BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc truyện "Danh Ná" của Duyên Anh

26 Tháng Mười 20186:55 SA(Xem: 6779)
Đọc truyện "Danh Ná" của Duyên Anh
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84

Mới đọc lại truyện "Danh Ná" của Duyên Anh sáng nay. Vẫn còn say với cuộc phiêu lưu bằng bè chuối của những đứa trẻ miền Tây đi đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ giống nòi.

 

Cám ơn nhà văn Duyên Anh đã cho ra đời những tác phẩm giá trị góp phần nuôi lớn tâm hồn bao nhiêu thế hệ trẻ thơ Việt Nam. "Danh Ná" mới ra đời năm 2017, có lẽ là vẫn chưa có nhiều người biết tới.

duyenanh-danhna

******

Nếu bạn cũng giống như tôi, sinh ra và lớn lên từ thập niên 60s của thế kỷ trước tại miền Nam Việt Nam thì Duyên Anh không phải là tên tuổi xa lạ. Duyên Anh là một nhà văn và là tác giả của nhiều tựa sách nổi tiếng, đã góp phần nuôi lớn tâm hồn bao nhiêu thế hệ tuổi thơ Việt Nam. Ông mang tuổi thơ miến Bắc, theo đoàn di cư vào phố thị miền Nam, để đám con nít có gốc gia đình miền Bắc thấy quê hương "chưa bao giờ được biết" của mình qua những "Thằng Vũ", "Con Thúy" và "Những Đứa Trẻ Thái Bình". Duyên Anh viết về tuổi thơ miền Nam sau mùa binh biến giữa thập niên 60s, để những "Dzũng Đakao", "Chương Còm"... trở thành những huyền thoại về tuổi thiếu niên miền Nam. Dường như ở góc miền nào của đất nước, ông cũng muốn mang vào trong tác phẩm của mình một gương mặt đại diện thế hệ trẻ - thế hệ thật trẻ - vì chúng là lũ thiếu niên của một đất nước đầy hận thù và chia cắt nhưng lại là chứng nhân của tình yêu thương, vị tha, của nhân từ và bác ái.

 

Nếu không có biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thì lũ trẻ miền Nam đã biết thêm "Danh Ná". Đó là cuốn truyện viết về những đứa con nít không muốn làm người lớn ở vùng quê xa xôi. Tiếc là sự ra đời của "Danh Ná" có nhiều trắc trở. Cơn chuyển dạ chưa thành thì "Danh Ná" và đám con nít bạn nó đã bị xếp vào dĩ vãng, lùi sâu thật xa vào trong vùng ký ức của lũ trẻ nhiều mơ mộng.

Danh nA - Duyen Anh

Cũng giống như những gương mặt lớn văn học nghệ thuật miền Nam, Duyên Anh bị đưa đi tù cải tạo. Đó là ngày 8 tháng 4 năm 1976 và được thả ra vào tháng 9 năm 1981. Thế giới sau ngày ra tù không còn có chỗ cho tuổi thơ mơ mộng nữa. Duyên Anh vượt biển rồi định cư ở Pháp. Và như một việc cần phải làm để xoa dịu cú sốc tâm lý từ những kinh nghiệm ông đã trải qua, Duyên Anh bắt đầu cầm bút viết lại, nhưng là viết về những ngày trong tù, những lần vượt biển và cả những ngày ở trại tị nạn.

 

Cơn lốc chủ nghĩa thổi tan đi một mảng trời xanh của miền Nam thanh bình. Đáng lẽ "Danh Ná" cũng phải có một vị trí trang trọng giống như "Thằng Vũ" hay "Dzũng Đakao" và có khi còn hơn thế nữa trong lòng tuổi thơ miền Nam. Nó là hiện thân của tuổi trẻ con dân miền Nam, quê mùa chất phác nhưng vẫn dạt dào tình yêu quê hương và đầy ắp lòng nhân ái. Truyện lấy bối cảnh sau khi Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 nên người đọc dễ dàng nhận ra tinh thần "Mơ Thành Người Quang Trung" của đám con nít ở Long Xuyên này. "Danh Ná" không đơn độc. Bên cạnh nó còn có "Chơn Chơn Đạo Sĩ", Chú gà "Cà Đao", cùng những đứa trẻ ở khắp các nẻo đường Việt Nam-nơi Danh Ná đã đi qua và sẽ tới. Cái hay của nhà văn Duyên Anh là ông không để "Danh Ná" cầm súng giết quân thù. Đó là chuyện của người lớn ! Tuổi thơ phải biết mơ mộng và nung nấu lòng yêu quê hương. Mơ để thành người hữu dụng và học để trưởng thành. Lúc đó mới có đủ khả năng đi giành lại quê hương, đánh đuổi giặc Tàu ra khỏi đảo Hoàng Sa.

 

Duyên Anh đã để cho "Danh Ná" và những đứa trẻ bạn nó, phiêu lưu trên chiếc bè chuối mộc mạc, mang hồn quê hương đi nối lòng dân "nhóc tì". Nó như một "phiên bản con nít" của khúc "Trường Ca Con Đường Cái Quan" năm nào. Bọn trẻ ngưỡng mộ Danh Ná vì nó là người mang ước mơ về với tuổi thơ, của tinh thần "Trần Quốc Toản" đánh giặc Nguyên năm xưa và "Danh Ná" chính là sứ giả của yêu thương, của tinh thần Nguyễn Trãi "Đem đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo". Nó biết bày cho lũ trẻ "đem tình thương xóa bỏ hận thù" và phải biết đoàn kết, biết sống cho thật tốt khi lớn khôn mới có thể đánh đuổi được thù chung là giặc Tàu ngoài Hoàng Sa.

Danh Ná

 

Duyên Anh đã khéo léo mang những bài học lịch sử vào trong truyện bằng ngôn ngữ của trẻ con. Nên bọn trẻ thấy gần gũi và tự hào về anh hùng "Nguyễn Trung Trực" , rồi khao khát để được biết thêm về những trang sử hào hùng của dân tộc. Ông cũng rất chi tiết để vạch cho bọn trẻ cách sống tử tế, và đạo đức. Nên Danh Ná không uống rượu, vì trẻ con không uống rượu.  Khi cần tiền sống thì bỏ sức lao động đi làm chứ không trông cậy vào kẻ khác.

Ngôn ngữ trong "Danh Ná" của Duyên Anh là thứ ngôn ngữ mộc mạc của trẻ con miền quê nam bộ. Nó đơn giản và không giáo điều, nên dễ gần gũi với tâm hồn trẻ thơ.

 

Và cứ như thế tinh thần "Danh Ná" sống mãi. Sống để giữ mãi tâm hồn ngây thơ của tuổi nhỏ; sống để nung nấu lòng yêu nước của con dân Việt; và sống để trở thành những người hữu dụng cho đất nước, dẹp bỏ bọn cường hào và đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ quê hương.

 

Tác phẩm "Danh Ná" được Duyên Anh hoàn tất năm 1982 rồi nhờ vào một cơ may nào đó, bản thảo của nó đã "lưu lạc" sang Pháp. "Danh Ná" đã được gia đình của cố văn sĩ Duyên Anh phát hành vào tháng 9 năm 2017 và đang náo nức chờ đợi để được đến tay các bạn.

Vancouver ngày 15 tháng 10 năm 2017
Chu Văn Lễ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn