BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phan Nhự Thức "đốt tuổi" mình

08 Tháng Chín 20177:48 SA(Xem: 2267)
Phan Nhự Thức "đốt tuổi" mình
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi yêu thích những bài thơ tình của các tác giả nổi tiếng, đã đành, vì những bài thơ đó đã được chắt lọc qua thời gian. Nhưng những bài thơ tình của các bạn làm thơ  cùng thời với tôi cũng hay không kém. Thơ tình, kể cả thơ tình yêu, tình quê hương, thân phận, đều chất chứa một tâm tư, một tình cảm, của một thế hệ - thế hệ chiến tranh - mà chúng tôi đã trải qua, đã cầm súng chiến đấu. Bây giờ thời đó đã qua hơn ba mươi năm, nhưng mỗi lần đọc lại những vần thơ của bằng hữu thuở đó, tôi lại thấy bùi ngùi.

Tôi muốn nói đến công trình của Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hòai Thư và Phạm Văn Nhàn chủ trương, trong những tháng đầu năm 2007, đã cho in và phát hành số đặc biệt về nhà thơ Phan Như Thức và tập thơ Đốt Tuổi của anh.

Một thời thanh niên của Phan Nhự Thức đã yêu, tình yêu thật hồn nhiên của tuổi trẻ với cô gái học trò, nhưng trong tâm hồn Phan Nhự Thức đã sớm biết buồn qua “Bài Tình Buồn” sau đây:

Người qua nhà tôi mỗi ngày bốn bận
Nón che nghiêng nên chẳng thấy tôi buồn
Ngày bốn bận nhớ thương tôi đúng hẹn
Đứng đợi chờ nón trắng với tay thon

Mười ngón tay thon của người con gái
Mười đắn đo suy tính chuyện ân tình
Tôi nhìn thấy tay người chưa nhẫn cưới
Vẫn ngại ngùng khi trao gởi thư xanh

Tờ thư xanh ấy xanh xanh màu nước biển
Xanh như màu áo ấm của người yêu
Nằm trong sách vẫn thơm mùi ước hẹn
Ngát tình thơ vừa nhớ sáng thương chiều

Người vẫn thế áo học trò vẫn trắng
Guốc thời trang kiêu hãnh bốn mùa cao
Bàn chân thon e dè trên biển cát
Đêm chờn vờn tình ái rộn chiêm bao

Tôi cơm áo bây giờ xa sách vở
Tuổi phiêu bồng rơi rớt một mùa xuân
Thơ tình ái thôi bướm vàng cánh vỗ
Còn tâm hồn: một gốc rạ cô đơn

Thơ tình của Phan Nhự Thức cũng chuyển hướng dần theo cuộc đời anh. Chiến tranh cận kề, lan dần tới nơi anh đang sống, thị xã Quảng Ngãi. Anh đành bỏ ngôi trường đang học, bỏ hình ảnh  cô nữ sinh với tình yêu lãng mạn của tuổi học trò, bỏ con đường đi học về, bỏ những kỷ niệm thân thương, để vào lính, như phần đông lớp tuổi thanh niên trong thập niên sáu mươi của thế kỷ trước đã làm:

LÂM CHIẾN

Anh em bằng hữu bây giờ
Chia phe đảng với súng cờ hai tay
Còn riêng ta đứng giữa này
Tránh sao được đạn đang bay vèo vèo
Thôi chừ ta cũng đi theo
Đầu quân đứng gác lưng đèo cho vui
Dù rưng rưng lệ ngậm ngùi
Tay này xin hãy châm ngòi chiến tranh
Dù nhìn rõ mặt anh em
Vì ta ta bắn tan tành cả ta

phannhuthuc-300x239Phan Nhự Thức đi sĩ quan Thủ Đức, lập gia đình. Nhưng số phận Phan Nhự Thức thật ba chìm bảy nỗi, long đong về chuyện vợ con. Anh đã kết hôn với Ng, con gái nuôi của nhà văn Chu Tử không do tình yêu, mà chỉ là cảm tình với nhau qua những lần Phan Nhự Thức vào Sài Gòn đến thăm tòa soạn báo Sóng Thần. Vì nễ lòng nhà văn Chu Tử, nên Phan Nhự Thức chấp nhận. Mối tình đó tan vỡ ngay khi Phan Nhự Thức bị tập trung cải tạo trong nhà tù cộng sản. Chuyện này được ông Nguyễn Liệu, người chủ trương Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một người bạn vong niên của  Phan Nhự Thức (tên thật của Phan Nhự Thức là Nguyễn Văn Minh) kể lại chuyện anh lấy vợ như sau:

“Minh cưới vợ. Một đêm anh Tạ Ký, Tôn Thất Trung Nghĩa, Cam Duy Lễ và tôi uống bia ở Chợ Đuổi, gần đến giờ giới nghiêm, ông Chu Tử đột ngột đến, tôi biết chắc có việc gì ông mới đến giờ này. Không bao giờ dông dài, Chu Tử vào đề ngay: “Đây là chỗ anh em, tôi muốn nhờ anh Liệu về nói với Minh, Phan Nhự Thức, tôi muốn gả con Ng., con tôi cho nó. Hôm tôi ra thăm trường nghĩa thục của các anh, gặp Minh trong mấy ngày đó tôi thích nó quá, cho nên tôi muốn nó làm rể tôi. Anh Liệu về giải thích cho Minh rõ ý tôi, tôi biết anh em ngoài đó quí anh lắm, đây là việc hệ trọng nhé anh Liệu… Tôi về thuật lại không sót một lời. Không cần suy nghĩ, Minh cho biết nhiều lần vào Sài Gòn ghé toà báo Sóng Thần có gặp Ng. có nói chuyện với cô ta, bây giờ ông Chu Tử có ý chân tình như vậy, vả lại, cha Minh muốn Minh có vợ, ông bảo trước khi nhắm mắt về với ông bà, ông muốn anh lấy vợ, vậy thì rất thuận tiện, vậy chấp nhận đề nghị của ông Chu Tử.

Năm 1975, Minh bị cộng sản bắt đi cải tạo hơn 8 năm. Con người ốm yếu da bọc xương đó vẫn còn tồn tại để về, cũng là điều lạ. Và cũng từ đó, người vợ anh thương mến, trong đó có nặng tình ông Chu Tử và người cha đáng thương của anh, đã bỏ anh để lấy chồng khác….”

Dù cuộc đời và con người đối xử không đẹp với Phan Nhự Thức, nhưng anh vẫn vui trong những ngày trong ngục tù cộng sản. Anh vẫn lạc quan và yêu đời trong bài “Thơ Tình Trong Trại Cải Tạo:

Đã cạn dòng thơ từ buổi đó
Buổi xa rừng chim cất giọng khan
Chiếc lồng nhỏ đời giam bé nhỏ
Cõi ngoài, mơ là dấu chấm than!

Đã hết thuở trăng sao xao xuyến
Nắng bâng khuâng nhớ sáng thương chiều
Mây  thôi gọi gió, tình thôi hẹn
Tháng năm qua đời xoá chữ yêu

Chỉ còn lại mẫu đời giản lược
Hòn sỏi kia giạt bãi ngậm ngùi
Phơi lòng khô con kênh khô nước
Mặt mù sương vàng vọt tuổi người

Chỉ còn lại muổi ruồi ve vãn
Nỗi buồn dài buồn tủi thịt da
Mắt sâu thâm giữa đời chờ sáng
Một người tù tưởng vọng thiết tha

Tưởng như thế cho qua ngày tháng
Bỗng một hôm trở gió bâng khuâng
Nỗi tình cờ  vẫy tay lãng mạn
Thơ từ đâu, đậu xuống tim chàng

Tóc người bay lao xao dưới phố
Thoảng hương thơm theo gió bay cao
Gọi nỗi tình cỏi ngoài sương gió
Về nâng niu đời đã tiêu hao

Xưa làm thơ yêu em nắng dịu
Mưa bay chưa ướt vở học trò
Giờ làm thơ yêu em nắng gắt
Mưa tạt lòng lệ xuống co ro

Dù có thế nào thơ vẫn thế
Xin nâng ly mời rượu ân cần
Tình chếnh choáng bước lên cuộc sống
Bồng em qua tay vẫy mùa Xuân

Cuộc đời khổ cực của anh sau những ngày anh ở tù về, vợ bỏ, sống lang thang ở Sài Gòn. Rồi anh lấy một người vợ khác, sinh được đứa con trai. Ông Nguyễn Liệu đã kể lại chuyện đó như sau:

Thế mà sau này Minh được một người con gái chấp nhận cuộc đời anh, bao dung anh, dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã hơn nhiều…Từ đó, tuy vẫn nghèo khổ thiếu thốn, nhưng vợ chồng anh sống rất hạnh phúc, và đã sinh được một đứa con trai.

Rồi Nguyễn Liệu viết tiếp về những ngày cuối cùng của Phan Nhự Thức:

Trong quảng đời sau cùng Minh ở trong cái nhà nhỏ trong khu vườn rất xa thành phố Sài Gòn. Anh cho biết nhờ sự đảm đương của người vợ, anh có được mái nhà anh rất yêu thích.

Những tháng sau cùng, không còn đi lại được nữa vì Phan Như Thức bị ung thư yết hầu, vẫn sáng, vẫn chiều, vẫn tối, mọi vật đều nhàm chán, dững dưng với anh…

Bệnh càng nặng, càng hành hạ đọa đày anh. Vợ anh cho tôi biết, anh chịu đựng quá sức, nhiều khi nghiến răng, nín thở, nước mắt chảy dài trên gò má, anh nhất định không rên la, không than thở, chẳng những chẳng muốn để cho con biết, mà còn muốn dấu luôn với chị nữa. Nhiều lúc, nhìn sự cố gắng gần như đứt hơi của anh để không rên la, chị khó chịu quá, chị nói với anh cứ rên lên đi, may ra dịu bớt nỗi đau nhức, bớt nỗi cô đơn, nhưng anh vẫn mấy ngón tay bám chặt vào thanh giường, nghiến răng nhắm nghiền mắt chịu đựng, không một tiếng thở than.

Tháng 11 năm 1995 Phan Nhự Thức chết, đến bây giờ  nhà thơ xa cõi trần ai này cũng đã 12 năm. Đọc lại những bài thơ anh, tôi thấy lời thơ như đã vận vào số phận của anh, đã “Đốt Tuổi” anh sớm quá.

Thơ với người xưa di biền biệt
Vẹt gió du hành xóa dấu chim
Lưởi kiếm phong trần ai tuẩn tiết
Tràn cười ràng rụa xé trăng im

Người xưa từ dạo mơ bất tử
Mượn thuốc trường sinh bón xác phàm
Đành đứng ôm chân bờ lưởng lự
Tóc rụng đầy hồn trắng túi tham


Người xưa từ buổi khoe xiêm áo
Kiếm hiển vinh đâm xuống tim sầu
Khanh tướng nửa chừng rơi giáp mão
Chống cuốc nhìn lên mây biển dâu

Người xưa từ độ ôm trăng chết
Rượu ngập nhân gian túy lúy sầu
Thơ thét lên rạng ngời sông nước
Cơn say còn chếnh choáng ngàn sau
…………………..
(Ngồi lại bên vườn)

Nhóm Thư Quán Bản Thảo đã in lại tập “Đốt Tuổi” của Phan Nhự Thức  và số 27  Đặc Biệt Tưởng Niệm Phan Nhự Thức để biếu không cho độc giả. Nghĩa cử này thật đáng trân trọng biết bao!

TRẦN YÊN HÒA
15-05-2007
Nguồn Xứ Quảng

***

Vài Dòng Về Phan Nhự Thức

Sinh 1943 tại Quảng Nam
Mất 1995 tại Sài Gòn Việt Nam.
Sĩ quan QLVNCH.
Chủ tịch Hội Đồng Tỉnh Quảng Ngãi.
Bị tù cộng sản 8 năm.
Còn có bút hiệu Mê Kung.

Những bài viết phổ biến hẹp:
- Thắp hương dân tộc (tuyển tập thơ văn 1959.)
- Rung đại hồng chung (kịch lịch sử 4 màn, trình diễn năm 1962)
- Nhìn người tự sát, (thoại kịch, trình diễn 1963)

In thành sách:
- Đốt tuổi (thơ, Ngưỡng Cửa, 1969)
- Bồng xác kẻ thù (tập thoại kịch)

Sẽ xuất bản:
- Về đời người (tập thơ).
- Viết từ KBC 4100 (tạp ghi)
- Đi trên da thịt (tập truyện)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn