BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Miền Ký Ức (1)

10 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 3402)
Miền Ký Ức (1)
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55


Đồng hồ gõ một giờ, bà Vân ngồi dậy theo thói quen, bà định thay quần áo rồi qua phòng bên gọi bà Trinh đi bệnh viện thì chuông điện thoại reo . Một giọng nói quen thuộc vang lên:

- Vân dậy chưa Vân? An đây.

- An ở đâu gọi lại vậy?

- Sài Gòn chớ đâu. Hồi mười một giờ An gọi tới văn phòng mà không thấy ai nghe.

- Bữa nay Vân về hơi sớm. À ! An tới nhà Vân liền đi nhe.

- Có vụ gì vậy?

- Có Việt kiều về.

- Ai?

- Chị Trinh.

- Thôi đi ! An hổng ưa bà đó chút nào. Thấy An tới chắc bã tưởng An tới xin tiền quá. An hổng qua đâu.

- Vậy An về Sài Gòn được mấy bữa?

- Bữa nay - ngày mai thôi. Chi vậy?

- Chị Trinh ở nhà Vân. An không tới thì hai đứa mình gặp nhau ở đâu ?

- Kệ . Lần sau An tới nhà Vân. Bây giờ thôi đi.

- Thôi mà. Vân năn nỉ mà. An giận dai quá.

- An không giận mà An hổng thích mấy người kiêu kỳ đó.

- Thôi đừng có ghét nữa mà. Chị Trinh là chị của Công mà. An quên sao?

- Sao mà quên? Nhưng mà kệ bã chớ.

- Tới nhà với Vân đi, Vân sắp đưa chị Trinh đi khám bệnh ở Y học dân tộc. Có An thì mau hơn nhiều. Đừng có nói không nhen.

Tiếng An thở ra trong máy:

- Ờ thì đi. Mười lăm phút nữa.

Khi bà An đến nhà thì bà Vân và bà Trinh đã chuẩn bị xong, họ tiếp tục đến bệnh viện bằng chiếc taxi mà bà An đã đi đến. Trên đường đi họ không nói với nhau nhiều, chỉ là bà Trinh than phiền các phiền toái nhỏ nhặt mà bà gặp trên chuyến đi về Việt Nam lần này.

Bà An không hào hứng lắm với những câu chuyện của bà Trinh. Quả thật là bà không thích gì người đàn bà sang trọng giàu có này. Không phải chỉ mới bây giờ mà đã từ nhiều năm về trước, khi bà An còn là bạn thân thiết của Công, cậu em trai út của cái gia đình giàu từ trong trứng giàu ra này. Bà An nhớ đến thằng bạn thân của mình, cái thằng suốt ngày nghĩ đến chuyện ăn mà học thì quá giỏi, giống như là hai chữ ăn học luôn luôn được đi liền với nhau. Bà tủm tỉm cười một mình khi nghĩ đến mình ngày xưa cũng hay ăn như bạn mình và tự cho rằng mình ăn ít hơn nó, đó là thời mà bà An còn rất trẻ, khi An và Vân cùng học chung một lớp ở trừơng cấp ba. Tuy rằng bộ ba An, Vân, Thúy rất thân nhau nhưng đôi khi An vẫn xé lẻ đi chung với Công mà không sợ Vân hay Thúy giận. Lý do rất tức cười là vì An thích ăn hàng mà Thúy với Vân thì không thích, Vân khảnh ăn còn Thúy thì sợ mập. Trong khi đó An với Công cứ chén đều đều vô tư, hai đứa còn ngâm nga câu tục ngữ "Có thực mới vực được đạo" và cùng hứa với nhau phải học giỏi như ăn. Nhưng có lẽ là vì An ăn ít hơn Công nên An cố hết sức mà vẫn không học giỏi bằng Công rồi tự ngậm ngùi đổ thừa là trời cho mình cái dạ dày và bộ não nhỏ hơn Công một chút xíu. Cũng may là sau đó vì phải lo toan quá nhiều cho việc gia đình trong những năm thất mùa đói kém, mà Công thì theo gia đình ra nước ngoài ngay từ năm 1975 nên An không còn bạn ăn hàng chứ nếu không thì….

Bà An phì cười khi tưởng tượng đến thân hình đồ sộ một trăm ký có dư của thằng bạn mình, chao ôi nếu như mình cũng giống Công thì không biết anh Bình đau khổ như thế nào với một bà vợ to như cái bồ lúa đây, mà có khi ông ấy chán quá đi tìm một bà thon thả hơn thì sao, nghĩ cho cùng việc gì cũng nên giữ ở mức trung bình là tốt rồi.

Tiếng bà Trinh lôi bà An ra khỏi giấc mộng ăn uống ngày nào:

- Gì mà cười vậy An?

- Em đang nhớ Công.

Bà Trinh cười khanh khách:

- Nhớ bạn ăn hàng hay nhớ những lúc ăn hàng.

- Cả hai.

Giọng bà Trinh chùng xuống, thủ thỉ:

- Đôi khi Công nó cũng muốn về nhưng vợ nó khăng khăng không chịu. Vợ nó nói cha mẹ anh em ở đó hết rồi, về đây còn ai mà về.

- Nghĩ cũng đúng đó chị.

- Tất nhiên là đúng nhưng dù sao ai cũng đã có một thời gian sống tại quê hương mình, làm sao mà không muốn trở về thăm lại. Như chị bây giờ mỗi năm mỗi về, không về thì như thấy thiếu cái gì đó không hiểu nỗi. Mặc dù rõ ràng đôi lúc thấy bực mình vì những điều lạc hậu và vô lý của đất nước mình, nhưng cuối cùng rồi cũng đành chịu vậy.

Xe dừng lại trước cổng bệnh viện, bà An bước thoan thắt vào làm thủ tục. Bà Trinh và bà Vân thong thả theo sau. Bà Trinh tấm tắt khen:

- An nó còn khoẻ mạnh quá, đi đứng nhanh nhẹn như còn trẻ, không bù cho mình muốn bước lẹ một chút cũng khó.

Ba người ngồi chờ ở băng ghế dài, bà Trinh và bà Vân tiếp tục nói về những người quen trong chuyện làm ăn, bà An lại miên man nhớ về nhũng ngày xa xưa ấy. Bà nhớ lại từng gương mặt trong gia đình bà Trinh, nhớ bà Quốc Trung mẹ của Công, người đàn bà Huế có cái tên dài lòng thòng Tôn nữ gì đó lâu quá bà cũng quên mất rồi, có điều bà Tôn nữ này ở Sài Gòn, làm việc trong một bệnh viện toàn người Sài Gòn, lại sống với một ông chồng dân miền Tây thứ thiệt nên bị lai ít nhiều. Dù sao cũng tốt là bà Trung không khó tánh, đôi lúc lại thấy dễ chịu hơn cả con gái là bà Lệ Trinh. Bà cũng nhớ lại ông Quốc Trung - giáo sư đại học trường Luật thời đó, một ông già hiền lành thường nheo mắt cười với bà, đôi khi còn gọi đùa bà là con dâu, dù rằng ông dư biết bà An không bói đâu ra một chút lý do nào để được gọi là con dâu của ông cả. Bà An còn nhớ cả bà Anh Tuyết - người chị lớn của bà Trinh, bà Tuyết có một ông chồng lái máy bay, chính ông này vào tháng 4/1975 đã đem cả hai gia đình nội ngoại lên máy bay cất cánh bay thẳng ra nứơc ngoài. Bà cũng nhớ ông Đạt, anh kế Công, ngừơi được mệnh danh là học dốt nhất nhà, có cái bằng tú tài mà thi không đậu, nhưng sau này theo lời bà Trinh, lại là một nhà kinh doanh xuất sắc, dẫn đầu trong số người Việt ở tiểu bang đó. Dù sao người mà bà An nhớ nhất vẫn là Công, đứa bạn dễ mến của bà, nghe đâu rằng vợ Công là người phụ nữ đáo để, tám năm trước khi ông bà Quốc Trung chia một phần nhỏ gia sản cho Thanh Vân, vợ Công đã tìm mọi phương cách để ngăn cản, mãi cho đến khi bà Ánh - vợ ông Đạt phẳi dở đến luật pháp và kiến thức của một luật sư ra thì Vân mới được hưởng chút gia tài bé bỏng đó.

Một con ruồi bay vèo qua trước mũi bà An làm bà giật mình, nhìn qua bên kia bà tủm tỉm cười khi thấy bà Vân đang nói chuyện với một cụ bà người Hoa bằng cái ngôn ngữ mà bà An cho là rắc rối nhất trên đời " Cái gì mà dăm bảy kiểu, hết Bắc Kinh tới Quảng Đông, Đài Loan, Phúc Kiến, chịu hết xiết" Bà An thường phàn nàn như vậy mỗi khi ông Bình chồng bà khuyến khích vợ học tiếng Hoa. Không phải bà An lười, bà đã chẳng học hết chương trình C tiếng Anh sao; nhưng tiếng Hoa thì bà chịu thua dù bà vẫn thường khen chữ viết của ngôn ngữ này đẹp như tranh thủy mặc. Ông Bình đôi khi mang bà Vân ra làm thí dụ cho bà An thì bà An cười ngất "Đem ai chớ đem con Vân ra mà thí dụ thì ngay cả anh cũng còn lâu mới theo kịp nó" Mà quả là bà An không nói ngoa đâu, vì bà An vừa thấy bà Vân quay sang trao đổi với một người đàn ông tương đối lớn tuổi bằng một ngôn ngữ khác rồi. Nhìn bộ dạng ông này chắc phải là người Hàn quốc đây, coi kìa ông ta nói bằng tiếng quốc ngữ nên trông ông thoải mái quá, thỉnh thoảng lại còn ra dấu. Không biết tiếng Hàn chớ nhìn cái mặt hớn hở kèm theo kiểu nói và ra hiệu cách phấn khởi vậy thì chứng tỏ bệnh của anh hai Cao Ly này đã thuyên giảm khá nhiều. Ông gìa này chắc ở Việt Nam lâu rồi mới nhiễm cái kiểu vừa nói vừa ra dấu chỉ trỏ lung tung.

Hồi đó có lần bà An hỏi bà Vân sao mà siêng học ngoại ngữ quá vậy. Hỏi trêu chọc bạn vậy thôi chớ ai mà hiểu Vân nhiều bằng bà An, ngoài cái lý do học nhiều ngôn ngữ để phát triển thêm cho cái công ty du lịch mà Vân đang làm chủ Vân còn h?c để quên đi thời gian, quên đi cái dĩ vãng, cái hình ảnh nhoè nhoẹt trong quá khứ, ba mươi năm chờ đợi mõi mòn cho một tình yêu bặt tin bí hiểm không có lời đáp, ba mươi năm chông chênh một thân một mình chống chỏi với mọi bão táp phong ba xảy đến ở cái tuổi đẹp nhất, mộng mơ nhất của một đời người con gái đã đem Thanh Vân từ một cô gái hiền lành xinh đẹp nhút nhát trở thành một quý bà thanh lịch thông minh quyết đoán. Cũng may là tất cả đã trôi theo một chiều hướng tốt, một chiều hướng mà như bà An thường nói " Hãy làm đi rồi trời sẽ giúp" hay như câu chữ mà Thanh Vân treo trong phòng làm việc " God help anyone who help themselves".

Bà Trinh quay về phía bà An thì thầm:

- Vân giỏi ghê An heng.

Tat nhiên là phải giỏi rồi, bà An luôn luôn nghĩ về bà Vân như vậy, không giỏi sao được khi ngay từ mười tám tuổi đầu người ta đã một mình chống chỏi với tất cả mọi khó khăn đưa đến, tự mình nhận lấy cũng có mà người khác đưa đến cũng có. An chợt miên man nhớ lại những ngày sau giải phóng; ngày đó cả hai chỉ mới mười tám tuổi, cái tuổi mà các cụ còn cho là ăn chưa no lo chưa tới, cũng là cái tuổi đẹp đẻ thơ mộng nhất của thời con gái. Về phần An thì không có gì nghiêm trọng lắm, ba An đi cải tạo một thời gian ngắn rồi về, mẹ An bán dần hết sạp vải trong chợ rồi theo chính sách mới của Nhà Nước chuyển gia đình đi kinh tế mới. Lúc đầu cũng khó khăn lắm vì hoàn cảnh chung của đất nước, nhưng gia đình An lại may mắn là có cô con gái đầu thông minh tháo vác, chị Hạnh lúc đó hai mươi hai tuổi vừa học xong khóa Điều dưỡng viên, khi đến khu kinh tế mới chị trình diện xin việc ngay lập tức. Ở một nơi heo hút mà có được người phụ trách y tế thì còn gì bằng, chị Hạnh lại xung phong nhận về bản làng xa nhất, hồi đó mẹ An không hiểu ý chị, khóc lóc vì cô con gái đầu ngang bướng nằng nặc xin đến ở một nơi mà phải đi xe đạp mới tới nơi vì đường xấu đến mức chỉ có xe thô sơ mới qua được. Nhưng chị Hạnh ở thế mà lại hay, hai tuần chị về nhà một lần bằng xe đạp nhưng lại có xe bò của người làng chở lúa về cho chị. Đó là một nơi hẻo lánh nhất huyện, dân làng thật thà chất phác lại chưa từng được hưởng chút gì gọi là văn minh. Do vậy ai cũng yêu mến cô y tá thông minh nhanh nhẹn nhiệt tình nên khoai sắn lúa thóc chị không động tay mà vẫn lần lượt theo nhau chạy về nhà mẹ. Hợp tác xã chia đất cho chị Hạnh thì có người đến làm thay cho cô y tá suốt ngày bận rộn trị bệnh trên làng dứơi ngõ, cả ngày chị đi vắng mà vườn nhà chị đầy gà, heo trong chuồng kêu ủn ỉn thì có người vạch rào qua cho ăn. Ngay cả những năm thất mùa đói kém thì nhà An vẫn một tay chị Hạnh cung cấp thực phẩm nuôi cả sáu miệng ăn.

Nhà An thì vậy nhưng với Vân thì khác hoàn toàn, ngay từ những tháng đầu sau giải phóng ba mẹ Vân và hai em đã vượt biên, chỉ một mình Vân quyết định ở lại không người nào lay chuyển được. Đơn độc trong ngôi biệt thự của mình với tất cả sự kiên trì để giữ cho được chính nó. Khi chính quyền cử người đến làm việc Vân cứng cỏi chất vấn và cương quyết không ra đi. Một cuộc chiến không cân sức xảy ra giữa cô gái mười tám tuổi và một lô lốc người có đủ uy quyền hợp pháp và cả không hợp pháp. Lúc đó An trở về Sài Gòn vì chị Hạnh cho rằng An không thích nghi được với vùng đất mới, chị muốn An tìm một nghề nào đó hợp cho mình hơn là ngày ngày vác cuốc ra rẫy khều khều vài cọng cỏ. An tìm đến nhà Vân đúng vào lúc căn nhà sắp bị tiếp thu. Hai người thì tốt hơn là một người. Cả hai đứa con gái quyết liệt chống đối bằng đủ mọi lý lẻ và hành động nhưng cũng không ngăn nỗi cái tình huống xấu nhất xảy ra. Vào cái ngày đó là ngày nào An không nhớ chính xác, một nhóm người đến cùng với vũ khí trên tay buộc Vân phải ra khỏi nhà dù nhiều lần cô đã xuống nước xin được giữ lại chỉ một phòng riêng. Gã đàn ông có cái mặt mà như An thường ví von "Đại biểu cho giới chức tham quan ô lại thành phố" đã hung hăng xỉa xói vào mặt Vân như hành động của mấy chị hàng cá hàng tôm. Gã cán bộ này hai năm sau bị mất chức mất quyền và biến ra khỏi khu vực đó mất tăm. Lúc đó Vân khóc như mưa, mà không khóc sao được chứ, liệu cô sẽ đi đâu về đâu khi gia đình cô đến thời điểm đó vẫn biệt vô âm tín, thân gái bơ vơ không người thân quen vì những người bà con gần xa lúc loạn lạc đã mạnh ai nấy biến. Mà cô lại không hề muốn rời xa ngôi nhà đã gắn bó với mình từ khi sinh ra, điều đó là lẽ đương nhiên rồi. Vân ngồi bệt xuống nền nhà, lấm lem nước mắt và bụi bẩn trên khuông mặt đẹp. Mấy người thanh niên ái ngại không dám tiếp tục công việc niêm phong. Gã cán bộ rống lên đuổi An ra khỏi nhà, không hiểu sao lúc đó An quá mệt mõi, cô lẳng lặng ra đi như thể đó là điều duy nhất mà cô làm được. An đi, đi mãi, khi cô giật mình nhớ lại thì thấy mình đang ở trước mặt một căn cứ quân sự, An ngơ ngác nhìn quanh thì bị một anh bộ đội trẻ đứng trong phòng gác quát lên đuổi đi. Đột nhiên cô thấy tủi thân, cô nghĩ đến Vân, đến thân phận bạn mình, đến cái cảnh đêm nay hai đứa con gái biết ngủ ở đâu. Rồi cũng giống như Vân, cô ngồi bệt xuống nền đường khóc như mưa như gió, vừa khóc vừa nấc như bị hàm oan tức tưởi tự bao giờ. Anh bộ đội trẻ vừa đuổi An lúc nãy hoảng hồn chạy ra luống cuống:

- Cái nhà cô này sao thế? Tôi đuổi cô đi chứ làm gì đâu mà cô khóc lắm thế hở giời?

Cái giọng miền Bắc lạ tai này giá như bình thường chắc An phải cười khúc khích, nhưng bấy giờ cô chẳng thể cười được mà còn khóc to hơn, khóc cứ như từ thuở bé đến giờ cô chưa hề được khóc; nước mắt cô tuôn như thác, ứơt cả phía trước áo. Từ bên trong có mấy người lính trẻ chạy ra nhìn anh lính gác có vẻ nghi ngờ, anh ta lúng túng thanh minh:

- Tớ có làm gì cô ấy đâu, tự nhiên cô ấy lăn đùng ra khóc.

Bỗng nhiên mọi người tránh ra cho một chiếc xe Jeep cũ kỹ chạy đến, rồi cứ như Bụt hiện ra trong truyện cổ tích, một ông già ốm yếu cúi xuống hỏi cô:

- Cô gái, sao con khóc?

An nấc lên, chỉ về hướng nào đó không biết, ông già lại hỏi:

- Không phải mấy anh bộ đội này làm con khóc chứ?

An gật đầu, vẫn tiếp tục khóc như trẻ con, ông già mĩm cười:

- Thế là tốt rồi, bây giờ con lên xe với ông.

An ngoan ngoãn trèo lên chiếc xe Jeep, mấy người lính dưới đất thở phào nhẹ nhõm. Trên xe đã có sẵn hai người, họ nép qua một bên cho An ngồi, ông già ra hiệu cho một trong số họ ra ngồi phía trước, còn ông lên ngồi kế bên An. Ông bảo:

- Con chỉ nhà cho chú tài xế nhé.

An gật đầu, lúc này chỉ còn sụt sùi khe khẽ, ông già lại hỏi:

- Con có kể được không, kể cho bác nghe đi.

An nghẹn ngào kể tiếng được tiếng mất, ông già chăm chú nghe, không biết có hiểu được chút nào không thì xe đã tới trước cửa nhà Vân. Vừa lúc đó An la lên một tiếng kinh hoàng, cô trông thấy gã cán bộ thô bỉ kéo lê Vân xềnh xệch ra khỏi cổng, mớ tóc dài của Vân rối bù xõa xuống mặt đường. Chiếc xe thắng gấp trước cổng, ông già nhanh nhẹn nhảy xuống, lao thẳng đến trước mặt gã đàn ông, giọng ông giận dữ:

- Ở đâu ra cái kiểu đối xử với người dân như thế hở?

Gã cán bộ quay lại, trừng mắt nghênh ngang:

- Ông biết gì mà xía vô.

Nhưng anh bộ đội ngồi phía trước đã nói khẽ vào tai gã và chìa ra cho xem một tấm thẻ. Lúc này An chạy đến với Vân, hai cô gái ôm chầm lấy nhau khóc tức tưởi. Về sau này cả hai hỏi nhau ngày hôm đó họ lấy đâu ra nhiều nước mắt lắm thế. Rồi cả đoàn kéo nhau vào nhà, Vân với An đi rửa mặt mũi, khi trở ra chỉ nghe thấy ông già bảo:

- Thôi hai đứa cứ ở lại đây, chuyện gì để cậu giải quyết sau.

Hai cô gái dạ mà không hiểu ông già nói cái gì, rồi mọi người mạnh ai nấy ra về, An ngơ ngác chạy theo xe nhưng ông già ngăn lại:

- Đừng nói gì hết, hai giờ chiều mai đến chỗ cậu.

Tối hôm đó hai đứa con gái reo lên hân hoan khi bà tổ trưởng khu phố đến báo cho biết ngôi nhà Vân không thuộc diện sung công nữa mà chỉ tạm thời mượn tầng trệt làm trạm y tế phường và tầng một làm kho chứa kiêm chỗ dạy bổ túc buổi tối trong một thời gian vì tuy gia đình Vân đi nước ngoài nhưng vẫn còn người ở lại. Cả hai cô đều biết rằng không hề dễ dàng để có quyết định này nếu không có sự can thiệp của những người lính buổi sáng, họ ăn mừng sự kiện này bằng một bài hát vang lừng trên tầng hai của ngôi nhà, nơi họ chắc rằng sẽ là của họ.

Chiều hôm sau Vân và An đến khu quân sự hôm trước, đón họ là anh lính gác sáng hôm qua, An cười khúc khích khi nghe anh than thở:

- Ối giời ơi cô làm tôi sợ phát khiếp, người gì đâu mà khóc lắm thế không biết.

Hai cô gái bá vai nhau cười, anh đưa hai cô vào căn phòng nhỏ đơn sơ có ông lính già ngồi chờ sẵn. Ông già cười vui vẻ:

- Bữa nay thì chắc là hai cháu vui rồi phải không? Đã có tin gì mới chưa?

Vân ngần ngại kể lại chuyện tối hôm qua. Ông già, về sau này An gọi là chú Tư nhẹ nhàng hỏi chuyện Vân, Vân kể lại chuyện gia đình mình, kể lại nguyên nhân gây nên câu chuyện hôm qua, sau cùng cô ngập ngừng cám ơn ông về sự giúp đỡ, chú Tư cười ngất:

- Chú không làm gì hết con à, chú chỉ nói nhỏ này (chú chỉ An) là cháu kêu chú bằng cậu, rồi chú nói họ về đi, chú sẽ đích thân coi lại chuyện này, có vậy thôi cháu .

An nhí nhảnh:

- Sao chú lại nói là cậu của con.

Chú Tư cười tủm tỉm:

- Vậy là con không thích có ông cậu này hả?

An cười chun mũi :

- Con có nói không đâu, nhưng sao không là chú, là bác mà là cậu?

Vân lườm yêu bạn:

- Tại vì hàng ngoại tốt hơn hàng nội.

Cả ba người cười xòa, chú Tư hỏi han hai đứa thêm một lúc rồi hai cô cáo từ ra về, đưa hai đứa ra cửa, chú Tư nói thêm:

- Thật ra lúc đầu chú không kịp hiểu con An nói gì, nhưng khi chú thấy Vân bị lôi kéo trên mặt đất thì chú hiểu là chú phải làm điều gì chứ không thể chấp nhận được hành vi thô bạo đó.

Chú Tư kín đáo thở dài, chú quay sang Vân dặn dò:

- Cháu phải nhớ rằng: Nếu khi nào tự mình không giải quyết được điều gì thì phải tìm thêm người giúp đỡ.

Rồi chú quẹt tay vào má An hóm hỉnh:

- Cứ như An nè, khóc cho to lên cho cả doanh trại cùng nghe.

Rồi chú cười tinh nghịch:

- Chỉ khổ tội cho thằng Tuấn, đến hôm nay vẫn chưa hoàn lại hồn, anh cu không thể tưởng tượng nổi mình chỉ quát có mỗi một câu mà có người khóc đến ba lít nước mắt.

An xấu hổ đỏ cả mặt lí nhí chào chú Tư ra về, khi ra cổng cô cố liếc mắt tìm Tuấn nhưng không thấy, anh lính gác cổng hôm nay có vẻ lớn tuổi hơn cười với hai cô, khi đi ra khỏi cổng anh còn nói với theo:

- Hôm khác có đến thì nhớ đừng khóc nhé!

Hai cô gái dựa vai nhau cười khúc khích đi về.

o O o


Bà An giật mình vì cái đập tay của bà Vân:

- Tới phiên mình rồi đó An.

Bà An đi cùng hai người bạn vào phòng khám, bây giờ là buổi chiều, lại cận ngày lễ nên còn lại ba người đàn bà gần như là cuối cùng, bác sĩ nhìn thấy bà An thì cười tươi:

- Chị Bình đi đâu đây?

Bà An nghênh mặt lên như trẻ con.

- Tới đây thì chỉ khám bệnh thôi chứ mua bán được gì.

Cả bốn người đàn bà cùng cười vui vẻ, bà An nhanh nhẩu giới thiệu:

- Chị Thanh, đây là hai người bạn của mình, tới đây nhờ Thanh khám bệnh. Còn đây là vợ anh Quyền, anh Quyền và anh Bình nhà mình là bạn từ lúc hai ông còn ăn chung cà rem.

Bà An đẩy bà Trinh ngồi vào ghế trước mặt bác sĩ Thanh và ra dấu đó mới là người bệnh. Bác sĩ Thanh hỏi han, vén quần áo bà Trinh nắn nót hai đầu gối, khuỷu tay, bà Trinh thì kể lễ bệnh tình và không ngừng thông báo rằng mình đã dùng nhiều thuốc Tây nhưng sau một thời gian lại tiếp tục đau nhức trở lại.

An bỏ ra ngoài với Vân, hai người bạn ngồi trong ngôi nhà lá sau một khóm trúc già rậm rạp có tượng Hải Thượng Lãn Ông nhìn qua. Vân hỏi:

- An về nhà ai vậy?

- Về nhà chị anh Bình tối hôm qua.

Bà Vân hỏi thêm:

- Về chơi hay có chuyện gì?

An trả lời:

- Chơi thôi, nhân tiện thăm người quen.

- Thăm được ai rồi.

An lườm Vân:

- Mới được hai người chứ mấy, tới người thứ ba thì bị bắt cóc vô đây ngồi.

Vân bỉu môi:

- Ngồi đây mát muốn chết còn làm bộ.

An bỉu môi trả lại:

- Mát sao không dọn vô ở luôn.

- Ê đừng có trù ngươi ta dọn đồ vô ở trong bệnh viện chớ. À mà có gì mới hông?

- Không có gì thay đổi là tốt rồi.

Vân gật đầu:

- Mình cũng vậy. À nè An, hôm qua Thúy mới gọi cho Vân, Thúy sắp gã con gái rồi đó.

- Vậy sao? Tiêu đời thằng con rể.

Hai người phụ nữ phá ra cười. Vân huých bạn.

- An ác lắm, tối ngày hù dọa người khác.

An trợn mắt:

- Hù dọa không đâu, chuyện có thiệt mà.

Hai người đều nghĩ đến cô bạn tên Thúy với biệt danh sát thủ, cô bạn gái thân thiết trong bộ ba của họ. Lúc còn đi học Thúy là cô gái độc nhất trong lớp thường xuyên đến võ đường luyện tập. Nhanh nhẹn, khéo léo và cần cù, cô luôn là niềm tự hào của thầy dạy võ, cứ giống như Thúy cố gắng học võ để bù lại cái chữ dở ẹt của mình và dĩ nhiên trong lớp học dù Thúy lớn hơn Vân và An hai tuổi cô vẫn học hành lẹt đẹt nhất trong bộ ba của họ và là điều tương phản với An cả nội dung lẫn hình thức. Vậy mà cả ba luôn thân nhau, đôi khi có cải vả chút ít nhưng họ không coi đó là điều quan trọng.

Cái tên sát thủ của Thúy là do An đặt trong một trận chiến kinh hồn mà cả ba chứng kiến, nói là kinh hồn cho vui vì nó được sắp xếp có bài bản thôi chứ thật sự những ngọn đòn giáng xuống là của Thúy chứ đối phương làm gì mà chống lại nổi cô gái có thân hình mảnh dẻ ngày nào cũng luyện tập hùng hục ở võ đường như Thúy, sau trận mưa đòn đó đối phương của họ bầm dập như trái chuối và Thúy chết danh từ đó. Đã vậy mỗi lần có chuyện gì An đều đem chuyện đó ra dọa Thúy "Thúy ơi. Thúy nhẹ tay thôi chứ không thì tiêu đời người ta rồi Thúy vô tù đó" Nghe kể lại rằng sau khi vượt biên qua Mỹ, Thúy chuyển sang Canada và làm chủ một võ đường theo đúng ước vọng của mình.

Bà Vân quẹt tay vào má bà An:

- Nghĩ gì mà cười tủm tỉm đó.

- Đố biết.

Vân cười mỉm:

- Mới nhắc đến Thúy mà cười tủm tỉm thì chỉ nhớ đến trận địa năm xưa thôi chứ gì.

Bà An cười thoải mái:

- Ừ, mà sao nhớ hoài mà cũng tức cười hoài.

Bà An không hiểu bạn mình có hay nghĩ đến trận địa ngày xưa như mình không nhưng rõ ràng là bà An rất thích nhớ lại những chuyện xảy ra khi bà còn trẻ. Ông Bình thường hay trêu vợ là người già thì thích hồi tưởng, Bà An biết mình không còn trẻ nữa nhưng già thì chẳng biết đã thực sự già đến độ thích hồi tửơng chưa. Bà chỉ cảm thấy hồi còn trẻ sao mà vui quá chừng, ngay cả những lúc cực khổ nhất cuối cùng vẫn có lối thoát nhẹ nhàng. Các anh chị của bà thì giả vờ ganh tỵ cho rằng cha mẹ bà đặt cho bà cái tên Thiên An nên lúc nào bà cũng được đất trời phù hộ, thí dụ như hồi bà gặp chú Tư bộ đội. Anh của bà, ông Phúc thường ví von là hồi đó bà gặp Bao Thanh Thiên nên mới chịu khó nghe tiếng khóc của con nhỏ lạ hoắc chớ nếu gặp tham quan thì cho bà khóc tới mai luôn cũng không ai thèm để ý, như Thanh Vân đó, khóc sưng mắt sưng mũi mà có ai thèm dòm đâu. Bà An thấy anh mình cũng có lý, nhưng còn những chuyện khác thì sao? Đâu phải chuyện nào cũng có một ông Bụt hiện ra hỏi: Vì sao con khóc? Cũng có chuyện bà phải tự thu xếp lấy chớ, như chuyện Thúy ra tay sát thủ vậy, không phải bà dàn dựng thì còn ai vào đây nữa.

Bà Vân đập nhẹ vào tay bà An:

- An ơi, tụi mình vô với chị Trinh chút nhen.

Bà An lắc đầu, khoát tay:

- Vân vô đi, An ngồi ngoài này cho mát.

Bà Vân đi vô, An nhìn theo dáng đi thanh thoát của bạn, bà chép miệng tội nghiệp con nhỏ, đẹp người đẹp nết vậy mà cô đơn suốt mấy chục năm nay, mặc dù không biết là bao nhiêu người lui tới mà bà Vân vẫn làm ngơ. Bà An không biết Vân lấy đâu ra cái động lực để có thể giữ được cõi lòng lạnh giá như thế. Ngay từ khi Vân mới mười tám tuổi cho đến bây giờ bốn mươi tám rồi, đã có biết bao nhiêu người đàn ông bị bà Vân từ chối, khéo léo cũng có mà thẳng thừng cũng có, ở lứa tuổi nào thì người phụ nữ xinh đẹp đó cũng có đủ cách thức lịch sự để trả lời.

Bà An cũng nhớ lại người đàn ông đầu tiên bị bà Vân từ chối, thật là xúi quẩy khi mở hàng lại là người đàn ông lì lợm liều lĩnh thô bỉ. May mắn, rõ ràng là Vân may mắn khi có hai người bạn luôn sát cánh với Vân. Đó là nạn nhân của Thúy trong trận chiến năm nào mà An đặt luôn cái tên sát thủ cho Thúy. Gã đàn ông tên Tiến có khuôn mặt bì bì luôn nhăn nhở mỗi khi Vân ngang qua cầu thang lên tầng hai. An và Thúy hay xầm xì với nhau về gã đàn ông ba trợn này, gã làm thủ kho ở tầng một, nơi để nhiều loại hàng của hợp tác xã, buổi tối gã ngủ lại trông coi kho, An với Vân ở tầng trên. Hồi đó An sống chung với Vân trong suốt thời gian học đại học, tiền bạc thì An không quá lo vì đã có chị Hạnh tài trợ, hai tuần An về nhà một lần, vừa nhận tiền vừa thăm gia đình, lúc đó Vân ở một mình trên lầu. Nhưng từ khi có Tiến đến, An đâm ra nghi ngờ gã đàn ông có đôi mắt hay nhìn trộm, đảo tới đảo lui này. Những lúc về nhà An phải nhắn Thúy đến ngủ với Vân. Được một thời gian hai cô ngứa mắt khi thấy gã đàn ông ngày càng nhăn nhở, có khi gã còn bảo Thúy không được ngủ lại vì không có tên trong hộ khẩu. Ba cô gái bực quá, Thúy bảo phải nhổ cỏ tận gốc chứ để như thế này hoài ai mà theo Vân suốt đời được. Lần đó suốt hai tháng An không về, còn gã thì thỉnh thoảng về nhà ở đâu tận Bình Phước. Sau khi điều nghiên kỹ càng An mượn cái khoan về nhà bí mật khoan mấy cái lỗ trên tường, rồi An đập cho méo cái gài chốt bên trong phòng Vân, sau đó cô kêu toáng lên rồi đi mua cái móc gài lỏng lẻo nhờ Tiến đóng giùm, loại móc này gài bên trong thì bên ngoài chỉ cần dùng vật mỏng như mũi dao hất lên là mở được cửa ngay. Sau đó An luồn một sợi dây qua hai cái lỗ sát trần nhà một cái ở phòng Vân, một cái ở phòng An, đối diện cách nhau một lối đi . Đầu dây ở phòng An cô mắc vào đó một cái chuông loại mấy ông bán cà rem hay lắc dụ con nít; đầu bên kia để thả sát đầu giường Vân. An đắc chí tuyên bố giống y hệt Sơ lốc Hôm trong truyện cái băng lốm đốm. An tiếp tục kế hoạch của mình, cô than thở với Tiến hai tháng nay cô nhớ nhà quá mà không về được vì xe cộ đón khó khăn. Nhũng năm đó đi lại rất phiền toái vì hầu hết vé xe chỉ bán cho người có giấy giới thiệu, người dân bình thường hiếm khi mua được vé, thường phải đón xe ngoài khi có khi không. Tiến hăm hở bảo để hắn đi mua vé giùm, Tiến bảo thứ bảy này Tiến cũng về Bình Phước, sẵn dịp sẽ mua vé xe cho An. An cười thầm rồi dặn dò Vân theo đúng kế hoạch.

Trưa thứ bảy Tiến đạp xe ra bến xe như mọi khi Tiến vẫn đi, chỉ khác là có chở thêm An. Tiến mua vé xe cho An, đưa cô lên xe, xe lăn bánh An cười sung sướng vẫy tay chào Tiến. Nhưng khi xe ra khỏi thành phố thì An kêu quên đồ, bảo xe dừng cho cô xuống. An đón xe lam không về nhà Vân mà đi thẳng qua nhà Thúy.

Chiều hôm đó Tiến đạp xe trở lại, hắn bảo với mọi người vì lo mua vé cho An nên trễ xe về Bình Phước, vì thế hôm nay hắn sẽ ở lại. Chiều thứ bảy trạm y tế nghỉ từ 4 giờ, buổi tối lớp học Bình dân học vụ lại được nghỉ; ngôi nhà Vân buổi sáng còn nhộn nhịp thế mà mặt trời xuống đã vắng tanh. Vân ngồi trên lầu theo dõi thấy Tiến đi ra ngoài ăn cơm lúc 6 giờ mười lăm, 6 giờ rưỡi cô lẻn xuống mở cửa, mở cổng, An và Thúy mặc áo bà ba, đội nón lá sùm sụp đứng sẵn gần đó tót vào.

Ba cô khe khẽ lên lầu, An và Vân đổi phòng cho nhau, Thúy chung phòng với Vân. An cột một sợi dây dù mỏng manh vào chiếc móc cửa bên trong, đầu dây bên kia cô kéo qua chiếc cửa, chạy dài qua phòng đối diện tối om có Vân và Thúy trong đó. Khi muốn vào phòng, Thúy chỉ cần hất sợi dây lên là móc văng ra.

Rồi cô về phòng Vân, mở đèn mờ, kéo rèm cửa, cô lấy chiếc khăn phủ trên đầu xuống vai, ngồi chéo cửa sổ. Đã nhiều lần nghiên cứu, cô biết khi ngồi ở vị trí này người bên ngoài sẽ thấy mờ mờ một người có tóc dài như Vân chứ không ai thấy được người đó mập ốm thế nào, có phải là Vân hay không.

Gần 8 giờ cô thấy Tiến mở cổng, theo đúng quy ước với Thúy, An kéo nhẹ sợi dây đầu giường, một tiếng keng nhỏ vang lên ở phòng đối diện, chỉ với một động tác kéo chuông này mà An đã phải tập đi tập lại nhiều lần sao cho chỉ nghe đúng một tiếng keng nhẹ nhàng. Cô trở lại ngồi đúng vị trí ban đầu, vì An mập tròn còn Vân thon thả nên An phải ngồi đúng tư thế cô đã bỏ công sức nghiên cứu; cô thấy Tiến đi vào, nhìn lên phòng Vân, lúc này trên lầu hai chỉ mỗi phòng Vân có đèn, còn phòng An thì không mở đèn ngay từ chiều. Tiến nhìn một lúc lâu rồi vào nhà, một tiếng keng nhỏ nữa lại vang lên cùng một lúc với tiếng mở cửa, An rời khỏi ghế, mở tủ lấy ra một chiếc máy ảnh để trên giường, cô lại đứng dậy tháo hết bốn góc mùng của Vân rồi lại hí hoáy cột trở lại, lần này 4 sợi dây 4 góc mùng được cột chung vào một sợi dây dài rủ xuống giường, An đã học kỹ cách cột mối dây này trong các buổi huấn luyện hướng đạo sinh lúc cô còn nhỏ, chỉ cần một cú giật, các mối cột cùng lúc bung ra. Rồi An đổi đèn ngủ, chỉ để lại một bóng sáng mờ ảo nhỏ xíu; xong xuôi cô lên giừơng buông mùng ba phía kỹ càng nhưng không nằm trong mùng mà vén phía sát tường nằm lách bên ngoài; ở vị trí này tay cô gần sợ dây chuông, gần sợi dây cột 4 góc mùng và chỉ cần ngồi dậy là có thể bật đèn sáng choang. An nằm im lặng đắp một tấm chăn mỏng, thỉnh thoảng có con muỗi cắn nhưng An chỉ gãi nhẹ, không dám đập.

Đồng hồ gõ 8 tiếng, hai tầng lầu im lặng như nghe được cả tiếng muỗi bay, An cười thầm nghĩ rằng có ít nhất 3 người: An, Vân, Thúy đang hồi hộp theo dõi người thứ tư, còn người thứ tư làm gì thì không ai biết. Gần một giờ nữa trôi qua, An cảm thấy buồn ngủ, cô lo lắng vì biết mình lại chính là người dễ ngủ nhất, không biết kế hoạch cô tính có trật lất hay không mà giờ này An sắp ngủ đến nơi rồi vẫn chưa thấy nhân vật chính xuất hiện. Nhưng đó là An lo xa vậy thôi chứ cô đã nghe tiếng mở cửa cầu thang mà buổi chiều Vân đã khoá, chiếc cửa này khi trước chỉ mình Vân giữ chìa, nhưng sau này Tiến bảo Tiến giữ kho nên phải để Tiến giữ chìa phòng khi có trộm Tiến còn theo dõi được buộc lòng Vân phải làm thêm một chìa giao cho Tiến. An giật nhẹ tiếng chuông, trong đêm tối yên lặng tiếng keng vang lên làm Tiến chần chừ một lúc lâu An mới nghe tiếng chân bước lên cầu thang nhè nhẹ. Hắn nghi ngờ chắc, An tự nhủ, cô căng mắt chờ đợi. Hơn mười phút sau mới nghe tiếng chân rất khẽ của Tiến dừng trước phòng, một lúc sau An nhìn thấy mũi dao rất mảnh thò qua khe cửa, An canh vừa lúc cánh cửa kẹt mở là cô keng thêm tiếng chuông cuối cùng. Cô thấy Tiến rón rén bước vào phòng chỉ độc một cái quần đùi, hắn cẩn thận gài cửa lại rồi đặt con dao lên bàn phấn, đưa mắt quan sát, không biết vì nghi ngờ hay chưa quen với bóng tối trong phòng. Chắc đã yên tâm hắn khoác mùng chui vào, nhanh như chớp An giật mạnh dây mùng, cái mùng mỏng manh phủ xuống người Tiến, An bật ngược về phía đầu giường nhảy xuống đất, một tay bật đèn một tay kéo máy ảnh lên mắt. Anh sáng bừng lên rồi ánh đèn flash loé lên chụp cảnh Tiến lúng túng ngồi trong mùng cùng lúc Thúy xông vào phòng, An vững dạ xoay người sang hướng cửa sổ chụp luôn mấy tấm Tiến lóc ngóc chui ra, lần này cô nhắm kỹ lọt vào khung hình cả chiếc đồng hồ và qua khung cửa sổ, ánh sáng đèn đêm của một nhà cao tầng chiếu tới. Thúy xông đến như con hỗ cái tát lia lịa rồi quẳng luôn Tiến xuống đất. Chưa vừa lòng Thúy lại bay đến tay đấm chân đá. An chỉ nghe thấy tiếng Tiến hự hự liên tục còn Vân thì đứng nép bên cửa run cầm cập. An khoát tay:

- Đủ rồi đó Thúy, Thúy nện một hồi nữa hắn thành cái bao bột mì bây giờ.

Thúy phủi tay đứng qua một bên, An cầm con dao Tiến để trên bàn phấn trầm trồ:

- Chà con dao của thủ kho đẹp thiệt, có khắc tên nữa chớ. Cất làm vật chứng đi Thúy.

Cô đưa dao cho Thúy rồi đi tới gần Tiến:

- Chà, bây giờ khuya rồi mà ông thủ kho đi đâu lạc lên phòng chị em tôi để tụi tôi tưởng trộm tới viếng. May quá là chụp kịp mấy tấm hình làm bằng chứng ông đi lạc vào phòng phụ nữ lúc 9 giờ đêm. Cái vụ này hơi khó coi nhen. Thôi ông làm ơn xuống lầu giùm tôi, có ai hỏi thì khai là bị ăn trộm đánh nhen, có khi ông còn được bằng khen đó.

Tiến nhìn An bằng đôi mắt căm tức, cô bỉu môi:

- Hay là ông muốn toàn bộ cuốn phim này rửa ra gởi lên cấp trên của ông? Trong đây có cảnh ông ngồi trong mùng con Vân, cảnh ánh sáng đêm, cả giờ trong đồng hồ nữa, ông đủ sức trả lời chớ.

Tiến hậm hực:

- Tụi bây bày mưu hại tao.

Thúy cười khẩy:

- Đã học câu "Vỏ quýt dày, móng tay nhọn chưa"?

o O o


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn