BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72810)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Năm Tuất Bàn Về Chó

07 Tháng Hai 20187:20 SA(Xem: 1611)
Năm Tuất Bàn Về Chó
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Trước hết, xin mời các bạn cùng nâng ly chúc mừng xuân mới.

 

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi !

...

Nhấp chén đầy vơi

Chúc người người vui !

...

Nhấc cao ly này !

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hoà !

(Ly rượu mừng - Phạm Đình Chương - 1975)

 

Giờ mời các bạn vào bài "loạn bút"

 

VÀI ĐIỀU VỀ LOÀI CHÓ

1.

Chó là loài động vật nuôi đầu tiên được con người thuần hóa cách đây 15.000 năm vào cuối Kỷ băng hà [cách đây khoảng 40.000 năm] Tổ tiên của loài chó là chó sói. Loài vật này được sử dụng để giữ nhà hoặc làm thú chơi. Trong các từ ghép Hán Việt chó được gọi là "cẩu" (狗) hoặc "khuyển" (犬). Chó con được gọi là "cún". ". Họ chó có tên khoa học là Canidae (tiếng Latinh canis có nghĩa là chó) gồm khoảng 37 loài (Wikipedia)

 

2.

- Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải ''nuôi'' chó đá. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật, với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh.(Theo VnExpress)

- Trong thần thoại Hy Lạp, con chó ba đầu Cerberus được xem là kẻ canh giữ người chết.Thần Cerberus liên kết với Tử Thần và Âm Giới. Thần Chó ba-đầu này có nhiệm vụ tiếp dẫn linh hồn đưa đi trong tối của cõi âm. Ba đầu Chó tượng trưng Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai.

 

3.

a. Theo Nguyễn Cung Thông: Tuất trong cách gọi năm Tuất (12 con giáp) không có liên hệ nào tới loài chó hay cách gọi chó trong tiếng Hán như khuyển, cẩu, sử/sứ, li, lang, ngao, ngan ... Tên gọi Tuất (qua một dạng âm cổ phục nguyên *swot đề nghị trong bài này) liên hệ đến chó có khả năng đến từ phương Nam, như từ ngữ hệ Mon-Khme mà tiếng Việt cổ là một thành viên quan trọng. Vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn khi so sánh các tên gọi 12 con giáp Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi với tên gọi các loài thú trong tiếng Việt như Chuột Trâu (tru) Hùm (khái) Mèo Rồng Rắn Ngựa Dê Khọn (khỉ) Gà Chó Hợi (cúi). Đã đến lúc cần phải đặt lại vấn đề về công lao thâm trầm của tổ tiên chúng ta, kí ức tập thể của tiền nhân hãy còn vang vọng qua câu ca dao: Trăm năm bia đá thì mòn / Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ - Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội) *

(Nguồn gốc tên gọi 12 con giáp - Tuất *swot chó, phần 12A - Nguyễn Cung Thông) (1)

b. Theo Nguyễn Châu: Trong Hán Văn có hai chữ có nghĩa là Chó, đó là:

1/ KHUYỂN  犬 – bộ Khuyển (犭), chỉ chung loài chó và đặc biệt chỉ chó săn, chó chăn cừu, chó trong quân đội.

Nghĩa bóng: ý nói vị thế thấp hèn. Kẻ dưới đối với người trên có quyền thế, tự nhận mình chỉ là thân “khuyển mã” tức là chó, ngựa.

2/ CẨU: 狗: con chó nuôi trong nhà. Trong văn chương Trung Hoa, “cẩu” chỉ con chó chưa trưởng thành.

(Nguyễn Châu -Năm Tuất, nói chuyện Chó)

 

4.

Các quốc gia Tây phương, nhất là Mỹ, người ta yêu thích chó, họ ôm ấp chó như trẻ con, hôn hít, chăm sóc cẩn thận, cắt tỉa lông, tắm gội; mùa đông may áo cho chó mặc. Khám bệnh chủng ngừa, chăm sóc chó đôi khi còn hơn người.

Người La Mã cổ đại biết dùng chó tham gia chiến đấu, chó cắn vào chân ngựa địch thủ, ngựa bị đau bỏ chạy. Vào thế kỷ 15, người Tây Ban Nha còn trang bị cho chiến binh chó những chiếc áo giáp bông. Quân đội Hoa Kỳ, có đội quân khuyển lớn, mang tên từng đơn vị phục vụ trong chiến tranh, thời chiến tranh Việt Nam

Thời Việt Nam Cộng Hòa có trung tâm huấn luyện quân khuyển, huấn luyện chó Berger, nơi nầy trở thành một địa danh là Ngã năm chuồng chó ở Gò Vấp (Theo Nguyễn Quý Đại)

 

5.

a. Sau đây là những câu ca dao thành ngữ có liên quan đến chó:

- Cẩu phệ lang tâm: lòng lang dạ chó

- Con không chê mẹ xấu, chó không chê nhà nghèo.

- Đánh chó phải kiêng chủ nhà

- Chó treo mèo đậy. Chó ăn đá (đất) gà ăn sỏi (muối)...

- Chơi với chó, chó liếm mặt

- Chó ngáp phải ruồi : dùng để chỉ sự may mắn hiếm hoi của những kẻ bất tài, không có học thiếu độ đức.

- Chó nhảy bàn độc: ám chỉ người hèn kém nhờ thời cơ mà có địa vị trong xã hội

“Em như cục cứt trôi sông

 Anh như con chó đứng trông trên bờ.”

- Chó nào chó sửa chỗ không

Chẳng thằng ăn trộm, cũng ông ăn mày

b. Trong văn chương

- Nổi tiếng nhất là câu đời của cụ Cao Bá Quát

“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái,

Học trò dăm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.”

- Những từ ngữ có chữ CẨU (CHÓ) trong Hán Việt:

 "Bạch vân thương cẩu": Mây trắng biến thành chó xanh. Ý nói việc đời biến hóa vô thường. Do hai câu thơ của Đỗ Phủ: Thiên thượng phù vân như bạch y, Tư tu cải biến như thương (Trên trời mây nổi như áo trắng, Khoảnh khắc biến thành như chó xanh).

"Cẩu đạo": Ngụy trang thành chó để đi ăn trộm, về sau “cẩu đạo” chỉ kẻ trộm cắp.

 

6.

 Trong Chiến Quốc Sách, ở mục Tần sách, tiểu mục 13:  "Thiên hạ chi sĩ hợp tung" có đoạn:

[... Các kẻ sĩ trong thiên hạ theo chính sách hợp tung họp nhau ở Triệu muốn đánh Tần, Tể tướng Tần là Phạm Tuy nói với vua Tần:

- Đại Vương đừng lo, thần xin giải tán họ. Kẻ sĩ trong thiên hạ không có gì oán Tần, họ hợp nhau muốn đánh Tần vì mong được phú quý đấy thôi. Đại Vương có thấy bầy chó của Đại Vương không? Nằm thì cùng nằm, dậy thì cùng dậy, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau. Nhưng nếu ném xuống cho chúng một khúc xương, thì chúng vùng dậy và nhe răng cắn xé nhau. Tại sao vậy? Vì tranh ăn...] (Chiến Quốc Sách - Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê)

 

VÀI MẨU CHUYỆN VỀ CHÓ TRUNG THÀNH

Bản tính của chó rất trung thành, nó không bao giờ bỏ chủ. Nếu chủ gặp gian nguy, chó bao giờ cũng liều mình cứu chủ; vì chủ, nhiều con đã xả thân; khi chủ chết, nhiều con ra mộ nhịn ăn chết theo.

1. Chú chó ra mộ chủ vào 6h chiều mỗi ngày trong suốt 6 năm

Capitán là tên chú chó được ông Miguel Guzman (sống ở thị trấn nhỏ Villa Carlos Paz, Argentina) mua làm quà tặng cậu con trai Damian vào năm 2005.

Thế nhưng, chuyện buồn đã xảy ra khi một năm sau, ông Miguel đột ngột qua đời. Sau đám tang ông, người ta cũng thấy Capitán mất tích. Mọi người nghĩ rằng nó đã chết hoặc đến sống ở một nơi khác.

Cho đến một ngày, gia đình tới nghĩa trang thăm mộ ông Miguel thì nhìn thấy Capitán đang ngồi bên cạnh ngôi mộ. Khi Damian hét lên:_ đó là Capitán. Chú chó tiến lại gần rồi sủa với tiếng như đang khóc.

Sau đó, gia đình ông Miguel mới biết rằng, cứ 6g chiều mỗi ngày, Capitán lại đến nằm bên mộ suốt đêm. Dù con trai ông Miguel đã nhiều lần đưa Capitán về nhà nhưng lần nào chú chó cũng quay lại nghĩa trang. Thế nên, gia đình họ tin rằng, Capitán đang ở đây để bảo vệ cho người chủ quá cố của mình.

2. Hachiko – bức tượng về lòng trung thành chưa bao giờ bị lãng quên

Hachiko chính là chú chó giàu tình nghĩa và lòng trung thành với câu chuyện gần như đã đi vào lịch sử. Mỗi khi nhắc đến cái tên ấy, người ta lại nhớ về hình ảnh một chú chó hàng ngày đến nhà ga đợi chủ của mình trở về suốt 9 năm, 9 tháng, 15 ngày.

Chủ của Hachiko - giáo sư Hidesaburo Ueno – làm việc tại Đại học Tokyo (Nhật Bản). Ông nuôi một chú chó và đặt tên là Hachiko. Hằng ngày Hachiko vẫn theo chủ đến nhà ga để tiễn chủ đi làm và chờ đợi ở đó đến khi chủ về. Vào ngày định mệnh 21/5/1925, giáo sư Ueno đã bất ngờ đột quỵ, do xuất huyết não khi đang giảng bài và qua đời ngay sau đó.

Buổi chiều hôm ấy, cũng như mọi ngày, Hachiko vẫn đến nằm ở nhà ga và trông ngóng người chủ của mình trở về. Và cứ thế, nhiều ngày, nhiều tháng, rồi nhiều năm trôi qua, Hachiko vẫn có mặt đều đặn ở nhà ga vào lúc 3h chiều, mặc dù nó đã bị bệnh viêm khớp và đã quá già yếu. Cuối cùng, vào ngày 8 tháng 3 năm 1935 gần 11 năm, kể từ ngày nó nhìn thấy chủ nhân lần cuối, người ta tìm thấy Hachiko -lúc đó đã 12 tuổi - nằm gục chết tại chính cái nơi mà nó đã đứng đợi chủ nhân của mình trong suốt nhiều năm, trong một buổi tối tuyết rơi trắng xóa tại một con phố ở Shibuya. (Những mẩu chuyện về chú chó trung thành - Soha) (2)

 

VĂN HOÁ THỊT CHÓ

1.

[ Trước năm 75, dân miền Nam gần như không ai ăn thịt chó, bởi họ rất thương con chó; nên nếu có vạn nhất ai mà ăn thịt chó thì bị coi như là dân trời đánh thánh đâm!

Với đồng bào miền Bắc  di cư vào nam ban đầu (54) thì có ăn, nhưng các thế hệ sau thì có người không thích ăn thịt chó nữa

Sau năm 75, chó miền Nam bị " đại thanh trừng " bởi số người ăn thịt chó quá đông, và dân miền Nam cũng tập tành ăn thịt chó! Từ từ số người ăn thịt chó càng đông đến nỗi các quán thịt chó mà nói tránh là " cầy tơ", " nai đồng quê " mọc lên song song với những lò mổ chó, quầy bán thịt chó do chính ngươi miền Nam làm chủ!

Vậy có thể nói, dân miền Nam đã tiếp thu nhanh VĂN HÓA THỊT CHÓ miền Bắc.] (Khatiemly)

 

VĂN HÓA THỊT CHÓ, nói gọn là VĂN HÓA CHÓ, hệ lụy của nó là VĂN HÓA CHƯỞI (Có người gọi là VĂN HÓA "ĐÉO"- Alan Phan): Trẻ chưởi già chưởi, nhỏ chưởi lớn chưởi và quan chưởi dân chưởi. Chưởi tất, không chừa ai. Tất cả đều sử dụng tiếng "ĐỨC".

Mời các bạn đọc trích đoạn này:

 

[... Lần đầu tiên, mới tới Hà Nội, tôi không khỏi bỡ ngỡ, khi tìm nhà của một người quen làm trưởng một khu phố văn hóa. Vào một con hẻm, tôi gặp một ông cụ đi ngược chiều, tôi lễ phép hỏi thăm nhà bạn tôi, ông cụ nghễnh ngãng nghe tôi nhắc lại câu hỏi hai ba lần, ông lấy tay nghiêng một bên tai và lắc đầu trả lời: “Tôi…đéo hiểu ông nói gì cả! ” Tôi không buồn, đi tiếp. Thấy có mấy đứa trẻ con đang nô đùa ngoài ngõ, tôi hỏi: Này các cháu có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa ở đâu không?

Một đứa bé trai, trạc trên dưới 10 tuổi, ngước nhìn tôi bằng ánh mắt xấc láo, ranh mãnh, đáp gọn lỏn: “Biết, nhưng đéo chỉ!”

Tôi lắc đầu đi sâu vào ngõ văn hóa, gặp một thanh niên hỏi: “Anh ơi, anh có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa này ở chỗ nào không anh?.

Gã trẻ tuổi này chẳng thèm dòm ngó gì đến tôi, trả lời cộc lốc: “Đéo biết!”

Khi gặp ông trưởng khu phố văn hóa, tôi đem chuyện này kể cho ông ta nghe với lời than thở: Anh ạ, các bậc phụ huynh ở đây đã không dạy dỗ con em hay sao mà để chúng nó ăn nói với người khách lạ, thô bỉ đến thế hả anh?!

Chẳng cần suy nghĩ gì, ông trưởng khu phố văn hóa đã thuận miệng trả lời tôi ngay: “Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó đéo nghe!”

Lúc ấy cô con gái của ông bạn tôi là cô giáo, dạy môn văn, vừa đi dạy về và tôi đem chuyện ấy ra kể lại. Thay vì trả lời trực tiếp cho tôi, cô giáo xin phép thuật lại một chuyện như sau:

- Hôm ấy cháu giảng bài văn, có đoạn kể thành tích anh hùng và dũng cảm của nhân dân ta đã đánh gục Tây, đánh nhào Mỹ v.vCuối cùng, cháu kêu một em học trò trai lớn nhất lớp, bảo nó cắt nghĩa hai chữ: dũng cảm là gì? Nó đứng lên suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn:“Nghĩa là… là…đéo sợ!”

Sau đó cháu lại có cuộc tiếp xúc với ông thứ trưởng về định hướng giáo dục XHCN, liền đem chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa 2 chữ Dũng cảm là: đéo sợ, cho ông nghe. Nghe xong, ông thứ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn cháu, rồi gật gù như một triết gia uyên bác vừa khám phá ra một chân lý, chậm rãi đáp:

- Ừ, mà nó cắt nghĩa như thế cũng đéo sai!

- !!!

- Đấy, bây giờ luân lý, đạo đức của con người  như thế đấy. Đất nước kiểu nầy thật là đéo khá!...] (Hà Lệ Nhân- Viet Net). (3)

 

Đây là kết quả "ưu việt" của nền giáo dục mới XHCN, tạo ra còn người "mới" XHCN. Bỏ môn Đạo đức "cũ" lạc hậu, học tập Đạo đức "mới" XHCN và "đấu tranh giải cấp". Nói cho đúng là "Giành giựt chủ nghĩa": Giành được phần cho riêng bản thân mình, cho gia đình dòng họ mình, cho phe đảng mình, cho giai cấp mình...,  "ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi". Chủ nghĩa này đã được giảng dạy từ nhỏ, từ lúc trẻ thơ, hậu quả của nó ai cũng rõ: Bè phái, tham nhũng, vô cảm.v.v.. cái xã hội VN bây giờ.

 

2.

 

Thịt chó là thịt của các loài chó nhà. Trong lịch sử, việc ăn thịt chó đã được ghi nhận tại nhiều vùng trên thế giới, bao gồm Đông Á, Đông Nam Á, Tây Phi, châu Âu, châu Đại Dương và châu Mỹ. Tại thế kỷ 21, thịt chó vẫn là một món ăn thông thường tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Hiện nay, đối với một số nền văn hóa, thịt chó được coi là một phần của văn hóa ẩm thực hàng ngày, nhưng đối với một số nước khác, đặc biệt là phương Tây, việc ăn thịt chó được coi là điều cấm kỵ, mặc dù họ cũng ăn thịt chó trong điều kiện chiến tranh hoặc thiếu lương thực. Theo ước tính năm 2014, mỗi năm có 25 triệu con chó bị con người giết lấy thịt.

chogamxuong

Việt Nam là một trong những nước ăn thịt chó nhiều nhất thế giới, với 5 triệu con chó được làm thịt và tiêu thụ mỗi năm. Cũng do nhu cầu tiêu thụ thịt chó lớn nên đã xảy ra hiện tượng trộm chó để đáp ứng nguồn tiêu thụ cho các quán thịt chó.

Theo công văn Cục Thú y ban hành vào ngày 23.1.2014, chỉ riêng tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt.

Người Hàn Quốc (Korea) cũng rất thích món thịt chó. Seoul (Hàn Quốc) từng có cả một "phố thịt chó".Tuy nhiên, cùng với sự phản đối ngày càng nhiều của các tổ chức bảo vệ động vật và dư luận quốc tế, người Hàn Quốc đang dần thay đổi thói quen và phong tục ăn thịt chó.Năm 2007, Quốc hội Hàn Quốc thông qua Luật Bảo vệ Động vật, quy định hành vi buôn bán, giết mổ chó một cách dã man là bất hợp pháp. Sau khi đạo luật này được thông qua, nhà chức trách Hàn Quốc đã bắt đầu xử lý, trừng phạt những người hành hạ, ngược đãi và sát hại dã man các loài động vật nuôi, nhất là loài chó

Hàn Quốc cũng đẩy mạnh chiến dịch vận động nhằm kêu gọi mọi người không ăn thịt chó. Dưới sức ép mạnh mẽ và những chiến dịch vận động quyết liệt, thói quen ăn thịt chó trong xã hội Hàn Quốc đã có những thay đổi. Năm 2015, chỉ còn khoảng 30% người Hàn Quốc còn ăn thịt chó và 59% người trẻ Hàn Quốc dưới 30 tuổi hoàn toàn chưa từng ăn thịt chó. Trong đó, 62% số người nói rằng chó là vật nuôi chứ không phải thực phẩm, và việc ăn thịt chó là một “nét văn hóa lỗi thời” cần được loại bỏ.

Món thịt chó rất phổ biến ở Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều thịt chó nhất thế giới với số lượng 20 triệu con mỗi năm. Có những vùng hàng năm có hẳn một lễ hội giết chó, khoảng 5000 tới 15000 con chó bị giết trong các ngày lễ này. Thịt chó cũng là một thực phẩm bổ dưỡng cho các phi công lái tàu vũ trụ của Trung Quốc

Trung Quốc đã tổ chức lễ hội thịt chó ở thành phố Ngọc Lâm (tỉnh Quảng Tây) và gặp phải phản ứng dữ dội của các nhà hoạt động vì quyền động vật

Tại nhiều quốc gia Tây phương, việc giết chó làm thịt và ăn thịt chó được coi là tàn bạo và bị cấm. Đã từng có nhiều phong trào trên thế giới chống lại việc giết chó làm thịt tại Hàn Quốc, Việt Nam  và có đưa thành nghị quyết Liên Hiệp Quốc.

Tại nhiều quốc gia theo Hồi giáo, việc giết chó làm thịt và ăn thịt chó bị coi là kinh tởm và bị cấm

(Wikipedia)

 

LOẠN BÚT VỀ CHÓ / CẦY

 

Rượu tăm tht chó nướng vàng

Mi đi đánh chén cách làng cũng đi

(Ca dao)

 

Vì chó trông giống con cầy - một giống chồn hương - nên chó còn được gọi là "cầy".

Những người khoái món thịt chó còn gọi là thịt “mộc tồn” để tránh gọi đích danh thịt chó. Chữ “mộc tồn” dịch ra Việt là “cây còn”, nói lái lại thành “con cầy”.

*

Người nam bộ ít thích thịt cầy hơn người ngoài. Hình như thời trước, nam bộ quá dồi dào tôm cá, rùa rắn, chim cò...Nói chung mồi quá nhiều, cùng vấn để đạo đức, tôn giáo...nên các "nam bộ tửu nhân" ít thích ăn món cầy chăng?.

Cầy không hợp "tạng" Nguyên Lạc, nên tôi nhờ ngài Song Thao hầu các bạn giùm.

 Hãy thưởng thức nào:

" Chó lúc sống gọi là con chó, lúc chết gọi là chó chết. Nhưng khi cái xác chó leo lên bàn nhậu thì cải danh thành cầy. Tại sao vậy? Các nhà ngữ học chắc không khoái món cầy nên làm ngơ về sự đổi tên này. Tôi thì ấm ức, muốn cho ra ngô ra khoai, bèn đoán đại, trúng thì tốt không trúng cũng... huề! Ăn thịt chó có lẽ trong lòng vẫn cảm thấy cấn cái nên người ta... kỵ húy. Đổi ra cầy cho an tâm. Đến nhà văn Vũ Bằng, ca tụng hầu hết các món ăn Bắc Kỳ trong Miếng Ngon Hà Nội, ngòi bút ông thao thao những con chữ ngợi ca. Ngay cả đến những món không... qui ước lắm như hẩu lốn, lòng lợn, tiết canh, ông vẫn cứ phóng bút thoải mái. Vậy mà đến món thịt cầy ông bỗng khựng lại. Trong bài Thịt Cầy, ông mở đầu bằng những dòng rao nam rao bắc rất khổ tâm: “Đã định không nói, nhưng không nói không chịu được. Ờ mà nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh...Huống chi lại thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?” Tại sao đụng tới cầy lại khựng lại như vậy? Cũng như mấy quán bán thịt chó cũng chẳng dám nghênh ngang trương bảng hiệu để rõ là thịt chó mà núp dưới những cái tên chỉ phảng phất mùi rựa mận. Chỗ thì Cờ Tây, nói lái của chữ Cầy Tơ. Chỗ thì Mộc Tồn, diễn nôm ra là Cây Còn, đọc lái lại thành Con Cầy. Chỗ thì Lá Mơ, nói xa nói gần tới thứ rau chuyên trị thịt chó. Chỗ thì Sống Trên Đời, mon men từ câu thơ:

Sống trên đời ăn miếng dồi chó

Chết xuống âm phủ hỏi có hay không?

 Người ta ăn thịt chó Việt Nam chứ không ăn thịt chó Tây chó Mỹ! Cái ấp úng của tôi cũng có... căn bản lắm chứ. Chó Tây chó Mỹ, ai thèm ăn! Vừa hôi, vừa lạt, vừa tanh, lại... ngoại lai. Lại phải viện tới tiên sinh Vũ Bằng. “Cái giống chó ‘bẹc giê’, ‘pê ki noa’, cái giống chó ‘bát sê’ cũng như giống ‘phốc’, nói tóm lại tất cả các giống chó tây phương, cấm có ăn thịt được. Thịt cứ dai như chão rách, mà hôi quá ăn không ra cái ‘thớ’ gì. Chó ăn, phải chính cống là giống chó ta, không được lai căng một tí một li ông cụ”. Chó ta, tuy vậy, không phải... cá mè một lứa đâu. Cũng có đẳng cấp đàng hoàng. Nhất bạch, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm. Không hiểu mấy ông tổ sư... chó ngày xưa, khoa học đến đâu, mà lại nối được mầu lông chó với chất lượng thịt cầy? Nhưng trong giới sành điệu, bảng sắp hạng trên vẫn được tôn trọng từ đời này qua đời khác. Cứ như là kinh sách!

Cầy nguyên thủy chỉ có bốn món căn bản: luộc, nướng, rựa mận và dồi. Sau này, nhân loại tiến bộ, cầy cũng mon men leo lên bằng... bò. Bẩy món đầy đủ. Món nào cũng... nhức răng

Để cho quý vị còn nghi hoặc đến cái khiếu sành ăn của Diêm Vương, tôi lại mời ông Vũ Bằng về giúp một tay... tả tình tả cảnh cái món xuống tới Âm Phủ mới tiếc hùi hụi! “Sao mà có những người có óc vĩ đại lại đi nghĩ ra được cách làm được cái thứ dồi ngon lạ ngon lùng đến thế, một tổ hợp tiết tấu đến như thế, hở Trời? Gắp một miếng chấm muối chanh, rồi đưa cay một hơi rượu, ta thấy tất cả tiết, sụn, lá thơm và đậu xanh ở trong miếng dồi nâng đỡ nhau, đoàn kết nhau thành một khối bất khả chia lìa, không những thấy ngon lành cho khẩu cái mà thôi, nhưng lại còn làm cho ta mát gan nở ruột vì cái đẹp tinh thần do sự nhất trí tạo thành. Ai cũng đã ăn dồi lợn, và ai cũng ăn dồi của người Tây mà ta thường gọi một cách nôm na là “sốt sích”. Bằng thế nào được dồi chó, phải không ông? Dồi chó làm khéo thì cái ruột phải ken kỹ cho mỏng như tờ giấy, đến lúc ăn vào nó cứ giòn tan, không mềm lừ những tiết như dồi lợn, mà cũng không bã như rơmi kiểu dồi tây; nhưng nó nhuyễn lừ đi, nhai kỹ lại hơi sừn sựt, bùi béo nhưng không ngấy, ngan ngát nhưng không nồng mùi tỏi.” Luộc đã vậy, dồi đã vậy, cái món chả chó cũng... đê mê phát khiếp! (Song Thao-Phiếm 2)

 

*

 Theo Văn học sử đầy "ấn tượng" tui vừa mới phát giác, đưa ra một bằng chứng "không thể chối cải được" rằng/là :

[...Sau khi nghe lén bản nhạc"dụ khị" "Phượng Cầu Hoàng" (Phượng hề, phượng hề quy cố hương / Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng...), kiều nữ Trác Văn Quân  "ngất ngư con tầu tình", giữa đêm khuya bỏ nhà chạy đến gõ cửa phòng Tương Như xin "ty nạn tình yêu", thề sống với chàng suốt khoảng đời còn lại.

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam!   (ca dao)

Trác ông hay chuyện tức giận, quyết định từ con cấm vận không chi tiền.

Vì sinh kế, đôi trai gái đó mở một quán rượu.

Theo cụ Công tử Hà Đông - Hoàng Hải Thuỷ thì vợ chồng Tương Như / Văn Quân mở quán thịt chó. Tương Như làm chó - cả câu là “làm thịt chó” - Văn Quân ngồi két (cashier) bán ruợu, thu tiền.

Tương Như làm làm thịt chó , Văn Quân ngồi két bán ruợu, thu tiền. Khách khứa đùa rỡn với bà chủ quán đẹp nõn nà, bà chủ quán cũng phải đáp ứng thuận chiều bằng cách vui vẻ đùa rỡn với khách. Trác Phú Ông mất mặt.  Sau cùng, Trác Ông phải gọi hai người về và chi tiền . Có tiền, vợ chồng Tương Như-Văn Quân bỏ nghề Cầy Tơ Năm Món: Thịt Hấp — Chả Nướng — Lòng Dzồi — Rựa Mận — Xáo Măng — Lá Mơ — Mắm Tôm Chanh Ớt — Riềng Mẻ. Họ đưa nhau đi sống yêu thương nhau .

Cơm no bò cưỡi, vậy mà về sau chàng Tương Như ta còn muốn "ăn phở", còn muốn tìm "vợ nhí" chân dài, khiến Văn Quân khóc lóc ỉ ôi, đập đầu xức trán, ca bài ca con cá chàng ta mới chịu quay đầu về bến cũ. Đấy là tài liệu đặc biệt của ông Hoàng Hải Thuỷ. Nếu bạn muốn "ngâm kíu", xin liên lạc ông ...] (Phượng cầu Hoàng - Nguyên Lạc)(4)

 

*

Thịt cầy "trên cả tuyệt vời" phải không? Ông trời còn thích huống hồ ai:

 

Bc thang lên hỏi ông trời

Con thèm thịt chó ăn rồi sao không?

Ông trời hai má đỏ hồng

Nhậu mà không rủ, tội chồng gấp ba!

Dô, dô, dô...Hãy nâng ly lên,ta vinh danh Cầy tơ

 

Rắn không chân đi năm rừng bảy rú

Gà không vú nuôi chín mười con

Bậu về tìm lấy cái xoong

Gà xé phai, rượu rắn ... ta thịt luôn con chó phèn

(Nguyên Lạc)

 

Giỡn chơi cho vui, xin mời các bạn đọc giai thoại về chó lý thú này

 

GIAI THOẠI ÔNG ÍCH KHIÊM

 

Giai thoại "TẤT CẢ ĐỀU LÀ CHÓ" của Ông Ích Khiêm thường được nhắc đến:

 " Sau khi vua Tự Đức (1829-1883) băng hà, triều đình rối loạn vua kế vị còn nhỏ, các quan đại thần vì quyền lợi riêng không lo việc nước. Ông bực mình bèn làm tiệc mời các quan tới dự. Bàn trên cỗ dưới các món ăn đều bằng thịt chó. Lúc vào tiệc, nhiều quan không quen ăn thịt chó, hỏi có món nào khác không? ông trả lời

– Bẩm, hôm nay trên dưới toàn là chó c

Ông Ích Khiêm đáp tỉnh bơ:

- Đều là chó cả! Đâu cũng chó cả!

Có một vài viên quan khác đến trễ, được gia nhân mời vào.. Ông Ích Khiêm đã dành sẵn một mâm ở bàn riêng. Bàn liền được gia nhân bưng vào, đặt ở vị trí cao nhất, có thể gọi là bàn thượng (trên) . Các quan vừa mới được đón vào thấy thế, đâm ngại. Một người nói, sau khi đảo mắt nhìn quanh:

- Chúng tôi có lỗi thất lễ đã đi trễ giờ, vả lại… thật không dám vô phép ngồi ở bàn trên đó!

Ông Ích Khiêm liền nói:

- Tất cả đều là chó! Ngồi trên bàn thượng cũng chó, ngồi dưới bàn hạ cũng chó!

Tiệc xong, các quan đứng dậy, kẻ trước người sau nói lời cáo từ. Ông Ích Khiêm cản không để các quan về. Ông nói:

- Tôi xin các quan vui lòng ngồi lại để uống nước đã chứ !

Ông Ích Khiêm quát gọi gia nhân:

- Nước đâu? Thật là bọn vô tích sự! Ăn rồi chỉ lo mỗi việc nước cũng không xong, cứ vục đầu mà ăn rồi chơi thôi!"

(Theo Trần Xuân An) (5)

 

VÀI CHUYỆN VUI LIÊN QUAN ĐẾN CHÓ

 

  Chuyện 1

 Bữa nọ, Diêm Vương đang ngự triều, trên tay cầm ly X.O, vừa nhấm nháp vừa nghe lũ quỷ Dạ xoa trình tấu việc nhân gian. Thình lình có một con chó xông vào "đột xuất", vừa đập đầu vừa khóc la!

- What's up!  Gì vậy mậy, hãy "báo rõ"? Diêm Vương nạt hỏi.

-  Đại Vương ơi hãy cứu giòng dõi nhà Chó chúng con, sắp tiêu đời rồi.  Hu hu!

- Báo "cụ thể' và "nghiêm túc" mầy, tao chưa "lĩnh hội" được

- Dạ thưa Đại Vương, cái lũ quỷ nhậu nhẹt trên kia, trên dương thế đang truy sát chúng con. Chúng truy lùng tận hang cùng, ngõ hẻm, bất kể sinh mạng riêng mình để tìm bắt chúng con làm mồi. Có nhiều thằng bị đánh chết bởi chủ nhân chó, nhưng chúng vẫn không chừa. Chắc họ Chó nhà chúng con sẽ bị xóa sổ. Hu hu !

- Khoan, tao chưa tin tưởng hoàn toàn những điều mầy "phản ánh". Để tao "rà xoát" lại xem mày có "thành thật khai báo" không? Mầy ở phương mô?

-  Dạ, Việt Nam đại quốc.

Diêm Vương vội vàng rút iPhone ra bấm số gọi:

- Alo, phải mầy là Táo Chí Tài Thúy nga PBN đó không?. Mầy "quản ní " VN kì quốc, nước bị tụi "nước lạ" đang "chiếu tướng" đó phải không? "Làm rõ" cho tao điều này coi mậy! Vầy...vầy...

Sau vài phút tọa đàm, Diêm Vương hướng về chó và gật đầu nói:

- OK !  Mày đã "khai báo thành thật". Bây giờ mày cho tao biết tại sao chúng truy bắt chúng mày để làm mồi, mà không phải những con thú khác?

- Dạ thưa Ngài, vì chúng cho rằng thịt chúng con tuyệt vời, đến ngay cả ông trời cũng thèm nữa như các bài ca dao đã ngôn!

- Chúng nó làm sao với chúng mày?

- Dạ, thịt chúng con chúng cắt thành từng miếng bằng đốt ngón tay, vừa nạc vừa mỡ, bỏ vào rừng già, mẻ, mắm tôm trộn vào với nhau, bóp cho đều, để vài tiếng đồng hồ cho ngấm. Xiên vào thành từng xiên. Rồi nướng trên than đỏ, thịt xèo xèo cháy, mỡ nhỏ xuống than bốc khói thơm lên quyện vào thịt. Mùi thơm nương theo làn gió ...

- Stop! talk no more (ngừng lại, không được nói thêm). Diêm Vương la lên:_ Đừng nói nữa, tao ứa nước miếng rồi !

 

 Chuyện 2

 Cặp tình nhân trẻ đang trò chuyện với nhau tronq công viên thì nhìn thấy hai con chó đang "yêu" nhau

- Em thấy không, hai con chó yêu nhau và không tiếc gì với nhau hết. Ước gì anh được như con chó đực.

- A vậy hả anh? Cố gắng đợi tí đi, con chó đực xong rồi tới phiên anh.

 

KẾT

Qua trên, là những gì Nguyên Lạc tui đã biết và loạn bàn chơi, mong các bạn có được vài nụ cười trong niềm hân hoan xuân mới,  cùng với lời chúc gia đình an khang, thịnh vượng.

Năm nay là năm MẬU TUẤT.  Trong chữ Tàu, MẬU có nghĩa là không có, không còn (như MẬU LÚI : không tiền. MẬU HẨU : không tốt); TUẤT là CHÓ. Trước thềm năm mới, tôi có vài lời:

- Chúc các Ngài "đỉnh cao trí tuệ", các Ngài "đầy tớ nhân dân" sẽ "MẬU chó", nghĩa là không còn là chó để cắn xé dân oan, để giữ nhà và  bảo vệ cho chủ Phuơng Bắc  nữa.

- Hy vọng người dân VN sẽ "MẬU chó", nghĩa là hết được kiếp chó, hết cực khổ như chó.

Trước khi tạm biệt, Nguyên Lạc tui thử lấy quẻ tuổi Tuất xem sao.

Qu tuổi Tuất

 Người tuổi Mùi hợp với người tuổi Tuất theo quẻ “treo đầu dê, bán thịt chó”: Hai vợ chồng tuổi này chắn chắc sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng; đặc biệt là trong lĩnh vực… buôn gian bán lận.

Hẹn ngày "tái nạm"

 

Nguyên Lạc
(Xuân con chó 2018)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tham Khảo : Chiến Quốc Sách, Vũ Bằng, Hoàng Hải Thủy, Song Thao, Nguyễn Cung Thông, Nguyễn Quý Đại, Nguyễn Châu, VnExpress, Wikipedia ...

Ghi chú:

(*) Xin xem thêm chi tiết tại trang này:

http://quehuongonline.vn/tu-dien-vanhoa/tuc-tho-cho-da-cua-nguoi-viet-43433.htm ]

(1) Nguyễn Cung Thông – Nguồn gốc tên gọi 12 con giáp – Tuất *swot chó (phần 12A)

https://khoahocnet.com/2018/01/23/nguyen-cung-thong-nguon-goc-ten-goi-12-con-giap-tuat-swot-cho-phan-12a/

(2) Những mẩu chuyện về chú chó trung thành - Soha)

http://soha.vn/nhung-mau-chuyen-ve-chu-cho-trung-thanh-khien-ban-phai-bat-khoc-20170604114406205.htm

(3) Văn hóa “đéo”

http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/vn-ha.html

(4) Nguyên Lạc: PHƯỢNG CẦU HOÀNG

http://t-van.net/?p=34190

(5) GIAI THOẠI “TẤT CẢ ĐỀU LÀ CHÓ”- Theo Trần Xuân An

http://trannhuong.net/tin-tuc-6742/ban-an-ve-ong-ich-khiem-cai-chet-cua-ong-va-giai-thoai-%E2%80%9Ctat-ca-deu-la-cho%E2%80%9D.vhtm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn