BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện ‘ma’ ở Little Saigon: ‘Người lạ’ trong tấm hình ở nghĩa trang

31 Tháng Mười 20196:31 SA(Xem: 2125)
Chuyện ‘ma’ ở Little Saigon: ‘Người lạ’ trong tấm hình ở nghĩa trang
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

WESTMINSTER, California (NV) – Bây giờ là cuối Tháng Mười, tháng của lễ Halloween. Để “giải mã” thật sự có ma hay không, chúng tôi xin vào nghĩa trang Westminster Memorial Park vào lúc nửa đêm để kể lại cho mọi người nghe những gì chúng tôi chứng kiến, cảm nhận để… cùng sợ cho vui.

Nhưng, “đời không như mơ, tình không như thơ,” bởi mọi chuyện đều khác hẳn. Tháng Chín năm ngoái sau khi chúng tôi viết loạt phóng sự về “căn nhà ma” ở góc đường Euclid/Hazard – một căn nhà mà bất cứ ai ở Little Saigon cũng đều nghe kể những câu chuyện làm nổi da gà, rởn tóc gáy giữa ban ngày – khá suôn sẻ thì năm nay mọi chuyện trầy trật, khó khăn, không đâu ra đâu hết.

Từ viết đơn xin phép, đến yêu cầu phải trình bảo hiểm làm việc giá $1 triệu 

Sau khi dự tính sẽ thử vào nghĩa địa một đêm xem chuyện gì xảy ra, chúng tôi quyết định chọn ngày Thứ Sáu sẽ thực hiện “phi vụ.” Để chắc ăn, Ngọc Lan kêu tôi “nên gọi cho nhà quàn báo trước với họ một tiếng là tụi mình sẽ làm như vậy.”

Tôi nhận trách nhiệm này và nghĩ chẳng có gì khó khăn.

Tuy nhiên, ngày Thứ Hai, sau khi tiếp xúc với anh Sean “Vinh” Hadad, quản lý nhà quàn Peek Family, để trình bày ý định, anh Vinh cho biết nhà quàn và nghĩa trang là hai bộ phận tách biệt nên anh không có thẩm quyền quyết định chuyện cho chúng tôi đi lang thang một đêm trong nghĩa trang.

“Anh phải viết một tờ đơn nói rõ ý định anh muốn làm gì, rồi tôi sẽ gởi cho ban quản lý nghĩa trang giúp cho,” anh Vinh nói.

Thế nhưng, chuyện không đơn giản như vậy.

Sau khi làm đơn xong, bên nghĩa trang yêu cầu phải có bảo hiểm “workers comp insurance” $1 triệu cho mỗi phóng viên.

Tôi lại quay về tòa soạn xin bảo hiểm. Cô trưởng phòng kế toán đem ngay cho mấy tờ giấy một lượt để chứng minh cho thấy rằng công ty Người Việt có mua bảo hiểm lao động cho nhân viên đàng hoàng. Tôi tức tốc chụp hình và gởi cho anh Vinh qua email.

“Không phải những giấy này. Họ cần ‘certificate of insurance’ xác nhận là mỗi người được bảo hiểm $1 triệu chứ không phải cái này. Cái này chỉ là cái ‘bill’ trả tiền bảo hiểm mà thôi,” anh Vinh trả lời trong email.

Sau đó công ty đưa cho chúng tôi “certificate of insurance,” tôi gửi cho anh Vinh. Anh ấy cho biết phải chờ để anh chuyển về cho văn phòng chính.

Mấy hôm sau, tôi nhận được trả lời từ công ty quản lý nghĩa trang là họ không cho bất cứ ai vào đấy lúc nửa đêm. Lý do: “Nghĩa trang là chốn trang nghiêm, công ty không muốn ai làm điều có thể bị nghĩ là bất kính đối với người quá cố.”

Tôi giải thích: “Chúng tôi chỉ muốn quay video lúc nửa đêm cho có không khí Halloween thôi chứ không muốn làm gì bất kính cả. Tôi có người thân chôn ở đây, bạn bè tôi cũng nằm ở đây và rất có thể chính tôi cũng sẽ được chôn ở đây.”

Dù vậy, họ vẫn không chấp nhận vì đó là chính sách của công ty.

Anh Vinh nói chỉ có thể giúp chúng tôi bằng cách đề nghị cho phép chúng tôi quay video ban ngày.

Nhưng ban ngày thì quay cái gì?

Dù vậy, hôm Thứ Hai, 21 Tháng Mười, Ngọc Lan và tôi vào nghĩa trang xem xét đường đi, nước bước.

Trong lúc tôi đang len lén căng thẳng trong bụng, Ngọc Lan nhắc lại chuyện cái xe của tôi bị giấu hồi năm ngoái khi làm bài “căn nhà ma” ở góc đường Euclid/Hazard làm tôi đâm ra lo lo. Nếu có gì tương tự xảy ra lần nữa thì tôi sẽ sợ lắm.

Đi loanh quanh khá lâu mới tìm được địa điểm thích hợp. Ngừng xe trước mộ ông Đỗ Ngọc Yến, sáng lập viên nhật báo Người Việt, tôi thắp nhang, còn Ngọc Lan lo chụp hình, quay phim.

Và… chuyện gì xảy ra kế tiếp, tôi xin để Ngọc Lan tường thuật.

Vào nghĩa trang quan sát tình hình 

Đằng Giao hẹn 6 giờ chiều Thứ Hai có mặt tại nhà quàn trong Peek Family, còn chuẩn bị rất kỹ, một bó nhang!

Bó nhang đồng nghiệp tôi mang về có đến… 1 ngàn cây! “Ông thắp cho hết nghĩa địa hả?” Tôi hỏi mà không khỏi bật cười.

Ổng ậm ờ trong dáng vẻ chộn rộn bất an.

Chạy một vòng loanh quanh trong Peek Family khi trời mỗi lúc một sậm màu. Thoảng vẫn thấy có người đang đứng cạnh mộ người thân tiếc thương. Tôi nghĩ vậy. Bởi có lẽ không ai lại vô nghĩa địa giờ này, trừ những kẻ đang mang “điệp vụ” như chúng tôi.

Chiều về trong nghĩa trang Peek Family ở Little Saigon. (Hình Ngọc Lan-Người Việt)
Chiều về trong nghĩa trang Peek Family ở Little Saigon. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Trong bóng chiều đổ nặng, chúng tôi cũng nhắm ra được chỗ mình muốn tới.

“Dễ nhất là bắt đầu từ mộ chú Đỗ Ngọc Yến đi, mấy năm trước viết bài tảo mộ, tôi cũng đi từ đây, rồi lòng vòng sẽ thấy một số mộ quen,” tôi gợi ý.

Lẳng lặng, Đằng Giao cầm bó nhang rồi rút ra, bật hộp quẹt đốt, tôi đứng nhìn xung quanh. Lúc này trời chưa tối hẳn, hướng ra phía đường Bolsa dòng xe vẫn ngược xuôi hối hả. Nhưng bên trong này, quanh quanh chỗ chúng tôi thì im ắng.

Tôi lấy điện thoại chụp hình Đằng Giao thắp nhang để dành khi cần viết bài thì có hình ảnh mà dùng. Thắp nhang cho chú Đỗ Ngọc Yến xong thì Đằng Giao tiếp tục thắp cho ngôi mộ kế bên.

Tôi chỉ, “Cách mộ chú Yến một cái là mộ của vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đó.” Tôi biết cũng là do tình cờ đã đến lần trước mà thôi.

Đằng Giao cứ cầm mớ nhang đã đốt vừa đi vừa cắm xuống ngôi mộ nào mà ổng thấy. Mà lão đồng nghiệp tôi thành tâm lắm, trước khi cắm ổng đều chắp tay khấn vái gì đó. Nhiều lần tôi có hỏi, “Ông lầm bầm nói gì với người chết vậy, chỉ tôi để mai mốt tôi bắt chước với” nhưng ổng chỉ liếc tôi chứ không trả lời. Tôi độ chừng ổng nói “Con là người hiền lành, luôn tin có người khuất mặt khuất mày, nên nếu ai có muốn nhát thì nhát con mụ đang đứng cạnh con, đừng nhát con tội nghiệp.”

Cắm hết mớ nhang đã đốt, Đằng Giao lại lấy điện thoại ra chụp hình góc này góc kia. Tôi cũng chụp thêm vài tấm rồi vừa bước tới bước lui theo lão đồng nghiệp, vừa tiếp tục đưa mắt nhìn xung quanh, nghĩ ngợi, mà chả biết nghĩ gì. Cũng không cảm thấy gì.

Trời mỗi lúc tối hơn. Đằng Giao đi tới đi lui, chỉ góc này, chỗ kia có thể ngồi để quay khi kể chuyện ma, trong khi tôi cố nhìn xem trong chập choạng ánh sáng này có gì “đặc biệt” hiện ra bên trong nghĩa trang không.

Nghĩ vậy, cố tìm kiếm vậy, mà sao lòng tôi luôn thấy bình an, không cảm giác sợ hãi, giống như khi tôi đi vào ngôi nhà có lắm lời đồn trên đường Euclid vậy. Cảm giác này khác hẳn lần tôi vào “ngôi nhà ma” ở Đà Lạt, dù trời còn sáng, có đông người đi cùng, mà sao tôi cứ thấy rợn rợn mơ hồ.

“Thôi, gần 7 giờ rồi, đi về ông ơi, không thôi bị đuổi,” tôi nói rồi cùng Đằng Giao quay trở lại xe. Quả thật vừa leo lên xe thì chiếc “security” cũng từ từ chạy ngang qua.

Lại loay hoay tìm đường chạy ra khi mà trong nghĩa trang đã tối sẫm một màu.

“Người lạ” trong bức hình 

Ngày hôm sau trở lại tòa soạn, sau buổi họp đầu ngày, Đằng Giao hỏi, “Tối nay mình trở lại Peek Family để quay phim phải không?”

“Ồ, để tôi coi lại hình ảnh hôm qua chụp coi có gì không đã, rồi tính tiếp,” tôi nói.

Trong khi đứng tán gẫu với các đồng nghiệp xung quanh, tôi mở điện thoại xem hình.

Tấm thứ nhất, Đằng Giao đang đứng cầm bó nhang còn cháy ngọn lửa.

Tấm thứ hai, Đằng Giao đang thành kính chắp tay trước mộ chú Yến.

Ủa, mà cái gì vậy trời?

dongocyen
Có ai trong bức hình này? (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Trong làn khói tỏa lên từ bó nhang Đằng Giao cầm là hình ảnh một người cũng đang cầm nhang đối diện với Đằng Giao. Rõ mồn một. Tôi hơi giật mình.

Tôi đưa bức hình cho Đằng Giao xem, và hỏi, “Ông nhìn hình này thấy gì không?” Ông đồng nghiệp ngồi kế tôi ngó bức hình một chút, im lặng, nhìn tôi, lắc đầu.

Tôi hỏi thêm, “Có thấy ai trong đó không?” Lần này thì Đằng Giao mới thốt lên, “Ghê quá Ngọc Lan!”

“Sao tôi nhìn vô thấy liền mà ông không thấy liền vậy?” Tôi thắc mắc. Vẻ mặt Đằng Giao bắt đầu hoang mang sao khi đã “thấy” hình ảnh mà tôi bắt gặp ngay tức khắc.

Để chắc chắn là mình không phải tưởng tượng, tôi gọi Quốc Dũng, “Qua đây chị cho coi cái này.”

Tôi đưa cái điện thoại có tấm hình, hỏi, “Nhìn hình này em thấy gì không?” Vừa ngó vào tấm hình, chưa đầy 2 giây, Quốc Dũng nói ngay, “Thấy. Một người đang cầm nhang ngó anh Đằng Giao kìa.” – “Đâu?” tôi hỏi lại. Quốc Dũng đưa tay chỉ ngay vào tấm hình, đúng ngay “người” tôi nhìn thấy.

Tôi ngó Đằng Giao. Mặt ổng tỏ vẻ bất an.

Lạ hén. Vừa lúc anh Đỗ Dzũng từ ngoài đi vào, tôi kêu lại, “Anh Dzũng, nhìn nè, thấy gì không?” Tôi chìa cái điện thoại ra. Trong tích tắc, Đỗ Dzũng trả lời, “Có người phụ nữ đang cầm nhang đối diện Đằng Giao.”

“Thiệt hả?” Tôi hỏi lại. “Nè, rõ mồn một mà.” Đỗ Dzũng nói và đưa tay chỉ thẳng vào tấm hình.

Tôi lại đưa mắt nhìn Đằng Giao.

Ngó qua ngó lại, thấy chú Linh Nguyễn, tôi nói, “Chú Linh, coi nè.” Tôi lặp lại câu hỏi. Chú Linh nhìn tới nhìn lui tấm hình rồi nói, “Thấy Đằng Giao tóc bạc trắng nè.” – “Thấy gì nữa không?” – “Không, có hình ông Yến, vậy thôi.” Chú Linh trả lời tỉnh bơ, rồi hỏi lại, “Mà ý Ngọc Lan muốn chú Linh thấy gì?” – “Dạ, không, con chỉ hỏi chú thấy gì khác không thôi.”

Lát sau, cũng tấm hình đó, tôi hỏi Nhất Anh. Ngó tới ngó lui một hồi, Nhất Anh nói, “Em chỉ thấy chú Giao thôi.” Tôi gợi ý, “Có thấy gì trong làn khói không?” Quan sát một hồi, Nhất Anh trả lời, “Không chị ơi, em thấy bình thường.”

Vừa lúc đó, anh Nhân Phạm đi vào. Tôi chìa bức hình. “Ý, có người trong đám khói kìa,” anh Nhân kêu lên.

Cứ vậy, có người vừa nhìn vào thì kêu lên ngay “có người cầm nhang đứng nhìn,” có người thì thấy bình thường, không khác lạ. Thì coi như tùy duyên.

dongocyen2
Một người đang núp trong bức tường nhìn tôi? (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)



Sau khi để mọi người bàn tán về tấm hình, tôi xem tiếp. Và, tấm hình thứ ba, ngay kế tấm hình vừa nêu trên, khiến tôi thấy “ghê ghê” hơn bởi tôi nhìn thấy một người núp sau bức tường đang nhìn tôi. Tấm này, thì ngoài tôi, chỉ có thêm một người bạn trên Facebook nhìn thấy. Ngoài ra, còn có một tấm hình bị “chập sáng,” đây cũng là điều ai chụp hình chắc cũng từng bị, nhưng với tôi thì là lần đầu tiên gặp phải khi chụp bằng điện thoại, mà sau tấm hình đó thì điện thoại cũng báo lỗi buộc phải “restart” lại.

Tấm hình bị 'chập sáng' để rồi điện thoại báo lỗi yêu cầu phải 'restart' máy. (Hình Ngọc Lan-Người Việt)
Tấm hình bị “chập sáng” để rồi điện thoại báo lỗi yêu cầu phải “restart” máy. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chuyện tôi phải kể là vậy. Ai nhìn thấy sao thì tùy duyên.

Riêng tôi, từ “nhà ma Euclid” cho đến nghĩa trang Westminster Memorial, tôi thật sự vẫn chưa có cảm giác thấy sợ hãi hay cảm thấy có một thế giới khác thường nào hết, dù vài tấm hình tôi chụp trong nghĩa trang có làm tôi hơi giật mình. Còn đồng nghiệp Đằng Giao của tôi thấy sao, thì phải hỏi ổng thôi.

Đằng-Giao & Ngọc Lan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn