BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73339)
(Xem: 62241)
(Xem: 39426)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bóng Mây Kỷ Niệm

11 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1375)
Bóng Mây Kỷ Niệm
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tôi có người bác họ, dân làng thương gọi bác là ông đồ Nhị bởi vì bác đã từng dạy cả chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ ở nhà quê. Tên thật của bác, đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu rõ, chỉ biết bác tôi ngày xưa đã mấy lần tấp tểnh lều chõng đi thi và đậu được “bằng” nhị trường.

Cái đám học trò của bác tôi sau này chẳng ai làm nên công trạng gì để giúp đỡ thầy trong cảnh lầm than cơ cực. Họ cũng sống vất vưởng sau lũy tre còm, nên dòng sông hẹp mà tự thưở khai thiên lập địa đến giờ chưa có lúc nào đầy tràn nước của cái làng Tường-an nghèo xơ nghèo xác này. Nhưng nếu ai chịu tìm hiểu rằng vốn chữ quốc ngữ của bác tôi ít ỏi quá, ngọn bút sắt viết trên giấy tây cứ mãi mãi vướng mắc. Thêm vào đó, một tâm hồn luôn luôn bị ám ảnh bởi những dòng tâm huyết của Trần Tế Xương của Học Lạc nên bọn môn đồ khi xếp bút nghiên chỉ biết bỏ làng ra đi hay cặm cụi xới từng miếng đất quê hương mà gieo hy vọng no lành thì cũng đừng lấy làm lạ.

Bác tôi núp dưới mái từ đường họ Vũ. Nó điêu tàn không khác chi đời bác. Có nhiều hôm gió lạnh ồ ạt kéo nhau về thổi vù vù vào ba gian nhà trống không phên liếp, bác tôi vẫn thản nhiên khoác mảnh chăn đơn ngồi rung đùi ngâm thơ hoài cổ, coi bão táp ngoài trời không hơn hớp rượu nhạt chiều đông. Con người kỳ dị ấy chưa được hân hạnh thoáng nghe đôi lời than thở hay tìm được dòng nước mắt oán hờn, tuy cuộc đời bác đan dệt toàn bằng buồn tủi, đau thương. Ngày tháng trắng xóa tiếp nhau trôi qua. Mưa nắng chưa ngừng trút xuống mái tranh tàn tạ nên bác tôi vẫn phải lấy bìa bồi cậy vá víu những chỗ dột nát như bám lấy đám học trò đần độn mà sống qua thời. Sự gian nan điêu đứng ấy không làm bác tôi oán hận. Bác vẫn giữ phong độ của ông đồ nho giảng đạo thánh hiền. Thầy khóa tư lương mãi mãi cứ dạy lương tư thôi.

Dần dần, chữ nho ít người học, chữ quốc ngữ phổ biến nhiều hơn. Đáng lẽ, bác Nhị phải đập tan nghiên mực, vứt phăng ngọn bút lông giải nghệ rồi cơ đấy. Nhưng vì còn vướng lụy áo cơm, bác tôi phân vân chưa nỡ dứt. Đêm đêm, bác thắp đèn lần mò sang nhờ cha tôi dạy thêm ít tính toán cho “vốn liếng” vững mà tiếp tục hành nghề. Nghĩ tội nghiệp người bác, trải cuộc đời để hai thời đại giẫm lên điêu đứng.

Bác tôi không lấy vợ. Thuở chưa ngồi dạy ở làng, bác đã từng phiêu bạt nhiều nơi và nổi tiếng là một tay danh cầm miền Thái. Lòng bác giống như con tàu thiên lý, chở đầy những mộng những mơ, qua hết ga này bến khác song ít khi bác ở đâu lâu. Khi thấy tình đời chớm lạnh, tình người đơn côi, bác tôi lại rũ áo bỏ đi tìm tri kỷ một phương trời khác. Chao ôi, bác tôi đã dại dột đem hết cả gia sản tinh thần, đem hết cả hào hoa phong nhã của tuổi trẻ, cố mua chút tình cảm của thế nhân. Nhưng con người nghệ sĩ ấy chỉ gặp toàn thất vọng. Cỏ hoa ngoài viễn xứ biết có hiền hay hèn mà nỡ để chí lớn thiên hạ úa dần theo năm tháng? Dĩ nhiên, tiếng đàn sẽ ngọt hơn, tâm hồn sẽ trang trải hơn trong đoạn đời đau thương của bác đồ Nhị thân yêu.

Tôi không đếm được những cuộc tình duyên chắp nối bằng nhạc, bằng thơ nơi xa xôi của bác tôi nhưng tin rằng, với tâm hồn dễ rung cảm, khối óc ưa viễn vọng, yêu tự do, yêu cái thầm kín xâu xa nhất của cuộc đời thì dễ gì quên được ánh mắt giai nhân e ấp chiếu vào tim thơ những chiều viễn phương có gió may lạnh lẽo. Tôi tin để mà tin thôi chứ dễ chi dò hỏi một mẫu người trầm lặng như bác Nhị. Con tàu chạy dọc suốt lòng đời và không hề nghĩ tới ngày mai rạn vỡ. Con tàu thiên lý ấy, sau khi đã lướt đi muôn dặm, đã thua nhẵn mộng mơ ở dòng đời, đã gửi tặng ga bến chút sản nghiệp nhỏ mọn gây dựng nên do mồ hôi nước mắt tổ tiên để lại, im lìm về yên ngủ vĩnh viễn sau lũy tre làng, dưới mái từ đường xiêu vẹo của họ Vũ. Thân hình tàu ngày ngày hoen gỉ, chất sắt tiết ra nước vàng tái tê, đau đớn. Ga bến biết còn nhớ người xưa chăng, chứ người xưa thì đã in rõ ràng trong tâm khảm từng vạt nắng cô liêu của mỗi hoàng hôn buồn chết.

Thế là hết, đời bác tôi sẽ chẳng bao giờ thấy ánh vinh quang. Bác không oán hận, cũng không vội vàng như xưa nữa. Ngày lại ngày, bác lặng lẽ dở từng trang kinh nghiệm mua bằng muôn vạn sợi tơ lòng giảng dạy học trò để quên thưở đắm chìm trong mưa gió. Đôi khi, men rượu thấm vào trí khôn, bác tôi hay nói to. Giọng nói có lúc trở nên chua chát, có lúc khinh bạc. Rồi vài kỷ niệm cần giấu kín như chuyện từ chối đánh đàn cho viên quan huyện nọ thưởng thức đến nỗi bị bắt giam ít ngày, cũng được bác phun ra qua hơi rượu.

- Hà, hà… Đem tài hoa trong thiên hạ góp lại xem đã vừa nồi cơm chưa cho ta chẻ đàn nhóm lửa rồi giải nghệ. Chứ, chứ phải rung tơ lòng do lệnh một đứa thất phu thì e phụ mất cả lòng tin yêu trong trời đất.

Bác tôi chỉ nói đến thế thôi, nửa như hận, nửa như muốn giấu tâm sự đau khổ của mình nên bác dịu giọng ngay. Và mong xí xóa với người nào thoáng nghe thấy, bác tôi lớn tiếng ngâm thơ sầu rồi ví cuộc đời như đám mây trôi. Lòng bác còn bao la lắm. Nếu cũng hẹp hòi tựa lũ thế nhân mắt trắng thì mua sao nổi chút ít tài hoa, thì việc gì phải nhỏ lệ trên cung đàn năm tháng! Bác tôi vẫn thương mình thương đời đã trao tặng bác trên nẻo đường vô định. Trời ơi! Tôi muốn ôm lấy bác đồ Nhị mà ấp ủ, mà van xin bác dạy cho cái nghề… lãng tử. Tiếc quá, bác tôi vắng mặt hôm nay, nên tôi chỉ biết vơ vẩn nhìn mây trôi về xứ Bắc mà thương nhớ…

Hồi tôi còn nhỏ, bác đồ Nhị yêu tôi lắm. Bác hay sang nhà tôi uống rượu với cha tôi. Mỗi lần chén chú chén bác là mỗi lần tôi phải trèo lên cây khế hái dăm ba quả đem xuống rửa sạch, thái mỏng hình ông sao để hai người nhắm cùng thịt luộc chấm mắm tép. Chuyện sông hồ lưu lạc nhiều phen của cha tôi, của bác tôi được đem ra kể, lúc vui tươi phấn khởi, lúc trầm buồn tê tái. Tôi thường đứng nghe cả buổi không biết mỏi chân vì chuyện làm tôi say mê quá. Tôi biết yêu những cánh én bay từ rừng đồi xa xăm về góp hội mùa xuân từ dạo ấy. Và cũng từ dạo ấy, mẹ tôi bắt đầu phả vào mắt tôi ít nhiều khói hương thơ mộng.

Sau mỗi cuộc rượu tàn, bác Nhị không quên rủ cha tôi sang nhà bác hòa đàn. Tôi lẽo đẽo theo sau, xách giùm cha cái nhị. Dưới bóng của giàn hoa lý gần cầu ao, cha tôi trịnh trọng so dây nắn phím. Tiếng đàn nguyệt tung lên, tiếng đàn nghệ sĩ tặng nghệ sĩ thì còn chê vào đâu được nữa. Sao tôi vẫn không thấy cảm? Tại tôi nghe nhạc mà mắt tôi cứ mãi nhìn lũ chim chào mào liu riu mổ sung chín. Và lẫn vào âm hưởng của cây đàn nguyệt, tiếng sung rụng lõm bõm dưới nước, tiếng ve sầu rên rỉ giữa trưa hè. Cùng một lúc, tôi nghe cả ba thứ âm nhạc. Bản đàn nguyệt dứt, cha tôi kéo nhị trong khi tôi vẫn mơ màng ngắm chim chào mào mổ sung. Đến khi chim bay đi, tôi mới kịp để ý đến cha tôi. Người có vẻ khác lúc thường, nét mặt biến đổi từng giây phút. Tiếng nhị êm êm, dịu hiền như mầu hoa lý đôi khi réo rắt, réo rắt mà không dâm dật, réo rắt chỉ làm lòng ta phấn khởi say sưa. Thỉnh thoảng, âm thanh trầm lắng, đẹp như câu ca dao thoát ra từ đôi môi thôn nữ xuân thì. Sao tai tôi vẫn còn nghe rõ tiếng cu gáy đằng xa? Tôi muốn hỏi bác đồ Nhị nhưng bác tôi đang lim dim đôi mắt ra chiều say mê tận hưởng tài nghệ của cha tôi, một nghệ sĩ bình dân đã từng làm rung động bao nhiêu người ở bao nhiêu chân trời có trăng có lúa.

Bản nhạc dứt, âm thanh loãng dần. Cha tôi lấy khăn lau mồ hôi đổ tầm tã trên mặt, trên mình mẩy rồi hỏi bác đồ Nhị:

- Thưa bác, bác nghe tiếng đàn em dạo này thế nào?

- Kém ngọt hơn mấy năm về trước. Chú ít luyện tập.

- Vâng, quả có thế, lâu nay em bỏ đàn địch. Bác tính từ ngày tạm nghỉ dời giang hồ đến giờ có khi nào tâm hồn em thanh thản đâu.

- Phải rồi, tâm hồn mà vướng mắc, tiếng nhạc nghe nặng nhọc lắm, khó thóat lên được. Chú thử nghe tôi dạo khúc đàn bầu xem sao.

Nói dứt câu, bác đồ Nhị cởi phăng áo để mình trần, với cây đàn bầu. Cây đàn của bác cổ kính quá chừng. Tôi nhớ rõ ràng, nó bẩn lắm. Màng nhện chăng đầy ở dưới đáy, bụi phủ kín mặt đàn. Miếng tre để nẩy đã sạm mầu đen, đồ lên giây mọt ăn quá nửa. Bác tôi nhè nhẹ vặn dây. Bác lấy miếng giẻ vuốt sợi dây sắt rồi bắt đầu khởi nhạc.

Tiếng đàn bầu dịu ngân khoan thai thánh thót. Trời bỗng như nhiều gió hơn và không gian chừng dễ thở quá. Đàn bầu, ồ, chỉ có một sợi dây thôi nhưng tình cảm phức tạp nhất của con người gửi gấm cả vào đấy. Tay phải làm cho phát ra âm thanh, tay trái lựa sao cho nét nhạc hoa mỹ, tuyệt vời. Ngồi khom khom lưng, một chân đè lên thành đàn, người bác nghệ sĩ của tôi thay lời nói lên tình trời đất.

Tâm tư bác vướng trên dây, hình ảnh tối tăm hiện tại biến đi, chỉ còn thế giới âm thanh lắng vào mênh mông vô tận. Tiếng đàn khi nũng nịu như cô gái mới lấy chồng, tha thiết như tình mẫu tử, rạo rực như lòng thiếu nữ dậy thì và băn khoăn như giấc mộng nửa đêm. Mặc cho mấy chú muỗi ngày bám vào lưng, bác đồ Nhị đăm đăm gửi hồn theo âm nhạc. Tiếng đàn cơ hồ gió ngàn, lúc dần lên ta tưởng có trận phong ba chớm dậy trong lòng xui ta giận dỗi, oán hờn. Lúc dịu đi, ta trạnh nghĩ tới một hoàng hôn nắng vàng thoi thóp. Âm hưởng bay vút lên khơi như nước thủy triều dâng bao la bát ngát. Ta tưởng chừng tình đời đơm nở ngát thơm mùi lúa chín được mùa, đẹp hơn cả môi hồng trinh nữ. Tiếng đàn lắng xuống trần trầm, im lặng cô quạnh như cõi lòng khao khát yêu đương, buồn như khách giang hồ lỡ chuyến đò ngang, hoang mang như mối tình đầu thất vọng và ta cảm động không ngăn kịp lệ rơi…

Sao giọng con ve sầu, lời con cu gáy vắng bặt? Âm nhạc quê hương nhiệm mầu đuổi chúng bay xa rồi chăng? Hay chúng vội vàng nín thinh để hớp lấy những phút giây thiêng liêng vạn kỷ? Trong tôi, lúc ấy, mới hoàn toàn thấu đượm âm thanh, tuy trước khi bác Nhị rung tơ lòng, con bé hàng xóm ru em to quá, tiếng võng kẽo kẹt càng to hơn. Tiếng đàn của tay lão tài tử quả đã cảm hóa được tôi bấy giờ và cả bây giờ nữa.

Cung đàn ngừng lại. Tôi thấy còn dang dở, còn thiếu một cái gì khó nói. Bác tôi cũng nghĩ vậy, bác ngồi mơ màng hối tiếc.

Thế nào bóng kỷ niệm chả rủ nhau về gõ cửa tim bác khi tiếng đàn xa khơi. Lúc lâu, bác rời đàn, buông tiếng hỏi:

- Chú nghe thế nào?

- Dạ, tiếng đàn bác tuyệt diệu, có một không hai trong thiên hạ.

Bác tôi gật đầu sung sướng:

- Đánh đàn cần phải tự do, chú ạ! Hồn tài tử như mây trôi, như nước mưa giữa trời. Ta diễn tả tình cảm theo nhịp thở của trái tim ta, không có sức mạnh nào lái lòng ta được. Này chú…

- Dạ.

- Ta đàn tặng tri kỷ tiếng mới ngọt thế đấy. Chứ, cũng tại vì miếng đỉnh chung của thời đại nhố nhăng này mà mặc quần áo đẹp, ngồi trên ghế khảm xà cừ rung tơ lòng cho bọn vương giả nghe thì tơ lòng đến đứt quãng tứ tung mất thôi.

- Thưa bác, đàn bầu vốn dĩ…

- Là loại khó. Ừ đàn bầu khó chơi nhất, nó cũng như nhị ấy, chẳng có phím để mà phân biệt. Lại nữa, mình hiếm sách dạy nên rồi nó sẽ mai một, như cánh áo the lương, như cái khắn xếp, như đôi giày Gia-định hay như… cái khố ấy. Tội nghiệp người bình dân, người quê hương sẽ mất mát kho tàng giá trị. Chơi đàn được như chú cũng là khá lắm rồi. Thế chú đã có thể luận được tiếng đàn chưa?

- Thưa em mới hiểu sơ sơ. Xin bác dạy thêm.

- Diễn tả bản nhạc là một nghệ thuật siêu đẳng. người tài tử lúc ngồi nắn phím so dây thì hoàn toàn sống với tâm tư. Ảnh hình ngoại giới lúc ấy mờ đi chỉ thấy hiện trước mắt mình chân trời bao la nghệ thuật gói ghém tình thương yêu, lòng bác ái. Người tài tử càng rung cảm bao nhiêu thì chân trời siêu đẳng càng rộng mở bấy nhiêu. Cho nên có thể nghe tiếng đàn mà đoán tâm tính người chơi. Như đứa vũ phu thì tiếng đàn yếu ớt, loãng dần. Người mẫu mực thì tiếng đàn thong thả đều đều. Người hào hoa thì tiếng đàn phóng túng, buông trôi. Người có tâm hồn tranh đấu thì tiếng đàn luôn luôn thôi thúc, vội vã. Người mang tâm sự thầm kín thì tiếng đàn mông lung, huyền bí. Tất cả những hạng người trên đều không phải là tài tử. Người tài tử khác hẳn. Tiếng đàn rung lên, thính giả có thể khóc, có thể buồn, có thể yêu thương, giận dỗi, oán hận, hay ray rứt đứng ngồikhông yên. Muốn luyện ngón đàn như thế tất phải sống, phải đi nhiều, phải mang tuổi trẻ mua lấy chua cay khinh bỉ của thế nhân, để biết khóc, biết cười, biết oán hận, biết yêu thương thì mới hòng làm cho người khác khóc, cười, yêu thương, oán, giận, ghen hờn. Nhưng đời nay, (bác tôi nhấn mạnh) cái đời kim tiền khốn nạn này đã làm hồn tài tử lịm chết, làm tai nhân thế điếc đi rồi lấy đâu ra một Bá Nha gẩy đàn cho Chung Tử Kỳ nghe nhỉ!

- Lời bác dạy quả đúng. Thảo nào em nghe tiếng đàn cậu Trạch gắt gỏng quá.

- Ở đời muốn cái nọ phải hy sinh cái kia. Như tôi sao không thể làm cách mạng như cậu Trạch được. Được lắm chứ? Khốn nỗi phải dung hòa lý trí với tình cảm phiền phức tệ mà chắc gì nó đã cân bằng. Cho nên, tôi đành sống kiếp cỏ hèn trong thiên hạ vì muốn cái tài tử hơn.

- Thưa bác, dạo này em thấy giọng bác có vẻ chua chát hơn xưa. Dám hỏi hay bác có điều chi trắc ẩn, hay bác nhớ tới…

Bác đồ Nhị cảm động ôm lấy cha tôi:

- Chao ôi! Ta đi tìm tri kỷ già nửa đời, ai ngờ về đến quê hương mới gặp. Hạnh phúc của mình cũng đến thế thôi. Việc gì phải bôn tẩu xa xôi. Nó ở ngay bên mình, ở ngay mảnh đấy xác xơ này. Đào nó lên, khai quật nó lên mà tìm kiếm, gia tài quê hương tiềm tàng dưới ấy. Phải chú nói đúng. Ít lâu nay tôi nhớ “chúng” quá. Ai bảo tài tử không muốn có mái nhà êm ấm và ngọn đèn đầu heo hút suốt đêm trường?

Rồi một ngày cuối mùa thu, bác đồ Nhị thân yêu lại ra đi. Bác đi có vài hôm. Bữa về, hành lý của bác chở thêm ba đứa trẻ, hai gái một trai, lớn hơn tôi bảo là con bác. Ai dám tin ngay. Người trong họ xúm vào chất vấn bác. Bác điềm nhiên trả lời:

- Con tôi cả đấy mà. Mỗi đứa một mẹ, mỗi mẹ một nơi. Phải đưa chúng nó về đây kẻo sau này lớn lên, chúng nó hối hận thiếu quê hương. Mẹ chúng nó đi lấy chồng cả rồi. Tôi nghĩ đến sự đơn lạnh của mình mấy năm nay nên dắt chúng nó về. Có lẽ, lần này tôi không đi nữa. Những sợi dây tình cảm này (bác chỉ vào đám anh chị tôi) sẽ buộc chặt đời tôi với mảnh đất cằn cỗi nhưng đẹp tuyệt vời của cái làng Tường-an nghèo khổ này.

Dòng họ Vũ nhà tôi vốn quan niệm khe khắt với những tâm hồn lãng tử nên, trừ bác đồ Nhị và cha tôi, chả ai dám ôm mộng sông hồ. Việc đem mấy đứa trẻ thiếu mẹ về nhập tịch họ Vũ khiến nhiều người bất bình, nhất là ông nội tôi. Cha mẹ tôi không hẹp hòi thế, các người cho rằng bác đồ Nhị thừa lòng nhân đạo. Bác là kẻ lãng tử, phóng túng mà còn biết nghĩ đến con cái thì sao lại nỡ trách. Họ Vũ chỉ hiểu sơ sơ quãng đời tung hoành của bác chứ hiểu sao nổi nỗi cô đơn của một cõi lòng về già, hiểu sao nổi bác Nhị cũng muốn có đứa con trai… tài tử trong sạch như bác.

Tôi càng gần gũi bác tôi hơn. Sẵn có ba nhịp cầu vững chắc, tôi tự do ướp lấy hồn bác bằng mắt, bằng tai để hôm nay làm trai sông hồ, tuy chẳng dám có mộng làm nghệ sĩ (tôi sợ không được như bác tôi) song cũng biết mơ mộng hướng về chiều cũ mờ mây.

Chuyện tôi kể sau đây sẽ nói giùm tôi rằng tại sao cha con tôi yêu bác đồ Nhị. Một hôm, mật thám về làng khóa tay cha tôi giải xuống tỉnh vì cha tôi có bạn thân là cậu Trạch làm cách mạng chống Tây bị bắt ở Hải-dương. Cả nhà tôi, trừ mẹ tôi, không ai khóc. Người trong họ cũng xót thương, cũng chỉ nín thinh. Vậy mà riêng có bác tôi đã dám lớn tiếng chửi đổng mấy đứa thất phu đứng giương mắt ếch nhìn sự đau khổ của thiên hạ mà cười khẩy. Tôi còn nhỡ mãi cái hôm ấy, cái hôm bác tôi ném chai rượu đầy ắp vào tường, đổ tung đồ nhắm rồi gục xuống khóc nức nở như trẻ con bị đòn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy bác khóc. Và giờ đây, mỗi khi mơ về làng xưa còm cõi, tôi vẫn thấy rõ cảnh cũ hiện ra, có những âm hưởng của tiếng thủy tinh vỡ, có tiếng nức nở và tiếng nguyền rủa qua men rượu ngà ngà.

Đêm đêm chờ lúc canh khuya, bác đem đàn ra gẩy. Tiếng đàn thương nhớ tri kỷ nó mới não nuột làm sao! Vang trong cô tịch, hòa với âm nhạc thiên nhiên, tiếng đàn bầu đi riêng một bè thiết tha buồn tủi. Tiếng ếch, tiếng dế nỉ non và tiếng muôn loài côn trùng rên rỉ nuối tiếc. Có thể hòa âm ấy bay lên đượm lấy sương và sương rơi ướt đẫm vai người lãng tử. Lạnh lẽo, đìu hiu. Mẹ tôi khóc nhiều hơn khi nghe tiếng đàn vọng cố nhân ấy.

Ít ngày sau cha tôi được thả về. Cậu Trạch đã hết tội yêu nước trước mật thám rồi, cậu móc mắt tự tử. Thế là cha tôi hết bị tình nghi để cho bác đồ Nhị vơi sầu vạn cổ. Bác lượm mảnh chai đập vỡ bữa nào, ném vào xó vườn rồi lại trịnh trọng ngồi tâm sự cùng cha tôi bên hồ rượu đầy.

Cuộc sống đều đều nối tiếp. Bác tôi vẫn dạy học. Lòng bác không còn se sắt mỗi buổi mưa gió về như dạo nào. Chăn bông là ba trái tim non ấm lên những đêm đông lạnh lẽo. Tiếng đàn của bác hiền lành hơn và tiếng nhị của cha tôi nghe cảm được. Khi bác cảm thấy thoải mái nhất lại là lúc thời đại đổi thay. Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Cha tôi chẳng gặp người bạn quen nào phất cờ. Dĩ nhiên, người cam chịu âm thầm sau lũy tre xanh, coi thuở giang hồ mập mờ như chiếc bóng. Cách mạng nghĩa là cái gì cũng đổi thay. Duy bác tôi vẫn kéo tràn cái áo the lương rách tứ tung, vẫn mặc cái quần cháo lòng và sống cùng cực hơn vì bọn môn đệ của bác, đứa thì đi bộ đội, đứa thì gia nhập đoàn thể này, công tác nọ chả còn hơi đâu mà nghĩ đến nồi cơm của thầy đồ.

- Nó ở ngay bên mình, ở sau lũy tre già còm cõi, ở ngay mảnh đất xác xơ này. Đào nó lên, khai quật nó lên mà kiếm, gia tài quê hương tiềm tàng dưới ấy.

Bác tôi sực nghĩ tới những bàn tay tổ tiên ngày này qua tháng nọ sống với đất, nên cha con rủ nhau tập cuốc với mấy thửa ruộng nhà. Mồ hôi, nước mắt, cả máu nữa, thấm vào lòng đất. Lúa cũng lên bông, vào mẩy. Bát cơm có đầy nhưng nghẹn ngào nói sao được. Cái trầm lặng thuở nào đây vụt thức. Lòng lãng tử đôi phen sụt sùi khóc gió mưa. Tội nghiệp, bánh xe thời đại tàn nhẫn đè lên bác tôi và làm đau đớn vô ngần.

Bác ít đánh đàn. Vì chua chát lắm. Niềm thiêng liêng của bác bị nhạo báng, người ta đem đàn nguyệt, đàn tranh, nhị ra kéo những bài chào cờ, mặc niệm. Thôi rồi, chết cả cõi lòng nghệ sĩ. Cha tôi, một buổi vờ say rượu, nhân cơ hội có con mèo chết, người lấy vải bó chặt lấy xác con vật khốn nạn rồi bắt chúng tôi khênh ra vườn sau. Đám táng con mèo, bác đồ Nhị cũng đi đưa. Bác đánh đàn tranh, cha tôi nín thinh. Đến khi tôi nhìn lên thấy nước mắt cha nối hàng rơi trên má, bác đồ Nhị thì đôi mắt đỏ ngầu. Cha tôi đào lỗ chôn con mèo, chôn cái nhị, chôn nguồn tình cảm quê hương, chôn luôn cả thiên tài hoa cuối mùa. Ở nhà còn mấy thứ đàn, cha tôi đem chẻ ra đun nước pha trà; ngồi đàm đạo với bác Nhị suốt sáng thâu đêm. Bác tôi không nông nổi giống cha tôi. Bác vẫn giữ đàn bầu, thỉnh thoảng mới nắn phím so dây mà lại dạo về ban đêm, vào những hôm trăng sao đẹp nhất. Tại sao bác tôi trở nên kênh kiệu thế? Phải vì bác sợ phường cẩu nhãn nhìn trộm người yêu của mình hay vì muốn tâm hồn trắng trong với tình đàn?

Tiếng đàn bác tôi giờ đây trở nên ai oán, hận thù, phảng phất khói hương hoài cổ. Nhiều đêm nghe nó tôi khó mà ngủ được. Cả một triều đại đẹp xưa có những còn người hiền tựa khoai lúa, thương yêu nhau không biết kể bao nhiêu, hiện ra trước mắt tôi khi âm hưởng của tiếng đàn bác đồ Nhị rung lên trong đêm vắng. Bác tôi than tiếc trong tiếng đàn, than tiếc ngoài cuộc đời. Cái hình ảnh khốn nạn nào án ngữ nụ cười của bác tôi? Tôi vội nghĩ tới phút giây chẳng may bác phải đào đất chôn đàn. Dù tiếng đàn tuyệt diệu, hồn quê hương đã nhập ẩn trong lòng người quê hương rồi, tôi vẫn thấy buồn quá. Bác tôi sống đầy đọa, đau khổ mãi cho tới ngày giặc tràn về làng thì cảnh tượng điêu tàn khuất dần dưới mắt tôi. Tôi cứ xa mãi, xa thành vĩnh biệt. Chả biết bây giờ bác tôi còn sống hay đã ra người thiên cổ?

Tôi bỏ làng ra đi, để rớt rơi ở sau lũy xanh bao kỷ niệm buồn đau của thời thơ ấu. Trên đường tự do thơm ngát hương đời, thơm ngát tình người của gã con trai ngoài hai mươi tuổi ưa viễn vọng, ưa những vẻ đẹp mới như tôi đã hơn môt lần thất vọng. Là khi thoáng nghe tiếng đàn bầu rung lên khúc nhạc ngoại lai về một sớm phố phường nhộn nhịp. chao hỡi! Nó trơ trẽn và diêm dúa làm sao? Chắc người nghệ sĩ bây giờ đã nạm bạc vào miếng tre vót nhỏ, đã khảm xà cừ vào đàn, đã ăn mặc lượt là lúc ngồi biểu diễn và, chắc chắn, đã sợ danh từ đàn bầu mà đổi là… độc huyền cầm.

Đâu rồi, người xưa đàn xưa? Biết đến ngày mai người ta có tìm lại trả cho tôi những ảnh hình thân yêu của không? Chứ hiện tại, âm hưởng của cây độc huyền cầm chỉ làm tôi tuyệt vọng, trách làm chi chuyện tôi nhớ quê hương. Nơi ấy, mỗi lần vọng về trong tưởng tượng, tôi vội hình dung thấy ngay bác đồ Nhị cởi trần ngồi trên manh chiếu rách giải giữa sân vào một đêm trăng vắng gió, nầy khúc đàn bầu. và khi cung đàn dứt, người bác lãng tử của tôi ngồi im lặng nghĩ tới thời vàng son xa lắc của những người quê hương chỉ biết thương yêu nhau. cho đến khi sương đêm thấm ướt đôi vai thì tài tử gục luôn xuống bên đàn mà ngủ.

Duyên Anh
1962
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn