BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73315)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Miền Ký Ức (1)

10 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 3407)
Miền Ký Ức (1)
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55


Bà An phải xin nghỉ phép để nhập vào hội tìm người của bà Vân. Bà Trinh cũng hối hả xuất viện đi theo. Sự nôn nóng làm cơn bệnh của bà lùi hẳn. Bà Vân tạm giao lại chuyện nhận khách và điều hành xe cho Ngọc Lan, các chuyện khác chờ bà về giải quyết. Họ xuất phát lúc 7 giờ sáng trên chiếc xe du lịch nhỏ do bà Vân cầm lái.

Bà Trinh hỏi:

- Có chắc biết đường không An?

Bà An tỉnh rụi:

- Em đi qua đó cả trăm lần rồi, có điều là không ghé qua thôi.

Té ra cũng không dễ dàng như bà An nghĩ, địa phương đó kéo dài đến gần 10 cây số và có đến 4 cái chợ cùng tên, người ta chỉ phân biệt tên chợ qua tên cây số như lẻ hai, lẻ tư. Qua 3 chợ kia vẫn không có ai tên Ngọc bán sách, họ phải cho xe quay ngược lại để tìm chợ thứ tư. May mắn là cũng tìm ra. Tiệm sách nằm trong một góc khuất, đứa trẻ trông chừng hàng đang ngồi đọc truyện. Khi nghe hỏi đến mẹ, nó chỉ tay:

- Mẹ con về nhà nấu cơm rồi.

Theo sự chỉ dẫn của đứa trẻ và người trong chợ, họ tìm đến ngôi nhà bà Ngọc, một ngôi nhà khiêm tốn với những vật dụng thông thường, chứng tỏ chủ nhân cũng không giàu có gì. Bà Ngọc ngạc nhiên khi thấy chiếc xe du lịch đậu trước nhà và những người đàn bà sang trọng hỏi tên mình. Bà mời vào nhà và rót nước cho khách:

- Không biết mấy chị tìm tôi có chuyện gì?

Bà An xởi lởi:

- Thì cũng phải có chuyện mới kiếm. Tụi em đi từ Sài Gòn lên đây, hỏi thăm miết mới gặp được chị.

Bà Ngọc lạ lùng:

- Mà chuyện gì vậy?

Bà Vân nhẹ nhàng:

- Xin lỗi đã làm phiền chị. Chị cho em hỏi có phải mấy ngày trước chị có đi thăm người quen nằm trong bệnh viện Y học dân tộc không?

Bà Ngọc mau mắn gật đầu:

- Có. Hôm đó tôi đi lấy hàng, nghe nói chị bạn hàng quen đi thăm bà chị bị bệnh, sẵn tôi cũng muốn coi bệnh viện đó ở đâu nên đi cho biết.

Bà Vân hỏi tiếp:

- Trong lúc ngồi nói chuyện ở phòng bệnh, tôi nhớ hình như chị có nhắc tới chuyện người bệnh bị sốc thuốc Peniciline phải không?

Bà Ngọc xác nhận:

- Có, tôi có nói.

Bà Vân mừng rở:

- Có phải chị nói chị đã thấy tận mắt người đeo tấm giấy ghi mình bị sốc thuốc không?

Bà Ngọc xác nhận lần nữa:

- Đúng - chính mắt tôi nhìn thấy tờ giấy đó.

Bà Trinh chen vô:

- Chị có biết người đó ở đâu không?

Bà Ngọc lắc đầu:

- Tôi không biết.

Ba người đàn bà nhìn nhau thất vọng. Một lát bà An hỏi:

- Làm phiền chị, chị có thể nhớ lại được chị gặp ông đó trong trường hợp nào không?

Bà Ngọc chống cằm:

- Chuyện quá lâu rồi, từ hồi trước giải phóng lận, mấy mươi năm rồi còn gì?

Bà Trinh hỏi tới:

- Lúc đó chị ở đâu?

Bà Ngọc trả lời ngay:

- Cũng ở vùng này thôi nhưng cách đây mấy cây số. Hồi đó ở đây nhỏ chút xíu hà, dân cũng có mấy đâu, lần hồi sau này mới mở rộng ra như bây giờ. Lúc đó ở đây rừng không là rừng đó mà. Tụi tui đi học xe bị chận đắp mô thường xuyên. Hai đầu thì vài bữa có một trận đánh, chuyện chết với bị thương thì lu bù, kể sao cho xiết.

Bà Vân biến sắc:

- Lúc đó người đó như thế nào? Chị làm ơn kể lại được không?

Người đàn bà trầm ngâm:

- Phải để tôi từ từ mới nhớ lại được.

Bà An hoà hoãn:

- Vâng. Chị cứ thong thả. Tụi em đợi được mà.

Một lúc lâu sau, người đàn bà tên Ngọc từ từ kể:

Năm đó Ngọc được 16 tuổi, chưa lớn mà cũng không còn nhỏ. Lúc đó là vừa hết Tết, chiến sự liên tiếp nổ ra trên nhiều vùng đất nước. Nơi Ngọc ở trước kia vốn là vùng đất xôi đậu, ban ngày lính Cộng Hoà vác súng đi tới đi lui, ban đêm đến phiên Việt Cộng vào nhà dân cuối xóm. Nằm trên đường quốc lộ nhưng an ninh không tốt lắm, buổi chiều tầm cỡ 4 giờ là xe không dám đi qua. Được cái cho tới gần ngày giải phóng mới có chiến tranh, còn trước thì bom đạn chỉ nổ ở 2 đầu vùng xôi đậu đó. Mẹ Ngọc là người duy nhất coi sóc cái trạm y tế nhỏ xíu ở đây, công việc chính của bà là hộ sinh, nhưng sau cái ngày mà ông y tá cuối cùng khăn gói vào quân đội thì bà phải một mình cáng đáng hết mọi việc trong ngoài cùng với bà hộ lý già nua lẩm cẩm. Từ khám bệnh, phát thuốc, băng bó cho người dân trong vùng đến đỡ đẻ, chăm sóc sản phụ và con của họ. Ngay cả mỗi khi một hoặc hai đầu nổ ra tiếng súng là hai bà già lại chuẩn bị bông băng, nước sôi, dao kéo thuốc men. Chiến tranh có quá nhiều vết cắt, người dân vô tội cũng như những kẻ ở bên lề chiến tuyến. Mẹ Ngọc chẳng bao giờ từ chối ca nào. Cứ có người khiêng đến trạm y tế là bà lại lúi húi lau rửa băng bó, không buồn để ý xem nạn nhân là dân hay Việt cộng hoặc lính Cộng hoà. Sau đó ai mang thì đâu là chuyện của họ, bà chẳng quan tâm.

Ngày trôi qua ngày, bà cứ lẳng lặng làm công việc của mình, có khi thấy nạn nhân bị thương nặng, khả năng của trạm không đủ mà chẳng thấy có người nhà, bà lại gọi xe lam chở người bị thương lên tuyến trên, có khi bà trực tiếp đưa bệnh nhân đi. Có khi bà còn bệnh đợi ở nhà thì lại điều bà hộ lý đi kèm. Việc này thỉnh thoảng cũng có xảy ra nhưng không nhiều. Lúc đó người dân ở đây rất quan tâm đến nhau, không ai nỡ từ chối khi có yêu cầu của mẹ Ngọc, một phần vì tâm tính người dân quê thường nhân hậu, một phần vì cả nể tiếng nói của người duy nhất phụ trách sức khoẻ cho dân trong vùng, nên đôi khi họ giúp nhau mà chẳng cần tiền bạc gì. Điều này mấy mươi năm sau xem ra rất khó mà có được.

Hôm đó là ngày Ngọc chuẩn bị để mai đi về trường học, cô học nội trú tại một trường trên tỉnh, Ngọc còn nhớ hôm đó trời nắng rất nhẹ nhàng. Khoảng 10 giờ sáng một tai nạn xảy ra trên quốc lộ, do thắng gấp tránh một em bé băng ngang đường, chiếc xe du lịch màu trắng sữa đã lật nhào vào ven bờ cỏ. Người dân hiếu kỳ vây quanh rồi mang ra một người đàn ông mặc thường phục, ngất xỉu trên xe do chấn thương vùng ngực vào vô lăng. Mọi người lập tức mang nạn nhân vào trạm y tế. Mẹ Ngọc không tìm thấy vết máu trên người anh nhưng bà thấy nhiều vết va dập ở phần ngực và bụng. Sơ cứu, chích thuốc hồi sức mà mãi người đàn ông không tỉnh lại, mẹ Ngọc đành gọi xe chở anh lên tuyến trên. Hôm đó người hộ lý già có việc xin nghỉ, trong phòng hộ sinh hai người phụ nữ đang nhăn nhó chờ chuyển dạ. Mẹ Ngọc không biết làm cách nào, bà đành gọi Ngọc đến bảo cầm giấy giới thiệu đưa bệnh nhân đi. Ngọc giãy nãy lên thì lập tức bị mẹ trừng mắt:

- Đi đi, bảo đảm với con lên tới bệnh viện cũng chưa chết đâu. Lo mà cứu người ta chớ ở đó mà nhăn nhó.

Rồi bà căn dặn:

- Khi lên tới bệnh viện con phải chỉ cho nhân viên y tá thấy cái này.

Bà kéo Ngọc đến gần, lôi trong cổ áo nạn nhân ra tấm thẻ bài và tờ giấy ép plactis cẩn thận. Ngọc đọc thấy giòng chữ:
Tôi là Nguyễn Trung Thành sinh năm …………...
Tôi bị sốc phản vệ với Peniciline. Xin đừng sử dụng Peniciline cho tôi dù bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nghe kể đến đây, cả bà Vân và bà Trinh bật khóc nức nở. Bà An cũng rươm rướm nước mắt quay đi nơi khác.

Đợi cho mọi người qua cơn xúc động, bà Ngọc rót ra cho mình một ly nước, uống một hớp rồi từ từ kể tiếp:

Lúc đó Ngọc sợ lắm, nhưng thấy ông ta không có máu me gì và nghe mẹ quả quyết nên cũng không dám cải. Người ta đặt nạn nhân lên một chiếc võng treo tòng teeng phía sau xe lam, một loại xe thô sơ ngày đó. Đó cũng là nơi duy nhất có thể đặt nạn nhân lên được vì xe lam chạy rất dằn xóc, không thể để trên ghế xe hoặc dưới sàn. Ngọc ngồi ở băng ghế phía sau phía chân người bị nạn, len lén nhìn chừng mà miệng thì đọc kinh liên tục. Cô vốn rất chết nhát, không ngờ bị mẹ bắt đi làm cái việc nhân đạo này.

Xe lam là loại xe muốn chạy nhanh cũng không được, những người lớn tuổi đã từng di chuyển trên phương tiện này cũng hiểu. Đã thể nó lại kêu phành phạch vang trời, điếc cả tai. Nhưng đó là loại phương tiện giao thông khá thông dụng tại vùng đất này vào thời đó. Xe chở Ngọc và người bị thương đi được một đoạn khá xa, cô trông thấy người đàn ông khe khẻ mở mắt. Mừng quá, Ngọc gọi:

- Anh gì đó ơi. Anh tỉnh chưa?

Người đàn ông không trả lời, môi anh mấp máy. Ngọc lay hoay mở bi đông nước đem theo bên mình, đổ được chút xíu vào miệng anh thì xe dằn tưng tưng làm nước văng tùm lum. Chưa thêm được chút nào thì anh đã nhắm mắt lại tiếp. Sợ quá, Ngọc lại gọi:

- Anh gì ấy ơi, anh Thành ơi . Phải anh tên Thành không?

Ông ta không trả lời. Ngọc lại gọi:

- Anh mở mắt ra cho tui đỡ sợ đi .

Người đàn ông mở mắt. Ngọc mừng rỡ:

- Anh có thấy đau chỗ nào không? Tui đưa anh lên bệnh viện quận nè.

Người đàn ông không trả lời. Ngọc lại nói:

- Anh thử nhúc nhích coi có đau chỗ nào không?

Người đàn ông khẻ động đậy mấy ngón tay. Ngọc mừng quá, cô nói:

- Anh cố cố ngóc đầu dậy thử coi có nổi không nghen, hay là tui đỡ anh dậy?

Người đàn ông khẽ lắc đầu, rồi anh ta lại nhắm mắt. Ngọc ỉu xìu. Cô thường nghe mẹ nói bệnh nhân phải cố chiến đấu với chính mình thì mới mau khỏi bệnh. Ngọc cằn nhằn:

- Biểu ráng ráng dậy mà hổng nghe. Anh mà hổng ráng là nằm luôn đó.

Người đàn ông vẫn nhắm mắt. Ngọc tức mình không thèm gọi nữa.

Xe chạy bắt đầu đến một đoạn đường vắng, chợt Ngọc nghe có tiếng súng nổ đằng xa, cô hốt hoảng. Chết rồi, sắp có đánh nhau ở phía trước, như vầy mà người đàn ông còn nằm đây thì cô biết làm sao. Người tài xế xe lam cho xe dừng lại, ông quay lại nói với cô:

- Xuống xe đi Ngọc ơi, kiếm chỗ nào mà trốn đạn đi con.

Ngọc lúng túng:

- Còn ông này sao đây chú?

Người tài xế gắt:

- Kệ ổng chớ, ai mà khiêng ổng xuống được. Lo trốn đi.

Nói xong ông chạy nhanh vào mấy bụi rậm ven đường. Ngọc sợ điếng người. Từ nhỏ đến giờ tuy vùng cô có chiến tranh, nhưng thực tế lại cách xa nhà cô đến cả chục cây số nên chỉ nghe, thấy mà chưa hề bị rơi vào bao giờ. Huống chi thời gian gần đây cô thường đi học xa, năm thì mười họa mới ở nhà, cô có phải bao giờ đối mặt với hoàn cảnh này đâu. Kinh nghiệm sống ở vùng chiến dạy cho người dân biết khi có tiếng súng nổ phải tìm nơi nào thấp, có vật che chắn mà ẩn mình, cô đang ngồi trên xe bên đường quốc lộ, là mục tiêu dễ thấy cho cả hai bên. Đã vậy lại còn thêm một ông nằm im nhắm mắt kế bên, sao mà cô khổ quá chừng vậy chớ. Ngọc lay người đàn ông:

- Anh Thành ơi. Dậy đi, dậy trốn đạn.

Người đàn ông mở mắt nhìn cô rồi nằm im. Bực tức, Ngọc nhảy xuống xe quát lên:

- Ngu vừa vừa thôi chớ, súng nổ ầm ầm kìa, nằm đây đặng chết hả?

Ngọc vừa kịp trông thấy ánh mắt sáng loé lên của người đàn ông thì bên tai cô đã nghe một tiếng uỳnh rồi cô thấy người mình nhẹ bỗng. Ngọc ngất đi ngay lập tức.

Căn nhà vang lên tiếng hỉ mũi rột rẹt của bà Trinh, tiếng sụt sùi của Vân và tiếng thở dài của bà An. Bà Ngọc ngừng một lúc lâu sau rồi nói tiếp.

Khi tỉnh dậy Ngọc thấy trời đã quá trưa, người cô đau nhừ như bị ai đánh. Ngồi một lúc tỉnh táo lại cô thấy mình may mắn rơi trúng một đám cỏ khô nằm sâu trong lề đường, chắc nhờ thế nên người cô không bị vết thương nào, nhưng Ngọc cảm thấy nặng nề và đau nơi vùng ngực. Đợi cho khoẻ lại Ngọc bò lần ra quốc lộ, việc đầu tiên là cô không trông thấy chiếc xe lam nào gần đó cả. Do không xác định được địa điểm nên Ngọc không biết mình đang ở nơi cách xa chỗ chiếc xe đậu lúc sáng là bao nhiêu. Cô chỉ thấy một mình mình trên đường vắng, cô sờ tay vào túi quần mò được mấy tờ tiền buổi sáng mẹ đưa. Tập tễnh đi một đoạn Ngọc trông thấy mấy vết máu trên đường và cái vật quen thuộc đập vào mắt cô từ xa là tờ giấy ép plactis mà người đàn ông tên Thành đã đeo nơi cổ.

- Chắc anh ta chết rồi.

Ngọc nhủ thầm, rồi cô tự hỏi:

- Vậy thì xác anh ta ở đâu ?

Tự hỏi vậy thôi chớ cho tiền Ngọc cũng không dám đi tìm, cô sợ muốn chết đây này. Còn cái xe lam và ông tài xế không biết ra sao nữa. Nhưng mà thôi, kệ họ, cô phải đón xe về nhà, ở nhà bây giờ không biết cô ra sao. Có khi má lại tưởng mình chết rồi nữa chớ đừng nói.

Ngọc đón được một chuyến xe đò đi về nhà, trên xe ai cũng lo ngại khi thấy cô mặt mũi phờ phạc xanh mét, có người đàn bà còn hú hồn gọi vía cho cô nữa. Xuống xe người ta không lấy tiền còn chúc cô may mắn, mà may thiệt chớ có phải không đâu.

Má cô ứa nước mắt khi thấy con gái trở về. Người tài xế và chiếc xe lam đã về cách đó ba mươi phút. Chiếc xe bị bung một bên vách nhưng vẫn còn chạy tốt. Ông tài xế gặp má cô, phân trần đã tìm nửa giờ mà không thấy cô và người đàn ông bị nạn ở đâu nên ông phải chạy xe về nhà, ở nhà vợ con ông cũng lo lắng cho ông không kém. Má cô không trách người tài xế, còn xin lỗi vì đã gián tiếp gây thiệt hại cho ông nhưng ông nói thoát chết là tốt rồi, của cải ăn nhằm gì. Người tài xế đó thiệt là tốt bụng.

Bà Ngọc kể xong thì im lặng, sau đó bà nói thêm:

- Từ đó cho tới giờ mẹ con tôi không hề biết thêm được chút tin tức gì của ông Thành, nhưng rõ ràng là tôi có nhìn thấy mấy vết máu và tấm giấy đó rớt trên đường còn ngoài ra không thấy thêm gì hết.

Tất cả rơi vào im lặng. Bà Vân gục xuống bàn, hoàn toàn tuyệt vọng. Trời ơi. Sao lại tàn nhẫn khắc khe như thế. Ba mươi năm qua rồi anh chết gục ở đâu trong khi em mòn mõi chờ anh. Sao ngày cuối cùng của anh lại cay đắng thế này? Chết khi chung quanh không một người thân, không ai biết anh nằm xuống nơi đâu? Ai là người vuốt mắt cho anh? Sao anh không về báo cho em biết? Sao anh dặn em phải chờ đợi anh mà anh lại bỏ em? Sao trước ra đi anh không nhắn gửi cho em vài giòng để em còn biết tìm anh ở đâu? Sao anh biến mất tăm như gió đưa đi xa lắc để ba mươi năm sau em mới biết được những điều đau xót này?

Thời gian từ từ trôi. Cuối cùng bà An là người lên tiếng trước nhất:

- Chị Ngọc có chắc là nhìn thấy tấm giấy nơi cổ anh Thành không?

Bà Ngọc gật đầu:

- Chắc chắn.

Bà An lại hỏi:

- Chị có chắc là khi đó chị có thấy anh Thành tỉnh lại không?

Bà Ngọc trả lời:

- Trước khi bị ngất đi, tôi có nhìn thấy ổng mở mắt lớn lắm.

Bà An trầm ngâm:

- Chị thấy trên đường nhiều máu không?

Bà Ngọc lắc đầu:

- Không nhiều.

Bà An lại hỏi:

- Chiếc xe không bị hư nặng phải không?

Bà Ngọc xác nhận:

- Chỉ bị bung một bên vách.

Bà An trầm ngâm một lúc rồi hỏi:

- Cái võng như thế nào.

Bà Ngọc ngẩn người. Rõ ràng bà không hề nhớ chi tiết này vì sau đó bà không nhìn thấy chiếc xe. Bà nói:

- Tôi không biết.

Bà An mím môi:

- Người tài xế đó bây giờ còn sống không?

Bà Ngọc gật đầu:

- Còn, nhưng ông đã già lắm, không biết có còn nhớ chuyện đó nữa không.

Bà Trinh không nén nỗi tò mò:

- Chi vậy An.

Bà An suy nghĩ một lúc rồi mới trả lời:

- Này nhé, viên đạn không rơi trúng xe, bằng chứng là chiếc xe không hư nặng. Chị Ngọc bị sức ép bắn tung lên là do trước đó chị nhảy xuống khỏi xe. Điều đó không có nghĩa là nhất thiết anh Thành đã bị trúng đạn, vì lúc đó anh còn đang nằm trong xe. Vấn đề là sau đó trên xe còn cái gì, có biểu hiện nào cho thấy cái chết của anh Thành không. Nên việc bây giờ là tìm người lái xe.

Vân như bừng tỉnh. An nói đúng. Đã có ai nói nhìn thấy Thành chết đâu, sao bà lại tuyệt vọng như thế? Bà Ngọc bị bắn tung lên còn có thể rơi vào bụi cỏ được thì tại sao Thành lại không? Điều kỳ diệu xảy ra cho người này thì cũng có thể xảy ra cho người khác chớ. Bà Trinh nghi ngờ:

- Nhưng chị Ngọc nói nhìn thấy tấm giấy anh Thành đeo.

An lắc đầu:

- Tờ giấy có thể bị sức ép bay đi. Vả lại nếu như anh Thành bị chết vì trái nổ đó thì trên xe và chung quanh phải đầy máu. Mà người lái xe còn đi tìm chị Ngọc và anh ấy thì chứng tỏ ông ta không thấy máu trên xe. Vấn đề này chỉ được xác minh bởi người đó mà thôi.

Bà Ngọc đồng ý:

- Ý kiến hay. Vậy thì bây giờ mấy chị chờ tôi thay đồ rồi tôi đưa mấy chị đi.

An ngăn lại:

- Trưa rồi. Chị cũng chưa ăn uống gì. Bây giờ tới nhà người ta hỏi chuyện đúng lúc ăn cơm thì không hay. Người già khó tính lắm. Cứ để thong thả cho ông ấy cơm nước, ngủ trưa dậy xong thì đến.

Bà Vân nóng lòng:

- Phải chờ tới chiều sao?

Bà An gật đầu:

- Chắc chắn là vậy. Vân phải kiên nhẫn. An cho rằng không phải chỉ một hôm nay là xong đâu. Theo An nghĩ đây chỉ mới là bước đầu, mà sẽ còn khó khăn hơn nữa kìa. Hôm nay chúng ta may mắn gặp chị Ngọc là nhờ tấm giấy ép nhựa anh Thành đeo nên chị Ngọc mới nhớ lại. Từ đây miếng giấy đó bay mất rồi, sẽ không còn dấu hiệu nào để truy tìm nữa đâu. Vân phải kiên nhẫn hết sức thôi.

Bà Vân mím môi:

- Chờ đến bao giờ Vân cũng chờ.

Bà An nói một câu ý nhị:

- Thì đã chờ đến ba mươi năm rồi mà.

Buổi trưa họ ăn cơm ở nhà bà Ngọc. An nhanh nhẩu ra một tiệm cơm gần đó gọi món ăn đem về. Họ không muốn gây thêm phiền hà cho chủ nhà. Nghỉ trưa xong khoảng gần 3 giờ bà An gọi mọi người dậy, bà Ngọc cũng đã sẵn sàng.

Theo sự chỉ dẫn của bà Ngọc, bà Vân lái xe đến một cửa hàng sắt vụn cách đó gần 2 cây số. Bà Ngọc vui vẻ chào hỏi chủ nhà rồi theo người đàn ông mập mạp bị thọt một chân đến căn phòng nhỏ tồi tàn phía sau.

Người đàn ông thọt chân gọi:

- Bố ơi. Có chị Ngọc đến thăm bố đây.

Tiếng ông già trong phòng vọng ra:

- Ngọc nào đấy?

Người đàn ông trả lời:

- Ngọc con bà mụ ngày xưa đó mà. Chị của anh Minh anh Mẫn đó bố.

Tiếng ông già ho sù sụ:

- Nhớ rồi, nhớ rồi. Bảo nó vào đây.

Bốn người đàn bà khoát tấm màn cáu bẩn bước vào phòng. Bà Ngọc đon đả:

- Cháu chào chú Đại ạ. Chú khoẻ không chú?

Ông già ho thêm mấy tiếng:

- Khoẻ gì cháu ơi. Già rồi mà. Tao cũng sắp sửa đi theo ba má mày rồi.

Bà Ngọc cười vuốt:

- Không đâu - Cháu trông chú còn khoẻ lắm. Chú ráng sống cho mấy em nó mừng.

Ông già khoát tay:

- Ráng thế nào được con. Mà này, hôm nay mày đi đâu đây, ai mà đông thế cháu.

Bà Ngọc nhìn quanh quất thấy chỉ có mỗi một cái ghế, bà lúng túng chưa biết làm thế nào thì bà An đã nhanh nhẩu bê từ ngoài vào phòng một cái ghế băng gỗ cũ kỷ dơ dáy. Bà Vân rút chiếc khăn tay trắng tinh ra lau sơ rồi cùng hai người bạn ngồi tạm xuống. Bà Ngọc lúc này đã ngồi xuống ghế dựa cạnh chiếc giường mục nát của ông già. Bà Ngọc nắm tay ông:

- Chú này, hôm nay cháu đến thăm chú, nhân thể cháu muốn hỏi chú cái này, không biết chú còn nhớ không?

Ông già cười rung rinh hàm râu:

- Mày nhớ đến chú là tốt . Còn tao già rồi, mày hỏi cái gì tao nhớ thì tao nói, không thì thôi nhé.

Bà Ngọc cười:

- Không thì thôi chứ con làm gì được chú?

Bà với tay kéo chiếc gối kê vào lưng ông cụ, đấm khẽ vào vai ông mấy cái. Ông già vui vẻ hỏi:

- Này cái Ngọc hỏi gì thì hỏi đi.

Bà Ngọc nói chầm chậm:

- Chú có nhớ chuyện cái ông xe lật mà chú đưa đi đoạn gần giải phóng không?

Ông Đại cười khùng khục:

- Cái con này, mày muốn đánh đố tao à? Mẹ mày thuê xe tao chở đi bao nhiêu người, hỏi tao thế sao tao nhớ nỗi.

Bà Ngọc lắc đầu:

- Không, cháu chỉ muốn hỏi chú có nhớ cái ông mà hôm đó cháu đi đưa bệnh theo xe chú đó. Những lần khác cháu có đi bao giờ đâu?

Ông già có vẻ ngạc nhiên:

- Thế mày có đi xe tao à?

Bà Ngọc nhăn nhó:

- Chú lại quên mất rồi à, cái lần đó cháu với chú đang đi thì đánh nhau đó.

Rồi bà nhắc thêm:

- Lần đó xe chú bị bung mất một bên hông xe, còn cháu thì văng tuốt vô lề đó.

Ông già ngơ ngẩn một lát rồi nói:

- Ừ mày nhắc tao mới nhớ, đúng là hôm đó có mày thật, rồi tao không tìm thấy mày tao chạy xe về một mình, má mày thấy vậy khóc quá trời.

Bà Ngọc tươi hẳn lên:

- Đúng rồi đó chú, đúng là hôm đó chú.

Ông già ho một tràng rồi hỏi:

- Nhưng hôm nay mày nhắc đến làm gì?

Bà Ngọc nắm tay ông:

- Phải có chuyện con mới hỏi chứ. Chú này, chú bảo sau lúc đánh nhau rồi chú đi tìm con, thế chú không nhìn thấy con mà chú có thấy cái ông nằm trên võng trong xe chú không?

Ông già ngẩn ngơ:

- Thấy ai đâu, tao về một mình mà.

Bà Ngọc nói:

- Thế chú có tìm xung quanh không?

Ông già trả lời:

- Có chứ, tao tìm chung quanh, mà có thấy ai đâu, tao bảo chắc chết hết rồi.

Bà Ngọc lườm ông:

- Chết đâu. Vẫn còn ngồi đây. Thế lúc đánh nhau chú có nhìn thấy gì không?

Ông già gắt:

- Lúc đánh nhau thì thấy cái gì. Sợ chết mẹ lo mà tìm chỗ nấp. Mà sao mày hôm nay hỏi tao lắm thế? Dắt ai đến đây mà đông thế?

Bà Ngọc chỉ tay:

- Đây là người nhà của ông đó, họ đi tìm ông ấy mà.

Ông già cười nhe hàm răng cái còn cái mất:

- Gì mà đến bây giờ mới đi tìm thì lấy đâu ra. Mà tôi nói thật, có khi là chết rồi.

Bà Ngọc nhăn nhó:

- Chú có thấy không mà nói.

Ông già lườm bà Ngọc:

- Mày nữa. Không thấy thì là chết chớ sao.

Bà Ngọc cãi:

- Chú cũng có thấy cháu đâu mà cháu đâu có chết.

Ông già trề môi:

- Chẳng phải ai cũng có phúc lớn như mày.

Bà An ra miệng:

- Ông ơi. Vậy lúc ông ra xe ông có còn nhìn thấy cái võng không.

Ông già suy nghĩ một lát rồi nói:

- Còn, về sau tôi vẫn còn xài mà. Nó cũng bị rách chút ít.

Bà Ngọc lại hỏi:

- Thế chú còn nhớ được gì nữa không ?

Ông già trầm ngâm:

- Tao nhớ họ có khiêng xác ai đó đi ngang gần chỗ tao trốn, mà tao sợ quá không dám động đậy.

Bà Ngọc lý sự:

- Sao chú biết cái xác.

Ông già cãi:

- Xác mới khiêng chớ không thì đã đi.

Bà Ngọc cứng đầu:

- Què chân thì làm sao đi. Còn xác thì người ta vứt lại chứ.

Ông già không trả lời. Bà An chợt hỏi:

- Ông có nhớ là đoạn đường đó bây giờ nằm ở đâu không?

Ông già bảo:

- Gần thôi. Lúc đó mới đi khỏi nhà con này chừng năm cây số chớ mấy.

Bà An đưa mắt cho bà Ngọc, bà Ngọc biết ý đứng dây nói mấy lời cảm ơn rồi mọi người ra về. Bà Vân đến gần ông già hai tay kính cẩn đưa cho ông một xấp tiền. Ông già khoát tay:

- Không, chị đưa cho tôi làm gì.

Bà Vân mếu máo:

- Cho cháu gửi chút công lao của bác.

Ông già hất tiền ra:

- Không, tôi không lấy tiền công.

Bà An can thiệp:

- Đúng rồi. Bác không lấy tiền công. Đây là tiền chị ấy trả cho chuyến xe thuê hôm đó và chi phí sửa chữa xe bị hỏng. Bác giữ lấy đi cho công bằng.

Ông già cất tiếng cảm ơn, bà Vân mũi lòng:

- Cháu còn phải cám ơn bác nữa.

Mọi người đi ra ngoài nhà. Bà Ngọc đang nói chuyện với người thanh niên. Anh gãi đầu:

- Ba em hồi này bệnh hoài, lúc nhớ lúc quên, người già mà chị.

Bà Trinh nhét vào tay người thanh niên mười tờ 100 đô. Anh hốt hoảng:

- Sao chị đưa em lắm thế.

Bà Trinh khoát tay:

- Sửa sang lại cái phòng cho ông cụ.

Bà An nháy mắt ra hiệu lấy đi. Người thanh niên vội vả cảm ơn. Họ kéo nhau ra xe.

Mọi người quay trở lại nhà bà Ngọc, bà Ngọc ngồi tính toán đoạn đường đi rồi nói:

- Theo như chú Đại nói thì địa điểm đó hiện nay thuộc xã Ngọc Định, cách đây khoảng 8 cây số. Nếu mấy chị còn muốn tìm thì đến đó hỏi thăm. Tôi cũng không giúp được gì hơn.

Ba người đàn bà cảm ơn rối rít. Bà Vân và bà Trinh cuộn 3.000 đô vào tay bà Ngọc. Bà ngần ngừ:

- Tôi giúp mấy chị không phải vì số tiền này.

Bà Vân khóc:

- Nếu không có chị chúng tôi làm gì có chút đầu mối nào mà tìm. Xin chị đừng từ chối.

Bà An tiếp lời:

- Riêng chuyện mẹ chị giúp đỡ anh Thành, rồi chị phải đưa anh ấy đi, lại còn suýt chết thì bao nhiêu đây cũng chưa thấm gì.

Bà Ngọc cảm ơn rồi như sực nhớ ra, bà nói thêm:

- Tôi còn quên cho mấy chị biết, hôm đó anh Thành mặc áo sơ mi dài tay màu trắng, quần nâu, giày đen, thắt cà vạt xám, có cái kim cài cà vạt hình con rồng đẹp lắm.

Bà Trinh ngẩn người:

- Sao tôi nhớ hôm ra khỏi nhà anh tôi mặc đồ lính.

Bà Ngọc lắc đầu:

- Tôi không biết. Nhưng tôi chắc chắn anh ấy mặc quần áo như thế, vì mẹ tôi cởi khuy áo anh ấy khám mà. Vả lại tôi ngồi cạnh anh ấy suốt một đoạn đường, còn cho anh ấy uống nước nữa. Không sai đâu.

Rồi bà nói thêm:

- Chiếc xe anh ấy đi khi tai nạn là chiếc Toyota màu trắng sữa.

Bốn người đàn bà chào nhau rồi ba người kia ra về. Trên xe bà Trinh lẩm bẩm:

- Sao lạ vậy kìa, hồi ra đi anh hai mặc đồ lính, chạy chiếc Sprint mà.

Bà An nhắc:

- Chị đừng quên là khi bác tìm anh Thành, trong Nhật ký quân vụ có ghi là mật. Mà đã là mật thì tên họ còn đổi được chớ đừng nói áo quần.

Bà Trinh im lặng, trong đầu ba người đàn bà rõ ràng có 3 suy nghĩ khác nhau.

--->Phần 2: Cuộc kiếm tìm và quá khứ của người đàn ông

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn