Tính đến năm nay là khoảng hơn 5 năm tôi viết bài liên tục gửi cho mục Diễn Đàn Bạn Đọc Làm Báo của Đài VOA. Nhớ lại bài đầu tiên tôi viết về cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Sau đó tôi tiếp tục viết và gửi bài cho VOA theo cảm hứng cá nhân, chứ không theo yêu cầu, chỉ đạo, không tiền nhuận bút như một số người lầm tưởng. Số lượng bài viết của tôi gửi cho VOA tăng dần theo thời gian tới mức trung bình mỗi tuần một bài. Tôi viết về đủ mọi đề tài liên quan đến thế giới, Hoa Kỳ nhưng nhiều nhất vẫn là liên quan đến Việt Nam. Vì đó là Quê hương tôi còn nhiều vấn đề phải quan tâm, cần viết với ý hướng góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng, phát triển toàn diện Đất nước đến phú cường, văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại. Vì tôi cho đó là bổn phận của quốc dân Việt Nam nói chung, người cầm bút chân chính nói riêng, có ý thức trách nhiệm đối với con người, xã hội và đất nước.
Người xưa thường nói “Văn dĩ tải đạo”. Nghĩa là dùng văn chương để truyền đạt đạo thánh hiền. Đạo thánh hiền thời đó trong khung cảnh chế độ phong kiến, quân chủ, là “Tam cương” (Đạo vua tôi-Đạo vợ chồng – Đạo hiếu ) và Ngũ thường (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí – Tín). Những đạo này xuất phát từ Thánh hiền thời đó là tam giáo du nhập từ bên ngoài (Phật-Khổng-Lão), với bộ “Tứ thư-Ngũ kinh” được dạy cho kẻ sĩ (người có học) trong vai trò lãnh đạo xã hội để đem ra thực hiện khi đỗ đạt làm quan hay làm thường dân biết cách xử thế sao cho phải đạo…..
Thế rồi quan niệm về “Đạo” đối với người Việt Nam thay đổi theo vận nước nổi trôi. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, thiết lập chế độ thuộc địa, dù vẫn tồn tại chế độ quân chủ như công cụ của chế độ thực dân cũ, nên bên cạnh “đạo Thánh hiền” người dân Việt Nam trong thân phận vong quốc đã thực hiện thêm cái “đạo chống ngoại xâm giàng độc lập dân tộc”. Những kẻ sĩ cầm bút phải tìm cách “tải đạo” này đến mọi tầng lớp nhân dân để khơi động lòng yêu nước, tham gia kháng chiến chống Pháp.
Nhưng sau khi hệ tư tưởng dân chủ Phương Tây truyền vào nước ta, thì bên cạnh “đạo Thánh hiền, Đạo chống ngoại xâm cứu nước” có thêm “ Đạo tự do, dân chủ, nhân quyền”. Các nhà văn, nhà báo viết bài cổ súy cho người dân biết thế nào là tự do, dân chủ, nhân quyền và để họ hiểu rằng đó là những quyền của họ, là quyền tự nhiên vốn là của họ mà bao lâu nay đã bị bác đoạt…
Đến khi chủ nghĩa cộng sản du nhập Việt Nam, với sự ra đời của đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, thì người dân lại biết thêm “Đạo cộng sản”. Đạo này chủ trương thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Nhưng có khác với các đạo trước đó, là sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp,không phải giành độc lập cho dân tộc, mà chỉ để cướp được chính quyền như phương tiện thực hiện cùng đích là xây dựng chủ nghĩa cộng sản, tiến tới thế giới đại đồng, không còn biên giới quốc gia, không còn nhà nước vốn là công cụ áp bức bóc lột của giai cấp cầm quyền. Vì thế các nhà văn nhà báo theo đạo này viết bài cổ súy cho người dân biết, tin theo và trở thành môn đồ cuồng tín (lòng căm thù và đấu tranh giai cấp triệt để, không khoan nhượng) của chủ nghĩa cộng sản. Lúc đầu đạo này đã lôi cuốn được nhiều người tin theo. Vì đạo này vẽ ra một xã hội “xã hội chủ nghĩa” trong tương lai “không còn cảnh người áp bức bóc lột người” tiến tới “xã hội cộng sản viên mãn”, không còn giai cấp, không còn nhà nước (do guồng máy xã hội vận hành tự động hóa) mọi người được sống tự do, ấm no, hạnh phúc vĩnh viễn trong một khung cảnh cực lạc như thiên đường hay Niết bàn của các tôn giáo (Thiên đường Cộng sản). Vì trong xã hội này mọi người lao động tự giác, hưởng theo nhu cầu . Vì của cải lúc đó dư thưa, thỏa mãn được mọi nhu cầu vật chất cũng như tình thần của con người sống chung trong xã hội… Nhưng càng về sau, các tín đồ của đạo này dần dần mất đức tin công khai hay âm thầm bỏ đạo.
Thế nhưng cũng từ đó (1930) và do có sự mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn) giữa “Đạo Cộng sản” với các thứ đạo hiện hữu trước nó (gọi chung là Đạo Quốc gia-Dân tộc-Dân chủ), đã đưa đến một cuộc “nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” tại Việt Nam. Mâu thuẫn đối kháng do nền tảng triết lý chính trị khách nhau (duy tâm khác duy vật) và phương thức thực hiện mục tiêu tối hậu của mỗi đạo cũng khác nhau (tự giác khác cưỡng bách theo đạo).
Hệ quả thực tế là “cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” đã kéo dài nhiều thập niên qua mà đỉnh cao là “cuộc chiến tranh Quốc-Cộng”(1954-1975) khởi phát sau khi Việt Nam đánh đuổi đươc thực dân Pháp, mà vẫn chưa có “Độc lập tự chủ”. Vì Việt Nam có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa “Đạo” tư bản chủ nghĩa và “Đạo” cộng sản chủ nghĩa. Trong bối cảnh lịch sử này những người Việt theo “Đạo cộng sản chuyên chính” ở nửa nước Miền Bắc; cũng như những người Việt theo “Đạo quốc gia, Dân tộ, dân chủ” ở nửa nước Miền Nam, dù muốn dù không đã bị ngoại bang sử dụng như những công cụ chiến lược một thời trong một cuộc chiến tranh “nồi da sáo thịt” tàn hại vô cùng cho dân tộc….
Cha tôi (Thày giáo Tiến) một người theo Tây học cũng như nhiều người cùng thời là người theo đạo truyền thống dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước đã thoát lý gia đình tham gia từ những ngày đầu trong cuộc kháng chiến chống pháp 9 năm cuối cùng (1945-1954). Theo lời Mẹ tôi kể thì Cha tôi đã đưa Mẹ tôi từ quê nội ở làng Trung Lương, Huyện Bình Lục về quê ngoại làng Bút Sơn, Huyên Kim Bảng cùng tỉnh Hà Nam để sinh con. Còn Ông dường như đã lên Hà Nội để tham gia “cướp chính quyền” tháng 8-1945. Tôi sinh ra không biết mặt cha và đã sống những ngày thơ ấu nơi quê ngoại là vùng “Tự do” (vùng do Việt Minh kiểm soát, khác vùng tề thuộc Pháp).Đến năm lên 4 tuổi (1945-1949) tôi mới biết mặt Cha khi ông cho người (Chú Thủ) đón mẹ con tôi từ quê ngoại lên tỉnh lỵ Phủ Lý gặp và được ông dưa về ở phố Hàng Nồi Nam Định. Sau này được biết là Cha tôi lúc đó đang hoạt động nằm vùng cho Việt Minh trong Sở Mật thám Pháp (Phòng Nhì). Vì cha tôi vốn là một nhà tu xuất nói viết thông thao tiếng Pháp (*).Nhưng mới sống chung với Cha khoảng 2 năm, dường như bị lộ, ông đã nói mẹ tôi đưa các con (tôi và em trai mới sinh chưa đầy nằm sau chết vì bệnh thương hàn khi 18 tháng tuổi) về lại quê ngoại làng Bút Sơn. Sau đó cha tôi bí mật vào Miền Nam xin làm công nhân cạo mủ, rồi phơi mủ ở Đồn điền Cao su Đất đỏ Hớn quản, Quản Lợi ở (Bình long, An lộc sau này) để tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân. Vì người anh cô cậu ruột với cha tôi cũng làm ở đồn điền này đã nói với mẹ tôi khi tìm gặp lại cha tôi sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, rằng “Cô phải bằng mọi cách đưa chú ấy ra khỏi nơi đây nguy hiểm lắm. Vì mỗi lần có các cuộc đình công là công nhân phải đến nhà bảo vệ chú ấy ngày đêm…”. Người anh cô cậu ruột này tên Vũ Đức Kiệm, dân Tây học nên làm dân thày trong văn phòng. Còn cha tôi cũng dân Tây học thì chấp nhận làm công nhân cạo mủ để hoạt động theo “Đạo dân tộc” của mình, khác với “đạo” của những người cộng sản phi dân tộc.
Chính vì vậy mà Ông đã nghe lời mẹ tôi bỏ về thành, sống ít lâu tại một trái di cư từ Miền Bắc (Bàu Trai- Long An) một thời gian ngắn. Trong thời gian này, một người Cha tôi gọi là chú Xưng (hay Hựu) một lần đến trại di cư thăm và khuyến dụ cha tôi “Anh trở lại trên ấy với chúng em. Vì chúng em rất cần anh”. Nhưng sau đó, cha tôi đã tìm cách đưa gia đình lên lập nghiệp ở một dinh điền mới thành lập cho nhười di cư ở Buônmêthuột (Trại Chi Lăng) một tỉnh trên cao nguyên Trung phần Việt Nam. Có điều đáng tiếc như mẹ tôi nói, là do “ăn phải bả tuyên truyền” của Việt Minh (Tổ chức trá hình của Việt cộng) trong kháng chiến chống Pháp, nên cho đến lúc chết (1960) ông vẫn nghĩ chính quyền quốc gia ở Miền Nam là bù nhìn, tay sai “Đế quốc Mỹ”, như các chính quyền quốc gia trước đó là tay sai thực dân Pháp. Ông đâu biết rằng thực tế sau đó chính quyền cộng sản Bắc Việt mới là công cụ tự nguyện, chủ động, tri tình tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế cộng sản (Nga-Tàu) trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa tư bản và cộng sản hình thành sau Thế chiến II, thì làm gì có độc lập như Ông lầm tưởng.Chính sự lầm tưởng này mà cha tôi đã không đem sức học ra cộng tác với chính quyền quốc gia và thường bộc lộ tâm tư sau những chén rượu say, tự xưng mình “Ta làm Cách mạn, Ta không cần vợ cần con” và nguyền rủa xã hội đương thời là “thối nát, bất công, nô lệ ngoại bang”. Chính sự lầm lạc này ông đã chọn con đường làm ruộng làm rãy cực khổ, ăn uống thiếu thôn và đã chết vì lao lực ở tuổi mới ngoài 50 (1910-1960). Tiếc rằng cha tôi đã không sống thêm thời gian để nhìn thấy chính trong cái xã hội mà ông cho là “thối nát, bất công ấy” con ông đã có cơ hội vươn lền từ tầng đáy xã hội (làm ruộng rãy và đủ mọi nghề) leo lên tầng cao xã hội ( trở thành một luật sư). Giả như ngày ấy, nghe lời cha tôi viết thư về nói cứ ở lại Miền Bắc, ông sẽ trở về, vì “nước nhà sắp độc lập”. Thử hỏi số phận của con ông là tôi sẽ ra sao? Liệu có tốt đẹp hơn không? Bạn đọc có thể tự trả lời. Phần tôi, nhờ được sống ở Miền Nam, thụ hưởng một nền giáo dục “tự do, nhân bản và khai phóng” và chút ít kinh nghiêm thực tế về Cộng sản khi sống ở “vùng tự do”, nên sau 1975, tôi đã từ chối gia nhập “Đạo cộng sản” (Lý do, thì tôi đã trình bày trong bài viết trên diễn đàn này trước đây nhan đề “Vì sao tôi từ chối vào đảng Cộng sản Việt Nam”, còn lưu trên diễn đàn nay, Bạn đọc có thể tìm đọc lại)
Như vậy, từ quá khứ đền hiện tại viết văn viết báo không phải là nghề nghiệp sinh sống của tôi, mà chỉ là làm nhiệm vụ “văn dĩ tải đạo” của một kẻ sĩ. Cái đạo mà tôi muốn chuyển tải bao lâu nay về chính trị là đạo “quốc gia, dân tộc, dân chủ” với mục tiêu cao nhất là góp phần làm cho dân giầu, nước mạnh, người dân Việt được sống ấm no, tự do hạnh phúc, dân tộc tôi trường tồn không bị ngoại bang xâm chiếm, nô dịch. Tất cả được thực hiện với cái tâm “thiện” và ý hướng xây dựng. Vì thế tôi đã lấy bút hiệu là “Thiện Ý” và tôi rất sung sướng, hạnh phúc mỗi khi có người nói với tôi rằng “Anh đúng là Thiện Ý”. Tôi sẽ tiếp tục viết theo chiều hướng này cho đền khi sức khỏe không cho phép.
Tâm sự đầu năm của tôi muốn gửi đến Bạn đọc là như thế. Với ước mong khi xem qua các bài viết của tôi ai cũng thấy được “Thiện Ý” của tôi. Tất nhiên ước mong này khó thể hiện đối với những người đang làm nhiệm vụ “dư luận viên” (ăn cơm Chúa, múa tối ngày) cho nhà đương quyền Việt Nam. Ai cũng biết thế. Nhưng tôi vẫn yêu cầu họ trong chừng mực nào đó, đừng quá trắng trợn dùng những ngôn từ thiếu văn hóa để nhục mạ, hạ nhục, miệt thi tôi, xuyên tạc những bài viết đầy thiện chí xây dựng của tôi.
Kính chúc Bạn đọc trong và ngoài nước Việt Nam một Năm Mới Kỷ Hợi 2019 sức khỏe, hạnh phúc, mọi điều tốt lành và thành đạt những ước nguyện riêng cũng như chung.
(Houston, đầu năm Kỷ Hợi 2019)
Thiện Ý
Nguồn VOA
(*) Cha tôi là Nguyễn Văn Tiến (1910-1960), từng tu học ở Tiểu Chủng viện Hàng Nguyên, Hà Đông thuộc giáo phận Hà Nội. Vào khoảng cuối thập niên 1930 ông bị đuổi ra làm Thày giảng, không được tiếp tục học lên Đại Chủng viện để trở thành linh mục. Là vì ông đã tham gia nhóm cầm đầu bãi khóa không vào lớp học đề đòi được đối xử bình đẳng giữa “Cha ta” và “Cố Tây” và giữa chủng sinh người Việt với chủng sinh thuộc Pháp. Khi đó cha tôi đang học năm cuối chương trình đào tạo của Tiểu Chủng viện (Tương đương lớp 12 sau này). Thoạt đầu Ông nhận bài sai của giáo quyền đi giảng đạo nơi các dân tộc ít người ở miền thượng du Bắc Việt. Vài năm sau được chuyển về miền trung du, làm thày giúp xứ nơi xứ đạo Bút Sơn, gặp mẹ tôi, Ông đã xuất tu.