BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Miền Ký Ức (2)

10 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 4495)
Miền Ký Ức (2)
58Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.89


Nhà bà An không xa thị trấn Bảo Lộc là mấy, sau một ngày nghỉ lại, bà An vạch ra một kế hoạch kiếm tìm. Vì cái địa chỉ người đàn bà trong bản Cho ro cho biết quá mù mờ, nên bà An phải nhờ đến sự giúp đỡ của một người trong Ủy ban phụ trách về người dân tộc ở vùng này.

Sau mấy giờ đồng hồ tra cứu, ông ta đọc cho bà An ghi lại tên và những dân tộc có đăng ký sống tại tỉnh Lâm Đồng, bắt đầu từ giáp ranh tỉnh Đồng Nai lên đến giáp ranh hai tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa, bao gồm các dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Cơ ho, Mnông, Mạ, Chu ru. Mỗi một dân tộc lại chia thành nhiều tên gọi khác nhau, Thí dụ như người Mạ bao gồm: Châu Mạ, Mạ Ngăn, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung. Người Cơ ho thì có Tulop (còn gọi là Xre Nôp), Cơ don, Lạt, Trinh. Địa bàn rộng lớn, sắc dân thì nhiều nhưng tìm mãi mà không thấy buôn làng nào của người Chơ ro cả.

Vị chức sắc có ý kiến:

- Hầu hết người Chơ ro đều sinh sống tại tỉnh Đồng Nai, nếu có trôi dạt lên đây chỉ là một nhóm nhỏ, có thể vì thế mà họ đăng ký cùng với các nhóm khác. Thí dụ người Chik là một nhóm địa phương của dân tộc Mnông. Nhưng một bộ phận lớn của họ di cư xuống phía Nam, cư trú lẫn với người Cơ ho, tự khai báo là người Cơ ho. Còn bộ phận ở lại quê hương cũ của người Mnông vẫn tự nhận mình là người Mnông.

An bất lực:

- Thế thì biết tìm cách nào đây.

Viên chức sắc tỏ vẻ thương hại.

- Phải chịu vất vả thôi, phải đến từng nơi, sau đó hỏi thăm hễ xem trước đây họ ở đâu, thuộc dân tộc gì. Chắc là chị phải mất nhiều thời gian, nhiều công sức lắm đây.

An băn khoăn:

- Họ có biết nói tiếng Việt không?

Viên chức sắc trầm ngâm:

- Có một số bản làng hay qua lại buôn bán với người Việt thì nói được, nhưng cũng có nơi rất ít người biết. Nhưng thực tế thì những người dân tộc ở tỉnh này ngoài người Chu ru nói ngôn ngữ Malayo - Polinexia thuộc dòng Nam đảo là khác biệt thôi, còn lại đều sử dụng ngôn ngữ Môn Khơ me thuộc dòng Nam Á. Tất nhiên cũng có khác nhau những không phải là quá cách biệt, nếu sử dụng được ngôn ngữ này thì cũng tàm tạm hiểu được ngôn ngữ kia. Chị nên tìm một người có thể biết được chút ít loại tiếng này.

An gật đầu:

- Trong chúng tôi có một người Châu Mạ.

Viên chức sắc nói:

- Vậy là tốt rồi. Chỉ khi nào chị tìm đến người Chu ru ở gần giáp ranh vùng Khánh Hoà thì mới gặp khó khăn thôi.

Giã từ viên chức tốt bụng, An về nhà kể lại cho mọi người nghe. Bà Ngọc hỏi:

- Vậy bây giờ mình phải đi hết các bản theo địa chỉ này à?

Vân gật đầu:

- Phải thế thôi.

An thương hại:

- Cuộc tìm kiếm này vất vả lắm mà lại chưa chắc gì gặp được ngày. Theo An thì Vân nên về Công ty làm việc, giao lại tất cả cho An, chị Ngọc và chị Lý. Khi nào có tin tức gì chính xác An sẽ gọi Vân lên.

Bà Vân phản đối:

- Mọi người đi được thì Vân đi cũng được mà.

An gật gù:

- Biết rồi. Nhưng đây chỉ mới là đi tìm dấu vết của buôn làng Chơ ro trôi dạt, đâu phải là đã tìm được dấu vết anh Thành. Sau khi xác định đã tìm được đúng buôn làng rồi mới nói đến chuyện tìm Thành sau. An lo rằng kiếm kiểu này một năm cũng chưa xong. Nếu bây giờ Vân đi theo mà không đủ sức khoẻ, mai mốt ngã bệnh thì đến lúc tìm ra lại không có để mà gặp đâu.

Nghe bà An dọa ghê quá, bà Vân ngần ngại một lúc rồi đồng ý lên xe quay về Sài Gòn. Trên đường về bà ghé lại nhà bà Lý yêu cầu bà lên cùng với An và Ngọc, sau đó đến nhà Ngọc báo tin họ sẽ đi trong nhiều ngày. Mọi việc có vẻ đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc kiếm tìm gay go và gian khổ, một cuộc kiếm tìm mà như bà Ngọc ví von: cứ như là mò kim đáy bể.

Ba người đàn bà đã bỏ ra gần một năm trời để lùng sục khắp các bản làng của tỉnh Lâm Đồng. Họ đã vất vả leo lên ngọn Langbiang cao vút, vào Thung lũng trăm năm để tìm người Lạt, đến giáp ranh heo hút của Đắc Lắc - Lâm Đồng, quần nát khu vực Đơn Dương, Di Linh, Đức Trọng, đi bộ khắp vùng Đămri, Đănkia, Tà Nung, K'Long.

Ở những nơi, như K'Long chẳng hạn, họ vào tận cuối cùng thôn bản của người K'Ho, nơi còn có tên gọi là làng Gà, nơi định cư chủ yếu của người K'Ho trên núi rừng Tây Nguyên, vì theo suy nghĩ có chút ngây thơ của bà An, là bản làng ra đi sẽ tìm đến những nơi có đông người dân tộc của họ. Ở đây, người dân sống yên bình với công việc chủ yếu là lên nương và dệt thổ cẩm. Theo lời người địa phương kể lại, làng Gà được bắt nguồn từ một câu chuyện tình yêu cảm động của một đôi trai gái K'Ho, lúc đó còn mang trên mình nặng nề chế độ mẫu hệ thiêng liêng. Để có lễ vật cưới chồng theo đòi hỏi của nhà trai, cô gái K'Ho đã không tiếc thân mình đi tìm cho bằng được chú gà có chín cựa. Kiếm tìm trong vô vọng với tình yêu nung nấu, mỗi ngày cô gái đi vào rừng một sâu hơn, và khi thất vọng kiệt lực mõi mòn, người con gái gục chết bên sườn núi.

Cảm động trước tình yêu sắc đá, dân làng dựng lên một con gà chín cựa bằng đá khổng lồ để tưởng nhớ và cũng để nhắc nhở những bậc trưởng thượng trong làng giảm thiểu những thủ tục hà khắc để đôi lứa dễ dàng đến với nhau, xây dựng nên những cuộc đời êm ả. Chuyện đã lan truyền từ đời này qua đời khác, từ làng nọ đến làng kia và trở thành một trong những truyền thuyết đẹp ở đây.

Hằng năm sau khi thu hoạch xong vụ mùa dân làng thường tổ chức lễ hội, mọi người tập trung dưới pho tượng Gà đánh cồng chiêng, uống rượu cần và cầu nguyện cho dân lành sống trong bình yên mưa thuận gió hòa, cầu nguyện cho tình yêu đôi lứa mãi mãi không xa cách.

Không chỉ ở K'Long, người K'Ho còn tập trung ở xã La Dạ, đoạn nối 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, nhưng ở đây do được khai phá bằng những cung đường mới nối tiếp, người dân K'Ho La Dạ mất dần những căn nhà gỗ truyền thống, thay vào đó là nhà xây mái tôn. Dù đổi thay nhiều nhưng La Dạ vẫn còn những nét văn hóa độc đáo, một bề dày lịch sử truyền thống. Vào dịp tết của đồng bao K'Ho, thường kéo dài 7 - 10 ngày vào tháng 12 dương lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, lễ hội đâm trâu được tổ chức. Tiếng ca hát rộn ràng hòa với âm thanh của bộ cồng chiêng 6 chiếc, kèn ống bầu (kơmbuat), đàn ống tre (kơrla), trống (sơgơr) vốn là những nhạc cụ truyền thống của người K'Ho là cho cuộc sống người dân ở đây thêm phong phú.

Dù sao, cái mà những người đàn bà vất vả này cảm thấy mãn nguyện là họ được đắm mình trong thiên nhiên, được ngắm cảnh mây núi quấn quýt hữu tình, những khúc đường ngoằn nghèo uốn lượn, những con thác nhỏ xinh xinh bên đường tung bọt trắng xóa. Đôi khi họ cũng thót tim khi xe đi qua những khúc cua nguy hiểm, những đoạn đường ghập ghềnh ổ voi, ổ cá sấu. Rồi họ cũng đã lãng mạn ngẩn ngơ trước màu sắc hương thơm của nhiều loại hoa rừng hoang sơ mà lộng lẫy, những hình ảnh cây khô xinh đẹp tự nhiên. Cứ như là thiên nhiên bù đắp lại những gian khổ, những thất vọng mà họ gặp phải trên con đường kiếm tìm vô vọng ấy.

Quần nát gần hết cái tỉnh Lâm Đồng, ba người phụ nữ ngày một mõi mòn dù rằng Lâm Đồng là một thành phố đẹp, với thành phố Đà Lạt huyền thoại sương mù, với các thác, hồ nổi tiếng từ bao nhiêu năm nay. Đà Lạt còn đẹp rạng rở với hơn một ngàn năm trăm lo?i hoa, trong đó có nh?ng loài nổi tiếng và lãng mạn như : Đỗ Quyên, Anh Đào, Mimosa, Păngse', Cẩm tú cầu, Forget me not, Lưu ly và muôn trùng các loại Cúc, Hồng, Huệ, Thược Dược. Đà Lạt còn là nơi chập chùng bạt ngàn thông, ở đâu họ cũng nhìn thấy thông cũng như ở đâu họ cũng thấy bông Mâm Xôi nở rộ ven đường và khi mùa đông sắp đến màu vàng của Dã Qùy rực rở như tô thêm vẻ lộng lẫy cho rừng thông Đà Lạt.

Nhưng họ không có thời giờ để dạo cảnh xem hoa, ba người đàn bà rất thèm được đủng đỉnh dạo chơi như những người khác du lịch mà họ gặp, rốt cuộc cái mà họ nhận được chỉ là những từ lơ lớ: Không có, không biết và những cái lắc đầu quầy quậy.

Xuôi ngược hầu như không còn nơi nào để tìm, An chán nãn muốn bỏ cuộc cho xong, cả Ngọc và Lý cũng thế. Tuy mỗi tháng họ đều về thăm nhà một tuần nhưng tâm lý phụ nữ mấy ai thích cứ đi lang thang mãi như vậy. Ngoài ra họ còn phải gặp những khó khăn không lường trước được như đi vào những vùng buổi tối phải ngủ lại vì ban ngày người dân đi vào trong nương hết không còn ai, họ phải chịu lạnh lẽo, rét mướt mà cái lạnh ở Lâm Đồng thì chẳng dễ chịu chút nào, mặc dù An đã cẩn thận bắt mọi người phải trang bị đồ ngủ nhưng có lẽ với khí hậu như thế thì không ăn thua gì. Họ lại còn vấp phải những cái nhìn nghi ngờ, những ánh mắt thiếu thiện cảm và côn trùng độc đe doạ.

Một hôm, An chán nãn quá, bà nghĩ ra cách bày trò tiêu khiển, bà rủ Ngọc và Lý:

- Lâu nay mình toàn đi làm không. Hay là mình tổ chức đi chơi đi.

Lý lắc đầu quầy quậy:

- Chơi bời gì, đi kiếm thì kiếm, không thì về nhà.

Ngọc giảng hòa:

- Vừa đi chơi vừa đi kiếm có sao đâu.

Họ gọi một chiếc taxi, Lý hỏi:

- Tính đi đâu?

An trả lời:

- Đi thác .

Ngọc hỏi:

- Mà thác nào, có cả trăm cái lớn nhỏ lận nghe.

Người tài xế taxi góp ý:

- Mấy cô đi chơi thác Pongoua đi, ở đó đẹp lắm, có chỗ ngủ trưa, chỗ tắm, chụp hình đẹp lắm.

Bà An ngần ngừ một chút rồi đồng ý kéo nhau ra đi. Thật ra bà cũng đã từng nghe qua thác này nhưng theo sự chỉ dẫn của viên chức dân tộc hôm trước thì đây không có nhiều người dân tộc ở.

Theo kiến thức của bà An thì thác Pongour còn có tên là thác Thiên Thai, là ngọn thác hùng vĩ còn giữ được nhiều nét hoang dã, nằm trên địa bàn xã Tân Thành huyện Đức Trọng. Hằng năm vào rằm tháng giêng một số các dân tộc ở các huyện gần đó tập trung tổ chức lễ hội. Tập tục này được bắt đầu từ những năm sau khi vua Bảo Đại xuống ngôi, khoảng năm 60 có lẽ. Khởi đầu do một số người Hoa ở vùng Tùng Nghĩa Đức Trọng kết hợp với phong tục của một thiểu số dân trong vùng như K'Ho, Thái, Thổ, Tày, Nùng xung quanh đặt ra lễ hội Pongour.

Nhưng người tài xế taxi nói đúng, thác Pongour là ngọn thác rất đẹp, chả trách mà ngày xưa vua Bảo Đại đã giành nó làm của riêng mình. Điều này được chứng minh bỡi gian nhà thủy tạ be bé xinh xinh được cất phía trên ngọn thác. Một tấm bảng ghi rõ ràng cho người đời sau thấy rằng nơi đây là một cảnh quan kỳ tú đã được thiên tử nước nam một thời chọn làm nơi vui chơi giải trí, thỏa thích vui đùa với các cô gái có tên trong các bộ phim nói về vị hoàng đế cuối cùng của nước Việt. Thác có 2 đường lên xuống, một bằng những bậc thang xây uốn khúc có tay vịn và một là con đường thoai thoải mà người đi xe máy có thể đến tận chân thác. Ba người đàn bà sau khi đọc đi đọc lại tấm bảng ở nhà thủy tạ, hùng hồn kéo nhau đi xuống bằng con đường bậc thang. Bà An nói:

- Bây giờ còn khỏe, mình xuống đường này, lát nữa đi lên mệt rồi, lên bằng đường kia cho dễ.

Họ dắt díu nhau trên từng bậc cấp, dù sao … cũng đã chớm gió heo may, lại thêm những tháng ngày qua phiêu bạt qua nên sức khỏe ai cũng giảm sút trầm trọng. Dù sao, họ không như bà Vân, không phải là những người phụ nữ trang đài qúy tộc nên cũng dễ dàng thích nghi được với mọi hoàn cảnh đưa đẩy. Thỉnh thoảng lại làm như ngừng lại ngắm cảnh, thực chất là để ổn định tim mạch vậy mà.

Nước trong văng vắt, nước đẹp man dại, nước làm lan tỏa cái dịu dàng mát mẻ xung quanh khu vực đó. Hình như ít có cái thác nào lạ như thác này. Nước chảy từ trên cao xuống, chia làm 2 bên, phía trong ngọn thác đổ ào ạt hùng vĩ trắng xóa như bất kỳ ngọn thác nào khác trên đời. Phía ngoài đẹp như một bức tranh - nước đổ xuống từng bậc đá, mà có phải ít bậc đâu, những 7 bậc. Qua 7 tầng thang ngăn lại, nước chảy riu ríu dịu dàng ỏn ẻn như bước chân nàng thị nữ cung đình tay bưng chén ngọc bình vàng rót trà dâng cho thiên tử. Nước róc rách nhẹ nhàng uốn lượn qua 7 bậc thang, xuống bậc cuối xòe trắng xóa như những vòi rồng tung tóe, làm thành những vòi nước tắm. 3 người đàn bà không dám xuống tắm nhưng lại rất phấn khởi nhìn bọn trai trẻ rủ nhau trèo lên tầng cấp cao nhất, và một số khác quanh quẩn tắm gội thoải mái ở bậc cuối cùng.

Bà Ngọc cao hứng hát nho nhỏ:

"Người hẹn cùng ta đứng bên bờ suối,

Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu"

Bà Lý cười hăng hắc:

- Trăng đâu mà trăng, mặt trời chiếu xuống chói chang đây nè.

Ba người phụ nữ lớn tuổi cười như trẻ con, phút chốc họ quên đi những mệt nhọc, buồn bã, thất vọng.

Phía bên kia, băng qua một chiếc cầu nhỏ là một trảng đá rộng lớn, sức chứa đủ mấy trăm người nếu như tổ chức một cuộc cắm trại ở đó. Nước từ thác đổ xuống chỉ đủ ướt láng mặt đá, vừa để mát mẻ sạch sẽ vừa đủ để làm chỗ ngồi chơi, cắm trại. Thiên nhiên ban phát quá hào phóng, cảnh vật đẹp như một bài thơ. Chẳng trách ngày xưa vua Bảo Đại đặt tên cho cảnh quan này là bãi Tiên sa. Không hiểu khi đặt tên ông vua hào hoa phong nhã này mơ thấy tiên trên trần giáng xuống hay đặt để khen ngợi các thứ phi ái thiếp vua mang theo đắm chìm hoan lạc. Chỉ biết là người đời sau gọi luôn cái tên vua đặt, viết cái chữ rõ ràng trên tảng đá to đùng. Bà An súyt xoa:

- Đẹp thiệt há, cảnh quan tự nhiên mà giống y như ai đục đẽo không bằng.

Bà Lý lắc đầu:

- Ai đục cho nỗi, cả một lòng chảo đá như vậy, hồi đó làm gì mà có mìn hay thuốc nổ đâu.

Bà Ngọc xen vô:

- Mà giả như có thì cũng nổ tung tóe, làm gì mà tròn trịa bóng láng xinh xắn như vậy. Rõ thiệt là ….

Bà An hỏi:

- Thiệt là sao?

Bà Ngọc cười:

- Là ông vua thì sướng quá chớ sao, bao nhiêu cái gì đẹp trong thiên hạ thì giữ làm của riêng hết sạch. May là bây giờ hổng còn ổng, chớ nếu còn làm gì dân đen như mình biết được cái thác đẹp cỡ này chớ.

Bà Lý tấm tắc:

- Đúng thiệt là đẹp quá chừng, bỏ công mình thuê taxi đi xuống đây ngắm cảnh.

Bà An đùa:

- Hay ba con mụ già tụi mình nhảy xuống tắm đi.

Bà Ngọc ré ra cười:

- Quần áo đâu thay? Đó là chưa nói đá nước trơn trợn, dắt díu nhau đi té cái rầm mất công kêu taxi chở đi Chợ Rẫy.

Một lát, sau khi dạo quanh ngọn thác đã đời, họ kéo nhau đến ngồi tại một gốc cây gần thác. Ở đây người ta bày bán các loại thức ăn, một số là thức ăn đặc sản của vùng này. Cô bé người dân tộc mời chào:

- Mấy dì ăn cu đất nướng ngon lắm.

An gọi xâu chim và 3 ổ bánh mì, nước khoáng. Ngọc gật gù:

- Đồ ăn khéo quá, không đến nỗi tệ.

Cô bé bán hàng cười tươi tắn:

- Học theo người Kinh mà.

Bà Lý hỏi:

- Cháu là người gì vậy?

Cô bé trả lời:

- D? người Mạ - Mạ Tô.

Bà Lý vui vẻ:

- Cô cũng là người Mạ, Mạ Krung.

Rồi bà hỏi:

- Buôn làng có gần đây không?

Cô bé gật đầu:

- Dạ gần đây, ở phía ngoài đường.

An nhắc Lý:

- Chỗ phía trước mình ghé vô hỏi thăm đó.

Bà Lý hỏi:

- Sao đi bán xa vậy.

Cô bé cười lỏn lẻn:

- Đi vậy mới có tiền.

Bà An thắc mắc:

- Con đi bán một mình sao.

Cô bé trả lời:

- Bà nội bán bắp đằng kia. Anh thì đi bắt chim cu đất.

Bà Ngọc trêu:

- Má thì luộc bắp. Ba thì làm thịt chim.

Cả ba người đều cười vui vẻ. Bà Ngọc hỏi:

- Ở đây toàn là người Châu Mạ bán hàng không hả con?

Cô bé gật đầu:

- Dạ.

Rồi như sực nhớ ra, cô nói:

- Đằng kia có một bà già người Chơ ro bán khoai nướng đó.

Ba người đàn bà cùng giật mình, bà An hỏi:

- Ở đây có người Chơ ro sống hả?

Cô bé lắc đầu:

- Không phải, có mình bả thôi.

Ba người nhìn nhau. Ăn xong, họ kéo nhau đến hàng khoai, bà già bán khoai quấn quanh cổ một chùm sợi cườm đủ màu, tóc tai bạc trắng. Bà An đến mua khoai rồi hỏi:

- Ở đây có ai người Chơ ro không vậy?

Bà già ngước đôi mắt đục ngầu nhìn họ không trả lời. Bà Ngọc đến mua mấy trái bắp, giả vờ hỏi người bán bắp:

- Bà già phải người Chơ ro không?

Bà già bán bắp lắc đầu:

- Không phải, tui người Mạ.

Rồi bà chỉ qua người bán khoai:

- Hỏi nó, nó người Chơ ro đó.

Bà Lý nói một tràng tiếng Mạ, hai bà già có vẻ ưng cái bụng, An và Ngọc tiếp tục lựa thêm khoai, thêm bắp. Bà Lý làm nốt cái công việc đặc biệt của mình. Bà già Cho ro bây giờ cũng bắt đầu trả lời bằng tiếng gì An và Ngọc chịu thua, chỉ thấy bà Lý gật gù và hỏi thêm liên tục.

Cả ba đã lựa gần hết rổ khoai, thúng bắp. Lý nói nhỏ:

- Về đi, không thì ăn khoai ăn bắp tới cuối tuần luôn.

Bà An trả tiền rồi kéo nhau đi. Lên chiếc taxi còn chờ phía ngoài, bà Ngọc hỏi:

- Lý thu thập được gì rồi.

Bà Lý cười tủm tỉm:

- Đi mòn chân cuối cùng cũng phải gặp chớ.

An vội hỏi:

- Ở đâu vậy?

Bà Lý thủng thẳng:

- Bà già đó đúng là người Chơ ro đốt bản lên đây, nhưng lâu quá rồi bả không nhớ có ai như mình mô tả hay không. Bả nói bả già yếu quá nên không đi, chớ dân bản đã dời về Lộc Châu sống lâu lắm rồi.

Ngọc hỏi:

- Vậy là mình về Lộc Châu bây giờ luôn hả?

An nói:

- Lộc Châu gần nhà mình. Bữa nay mình trở lại nhà nghỉ lấy đồ đạc đàng hoàng rồi ngày mai đón xe đò đi cũng chưa muộn.

Lộc Châu là một xã nhỏ, không cách xa cầu Đại Lào bao nhiêu. Trước đây họ đã từng đến Đại Lào nhưng lại không biết có một nhóm người sống phía trong Lộc Châu.

Cách đường khoảng 5 cây số, ở đây người dân tộc và người Kinh sống lẫn lộn nhau, do đó mà An không thể tìm ra họ vì số lượng quá ít. Hỏi thăm một lúc, người ta dẫn ba người đến gặp già làng. Già đã quá già, da dẻ nhăn nhúm, tóc trắng xoá, đôi mắt mờ đụ nằm co người trên sạp tre giữa nhà. An lo ngại không biết ông già này có nhớ nỗi chuyện của mấy mươi năm trước không?

Nhưng sự thực chứng minh là An quá lo xa, ông già nói tiếng Kinh khá tốt, đôi khi dùng lẫn tiếng Chơ ro pha trộn tiếng Mạ. Khi nghe bà An hỏi ông có phải từ vùng Định Quán di dân lên đây không thì ông gật đầu ngay. Ba người đàn bà mừng như bắt được của. An lại hỏi thăm có người đàn ông đàn ông nào lạc vào bản trong thời gian đó với sợi dây đeo cổ bằng Inox và cái sẹo gần tai trái không thì ông không nhớ được. Mãi đến khi bà Ngọc nhớ thêm một chi tiết khác là Thành thường hay hái lá rừng làm thuốc thì ông à lên một tiếng. Ông nói:

- Tui biết rồi. Mấy người muốn hỏi H'Rêng.

Rồi ông kể lại H'Rêng lạc vào bản làng Chơ ro vào khoảng các năm đó, anh ta ngơ ngẩn, hỏi gì cũng không biết, tối ngày đi hái lá thuốc và đào khoai củ ăn. Người Chơ ro không làm khó kẻ đói ăn, họ cho anh ăn, dựng lều cho anh ở và đặt cho anh tên H'Rêng. H'Rêng hái lá thuốc giỏi lắm, trị được nhiều thứ bệnh. Nhưng có một năm trời hành dân bản, con ma sốt rét bắt đi nhiều người quá. Thầy mo cúng cũng không ưng, mà lá thuốc của H'Rêng cũng không trị được. Ông già là trưởng làng lúc đó, quyết định đốt bản ra đi. Mới đầu họ đến Dambri, gần chân đèo Bảo Lộc nhưng gặp phải nhiều bản khác không cho ở, có nhiều lần bản Chơ ro đã phải có người mất mạng vì tranh giành thú rừng. Ông già quyết định đưa bản đến nơi khác. Họ tìm đến thác Pongua, ở đó được vài năm yên ổn nhưng có một bản người Mnông hung dữ kéo đến tranh giành. Dân Chơ ro qua nhiều lần bệnh dịch đã yếu thế rất nhiều nên lẳng lặng kéo nhau về Dambri, đến Lộc Châu thấy ở đây yên ổn, người Kinh hiền lành nên họ ở lại, Mới đầu ở trong sâu dần dần xích ra phía ngoài, thậm chí còn có người lấy vợ Kinh, sinh con đẻ cái theo phong tục người Kinh. Vì dân số ít quá nên họ khai với chính quyền là người Châu Mạ, bản dân ở gần với họ nhất. Đó cũng là lý do mà cả năm nay ba người đàn bà không sao tìm ra được trên bản đồ chỉ dẫn.

Khi An hỏi ông già bây giờ H'Rêng hiện sống ở đâu thì lại có sự trục trặc xảy ra. Ông già nói H'Rêng đã đi khỏi bản lâu rồi. Mọi người lại một phen thất vọng não nề. Bà An hỏi:

- Ông có biết H'Rêng đi đâu không ông?

Ông già lắc đầu:

- Không biết, phải hỏi người khác thôi.

Bà An năn nỉ:

- Ông làm ơn chỉ giùm phải hỏi ai mới biết.

Ông già trả lời:

- Hỏi nhà H'Siêng. H'Siêng là cha của H'Mai vợ thằng H'Rêng.

Hậu tạ ông già xong mọi người lại tiếp tục đi tìm nhà H'Siêng. Trước khi đi ông già dặn:

- Thấy cái nhà gạch bán đủ thứ đồ đằng cái cây kia hông? Đừng có lại cái nhà đó mà hỏi. Thằng H'Bao nó ghét nó chém thấy mẹ.

Mọi người không ai hiểu ông già nói gì. Họ tìm được nhà H'Siêng không khó khăn gì. Đó là một ngôi nhà sàn còn khá tốt, trong nhà có nhiều chiêng ché chứng tỏ mức đô khá giả của gia đình.

Khi nghe mọi người hỏi thăm về H'Rêng, hai người đàn bà không còn trẻ nhưng cũng chưa già lắm nhìn nhau, sau cùng một người nói:

- Hai đứa nó bỏ bản đi lâu rồi, tại vì thằng H'Bao đòi chém chết H'Rêng đó, thầy Mo cũng đuổi tụi nó đi.

An khẩn khoảng:

- Vậy có ai trong nhà biết họ đi đâu không?

Người đàn bà còn lại lấm lét nhìn ra ngoài rồi nói nhỏ:

- Đừng có để cha tui nghe, hai đứa nó lên Đắc Lắc ở mười mấy năm nay rồi không có về.

Bà Ngọc than:

- Đắc Lắc còn rộng hơn Lâm Đồng, người dân tộc lại đông hơn, biết tìm tới chừng nào đây trời.

Người đàn bà dân tộc thương hại nhìn họ, bà nói:

- Nghe nói tụi nó ở gần cái nhà thờ nào đó của người Ba Na.

Người còn lại cũng nói:

- Thằng K'Rêng bị cha chém cụt ngón tay giữa bàn tay bên trái. Con H'Mai đứt một bên lỗ tai.

Họ chào ra đi, người đàn bà nói với theo:

- Đừng có ghé vô nhà thằng H'Bao mà hỏi thăm nghen. Coi chừng nó còn tức lắm nghen.

Họ quay trở về nhà bà An. Bà Ngọc than:

- Hết Lâm Đồng lại tới Đắc Lắc. Tụi mình đúng là mò kim đáy biển.

Bà Lý an ủi:

- Lần này dù sao mình cũng biết họ ở gần một nhà thờ của người Ba na.

Bà An nhún vai:

- Vấn đề là có bao nhiêu cái nhà thờ như vậy ở Đắc Lắc chớ.

Bà Ngọc hưởng ứng:

- Đó là còn chưa biết có thay đổi chỗ ở không nữa.

Lý cũng đồng tình:

- Kiếm bản làng Chơ ro đã mất cả năm, bây giờ kiếm hai người lại còn khó hơn gấp mấy lần nữa.

Cả ba cùng thấy ngao ngán, mệt mõi. Còn gì chán bằng cứ phải đi làm một việc vô vọng mãi như thế này. Vốn không bà con thân thích, chỉ vì một lời hứa và khoản lương hậu hỉnh mà họ phải bỏ nhà bỏ cửa lặn lội khắp nơi, quả thật ai cũng thấy ngán tận cổ. May là gia đình Thành trả công cao lại còn được chu cấp hết mọi chi phí trên đường mới đủ sức lôi họ đi đến những nơi mà họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đến, nhưng không biết họ chịu nỗi tình trạng này đến bao giờ. Sau cùng An quyết định:

- Thôi cứ về nhà nghỉ một tuần cái đã.

Tây Nguyên là một vùng đất bao la bát ngát với tài nguyên động thực vật rất phong phú mang màu sắc của hệ sinh thái nhiệt đới ẩm với sự có mặt của các thảm thực vật trong các khu sự trữ thiên nhiên hoặc các trạm thuần dưỡng động vật, các khu rừng cấm. Ngoài một số ít dân cư sinh sống đã lâu đời, hiện nay Nhà Nước cho tập trung chuyển số lớn dân cư từ đồng bằng sông Hồng vào các khu mới phát triển. Đất Tây Nguyên thênh thang bạt ngàn, xe cộ không nhiều lắm, phần đông chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Tại một quán cà phê nhỏ thuộc trung tâm thành phố Buôn Mê Thuộc, ba người đàn bà ngồi nhấm nháp ly cà phê của miền đất núi rừng sau một chuyến đi dài từ Liên Nghĩa sang.

Bà Ngọc khe khẽ hát theo tiếng máy trong quán.
Phố núi cao, phố núi đầy sương.
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn.
Anh khách lạ đi lên đi xuống.
May mà có em đời còn dễ thương.
Em Pleku má đỏ môi hồng.
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông.
Nên tóc em ướt và mắt em ướt.
Nên em mềm như mây chiều trong.


Phố núi cao, phố núi trời gần.
Phố xá không xa nên phố tình thân.
Đi dăm phút đã về chốn cũ.
Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng.
Xin cảm ơn thành phố có em.
Xin cảm ơn một mái tóc mềm.
Mai xa lắc trên đồn biên giới.
Còn một chút gì để nhớ để quên.

Bà An trêu bạn:

- Hồi xưa thì mới đi dăm phút đã về chốn cũ chớ bây giờ đi mõi chân chưa thấy về đâu nghen.

Bà Lý gật gù:

- Chắc chắn khách lạ như tụi mình là phải đi lên đi xuống nhiều lần rồi.

Ba người cùng cười, trong cái vất vả họ cũng cảm nhận được đâu đây một niềm vui nho nhỏ trong chuyện được đi đây đi đó, mở rộng thêm kiến thức của mình.

Họ tìm một khách sạn vừa phải, cất hành lý rồi hỏi thăm đường phố trong khu này. An tìm đến một tiệm sách hỏi mua một bản đồ. Bà thất vọng khi thấy địa giới của Tây Nguyên quá lớn, bao gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai. Kiểu này mà tìm ở Đắc Lắc không xong, chạy tiếp qua tỉnh khác nữa thì không biết đâu mà lần. Bà Ngọc gọi là mò kim đáy biển quả thật không sai.

Rút kinh nghiệm những lần trước, bà Ngọc tìm đến Toà Giám mục Buôn Mê Thuộc hỏi thăm về các nhà thờ của người Ba Na trong địa phận Đắc Lắc. Vị linh mục già băn khoăn:

- Đắc Lắc tuy đông dân nhưng người Ê đê chiếm đa số người dân tộc, con muốn thì cha chỉ cho con các nhà thờ, nhưng nếu không có thì con nên đi qua địa phận tỉnh Gia Lai, ở đó người Ba Na rất đông, nhà thờ của người Ba Na cũng nhiều hơn ở các địa phận khác.

Ba người họ lại tiếp tục trở lại cái cảnh đã diễn ra ở Lâm Đồng, nhưng lần này có vẻ không bi đát như trước do chỉ quanh quẩn trong khu vực các nhà thờ. Thời gian trôi vùn vụt, hai tuần trôi qua mà chẳng tìm thấy được một tin tức nào đúng như Lý từng than thở: Khách lạ đi lên đi xuống, họ ngán ngẩm như gặp phải một nồi cơm nếp nát. An quyết định về nhà nghỉ rồi mới tiếp tục cuộc hành trình.

Lần sau ba người đi máy bay lên Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai. Đây là tỉnh lớn hơn cả Đắc Lắc, dân cư cũng đông hơn và đúng như vị linh mục già ở Toà Giám mục Buôn Mê Thuộc nói: Nhà thờ Ba Na cũng nhiều hơn. An lại tiếp tục đến Toà Giám mục xin địa chỉ, họ lại tiếp tục tìm theo những nhà thờ Ba Na mà họ có được. Mõi mòn một cách vô vọng, họ cứ như những người mộng du, đi, đến, hỏi thăm, lắc đầu lại ra đi như tất cả những lần trước đây. Đến cái nhà thờ thứ mười chín An chán nãn:

- Không biết mình có phải qua đến tỉnh Kon Tum không đây.

Ngọc an ủi:

- Thôi thì đành ba bảy cũng liều, đằng nào cũng chấp nhận rồi.

Họ đến gõ cửa nhà xứ, cậu bé tóc xoăn da đen thò đầu ra cười nhe răng:

- Mấy bà kiếm ai dớ?

An cười cầu tài:

- Cho cô gặp cha xứ đi con.

Cậu bé lắc đầu:

- Đi rồi, lát nữa về.

Họ đến ngồi chờ trên ghế đá cạnh gác chuông, một lát họ nhìn thấy cậu bé khi nãy dắt vị linh mục ra chỉ trỏ về phía họ. An nheo mắt nhìn, hình như bà cảm thấy có cái gì quen thuộc lắm nhưng nhất thời chưa nhận ra được. Khi vị linh mục đến gần An sững người khi nhận ra, bà thầm thì:

- Thầy Hiền.

Đúng là thầy Hiền thật rồi, An không thể nào nhầm được. Đó là người thầy sáu trẻ tuổi ngày xưa đã từng về giúp xứ đạo trong những ngày An còn ở Sài Gòn . Lúc đó thầy mới khoản 23, 24 tuổi thường đến nhà An vì anh Phúc của An là huynh trưởng hướng đạo sinh, hai người thường bàn chuyện rất tâm đắc. An cũng thường hay nghe lén chuyện của họ, một phần vì tính tò mò của tuổi trẻ, một phần vì An thích ngắm nhìn vị thầy sáu trẻ tuổi đẹp trai. Không ít đôi lần An đã thầm ước mong nếu như thầy Hiền không phải người tu hành, có lẽ… cô không dám nghĩ gì hơn. Đạo đức và nếp suy nghĩ của những con chiên ngoan đạo đã ngăn không cho cô xây những ước mơ trần tục. Nhưng An không thể dối lòng đã rất nhiều lần cô nhìn lén thầy Hiền, ngẩn ngơ vì nét đẹp siêu thoát ấy, vầng trán thông minh ấy. Cô vẫn thường mơ mộng đến một mẫu người thân thiện, gần gũi và hoà đồng như thầy sáu. Cô vẫn thường ước ao tìm được một người hiểu biết và nhân hậu như thầy, đó là những điều mà cô biết rằng không dễ gì có thể tìm được.

Cha Hiền cũng ngạc nhiên khi nhận ra An ở một nơi rất xa lạ này, cha hỏi:

- Cô An đi đâu mà lạ thế này.

An kể vắn tắt cho cha Hiền nghe mọi chuyện xảy ra trong những năm nay, bà nhấn mạnh đến cái công việc họ đang làm, mệt mõi và vô vọng.

Cha Hiền có vẻ suy nghĩ lâu lắm, rồi ông hỏi:

- Ý cô An có phải muốn nói đến một đôi vợ chồng từ nơi khác đến đây ở mười mấy năm trước không?

An gật đầu:

- Dạ phải, tụi con cũng đã gặp một vài gia đình như thế nhưng rốt cuộc là không phải.

Cha Hiền trầm ngâm:

- Ngoài đặc điểm đeo chiếc thẻ bài nơi cổ, họ còn dấu vết gì khác không?

Bà An nhớ lại:

- Nghe nói người đàn ông bị cụt ngón tay giữa bên trái, còn người đàn bà bị hớt một miếng lỗ tai.

Bà Ngọc thêm:

- Người đàn ông còn có vết sẹo ở má trái gần lỗ tai.

Bà Lý thêm:

- Người đàn ông còn hay hái lá thuốc nữa.

Cha Hiền im lặng, Một lát ông nói:

- Tôi có biết một đôi vợ chồng người dân tộc, mà người chồng có nét giống người Việt, tôi không nhìn thấy ông ta đeo tấm thẻ bài nhưng tay ông bị cụt ngón giữa, còn người vợ thì tôi không để ý lắm.

Bà An hồi hộp:

- Mặt ông ta có sẹo không cha?

Cha Hiền trả lời:

- Có nhưng lại không phải một vết.

Bà An thất vọng:

- Chắc lại không phải nữa rồi.

Bà An nhắc nhở:

- Nhưng ông ta có hay hái lá thuốc không?

Cha Hiền nói

- Ở đây người ta thường đến bệnh viện huyện nên cũng ít khi dùng lá thuốc, nhưng ông ta đặc biệt nói tiếng Việt rất tốt. Ông ấy đã làm thầy giáo cho nhà xứ nhiều năm, dạy cho những trẻ em Ba Na ở đây biết đọc viết tiếng Việt.

Bà An suy nghĩ, ông Thành rất có khả năng sử dụng tiếng Việt ở những nơi có đông người Việt như tại mảnh đất này. Trước kia có thể vì những người họ gặp là người dân tộc nên chi tiết này không có ai để ý. Bà hỏi:

- Vậy bây giờ họ ở đâu cha.

Cha Hiền không trả lời ngay, ông nói:

- Hôm nay các chị làm khách của nhà xứ một hôm, để hỏi thăm thêm vài người nữa rồi xác định phải hay không vẫn còn kịp mà.

Bà An nóng lòng:

- Nhưng con muốn biết họ còn ở đây hay không?

Cha Hiền lắc đầu:

- Không còn.

Tối hôm đó họ ngủ lại trong phòng khách nhà xứ. Người nấu bếp ở đây là một người đàn ông lớn tuổi, có lẽ cũng người Ba Na. Lý còn đoán là cậu bé hồi sáng có khi là con trai của người đầu bếp này không chừng. Vừa chẻ củi ông ta vừa hỏi:

- Mấy cô tìm người nhà hả?

An trả lời:

- Dạ phải. Anh có biết thì chỉ giùm tụi tui.

Người đàn ông khoát tay:

- Phải nói tên gì thì mới biết chớ.

Bà Lý trả lời:

- Tên H'Rêng.

Người nấu bếp lắc đầu:

- Không có đâu.

Bà An thất vọng:

- Sao anh biết.

Ông ta cải:

- Sao không biết. Đi chợ nhiều quen hết á.

Bà Ngọc hỏi:

- Vậy anh biết vợ chồng cái ông gì mà ông chồng dạy học ở nhà xứ không?

Ông nấu bếp cười khì khì:

- Ba người dạy, ai biết ông nào.

Bà Ngọc cố gắng:

- Cái ông mà biết tiếng Việt đó.

Ông bếp lại cười to hơn:

- Thày giáo phải biết tiếng Việt mới dạy được chớ.

Bà Lý nỗ lực hơn:

- Nhưng mà cái ông bị cụt ngón tay giữa đó.

Ông bếp gục gặc cái đầu:

- À thầy Brên.

Bà An hỏi tiếp:

- Ông có thấy ông đó hái lá thuốc để uống không?

Ông bếp xác nhận:

- Có mà, ổng hay hái lá cho cha con tui uống lắm.

Ba người đàn bà nhìn nhau, bà An hỏi ngược lại:

- Nếu vậy sao cha Hiền nói không biết ổng có biết hái lá không.

Ông bếp cười ngất:

- Sgôi ơi. Cha bệnh là đi nhà thương liền, làm sao mà uống thuốc lá.

Họ không giấu được vẻ vui mừng. Bà An hỏi tiếp:

- Vậy bây giờ ông đó ở đâu?

Ông già trả lời

- Đi rồi. Đi lâu rồi.

Ba người lại một lần nữa thất vọng, bà An hỏi:

- Đi đâu ông có biết không?

Ông già lắc đầu:

- Không biết đâu.

Ba người về phòng nghỉ bàn tán. Bà An thở dài:

- Chịu thôi. Ngày mai hỏi cha, bay giờ tối rồi.

Sáng hôm sau bà đem chuyện này kể cho cha Hiền nghe, cha ngẩm nghĩ rồi nói:

- Ông già nói đúng hơn tôi, tôi bệnh thì đi nhà thương liền, có khi nào uống thuốc lá đâu. Chắc đúng là người mà các chị tìm rồi đó.

Bà An than thở:

- Nhưng nghe nói lại đi đâu nữa rồi mà cha.

Cha Hiền gật đầu:

- Phải. Ông đó về đây cũng lâu, dạy học ở đây hơn mười lăm năm, rồi vì vợ ổng chết nên ổng buồn, xin thôi dạy. Năm sau nghe nói ổng chuyển đi nơi khác rồi.

Bà Ngọc hỡi ơi:

- Kiểu này biết kiếm đâu cho ra đây trời.

Cha Hiền trấn an:

- Đừng lo, chuyện này không khó.

Bà An mừng rỡ:

- Thiệt hông cha?

Cha Hiền cười:

- Có một ông thầy cũng dạy ở đây lâu năm, có quen biết ổng. Ông đó cũng đã nghĩ hưu, nhưng con trai ổng làm Công an huyện này, để tôi nhờ con ổng tra tìm trong sổ sách đăng ký của Huyện là biết ngay mà.

Chiều hôm đó người quen của cha Hiền đã có câu trả lời, theo đó, Thành đã chuyển về Nam Cát Tiên, một huyện của Đồng Nai giáp ranh tỉnh Lâm Đồng trong một đợt định cư của Nhà nước trong khu vực dành cho người dân tộc ở đây. Bà Lý ngao ngán:

- Lại trở về điểm xuất phát ban đầu.

Bà An dỗ dành:

- Thôi đành vậy. Không thể làm gì khác hơn.

Mọi người vào nhà xứ chào cha Hiền. Linh mục vui vẻ tiễn họ ra cổng và cầu chúc họ được may mắn trong chuyến đi lần này.

Nhờ đã có địa chỉ trong tay, ba người dễ dàng tìm đến ngôi làng đó, sau khi vượt qua một đoạn đường dài và một chuyến phà. Đó là một ngôi làng đã được Nhà Nước cho xây dựng thành ngôi làng theo kiểu người Việt, nhà xây và có hàng rào thô sơ bao bọc chung quanh. Nhưng kỳ lạ là sau mỗi gian nhà xây khiêm tốn đó, lại mọc lên một ngôi nhà sàn đúng kiểu người Châu Mạ, với bộ khung gỗ, hai mái lợp lá rsôi, mỗi căn hộ đều có một bếp riêng và một cửa ra vào mở về phía mái.

Theo cái tên đã được đăng ký tại Công an Gia Lai. Họ tìm đến một ngôi nhà hình thù giống như những ngôi nhà khác, nhưng nhà sàn phía sau thì xơ xác hơn các ngôi nhà còn lại. Một người đàn ông ngồi ủ rũ trên cầu thang, điếu thuốc trên tay cháy hờ hững. Bà An rón rén đi tới hỏi nhỏ:

- Đây là nhà ông Brên phải không?

Ông già gục gặc đầu, bà An lại hỏi:

- Ông là ông Brên?

Ông già lại gật đầu. Bà An bước đến gần hơn, thử gọi:

- Anh Thành.

Người đàn ông im lặng không nói. Bà An ngắm nghía cố tìm ra một nét nào đó quen thuộc ngày xưa nhưng rõ ràng là bà bất lực. Người đàn ông đúng như lời mô tả, một ngón tay giữa của bàn tay trái bị cụt, mấy vết sẹo mờ trên má nhưng sao mà chẳng tìm thấy chút gì để xác nhận đó là Thành, bà thật không biết phải ăn nói thế nào với gia đình họ đây, chẳng hiểu họ có chịu nhận anh hay lại cho rằng bà dắt người tầm bậy về giao cho họ.

Từ xa bà bỗng thấy một bóng người lảo đảo đi đến, mồm ngoác ra chửi rủa liên hồi. Ông già - hay tạm gọi là ông Thành thở dài bước xuống cầu thang. Người mới đến là một thanh niên còn rất trẻ nhưng xem có vẻ không tỉnh táo, ngã nghiêng bước đến gần ông già chửi rủa bằng cả hai thứ tiếng:

- Nè. Ông già mua xe chưa?

Ông già im lặng, gã thanh niên gào lên:

- Tui biểu ông mua sao không mua.

Ông già thở dài:

- Tao không có tiền.

Thằng con trai lại gào:

- Phải mua.

Rồi nó cởi áo, giật tung sợi dây đeo trên cổ vất vào mặt ông:

- Trả ông đó, đồ giả bán không ai mua.

Sợi dây rơi xuống trước mặt An, bà cúi xuống nhặt lên, tấm thẻ đồng quen thuộc đập vào mắt bà giòng chữ: Nguyễn Trung Thành - số quân ………..

Họ mừng như bắt được vàng, bà An móc túi lấy tiền đưa trước mặt người thanh niên:

- Ai nói cái này đồ giả, tôi mua.

Gã thanh niên tỉnh ngay lập tức, gã nhìn bà An nghi ngờ:

- Bà mua thiệt hả?

Bà An gật đầu:

- Tui mua, cái này ở đâu cậu có.

Gã thanh niên chỉ ông già:

- Hỏi ổng đó, của ổng cho tui.

Bà An hỏi ông Thành:

- Của anh hay của ai.

Ông Thành trả lời:

- Không biết, nó ở trên cổ tui lâu rồi, rồi tui cho mẹ nó, mẹ nó để dành cho nó.

Bà An mừng rỡ, bà đưa tiền cho gã thanh niên:

- Tui mua, cậu đi đi cho tôi nói chuyện với cha cậu.

Gã thanh niên bỏ đi ngay lập tức. Ông Thành leo lên nhà sàn, ba người đàn bà không đợi mời cũng lên theo. Bà An hỏi:

- Anh có nhớ anh tên gì không?

Ông già nói:

- Brên.

Bà An lắc đầu:

- Còn nhiều tên nữa mà.

Ông già đáp:

- H'Rêng. Kva Kăng.

Bà An nhắc:

- Còn nữa.

Ông già lắc đầu:

- Hết rồi.

Bà An lại nhắc:

- Thành nữa.

Ông già lại lắc đầu:

- Không biết.

Bà Ngọc xoè tấm thẻ bài trên tay:

- Vậy còn đây là tên ai?

Ông già ngần ngừ:

- Không biết.

Bà Lý phát biểu:

- Anh nói anh đeo từ lâu rồi thì nó phải là tên anh chớ.

Ông già vẫn khăng khăng:

- Không biết.

Bà An nhắc:

- Hồi đó anh ở Sài Gòn, anh tên Thành.

Ông già lại lắc đầu:

- Không biết đâu.

Bà An cố gắng:

- Anh có bốn người em và một người vợ sắp cưới.

Ông già hững hờ:

- Không có đâu.

Bà An lại cố gắng lần nữa:

- Anh là lính tâm lý chiến, cấp bậc thiếu tá.

Ông già coi như không có gì, thản nhiên cầm điếu thuốc hít một hơi dài.

Ba người đàn bà chán nãn bỏ ra khỏi nhà, bà Lý đi lòng vòng chung quanh hàng xóm hỏi thăm. Một lát bà trở lại báo cho bà An biết:

- Ông này còn một đứa con gái lấy chồng ở phía ngoài đường. Thằng hồi nãy là đứa con út.

Ba người quyết định gọi xe ôm đi ra ngoài, hỏi thăm một lúc cũng tìm được nhà của người con gái. Đó là một ngôi nhà lợp tôn nho nhỏ, vách đóng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau. Hai đứa bé đen đủi, nhem nhuốc chạy lẩn quẩn bên thùng nước đục ngầu dưới mái tôn. Người đàn bà mới nhìn qua đã thấy già trước tuổi thò đầu qua lớp cửa hỏi trổng:

- Gì đó?

Bà Lý cất tiếng:

- Phải nhà H'Brao không?

Người đàn bà gật đầu. Bà Lý hỏi:

- Chị là con gái ông Brên hả?

Họ vào nhà lúng túng ngồi tạm trên chiếc vạt tre lổm ngổm áo quần trẻ con. Người đàn bà e dè:

- Hỏi gì.

Bà An xoè sợi dây có tấm thẻ bài ra.

- Tôi mới mua lại của em chị, chị biết cái này không?

Người đàn bà gật đầu:

- Biết, của cha tui.

Bà An hỏi:

- Ở đâu cha chị có.

Người đàn bà lắc đầu:

- Không biết, má tui nói cha cho má, rồi má để dành cho con trai cưới vợ.

Bà An hỏi thêm:

- Chị có biết thêm gì nữa không?

Người đàn bà lại lắc đầu. An chán nãn, bà móc di động ra gọi cho Vân.

Hai hôm sau khi họ trở lại trên chiếc xe của bà Vân thì không có ông Thành trong buôn làng. Những người chung quanh bảo họ ông ấy ra ngoài nhà con gái. Vân lái xe theo sự chỉ dẫn của mọi người, bà có vẻ xúc động và thường ho húng hắng. An nói:

- Bình tĩnh nha Vân - Chưa chắc gì đúng đâu.

Vân thở dài:

- Đừng nói vậy mà.

Bà Ngọc hỏi:

- Chị làm sao để xác nhận đó là anh Thành.

Vân bình tĩnh:

- Anh Thành có một cục thịt dư nằm phía trong lỗ tai bên phải.

Mọi người à lên cùng một lúc. Lý thở phào:

- Cầu cho đúng là ổng cho rồi.

An nhún vai:

- Ráng mà đè ổng xuống coi trong lỗ tai, liệu hồn mà bị mang tiếng là khủng bố sắc tộc thiểu số.

Ba người đàn bà cười ngặc nghẽo, Vân nói:

- Đừng nghe lời An, chuyên gia hù dọa đó.

An tủm tỉm:

- Chưa biết ai đúng đâu nghe.

Khi họ đến ông Thành đang đút cơm cho cháu, người con gái của ông ngập ngừng đón khách, có lẻ bà ngạc nhiên trước sự hiện diện nhiều lần của những người so với bà quá giàu có, sang trọng. Bà Ngọc nhanh nhẹn đưa tiền nhờ mua nước ngọt, trái cây. Ông già vẫn cứ giữ thái độ hững hờ như lần trước. Bà An thấy Vân đã bắt đầu rươm rướm nước mắt, bà kéo tay bạn:

- Bắt đầu đi.

Hai người bước đến bên phải ông. Bà An gọi:

- Ông Brên, cho tui hỏi thăm chút.

Người đàn ông lạnh lùng:

- Hỏi đi.

Bà An khẽ đẩy Vân đến gần hơn:

- Anh ngó kỹ coi có quen chị này không?

Ông già lắc đầu:

- Không có.

An kèo nài:

- Anh chưa kịp ngó mà, anh ngước lên nhìn kỹ coi có quen không?

Ông già ngẩn đầu lên, tia mắt ông vẫn lạnh nhạt như vô hồn. An khẽ huých nhẹ Vân, bà cúi sát mặt nhìn vào lỗ tai bên phải ông già rồi gật đầu lia lịa, nước mắt bắt đầu tuôn ra.

Bà An tiếp tục:

- Nhìn kỹ đi anh, đây là Vân, vợ chưa cưới của anh đó, anh có nhìn ra không?

Ông già ngước nhìn Vân lần nữa rồi lắc đầu. Bà Vân bắt đầu tuôn chảy lả chả nước mắt. An lại tiếp:

- Anh ngó lại kỹ coi có nhận ra Vân không, tụi em lên đây để đón anh đi đó.

Lần này ông già không buồn trả lời, ông thò tay móc trong lưng quần ra gói thuốc rê, vấn một điếu to tướng, thong thả ngồi hút. Bà An vẫn không nãn chí, bà nói:

- Anh có nhớ ngày xưa anh với Vân đã sắp làm đám cưới rồi không?

Người đàn ông vẫn không trả lời, ông ta hững hờ đưa điếu thuốc lên môi hít một hơi dài. Bà An khẩn khoản:

- Anh Thành. Anh nhớ lại đi mà. Anh nhớ lại giùm đi anh. Không lẽ Vân mà anh cũng quên nữa sao.

Người đàn ông nhìn họ như những nhân vật xa lạ nào đó, đôi môi ông hơi trĩu xuống, có vẻ như trong phút chốc đầu ông muốn hướng tới một chút suy tư nào. Vân bật khóc nức nở:

- Anh ơi về nhà đi anh, về với em đi anh.

Người đàn ông lắc đầu quầy quậy:

- Nhà tui ở đây mà, tui hông đi đâu.

Bà An nài nỉ:

- Thôi anh cứ đi về với tụi em trước, rồi hồi nào anh muốn lên đây thì lên.

Người đàn ông khăng khăng:

- Không đi đâu hết.

Bà Ngọc nãy giờ ngồi im không có ý kiến. Cũng như mọi người, bà quá mệt mõi với cuộc kiếm tìm vô vọng này. Tuy được trả lương hậu hĩnh nhưng bà chẳng phấn khởi chút nào. Cả năm trời dong ruỗi ngược xuôi, từ tỉnh này qua tỉnh nọ, từ buôn làng này sang bản Thượng khác bà đã chán ngán cái cảnh vừa đi vừa lần mò thế này. Gặp được ông già này ở đây coi như mọi người mừng rớt nước mắt. Tuy không bà con gì chớ bà Ngọc cũng thấy mừng, bà muốn kết thúc cái chuyện đi tìm con người bạc phước này. Bà nhìn đi nhìn lại ông Thành, cố tìm cái nét thanh lịch của người đàn ông ngày xưa đã cùng mình cận kề bên cái chết. Sao mà bà chẳng nhận được chút gì gọi là quen thuộc hết ngoại trừ cái đầu tóc loăn quăn chút chút. Đúng rồi, người dân tộc thì tóc quăn tít hoặc bám sát da đầu, còn ông này quăn quăn lai rai thôi, cái kiểu một số người Việt thường có. Ngoài ra thì cũng đen thủi đen thui, da dẻ mốc cời lên chớ có khác gì dân trong buôn đâu. Lỗ tai ổng còn xỏ vòng đồng nữa kìa chớ. Một cái thẹo mờ gần lỗ tai trái như lời kể của Kva Đăng thì đúng rồi, mà đâu chỉ có một, hình như hai ba cái đó chớ. Cái vụ cụt ngón tay giữa bên trái sao mà nghi ngờ quá, hổng biết có phải đúng như lời kể hay không. Nhưng mà đôi mắt thì coi ra có vẻ giống như người Kinh, nó không to tròn và lông mi dày rậm như người dân tộc mà dài có đuôi, lại còn xẹp mí nữa chớ, già rồi mà. Nhưng mà nhìn kỹ thì thấy rõ ràng có nét giống người Kinh, nhất là cái chót mũi cao gọn mà người dân tộc rất hiếm khi có. Cũng có khi đây đúng là người mà họ đang tìm thật.

Bà lại nghiêng nghiêng nhìn lần nữa xem có thấy thêm được chút gì quen thuộc trên khuông mặt xa lạ đó không. Bà Lý hỏi bà:

- Có thấy giống chút nào không?

Bà Ngọc gật gù:

- Mới nhìn thì không, nhìn kỹ thì hơi hơi giống.

Bên kia bà Vân vẫn khóc mùi mẫn, Ngọc nhìn thấy mà xót xa trong lòng, không dám nhìn tiếp, bà đành quay ra đường. Phía bên kia đường là một tiệm vá vỏ nhỏ, có chiếc xe đò vừa ngừng lại sửa chữa. Bà Ngọc băn khoăn không hiểu đã đến lúc kết thúc mà đón xe về chưa. Hình như chiếc xe bên kia bị hư vỏ ruột gì đó, mấy người thợ xúm lại nâng con đội tháo vỏ xe. Bà ngao ngán nghĩ tới nếu ông già này không đúng, mình lại phải tiếp tục kéo dài thêm công việc vô vọng này không biết đến bao giờ.

Bà An lại cúi xuống dỗ dành:

- Thôi nhen, hay anh về cùng tụi tui chơi vài tháng, phải hổng phải gì cũng được, coi như để anh biết Sài Gòn vậy mà. Anh đi với tụi tui đi.

Ông già khoát tay:

- Thôi khỏi. Tui không đi.

Bà An lại dụ tiếp:

- Anh đi chơi thôi rồi mai mốt trở về chớ có đi đâu đâu mà sợ. Đi vài bữa cũng được.

Ông già nhất quyết:

- Đã nói không đi mà.

Tiếng bà Vân uất nghẹn làm bà Ngọc thấy đau lòng:

- Anh nhất định bỏ em sao?

Bà Ngọc tức tối giùm, sao mà khổ thân Vân vậy chớ, bao nhiêu năm đợi chờ để cuối cùng nhận được kết quả thế này sao. Bà quay lại nhìn chăm chằm vào mặt ông già, quát lên không tự chủ nổi:

- Ngu vừa vừa thôi chớ, Vợ con khổ thế này mà không nhìn.

Bên kia đường nổ vang một tiếng ầm làm mọi người giật mình, tiệm vá xe bên đường vừa bị nổ vỏ. Thấy không có gì, mọi người quay lại nhìn người đàn ông. Bỗng như có một điều gì lạ lắm xảy ra, ông ta chăm chú ngước nhìn mọi người, dừng lại thật lâu nơi mặt Vân đầm đìa nước mắt. Rồi bỗng như một tiếng sét giữa không trung, tất cả mọi người rúng động khi nghe ông thều thào trong cổ họng:

- Thanh Vân.

o O o

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn