1 - Lược sử Phạm Hồng Thái ( 1896 - 1924 ):
Tên thật Phạm Thành Tích, có tên Phạm Đài, hiệu Nho - Tư; con Ông Phạm Thành Mỹ ( hoạt động Phong Trào Cần Vương ) và Bà Trần Thị; người huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Về tên Hồng -Thái, con trai ông PHT là Phạm Minh Nguyệt cho là cha của ông đã lấy ý từ câu: " Nhân cố hữu tử, tử hoặc trọng ư Thái sơn, hoặc khinh ư Hồng mao " ( Là người ai cũng chết, có người coi cái chết nặng như núi Thái, có người xem nhẹ như lông chim Hồng ) trong Sử Ký Tư Mã Thiên. Ông Phạm Thành Tích, lấy 2 chữ " Hồng " và chữ " Thái " ghép lại, rồi tự đặt tên cho chính mình. Và tên ấy đã trở nên lẫm liệt, đồng thời cũng trường cữu với non sông Lạc Hồng.
Trong bài thơ Kết Miệt Tử của Lý Bạch có câu tương tự:
Yên Nam tráng sĩ Ngô Môn hào
Trúc trung trí duyên ngư ẩn đao
Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh
Thái sơn nhất trịch khinh Hồng mao
LÝ BẠCH
Gã Đan Vớ
Yên Nam tráng sĩ Ngô anh hào
Đàn trúc đầy chì, cá giấu dao
Liều chết báo đền ơn chúa nặng
Thái sơn gieo nhẹ tựa Hồng mao
LÊ NGUYỄN LƯU dịch
Và trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn cũng có câu:
Trượng phu thiên lý chí mã cách
Thái sơn nhất trịch khinh Hồng mao
Tiện từ khuê khổn tòng chinh chiến
Tây phong minh tiên xuất Vị kiều
ĐẶNG TRẦN CÔN
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa Hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió Thu
ĐOÀN THỊ ĐIỂM dịch
Phạm Hồng Thái: nhà cách mạng VN trong Phong Trào Đông Du và có chân trong Tâm Tâm Xã của cụ Phan Bội Châu.
Chiều ngày 18 - 6 -1924, sau khi biết tin viên Toàn Quyền Đông Dương Martial Henri Merlin sẽ dự dạ tiệc ở khách sạn Victoria trên đảo Sa Diện ( Sa Mian ), Quảng Châu, PHT bèn giả dạng làm phóng viên, vào được khách sạn và ném bom vào giữa bàn tiệc mong giết tên Merlin. Nhưng may cho hắn, hắn chỉ bị thương và chui trốn xuống gầm bàn. Một số thực khách người Pháp chết ngay tại chỗ, trong đó có tên Lãnh Sự Pháp Quảng Đông là Louis Cordeau. Lập tức, Anh hùng Phạm Hồng Thái bị bọn cảnh binh và mật thám bao vây truy bắt rất ngặt nghèo. Ông chạy đến dòng sông Châu Giang (Pearl River), cùng đường, bèn gieo mình xuống dòng nước đang chảy siết tự vẫn, để khỏi rơi vào tay giặc. Lúc ấy mới 29 tuổi đời !! Ông để lại vợ trẻ tên Cao Thị Chắc và người con trai duy nhất là Phạm Minh Nguyệt (3 tuổi). Bà Cao Thị Chắc vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con cho đến ngày nhắm mắt !!
Bọn giặc rất tiểu tâm căm thù, khi vớt được thi hài Ông, chúng không cho chôn cất liền, mà để ruồi bâu kiến đậu đến mấy ngày!! Bị cư dân phản đối và nguyền rủa thậm tệ về việc vệ sinh, chúng mới cho nhà cằm quyền Trung Hoa mai táng tại chân đồi Bạch Vân. Đến tháng 3 năm 1925, cảm phục sự hy sinh cao cả của nhà cách mạng trẻ tuổi VN, tỉnh trưởng Quảng Châu là Hồ Hán Dân đã cho cải táng hài cốt anh hùng PHT vào khu Lăng Mộ công viên Hoàng Hoa Cương, trước sự tham dự kính cẩn của những nhà cách mạng Việt Nam. Khi ấy, đích thân cụ Phan Bội Châu đã viết bài "Văn Tế truy điệu liệt sĩ Phạm Hồng Thái!".
Năm 1958 do việc mở rộng đường sá, phần mộ anh hùng PHT lại di dời một lần nữa cho đến hôm nay.
Tuy không giết được viên Toàn Quyền Đông Dương Merlin, nhưng Tiếng Bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã làm cho bọn thực dân Pháp ở VN nao núng rúng động. Thứ nữa,Tiếng Bom Sa Diện còn gióng lên tiếng chuông nhằm thức tỉnh lòng yêu nước của mọi người dân VN và có ảnh hưởng sâu rộng cho công cuộc giành lại Độc Lập Tự Do cho Tổ Quốc VN mãi về sau...!!
Với lòng thành kính ngưỡng vọng anh hùng vị quốc vong thân, người biên soạn có 2 bài thơ tưởng niệm:
TIẾNG BOM SA DIỆN
Chấn động nhân tâm khắp cõi Đông
Tiếng Bom Sa Diện giặc run lòng
Merlin khiếp vía ôm thương tích
Louis tan hồn bị tử vong
Lẫm liệt tấm gương soi bất tận
Lung linh ngọn đuốc sáng vô song
Trăm năm ai chẳng ra thiên cổ
Linh khí hạo nhiên mãi Phạm - Hồng..!!
Nguyễn Minh Thanh
Anh hùng PHẠM HỒNG THÁI
Đơn thân giết giặc giữa trùng trùng
Mong ước quốc thù sớm cáo chung
Sa Diện bom lòe kinh Pháp tặc
Châu Giang sóng cuộn lụy Nam hùng
Hoàng Hoa tàng cốt nằm heo hút
Thanh Sử phương danh tỏa lẫy lừng
Dân Việt tiếc thương hằng khấn nguyện
Non Bồng mây trắng ngự thung dung..!!
Nguyễn Minh Thanh
2 - Vài nét về Hoàng Hoa Cương: là khu Lăng Mộ công viên của thành phố Quảng Châu:
Thành lập từ năm 1912, để làm nơi an giấc ngàn thu của những anh hùng liệt sĩ Trung Hoa đã hy sinh trong cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 . Qua nhiều lần chỉnh trang, năm 1935 thì hoàn tất như đang thấy ngày nay. Trước công viên là Cổng Tam Quan rất hùng tráng do Tôn Trung Sơn đề 4 chữ Nho, đại tự " Hạo Khí Trường Tồn ". Qua khỏi Cổng Tam Quan, hết con đường lát đá dài 230m, đến Đài Tưởng Niệm với câu chữ Nho khắc trên Bia Tưởng Niệm theo chiều đứng " Thất Thập Nhị Liệt Sĩ chi mộ" ( thực tế có tới 85 mộ, chưa kể mộ PHT ). Tiếp theo sau là Hậu Điện, trên nóc Hậu Điện có bức tường hình tháp với bậc thang 2 bên, trên vót đỉnh bậc cao nhất có tượng Nữ Thần Tự Do mô phỏng theo tượng N T T D của nước Mỹ.
Mộ anh hùng PHT nằm phía sau Hậu Điện một khoảng, có Mộ Bia cao lớn ghi " Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái" bằng chữ quốc ngữ xếp làm 3 dòng ngang từ trên xuống: MỘ -- LIỆT SĨ -- PHẠM HỒNG THÁI. Phía dưới 3 dòng chữ quốc ngữ, theo chiều đứng của Mộ Bia có câu chữ Nho " Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ chi mộ ". Dưới cùng Mộ Bia, trên bệ có lư hương ( bát nhang ) để thắp hương tưởng niệm. Bên phải trước Mộ Bia, lại có một Bia Đá lớn bằng cánh cửa có khắc Bài Ký bằng chữ Nho: " Việt Nam Phạm Liệt Sĩ Chi Mộ Ký ".
3 - Phạm Hồng Thái & Kinh Kha
Có người so sánh dũng sĩ Phạm Hồng Thái với tráng sĩ Kinh Kha nước Yên (Trung Hoa).
Sự s/s này có đúng không? Thiển ý, không đúng. Mà rất ư khập khiễng, thiếu tôn trọng anh hùng PHT, nếu không nói nói là xúc phạm vong linh người anh hùng họ Phạm!! Vì sao?
Xin thưa: dù rằng cả hai đều can đãm phi thường,cả hai có cùng mục đích trừ gian diệt bạo . Nhưng, động cơ của hai người có chỗ khác nhau.
Kinh Kha từng làm tân khách nước Yên, nhận rất nhiều ân huệ từ thái tử Yên Đan. Cho nên, ngoài chí cả diệt bạo, Kinh Kha còn hy sinh vì món nợ ân tình cơm áo, rơi vào câu thơ của Lý Bạch:
" Cảm quân ân trọng hứa khinh mệnh,
Thái sơn nhất trịch khinh Hồng mao ".
Trong khi đó, Phạm Hồng Thái duy nhất chỉ vì lý tưởng Dân -Tộc, vì tương lai, vì đại nghĩa Đồng - Bào, mà một đi không trở lại. Và không hề vướng vít một chút mảy may nào món nợ áo cơm. Trong Di thư ( bằng chữ Nho) của PHT trước khi lên đường ám sát tên Merlin, Phạm Minh Nguyệt, con Ông, còn giữ có câu:
" Hồng - Thái tôi vâng mệnh toàn thể hy sinh vì 40 triệu Đồng - Bào, chết không hề nuối tiếc, những mong kêu cứu trên toàn thế giới để cho Dân -Tộc Việt - Nam được tồn - tại trên trái đất nầy, thì Hồng - Thái tôi cũng yên lòng nơi chín suối ".
Do đó, nếu như ta so đũa bằng đầu, vô hình chung xem nhẹ ý nghĩa cao cả của sự Hy sinh của tiền nhân chăng ?! Và, căn cứ vào Di Thư của người đã khuất, dựa theo câu thơ của Lý Bạch, ta có thể mô tả tinh thần PHT với lời thơ:
"Cảm thương dân tộc hứa khinh mệnh,
Thái sơn nhất trịch khinh Hồng mao ".
4 - Lời lạm bàn: vì ảnh hưởng văn học phương Bắc rất nặng, do đó hầu như những điển tích trong văn chương đều trích dẫn tự bên Tàu. Trong khi Việt Nam cũng có những tích cũ tương tự.
Ví dụ: khi đề cập về hiếu hạnh lúc nhàn đàm trong dân gian, hay trong văn chương, ta thường nhắc đến chuyện Mẫn Tử Khiên, Hán Quách Cự chôn con... của Tàu. Trong khi vua Tự Đức rất mực hiếu kính từ mẫu là đức Từ Dụ...thì ít người biết để nhắc tới....
Đối với danh nhân, danh tướng cũng vậy, người mình biết Tào Tháo, Quan Công, Trương Lương... nhiều hơn là biết bà Trưng, bà Triệu, ông Trần Hưng Đạo, ông Quang Trung....
Lỗi này là do Bộ Quốc Gia Giáo Dục và quí vị làm Văn Hoá.
Ngay như thi hào Vũ Hoàng Chương có " Bài Ca Sông Dịch " gồm 57 câu với bao lời xưng tụng Kinh Kha như là:
" Hùng khí nuốt sao Ngâu hề nộ khí xung thiêng
Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ "
hay là:
" Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư "
Trong khi ông không một bài thơ nào về dũng sĩ Phạm Hồng Thái [ ? ]. Buồn thay! Buồn thay!
Và đáng buồn thay, Văn Học Việt Nam thiếu nhiều những bộ Lịch Sử tiểu thuyết vì không được khuyến khích, nuôi dưỡng.
Trước năm 1975 người viết có đọc bộ Lịch Sử tiểu thuyết: Gia Long Tẩu Quốc tg Vân Bình Tôn Thất Lương, Lý Thường Kiệt Phá Tống tg Phạm Minh Kiên, bộ Thập Nhị Sứ Quân tg Vũ Ngọc Đỉnh ...Đây là những tác phẩm rất cần được phổ biến, khuyến khích...
Lịch Sử cần được nuôi dưỡng bằng nhiều bộ Lịch Sử tiểu thuyết. Nhưng không hề được dưỡng nuôi !!
Tiếc thay, tiếc thay...!!
Hy vọng bao giờ Hoa Mai rộ nở để có điều kiện làm lại... từ đầu. Cần nhiều truyện Lịch Sử Tiểu Thuyết để phổ biến trong quốc dân, nhứt là giới bình dân...!!
5 - Phần kết: Trở lại truyện anh hùng Phạm Hồng Thái:
Người xưa đã vậy. Người nay thì sao??
Đốt nén tâm hương tưởng niệm anh hùng Phạm Hồng Thái, cùng biết bao anh hùng liệt nữ...
Đồng thời nghĩ đến hiện trạng đất nuớc...
Thì ô hay: Nguyện Ước của anh hùng PHT và Tiền Nhân hoàn toàn đang bị nghịch biến, do tập đoàn phản động là Đảng Cộng Sản VN.
Chúng đang bán đất dâng biển... Đang xẻo dần thân Mẹ Việt Nam dâng cống cho giặc Bắc, bằng công hàm năm 1958 do tên Phạm Văn Đồng đã ký:
- Lãnh hải: Hoàng Sa, Trường Sa... một phần Vịnh Bắc Việt
- Lãnh thổ: ải Nam Quan, thác Bản Dốc, núi Lão Qua...,
Chúng đã và đang "rước voi giày mả Tổ, cõng rắn cắn gà nhà". Chúng nhẫn tâm giầy xéo lên "Nguyện Ước" thiêng liêng của Tiền Nhân, giầy xéo lên Hồn Thiêng Sông Núi, giầy xéo lên đồng bào ruột thịt.
Chúng đã phản bội lịch sử; đồng thời nhẫn tâm phản bội ngay cả đồng chí của chúng. Những người đã hy sinh, bỏ mình trong cuộc chiến đấu giữ nước, chống giặc Bắc năm 1979 !!! Những chiến sĩ hải quân VN đã bỏ mình trên đảo Trường Sa năm 1988.
Chúng đang say sưa trong chuyện bán nước buôn dân để ăn trên ngồi trốc...
Chúng đang say men Mãi Quốc Cầu Vinh...!!
Hỡi phường mãi quốc cầu vinh
Những thây ma thúi trương sình chưa chôn
Một mai biển sóng dập dồn
Cuốn phăng cả xác lẫn hồn tiêu vong..!!
Nguyễn Minh Thanh biên soạn
(Viễn xứ, Đêm không ngủ)
Tham khảo : Thành - Ngữ Điển - Tích, GS TRỊNH - VÂN -THANH
Danh - Nhân Từ - Điển, của NGUYỄN - HUYỀN - ANH
Bài Ca Sông Dịch, của VHC
Trang Web: Luongsonbac.com, Opera.com, Wekipedia.org, BBCVietnamese.com...