BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73361)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Miền Ký Ức (2)

10 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 4508)
Miền Ký Ức (2)
58Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.89


Vị bác sĩ già kiên nhẫn ngồi nghe Thành kể, thỉnh thoảng ông đưa mắt hỏi mấy người đàn bà. Bà Ngọc và bà Vân thay nhau gật đầu xác nhận sự việc. Trước đây bà Vân đã gặp bác sĩ, kể cho ông nghe mọi chuyện, bác sĩ hỏi cặn kẽ về thời điểm ông Thành nhận ra mọi người rồi hẹn họ ba ngày sau gặp lại. Trong ba ngày này, ông Thành đã hồi phục khá nhiều. Từ lúc nhận ra Vân, ông nhanh chóng chấp nhận đi theo mọi người về Sài Gòn, nhưng sự việc xảy ra quá đột ngột, mọi người phải để ông nhớ lại từ từ, đó là theo lời khuyên của bác sĩ. Hôm nay ông Thành bảo hình như ông đã nhớ lại gần hết nên bác sĩ bảo ông thong thả kể lại từng đoạn.

Ba người đàn bà cùng háo hức nghe về những sự việc xảy ra ba mươi năm trước đây. Nếu như ông Thành không tỉnh lại, mọi việc coi như xoá sổ hoàn toàn, vì người điều ông Thành đi nhận công tác đã chết ngay sáng hôm đó, còn người giao nhiệm vụ cho ông thì làm sao mà nhớ được những gì xảy ra trong thời diểm chiến tranh. Có biết bao nhiêu người đã nhận những nhiệm vụ bí mật như Thành, có người đã vĩnh viễn ra đi, có người trở lại nhưng cũng không hề biết đồng đội mình là ai. Lại cũng có thể có người như Thành, trôi dạt mãi bao nhiêu năm mới trở về. Chiến tranh thật là cay nghiệt, nó không từ chối một người nào và sẵn sàng xé nát trái tim của những người yêu thương nhau.

Ông Thành kể xong, uống một ngụm nước, vị bác sĩ già trầm ngâm một lúc, sau đó ông hỏi:

- Những việc xảy ra sau này anh có nhớ không?

Thành lắc đầu:

- Bây giờ thì tôi lại không thể nhớ được gì ở đoạn sau này.

Bác sĩ lại hỏi:

- Cái hình ảnh cuối cùng mà anh nhìn thấy là gì?

Thành đáp ngay:

- Khuông mặt cô gái, câu mắng và tiếng nổ thật lớn.

Viên bác sĩ gật gù:

- Tôi hiểu rồi.

Mọi người lắng tai nghe ông giải thích, vị bác sĩ già nói:

- Trước khi anh ngất đi, hình ảnh cuối cùng mà anh nhìn thấy là cô gái này (ông chỉ vào bà Ngọc), câu nói cuối cùng mà anh nghe là câu mắng của cô ấy kèm theo tiếng nổ cực lớn. Vì vậy cho nên khi anh gặp lại sự trùng hợp đúng như thế, chị ấy cúi xuống quát vào mặt anh, kèm theo tiếng nổ vỏ xe bên kia đường đã thức tỉnh lại ký ức của anh, do vô tình mà trùng hợp.

Ba người đàn bà đưa mắt nhìn nhau, bà An hỏi:

- Có đúng thế không bác sĩ.

Vị bác sĩ già gật đầu:

- Tôi tin là như thế, vì tôi đã yêu cầu các vị kể lại chính xác sự việc xảy ra lúc ông ấy nhận ra mọi người, bây giờ ông ấy kể lại chuyện, xác nhận của chị này là điều trùng hợp đã xảy ra như thế.

Vân hỏi:

- Còn chuyện sau này thì sao bác sĩ.

Ông bác sĩ trầm ngâm:

- Tôi tin là một khoảng thời gian sau này ông sẽ nhớ lại hết tất cả mọi chuyện.

Rồi ông thở dài:

- Mà nghĩ cho cùng ta cũng không nên nhớ mãi những điều đau xót làm gì. Giả như có quên cũng không phải là điều quá xấu.

Thành phản đối:

- Tôi muốn biết bao nhiêu năm nay tôi đã sống như thế nào, làm gì, ở đâu? Tôi bây giờ như người trong tù, không biết chuyện gì đã xảy ra cho mình.

Bà An đấu dịu:

- Thôi thì cứ thong thả. Nhớ được tới đâu hay tới đó anh Thành ơi.

Thành không trả lời, anh với tay vấn một điếu thuốc rê.

Hôm sau bà Ngọc chào mọi người ra về, công việc của bà đến nay là chấm dứt. An cũng muốn về nhưng Vân năn nỉ bà ở lại thêm một tuần nữa cho Thành nhớ thêm ít nhiều chuyện cũ.

Gia đình Thành đã lập tức bay từ Mỹ qua khi nghe tin anh đã trở về. Mặc dù An đã cảnh báo từ đầu và khi báo tin Vân cũng đã mô tả tỉ mỉ hiện trạng của anh bây giờ nhưng họ không nén nổi sự thất vọng khi gặp anh mình.

Thành lần lượt nhớ ra từng đứa em mình mặc dù sau ba mươi năm không gặp tất cả mọi người đều thay đổi quá nhiều. Hầu như ai cũng mập ra, riêng Công thì to quá khổ. Ông Đạt tương đối ít thay đổi hơn nhưng cũng phải một lúc lâu sau ông Thành mới nhận ra. Giá như ông Thành không còn nhớ lại một vài kỷ niệm ngày gia đình còn sum họp chắc có lẽ cả sự cam đoan của Vân lẫn của An cũng không làm họ tin tưởng người đàn ông hom hem tật nguyền xấu xí này lại chính là ông anh đẹp trai hào hoa phong nhã của họ ngày nào.

Buổi tối hôm sau nằm trong phòng, Công nói với Đạt:

- Anh năm thấy sao?

- Thấy sao là sao? Ông Đạt hỏi lại.

Công nói.

- Anh hai chớ sao.

- Nhưng anh hai làm sao.

Công nhăn nhó:

- Anh hai sao kỳ quá.

Đạt thở dài:

- Ba mươi năm rồi phải thay đổi chớ.

Công cãi:

- Thay đổi thì đồng ý rồi nhưng sao ngó ảnh cứ ngẩn ngơ gì đâu, như người mất hồn vậy.

Ông Đạt trở mình:

- Rõ ràng chị Vân nói ảnh mất hồn rồi chớ còn gì.

Công nhăn nhó:

- Ngó ảnh kỳ cục quá. Anh cứ lảm nhảm nói một mình, rồi hút thuốc, điếu thuốc gì bự thấy ớn. Rồi ảnh còn phun nước miếng chèm bẹp nữa chớ. Sao hổng thấy giống anh hai chút nào.

Đạt nạt:

- Đừng có nói bậy, hổng phải ảnh sao ảnh nói đúng tên từng đứa, sao ảnh nhớ tên ba má mình, sao ảnh nhớ chuyện hồi ở ngoài Huế.

Công ngồi dậy:

- Em có nói hổng phải ảnh đâu, em nói là nhìn ảnh hổng thấy giống hồi xưa, ý em nói là cái cách sinh hoạt, chớ hổng phải em nói con người. Con người thì mấy mươi năm rồi phải thay ?ổi, như em với chị ba vậy, nhưng mà cái nếp sinh hoạt nó ăn sâu trong con người làm sao mà thay đổi được.

Đạt thở ra:

- Em phải biết là thời gian bị mất trí ảnh ở với người dân tộc cũng bằng thời gian ảnh ở nhà mình đó. Cái nếp sinh hoạt đó có cũng ăn sâu trong tâm hồn ảnh y như lúc ảnh còn sống trong gia đình.

Công thở dài:

- Em hổng biết mai mốt rồi ảnh sống làm sao đây.

Đạt nói:

- Làm sao? Nếu ảnh bằng lòng sống với chị Vân thì để ảnh ở lại đây, còn nếu ảnh muốn đi thì làm giấy tờ cho ảnh đi. Anh đã hơn sáu mươi rồi, đâu có khó khăn gì.

Công nhún vai:

- Đi thì không khó nhưng qua bên đó biết ảnh có thích nghi không hay lại nhảy nhót như người dân tộc nữa.

Đạt la em:

- Nói lung tung, thôi ngủ đi. Ai bắt Công nuôi đâu mà Công phải lo.

Phòng bên kia bà Tuyết và bà Trinh cũng có chuyện tương tự về ông anh yêu qúy của mình.

Bà Trinh lầu bàu:

- Tưởng làm sao, hoá ra chẳng được gì.

Bà Tuyết lườm em:

- Được là được cái gì?

- Ít ra cũng có một ông anh coi được.

Bà Tuyết vặn lại:

- Sao là được sao là không được?

Bà Trinh vùng vằng:

- Ít ra anh hai cũng phải là anh hai chớ, có đâu mà hổng giống chút xíu nào.

Bà Tuyết thở dài:

- Không phải đây là điều mọi người đã biết trước rồi sao?

Bà Trinh ấm ức:

- Thì ai hổng biết vậy, ba mươi năm ai cũng thay đổi chớ. Nhưng mà thay đổi có hạn thôi, sao lại khác biệt quá trời vậy?

Bà Tuyết nhìn em:

- Có nghĩa là Trinh nói đây không phải anh mình?

Bà Trinh không phủ nhận:

- Nếu không phải chính em đi lên gặp chị Ngọc thì em không tin đây là anh hai mình.

Tuyết hỏi lại:

- Đã biết vậy sao còn nghi ngờ gì?

Bà Trinh trăn trở:

- Dẫu biết là vậy mà sao em vẫn không chịu nỗi khi thấy anh hai xuất hiện với bộ dạng đó.

Bà tiếp tục kể lể:

- Chị coi đó, anh hai mình hồi đó phong độ còn hơn ba, lịch sự, chững chạc, sáng láng như gương. Bây giờ chị nhìn coi, hom hem phát ớn, mười phần giống người dân tộc hết chín, đã vậy còn căng tai nữa chớ. Thuốc thì thuốc rê, điếu nào điếu nấy bằng bắp chân, ngồi đâu thì khạc nhổ khọt khẹc tới đó. Thiệt tình không biết làm sao mà Vân chịu nỗi.

Bà Tuyết thở dài, không phải bà không thấy những điều bà Trinh kể. Nhưng đây là thực tế, mà thực tế thì buộc phải chấp nhận thôi. Rõ ràng bà đã mất đi bóng dáng người anh thân thương thuở nọ, trước mắt mọi người ông Thành chỉ còn cái hồn chớ xác đã không còn nữa rồi. Nhưng làm sao mà phủ nhận việc đây là anh mình đây, ngoài những điều mọi người trong gia đình đều biết chỉ có bà là người duy nhất còn nhớ lại những hình ảnh thời hai anh em còn thơ ấu, những kỷ niệm mà chỉ bà với anh hai biết thôi, cả ba má nếu còn sống cũng chẳng thể biết được k? ni?m của anh em họ đừng nói gì đến Trinh hay Đạt. Vân với Công thì đừng có mà tưởng tượng ra, lúc đó họ còn chưa được sinh ra đời. Như hồi hai anh em đi trên con lộ nhỏ gần nhà mệ ngoại, bà Tuy?t bỗng nhiên bỏ tay anh băng qua đường, một chiếc xe đạp gần đó lạng quạng quẹt trúng bà té sưng đầu một cục. Vậy mà khi mệ ngoại hỏi anh hai nói anh hai làm em té nên mệ ngoại đánh anh hai ba roi. Nếu mà anh hai nói thiệt chắc hai anh em bị đòn ghê lắm. Kỷ niệm đó cả nhà ngoài bà ra có ai biết được đâu.

Rồi cái lần anh hai dẫn bà đi chơi, anh hai dặn bà ngồi chờ anh hai đi tiểu một chút, anh hai mới vô gốc cây thì bà đã lon ton chạy ra hồ sen té cái ùm, anh hai lật đật nhảy xuống kéo bà lên, may mà hồi đó cái hồ cạn sợt nên hai anh em chỉ bị một trận đòn thôi chớ nếu cái hồ sâu thì chắc hai anh em kéo nhau đi hết rồi. Vì như vậy nên bà rất thương anh hai. Hồi lúc mới nhìn anh, bà cũng thấy lạ lùng không quen mắt nhưng khi anh gọi tên từng người, kể tên ba mẹ, rồi nhắc lại những kỷ niệm hồi nhỏ thì bà quyết chắc đây chính là người anh thân thương của mình.

Không như bà Trinh nhìn anh hai từ phía ngoài. Điều mà bà Tuyết thương anh đứt ruột là cái ngẩn ngơ của anh hai. Ngoại trừ những lúc nhắc lại kỷ niệm trước đây thì thấy anh vui vẻ, còn lại bà luôn thấy ông Thành đăm đắm suy tư. Tối hôm qua bà len lén nhìn vô căn phòng nhỏ giành cho ông, bà thấy anh hút thuốc mù mịt trong bóng đêm, qua ánh sáng lờ mờ bà thấy anh hai mình ngồi chồm hỗm trên salon, gối cao quá đầu, đúng y hệt kiểu ngồi của người dân tộc từng thấy trong phim. Bà bồi hồi thương cho anh mình, ba mươi năm chung sống lẫn lộn giữa nhiều bộ tộc, cái nết ăn nết ở của những con người còn thiếu văn minh này đã ăn rễ sâu vào tiềm thức ông Thành, để mỗi khi một mình với suy tư, ông lại có những cử chỉ quen thuộc như khi sống trong bản làng. Đó mới là điều bà Tuyết lo ngại nhất. Những thay đổi bên ngoài đối với bà không quan trọng. Da dẻ sau một thời gian sẽ thay đổi, ăn uống đầy đủ cũng làm cho người ta trẻ đẹp lên. Sẹo thì đi mỹ viện phá bỏ, ngay cả việc ông Thành căng tai cũng không có gì phải lo ngại, việc này nếu cố gắng giải quyết cũng dễ dàng thôi. Nhưng cái khó theo bà nghĩ là những tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức ông Thành đến nỗi khó lòng mà gỡ ra khỏi đầu óc ông được. Nếu ông Thành mang những tập tục đó theo gia đình bà qua Mỹ, liệu những thành viên khác trong gia đình có chấp nhận được không? Còn nếu ở lại với Vân, Vân sẽ chịu đựng được anh ấy đến bao giờ đây?. Sự khác biệt quá đỗi sẽ làm cho Vân ngày một mệt mõi, sao mà Vân có thể gánh vác nỗi đây? Liệu Vân có chấp nhận nỗi một người chồng thô kệch, hom hem đau yếu như thế sau ba mươi mốt năm chờ đợi mõi mòn không? Có quá không công bằng khi giao lại một gánh nặng như thế cho Vân hay không?

Bà Tuyết lại nghĩ: Thế chẳng lẽ lại trả anh hai về nơi anh đã đến. Thật là vô lý khi đã mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để làm cho được việc này rồi sau đó lại buông xuôi. Còn có đạo lý nào nữa không chứ? Thà là như trước đây họ không hề biết chút tin tức nào còn được, nay anh hai đã về mà lại để anh đi thì còn mặt mũi đâu mà gặp ba má dưới suối vàng. Chẳng phải cái mong ước anh hai quay về là ước nguyện sau cùng trước ngày ba má nhắm mắt xuôi tay đó hay sao? Đó cũng chẳng phải là niềm mong nhớ của bao nhiêu con người đây sao? Vậy thì tại làm sao có thể hững hờ với anh hai được. Làm sao có thể bỏ mặc anh trong đám người xô bồ đó được?

Bà Tuyết lại xót xa khi nghĩ đến con cháu ông Thành, những con người gọi bà bằng cô ruột, bằng bà. Mặt mũi họ thế nào, cuộc sống họ ra sao? An đã khéo léo nói riêng cho bà biết những điều này, cô tránh không để ông Thành nhớ lại phần ký ức đau buồn đó, An sợ sẽ làm xáo trộn khoảng đời phía trước của ông.

Nhưng hình như mọi nỗ lực của An không được ông Thành chấp nhận, đoạn phim dĩ vãng từ trước khi có tiếng nổ oan nghiệt đó ông đã nhớ lại gần hết mà khúc phim cuối cứ lẩn quẩn trong đâu ông không thôi. Ông nhớ mang máng hình như sau đó ông thấy mình nằm trên mặt đất, rồi sau đó có người khiêng ông đi, đến một đoạn nào hình như họ vất ông xuống, rồi thôi … ông không nhớ được gì tiếp.

Lần đầu tiên soi gương trở lại, ông bàng hoàng khi nhìn thấy mình, ai mà lạ hoắc lạ huơ thế này, nhưng bà An đã trấn tỉnh ông, bà nói lâu quá anh không coi lại chớ anh nhìn nè, An cũng già ngắc già ngơ, xấu xí nhăn nheo chớ có giống hồi trẻ đâu. Rồi ông cũng thấy là An nói đúng. Mấy đứa em ông bên Mỹ qua đây đâu có đứa nào giống như hồi xưa đâu. Con Trinh với thằng Đạt thì ngó còn tạm tạm chớ Tuyết với Công thì không thể nào nhận ra, nhất là Công. Chỉ có Vân là không thấy đổi khác gì, chỉ già đi thôi. Nhưng sao trong lòng ông bỗng như nguội lạnh, Vân xinh đẹp như vậy, sang trọng như vậy mà nhìn l?i ông thì ông không giống ai trong cái nhà này hết. Không hiểu ba mươi năm qua ông đã làm gì mà thay đổi nhiều đến mức không thể nhận ra chính mình. Có một cái gì đó rung rinh trong trái tim ông khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên gương mặt xinh đẹp của Vân nhưng sao ông vẫn thấy có một bức tường ngăn ông lại, hình như bây giờ Vân đối với ông cũng chỉ như An thôi, một người bạn tốt. Đâu rồi cái mối tình nồng nàn ngày xưa ông trao tặng cho Vân, đâu rồi cái cảm giác sung sướng mãn nguyện khi nhìn thấy Vân cười, ôm Vân trong vòng tay rộng. Sao đầu óc ông cứ trống không thế này, một câu nói tình cảm cho Vân ông cũng không thể nào ra miệng. Như có cái gì kềm giữ trái tim ông, như có cái gì buộc chặt chân ông không rút ra được, có cái gì loanh quanh lẩn quẩn trong đầu óc ông, làm hoang mang hoảng loạn một cách nhẹ nhàng nhưng bám mãi không rời. Ông cố gắng nhớ lại khoảng thời gian trước đây của mình nhưng sao mà khó quá. Người ta bảo ông hãy quên đi, hãy sống với những gì mình nhớ được, còn những gì đã không nhớ nỗi thì bỏ mặc nó, không cần phải đào xới, bươi móc nó lên làm gì. Nhưng sao lòng ông vẫn thấy rộn ràng khi chiều xuống, vẫn thèm nghe một âm thanh nào đó, vẫn muốn hít thở cái khí trời trong lành nào đó chớ không phải mà những âm thanh ồn ào gào rít quanh ông như hiện nay, không phải là cái không khí nặc mùi xăng xe và bụi mù tung toé như hiện nay. Ông thèm được thở và cảm thấy ngột ngạc với cái không khí gò bó có tiếng máy lạnh chạy rì rì này. Ông muốn làm một cử chỉ gì đó cho thoả mãn gân cốt tay chân mà sao sợ người khác nhìn ông bằng đôi con mắt thương hại. Tại sao Vân cứ len lén chùi nước mắt khi nhìn thấy ông làm một cử chỉ quen thuộc nào đó của ông? Tại sao mỗi sáng thức dậy ông lại nhìn thấy hai mắt Vân mọng nước và những cái lắc đầu tuyệt vọng của An. Ông đã làm điều gì sai trái mà những người thân quanh ông phải cố gắng như thế. Ông mệt mõi và tuyệt vọng. Hình như có cái gì đó nhầm lẫn ở đây. Hình như ông hay ai đó đã làm điều gì không phải. Tại sao không ai nói cho ông biết, tại sao mọi người đều như có vẻ nỗ lực gồng gánh một điều gì đó, tại sao ông có cảm giác như mình đem lại sự phiền muộn cho mọi người trong gia đình như thế này.

Có lúc ông hỏi bà An:

- Có cái gì sao giống như mọi người giấu anh vậy?

Bà An cười vui vẻ:

- Anh mới về nên thấy lạ đó thôi, An thấy bình thường mà.

Ông lại hỏi:

- Em có biết trước đây có chuyện gì xảy ra với anh không?

Bà An ngơ ngác:

- Anh đi xa quá em có biết gì đâu mà.

Ông Thành nghi ngờ:

- Vậy sao em biết anh ở đâu mà tìm.

An cười xòa:

- Trời ơi, dễ ợt. Từ khi chị Ngọc chỉ, em hỏi thăm lần lần là tới mà.

Rồi bà cười khích lệ:

- Anh nhớ được khá nhiều rồi đó, không bao lâu nữa anh lại thấy thoải mái như em thôi mà.

Ông Thành nửa tin nửa ngờ, rõ là ông đang cố sức trở lại cuộc sống bình thường trước đây, ông muốn vui vẻ như tất cả mọi người nhưng sao trong trái tim ông có một cái gì đó hối thúc, có một cái gì đó nhắc nhở ông đừng quên điều mơ hồ sâu thẳm nào mà ông không hề biết được.

Ba tuần lễ trôi qua, những người từ Mỹ về đã trở lại nơi họ bắt đầu đi. Trước khi đi bà Tuyết nước mắt ngắn dài dặn anh phải giữ gìn sức khoẻ. Ông Đạt tràn ngập suy tư, ông dặn anh hai có cần bất cứ chuyện gì thì gọi điện cho ông. Trinh và Công thì rươm rướm nước mắt. Mọi người ai cũng ngậm ngùi trong buổi chia ly.

Còn lại một mình ở nhà với Vân, ông Thành cảm thấy mình thừa thải trong ngôi nhà sang trọng này. Bà Vân đã đi làm trở lại cùng với bà An, buổi trưa hai người về quay quần cơm nước với ông Thành. Buổi tối mỗi người một phòng, đăm đắm với những suy tư của mình.

Bà Vân đã nhiều lần nhắc ông Thành xuống phố đi dạo, ông cũng đã từng thử nhưng sao thấy mình lạc lỏng quá. Xã hội tiến bộ ào ạt khiến ông không theo kịp, ông ngỡ ngàng trước mọi công cụ hiện đại văn minh như máy tính, di động, xe cộ ồn ào inh ỏi làm tai ông đau buốt, mắt ông cứ như bị nhập nhoè vì sự chuyển động không ngừng.

Trong nhà cũng không làm ông thoải mái hơn, sao vẫn là những vật dụng trước đây ông đã từng dùng qua nhưng sao bây giờ ông cảm thấy nó xa lạ thế nào. Cái quạt trần quay chóng cả mặt, nền nhà thì trơn tuột như thoa mỡ, máy lạnh xả ra cái không khí ậm ừ gai gai khó chịu cả người. Cái vòi nước nóng lạnh trong nhà tắm thì chểnh đi một tí đã muốn luộc chín ông rồi. Còn thêm cái bàn cầu làm ông bực bội, chẳng thoải mái tí nào, thà ngồi dưới đất còn hơn.

Đã vậy trong bữa ăn ông còn lúng túng với bao nhiêu là muỗng, nỉa, dao, đũa. Những thứ này trước đây vốn không xa lạ gì nhưng sao bây giờ lại gây phiền toái cho ông. Đôi khi ông muốn vứt bỏ hết mọi ràng buộc không đáng có này, tâm tư ông muốn thoát đi, muốn bay bỗng về chốn đại ngàn nào đó, thèm được nghe một tiếng chim hót, thèm được thò bàn tay bốc mớ thức ăn, thèm được hú lên những tiếng hú nở tung buồng phổi, uốn éo vặn vẹo người trong những âm điệu chập chùng.

Một lần bà An đang làm việc bỗng thấy người mệt mõi, bà nhắn lại cho Vân rồi quay về nhà. Tưởng ông Thành ngủ, bà nhẹ nhàng đi vào phòng riêng của mình. Nằm một lúc bà nghe có âm thanh rất lạ bên ngoài. Rón rén bà An hé hé cửa nhìn ra. Một cảnh tượng làm bà hoảng hốt, ông Thành trong bộ dạng rất kỳ quái qùy giữa hành lang, cởi trần, hai tay nâng cao quá đầu, mắt nhắm lại lắc lư như người lên đồng. Một lúc ông đứng dậy, quay cuồng theo một sự điều khiển nào đó, hai tay gõ vào chiếc trống trẻ con không biết nhặt được ở đâu, mắt vẫn nhắm hờ như xuất thần.

Bà An khép cửa lại, lặng người đi không dám gây ra một tiếng động nào.

Đêm đó bà An không ngủ được, bà trằn trọc thức cho tới sáng. Đó là lần đầu tiên trong đời bà mất ngủ, đầu óc bà luôn quay cuồng bỡi hình ảnh nhảy múa của ông Thành. Bà đã làm điều gì sai rồi, có phải chuyện bà đưa ông Thành về đây đã vượt quá khả năng chịu đựng của ông, đã làm cho con người ông trở nên điên loạn. Hay cái không khí xô bồ của đất Sài gòn không còn là nơi yên ổn cho ông trú ẩn nữa rồi.

Sáng hôm sau bà An bảo với Vân bà cần về nhà mấy hôm. Nhìn vẻ mặt tiều tụy vì mất ngủ của An, Vân hoảng sợ định đem bạn đến bệnh viện. An từ chối, bà biết rõ trạng thái tinh thần của mình, bà cần về nhà, cần có sự động viên, lời khuyên đứng đắn của chồng. Bao giờ cũng vậy, ông Bình là người giúp bà quyết định những vấn đề quan trọng.

Buổi tối đó, khi lên giường nằm, bà An kể hết mọi việc cho chồng nghe. Bà không quên nhấn mạnh rằng bà đã chịu một ấn tượng rất mạnh khi nhìn thấy ông Thành trong tư thế cầu hồn của người dân tộc. Bà cũng nói lên nỗi xót xa của Vân khi Thành hờ hững coi Vân như người bạn. Vừa kể vừa thút thít, bà An hỉ mũi roèn roẹt như trẻ con.

Ông Bình im lặng nghe vợ kể, thỉnh thoảng ông hỏi thêm vài câu. Sau một hồi suy nghĩ khá lâu, ông mới hỏi:

- Như vậy là cho tới nay anh Thành vẫn không nhớ được đoạn thời gian sau này.

Bà An gật đầu, ông Bình gặng lại:

- Một chút cũng không à?

An trả lời:

- Anh nói ráng lắm là ảnh chỉ nhớ được chuyện họ khiêng ảnh đi rồi ném xuống đất ở đâu đó thôi.

Ông Bình hỏi tiếp:

- Còn em với Vân thì giấu biệt đoạn sau này.

An gật đầu:

- Em không muốn cho ảnh nhớ lại cái quá khứ đau buồn đó.

Bình gật gù:

- Anh hiểu rồi. Sai lầm là ở chỗ đó.

An phản đối:

- Không lẽ em phải kể hết cho ảnh nhớ.

Bình giữ nguyên lập trường:

- Không sai. Đáng ra em và chị Vân phải đưa ảnh đến từng nơi, giúp ảnh phục hồi lại hoàn toàn quá khứ của ảnh.

Bình giảng giải:

- Em biết không. Bấy lâu nay ảnh như người đi trong sương mù, không biết hướng nào mà lần. Khi quay lại quá khứ thì lập tức quên mất hiện tại. Mọi người cứ tưởng như thế là ảnh sẽ thích nghi trở lại với cuộc sống trước kia. Nhưng mọi người quên rằng ảnh đã sống không chỉ một năm, mà là ba mươi mốt năm, một đoạn đường bằng đúng quãng đời trước đây của ảnh. Vậy thì những điều trong thời gian đó tuy rằng ảnh không nhớ được nhưng thực tế nó đã ăn sâu vào tâm linh của anh ấy, trở thành một phản xạ có điều kiện. Em có nhớ khi còn ở buôn làng ảnh đã từng hái lá thuốc uống không? Vì sao, đó là vì hồi còn nhỏ ảnh sống trong vườn thuốc Nam, nên sau này khi nhìn thấy lá thuốc đó, cho dù ảnh không nhớ được gì ảnh cũng vẫn biết hái nó để trị bệnh, đó cũng là một phản xạ.

Ngừng một lát ông lại nói:

- Bây giờ cũng vậy, tuy mọi người giấu không nói cho anh Thành biết ảnh đã qua một giai đoạn như thế nào nhưng khi ảnh nhìn mình trong gương, tự nhiên ảnh cảm thấy ảnh là cái gì đó lạc lỏng với mọi người. Nghe một tiếng chim hót là ảnh cũng thèm được trở về chốn núi rừng, đánh một tiếng trống lên là đủ để anh ấy nhớ lại điệu múa mà ảnh đã từng múa ba mươi năm trời.

Thở một hơi dài, ông nói tiếp:

- Anh biết em rất thương Vân, em nhìn anh ấy dưới góc độ một người thân của bạn em nhưng sao em không nhìn anh ấy dưới con mắt của một người đi đường. Em giấu không muốn cho anh ấy biết quá khứ vì em sợ anh ấy ra đi bỏ lại Vân của em cô độc. Nhưng thật ra bây giờ chính anh ấy đang rất cô độc. Em đã vô tình nhốt anh ấy vào cái nhà tù sang trọng của em, bắt anh ấy đồng hoá với môi trường, với cái suy nghĩ của em, giết dần giết mòn con người anh ấy. Mà không chỉ riêng anh ấy khổ, em thấy không, cả em cũng khổ, chị Vân còn khổ hơn, mà cả gia đình anh ấy cũng chẳng sung sướng gì. Tất cả mọi người cùng nhau che giấu cái quá khứ đó rồi cùng nhau tự hành hạ, tự dằn vặt mình, tự làm cho mình thấy con người mình sao đáng thương hại quá. Sao mọi người không nghĩ rằng khi anh Thành nhận thấy rằng họ đang đổ dồn sự thương hại lên con người ảnh là khi đó ảnh sẽ không dồn nén được, sẽ bức phá để thoát ra khỏi cái gọng cùm thương hại đó.

Bà An trở mình:

- Không lẽ em lại một lần nữa xô anh Thành ra khỏi cuộc đời Vân.

Ông Bình nắm tay vợ:

- Anh đã biết là em chỉ toàn tâm toàn ý lo cho Vân thôi nên em không nghĩ đến người khác. Nhưng em thử nghĩ coi, bao lâu nay Vân có được hạnh phúc như em nghĩ không. Hay chỉ là những tháng ngày ảm đạm, anh nghĩ rằng sự buồn khổ trong Vân hiện nay còn lớn hơn cả lúc anh Thành chưa về. Em thử tưởng tượng coi Vân đau đớn như thế nào nếu Vân hiểu được rằng anh Thành đã không còn coi Vân như người yêu nữa mà trong trái tim anh bây giờ đang khắc khoải về hình bóng người vợ đã chết của anh. Em phải hiểu. Vân đối với anh Thành chỉ là tình yêu, trong khi đó với H'Mai anh Thành là nghĩa vợ chồng. Anh cho rằng ngày đó anh Thành đã rất yêu H'Mai nên mới dám bỏ bản làng dắt nhau ra đi. Vậy thì trong trái tim anh Thành hiện nay làm gì có chỗ cho Vân mà em giữ. Chẳng qua vì anh Thành hiện nay chưa tự phục hồi được trí nhớ nên anh ấy phải chịu ở lại trong nhà Vân thôi. Anh tin chắc khi có cơ hội gì đó xuất hiện, khi trong tâm hồn anh ấy bắt gặp một sự kiện gì có khả năng thôi thúc làm cho anh ấy chợt nhớ lại, anh ấy lại tiếp tục ra đi lần nữa. Lúc đó mọi công sức của em coi như đổ sông đổ biển. Đừng nói là đi tìm ảnh lần nữa mà cho rằng có tìm được ảnh cũng không chịu quay về là khác.

Bà An bàng hoàng:

- Vậy bây giờ em phải làm sao?

Ông Bình rắn giọng:

- Ai buộc thì người đó phải mở. Em chớ không phải là ai khác phải đích thân làm chuyện này.

Bà An không trả lời. Bà thầm nghĩ có lẽ lời ông Bình là đúng, mọi cố gắng của bà trước đây đều không giúp ích gì cho bà Vân mà càng làm cho Vân ngày càng héo hon hơn nữa. Nếu đúng như lời Bình nói, trái tim Thành đã không còn chỗ cho Vân nữa rồi. Ba mươi mốt năm lăn lộn hết buôn này sang bản khác, con người Thành đã quá quen với sự vật thiên nhiên, con người hoang dã rồi. Thành đâu còn có thể thích nghi được với một cuộc sống sang trọng hào nhoáng, một bầu không khí ồn ào náo nhiệt nữa. Chỗ của anh thực sự là chốn rừng xanh núi thẳm, nơi mà hằng ngày anh mang gùi lấy lá thuốc, nấu cơm trong ống tre, vốc tay uống nước suối. Anh đã quen với chiếc khố trên mình,với những ngón chân bám chặt vào đất bùn. Bây giờ anh làm sao sơ mi cà vạt, mang giày đi dạo phố được. Sáu mươi hai năm cuộc đời trôi qua thì cuộc sống hoang dã đã chiếm của anh đúng phân nửa, mà lại là những năm tháng chính chắn của con người. Anh đã căng tai, đeo vòng đồng, đã hút những điếu thuốc rê to bằng ngón chân cái, lỗ tai anh đã quen với tiếng hót của chim, tiếng nước róc rách của suối, tiếng trống bập bùng trong ngày lễ hội , tiếng cầu hồn của bản làng, thân xác anh đã quay cuồng trong những điệu múa ngày mùa, đã quen ăn những bánh piêng puh , piêng thing của người Chơ ro, đã quen cày cuốc với các nương các rẫy của người Ba na, đeo gùi, khoác gậy chọc lỗ của người Châu Mạ thì làm sao có thể một sớm một chiều tách rời anh ra cho được.

Nhưng bây giờ trả anh lại với thế giới của anh liệu có quá nhẫn tâm không? Vân sẽ như thế nào đây, và Thành cũng sẽ như thế nào. Gia đình anh ai cũng giàu có vượt bậc làm sao có thể để anh mình bơ vơ nơi đất khách quê người với sự thiếu thốn của một nền kinh tế kém phát triển ở các bản làng. Con anh cũng không phải là đứa tốt lành gì, hai mươi mấy tuổi đầu mà ngã nghiêng uống rượu, suốt ngày gào thét đòi cưới vợ. Đứa con gái lấy chồng rồi xem ra cũng thiếu thốn chật vật đủ điều, nhìn cháu ngoại Thành lấm lem bùn đất thì cũng đã hiểu rồi. Mà Thành thì đâu còn trẻ nữa, sức anh còn được mấy hơi mà kiếm ra tiền. Vân có nỡ lòng nhìn Thành xơ xác đói khổ hay không? Ôi sao chỉ nghĩ đến họ mà An nhức cả đầu. Chỉ vì người dính líu trong chuyện này là Vân mà An phải khổ sở tâm trí như vậy thôi. Chớ nếu không ấy hả? An mặc kệ. Kệ cho người nhà họ tha hồ mà đi tìm, tha hồ mà đối phó. Mặc kệ ông Thành có tỉnh táo hay điên khùng An cũng chẳng thèm quan tâm, hơi sức đâu mà để ý chớ. Tất cả chỉ vì An thương Vân mà nên nỗi này. Vậy mà bây giờ anh Bình biểu An phải giải quyết cho ra đầu ra đũa. Giải quyết xong rồi thì Vân sẽ ra sao đây? Nó đã chờ đợi suốt ba mươi năm, tốn bao nhiêu công sức tiền bạc để đem Thành về, rồi bây giờ An lại đưa Thành trở lại cái nơi khỉ ho cò gáy đó, kể hết cho Thành nghe mọi tuồng tích xảy ra trong đời anh để anh lại quay trở lại với người vợ quá cố của anh, với đứa con trai hư hỏng, đứa con gái nghèo túng và 2 đứa nhóc cháu ngoại bẩn ghê gớm. Biết vậy thì đi kiếm làm gì cho vất vả không biết. Thà cứ để yên cho anh sống yên lành, còn Vân thì cứ chờ người trong mộng như ba mươi năm trước có phải hay hơn không.

Mấy hôm sau An về Sài Gòn, buồn rầu bà kể hết cho Vân nghe mọi nhận xét của Bình. Vân khóc sụt sùi:

- Bây giờ An tính sao?

Bà An thở dài:

- Câu đó đáng là An hỏi Vân mới phải.

Bà Vân tan nát cõi lòng. Cái điều mà bà sợ hãi nhất đã được An nhắc đến. Thành đã quên mất bà, trong trái tim Thành bà đã không còn chỗ đứng nào nữa cả. Ba mươi mốt năm qua con tạo xoay vần đưa Thành vào những môi trường sống khác biệt, đã khiến trái tim Thành quay đi hướng nào mà bà không tìm nỗi lối vào. Thành bây giờ chỉ như người quen biết, không hề tỏ ra mối quan tâm nào đến bà, mặc dù ông vẫn nhớ Vân đã từng là người vợ chưa cưới của mình, vẫn nhận ra Vân sớm nhất trong những người mà ông nhớ được. Nhưng như Bình đã nói, trái tim anh đã không còn chung một nhịp đập với Vân nữa rồi. Con người anh đã không thể hòa nhập được với cuộc sống xô bồ này, hoà nhập được với những con người trông thì như quen biết mà thực ra rất lạ lẫm này. Phải trả anh về với núi rừng, phải để anh nghe lại tiếng chim hót trên đồi cao, chân anh lại trần trụi bám đất bùn để hái từng nắm lá thuốc vất vào gùi sau lưng, phải để anh hú lại tiếng hú thiên nhiên gần gũi, ca hát nhịp nhàng xoay vòng bên ngọn lửa như những người dân tộc khác trong buôn. Phải để anh tiếp tục làm lễ tế thần rừng, lễ cầu mùa, lễ gieo hạt, đọc những bài kinh siêu độ người qua đời. Như vậy mới thực sự là cuộc sống của anh, mới là niềm vui, là sức mạnh của anh.

Bà An lạ lùng nhìn Vân, đâu rồi cái vẻ thông minh quyết đoán của một bà Giám đốc. Tình yêu hành hạ con người ta đến tột cùng, từ ngày biết được chút manh mối của Thành cho đến nay, Vân chưa bao giờ tỏ ra sáng suốt, bà như bị mụ mị lạc lối trong sương mù. Suốt thời gian kiếm tìm Thành, chưa bao giờ Vân có một suy nghĩ, một quyết định nào đứng đắn. Cứ giống như cành liễu trong cơn bão, ngã quặt quẹo theo chiều gió, chấp nhận cho mọi sự khắc nghiệt của cuộc đời. Không, Vân của bà không phải là người như thế. Bà phải đem Vân trở lại con người thông minh lịch sự thanh nhã, một phụ nữ qúy phái sang trọng thông thạo 3,4 ngoại ngữ như trước kia, không thể để Vân cứ mãi u mê trong tình cảm như thế này được. Bà chợt nghĩ đến điều chồng mình nhắc nhở: "Em xem bấy lâu nay Vân có được hạnh phúc như em mong muốn không, hay chỉ là những ngày tháng buồn rầu ảm đạm". Có lẽ bà phải quyết định như Bình thôi, khối u này cần phải giải phẫu một lần cho dứt, dù đau đớn nhưng sẽ không kéo dài trong những tháng ngày còn lại. Thành phải biết rõ sự thật, anh phải trở về với con người của anh. Anh phải nhớ lại tất cả mọi việc đã xảy đến với anh, không thể để anh cứ như người mù, lạc vào hết chốn sương khói này đến vùng sương khói khác.

An mím môi:

- An quyết định đây. An không thể để Vân cứ mãi như thế này được. Hãy cứ coi như người đàn ông này không phải là Thành, trả ông ta về với núi rừng của ông ta. Coi như chúng ta đã tìm nhầm người trong suốt hai năm nay. Anh Thành đã chết rồi.

Vân khóc lã người đi, bà không thể nào chấp nhận điều đó:

- Không đâu An. Đừng như thế.

An suy nghĩ thêm một lúc. Bà đổi ý:

- Vậy thì ông ta sẽ tự mình quyết định. Đi hay ở là việc của ông ta. Nếu ông ấy chọn con đường ra đi thì Vân phải chịu thôi.

Vân lau nước mắt. Bà đồng ý:

- Tùy An quyết định.

Tối hôm đó An qua căn phòng nhỏ mà mọi người dành cho Thành. Trong phòng khét lẹt mùi khói thuốc, chị người làm đã than phiền với An là ông khách này chẳng lịch sự chút nào, phun nước bọt khắp sàn, thuốc rê hút xong còn tàn thì không bỏ vào gạt tàn mà dán vào tường. Nhà vệ sinh thì đầy dấu chân trên bồn cầu, xà bông, kem đánh răng thì toe toét mọi chỗ. An đã bảo chị hãy lo làm tốt việc nhà đi chớ đừng có than phiền gì cả. Chị nói nhiều có khi chính chị lại phải đi ra khỏi nhà này cũng nên. Kiểu nói này làm cho chị người làm rất ấm ức, có lẽ mấy hôm nay giận không thèm dọn dẹp phòng này nên An thấy sàn nhà đầy rác.

An gọi:

- Anh Thành cho em gặp.

Thành từ trong gường đi ra, ông hỏi:

- Gì đó An.

An thong thả đến ngồi trên salon:

- Em muốn bàn chuyện này với anh.

Thành hững hờ:

- Gì vậy.

Bà An cười:

- Thì anh cứ ngồi xuống đây đi.

Thành ngồi xuống salon. Ông nói:

- An nói đi.

Bà An mân mê gạt tàn trên tay, một lát bà hỏi:

- Anh luôn muốn biết trong thời gian hơn ba mươi năm qua anh đã làm gì phải không?

Thành ưu tư:

- An cũng biết mà.

Bà An thở hắt ra:

- Ngày mai anh đi với em.

- Đi đâu?

Bà An nói chậm từng tiếng:

- Đi dến những nơi mà trước đây anh đã từng sống ở đó. Em tin rằng khi anh gặp lại những người quen cũ, thấy lại cảnh vật ngày xưa, anh sẽ nhớ lại từng chi tiết mà anh muốn biết.

Ông Thành hoài nghi:

- An quen với những người đó sao?

Bà An lại thở ra:

- Nếu em không tìm được họ thì sao em tìm được anh?

Ông Thành có vẻ phấn khởi:

- Vậy được. Ngày mai đi phải không?

Bà An gật đầu:

- Ngày mai em với anh đi thôi. Để Vân ở lại nhà. Anh lo thu xếp quần áo hành lý rồi ngủ sớm đi.

Nói xong bà đứng dậy ra về, không để cho ông Thành có ý kiến gì.

Hôm sau hai người đón xe đò đi. Vân đòi đi theo nhưng An nhất định cản bà lại, An không muốn Vân phải đau lòng. An gọi điện dặn Ngọc lên nhà Lý để chuẩn bị việc mời Kva Đăng đến chơi, dặn Ngọc chuẩn bị xe cho bà dùng trong thời gian đi cùng ông Thành.

Tới nhà Ngọc, An lấy xe chở Thành lên ngã ba, nơi người ta khiêng Thành đến đó rồi ném xuống. Thành lạ lẫm:

- Chỗ này sao cũng thấy hơi quen quen.

An chở ông vào gặp ông già ngày xưa từng cứu Thành. Ngơ ngẩn một lúc rồi hai người cũng nhận ra nhau. Thành rối rít cảm ơn sự quan tâm của người đàn ông xa lạ đó. Ông già khoác tay:

- Ơn nghĩa chi đâu, mà có thì mợ cũng đã trả cho tui rồi, cậu khỏi lo.

Thành bồi hồi nhớ lại những ngày anh đau đớn vì vết thương vùng bụng, cũng may Thành tìm được mấy thuốc lá quen thuộc uống giảm đau, nhưng anh bị rét run mà trong chòi thì không có đủ chăn ấm. Anh bàng hoàng nhớ lại ngày hôm đó khi thấy chiếc xe trâu phủ đầy rơm anh đã leo lên nằm cuộn tròn cho đỡ lạnh, không ngờ chiếc xe định mệnh đó đã mang anh đi vào nơi xa lạ suốt ba mươi năm trời.

Ông già than thở:

- Phải hồi đó tui hỏi cậu ở đâu, cậu nói để tui đưa về là đỡ khổ biết bao nhiêu.

An đỡ lời:

- Lúc đó anh con có nhớ được gì đâu bác.

Ông già lắc đầu:

- Cơ khổ không. Thôi biết sao bây giờ, âu cũng là số mạng.

An chở lại Thành ra ngã ba, Thành chỉ cho An thấy cái gốc cây to lớn anh trốn vào đó cho đỡ lạnh, nơi chiếc xe trâu đậu có đầy rơm, rồi anh lên xe cuộn mình trong rơm cho đến lúc có người phát hiện.

Hai người lại tiếp tục lên nhà bà Lý. Kva Đăng đã chờ sẵn ở đó. Kva Đăng dòm tới dòn lui Thành:

- Phải mày hông Kăng, sao bữa này mày giống tao hung nghen, không giống người Kinh nữa rồi.

Lúc Kva Đăng nhắc lại những kỷ niệm lúc chiến tranh, khi má Thành bị một mảnh đạn sượt vào thì Thành mới nhớ lại người bạn dân tộc đầu tiên của mình, người đã che chở anh trong quãng đời bom đạn, đã chia nhau từng củ khoai, đọt bí. Kva Đăng cũng là người đứng ra trước bộ đội nhận anh là người trong buôn làng, giúp anh vượt qua những khó khăn thời đó. Hai người nói chuyện vui vẻ, bằng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Châu Mạ, lâu lâu lại có sự giúp đỡ của bà Lý.

Đăng hỏi:

- Sau đó mày đi đâu mất tiêu, để lại cho tao bộ đồ với đôi giày.

Thành đáp:

- Tao làm cỏ một hồi rồi rượt theo con chồn, chạy đã đời không biết đường đâu mà về nương mình. Tao đi tới nữa thì thấy có con lộ. Đi hoài thì thấy dẫn qua một buôn khác. Tao đói quá nên nhổ mì nướng ăn. Mấy người trong buôn thấy tao vậy, họ hỏi gì tao cũng không biết nên cho tao ở lại.

Đăng hỏi:

- Mầy ở đó lâu không?

Thành trả lời:

- Tao ở được hơn hai cái lễ cúng thần lúa, họ cho tao ở trong cái chòi một mình, tao đi làm đồng với họ, săn thú rồi hái lá thuốc cho họ uống.

Đăng hỏi:

- Rồi mày đi đâu nữa.

Thành nhớ lại:

- Năm đó nhiều người sốt rét chết quá, thuốc tao cho họ uống không linh nữa, thầy mo cúng cũng không được. Giàng bắt người mình nhiều quá nên cả buôn xúm nhau đốt làng bỏ đi.

Người nhà bà Lý đã đem ra một mâm cơm. Hai người đàn ông vui vẻ uống với nhau một bữa say mèm. Đêm đó họ ngủ lại nhà bà Lý. Bà Lý hỏi An:

- Bây giờ còn đưa ổng đi đâu nữa.

Bà An nửa thật nửa đùa:

- Ổng còn muốn thăm ai thì cho ổng thăm thoải mái.

Bà Lý gật gù:

- Ổng bây giờ sướng rồi.

Bà An định nói nhưng lại thôi, kệ Lý muốn nghĩ gì cũng được, làm sao mà biết ai sướng ai khổ đây chớ.

Để ông Thành đi vào bản chơi với Kva Đăng hai hôm nữa rồi bà An lại tiếp tục đưa ông Thành đi. Lần nay bà đưa ông đến thẳng Lộc Châu, nơi chỉ có một nhóm nhỏ người Chơ ro sinh sống. Người đầu tiên bà An đưa ông Thành đến gặp là già làng. Ông già gần đất xa trời này thấy Thành thì mừng lắm. Họ nói với nhau bằng cái tiếng gì bà An chịu chết. Bà thong thả đi vòng quanh khu dân cư, nói chuyện làm quen với những em bé lấm lem nghịch đất, học vài câu tiếng bản xứ và mời vài người phụ nữ dùng những thỏi sô cô la mà bà đã chuẩn bị sẵn trước lúc lên đường.

Ông Thành báo cho bà biết ông sẽ ở lại đây vài hôm, bà An lo ngại ông sẽ gặp H'Bao, người tình địch cũ nhưng ông Thành bảo bà yên tâm. Chuyện xưa rồi H'Bao cũng không gây sự mãi làm gì, vả lại H'Mai đã chết rồi.

Bà An về nhà rồi ông Thành một mình đi vào buôn. Bây giờ ông đã nhớ gần hết câu chuyện cuộc đời ông. Theo buôn làng đi từ vùng đất cũ lên đây, đầu tiên họ đến một ngọn thác hùng vĩ trong rừng sâu, nhưng trong đó có nhiều bản làng khác và những người cũ không thích chung sống hoà bình với những người Chơ ro vừa đến. Một đôi lần đã xảy ra những trận đánh nhau ác liệt của buôn nọ với buôn kia. Già làng H'Ré thấy vậy lại một lần nữa di dân lên ngọn thác bảy tầng phía trên cao. Ở đây khí hậu tốt, chim chóc nhiều và thú rừng thì vô kể. Ở đây cũng là nơi Thành quen H'Mai, cô gái có nước da đen giòn và nụ cười tươi tắn. Thật ra H'Mai là người Chơ ro trong bản, nhưng trước đây cô còn nhỏ, mà Thành thì luôn bị mặc cảm nên ít khi giao tiếp với mọi người. Một lần H'Mai bị nước suối cuốn đi. Thành nhảy vội ra kéo lại nên từ đó hai người quen nhau. Cũng từ đó Thành luôn bị đám thanh niên trong bản để ý gây gỗ, vì ý họ cho rằng con gái trong bản không thể thân thiết với người từ xa đến, một tập tục mang tính phân biệt mà hiện nay một số làng , kể cả người Kinh cũng còn xuất hiện trong các nơi miền quê hẻo lánh. Lúc đó Thành không biết mình là ai ngoài cái tên H'Reng già làng đặt cho, anh nhớ mang máng trước đây mình là Kva Kăng hoặc là cái gì đó không biết. Nhưng anh thực sự xúc động trước đôi mắt to tròn cuốn hút của cô gái trẻ H'Mai, một bông hoa rừng mới nở của buôn làng Chơ Ro, trung tâm cuốn hút tiếng đàn ống của thanh niên trong bản, và hơn nữa là người mà con trai thầy mo quan tâm đến.

Khi bản làng của người Buđăng thuộc dân tộc Mnông di chuyển đến ngọn thác này đã xảy ra cuộc chiến đấu giành nương rẫy, người Chơ ro ít hơn, lại phần đông là phụ nữ và trẻ em nên già H'Ré lại lần nữa dắt họ ra đi. Đi mãi, đi mãi họ lại ngược về vùng đất cũ, nhưng lần này họ không ở thác sâu nữa mà lần mò ra phía ngoài, gần người Kinh hơn. Họ học nói tiếng Kinh, điều này đối với Thành quá dễ dàng nên anh trở thành cầu nối tiếp xúc với họ. Lộc Châu là một vùng đất nhỏ gần cầu Đại Lào, là một vùng hẻo lánh nên dân chúng gần gũi với nhau. Thành như một nhịp cầu nối giữa người Kinh và Thượng. Làng Cho Ro sống ở đây từ đó đến bây giờ nhưng Thành đã không thể ở lại lâu như họ, anh đã ra đi, không phải đi một mình như những lần trước mà lần này còn có H'Mai. Cô gái xinh đẹp đã nhiều năm liền gần gũi bên anh trên nương trong rẫy, uống chung một ngọn suối, ăn cùng một củ khoai. Mấy năm dài họ đã lén lút trao gửi tình cảm cho nhau. Lén lút vì H'Mai là trung tâm điểm của nhiều thanh niên, lén lút vì H'Bao con trai thầy Mo H'Mạ đã chính thức đến gia đình nhà gái.

Người Cho ro là gia đình nhỏ song hệ. Mỗi gia đình gồm vợ chồng và các con cư trú dưới một mái nhà riêng. Khi con cái trưởng thành, nhà trai nhờ mối mai đi hỏi vợ nhưng nhà gái nếu ưng ai cũng được làm như vậy. Chế độ mẫu hệ đã có dấu hiệu tan rã nhưng chế độ phụ hệ vẫn chưa phải là ưu thế hoàn toàn.

Nhà thầy mo đã nhờ người hỏi H'Mai cho H'Bao, gia đình H'Mai cũng đã bằng lòng, đã nhận của thầy mo chiêng, ché. Nhưng cái bụng H'Mai thì không muốn như vậy, H'Mai muốn ưng thầy lá thuốc H'Reng. Cha mẹ H'Mai nửa muốn thương con chọn thằng rể giỏi tiếng Kinh, nửa ngại ngần sợ thầy Mo trù ếm nên một lần H'Bao rình bắt gặp H'Reng và H'Mai tình tự, đã kêu ông già tới làm cớ. Cha H'Mai tức giận, vác dao xả xuống đầu H'Mai, Thành dùng tay mình đỡ ngọn dao ấy cho người yêu, một ngón tay của anh đã vĩnh viễn ra đi không trở lại.

Người Kinh hay quan niệm thầy Mo là người độc ác, chỉ biết trù ếm làm hại người khác, nhưng cha của H'Bao thì không vậy. Là người được tôn kính trong bản chỉ sau già làng, ông thầy Mo này lại là người biết trong biết ngoài. Nghe sự việc xảy ra, thấy H'Bao hung hăng đòi giết chết H'Reng, ông già kêu con trai về mắng cho một trận:

- Con đàn bà nó đã không ưng cái bụng, mày giữ cái xác nó làm gì. Bản làng này đâu có thiếu con gái, mà mày chịu học hỏi người Kinh làm ăn giàu có mày còn cưới được vợ người Kinh nữa kìa. Không có con H'Mai này thì còn con H'Mai khác, làm thằng đàn ông mà giành giựt con đàn bà thì có xứng đáng không?

Rồi ông gọi cả cha mẹ H'Mai lẫn Thành đến, phán một lời:

- Con H'Mai ưng người khác, tui không cưới cho H'Bao nữa, đồ cuới ông bà trả đủ cho tui. Còn H'Reng mày tới ở với tụi tao nhiều năm rồi, lo thuốc lo thang cho dân trong bản, mày là người tốt, nhưng mà mày làm xấu hổ gia đình tao, mày phải dắt H'Mai đi khỏi buôn này.

Thành và H'Mai ra đi, đem theo chút ít tư trang mà cha mẹ H'Mai cho, ngược lên miền đất Tây Nguyên, nơi họ nghe nói có rất nhiều dân tộc sống hòa thuận với nhau ở đó.

Mấy ngày sau bà An trở lại, bà và ông Thành lại đón xe đi Tây Nguyên. Thời gian này bà An để mặc kệ ông Thành tự ý, muốn đi đâu ở đâu làm gì bà cũng không ngăn cản. Bà muốn ông Thành tự quyết định vận mệnh của mình.

Hai người đi đến nhà thờ Đ'Rông, nơi linh mục Nguyễn Đức Hiền làm chánh xứ, vị linh mục và Thành nhận ra nhau ngay. Sau khi thăm hỏi, nói chuyện chán chê, cha Hiền đưa Thành và An vào khu nghĩa địa của người dân tộc. Cha giải thích với An:

- Trước đây có tập tục để xác ở nhà mồ hay treo lên cho chim ăn nhưng về sau Nhà Nước kêu gọi giữ vệ sinh môi trường nên người ta quy tụ lại, mỗi bản một nghĩa trang riêng, ai thích táng theo phong tục nào thì tùy họ cúng bái, nhưng cuối cùng không được để ô nhiễm môi trường, họ có thể chôn hay thiêu xác là tùy ý.

Thành lặng lẽ ngồi bên mộ H'Mai, anh không nhớ mình đã ngồi đây bao nhiêu lần rồi. Người vợ trẻ đẹp đảm đang của anh đã ra đi sau một cơn bệnh mà cả anh và bệnh viện huyện không cứu chữa được. Ngày đó H'Mai đã căn dặn anh chăm sóc con họ cho đến lớn, dặn anh không được cưới vợ khác mà hành hạ con. Thành đã nghe lời H'Mai, nuôi dưỡng con lớn khôn, gã chồng cho con gái, còn lại đứa con trai đang tuổi thanh niên sung sức, nhưng thằng này lại rượu chè ngang ngược, lo chơi hơn lo làm. Thành không biết H'Mai dưới nắm đất này có vui lòng với việc làm của anh không. Chắc là vợ anh không muốn anh trở lại quê hương của mình, chắc H'Mai muốn anh phải ở vậy bên cô ấy suốt đời. Nên trong những tháng ngày anh về Sài Gòn lúc nào anh cũng nghe thèm thuồng, nhung nhớ cái không khí núi rừng, nhớ cái cây ngọn cỏ, nhớ tiếng reo của thác nước, tiếng con chim hót trên đầu cành. Thành cũng không hiểu mình sẽ quyết định như thế nào, ở lại vùng đất đầy huyền thoại này với những kỷ niệm tràn trề, những phút giây thăng hoa bên tiếng cồng, đống lửa hay quay lại cuộc sống sang trọng trước kia mà anh đã từng có. Ở đây anh có H'Mai, có núi rừng, có muông thú, có thiên nhiên. Nhưng H'Mai thì giờ đã nằm kia, con anh thì không mong nhờ cậy gì mà anh đã già, sức đã cùng, lực đã tận. Anh biết làm sao để cung cấp cho thằng con bất hiếu đó những gì mà nó đòi hỏi, làm sao để khỏi trở thành gánh nặng cho đứa con gái với bầy cháu ngoại nheo nhóc kia. Thành bây giờ còn làm được gì, tay anh đã run khi kéo cánh ná, chân đã run rẩy khi bước qua con suối trơn tuột khi đi hái lá thuốc, mắt sắp mờ, tai sắp lãng, còn mong gì giúp được cháu con, có sống cũng chỉ là gánh nặng cho chúng mà thôi. Sao H'Mai không đưa anh đi cùng để anh không phải băn khoăn suy nghĩ như thế này. Không cửa không nhà liệu anh phải ở đâu, sống như thế nào trong những ngày tháng tới.

Bà An qùy xuống bên mộ H'Mai, bà cố tình khấn lớn tiếng:

- Chị Mai, chị nằm đây yên nơi yên chốn rồi, chị phù hộ cho anh được tai qua nạn khỏi, sức khoẻ dồi dào, sống vui vẻ nghe chị. Chị mất nhiều năm nay, anh đã thay chị nuôi con nên người, dựng vợ gã chồng cho nó. Bây giờ anh đã già rồi, sức khoẻ không còn đủ để tự nuôi sống mình, nếu chị bắt ảnh về buôn làng thì không ai lo lắng cho ảnh lúc tuổi già, khi trái gió trở trời. Chị phù hộ cho anh về với gia đình sống yên vui thuận hoà nghe chị.

Khấn xong bà đứng dậy bỏ ra phía ngoài nghĩa trang. Cha Hiền cũng theo bà ra ngoài. Cha hỏi thăm bà về tình trạng của Thành thời gian sau này. Bà An kể lại mọi sự việc theo trình tự, cha trầm ngâm:

- Nói theo khoa học thì ông ấy đã quen với môi trường thiên nhiên, quen với núi rừng, cồng chiêng nên không thích nghi trở lại được với cuộc sống cũ. Nhưng theo người dân tộc thì ông ấy bị bùa ngãi của người vợ nên không đi được phải trở về.

Bà An hỏi:

- Theo cha thì sao?

Cha Hiền cười:

- Dĩ nhiên là tôi tin khoa học, nhưng hãy đợi chính ông Thành chứng minh điều này, nếu sau chuyến đi phục hồi trí nhớ mà ông ấy cương quyết trở lại núi rừng thì cả hai đều đúng, nhưng nếu ông ta trở lại Sài Gòn thì rõ ràng đã có cái sai.

Họ thấy ông Thành đi ra nên không nói nữa, cha Hiền bảo:

- Thôi hai anh chị trở lại nhà xứ dùng cơm, ở lại đây vài hôm nữa đã, hình như chị An lần trước đến đây rồi lật đật ra đi, chưa biết Tây Nguyên là gì. Ở lại vài hôm coi như đi du lịch vậy mà.

An cười cười:

- Tùy thuộc anh Thành thôi cha ơi. Con thì sao cũng được.

Cha Hiền quay sang Thành:

- Vậy coi như đồng ý nhé.

Thành không trả lời, hai mắt ông đỏ hoe.

Thành và An ở lại Tây Nguyên một tuần theo lời mời của cha Hiền. Vì công việc nhà xứ rất bận nên sau đó cha cho người đưa An đi khắp các thắng cảnh ở đây. An được đưa vào bản cởi voi, đến thăm Biển hồ, nơi được mệnh danh hòn ngọc của Tây nguyên, vào thăm thú các thác nước nổi tiếng mà trước đây bà chỉ biết qua hình ảnh. Thực sự ngấm mình trong không khí của thiên nhiên rồi bà An mới hiểu vì sao có những người bức mình ra khỏi chốn phồn hoa đô hội như cha Hiền, vì sao Thành có những đêm trăn trở về nơi núi rừng hoang dã. Thiên nhiên có một sức cuốn hút con người ta lạ lùng, An như bị cuốn đi trong tiếng trống bập bùng đêm lễ hội, ngất ngây hít thở mùi hoa rừng, mùi đất, mùi lá cây ẩm mục. Vẻ đẹp của đại ngàn hoành tráng mà siêu thoát, lãng mạn mà hùng vĩ, đơn sơ mà quyến rũ. Bà thầm cám ơn Thành và cha Hiền đã tạo cho mình một cơ hội thăm thú các điểm du lịch sinh thái đẹp hoang sơ như thế này. Không chỉ đi thăm viếng, ngoạn cảnh, An còn tiếp xúc với nhiều bản làng, hỏi thăm về tập tục, những huyền thoại của họ. Bà hớn hở như trẻ con khi được biết nhà người Mnông Gar chỉ có kết cấu vì cột chứ không có kèo, mái nhà kéo sát gần tới mặt đất, vòm cửa ra vào được uốn khum khum trông như cái tổ chim khổng lồ. Bà An cũng chăm chú ngồi nghe người hướng dẫn viên kể về truyền thuyết bốc Sgôi và dạ Sgôi, biết người Ba na tôn kính người già và phụ nữ thì bình đẳng với nam giới. Bà hân hoan học cách sử dụng nhạc cụ của người Ê đê và tập hát những trường ca Đăm San, Đăm Di cũng như thích thú ngắm nhìn những hình ảnh ngoằn nghèo xăm trên mình người dân tộc Xơ đăng.

Một tuần lễ trôi qua mau chóng, Thành sau những ngày hồi tưởng lại ký ức về vợ, về bản làng đã che chở cho anh trong hơn mười năm đã muốn quay về Nam Cát Tiên, nơi có các con anh ở đó. An tìm gặp cha Hiền, nói lời cảm ơn và chào từ biệt, cha vui vẻ chúc phúc cho cả hai gia đình và gởi lời thăm hỏi đến từng người quen biết. An ra đi, trong lòng bà pha trộn niềm vui và chút tình cảm lãng mạn đầu đời.

Khi đến Nam Cát Tiên, việc đầu tiên của Thành là gọi xe ôm chở về ngôi nhà mà Nhà nước đã xây dựng cho anh, nhưng anh gặp phải một trở ngại là thằng con ngang ngược. Nó gần như không cho anh vào, nó bảo:

- Ông đi rồi thì đừng có trở về, nhà này bây giờ Nhà Nước cho tui rồi.

Thành ngơ ngẩn khi nghe trưởng làng kể trong hai tháng anh đi con anh đã lên xã báo anh tự ý bỏ đi và làm thủ tục chuyển căn nhà tên anh cho nó. Bà An an ủi ông:

- Thôi thì của anh hay của nó cũng vậy thôi, trước sau gì anh cũng cho nó chớ cho ai. Sao anh không hỏi coi nó còn muốn gì nữa?

Ông Thành rầu rầu:

- Nó đòi tui lo cho nó 2 con trâu với một chiếc xe Honda để nó cưới vợ, mà tui bây giờ lo sao nổi. Nó chưa cưới được vợ nên nó muốn lấy cái nhà đó mà.

An thở dài:

- Anh để đó sau này tui giải quyết cho.

Hai người lại đi xe ôm ra nhà đứa con gái ở ngoài mặt lộ. Chị này có vẻ đàng hoàng hơn. Chị nói với cha mình:

- Dớ, nó hổng nuôi ông thì tui nuôi.

Thành thở dài nhìn gia cảnh đứa con gái, vợ chồng nó cũng chỉ biết làm nương, sống trong cái chòi còn tệ hơn cái chòi mà anh cất trong khu vực mới. Hai đứa cháu ngoại hột gà hột vịt bò lổm ngổm trên nền sàn tre, áo quần cái có cái không. Ông biết ông ở lại chỉ là một gánh nặng cho con mình.

Tối hôm đó An đưa ông Thành ra nghỉ ngoài thị trấn, bà để mặc cho ông hút hết điếu này đến điếu khác. Sau cùng bà nói:

- Bây giờ anh đã nhớ lại hết tất cả mọi việc rồi, bổn phận của em coi như chấm dứt. Ngày mai em sẽ quay lại Sài Gòn, nếu anh muốn thì về cùng em, còn không thì tùy anh quyết định. Em chỉ muốn nhắc anh là hiện nay anh không còn đủ sức khoẻ như lúc còn trai tráng, vợ anh thì mất cũng lâu rồi, con cái mỗi người mỗi phận, sợ rằng anh cũng không mong nhờ cậy được gì. Còn thế nào là tùy anh, nếu anh về, anh phải cố gắng hoà nhập với mọi người, đừng có suốt ngày giam mình ủ rủ nữa. Ngoài ra anh cũng phải nhớ đến người đã suốt ba mươi năm cô độc đợi chờ anh.

Ngưng một lát, bà tiếp:

- Em biết anh rất khó chọn lựa vì anh đã quen với nếp sống, nếp sinh hoạt hoang dã, thiên nhiên rồi. Nhưng anh cũng phải suy nghĩ lại cho kỹ càng, con người ai cũng có nguồn cội, có anh em. Gia đình các em anh đã đối xử với anh rất tốt, ngoài ra còn có một người vợ luôn chờ đợi anh. Nếu chị H'Mai còn sống thì em không khuyến khích anh bỏ vợ mình, nhưng chị đã mất từ lâu rồi. Em nghĩ nếu chị biết việc này cũng không trách cứ gì anh. Huống chi anh đã làm tròn bổn phận đối với con cái anh, bây giờ anh có ở lại cùng chúng nó chỉ là chất thêm gánh nặng cho nó thôi.

Ông Thành không trả lời, bà An lại tiếp:

- Khi anh về em sẽ thu xếp với Vân để anh có thể đi cưới dâu cho con trai mình, ngoài ra em sẽ cố gắng thuyết phục gia đình anh hỗ trợ cho đứa con gái có chút vốn mua bán. Em thấy nhà cháu tuy nhỏ nhưng ở ngay mặt đường, có thể mở được một tiệm tạp hóa để kiếm sống qua ngày.

Ông Thành vẫn không nói, ông lại tiếp tục hút thuốc.

KẾT

Sáng nay bà An đưa Vân và Thành lên máy bay. Sau chuyến đi, Thành đã cùng An trở lại Sài Gòn. An trực tiếp gọi điện kể rõ mọi sự cho bà Tuyết nghe, bà An nhận thấy trong mấy chị em, bà Tuyết là người thương yêu ông anh Thành nhất. Sau một tuần lễ ông Đạt gọi điện qua, ông bảo ông đã thu xếp cho bà Trinh qua Việt Nam đón ông Thành và Vân du lịch sang Mỹ, dặn hai người chuẩn bị các thủ tục tại Việt Nam.

Cũng theo đề nghị của ông Đạt, bà An cầm một số tiền lớn lên Nam Cát Tiên. Theo lời ông Thành, bà mua cho đứa con trai 2 con trâu và một chiếc máy kéo và một xe máy. Phần đứa con gái bà mở hẳn cho một tiệm tạp hoá lớn và 2 chiếc xe máy cho cả 2 vợ chồng. Cẩn thận hơn bà đi liên hệ sẵn các mối hàng rồi còn ở lại hai tuần để hướng dẫn cách buôn bán, sổ sách.

Đã đến lúc vào phòng đợi, Vân rươm rướm nước mắt nắm tay An dặn dò:

- An ở lại quản lý Công ty cho tốt, cứ 3 tháng Vân lại về một lần.

An bùi ngùi:

- Vân yên tâm đi, có gì khúc mắc An sẽ gọi Vân. Vân nhớ giữ gìn sức khoẻ.

Bà Trinh đằng xa ngoắc tay gọi Vân, An đẩy bạn:

- Thôi đi đi, chị Trinh chờ kìa.
Okalahoma, ngày tháng năm

An thương mến.

Vậy là Vân đã sống ở đây được hai tháng rồi đó, tháng sau Vân sẽ quay về thăm Công ty, thăm An theo đúng lời hứa với An.

An đừng ngạc nhiên khi thấy lá thư này được Vân gửi từ một tiểu bang lạ hoắc. Thật ra điều này Vân đã dự đoán trước, nên khi qua đây Vân không ngạc nhiên cho lắm. Để Vân kể cho An nghe.

Lúc mới sang Mỹ, Vân cũng khá lúng túng với nếp sinh hoạt ở đây, với anh Thành lại còn vất vả hơn. An khó mà hình dung nỗi anh Thành đã lạ lẫm như thế nào trước những tiến bộ văn minh của nước Mỹ, điều mà một con người hoang sơ như anh không thể nào thích nghi được. Vì thế nên theo đề nghị của Vân, Đạt đã lo liệu giấy tờ chuyển Vân và anh Thành về tiểu bang này, một tiểu bang tuy không nhỏ nhưng điểm đặc biệt là giữ được một số nét truyền thống của người da đỏ. Vân và Thành sống trong một thôn trang gần khu vực của những người này. Vào những ngày lễ, dân ở đây tổ chức các buổi sinh hoạt ngoài trời và thấm đẫm nét đẹp của một dân tộc có cuộc sống hoang dã.

Thiên nhiên ở đây rất hào phóng, đất đai màu mỡ trù phú, cảnh vật đẹp hùng vĩ, con người được hưởng cả hai cuộc sống: văn minh hiện đại và gần gũi với thiên nhiên. Anh Thành có vẻ khoẻ lên khi sống ở đây. Hằng ngày anh thường đi dạo bên ngoài rừng, tiếp xúc và vui đùa với những người dân hiền lành ở đây. Vân nghĩ rằng sẽ có ngày anh Thành tham gia vào các lễ hội cùng dân địa phương. Điều này có lẽ sẽ thích hợp với một số tập tục quen thuộc trước đây của anh ấy.

Anh, vợ Đạt đang lo liệu các thủ tục để Vân và anh Thành sống luôn ở đây. Có lẽ không quá khó khăn vì cả hai đều lớn tuổi và Việt Nam sắp hội nhập với các nước trên thế giới. Nếu thủ tục được hoàn chỉnh Vân sẽ định cư luôn bên này, vài tháng lại về thăm Việt Nam đồng thời xem qua chuyện kinh doanh của Công ty cho đến ngày nào An có thể thay Vân tự gánh vác được hết cả mọi việc.

Vân biết chắc An sẽ không yên tâm khi thấy Vân chọn con đường sống tại đây cùng anh Đạt. Nhưng An ơi An có biết không? Cả cuộc đời Vân chỉ mơ ước được sống bên người mình yêu, dù cho bất cứ điều gì xảy ra Vân cũng không bao giờ từ bỏ mộng ước này của mình. Hơn ba mươi mốt năm qua đã chứng nhận lời nói này của Vân và chính An là người hiểu Vân nhiều nhất.

Được sống bên anh Thành, hằng ngày chăm sóc miếng ăn giấc ngủ của anh là điều mà Vân đã mãn nguyện lắm rồi, Vân không còn ước vọng gì hơn. An đừng bảo tại sao Vân lại lãng phí hết tất cả những tham vọng của mình chỉ vì dừng lại để phục vụ một người đã gần như không còn tuổi xuân như anh Thành. An ơi. An cũng có gia đình, An cũng hiểu mà. Tiền bạc nhiều để làm gì, thông thạo ngoại ngữ, giành giật 2, 3 bằng đại học để làm gì nếu không được cận kề người mình yêu mến. Với Vân bây giờ hằng ngày nhìn thấy anh, nghe anh nói, thấy anh cười là Vân chẳng hề nghĩ tới một điều gì để tiếc nuối cả. Ba mươi mốt năm đợi chờ của Vân đã được Thượng đế đền bù xứng đáng, Vân không đòi hỏi gì ở anh Thành. Vân cũng không buộc anh phải quên đi người vợ đã khuất của anh hay những đứa con của anh. Khi nào anh muốn, Vân lại sẽ đem anh về thăm viếng những nơi mà anh nhung nhớ. Còn bây giờ, có anh bên cạnh, cuộc đời Vân xem như đã giở qua một trang khác rồi. Vân không còn cô độc mỗi đêm gò bó mình vào những bài học để tìm quên, Vân không còn thở dài ảo não mỗi khi chiều xuống, không còn phải lặng lẽ lau nước mắt khi nghe bản nhạc Tiếng xưa. Mọi thứ đã đi qua hết rồi.

Có thể An trách Vân khờ, Vân dại dột nhưng An nên hiểu cho Vân, ở cái tuổi này biết Vân còn sống được bao lâu, sao Vân không dùng quãng đời còn lại của mình để phục vụ cho chính mình. Vân đã sống vì anh Thành hơn ba mươi năm, bây giờ là lúc Vân sống cho Vân, dùng tiếng nói giọng cười của anh Thành vá từng mảnh hạnh phúc nho nhỏ cho mình. Vân nói thế An có hiểu không?

Thôi thư đã dài, tháng sau Vân sẽ về thăm An. Cho Vân gửi lời thăm mọi người trong Công ty và đặc biệt là gia đình An. Chúc mọi người hưởng nhiều điều tốt đẹp. Riêng An, Vân mong An làm tốt công việc của mình để sớm thay Vân, giúp Vân toàn tâm toàn ý trong hạnh phúc của riêng Vân. Còn quên. An phải luôn xinh đẹp và tươi trẻ nữa nha.

Bạn của An

Lê Thị Thanh Vân

*** Thúy mới gửi email cho Vân, Thúy gửi lời thăm hỏi An nhiều lắm đó. Hẹn bữa nào tụi mình lại gặp nhau, lần này không phải trên trận địa nữa đâu./.

Anchu

Bắt đầu ngày 26/4/2005.
Viết xong lúc 22h30 ngày 11/10/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn