BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77130)
(Xem: 63214)
(Xem: 40615)
(Xem: 32254)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vĩnh Biệt Phượng Đỏ Sân Trường

18 Tháng Sáu 20208:57 SA(Xem: 1631)
Vĩnh Biệt Phượng Đỏ Sân Trường
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”

(Thế Lữ)

Nhà thơ Nhất Tuấn nổi tiếng với thi phẩm Chuyện Chúng Mình, vào đầu thập niên 60, bài thơ Hoa Học Trò được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng tên nổi tiếng vào thập niên 1960. Ca khúc còn mang tên Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không.

“Bây giờ còn nhớ hay không

Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa

Ngây thơ em rủ anh ra

Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung

Bây giờ còn nhớ hay không

Anh đem cánh phượng bôi hồng má em

– “Để cho em đẹp như Tiên!”

Em không chịu, sợ phải lên trên trời.

– “Lên trời hai đứa đôi nơi

Thôi em chỉ muốn làm người trần gian”

Hôm nay phượng nở huy hoàng

Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau

Rưng rưng phượng đỏ trên đầu

Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ

Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa

Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng

Bây giờ còn nhớ hay không

Đến người em nhận làm chồng? Mà thôi”.

hoahoctro-hoaphuongHoa phượng được Nhất Tuấn gọi là hoa học trò vì thuở đó hầu như ngôi trường nào cũng trồng cây phượng trong sân trường. Khi phượng đơm hoa báo hiệu cho mùa Hè cũng là thời điểm chia tay sau niên học. Để lưu niệm, nữ sinh đóng tập Lưu Bút giấy pelure xen kẽ các sắc màu, trông thật nhã, ghi cảm nghĩ cho nhau… Ở lớp Đệ Tứ, không còn học chung nhau vì lên lớp Đệ Tam theo ban A, B, C và lớp Đệ Nhất là thời điểm chia tay vĩnh viễn, tập Lưu Bút dày hơn, chia sẻ, tâm tình… của tuổi học trò. Hầu như nam sinh không có Lưu Bút, chỉ được xía phần, dù có tinh nghịch nhưng phải viết đứng đắn, lịch sự.

Theo lời Nhất Tuấn, “Tôi làm bài thơ Hoa Học Trò vào thập niên 1960 khi nhớ lại là cái thuở ngày xưa còn bé cũng chơi với mấy đấng bạn nhi đồng nam nữ xoa hoa dâm bụt, hoa phượng vào má nhau cho đỏ cho đẹp như cô dâu ngày đám cưới. Chỉ có vậy thôi. Rồi cái số của tôi là ngay từ những bài thơ đầu, tự dưng ưa làm thơ mà nhiều xui xẻo khi vào đoạn kết những bài thơ, để cho có vẻ lâm li bi đát buồn vơi trong các tập Truyện Chúng Mình của những ngày xa xưa đó có bài thơ Hoa Học Trò”.

Nguồn gốc loại phượng đỏ xuất xứ từ Madagascar, Nam Phi, thích hợp với miền nhiệt đới, tên thông dụng trong tiếng Anh là flamboyant, royal poinciana, flai tree (flai of teh forest) và mohur tree flai of teh forest…. Cây có tán rộng, nhiều lá. Hoa phượng đỏ thẫm, với năm, sáu cánh hoa xòe rộng thêm đốm đậm li ti trên cánh trông rất đẹp. Hoa phượng nở rất lâu, và mùa phượng vỹ thường kéo rất dài, từ đầu mùa Hè đến giữa mùa Thu.

Cây phượng còn gọi là phượng vỹ vì các lá non trông giống như hình vẽ đuôi của loài chim phượng, phuyongdotruongdongkhanhhoa phượng đỏ tươi như đầu chim phượng, và lúc phượng nở đầy hoa, che phủ cả lá. Phượng vỹ được người Pháp du nhập vào Việt Nam khoảng những năm cuối thế kỷ 19 tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Sài Gòn, Hải Phòng (còn gọi là thành phố hoa phương), Huế, hoa phượng tô điểm sắc màu dọc sông Hương, nhiều người còn gọi là thành phố của các ngôi trường phượng vỹ. Trên đường Lê Lợi, bên bờ sông Hương, bên cạnh trường Quốc Học, trường nữ trung học Đồng Khánh đầy phương vỹ… Cách đây vài năm, kỷ niệm 100 năm ngôi trường nầy, sau năm 1975 đổi tên danh nhân lịch sử Hai Bà Trưng (nếu đổi tên nữ cán ngố nào đó, chắc chắn các cựu nữ sinh tức giận điếng người! Không bao giờ thăm lại trường xưa, bước vào cổng trường nữa!).

Đọc những bài viết của các cô về mái trường xưa vẫn dùng tên Đồng Khánh, tuổi mộng mơ, trong giờ ra chơi, thả hồn dưới hàng phương vỹ… với bao nhiêu kỷ niệm khó quên.

Và, từ những thành phố đó, phượng vỹ được trồng khắp nơi, nhiều ngôi trường ở miền nam VN được trồng phượng vỹ, có lẽ thích hợp nhất vì loài hoa của sự chia ly ở tuổi học trò, loài hoa của kỷ niệm tình bạn và tình yêu. Vừa tỏa bóng mát, có lúc là nơi hẹn hò trong giờ ra chơi.

Sân trường trung học Trần Quý Cáp nơi phố cổ Hội An được trồng 3 hàng phượng hình chữ U trước 3 dãy lớp, bao quanh cột cờ. Khi khoác áo treillis đã một lần trở lại ngôi trương xưa, tuy đã hơn nửa thế kỷ, nay vẫn không quên hình ảnh đó. Trải qua lớp sóng phế hưng, vật đổi sao dời… không biết số phận những hàng phượng năm xưa thế nào?

Vì phượng vỹ mang hình ảnh chim phượng trong tứ linh nên ý nghĩa trong giấc mơ với phượng vỹ thường mang lại điềm tốt.

Thấy hoa mới chỉ đang hé nở trên cây, giống như những ngọn nến đang bập bùng cháy, điềm báo của sự khởi đầu may mắn. Trong thời gian này, mọi việc bạn làm đều vô cùng thuận lợi. Cầu được ước thấy.

Mơ thấy bản thân đang ngắt hoa, mang ý nghĩa là tài lộc đến nhà.

Mơ thấy phượng không ra hoa, điềm báo của sự yên bình.

Tại Hoa Kỳ, phượng đỏ được trồng ở Hawaii, thung lũng Rio Grande, miền nam Texas, vùng sa mạc ở Arizona. Ở nam Florida của Hoa Kỳ được trồng nhiều loại phượng đỏ nầy, dân địa phương tổ chức Hội Hoa Phượng Vỹ (Royal Poinciana Fiesta) như người Nhật với Hoa Anh Đào.

Ở California rất nhiều loại phượng tím. Trước nhà con trai tôi trồng được cây phượng đỏ được 8 năm nhưng không có hoa, lá rụng đầy, khô lại như hạt thóc nên vừa chặt đi trong mùa dịch Covid-19!

*

Sáng ngày 26/5 vừa qua, tai nạn thương tâm do cây phượng bật gốc, ngã đè trúng các em học sinh trường THCS Bạch Đằng, quận 3, Sài Gòn đã gây 13 học sinh lớp 6 bị thương, trong đó một em bị thương nặng đã không qua khỏi.

Trước tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhà trường và giới hữu trách về môi trường, cây xanh… nên có phương cách hữu hiệu vừa bảo vệ cây xanh vừa bảo vệ sinh mạng. Nhưng thật trớ trêu, thay vì chăm sóc, nuôi dưỡng lại triệt hạ! Trước hành động hủy hoại nầy, chỉ một tuần, trên các trang mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ, đả kích sự tắc trách của chính quyền địa phương và nhà trường… Điển hình như chặt đầu hàng loạt cây ở giảng đường Phượng Vỹ của đại học Nông Lâm Sài Gòn. Mà các cựu sinh viên của trường đã xác nhận trường này có các giảng đường hầu hết mang tên các loài cây và hoa.

Cô Nguyễn Thị Bích Hậu chia sẻ: “Trường đại học Nông Lâm, nơi đầy chuyên gia về ngành này mà còn lao vô chặt đầu cây, thì hỏi các nơi khác làm gì? Cây cối là các sinh vật im lìm, chúng không thể tự vệ.

Mong các hành động này cần được chặn đứng ngay lập tức. Vì thầy cô không thể đi dạy cho trẻ con về tinh thần nhân bản, về yêu quý và bảo vệ môi trường và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, khi có những thầy cô ra lệnh tàn sát cây xanh.

Không thể có một trường học tốt nào mà trơ khấc toàn beton và người, không có hồn cây cỏ. Như một người mẹ, tôi không muốn cho con đi học ở nơi đó. Vì khác gì gửi con tới sa mạc Sahara?”.

Thầy giáo Chế Quốc Long, trường đại học Sư Phạm Kỹ Thuật nêu ý kiến về vấn đề này trên facebook:

doncayphuong“Chuyện một học sinh chết vì cây phượng đổ là một tai nạn đau lòng. Tuy nhiên, việc đốn hàng loạt cây phượng ở các trường học là điều không chấp nhận được.

Đã từ lâu, các trường không hề có sự chăm sóc cây xanh. Chỉ cần một năm kiểm tra một lần thì có thể phát hiện ngay cây nào mục ruỗng hoặc còn sử dụng được. Chưa kể việc bê tông hoá toàn bộ sân trường cũng làm ảnh hưởng đến sức sống của cây.

Không có sự chăm sóc, khi sự việc đau lòng xảy ra thì phản ứng hết sức cực đoan là đốn hạ hàng loạt cây phượng. Đúng là kiểu quản lý không được thì cấm như xưa nay. Hành động đốn hàng loạt cây phượng ở các trường học, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: phải chăng quản lý cũng phản ứng theo kiểu bầy đàn hay sao?

Chuyện chính quyền chặt hạ cây xanh không lạ gì với người dân trong nước từ Bắc tới Nam.

… Không có sự chăm sóc, khi sự việc đau lòng xảy ra thì phản ứng hết sức cực đoan là đốn hạ hàng loạt cây phượng. Đúng là kiểu quản lý không được thì cấm như xưa nay”.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già chia sẻ với đài RFA rằng, sau khi đi tù về, ông ngỡ ngàng với con đường từng được coi là đẹp nhất Sài Gòn này, giờ trơ trụi như “cô gái đẹp trọc đầu”.

Nay với việc các trường chặt cây phượng vỹ, ông cho rằng xã hội hiện nay nói chung và nền tảng giáo dục nói riêng, cái tính vô trách nhiệm nó quá lớn, vì vậy nó làm mất lương tri của những người đang đứng trên bục giảng và kể cả các cán bộ quản lý trong Bộ GD&ĐT.

“Hành động một số trường chặt cây phượng thì tôi cho rằng đó là hành động vô văn hóa, phản giáo dục. Bởi vì cây phượng là biểu tượng của tuổi hoa niên, nó đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Tất cả những con người hiện nay dù ở bất cứ đâu, nhất là đang là giảng viên, là hiệu trưởng của các trường thì họ đều phải hiểu hình ảnh của cây phượng.

Ngoài ra nó còn có tính phản khoa học, bởi lỗi ở đây không phải tại cây phượng. Nếu nhìn dưới góc độ khoa học giữa cặp phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên, thì cây phượng bị ngã đổ nó phản ánh chuyện tất nhiên trong quá trình quản lý, chăm sóc cây phượng không đúng theo chăm sóc cây xanh. Và ngẫu nhiên cây đã ngã đổ.”

Theo RFA: “Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, giám đốc Trung Tâm Bảo Tồn Thiên Nhiên Gaia rằng, vấn đề là các trường đem cây phượng về trồng khi nó đã lớn, đường kính 20-30 cm, để cây nhanh kết tán và có bóng mát. Chính vì thế, rễ cây thường ít phát triển, không bám sâu vào lòng đất và rất dễ bị mục. Hơn nữa, ở thành phố, mức độ bê tông hóa cao, cây không có không gian để phát triển bộ rễ nên rất dễ đổ”

Anh Nguyễn Văn Dũng bày tỏ sự bất bình khi các trường chặt cây xanh do lo sợ cây gãy đổ. Theo anh thì đó không phải là cách giải quyết mà đó là một hình thức trốn tránh trách nhiệm. Anh phân tích:

“Cái bệnh sợ trách nhiệm nó vô trường học. Thay vì họ tìm giải pháp giải quyết cho tốt thì họ chặt luôn để khỏi chịu trách nhiệm cây gãy đổ. Mọi việc khác họ mặc kệ. Câu chuyện nó là vậy thôi.

Ở đất nước này chẳng ai có trách nhiệm. Ông hiệu trưởng nhận trách nhiệm rồi cũng thôi. Bao nhiêu ông cũng chỉ nói miệng cho xong.

Bất cứ trường học nào trên thế giới cũng có cây xanh. Ở Việt Nam đặc biệt có cây phượng mà bao nhiêu năm nay đâu có chuyện gì, bây giờ đổ ngã rồi đem đi chặt hết. Họ làm những việc không có suy nghĩ. Cây phượng nó là thơ, là nhạc, là tâm hồn học trò bao nhiêu thế hệ mà bây giờ họ bất chấp.

Ngoài việc sợ trách nhiệm thì cái gian dối nó ăn vào máu của rất nhiều người có trách nhiệm.

Đặc biệt tôi thấy từ hôm cây phượng ngã làm chết học sinh cho đến khi các trường đồng loạt đốn các cây phượng khác trong sân trường, thì ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục không hề có tiếng nói nào lên tiếng nhận trách nhiệm trong tư cách một người thầy. Điều này phản ánh thêm cái ‘quản không được thì cấm’. Cái này đã trở thành chủ trương chung của toàn xã hội, trên mọi lãnh vực, ngành nghề. Không riêng gì ngành giáo dục!”

Bài viết Chặt nhầm còn hơn bỏ sót, bao nhiêu cây phượng chết oan trên tờ Báo Mới: “Tại nhiều trường học, cây phượng đang bị ‘thảm sát’ oan uổng vì bị coi là mối đe dọa đối với tính mạng học trò, chẳng lẽ một cây gãy đổ thì cả giống loài bị kết tội?

Tuy nhiên thay vì cắt tỉa, tìm phương pháp ngăn chận những cây nguy hiểm, nhiều trường học lại đốn hạ toàn bộ những cây phượng đang có. Nếu trường nào cũng áp dụng cách này, loài cây được mệnh danh là hoa học trò sẽ hoàn toàn bị trục xuất khỏi môi trường của học trò. Và khái niệm sân trường sẽ không còn gợi nhắc đến một nơi rợp bóng mát của cây xanh mà trở thành khoảng không gian trụi lủi chỉ có sàn bê tông và nắng gắt.

… Lẽ ra người ta phải kiểm tra từng cây một xem tình trạng thân, gốc rễ ra sao, xác định xem nguy cơ gãy đổ thế nào? Nếu có nguy cơ, có thể kiểm soát bằng cách cắt tỉa bớt những cành nặng hay giải pháp khác không? Việc chặt cây chỉ nên coi là giải pháp cuối cùng.

Ngoài ra, để ngăn ngừa lặp lại tai nạn đau thương ở Trường Bạch Đằng, cần truy lỗi ở các bộ phận kiểm soát của con người chứ không phải ở loài phượng vỹ.

… Truy lỗi không phải để ‘bắt đền’ ai, mà nhằm tìm ra những lổ hổng và vá nó lại, để sau đó những cây phượng vẫn có quyền nở hoa đỏ rực báo hiệu mùa thi, và các em học sinh của chúng ta vẫn được an toàn.

Khi chúng ta làm việc gì đó nhân danh sự an toàn của học trò, hãy đứng ở vị thế của các em. Các em không muốn những cây hoa học trò của mình bị thảm sát như vậy đâu”…

Báo chí lề phải trong nước tuy có phản ứng hành động vô lối nầy nhưng ngại đụng chạm đến “chủ trương giới hữu trách”, nay nhờ các trang mạng xã hội mạnh dạn lên tiếng chỉ trích. Lập ra công ty nầy, công ty nọ về môi trường, cây xanh, công viên… không có trách nhiệm bảo tồn mà phá nát!

*

Nói chuyện với thành phần vô trách nhiệm nầy như nói chuyện với đầu gối như đàn gảy tai trâu ở cái xứ vô tâm vô cảm. Mùa Hè đến trong cơn đại dịch từ Tàu Cộng, quên đi nỗi buồn hiện tại, mong tìm lại cung thương ngày cũ qua vài tình khúc với hình ảnh phượng vỹ, hình ảnh tuổi trẻ cùng học chung nhau dưới mái trường

Trong bài viết của tôi “Boléro, dòng nhạc bức tử được hồi sinh” trong hai thập niên ở miền Nam Việt Nam đã đề cập đến những nhạc sĩ sáng tác. Với tình khúc liên quan đến tuổi học trò vì dòng nhạc nầy có tính cách đại chúng, phổ thông dễ phù hợp.

Ca khúc Ngày Tạm Biệt của Lam Phương thường vang vọng mỗi khi Hè đến:

“Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau

Bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao,

Lời vui thắm thiết đưa trao như khi mới gặp nhau…

… Nhớ hàng phượng thắm ven đường

Mỗi lúc chiều buông tan tác rơi cài lên mái tóc xanh.

Với bóng dáng ai chiều ấy

Nâng niu tà áo biết nói gì khi chia ly!”

Thuở đó Tháí Thanh cất tiếng hát quá tuyệt, bìa nhạc phẩm in hình ảnh Thái Thanh, học trò ái mộ, mua làm lưu niệm, lúc chia tay để tặng nhau.

Thanh Sơn (Lê Văn Thiện 1938-2012) từ thập niên 1960 với những ca khúc trữ tình nói về tuổi học trò. Giai điệu nhẹ nhàng, lời ca mang nỗi buồn tiếc nuối của thuở chớm yêu trong hoàn cảnh nghèo khó với mối tình vô vọng dễ đi vào lòng người. Dù vui hay buồn, kỷ niệm của thời mộng mơ vẫn in vào tâm khảm.

Ca khúc đầu tiên của Thanh Sơn là Tình Học Sinh, ra đời năm 1962 chưa tạo được tên tuổi, trong khi đó Lê Dinh đã có hàng chục nhạc phẩm đã gây tiếng vang nên năm 1963, ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn được Lê Dinh góp thêm trong giai điệu. Khi phổ biến trên làn sóng phát thanh Sài Gòn được thính giả ái mộ.

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,

Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương

Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,

Phút gần gủi nhau mất rồi

Tạ từ là hết người ơi!

… Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi

Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,

Buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc

Mối u hoài này ai có hay”.

Theo lời chia sẻ của Thanh Sơn: “Thời niên thiếu, nhà tôi nghèo lại đông con nên tôi phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh. Phải bỏ học, tôi tiếc lắm, cho nên quãng đời rất đẹp của tuổi học trò cứ lưu trong ký ức của tôi với những kỷ niệm xao xuyến. Tôi trang trải những kỷ niệm ấy vào ca khúc…

Năm 1951, học trường trung học Hoàng Diệum Sóc Trăng đã để ý đến cô bạn cùng lớp, nhí nhảnh, dễ thương, có cái tên ngồ ngộ: Nguyễn Thị Hoa Phượng.

Hai đứa học chung được hai niên khóa, tình cảm đang dần trở nên thắm thiết thì bất ngờ mùa hè năm sau Hoa Phượng cho biết gia đình cô đã được điều chuyển về lại Sài Gòn. Trước ngày chia tay, Hoa Phượng có tìm gặp tôi nơi sân trường để nói lời từ biệt. Hai đứa buồn xo, chẳng nói gì nhiều, chỉ lặng nhìn nhau… Khi tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc thì nàng cúi xuống nhặt một cánh phượng trao cho tôi, nói: “Em tên là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau!”

Ca khúc nầy song hành cùng tiếng hát Thanh Tuyền suốt nhiều thập niên từ trong nước và ở hải ngoại.

Nhạc phẩm Mùa Hoa Thương Nhớ của Lê Dinh sáng tác năm năm 1961 được giới trẻ ái mộ:

“Hoa phượng thắm rơi trên trường cũ

Mùa thương nhớ đến rồi em ơi

Thương làm sao nhớ thương hoài

Thương người đi bốn phương trời

Ôi mùa hoa sao buồn thế?

… Em nhặt cánh hoa rơi chiều nay

Về em ép giữa lòng bàn tay

Mong phượng kia chẳng phai màu

Như màu hoa thắm ban đầu

Cho mình thương nhớ dài lâu”.

Với dòng nhạc Boléro, ca khúc Lưu Bút Ngày Xanh của Thanh Sơn diễn tả tâm trạng:

“Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi

Nhắc lại câu chuyện buồn

Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu

Nơi kỷ niệm êm ái

… Nhưng bao nhiêu yêu dấu đã phai mờ

Thời gian nỡ vùi chôn tuổi học trò

Người em gái mến thương nơi chốn nào

Bao giờ mình gặp nhau!”

Khi hoa phượng nở cùng với tiếng ve sầu báo hiệu cho mùa Hè, mùa học trò chia tay, khi thành công trong vài ca khúc về học trò, Thanh Sơn tiếp nối với ca khúc Ve Sầu Mùa Phượng:

hoaphuong“Chia tay, bạn bè còn ai đâu nữa

Nhớ nhau cũng đành biết nói sao vừa

Người ơi! Một lần mình xa cách rồi

… Nhớ nhiều biết gởi tình này về đâu?

Ve sầu khóc mùa hè buồn làm sao!

Mỗi năm, sân trường chấp nhận biệt ly

Những an bài đã dành sẵn rồi

Mùa phượng mang nhớ nhung ngàn nơi”.

Ca khúc Phượng Buồn của Tuấn Hải, nhạc sĩ phục vụ trong đài phát thanh Sài Gòn và chuyên viên âm thanh của đài phát thanh Quân Đội, ca khúc nầy được phổ biến rất nhiều trên làn sóng phát thanh.

“Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng

Một ngày phượng hồng thắm trong đôi mắt buồn xa xăm

Phượng hay bâng khuâng tưởng chừng như cô đơn

Nên khi chiều xuống thấy vấn vương trong tâm hồn

… Trong tiếng hát ve phượng hồng là hoàng hậu đó

Phượng buồn vì tình đã tan theo sóng biển nổi trôi

Ngàn năm trong tôi tình này không phai phôi

Xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn phượng ơi”.

(Sau nầy ca khúc Phượng Hồng của Vũ Hoàng cũng được thịnh hành:

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,

Em chở mùa hè của tôi đi đâu,

Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi mười tám,

Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”).

Lê Mộng Bảo (1923-2007) lúc trẻ được giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa ở Hà Nội mời làm phụ tá điều hành chọn bài hát để xuất bản. Sau 30/4/75 bị đi tù, ra tù với đôi mắt bị thương tật. Trong cảnh khốn cùng phải đi hát dạo, sống lây lất với bạn hữu. Năm 1993 được định cư Mỹ theo diện HO, sống trầm lặng cho đến lúc mất. Ca khúc Mùa Ve Sầu của Lê Mộng Bảo nói về cuộc tình khi rời Huế ra Hà Nội:

“Tôi nhìn người yêu lần cuối trong đời

Đoạn đường chia ly có hoa phượng rơi

Và hoa nắng lung linh vương ngập lối

Tiếng ve khóc than trên đồi

Cho một người khóc một người”.

Hoàng Trọng được gọi là ông hoàng nhạc Tango, trong đó có ca khúc Em Còn Nhớ Không Em:

“Em còn nhớ không em

Mùa xuân nào rực rỡ

Tháng giêng hoa đào nở

Như mộng đẹp đầu tiên

… Khi hè về bâng khuâng

Hoa phượng rơi trong nắng

Em có ép trong thơ

Gửi người anh xa vắng”

Y Vân (1933-1992) nổi tiếng với nhiều tình khúc. Với bút hiệu Y Vân có nghĩa là Yêu Vân, tên tiểu thư Tường Vân – người yêu đầu tiên của ông của tuổi học trò. Ông chọn tên này từ khi chuyện tình giữa ông và cô này tan vỡ.

Ca khúc Từ Biệt Mái Trường Xưa viết về ngôi trường xưa:

“Một ngày tôi còn nhớ

Đầy trường hoa phượng vỹ

Tạm xa bao bạn cũ

Nào ai biết ra đi

Là sẽ không quay về”

Hoàng Thi Thơ (1929-2001) học tiểu học tại Triệu Phong, Quảng Trị, bậc trung học tại Huế rồi Hà Tĩnh. Sau khi trở lại Huế học xong trung học năm 1950, ông giã biệt trường xưa. Ca khúc Biết Đâu Tìm của ông không biết hình ảnh mái trường nào nhưng mang nỗi niềm tiếc nuối:

“Năm năm mỗi lần nghe hè đến

Lòng đắm đuối những giờ phút hè xưa

Hồn lâng lâng như buồn nhớ bâng khuâng

Và thương tiếc vô cùng …

… Nên năm năm nhìn hoa phượng thắm

Nhìn mái ngói nét trường cũ đìu hiu

Nhìn ánh nắng trên giòng nước cô liêu

Lòng chợt thấy tiêu điều…”

Ai đã từng sống ở Nha Trang, mỗi sáng thường nghe đài phát thanh Nha Trang dùng ca khúc Nha Trang của Minh Kỳ (1930–1975) làm nhạc hiệu mở đầu.

“Nha Trang là miền quê hương cát trắng. Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa… Ai ơi, người về cho ta nhắn với. Nha Trang quê hương dịu hiền, ngàn đời lòng tôi mến yêu…”

Cuối tháng 8, 1975 khoảng 09 giờ tối, cả trại tù đang chìm trong bóng đêm, bỗng tiếng nổ long trời kèm theo những tiếng la thất thanh. Khi ấy tổ của Minh Kỳ đang họp để phân công nấu bếp vào ngày mai, bỗng một quả lựu đạn quăng vào vách tôn ngay phía sau làm 3 người chết tại chỗ và khoảng 8 người bị thương. Nhạc sĩ Minh Kỳ bị thương rất nặng, được anh em tù khiêng lên bệnh xá cùng với những anh em bị thương khác. Ông bị thương khá nặng nên qua đời.

Nhắc đến ca khúc Hai Mùa Phượng của Minh Kỳ & Mạc Phong Linh để thương tiếc người bạn tù mới đó mà không bao giờ gặp nhau.

“Mùa hè lại đến xác hoa phượng ôm gót giày

Hè yêu ơi!… tìm dĩ vãng qua đây

Cho hồn ta gọi tên nét đan thanh

Những đam mê kỷ niệm của ngày xanh

… Một mình một bóng đứng âm thầm tôi cúi đầu

Phượng rơi rơi… và cánh lá lao xao

Âm thầm và vọng xa tiếng cuốc kêu

Biết khi nao chúng mình lại gặp nhau!”.

Anh Bằng (1926- 2015) khoác áo chiến y và phục vụ trong đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ tài hoa, ca khúc Huynh Đệ Chi Binh của ông khá quen thuộc với người lính VNCH. May mắn cho ông được rời khỏi nước năm 1975. Nhạc phẩm Mùa Phượng của ông tuy gọi là bạn nhưng cũng hiểu là “bạn tình” của tuổi học trò:

“Bạn ơi! Tôi viết thư khi mùa xuân bỏ đi

Và khi tiếng ve trên cành lá gọi hè một rừng não nề

Ngày quen biết là mùa phượng vui cho đôi ta.

Ngày xa cách là mùa phượng đau trong tim ta.

Rồi cho đến bây giờ, ai thương ai mong chờ

Phượng có như ngày xưa?

… Ngày xưa mỗi mùa phượng nở tươi trên sân ga

Đẹp thay những lần tình rủ nhau đi thăm hoa

Kỷ niệm ấy trong đời, hôm nay qua đi rồi,

Buồn lắm hoa phượng ơi!”

Nhân dịp đầu xuân năm 2018 tôi viết bài Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai, có lẽ đây là bài cuối cùng, báo ra ngày 15/2, ngày 26/6 nhạc sĩ qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.

Những tình khúc bất hủ của ông, vượt thời gian và không gian. Ca khúc Sắc Hoa Màu Nhớ có hình ảnh hoa phượng nhưng không báo hiệu cho mùa Hè mà lúc Thu sang:

“Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới.

Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi!

Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi.

Xác tươi màu pháo vui

tiễn em chiều năm ấy.

… Đời tôi quân nhân, chút tình riêng gửi núi sông.

Yêu màu gợi niềm thủy chung.

Nhưng rồi vẫn nhớ một trời, vẫn nhớ đời đời.

Phượng rơi rơi trong lòng tôi”.

Tôi đã viết rất nhiều bài về âm nhạc vì cũng là thú tiêu khiển thú vị qua cuộc đời, tình yêu… với cung bậc và lời ca. Còn nhiều ca khúc nữa đề cập đến mái trường và mùa phượng vỹ của tuổi học trò, biết yêu, được yêu hay đau khổ bởi hình bóng nơi mái trường xưa. Rất tiếc không tìm được ca khúc nào của bóng hồng mà một thuở ướp hoa trong Lưu Bút.

Nay vĩnh biệt phượng đỏ sân trường, quá tiếc! Hãy thả tâm hồn vào từng ca khúc để mường tượng lại hình bóng cũ. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” nếu có nhớ thì cũng lặng lẽ nơi nầy!

Little Saigon, Thứ Sáu 6/6/2020

Vương Trùng Dương
Nguồn : http://t-van.net/?p=43202

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn