BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73165)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31127)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Biệt Ly trong Thơ

22 Tháng Mười Hai 20176:34 SA(Xem: 2327)
Biệt Ly trong Thơ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Biệt Ly gắn liền với Thương Nhớ. Tình cảm biệt ly và tình nhớ được nói đến rất nhiều trong văn thơ Đông, Tây, Kim, Cổ.  Xin nêu vài ví dụ: Lý Bạch (701-762) vào thế kỷ thứ VIII đời Đường của Trung Quốc với Tống Hữu Nhân (Tiễn Bạn); trong trào lưu lãng mạn phương Tây thế kỷ thứ XIX có Lord Byron (1788-1824), Anh Quốc, với When We Two Parted (Khi Hai Ta Chia Tay), Alfred de Musset (1810-1857) của Pháp, với Adieu (Biệt Ly).

quehuongvietnamThương Nhớ thì “vô cùng”. Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ quê hương. Lỡ không có đối tượng để nhớ, có khi bịa đặt ra. Thế hệ của chúng ta, có người không nhớ quê hương. Cũng đúng thôi. Sống trong loạn ly lâu ngày, quê hương chưa tạo nên niềm gắn bó bền chặt, mình cũng chưa tích lũy được kỷ niệm gì đáng kể, thế mà đã phải tách rời. Thiếu kỷ niệm, thiếu gắn bó, nhớ được gì nơi quê cũ? Thì cứ nhớ cái mình đang thiếu hay không có chăng? Gọi là “nhớ hờ” chăng? Những ai nhiều mộng mơ thường thương vay, khóc mướn, nhớ hờ. Hay cũng có thể nhớ cái của người khác nhớ. Như Xuân Diệu thời trẻ từng tự cảm thấy mình như con chim bơ vơ, thèm thuồng, thương nhớ  tổ ấm của đôi chim bạn, hay chính xác hơn, con chim mái của đôi chim bạn:

Đến gần tổ ấm đôi chim bạn

Bỗng thấy lòng cuồng yêu ngẩn ngơ.

Tôi có lần coi một YouTube về ca khúc Chiều Trên Quê Hương Tôi của Trịnh Công Sơn do Thuỷ Tiên hát và Thế Vinh đệm đàn. Khán thính giả không nhiều, thính phòng không lớn, trong đó có mấy người nước ngoài ngồi gần hàng ghế đầu. Mỹ hay Pháp hay Nga, chả biết. Đến đoạn:

Chiều trên quê hương tôi

Gió đến chơi từ bờ biển xa

Núi đôi khi màu sim tím lạ

Nắng như môi hoàng hôn trên phố

điệu nhạc buồn buồn dìu dặt, lời ca mênh mang, bát ngát, nhưng không chút ai oán, bỗng tôi để ý thấy nét đăm chiêu, mắt chớp chớp hiện lên khuôn mặt khá dạn dày, cứng cỏi của một trong mấy người ngoại quốc. Và đến đoạn:

Gió mang tin một mùa sẽ tới

Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài

thì giọt nước mắt đã rưng rưng trên khuôn mặt của một khán giả ngoại quốc khác. Có lẽ mấy người này  đang khắc khoải nhớ quê hương mình. Nhớ như nhà thơ Tô Cách Lan Robert Burns đi đến đâu cũng không thể nào quên Miền Thượng Du ( My heart’s in the Highlands wherever I go - Tạm dịch: Lòng tôi vẫn quấn quýt miền Thượng Du dù tôi đi nơi nào). Và bài hát đầy thương nhớ của Trịnh Công Sơn đã tạo nên sự liên tưởng, và đánh động con tim họ. Hay cũng có thể họ thương thay cho quê hương Việt Nam đau khổ, được biểu tượng bằng hai nghệ sỹ tật nguyền, Thuỷ Tiên hỏng môi, miệng, mặt hơi dị dạng, Thế Vinh cụt cánh tay mặt vẫn cố bấm đàn ghi ta bằng tay trái và miệng thì thổi khẩu cầm. Giọng hát và tiếng nhạc đi theo nghe buốt vào tim. Hay lại cũng có thể chính Trịnh Công Sơn đang nhớ quê hương của những ngày thanh bình xa xưa nay không còn, và lan truyền nỗi nhớ ấy vào lòng người nghe.

Quê hương chỉ còn là hoài niệm của con người phổ quát trên hành tinh lắm đau thương này. Trong thế giới quay cuồng bây giờ liệu có còn ai mà không mất quê hương?

 

Nhưng Biệt Ly có khác. Những ca khúc về biệt ly giữa người và người, đó là chuyện bình thường. Và cũng có bài hát diễn tả tình cảm đó đối với làng mạc, thành phố, quê hương, đất nước. Chẳng hạn trong Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành có mấy đoạn nói lên lời biệt ly với Hà Nội:

Nhìn em mờ trong mây khói

Bước đi nhưng chưa nỡ rời

Lệ sầu tràn mi

Đượm men cay đắng biệt ly...

Lê Hữu Mục cũng biểu lộ nỗi buồn khi giã từ Huế trong Hẹn Một Ngày Về:

Trời đầy sương lạnh lẽo

Có ai bơ vơ

Gỡ tay vướng mà đi

Sông nước biệt ly

Người xa kinh kỳ ...

 

Đấy là nhạc. Thơ không thế. Hầu hết các bài thơ đều chỉ mô tả biệt ly người, chứ không biệt ly cảnh, không biệt ly quê nhà. Tại sao thế, tôi chưa tìm thấy được câu trả lời. Thì tôi mạo muội thử làm một bài thơ biệt ly thành phố Đà Lạt. Hay? Dở? Tự khen hay tự chê đều lố bịch. Chi bằng cứ đánh bạo ghi lại đây chỉ bài thơ ấy mà thôi, không bình luận, trong phần phụ chú. Bài Anh Đào Vỡ [1].     

*

“Biệt Ly” được viết rất dài trong Chinh Phụ Ngâm và rất ngắn trong Truyện Kiều. Đó là những đoạn thơ kiệt tác trong văn học Việt Nam cổ điển. Nhưng ta thử lược qua Biệt Ly trong mấy bài thơ khá quen thuộc của trào lưu Thơ Mới Tiền Chiến. Cũng như trong Chinh Phụ NgâmTruyện Kiều, đấy là biệt ly giữa hai người với nhau.

 

Trước hết là Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Đây là một bài thơ đặc sắc.

Cảnh biệt ly diễn ra nơi đâu? Và lúc nào? Không bên con sông, mà trên con đường nhỏ. Không vào buổi sáng hay buổi trưa, “thanh thiên bạch nhật”, mà trong buổi hoàng hôn tranh tối tranh sáng. Tại sao thế? Tác giả không nói rõ nhưng ta biết người đi phải đi trong lén lút để trốn tránh sự theo dõi của nhà cầm quyền. Đi để làm việc “quốc cấm”, đi để tìm đường cứu nước, thì đâu có thể đi ngang nhiên.

Ngay 4 câu đầu tiên, chỉ 28 chữ, đã gây ngạc nhiên lớn nơi người đọc. Nó súc tích, đa chiều, đa dạng trong ý tưởng, hình ảnh, chữ nghĩa, và âm thanh. Nó là những “có” và “không”, những “hỏi” và “đáp”, những “đối chọi nhau” liên tục. Nó diễn ra ở ngọai cảnh, nó đi vào tâm cảnh. Những câu hỏi bắt đầu bằng chữ “sao” đồng thời cũng mang ý nghĩa của lời than. Nơi tiễn đưa không có sông nhưng vẫn có sóng trong lòng, không có bóng chiều ngoài thiên nhiên nhưng hoàng hôn vẫn chứa đầy trong đôi mắt, đôi mắt trong -- đôi mắt của tuổi trẻ, của những ý nghĩ trong veo, tinh anh, quả cảm.

7 chữ trong câu đầu tiên nghe nhẹ lâng lâng như hơi thở với toàn là 7 âm bằng, cơ hồ như muốn dẫn người đọc vào một cảnh trí êm ái, hiu hiu buồn thường xẩy ra trong buổi chia ly. Nhưng không. 7 tiếng dịu dàng đó được đột ngột tiếp nối bằng câu thứ hai cũng 7 chữ mà có đến 4 chữ liền nhau mang âm trắc. Đây là  trường hợp độc nhất trong  thơ Tiền Chiến vốn chuộng âm bằng[2]. Những âm trắc ấy gây nên ấn tượng sắc bén, khúc khuỷu, dữ dội, quyết liệt. Xin trích dẫn đoạn thứ nhất:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

                                (người viết tô đậm)

  6 câu tiếp theo nói rõ hơn chí nguyện của người đi. Đi không trở lại nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Chàng tuổi trẻ hẳn chưa có gia đình riêng, không vướng bận thê nhi. Chỉ còn mẹ già là mối bận tâm lớn lao nhất của chàng, và chàng đã hai lần nhắc đến mẹ. Cũng đành phải gạt bỏ. Đành phải nói cứng: “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Thật ra, theo tôi, trong Tống Biệt Hành chỉ người tiễn đưa phát biểu ý kiến này nọ. Người ra đi lặng câm, và đã từ trước đó nói hết tâm sự của mình cho người bạn thân. Người bạn này biết hết, nói thay: Ta biết, ta biết.

Người đi là đứa con trai độc nhất trong gia đình. Cha có lẽ đã qua đời, hay đang nằm trong tù? Còn mẹ già, còn hai người chị, và một đứa em gái còn nhỏ. Vâng em gái mới có cái dáng điệu đầy nữ tính ấy, mới biểu lộ lòng thương tiếc bằng cách cầm chiếc khăn tay vặn quanh, quấn tròn, chắc là sau khi đã chặm nước mắt. Là người con trai độc nhất của gia đình vẫn nhất định giã từ cuộc sống yên vui mẹ, với chị, với em, để lao vào hiểm nghèo, sóng gió. Điều đó càng khiến người tiễn đưa thán phục, tôn kính - ta chỉ đưa người ấy thôi.

Đưa người ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình một dửng dưng

--Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ 

Chí lớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Ra đi, lòng dửng dưng? Quyết tâm là thế, nhưng con người dễ gì bóp chết mọi thứ tình cảm. Chiều nay mới lên đường, nhưng từ chiều hôm trước người đi đã buồn. Người cố giấu, nhưng ta biết. Cái buồn đeo đẳng cho dù sen mùa hạ còn nở. Cảnh vật tươi thắm của cuộc đời êm ả đang diễn ra tước mắt liệu có níu được chân em? Chị khóc lóc khuyên em ở lại. Nước mắt chị long lanh như giọt sương đọng trên hoa sen, lá sen.

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị hai chị cũng như sen

Khuyên đứa em trai dòng lệ sót

               (gieo vần âm trắc – nt tô đậm)

Xin lưu ý đoạn trên thuộc thơ thất ngôn gieo vần trắc, cũng là lối gieo vần hiếm hoi.

Sáng hôm nay trời cũng tươi lắm, mưa mùa thu chưa tới. Mà người đi cũng chưa hết buồn. Đứa em gái nhỏ đâu có đủ lời lẽ hoặc can đảm để bắt chước chị khuyên anh ở lại. Chỉ còn  bần thần với chiếc khăn tay. Khác với chiếc khăn trong ca dao khi cô gái quê tương tư, Khăn thương nhớ ai khăn rơi xuống đất/Khăn thương nhớ ai khăn vắt lên vai/Khăn thương nhớ ai khăn chùi nước mắt.

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Trời chưa mưa thu tươi lắm thay

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay

Dây tình cảm của gia đình dễ khiến người đi ngã lòng. Vì có ai bắt buộc người phải ra đi đâu, trong khi những níu kéo ở lại thì tha thiết, dùng dằng, khốn dứt. Hết mẹ, rồi chị, rồi em, từ hôm qua cho đến hôm nay. Hoàn cảnh đó khiến ta ái ngại. Biết đâu người đổi ý? Nhưng chiều nay người nhất định ra đi. Người đi thực. Người bất chấp tất cả. Người khinh bạc đến độ phũ phàng. Có thế mới có thể cắt đứt mọi ràng buộc, bịn rịn.

Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Dù là mô tả cảnh chia ly, bài thơ có tầm vóc của một bản anh hùng ca bi tráng, cảm khái, thấp thoáng những nét thơ cổ của Phương Đông, không than van, không rên siết, trái lại hào hùng, khắc kỷ và dữ dội. Làm ta nhớ đến hình ảnh “một đi không trở lại” của Tàu ngày xưa (Tráng sỹ nhất khứ hề bất phục hoàn khi Kinh Kha thời Chiến Quốc bên Tàu qua sông Dịch). Làm ta nghĩ đến người chinh phu coi nhẹ “niềm tây” trong Chinh Phụ Ngâm (Sứ trời sớm giục đường mây/Phép công là trọng niềm tây sá nào).

Bài thơ kết thúc bằng 4 câu vần trắc vần bằng xen kẽ nhau, trở lại giọng điệu gắt gỏng, cứng cỏi cũ                     .

Xét về thể loại thơ thất ngôn của thời kỳ Thơ Mới, Tống Biệt Hành có những đóng góp  đầy sáng tạo. Trước hết, mỗi đoản khúc không nhất thiết phải gồm 4 câu 3 vần (câu 1,2, và 4 vần với nhau) như trong một bài thất ngôn tứ tuyệt. Đoản khúc 1 có 4 câu 3 vần; đoản khúc 2 có 6 câu vần khá tự do; đoản khúc 3 trở lại 4 câu nhưng gieo vần theo âm trắc; đoản khúc 4 trở lại lối 4 câu 3 vần cổ điển; và đoản khúc cuối cùng cũng gồm có 4 câu nhưng vần thì phóng túng, bằng trắc xen kẽ. Thử xem một bài thơ mới loại 7 chữ của Xuân Diệu, chẳng hạn bài Đây Mùa Thu Tới, ta thấy bài thơ gồm 4 đoản khúc, mỗi đoản khúc đều có 4 câu 3 vần, và tất cả đều là vần bằng[3]. Rõ ràng về mặt thể loại và gieo vần, Tống Biệt Hành uyển chuyển và đa dạng hơn nhiều.

Chữ dùng trong Tống Biệt Hành rất chuẩn xác, tinh tế, gợi cảm, mạnh mẽ; những câu hỏi, những câu trả lời, những câu tán thán chan chát nằm kề nhau, đối nhau, nâng đỡ nhau. Chẳng hạn câu hỏi ngắn và thảng thốt, Người đi? được trả lời ngay cũng bằng một câu ngắn và thảng thốt, Ừ nhỉ người đi thực! Đấy chỉ là một trong nhiều ví dụ về phong cách đó. Và nhiều chi tiết láy đi láy lại trùng trùng, điệp điệp: “Đưa người”, “không đưa”, “không thắm”, “sao có”, “sao đầy”, “ta biết”, v.v... và 3 từ “thà coi như” được lặp lại liên tiếp trong 3 câu cuối.

Biệt ly trong Tống Biệt Hành kéo dài lâu nhất so với bốn cảnh biệt ly khác sắp được nói đến dưới đây. Nó xẩy ra từ chiều hôm trước khi mấy người chị năn nỉ khuyên nhủ đứa em trai, từ sáng hôm nay khi đứa em gái nhỏ ngây thơ tay quấn chiếc khăn ngỡ ngàng chẳng biết vì sao anh lại bỏ nhà ra đi. Thời gian của biệt ly thì dài, nhưng cái cảm giác gieo vào lòng người đọc lại gấp rút, khẩn cấp, gắt gỏng.  Xin ghi lại toàn bài.

Tống Biệt Hành

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

 

Đưa người ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình một dửng dưng

--Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ

Chí lớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong

 

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị hai chị cũng như sen

Khuyên đứa em trai dòng lệ sót

 

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Trời chưa mưa thu tươi lắm thay

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn tương nhớ chiếc khăn tay

 

Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu cay

 

Biệt Ly Êm Ái dưới đây của Xuân Diệu thì khác hẳn:

 

Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng thâu

Sương bám hồn gió cắn mặt buồn rầu

Giờ biệt ly cứ đến gần từng phút

Chúng tôi thấy đã xa nhau một chút

Người lặng im và tôi nói bâng quơ

Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ

Một bài thơ mênh mông như vũ trụ

Đầy khói hương xưa tràn ân ái cũ

Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng thâu

Tay trong tay đầu dựa sát bên đầu

Tình yêu bảo:Thôi các ngươi đừng khóc

Các ngươi sẽ đoàn viên trong mộng ngọc

Cứ nhìn nhau rồi lại vẫn nhìn nhau

Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau.

 

Đây là cảnh biệt ly giữa hai người yêu nhau. Hay nói cho chính xác hơn, giữa hai người sắp xa nhau. Tình cảm dàn trải ủ rũ, sướt mướt, theo lối thơ 8 chữ gieo vần từng cặp bằng trắc thay nhau liên tục từ đầu cho đến cuối. Âm điệu vang lên như những lời thủ thỉ, thổn thức, êm ái, như  những tiếng mơn trớn trái tim, những lời rù rì nho nhỏ của đôi chim bồ câu bên cửa sổ. Nhưng cũng có chút lạc điệu, cường điệu, có lẽ do ở tình cảm lãng mạn như nước tràn bờ khiến họ nghĩ họ đang:

Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ

Một bài thơ mênh mông như vũ trụ

Đầy khói hương xưa tràn ân ái cũ

Bài thơ nào mà “ghê gớm” thế?

Sự gần gũi, giao thoa của thân xác, điều thường thấy trong thi ca Pháp, Anh, bắt đầu du nhập vào thơ Việt Nam qua Xuân Diệu (Tay trong tay đầu dựa sát bên đầu ... Cứ nhìn nhau rồi lại vẫn nhìn nhau). Cái lối nói rất Tây cũng được sử dụng rất tự nhiên và tài tình vào trong thơ Việt (Sương bám hồn gió cắn/Chúng tôi ngồi ở giữa một bài thơ/Tình yêu bảo:Thôi các ngươi đừng khóc). Và toàn bài là tiếng nói rất riêng tư, rất cá nhân chủ nghĩa, được đúc kết bằng câu thơ cuối cùng có tính cách  tượng trưng, đầy hình ảnh, và sống động:

Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau.

Bài thơ mang đậm nét lãng mạn của phương Tây thế kỷ XIX.    

 

Em Về Nhà của Huy Cận lại có những đặc trưng riêng dù hai thi sỹ Xuân Diệu và Huy Cận là người đồng thời và cũng là bạn chí thiết của nhau. Nét nổi bật trong bài thơ này cũng như trong hầu hết thơ của Huy Cận, đó là “không gian”. Không gian được nhắc đến nhiều trong thơ Huy Cận. Ở Xuân Diệu, thì thời gian. Một chi tiết khác cũng cần được lưu ý: tiếng “Em”. Đây là người em gái ruột thịt giã từ anh, hay là người yêu? Dù Huy Cận có em gái đi nữa, căn cứ vào văn bản, tiếng “em” trong bài để chỉ “người yêu” nghe vẫn phù hợp hơn. Rời xa người yêu, người ta mới quay quắt như thế.

Ta không biết nhà thơ có đưa tiễn người yêu đến tận nơi thuyền đậu hay không. Chắc là không. Ngày xưa, cũng không xưa lắm, yêu nhau ngoài vòng lễ giáo là chuyện cấm kỵ, nhất là về phía người con gái. Thì vụng trộm vậy. Sau cơn ngủ dài cho đến sáng, sáng trưa sáng trật, “em” được nhà thơ gọi dậy và hối thúc lên đường, sáng hung rồi, đành phải xa nhau thôi.

Trái lại, trong một bài thơ nổi tiếng khác, bài Ngậm Ngùi, khi đã “chiều rồi”, chứ không phải là lúc trời đã sáng hung, nhà thơ lại “ru em” ngủ tiếp ngoài “vườn hoang”, tay làm gối cho em tựa đầu để “Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.” Cũng có một chi tiết giống nhau. Trong Em Về Nhà, bảo em hãy “tự nhiên”, trong Ngậm Ngùi, mong em “mộng bình thường”. 

Trở lại với Em Về Nhà, một mình em xuống thuyền nhé, tránh mọi dòm ngó. Đây có thể là một câu nói ở cạnh giường, lúc người đẹp đang còn “ngủ nướng”, chứ không phải nơi chia tay:

Thôi sáng hung rồi em hãy đi

 

Câu tiếp theo nghe lạ. Tác giả muốn nói gì? Khuyên đừng buồn là đúng, sắp xa nhau mà, nhưng sao phải “tự nhiên”. Lại cũng có chút “ngậm ngùi” chăng:

Tự nhiên em nhé chớ buồn chi.

Vì không thể tiễn đưa em đến tận bờ sông, nhà thơ càng mang cái ẩn ức dồn nén suốt cả một ngày. Thắc thỏm đứng ngồi không yên, tưởng tượng từng bước em đi. Nào con sông dài có nhiều bất trắc, nào là  qua thác, xuống ghềnh, vượt vực:

Này lúc bên đường bóng đứng trưa

Thuyền em qua thác sóng xô lùa

Sông êm bãi cát con cò đứng

Khỏi vực lòng em hết sợ chưa

Chỉ một câu ngắn gọn cũng đủ nói lên tất cả  nỗi bồn chồn, lo lắng, chăm chút, âu yếm, của một người yêu đối với một người yêu:

Khỏi vực lòng em hết sợ chưa

Nhưng mọi chuyện đều chưa đâu vào đâu dù em đã qua khỏi vực -- em đi từ sáng, chiều chưa về  tới nhà; chiều thì cũng dở dang, nửa chiều; sông thì đến ngõ rẽ; lòng người đi thì ngao ngán, ngổn ngang trăm mối như nước bốn bề đến nỗi tiếng gà rất quen thuộc của miền thôn dã vẫn nghe ra rất lạ lẫm. Những điều nói trên khiến người đọc tự hỏi trong trăm mối tơ vò ấy có mối nào xui người đi quay thuyền lui lại, thay vì phải rẽ theo nhánh sông cũ để trở về bến xưa, về với cuộc sống yên lành ngày lại ngày:

           Tới ngã ba sông nước bốn bề

            Nửa chiều gà lạ gáy trên đê

            Làng quê lặng lẽ sau tre trúc

            Bến cũ thuyền em sắp ghé về

Khi “em tôi” đã về tới nhà cũng là lúc nhà thơ cầm không được nước mắt. Thế là hết. Thế là cuộc tình phụ trội kéo dài thêm trong tâm tưởng cũng phải chấm dứt trong nước mắt.

Biệt Ly của Huy Cận không xẩy ra ở ngoại cảnh mà kéo dài tưởng như không bao giờ dứt  dứt trong lòng của thi nhân. Không gian mênh mông, sông nước bốn bề, trên những chặng đường đưa em về nhà, đã nằm gọn trong tưởng tượng phong phú, trong linh hồn bé nhỏ của Huy Cận. Nhà thơ, trong thời trẻ, từng viết:

Một chiếc linh hồn nhỏ

Mang mang thiên cổ sầu

Và đây là một nét đặc biệt khác trong bài thơ biệt ly này: Không gian bao la nhưng không hoang sơ, nỗi buồn miên man nhưng được sưởi ấm. Đấy là do ở sự ân cần, chăm chút, trìu mến của người ở lại đối với người ra đi, nó hóa thành sợi dây buộc hai người lại với nhau. Cũng như trong hầu hết thơ của Huy Cận, lời lẽ ít mà nói được nhiều:

           

Thôi sáng hung rồi em hãy đi

Tự nhiên em nhé chớ buồn chi

Suốt ngày nhắc nhở em từng phút

Anh đoán thuyền em đến bến gì

 

Này lúc bên đường bóng đứng trưa

Thuyền em qua thác sóng xô lùa

Sông êm bãi cát con cò đứng

Khỏi vực lòng em hết sợ chưa

 

Tới ngã ba sông nước bốn bề

Nửa chiều gà lạ gáy trên đê

Làng xa lặng lẽ sau tre trúc

Bến cũ thuyền em sắp ghé về

 

Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa

Khi luồng tơ tưởng vướng chân và

Khi cầm không được anh ngồi khóc

Ấy lúc em tôi đã tới nhà

 

Cuối cùng, biệt ly trong Cánh Buồm Nâu của Nguyễn Bính.   

Có lẽ hai người nam nữ mới gặp nhau. Có lẽ người con trai từ xa đến, ở lại không bao lâu,  rồi đi. Tình yêu vừa mới đâm chồi thì chia ly. Nói như thế, trí tưởng tượng đã bị đẩy đi quá xa chăng, tôi tự hỏi. Thật ra trí nhớ đã kéo tôi về với một cuốn phim chiếu cách đây hơn nửa thế kỷ, Les Vendanges (Mùa Hái Nho) trong đó cô gái con của một chủ nông trại đã yêu chàng thanh niên đến làm thuê. Hái nho xong, hết việc làm, anh phải ra đi, để lại cô thôn nữ với mối tình vừa chớm nở. Ở quê hương ta, từ xa xưa, tình cảnh đó cũng đã được biểu lộ trong hai câu ca dao miền Trung:

Rồi mùa tót rã rơm khô

Bạn về quê bạn biết mô mà tìm

Tại quê nhà, không phải là mùa hái nho mà là mùa gặt lúa. Những người làm thuê từ những làng xa, tỉnh xa, đến gặt lúa. Xong, đạp lúa (những nhánh lúa chất đầy sân rồi cho trâu đạp lên để tách hạt lúa ra khỏi nhánh lúa, còn lại cọng rơm), phơi rơm, đánh rơm lên thành đụn cao làm thức ăn cho trâu bò vào mùa đông tháng giá cỏ không mọc nổi. Ở ngoài đồng trống thì tót (rạ) đã rã hết vì ngập trong nước mưa của mùa lụt lội, làm phân bón cho mùa lúa sau. Đến đây, việc đồng áng của mùa năm nay thế là hết. Những người làm thuê, mà người dân quê gọi là “trai bạn”, phải ra đi. Cũng để lại thương nhớ cho mấy o thôn nữ.

Vậy thì trong Cánh Buồm Nâu hai người phải lòng nhau có thể cũng có cùng một cảnh ngộ như trong Mùa Hái Nho hay Mùa Gặt Lúa, cái cảnh ngộ thường xẩy ra trong nếp sống nông nghiệp, văn hóa dân gian (folklore),  từ Đông sang Tây. Và họ cũng mới yêu nhau trong “vụng trộm”, nhìn nhau qua cửa tò vò khi phải xa nhau.

Em sẽ tiễn đưa anh đến tận bờ sông? Không được đâu, em đâu dám. Trong câu đầu tiên, Hôm nay dưới bến xuôi đò, chữ dưới bến chứng tỏ nơi anh xuôi đò là ở dưới kia kìa, xa quá. Chỉ một mình anh xuống bến, em ở nơi này, trong nhà của em, nhìn theo anh, và được anh nhìn lại,  qua cửa tò vò. Câu thứ ba, Anh đi đấy anh về đâu, chỉ có 6 chữ chia ra làm 2 vế, và cũng là 2 câu hỏi dồn dập, quay quắt: mới đó mà anh đã đi đấy à? Rồi anh về đâu? Anh về quê cũ, hay còn đi nơi nào khác nữa? Biết mô mà tìm.

Người thôn nữ không biết bày tỏ nỗi lòng một cách văn vẻ, bay bướm, đầy hình ảnh tượng trưng như nàng Kiều đối với Từ Hải, Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm. Cô gái quê giản dị hơn nhiều. Cô chỉ biết nhìn theo mãi con đò, như không hề chớp mắt. Con đò đã mang người mình thương, chữ “thương” dân dã chứ không phải là chữ “yêu” thị thành, đi xa dần, xa dần. Trong câu cuối cùng, đặc biệt là hai chữ cuối cùng, gợi nên hình ảnh chia lìa, đứt đoạn: Cánh buồm nâu (màu nâu còn được nhận ra), cánh buồm nâu (con thuyền đi xa hơn nhưng màu nâu ấy cũng vẫn còn đó), và cuối cùng, cánh buồm (đến đây thế là hết, anh mất hết dấu tích chẳng khác gì màu nâu bị xóa nhoà cuối chân trời). Màu sắc phai mờ, chỉ còn chút đường nét, như trong một bức tranh thủy mặc đen trắng:

Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm

Bài thơ chỉ được gói vỏn vẹn trong 4 câu lục bát, và cái cảm xúc chia ly chỉ thoáng hiện trong giây lát. Nghe như ca dao nhưng không phải ca dao. Nó gần ca dao nhưng nó có cái riêng của nó. Ngôn ngữ đơn sơ, trong sáng, thích đáng, nhưng không chút quê mùa, mộc mạc. Hình ảnh là của miền quê, cũng bến đò, con đò, cánh buồm. Nhưng do ở cách sắp đặt ý tứ, cách sử dụng từ ngữ, điệp ngữ, cách trình bày thi vị, đầy ấn tượng, đầy gợi ý, bài thơ nghe thật e ấp, kín đáo, hàm súc, đáng được sắp vào loại thơ tân kỳ nhất của trào lưu Thơ Mới:

Hôm nay dưới bến xuôi đò

Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

Anh đi đấy anh về đâu

Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm

*

Trong nền văn học cổ điển của nước nhà, Biệt Ly trong Chinh Phụ NgâmTruyện Kiều là những đoạn thơ xuất sắc được biết đến nhiều.

Chinh Phụ Ngâm đã dành đến 40 câu theo thể song thất lục bát, từ câu 25 đến câu 64, tả cảnh Biệt ly.

Cuộc chia tay diễn biến theo thứ tự thời gian pha lẫn với những xúc cảm trong tâm tưởng của người chinh phụ. Biệt ly diễn ra ở ngòi đầu cầu. Ngòi, dù là con sông nhỏ, vẫn là đường ngăn cách, là vết dao cắt ngang chia lìa kẻ ở với người đi, mà cây cầu có thể nào chu toàn vai trò nối lại? Nước trong, cỏ xanh, thiên nhiên tươi đẹp, nhưng nói như nàng Kiều, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ:

Nước có chảy lòng phiền chẳng rửa

Cỏ có thơm dạ nhớ khó quên

Người đàn bà phương Đông ngày xưa không biểu lộ xúc động một cách sỗ sàng. Bên trong lòng đau, nhưng bên ngoài vẫn cố giữ bình tĩnh. Chỉ nói mấy lời, chỉ nắm tay, níu áo, bịn rịn:

Nhủ rồi tay lại trao liền

Bước đi một bước lại vin áo chàng 

Có phải hai người xa nhau khi đêm đã xuống?  

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi

Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San

Không, đấy chỉ là liên tưởng, so sánh, dự phóng. Nàng sẽ theo chân chàng, dịu dàng, kín đáo, như mặt trăng, có khi vằng vặc trong đêm, có khi lẫn trong đám mây đen. Không như mặt trời mãnh liệt, chói chang. Nàng sẽ lẳng lặng kéo dài nỗi nhớ đến với chàng trên những chặng đường chinh chiến. Còn chàng thì sao? Trong buổi chia tay, chàng lại nghĩ đến chiến trường xa xôi (ngoài cõi Thiên San). Chàng múa gươm, chàng bày tỏ chí nguyện, tài năng (rằng theo Giới Tử, bàn sự Phục Ba). Làm như vậy có lẽ chàng cố tình gạt bỏ những ý nghĩ buồn rầu, nó vương vấn người đi thì ít, mà sẽ đeo đẳng nơi người ở lại thì nhiều. Hào khí của một người đàn ông lên đường chinh chiến đã được thể hiện trọn vẹn nơi chàng:

Múa gươm rượu tiễn chưa tàn

Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo

Tiệc nào cũng phải tàn huống là tiệc chia ly. Giây phút cuối đang đến. Chàng phải khoác chiến bào vào người, lên ngựa, ra roi. Chỉ chốc nữa thôi chàng sẽ lẫn lộn trong đoàn quân trẩy và mất hút. Rồi chàng sẽ trở về khi hết giặc? Khi mái tóc đã bạc như Chàng Siêu? Hay người chinh phu ra đi và đi mãi. Cho nên hãy ghi nhanh chóng hình ảnh cuối cùng của chàng trên lưng ngựa. Nó tỏa sáng, và rực rỡ màu sắc. Nó sẽ trở thành một ấn tượng sâu đậm, nó sẽ không bao giờ phai trong lòng nàng:

Áo chàng đỏ tựa ráng pha

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in[4]

Bắt đầu từ thời điểm này, chàng không còn đứng về phía của nàng nữa. Hai cảnh tượng đối nghịch, chênh lệch, xuất hiện nhanh chóng. Chàng đã nhập vào phía bên kia, với cả đoàn quân, cờ bay, với tiếng nhạc ngựa, tiếng trống trận, tiếng địch thổi. Tất cả xa dần, mất dần, rồi mất hẳn. Đấy là hình ảnh, âm thanh, chuyển động. Phía bên này, đứng im bên đường, nàng một mình trông theo:

Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống

Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay

Hà Lương chia rẽ dường này

Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi

Chàng sẽ như làn mây bay đi mất, nàng dõi theo chỉ thấy còn lại núi đứng yên, án ngữ tầm nhìn của nàng. Và bỗng nhận ra tất cả nỗi khổ:

Dấu chàng theo lớp mây đưa

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Chàng lao vào cuộc đời mưa gió, nàng trở về với chăn đơn gối chiếc:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Ta không biết nàng đã đứng bên đường trong bao lâu trông theo. Có lẽ lâu lắm. Và vì vậy, hình ảnh mây và núi hiện lên trở lại:

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh

Mây trời là “kiếp” của chàng. Như ta thấy trong những đoạn sau, mây và chàng thường xuất hiện bên nhau:

Trong cửa này đã đành phận thiếp

Ngoài mây kia há kiếp chàng vay

Những mong cá nước vui vầy

Ai ngờ nay đã nước mây cách vời

 

Hay:

Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ

Thiếp dạo hài lối cũ rêu in

Thời gian, không gian, co giãn theo nỗi đau trong lòng người. Mới mất dấu chàng, nàng đã tưởng chàng đã tới Hàm Dương trong khi nàng còn lại ở Tiêu Tương, cách biệt nhau :

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Biệt ly trong Chinh Phụ Ngâm được kết thúc  bằng bốn câu cuối cùng ai oán, ảo não. Đồng thời nó cũng nói lên thân phận của con người thời ly loạn, của kẻ ở lẫn người đi.

Khi những âm thanh, những khua động, những hình ảnh của cảnh lên đường rầm rộ, hào hùng đã tàn lụi, khi thiên nhiên được trả lại cái tĩnh lặng, cái hoang sơ của nó, thì ngàn dâu xanh xuất hiện. Biệt ly trong Truyện Kiều cũng thế, ngàn dâu xanh nuốt chửng bóng người đi, như trời xanh cuốn hút bóng chim, như biển xanh nhận chìm tăm cá:

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Phải chăng “ngàn dâu xanh” được cả Chinh Phụ Ngâm lẫn Truyện Kiều sử dụng như biểu tượng của vô vọng mất mát, của xóa nhòa mọi cơ may hiện hữu. Mới đó cả một đoàn quân, và cờ xí, và trống trận, và tiếng địch. Bây  giờ, ngàn dâu xanh câm nín. Kiếp người tan biến trong cuộc bể dâu, Thương hải biến vi tang điền. Ngàn dâu xanh được dịch giả Đoàn Thị Điểm (hay Phan Huy Ích?) lặp lại hai lần:

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

Trong nguyên bản, Đặng Trần Côn còn nhấn mạnh hình tượng đó đến ba lần:

Thanh thanh mạch thượng tang

Mạch thượng tang, mạch thượng tang

Thiếp ý, quân tâm, thuỳ đoản tràng

(Xanh xanh dâu bên đường

Dâu bên đường, dâu bên đường

Ý thiếp, lòng chàng, ai dài ai ngắn)

Người chinh phụ, không còn ai bên cạnh, đành đánh bạn với ngàn dâu xanh, với hoang vu, xem ngàn dâu xanh như là một nhân chứng, một người thân để chia sẻ tâm tình, để hỏi han, để trút lên nỗi sầu muộn:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

 Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

Xin trích dẫn 40 câu thơ đầy xúc động đó:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc

Đường bên cầu cỏ mọc còn non

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn

Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền

Nước có chảy lòng phiền chẳng rửa

Cỏ có thơm dạ nhớ khó quên

Nhủ rồi tay lại trao liền

Bước đi một bước lại vin áo chàng

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi

Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San

Múa gươm rượu tiễn chưa tàn

Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo

Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử

Tới Man Khê bàn sự Phục Ba

Áo chàng đỏ tựa ráng pha

Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống

Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay

Hà Lương chia rẽ dường này

Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi

Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu

Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương

Quân đưa chàng ruổi lên đường

Liễu Dương biết thiếp đoạn trường này chăng

Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng

Hàng cờ bay trong bóng phất phơ

Dấu chàng theo lớp mây đưa

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ gối chăn

Đoái  trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai

 

 Và cuối cùng, Biệt ly của Nguyễn Du trích từ Truyện Kiều từ câu 1519 đến câu 1526. Chỉ vỏn vẹn 8 câu trích từ một truyện thơ dài đến 3254 có cấu trúc chặt chẽ, bố cục hợp lý, thế nhưng đoạn thơ ngắn đó đã trở thành một bài thơ độc lập, trọn vẹn, tuyệt tác. Trong tập thơ trường thiên Truyện Kiều, ta có thể trích dẫn ra thành nhiều bài thơ rất hay.   

Không là cảm xúc của một người đưa tiễn một người đi tìm đường cứu nước như trong Tống Biệt Hành; không là nỗi đau đớn êm ái của cặp tình nhân yêu nhau mà phải sắp xa nhau như trong Biệt Ly Êm Ái; không là sự bồn chồn lo lắng của người ở lại hình dung từng chặng đường của người ra đi như trong Em Về Nhà; không là cái thẹn thùng lén lút của một thôn nữ nhìn theo chiếc thuyền mang người thương của mình đến cuối chân trời như trong Cánh Buồm Nâu. Cũng không phải là cảnh chia tay não nùng, bi tráng của cặp vợ chồng trẻ (Đôi thanh niên đang chừng niên thiếu) sống trong thời loạn lạc như trong Chinh Phụ Ngâm.

Biệt ly trong Truyện Kiều là một khúc phim câm, ngắn. Mà đã là phim câm, ngoại cảnh, thiên nhiên đóng một vai trò rất quan trọng, còn hai đương sự không nói, không than thở, cũng không biểu lộ một cử chỉ nào. Thiên nhiên cũng lặng câm nhưng đã nói thay cho con người bằng hình ảnh, chuyển động.

Cảnh biệt ly diễn ra thật nhanh trong khung cảnh núi rừng trước cái nhìn kín đáo của người thứ ba, đó là tác giả. Thi nhân đang đứng giấu mặt ở một góc nào đấy lặng lẽ quan sát, rồi ghi lại một cách nhanh chóng, ngắn gọn những cảnh tượng đang dàn trải ra trước mắt, và cái xúc động của mình trước những cảnh tượng đó. Những chi tiết như “nhuốm màu quan san”, “trông người”, “người về”, “kẻ đi”, “ai xẻ vầng trăng làm hai”, “nửa in gối chiếc”, nửa soi dằm trường”, đều được phát biểu bởi đệ tam nhân đó, chứ không phải bởi hai người chia tay.

Nếu xem 8 câu thơ Biệt Ly là một màn (act) trong một vở kịch lớn, nó sẽ gồm có 4 cảnh (scenes), mỗi cảnh chỉ chiếm 2 câu.

Cảnh 1: Sắp xa nhau.

Chàng lên ngựa, nàng buông áo. Trời đất bỗng thảng thốt đổi màu, mùa thu bỗng tô lên rừng phong màu sắc của biệt ly, của cách trở, của núi non và cửa ải. Thật ra câu thứ nhì trong Cảnh 1 ý tứ mông lung, có thể được hiểu rừng phong vào mùa thu đã nhuộm màu chia cách, và cũng có thể hiểu mùa thu trong rừng phong nhuốm màu ly biệt. Theo nghĩa nào, ta cũng thấy có mối tương tác giữa người và cảnh vật.

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Cảnh 2: Xa nhau.

Câu trên mô tả đám bụi tung bay theo chiếc yên của người kỵ mã phóng nhanh. Mà cũng có thể hiểu đám bụi hồng đó, tức là cuộc đời đầy gió bụi đó, đã mang người và ngựa đi biệt tích. Nghĩa thứ hai nói lên thân phận của con người yếu đuối bị cuốn hút trong trần gian. Đúng thế, chàng và nàng đâu muốn xa nhau. Chẳng qua vì lâm vào cái thế “chẳng đặng đừng” (muốn phấn đấu cho một tương lai vững chắc, tốt đẹp nhưng sau này sẽ gặp nhau mà không thể nhìn thẳng vào mặt nhau được nữa). Trong câu dưới, “Ngàn dâu xanh” có thể ví như  bầu trời mênh mông trong đó bóng chim mất dạng, là biển cả bao la đánh chìm tăm cá.

Dặm  hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

Cảnh 3: Thân phận của kẻ ở, người đi.

Nàng trở về chiếc bóng, chàng ra đi một mình. Nàng bị vây phủ bởi bóng tối năm canh, chàng xông pha ngoài đất trời muôn dặm. Mỗi người một số phận khác nhau, đối chọi nhau khốc liệt.

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Cảnh 4: Cảm nghĩ của tác giả.

Phải chăng một đi là vĩnh biệt. Trăng mà còn bị chia làm đôi, huống là con người. Trăng phải để lại một nửa chiếu vào phòng the, nửa kia chạy theo người soi lên trên con đường bất tận.

Hình tượng mặt trăng, trăng thề, được Nguyễn Du hơn một lần nhắc nhở. Vầng trăng vằng vặc giữa trời/Đinh ninh hai miệng một lời song song. Hoặc, Còn duyên may lại còn người/Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa. Vâng, những vầng trăng ấy làm chứng lời thề của Kim và Kiều, ngắm nhìn hai người cuối cùng tái hợp. Nhưng trong lần biệt ly giữa Thúc Sinh và Kiều, vầng trăng  hoàn toàn khác. Thoạt tiên ta tưởng nó đóng vai trung gian làm sợi dây vô hình nối kết hai người lại với nhau. Nhưng, theo tôi, có thể hiểu khác. Chính mặt trăng cũng bị chia cắt như nói trên, mặt trăng cũng bị tách làm hai, cũng biệt ly. Hình ảnh ấy của mặt trăng đã khắc họa cảnh ngộ của hai nhân vật Thúy Kiều và Thúc Sinh.      

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Cuộc chia ly diễn ra trong lặng im với rất nhiều hình ảnh, màu sắc, và chuyển động.

Trước hết không có âm thanh.

Hình ảnh thì rất nhiều, người, ngựa, cát bụi, con đường dài, ngàn dâu, rừng núi, vầng trăng, mọi thứ dồn dập từ đầu đến cuối không còn chỗ dành cho tiếng than, tiếng khóc.

Màu sắc là rừng phong lộng lẫy mùa thu, ngàn dâu thì xanh, con đường dài thì mịt mù bụi hồng.

Và chuyển động. Chuyển động nhẹ nhàng lúc ban đầu khi người đi lên yên ngựa, người ở buông áo. Bỗng chốc bụi cuốn quay cuồng mang chàng đi biệt tăm. Có thể kể thêm chuyển động của vầng trăng: in lên gối, soi trên đường.

Đấy là cảnh biệt ly của Nguyễn Du. Và khi hai người xa nhau thì phải buồn như ta vẫn mong đợi? Bỗng nhớ câu kết của một bài học thời thơ ấu xa xưa có nhan đề là Kẻ ở người đi trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị (nay là lớp 2) ra đời cách đây gần một thế kỷ: “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!

Không, biệt ly của Nguyễn Du không buồn. Nó mang một dáng vẻ khác. Nó rất ngắn, rất linh động và cảm động. Và rất đẹp. Nhưng không buồn. Có lẽ vì mọi thứ đều diễn ra nhanh quá, cảnh cũng như người không kịp buồn. Chỉ càng về sau càng nổi bật hình ảnh của chia phôi.  

Một đặc điểm khác trong 8 câu thơ trên là phép đối. Trong những bài Biệt Ly vừa nêu trên, phép đối cũng được sử dụng, nhưng ở đây thủ pháp đối ngẫu được Nguyễn Du sử dụng tối đa. Đối nhau để đương đầu, tranh chấp, hay để sum vầy, thì hai đối tượng phải gần nhau. Nhưng để tách rời như trong bài này thì trái lại hai đối tượng càng lúc càng xa nhau. Càng đối nhau càng làm tăng thêm tính cách “gùn ghè, gay cấn” (chữ của Bùi Giáng) của sự chia cắt.

Biệt ly được mở ra bằng câu 6 đầu tiên gồm 2 vế đối nhau:

“Người lên ngựa” đối với “kẻ chia bào”

và được khép lại bằng câu 8 cuối cùng cũng gồm 2 vế đối nhau:

“Nửa in gối chiếc” đối với “nửa soi dặm trường”

Trong hai câu 5 và 6, “người về” đối với “kẻ đi”, “chiếc bóng” đối với “một mình”. Nguyên hai câu 5 và 6 không đối nhau từng chữ, từng vế, nhưng đối ý: “Người về chiếc bóng năm canh” đối với “Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi”.

Xin đăng trọn 8 câu:

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

 

Để kết thúc bài viết này, tôi xin ghi lại đây phần dịch 8 câu thơ trên ra tiếng Anh và tiếng Pháp. Phần tiếng Anh do Giáo Sư Huỳnh Sanh Thông thuộc Đại Học Yale dịch (The Tale Of Kiều, Yale University Press, New Haven and London, 1983) theo thể thơ không vần (blank verse), nhịp thơ iambic (iambic meter). Phần tiếng Pháp của Xuân Phúc và Xuân Việt dịch thành văn xuôi trong cuốn Kim Vân Kiêu do nhà Xuất Bản Gallimard nổi tiếng của Pháp in năm 1961 (Nguyen Du, Kim Van Kieu, Connaissance de L’Orient, collection UNESCO d’oeuvres representatives).

Truyện Kiều được dịch ra nhiều ngoại ngữ. Riêng tiếng Pháp và tiếng Anh có trên 20 bản dịch khác nhau. Điều đó chứng tỏ rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du rất súc tích, rất tinh vi, rất uẩn áo, và đầy nghệ thuật. Khó ai có thể có một bản dịch hoàn hảo, lột hết được tất cả sự huyền diệu của nó. Những người dịch sau hẳn đã không hài lòng đối với những bản dịch trước. Đó là điều hiển nhiên. Ngay cả người Tàu cũng đã dịch lại Truyện Kiều ra tiếng Trung Quốc dù Nguyễn Du đã viết lại thành thơ Việt phỏng theo tiểu thuyết viết bằng văn xuôi chữ Hán Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Nguyễn Du - Kim Vân Kiều Truyện- Bản dịch Trung văn của Hoàng Dật Cầu- Bắc Kinh: Nhân dân Văn học xuất bản xã-1959). Theo Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Dật Cầu tự coi đó chỉ là “bản dịch sơ bộ”, và tự đánh giá “còn những chỗ cực vi diệu, khúc chiết của nguyên bản thì đương nhiên chưa có khả năng thực hiện việc truyền đạt như thật được”.

Tóm lại, thơ không thể dịch ra ngoại ngữ mà không đánh mất cái hồn của nó, cái thi vị của nó, dù được dịch ra bằng thơ hay văn xuôi.  Đặc biệt đó là thơ của Nguyễn Du.

Đây những câu dịch ra thơ tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông:         

 

He climbed his horse, she let go of his gown –

autumn was tinging maple woods with gloom.

And off he rode as clouds of dust swirled up,

to vanish past all those green mulberry groves.

She walked back home to face the night alone,

and by himself he fared the long, long way.

Who split the lovers’moon? Half stayed and slept

by her lone pillow, half lit far road. 

(Tạm dịch

Chàng lên ngựa, nàng buông áo chàng

mùa thu tô màu ảm đạm lên rừng phong

Và cùng lúc những đám mây bụi cuốn lên, chàng phóng ngựa

mất hút sau ngàn dâu xanh.

Nàng trở về nhà đối mặt với đêm trường lẻ bóng

còn chàng thì một mình vượt những dặm dài

Ai đã chia cắt vầng trăng của hai người yêu nhau? Một nửa ở lại và ngủ

bên gối chiếc của nàng, một nửa chiếu sáng con đường dài.)

Và đây những câu dịch ra văn xuôi tiếng Pháp của Xuân Phúc, Xuân Việt:

Il monte en selle; elle lâche le pan de sa tunique. L’automne a teint des couleurs de l’adieu la forêt d’érables. Un tourbillon de poussière rose emporte la selle du cavalier. Bientôt, on le perd de vue derrière l’épaisseur des vertes mu^raies. Elle rentre, ombre solitaire, le long des cinq veilles nocturnes. Seul au loin, il parcourt les dix mille stades. Le disque de la lune, qui l’a partagé en deux? Une moitié s’imprime sur l’oreiller soliraire, l’autre moitié éclaire la route interminable.

(Tạm dịch:

Chàng lên yên ngựa; nàng buông áo chàng. Mùa thu đã tô màu biệt ly lên rừng phong. Một đám bụi hồng quay cuồng nổi lên mang theo chiếc yên ngựa của người kỵ sỹ. Chẳng mấy chốc, ta không thấy chàng đâu nữa sau ngàn dâu xanh. Nàng về, chiếc bóng năm canh dài. Một mình xa xôi, chàng vượt qua vạn dặm. Vầng trăng, ai đã chia nó ra làm hai? Một nửa in lên gối chiếc, nửa kia soi sáng con đường dài bất tận.)

 

Ngự Thuyết
Nguồn Việt Báo

 



[1] Anh Đào Vỡ

               Tôi sẽ đi thôi Đà Lạt nhé

                dấu chân son mắt biếc nhớ thương

                môi hồng héo nụ em hờn dỗi

                tà áo tìm tôi trong gió ngoan

 

                Tôi nghe xôn xao trời mênh mông

                trưa cao nguyên vẫn lạnh như đồng

                lũng xa mây tím sầu thăm thẳm

                cùng gió qua đèo tôi ruổi rong

 

                Tôi rời Đà Lạt anh đào vỡ

                quay quắt hồ xưa khua sóng trôi

                ngàn thông ngơ ngác rừng nghiêng ngả

                ghềnh thác đồi non chôn tuổi tôi

                                            

[2] Sau này, nhà thơ tự do Thanh Tâm Tuyền trong một bài thơ dài mỗi câu có 7,8 chữ theo vần điệu cũ cách tân cũng sử dụng 4 chữ âm trắc liền nhau trong một câu thơ. Xin trích dẫn một đoạn trong Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng:

               Cửa ngõ chết, nỗi mù dày dặc

               Hoa trông vời khép niềm tin nghi hoặc.

               Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng ơi.

               Trăng ngỡ sáng. Trăng ngậm sương trầm mặc.

                                                             (người viết tô đậm)

Trong đoạn thơ trên, tác giả dùng âm trắc gieo vần. Cách gieo vần hiếm thấy đó trong thơ Tiền Chiến và Thơ Cổ cũng đã được Thâm Tâm sử dụng  trong đoạn thứ tư của Tống biệt Hành: trước, nốt, sót.

                [3] Đây Mùa Thu Tới

               Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

               Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

               Đây mùa thu tới –mùa thu tới

               Với áo mơ phai dệt lá vàng

                ...

                                        (người viết tô đậm)

[4] Trong Truyện Kiều, hình tượng một chàng trai phong lưu ngồi trên lưng ngựa cũng nổi bật:

               Tuyết in sắc ngựa câu giòn

               Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

 Đây là lối mô tả công phu, bóng bẩy. Ttu từ và “nhân cách hóa” được sử dụng đắc địa. Tuy nhiên có vài chi tiết cần nêu lên. Chữ “giòn” trong câu thứ nhất dùng để gieo vần hơn là để tả con ngựa – ngựa câu là đã đủ ý. Câu thứ hai cũng thế, quá chi ly: màu áo là màu xanh của cỏ, lại còn phải nhuộm thêm màu da trời nhạt tươi (non). Do đó câu thơ trở nên có tính cách đẽo gọt, cầu kỳ. Trong khi đó, hai câu trong Chinh Phụ Ngâm được viết một cách dễ dàng, tự nhiên, trực tiếp, đi thẳng vào lòng người. Nàng thơ khó tính. Có khi nàng chuộng sự đơn giản.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn