm bỉ mặt những nhân vật đại diện cho phía VNCH tại địa điểm trao trả tù binh. Còn nhiều nghịch lý mà người nào chưa thành Bồ Tát cũng thấy lòng mình gợn lên niềm phẫn nộ! CsVN bắt tù binh VNCH đi dân công, khai rộng con đường 458. Và, khi trao trả, người tù VNCH gầy còm, đau yếu cho đến độ không đủ sức nói lên hai tiếng “có mặt” khi họ được ủy ban trao trả gọi tên; còn những người tù csVN, trong thân thể hồng hào, nở nang, rắn chắc, khi được trao trả lại vung tay, to tiếng tố cáo “chế độ giam giữ hà khắc, tàn nhẫn của nhà giam Phú Quốc!”
Trong tất cả những điều bất nhân mà Phan Nhật Nam trông thấy và ghi lại, tôi nghĩ, có lẽ chưa điều nào làm cho trái tim Phan Nhật Nam rướm máu cho bằng lần Phan Nhật Nam trở ra Hà Nội. Thật vậy! Ngòi bút của những người xa Hà Nội từ năm 1954 đã tốn không biết bao nhiêu giấy mựt để viết về Hà Nội. Cho nên, trong chúng ta không ai là người không một lần mơ về Hà Nội. Riêng đối với Phan Nhật Nam, Hà Nội còn là chốn thiêng liêng mà Anh và thân mẫu của Anh phải bỏ lại theo lời khuyên kín đáo của thân phụ anh – một chiến sĩ sư đoàn 308 của trận Điện Biên Phủ.
Mười chín năm sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ, Phan Nhật Nam viết về chuyến đi Hà Nội sắp đến: “...Chuyến đi Hà Nội như áng sáng chói lòa rọi thật rõ vào hệ thống ấn tượng dậy lên từ thời thơ ấu kéo dài theo đời người. Những ấn tượng về một quê hương xưa cũ...” (trang 40) Nhưng sau khi nhìn thấy sự tiêu điều tàn tạ của Hà Nội, Phan Nhật Nam viết: “... Tan vỡ rồi Hà Nội!... Tôi đi giữa lòng Hà Nội mưa bay không thấy phố phường, không thấy người, chỉ thấy thê thiết não nề dồn lên hơi thở. Trần Dần năm xưa thất vọng vì màu cờ đỏ quá mạnh lấn át phố phường Hà Nội... Tôi hôm nay đi trong lòng Hà Nội với đe dọa trùng điệp, cơn cảnh giác thường xuyên, trong không khí đồng nhất quái dị. Hà Nội thiên liên bí nhiệm vẫn còn nguyên hè xưa phố cũ nhưng đã tan vỡ đến đáy sững sờ!...”
Năm 1954 csVN ký hiệp định Genève với Pháp, chia cắt nước Việt Nam tại sông Bến Hải. CsVN ở ngoài Bắc. Quốc Gia ở trong Nam. Nhưng sau đó, chính csVN gây hấn, xâm phạm hiệp định Genève rồi xua quân ào ạc lấn chiếm miền Nam.
Mười chín năm sau, 1975, cũng chính csVN ký hiệp định ngưng bắn tại Ba Lê. Nhưng rồi: “Ngày 27-01-1973, khi giọt mựt cuối cùng chưa khô trên văn kiện ‘Tái lập hòa bình tại Việt Nam’ thì ở Việt Nam, đêm 27 rạng 28-01-1973, Thủy Quân Lục Chiến cường tập dứt điểm Tango (hay T) hay cửa Việt. Pháo 130 từ Đông Hà, Khe Sanh đổ xuống vùng Như Khê, Tân Lê, làm quân Dù Việt Nam Cộng Hòa không thể ngóc đầu nổi. Ngày chủ nhật, 28-01-1973, toàn thể các quốc lộ vào Saigon đều bị đóng chốt...” (Trang 220)
Dạo còn ở Saigon, đọc báo, thấy Việt cộng bắn vào trực thăng mang dấu Hồng Thập Tự đang tản thương, tôi rất bất nhẫn. Nhưng liền đó tôi tự biện luận, có lẽ hai bên bắn nhau đạn lạc chứ làm gì có loại người tàn ác đến độ bắn vào trực thăng tản thương có mang dấu Hồng Thập Tự! Nhưng trong thời gian ngưng tiếng súng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong khi trực thăng VNCH chở tù csVN đến Lộc Ninh – địa điểm trao trả tù binh – khi trở về, bị Việt cộng từ dưới đất bắn lên. Lần thứ nhất ngày 26-02-1973. Lần thứ hai ngày 07-03-1974 khiến một nhân viên phi hành Chinook CH 47 bị tử thương!
Vì những bất đồng nặng nề giữa VNCH và csVN trong vấn đề trao trả tù binh, để làm áp lực, Việt cộng pháo kích bừa bãi vào quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường, làm chết nhiều trẻ em và thường dân. “Ngày 09-03-1974, Việt Cộng pháo kích đạn 82 ly vào trường tiểu học Cộng Đồng Cai Lậy, gây thương vong cho 43 em và làm bị thương 70 em” (Trang 343) “Và trường tiểu học Long Phú ở Vĩnh Long, ngày 04-05-1974, Việt Cộng pháo kích, chết 17 em và 70 em bị thương.” (Trang 376)
Cũng trong thời gian này, tại vùng cận sơn Quãng Trị, Bắc quân ló mình lên khỏi “chốt”, ngoắc tay gọi lính Nhảy Dù và Sư Đoàn I Bộ Binh. Chiều nọ, một chàng csVN lững thững đi sang khu vực của đại đội 94 tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, bắt tay thiếu úy Thắng và bảo rằng: “Tụi tôi không đánh ông đâu. Mình bồ mà.” Thiếu úy Thắng mời nước trà và thuốc quân tiếp vụ. Sau đó 12 quân nhân Thủy Quân Lục Chiến sang “chốt” Việt cộng thăm giao hữu; 12 quân nhân ấy không bao giờ trở về! “Không có tiếng súng, chỉ có âm động của lưỡi lê xuyên qua da thịt!” (Trang 379)
Nhưng trên tất cả mọi đớn đau, uất hận trong thời gian ngưng chiến là căn cứ Tống Lê Chân, do tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân biên phòng trấn giữ, dưới sự chỉ huy của một sĩ quan mới 25 tuổi – Lê Văn Ngôn – tốt nghiệp khóa 21 Võ Bị Quốc Gia Dalat. Trong số 259 quân nhân tại căn cứ, hết 75 người bị thương; nhưng 40 thương binh xin ở lại chiến đấu! Nhưng tính chất bi hùng của Tống Lê Chân không dừng lại ở đó. Tính chất bi hùng của Tống Lê Chân tiếp theo bằng những con số mà khi đọc xong người đọc phải thở ra, thẩn thờ: “... Căn cứ Tống Lê Chân bị pháo kích 233 lần, 20 lần bị tấn công biển người, 7 lần bị đánh đặc công và nhận 14 ngàn trái đạn đủ loại, nổ liên tục trong 220 ngày! Ngày 27-01-73 cũng là ngày N của cuộc tấn công cường tập vào Tống Lê Chân...Ngày 24-03-73 hai mươi thương binh đầu tiên và cuối cùng được di tản... Tống Lê Chân đóng cửa vĩnh viễn với nỗi bi hùng của nó!” (Trang 275)
Đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc Tù Binh và Hòa Bình; nhưng hôm nay, sau khi đọc xong, gấp sách lại, tôi trầm mặc trong nỗi đau đớn vô tận của một người Việt Nam còn đủ lương tri! Những hành động dã man, tàn bạo của csVN làm tôi ghê tỡm họ! Vượt qua bao xảo trá, gian manh và dẫm lên không biết bao nhiêu máu xương của đồng bào và quân nhân miền Nam, cuối cùng người csVN cũng đã thực hiện được giấc mộng xâm lăng!
Suốt mấy mươi năm ngụp lặn trong hào quang đẩm máu đó, người csVN làm được gì cho Quê Hương, ngoài thành tích thiết lập không biết bao nhiêu nhà tù và đẩy ra biển cả vạn vạn người Việt? Trong những “chiến công” đó, không ai trong chúng ta là người không thấy được sự tiếp tay đắc lực của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và những nhà khoa bản như Ngô Bá Thành, Nguyễn Long, Hồ Ngọc Nhuận, Ngọc Lan, Chân Tín, v.v...
Một Nguyễn Hộ – trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam – với 40 tuổi đảng, khi tỉnh ngộ còn thành lập được Câu Lạc Bộ Kháng Chiến để tỏ thái độ đối kháng với csVN. Còn Ngô Bá Thành, Chân Tín, Nguyễn Long, Ngọc Lan, Hồ Ngọc Nhuận, v.v... nghĩ gì và nhận được gì từ csVN trong mấy mươi năm qua? Đấy, những hạng người đã góp không biết bao nhiêu công sức trong việc dọn đường cho Viêt cộng tiến vào Saigon mà suốt mấy mươi năm qua chưa người nào hưởng được chút bổng lộc huống gì những người “trở cờ muộn” như Nguyễn Văn Hảo và Phạm Đăng Long Cơ!
Thời kỳ Việt cộng vượt Trường Sơn, Việt cộng gọi là đi “B”. Vào đến miền Nam, anh bộ đội nào hồi chánh thì bị Việt cộng gọi là “B quay”. Tôi nghĩ, bây giờ, tập thể Việt Nam tỵ nạn còn ngần ngại gì mà không “tặng” cho Nguyễn Văn Hảo và Phạm Đăng Long Cơ một danh từ tương xứng như “ Hảo Quay” và “Cơ Quay”!
Trở lại với tác phẩm Tù Binh và Hòa Bình, năm 1974, Phan Nhật Nam viết tác phẩm này thì: “...Người cộng sản Việt Nam vẫn phải khó khăn đấu tranh với từng mẫu sắn, từng lon gạo, một hai điếu thuốc khô, dăm ba chiếc kẹo ngọt trên bước đường đấu tranh thần thánh thực hiện chủ nghĩa xã hội thì quả tình quá tội nghiệp...Cả một đội vận tải trên đường giây ‘chủ nghĩa xã hội’ (đường mòn Hồ Chí Minh) phải hội ý từ 5 giờ chiều cho đến 9 giờ tối để đạt ‘tiêu chuẩn’ ‘ tiếp thu’ 5 điếu thuốc. Đội vận tãi gồm những kỹ sư, bác sĩ, những cán bộ mang quân hàm trung tá, thiếu tá phải bình nghị, hội họp suốt bốn tiếng đồng hồ để đạt ‘tiêu chuẫn’ phân chia 5 điếu thuốc Điện-Biên... Bữa cơm không có thịt trong suốt 18 năm của người dân Tuyên Quang miền Bắc, hai điếu thuốc lá được viên kỹ sư máy nổ ‘tiếp thu’ trên đường giây ‘chủ nghĩa xã hội’ như mặt trái của tấm gương phản chiếu những chữ nghĩa rực rỡ, nghe xa xăm như một giấc mộng mơ hồ...” (trang 90).
Đến năm 1975, sau khi cưỡng chiếm được miền Nam, cuộc sống của cán bộ và bộ đội đã khác hẳn. Và lớp người thay thế hình ảnh bi thảm có thật của Việt cộng do Phan Nhật Nam vẽ ra năm 1974 là tập thể quân nhân Quân Lực VNCH.
Khi đề cập đến sĩ quan Quân Lực VNCH, ngay như tướng Việt cộng Trần Công Mẫn, khi tiết lộ với Larry Engelmann trong cuốn Tears Before The Rain cũng phải xác nhận rằng: “Về những người lính bình thường của miền Nam thì họ đã mệt mỏi chiến tranh, họ phải kéo dài một trận chiến không đi đến đâu. Nhưng đối với các sĩ quan quân đội miền Nam thì tinh thần của họ cao hơn...” Như sợ rằng mình lỡ lời, sẽ bị tự phê, tự kiểm, tướng Việt cộng Trần Công Mẫn tiếp: “...vì họ biết, nếu chiến tranh chấm dứt, sự nghiệp của họ cũng chấm dứt luôn.”
Câu “thòng” của tướng Việt cộng Trần Công Mẫn là một luận điệu yếu ớt, mượn ý từ nhận xét rất trung thực của Phan Nhật Nam về trung tá Việt cộng Bùi Thiệp: “Tưởng tượng cảnh Bùi Thiệp trở về làng xưa ở Bình Định với một túi vải kaki mang ở vai, dôi dép râu đế vỏ xe hơi dưới chân, nếu không có quân hàm trên vai với chút uy quyền tội nghiệp, Thiệp sẽ còn lại gì trước làng xưa tiêu tán, không gia đình, không vợ con, chỉ có chiếc bóng ngã dài trên đất vàng khô le lói chút nắng chiều... Thiệp không còn gì cả, quả thật vậy, chỉ còn những sợi tóc trắng chảy mềm trong kẻ tay!” (trang 37)
Lý do tôi xác quyết Trần Công Mẫn ăn cắp ý của Phan Nhật Nam là vì Phan Nhật Nam viết bút ký Tù Binh và Hòa Bình trước tháng Tư năm 1975; còn Trần Công Mẫn phát biểu câu nói ấy với Larry Engelmann sau tháng Tư năm 1975.
Điều phát biểu của tướng Việt cộng Trần Công Mẫn cũng cho thấy trình độ hiểu biết của ông Mẫn chẳng là bao; bởi vì, sĩ quan Quân Lực VNCH là những người có trình độ văn hóa, những sĩ quan trẻ còn có trình độ đại học, chứ không có vị nào phải học văn hóa bổ túc như sĩ quan csVN. Khi con người có văn hóa, người ta suy nghĩ khác và người ta dễ gây dựng tương lai, sự nghiệp. Còn những người thiếu văn hóa như sĩ quan csVN – thường xuất thân từ các em bé chăn trâu, chăn bò – thì chỉ biết bám vào chiến tranh và đảng để gây dựng sự nghiệp, để giấu đi bản tính thiếu tự tin. Nếu vị nào chưa biết thực chất của sĩ quan quân đội nhân dân miền Bắc, xin hãy đọc trang 21: “...Nhưng trung tá Nam Tích, tư lệnh phi trường Lộc Ninh, gã nông phu phụ bạc ruộng đồng để hân hoan cùng quân hàm tương đương...”
Trong thời chiến, Phan Nhật Nam viết về thân phận người tù và sự trao đổi tù binh. Sau cộc chiến, Phan Nhật Nam trở thành tù nhân của một chế độ bạo tàn, vô nhân mà Phan Nhật Nam đã vạch trần trong nhiều tác phẩm.
Tác phẩm viết về trại tù và chiến tranh không hiếm, nhưng thường rất khô khan. Trái lại Phan Nhật Nam dùng chữ rất “bạo”, như “cụm từ” “bác nông phụ bạc ruộng đồng”. Và Phan Nhật Nam cũng dùng nhiều tĩnh từ và trạng từ cho nên câu văn dễ làm cho tình cảm của người đọc bị giao động từng hồi!
Nếu quý vị nghĩ rằng tôi nói quá, thì đây, tôi xin trích một đoạn ngắn nơi trang 395: “...Những buổi chiều từ Lộc Ninh trở về, tôi bay qua đồi Gió, đồi 69, những ngọn đồi ở Đông Nam An Lộc. Cũng những buổi chiều tháng Năm và tháng Sáu như thế này của hai năm trước, 1972, nơi đây, những người bạn ở tiểu đoàn 6, tiểu đoàn 3 Pháo Binh, lữ đoàn I Nhảy Dù đào vội chiếc hố, khoét sâu rảnh giao thông hào dưới cơn mưa đại pháo của Bắc quân... Cũng những buổi chiều muộn khi ngày sắp hết, ánh mặt trời hồng đỏ đã bị mờ dần khi sương lam bốc lên từ dãy cao su ngút ngàn xanh ngắt. Nơi đây, trên dãy cao độ chập chùng trống trãi này những Phạm Tường Huấn, Phạm Kim Bằng, Lộc ‘lì’, Vinh ‘con’ của tiểu đoàn 6 Nhảy Dù bậm môi đến bậc máu, nhô chiếc nón sắt lên khỏi giao thông hào chờ đợi bóng đen của những T54 đang lố nhố, rì rầm dưới chân đồi sắp sửa tấn công... Hôm nay trên chiến địa điêu tàn đó chỉ còn vương vải vài chiếc nón sắt, túi đeo lưng và những mảnh xương trắng xám rơi rớt trên lớp đất đỏ màu máu. Dãy đồi nằm lặng dưới bóng chiều trông oan khiên như nấm mồ vĩ đại...”
Từ năm 1975 trở về trước, những thê lương, tiêu điều chỉ thấy được ở ngoài Bắc và trên những chiến địa đã tàn, thuộc phần đất miền Nam. Nhưng sau 30-04-1975, sự tiêu điều hoang dại ấy và khoai sắn cũng theo Bắc quân vào miền Nam để “giải phóng” miền Nam khỏi sự trù phú sẵn có!
Ngày nào csVN dùng vũ khí của Nga và Trung cộng cùng chiêu bài “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” để thiu rụi hằng triệu thanh niên hai miền Nam Bắc Việt Nam. Bây giờ, để củng cố đảng và chế độ, nhà cầm quyền csVN dang tay, mở rộng cửa mời gọi ngoại nhân, bất kể chủng tộc.
Những ai đã về Việt Nam đều nhận ra điều chua xót là những phát triễn vội vàng của ngoại nhân, không những không che bớt được sự thụt lùi thảm hại của đời sống dân chúng mà còn làm cho cơ thể điêu tàn của Mẹ Việt Nam trông diêm dúa, trơ trẽn, chẳng khác gì khuôn mặt “bự” phấn của những cô gái bán bars dạo nào!
Tội đồ này csVN sẽ phải trả lời trước những trang Việt sử còn hoen màu máu và chưa khô dòng lệ!