Thông thường phản ứng đối với một hành động sẽ tránh được tính cách nông nổi, bộp chộp, chủ quan, hoặc thiếu bình tĩnh, nếu giữa hành động và phản ứng ấy có một quãng thời gian trống. Phản ứng có thể là một hành động chống lại, hay chỉ là một thế đứng, một nhận định, một góc nhìn. Và quãng thời gian trống có thể được gọi là thời gian làm trái độn, một độ lùi, dài ngắn khác nhau, có thể tính bằng giây phút, hay ngày giờ, hay thậm chí tháng năm, hay nhiều năm, tùy theo tình huống của sự việc. Anh nghĩ đến điều vừa nói và một câu chuyện cũ của mấy mươi năm về trước. Thời gian làm trái độn như thế quả là khá dài, dâu biển đã xẩy ra, nhưng cũng có cái bất biến, hay chưa chịu đổi thay. Thì cứ kể lại, xem như một bằng chứng nhỏ nhoi, một tấm ván chìm nổi trong bão biển.
Hôm đó, anh phải đi dạy học 12 tiếng. Đạp xe đạp quá lâu, quá nhiều để tới ba nơi dạy cách xa nhau. Đã thế, trên đường về, anh còn ham hố ghé nhà người bạn thân mượn cuốn băng nó tự thâu lấy những bản nhạc nó thích. Hơn 9 giờ tối anh mới về tới nhà, mệt nhoài.
Tối hôm ấy không điện. Trong căn phòng chật hẹp, bên một ngọn đèn dầu hỏa tù mù đặt trên cái mặt bàn gỗ tạp sù sì, hai cái đầu kề nhau, một tóc húi “ca-rê” của đứa con trai, một tóc “bum bê” của đứa con gái. Đứa con trai ốm nhom, “xỏong”, chưa bao nhiêu tuổi mà má đã hóp; đứa con gái mắt đen, gầy gò, xanh xao. Chúng đang học bài. Kế đó, trên chiếc giường tre, hai đứa bé tí, hai khuôn mặt “chàu vau” thiếu sữa, nằm đùa giỡn với nhau, vô tư. Không có phòng khách, không nhà bếp, nồi cơm được bắc trên chiếc lò than bùn đặt tại góc phòng. Vợ anh đang nấu cơm. Chị hốc hác, quần áo cũ, nhiều miếng vá, rộng thùng thình.
Bỗng anh bủn rủn tay chân, gân cốt rã rời. Phải cố gắng mới dựng được chiếc xe đạp vào vách tường bên cạnh cái bàn học của hai con. Đó là cái bàn duy nhất trong căn phòng duy nhất chật hẹp ngỗn ngang giường ngủ, ghế bố, ghế đẩu, đòn, lò bếp, chén bát, nồi niêu.
Trước kia nhà anh rộng rãi, hai tầng, nằm trong khu yên tĩnh của thành phố. Có khu vườn nhỏ, có xe hơi và chiếc lambretta. Đi làm, anh dùng lambretta. Cuối tuần hay lúc nào cả nhà cần đi chơi đây đó, anh lái xe hơi. Vợ lo việc nhà và đưa hai đứa con lớn đi học tại một trường tiểu học gần nhà, chỉ đi bộ mươi phút là tới.
Anh đi tù lâu ngày. Đồ đạc trong nhà bán dần. Trước hết, bán chiếc xe hơi, tiếp theo chiếc lambretta, và nữ trang. Rồi bán gần hết mọi thứ đồ đạc, tháo hình ra bán cả cái khung ảnh, trước khi mua được một chiếc xe đạp cũ. Nhưng cái nhà thì chị nhất định không bán. Chị cắn răng chịu khổ cực trăm chiều, cố giữ lại cái nhà chờ anh về. Chờ mãi. Cuối cùng được tin nếu chị chịu đi Kinh Tế Mới thì anh được về sớm. Thì bán nhà vậy, và chờ tin vui. Nhưng tin vui không đến. Không sống nổi tại cái khu Kinh Tế Mới cằn cỗi “chó ăn đá, gà ăn muối”, chị đánh liều lếch thếch mang bốn con về Sài Gòn, về thành phố quen thuộc, thân yêu cũ. Chị biết may vá. Và tìm thuê được một căn phòng xập xệ ở Chợ Lớn, nay vắng teo, trước kia là nhà chứa “đồ lặc xon” của một gia đình người Tàu đã vượt biên. Nghe nói nhà cửa của người Tàu đó thuộc quyền sở hữu của Phường.
Có lần anh buông xuôi, nghĩa là không gồng mình chống chỏi, vừa dẫn xe vào được trong nhà thì chiếc xe đạp và anh ngã lăn kềnh xuống đất khiến vợ con hoảng hốt. Có bệnh tật gì đâu, chẳng qua “máu xấu”. Bụng đói, biết nồi cơm sắp chín, thế là té xỉu. Chỉ cần cố gắng định thần lại cầm cự, khoảng mươi phút thôi, cơn đói sẽ nguôi ngoai, anh sẽ hoàn hồn, đứng vững.
Có lần anh buông xuôi, nghĩa là không gồng mình chống chỏi, vừa dẫn xe vào được trong nhà thì chiếc xe đạp và anh ngã lăn kềnh xuống đất khiến vợ con hoảng hốt. Có bệnh tật gì đâu, chẳng qua “máu xấu”. Bụng đói, biết nồi cơm sắp chín, thế là té xỉu. Chỉ cần cố gắng định thần lại cầm cự, khoảng mươi phút thôi, cơn đói sẽ nguôi ngoai, anh sẽ hoàn hồn, đứng vững.
Nồi cơm vừa chín tới, chị đánh hắng một tiếng. Hai đứa lớn vội gấp vở lại, chuồi xuống dưới bàn, sung sướng nhoẻn miệng cười, chạy nhanh đến mẹ giúp dọn bữa ăn. Hai đứa bé tí cũng ngừng chơi, vùng dậy, tranh nhau chỗ ngồi gần bố. Bố đi làm suốt ngày tối mới về, hai đứa nịnh bố. Trên mặt bàn, không khăn bàn, bốn cái chén, bốn đôi đũa, một chén nước mắm ớt, một tô dưa cải và nước khú. Hôm nay có cả một dĩa da heo luộc. Cạnh chị, nồi cơm độn bo bo vừa được dỡ vung, khói bốc. Chị dùng đôi đũa cả, lớn và dài hơn đũa thường, xới cơm cho mọi người. Và cầm cân nẩy mực.
Anh ăn thong thả, cố nhai kỹ. Anh hai ba lần nhắc nhở đứa con trai tập nhai. Anh bảo nhai kỹ, thì dù chỉ có cơm với chút nước mắm mà thôi, cũng ngon lành như thường, mà lại không phí phạm, nghĩa là bao nhiêu chất bổ dưỡng trong cơm đều được hấp thụ trọn vẹn. Nhưng nó vô ý cứ láu táu ăn nhanh, chỉ một nhoáng ăn xong hai chén cơm lưng trộn bo bo. Hôm nay lại lơ đãng, ăn xong phần mình, nó chăm chú nhìn nồi cơm. Chị lừ mắt. Nó làm bộ giật mình, đứng dậy nhún vai. Chị ăn chậm hơn cả anh, lại còn phải dùng muỗng nhựa nhỏ đút cơm không bo bo cho hai bé. Hai bé sợ cay, có riêng chút nước mắm không ớt. Bữa ăn trôi qua nhanh.
Trước khi lo việc rửa nồi rửa chén, đứa con gái vói tay bưng cái nồi lên dòm xem có còn gì trong đó. Xong nó đút hai chiếc đũa cả vào cái miệng nho nhỏ, xinh xinh, cạp cạp, khới khới mấy hột cơm còn dính. Vừa nhai mấy hột cơm như nhai chơi cho vui, nó vừa nhí nhảnh liếc mắt nhìn anh hài tội:
“Anh Đăng dở ẹt. Lâu lâu mới có da ăn mà toàn da chay. Tới phiên em đi lần nào da cũng có dính lớp mỡ.”
Đăng gắt:
“Mày là con gái quen năn nỉ, quen xin xỏ. Tao khác.”
Từ ngày được “ra trại”, tức là ở tù xong, anh còn bị quản chế thêm hai năm. Không được đi ra khỏi Sài Gòn. Lẽ dĩ nhiên tình nguyện dọn nhà đi Kinh Tế Mới thì được chấp thuận ngay. Nhưng cái này mới là vòng luẩn quẩn, tiến thoái lưỡng nan, đối với người được thả về từ nhà tù cải tạo: Phải có việc làm mới có hộ khẩu tại Sài Gòn, nhưng phải có hộ khẩu mới được phép xin việc làm. Vậy không sớm thì muộn sẽ bị tống khứ khỏi thành phố này. Cũng may, cái quyết định oái oăm đó chưa được thi hành một cách nghiêm nhặt. Trong khi chờ đợi lưỡi gươm Damoclès giáng xuống, cứ cuối mỗi tuần anh phải báo cáo sinh hoạt hàng ngày với công an Phường. Anh được quản lý chặt chẽ.
Biết báo cáo cái gì đây? Không lẽ ngày nào cũng “thành thật khai báo” y chang như nhau: ngủ dậy, đánh răng nếu còn kem đánh răng, kiếm chút gì bậy bạ để ăn sáng, rồi ăn trưa hay nhịn ăn trưa, rồi chờ vợ đi làm về ăn tối, cũng có khi anh về sau vợ, và cuối cùng trèo lên giường ngủ hoặc mất ngủ. Cho nên anh nghe lời bạn bè gia nhập cái gọi là Hội Trí Thức Yêu Nước nằm trên đường Nguyễn Thông với mục đích là để có một chuyện gì đấy viết vào cuốn sổ báo cáo hàng ngày.
Hội cũng có sinh hoạt. Đọc sách báo, nghe đài, nghe thuyết trình, đánh cờ tướng, đánh banh bông (bóng bàn). Thỉnh thoảng có lệnh đi đắp ụ đại pháo, ụ tên lửa, hay là làm mấy công việc lặt vặt “khuyến nông” trồng trọt, cuốc đất, dọn sỏi đá, tại những ngoại ô. Anh không buồn tìm hiểu tại sao phải có những ụ vũ khí đó. Hòa bình rồi mà. Anh không cần biết gì thêm. Hoạt động như người máy.
Anh nhớ một lần thấy tận mắt tại Hội Trí Thức Yêu Nước một nhân vật nổi tiếng, ông Đào Duy Anh. Ông mặc áo bà ba, khăn choàng cổ rằn ri đen trắng, mắt mệt nhọc, trán cao, người dong dỏng. Ông thuyết trình về một đề tài liên quan đến Nguyễn Trãi, vấn đề “Công tâm”. Công tâm ở đây không phải là lòng ngay thẳng, không thiên vị, và chữ “công” là động từ chứ không phải tính từ. Cho nên “Công tâm” có nghĩa là tấn công về mặt tâm tình, tâm lý. Chợt trông thấy giáo sư Nguyễn Đăng Thục ngồi bên dưới hàng thính giả, thế là ông bước xuống khỏi khán đài trong khi ông Thục đứng dậy. Hai người bắt tay nhau. Anh ngạc nhiên. Họ ở hai chiến tuyến lại có biết nhau? Hay là sau ngày Miền Nam mất, họ mới có dịp gặp nhau, làm quen?
Anh nhớ cả mấy câu nói đầu tiên của bài thuyết trình. Đại khái, Lâu lắm tôi mới được trở lại đứng trên bục giảng, lại được hân hạnh đứng trước những Người Trí Thức Yêu Nước.
Nói như thế là đủ “làm khó” nhau rồi, ông còn nói thêm, Tôi không dám tự xem mình là Người Trí Thức Yêu Nước.
Anh không thể hiểu nổi những câu nói dẫn nhập đó. Mỉa mai chăng? Mỉa mai hội viên hay người đẻ ra cái hội đó? Hay mỉa mai cả hai? Hay vì bùi ngùi cảm khái?
Thỉnh thoảng Hội bán cho hội viên chút ít gạo hoặc nước mắm với giá rẻ hơn giá thị trường. Và tháng nào Hội cũng một vài lần bán rẻ da heo. Thì hai đứa con thay nhau đi bộ lên Hội mua đem về luộc ăn cho có thêm chất đạm.
Anh giấu việc đi dạy chui, kiếm chút tiền phụ vào tiền lương tháng quá ít ỏi của vợ. Vợ là thợ tại một cửa hàng Hợp Tác Xã May Đo của Nhà Nước. Ủa, hình như Đo rồi mới May chứ. Anh dạy tiếng Anh cho mấy gia đình có “ý đồ” vượt biên. Anh cũng muốn vượt biên, nhưng đào đâu ra cây, ra tiền đóng cho bãi, cho ghe. Thật ra tiền để dành sau khi chị bán nhà đã nộp hết cho mấy tổ chức vượt biên. Và đều thất bại, cả nhà suýt bị bắt. Dễ bị đánh lừa, thì phải vượt biên nhiều lần, biết đâu có lần gặp may, gặp tổ chức “thứ thiệt” chứ không phải “đồ dỏm”. Và dù không bị lừa cũng không có gì bảo đảm rằng mình sẽ sống sót – con thuyền bé nhỏ, rách nát, quá tải, trên đại dương mênh mông! Thế nhưng tuyệt đại đa số người dân Miền Nam đều muốn bỏ nước mà đi. Tự do hay chết.
Mình cứ tưởng Sài Gòn bằng phẳng êm ru bà rù. Lái xe hơi, xe lambretta, chạy phon phon như chạy trên sân đá banh. Bây giờ hì hà hì hục đạp xe đạp mới biết có dốc, và lên dốc là gì. Mà xuống dốc càng muốn ói. Thắng không ăn, đưa gót chân kềm vào vành bánh sau, miệng làm còi hô to cho người ta kịp tránh, trầy da, văng dép, rách lai quần. Mà thành phố nào lại không có dốc. Dốc lên, dốc xuống, dốc cao, dốc thấp, nhiều dốc, ít dốc. Chứ riêng gì Đà Lạt.
Gặp lúc ngược gió, bụng đói, kiệt lực, gò lưng đạp dưới nắng gắt, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm cả lưng, cả phần dưới lưng, không cần nhìn ngược nhìn xuôi, anh biết ngay đang lên dốc trên con đường nào, ở quãng nào. Đạp không nổi nữa thì chỉ còn cách xuống xe dẫn bộ tìm bóng cây.
A, cây này được đây. Cao, nhiều cành, nhiều lá. OK.
Anh dựng xe lại, quơ chân, quơ tay gom mấy chiếc lá rụng, xua đuổi kiến. Kỳ cục, anh ngẫm nghĩ, đâu đâu cũng có kiến. Khi mình no, kiến tới đã đành, khi đói kiến cũng không tha. Anh nhớ những năm ở tù, treo lủng lẳng lên sà nhà mấy món ăn vợ mang lên thăm nuôi cốt là để trốn chuột, thế mà kiến cũng biết bò tới ăn tranh. Đuổi, chúng nó lì lợm bám trụ. Có khi giận, ăn luôn kiến, ngứa ngáy cổ họng. Ngồi lên trên lá, lưng dựa vào gốc cây, lim dim mắt, không dám ngủ, sợ ngủ quên. Nghe lá sột soạt mỗi khi anh trở thế ngồi. Thấy êm êm đâm nghĩ vẩn vơ.
Hình dung lại những bữa ăn tối sum họp quanh chiếc bàn gỗ tạp xiêu vẹo. Cảnh khổ nhiều khi gieo vào lòng anh những tình cảm dịu dàng, bất ngờ. Anh vừa âu yếm vừa xót xa nghĩ đến vợ con nheo nhóc, những bạn bè sa cơ thất thế như anh. Anh cho rằng trong cảnh khổ, dường như tình thương dễ xuất hiện hơn; từ tâm, hay thử dùng ngôn ngữ Phật Giáo, lòng từ bi, có cơ hội đâm chồi nẩy lộc hơn.
Nhưng hãy coi chừng. Sách nói bần cùng sinh đạo tặc. Ừ, mình đã cùng khổ chưa? Gặp bước đường cùng liệu mình có biến thành kẻ cướp?
Rồi anh chột dạ.
Hay mình đang tự dối lòng, đang tự kỷ ám thị, đang bắt chước Ả Q của Lỗ Tấn, Ta yếu hơn nó, ta già hơn nó, ta đánh nó không lại thì phải sẵn lòng để nó đánh ta. Mà nó đánh ta thì có khác gì nó đánh bố nó. Thế là nó có lỗi. Nó thua, ta thắng. Thế là “tự sướng”?
Nghỉ ngơi dưới gốc cây chưa được nửa tiếng, lại sắp tới giờ dạy học tại một nhà khác tận vùng Chợ Thiếc cuối Chợ Lớn. Lần này dạy tiếng Anh cho một cụ già người Hoa, nói tiếng Việt “chút chút”, và chỉ biết chữ Hán mà thôi. Giướng mắt kèm nhèm hỏi, Chữ cái là cái gì, a bê xê là cái gì? Hầy, hầy? Anh ngán ngẩm. Nhổm dậy, phủi bụi bặm, lá cỏ khô dính trên quần, áo, năm ngón tay làm lược chải lại mớ tóc bù xù, chụp cái mũ lên đầu, anh lên xe. Đạp, đạp, và đạp.
Cứ thế, ngày nọ kế tiếp ngày kia, đều đều như cây kim đồng hồ ngày xưa quay. Đồng hồ ngày xưa? Đúng vậy, cái đồng hồ treo tường đã cùng với những đồ đạc khác rủ nhau chạy ra chợ trời từ thuở nào. Cuộc sống trước mắt khô khan, chai lì, buồn nản. Không thấy chút bóng dáng nào của tương lai. Quá khứ thì cố quên.
Nhưng ban đêm, khác. Anh có một chút sở thích, nhờ vậy cuối ngày, trước khi đi ngủ, cũng được khuây khỏa phần nào. Vợ anh thì không. Ngày cũng như đêm, khác hẳn trước kia, anh không hề nghe thấy một tiếng cười của vợ. Anh để ý từ ngày anh ở tù về, chị cũng không hề thăm viếng bạn học ngày xưa, không hề đi chùa, hay đi về ngoại, nói gì đến chuyện đi đến những Tụ Điểm Giải Trí, Âm Nhạc, hay đi xem chiếu phim. Càng không mơ tới những chuyến đi xa Sài Gòn như trước kia để thỉnh thoảng tìm thấy lại hơi thở của ngoại ô, nhà lá, vườn tược, cây cối, sông nước, khói cơm chiều. Đi Thủ Thiêm, Thủ Đức, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Phú Lâm, Nhà Bè, Chợ Đệm, Bà Điểm, Bình Chánh, Gò Đen, Cần Giuộc ... Hay xa hơn nữa.
Còn con cái? Hai bé tí nhỏ xíu khỏi nói, hai đứa lớn làm gì cho hết ngày ngoài việc đi học? Tội nghiệp chúng nó, chỉ có những trò chơi thật nghèo nàn, đơn sơ, thô thiển. Đứa con trai cùng bạn bè trong xóm, hầu hết không đến trường lêu lổng suốt ngày, chơi trò tạt lon, đánh đáo, nhích hình, bắn bi – tất nhiên bắn bi chai, hay bi đá tự mài lấy, bằng mấy ngón tay dính đầy đất cát, chứ làm sao có súng đồ chơi. Đứa con gái thì ù mọi, đánh thẻ, nhảy dây -- nhảy vượt qua, nhảy xéo, nhảy lèo – không phải dây thừng, sợ vướng chân té u đầu, mà là dây kết bằng những sợi cao su vòng tròn dùng cột những gói quà nhỏ. Chỗ chơi chung cho con trai con gái là sân trường, lề đường, trước nhà, hay ngay trên mặt đường xe cộ thường qua lại. Chúng chơi say sưa bất kể trời đất.
“Ham chơi như thế xe ào tới biết đâu mà tránh?”
“Không sao cả. Xe tránh người chứ người đâu cần tránh xe.”
Có lẽ chúng cảm thấy tội nghiệp cho cha mẹ hơn là ngược lại.
Vâng, ban đêm, khác.
11 giờ đêm lại có điện. Lũ trẻ đã ngủ say. Vợ anh soạn ra những món lỉnh kỉnh, mấy cây kim, những lọn chỉ màu, khung thêu, bút chì ... Ban ngày chị làm việc tại cửa hàng may đo, ban đêm lãnh thêm đồ về làm.
“Hôm nay coi bộ anh mệt lắm đó nghe. Ngủ sớm đi anh.”
“Định đi ngủ thì có điện.” Anh uể oải đáp. “Ờ, mà cũng đi ngủ cho rồi. Mai phải đi dạy sớm.”
Anh lên giường. Theo thói quen, anh mở cassette nghe nhạc trước khi ngủ. Chị dịu dàng:
“Không sao, anh. Em không cần nghe đâu. Cứ vặn nhỏ lại nghe một mình cho yên thân.”
Anh cười âm thầm, mở băng nhạc vàng mới mượn, mở thật nhỏ, nghe chui. Đó là thú vui lặng lẽ và duy nhất của anh. Anh biết vợ cũng thích nghe nhạc nhưng cẩn thận. Nhà kho này khá biệt lập, nhưng rủi có người nào tình cờ đi ngang qua nghe thấy. Hoặc công an. Nguy hiểm lắm. Khóm Phường luôn luôn nhắc nhở: Thấy ai làm điều gì sai trái, phạm pháp, phạm nội quy, phản động, phải báo cáo ngay lập tức. Nếu không, là đồng lõa. Nghiêm trị. Anh nhìn vợ, nói, Xin tuân lệnh.
Bản nhạc đầu tiên, Nụ Cười Sơn Cước của Tô Hải. Tiếp theo, Xóm Đêm của Phạm Đình Chương. Rồi Cánh Thiệp Đầu Xuân của Lê Dinh. Và mệt quá, ngủ thiếp lúc nào không hay.
Những mảng tối rúc rích như chuột. Gián bu nâu mặt bàn. Và gió nhiều. Gió mang tiếng dế nỉ non đi khắp nơi. Gió làm cây cối ngả nghiêng, thậm thà thậm thụt, lấp ló. Những cặp tình nhân lén lút, buồn bã. Những tên ăn trộm không gặp vận hẹn gặp nhau sau hè, uống rượu, văng tục. Thì nó hiện ra. Trông quen quen, nhưng sao lại mù, mà tay thì cầm dao nhọn. Mình bị nó đuổi ra khỏi nhà, và đẩy vào một căn phòng nhỏ lạ hoắc qua cánh cửa rệu rạo. Cửa bỗng đóng sầm, nó bên ngoài, nhốt mình bên trong. Thử mở, chặt quá, không mở được.
Những chấm đỏ của mấy cây nhang leo lét từ bàn thờ ông Địa nằm ở góc phòng. Tiếng khóc trẻ con văng vẳng đâu đây. Lại nó, chẳng hiểu nó vào lúc nào. Nó đánh hơi như chó, lừ lừ tiến tới, tay cầm dao. Định giết người hả? Tháo chiếc dép ném, xem thử nó có thấy mà tránh hay không. Hay vẫn mù? Dép chưa tới đích đã hết đà rơi xuống đất trong khi con dao của nó chỉa ra đằng trước đâm đâm vào khoảng trống. Mình nín thở mong nó không đánh hơi ra mình, rồi nhón chân đi men theo vách tường lần lần từng bước. Nó quay đầu nghe ngóng, một tay sờ sẫm vách tường, tay kia quơ con dao. Đau. Không dám nhúc nhích sợ nó nhận ra. Ô, mình bị trúng? Sao tự nhiên đứng gần nó quá thế, như cái kim bị nam châm hút, thì sẵn có cây búa trong tay, tự nhiên cây búa nằm trong tay lúc nào chả biết, thử nện mạnh một cái vào vai nó. Búa tuột tay rơi xuống sàn nhà. Tiếng búa chạm đất nghe rầm một tiếng như tiếng trống.
Anh choàng thức, mồ hôi lạnh ướt đầm cả người. Đó là tiếng trống nhịp mạnh của nhịp “ba bốn”, và bài hát là bài Thuyền Mơ của Dương Thiệu Tước. Êm đềm, xa xôi, thơ mộng:
Làng ai bên dòng sông vắng
Kề bên núi lam miền Trường Sơn
Dưới ánh điện mờ mờ, chị vẫn còn ngồi chăm chú thêu, bóng chị lung lay in lên vách. Anh nhận ra cả bàn tay hơi gầy, ngón út chìa ra, thỉnh thoảng đưa lên đưa xuống cây kim. Rồi cánh tay trần. Anh thích nhìn cái nách của chị từ đằng sau. Anh ngẩn ngơ ngắm chị cả người lẫn bóng di động khi nhanh khi chậm. Bản Thuyền Mơ tiếp tục ngân nga. Ai hát nhỉ, chắc là Minh Trang. Cô này mà hát nhạc Dương Thiệu Tước thì là ... thì là ... Anh lười biếng tìm chữ. Cơn ngủ từ từ trở lại như đám mây trôi lờ đờ trên bầu trời xám đen rồi che khuất mảnh trăng khuyết. Bầu trời đen hơn. Và anh, hai mắt nhắm trít, vẫn còn lơ mơ nghe khúc hát tiếng được tiếng mất:
Bến sông ... tiêu ... gì nhỉ ... Thuyền xa ... ai nhớ ... gì gì nhỉ ...
Lại nó. Anh mơ hay tỉnh? Giấc mộng dữ tiếp tục hay sao? Trông nó chậm chạp hơn, mập ù ra. Con dao đâu rồi? Trong tay nó là cái gì vậy? Hình như con dao vẫn còn? Anh giữ một khoảng cách e dè nhìn nó. Tiếng ho khẽ, anh nghe rõ, từ chị vợ. Lạ quá, chị nhìn anh như nhìn cái bàn, cái ghế, cái lò, nói lầm bầm những gì anh không nghe rõ. Anh cố giướng mắt nhìn lại chị, thấy lờ mờ, chị vẫn còn ngồi thêu xeo xéo dưới ánh đèn. Bóng đèn khuya lạ quá, vàng khè, bệnh hoạn. Anh nghe tiếng mèo gào từ một nơi xa nào, rất ma quái. Thế ra mình vừa thức vừa ngủ vừa mơ? Có lẽ đã khuya lắm, hay gần sáng? Anh cố gọi chị, giọng ú ớ không ra khỏi miệng. Bỗng tiếng gì rù rì bên tai, anh nhận ra tiếng máy cassette. Một bài hát mới khe khẽ ngân lên, bài đó mình biết, và giọng hát nghe quen thuộc quá:
Rồi mai có một lần tôi đưa em
Về trên đỉnh yên bình hiền hòa
Nốt nhạc thấp, thì tiếng hát nghe hơi khàn khàn, chứ không rè rè mệt nhọc như giọng Juliette Gréco hiện sinh Sartre trắng đêm Paris ánh đèn màu. Hay Đêm Màu Hồng Sài Gòn? Hay Mỹ Phụng? Chân ngứa muốn nhảy đầm. Đâu những thằng bạn ngày xưa? Còn mất? Thắng, Ân, Nhiếp, Du? Thỉnh thoảng có Phong, Oanh, Thọ, Ngẫu ... Tiếng hát này hẳn không phải của Juliette. Nó khác. Nó là ... nó là cô gái tuổi teens vừa qua cơn bệnh nhẹ, một chút uể oải, một chút thèm muốn, một chút lơ đãng, và một chút đau đớn còn đọng trên đôi mắt. Rồi cao dần, cao dần, lung linh, bềnh bồng, lâng lâng. A, Khánh Ly:
Một mùa xuân lên cao
Hôn lên làn tóc xõa
Theo mây trôi bềnh bồng
Thế ư. Thế là đã dìu nhau lên tới đỉnh bình yên rồi chăng, đỉnh hạnh phúc rồi chăng, hỡi người làm ra bài hát. Trí óc sáng ra dần. Đúng, Từ Công Phụng là tác giả. Và anh chàng mù cũng có vẻ muốn nghe nhạc, nhưng tay vẫn không buông con dao nhọn. Tóc nó cắt ngắn như tóc lính, mặt mày méo mó, dị dạng, sắt máu, bước đi nặng nề. Kệ nó, đừng bận tâm vì nó nữa, được không? Bỗng nhận ra, ô hay, nhạc sỹ ơi, quả là nhạc sỹ chưa có cái diễm phúc đó. Cái câu chuyện đó đã xẩy ra đâu. Chỉ là mong ước, hy vọng, hứa hẹn. Rồi mai mà. Rồi mai mới sẽ có được một lần. Nhưng nhạc sỹ vô tình hay cố ý bỏ đi chữ “sẽ”.
Cũng có thể trong quá khứ, nhạc sỹ đã chạm được hạnh phúc, và mong muốn những ngày vui sống mãi, tuổi thơ không bao giờ phai, mùa xuân không bao giờ dứt. Rồi mai, rồi mai... Hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi xuân. Nhưng liệu sở nguyện đó có trở thành sự thật, không phải chỉ riêng cho tác giả, mà chung cho cả con người trên thế gian đầy đau khổ này. Cho nên, lẫn trong âm thanh dìu dặt, lời ca êm đềm, có tiếng thở dài rất nhẹ nhưng cũng rất ảo não:
Rồi mai có một lần tôi đưa em
Đưa em về miền nắng ấm
Những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh căm
Giọng người ca sỹ, Khánh Ly, lên cao như cánh diều gặp gió. Lên cao nữa đi. Như cụm mây trắng lồng lộng trên bầu trời xanh. Như cánh hạc vút tận trời. Cao mà không chua lét, không khét rẹt. Cao trong veo. Và âm thanh tròn như hạt móc đậu trong ngọn lá hoa súng trên mặt hồ một buổi sáng sương mù.
Anh cố cựa mình. Không bị trói, không bị đè, nhưng anh không thể nào vùng dậy được. Tai thì vẫn nghe rõ mà mắt thì nhòe nhoẹt. Có ánh đèn, thấy lờ mờ khung vải, kim thêu, thấy chị luôn tay không biết mỏi. Nghe được cả tiếng cười của đứa con gái út. Nó cười trong giấc ngủ như vẫn thường cười, anh nhớ.
Tiếng hát, lời và nhạc, cứ thế vang vang dìu dặt, khi thủ thỉ, vỗ về, lúc réo rắc, xao xuyến. Nó đi vào tận đáy lòng, nó xoáy sâu vào trái tim:
Trên đỉnh yên bình
Một mùa xuân ôm kín khung trời
Của tuổi thơ thôi rã thôi rời
Anh cố mở to mắt, khó khăn quá, thấy chấp chới ánh đèn vàng. Anh cố nói một câu, vẫn không thành lời. Có một bàn tay vô hình chẹt cổ mình chăng? Thở thì nghẹt. Ruột thì quặn. Tim thì thắt. Tay chân thì bất động. Tuyệt vọng, anh muốn gào, muốn thét, muốn vùng vẫy. Muốn buông xuôi nhận một nhát dao của thằng mù. Nhẹ thôi nhé. Hãy đâm vào cổ họng.
Bỗng như hơi gió lướt nhẹ trên mặt hồ im, tiếng hát Khánh Ly nghe thì thầm những lời van vỉ, an ủi, vỗ về:
Có một lần vui thôi em
Đừng cho chết hương tình ngọt ngào
Anh buông được một tiếng thở mạnh, và biết thế là thoát. Tỉnh giấc, anh thấy chị đã đứng bên giường từ bao giờ, cúi xuống gần anh.
Gửi ý kiến của bạn