BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77129)
(Xem: 63214)
(Xem: 40615)
(Xem: 32251)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ về Cao Xuân Huy “Tháng Ba gãy súng”

22 Tháng Ba 20176:32 SA(Xem: 3369)
Nhớ về Cao Xuân Huy “Tháng Ba gãy súng”
517Vote
42Vote
30Vote
25Vote
10Vote
4.324
(Nhân giỗ đầu ngày Huy mất 12-11-2010)

Huy em! Anh vừa nhận được email Trần Như Hùng gởi cho anh từ Úc. ”Anh Tiền ơi! Còn mấy ngày nữa là giáp năm Huy rồi. Em nhớ nó quá”. Hùng lại viết tiếp “Lần đầu tiên đi Đại Hội TQLC tại Houston 2004, em đến chào anh, anh mặc civil, em xin anh nhớ mặc quân phục để em chụp tấm hình. Mỗi lần xem lại Huy nói “Tối đó tao say quắc cần câu mà lại mặc đồ thường, tao không dám tới chào ổng sợ ổng chửi!” Anh tin là Hùng nói rất thật. Đó đúng là cách cư xử của Huy đối với anh từ trước đến giờ vẫn vậy. Huy thường bảo với anh rằng trong binh chủng em là người thương anh nhất. Điều nầy có thể xác nhận nhiều lần với các Sao Mai Tài và Gắt hiện ở Seatle và Mai Văn Hiếu ở Kansas. Hùng và Huy thân nhau như thế nào anh không được biết, nhưng những gì mà Hùng đã làm được cho Huy lúc cuối đời quả là điều đáng nể, ở đời mấy ai có được tình bạn như Hùng.

Huy em! Mới đó mà đã đến ngày giỗ một năm ngày em mất rồi, thời gian nhanh như chớp, em ra đi đã yên nhưng những ray rứt luôn ám ảnh cho người còn lại. Gia đình, bạn bè, chiến hữu luôn nhắc đến em, đến Huy Râu tác giả tập hồi ký để đời về cuộc lui binh lịch sử “Tháng Ba gãy súng”! Trước mặt anh bây giờ là quyển sách em tặng anh ngày 15-7-1992 với lời tựa “Bản của Bạch Yến 324” cùng nét chữ cẩu thả nhưng thật bay bướm của em. Làm sao anh quên em được Huy ơi! Năm ngoái vào những ngày cuối tháng 9 em gởi anh quyển tập truyện “Vài mẩu chuyện”, tác phẩm cuối cùng của em và nói rằng em sẽ về Houston, rồi Dallas để ra mắt quyển sách nầy. Để anh đọc trước em đã gởi cho anh với lời tựa “Kính tặng Bạch Yến 324 Phạm văn Tiền. Cali ngày 20-9 Cao Xuân Huy”! Nhưng sau đó em bảo cơn bệnh tái phát nặng, hiện đang xạ trị và em đã ra đi gần 2 tháng sau đó. Anh em mình đã mất cơ hội gặp lại nhau vì nghiệp duyên em đã hết.

Năm 2004, đó lần đầu tiên anh gặp lại Huy sau đúng 27 năm xa cách trong ngày Đại hội TQLC tại Houston. Lần gặp sau cùng là lúc anh đang ở trong tù khi lao động dã trại tại thung lũng quận Ba Lòng Quảng Trị vào năm1977. Lúc đó Huy ở trại 5 còn anh thuộc trại 1. Buổi chiều với vác củi nặng trĩu trên vai, quần áo rách rưới thật thê thảm, anh em mình tình cờ gặp nhau, Huy hô to “Ông Thầy” và đã khóc. Em lúc nào cũng vậy, trông cao to gầy ốm râu ria như vậy mà rất dễ động lòng. Anh còn nhớ hồi trận đánh Cửa Việt khi thằng Vạn mang máy của em tử trận, em cũng khóc như mưa! Hôm đó, em ôm anh và nói sao ông ốm quá vậy “Địt mẹ mấy thằng VC tàn nhẫn quá”. Anh thích lối chửi thề vô thưởng vô phạt nầy của em, ngay ngày còn trong đơn vị. Và cũng từ đó anh em mình không có dịp gặp nhau nữa, sau nhiều lần chuyển trại. Anh được biết em ra tù vào khoảng tháng 9 năm 1979 và vượt biên đến Mỹ tháng 10-1983 như vài dòng tiểu sử trong quyển sách của em, còn anh đến tháng 11-1987 mới được bọn chúng thả về.

Anh về tá túc bên gia đình vợ cùng 2 con tại quận Cai Lậy Tiền Giang. Lúc đó đã có nhiều tin đồn là tất cả sĩ quan cải tạo sẽ được Mỹ rước. Anh không tin điều nầy có thật nhưng rất vui, vì sao mình cũng còn tí hy vọng để mà sống. Một ít bạn tù thỉnh thoảng cũng có dịp gặp nhau để cùng tâm sự và chia sẻ những buồn vui cho qua ngày đoạn tháng, dầu sao ai cũng hãnh diện mình cũng đã có một thời vàng son đáng nhớ, một thời liệt oanh nơi chiến trận để mà tự hào. Tình cờ, anh được một trong số những người bạn đó hỏi anh “Ông ở binh chủng TQLC mà ông có biết nhà văn Cao Xuân Huy không?” Trong trí anh mò mẫm tìm về kỷ niệm cũ, ở tiểu đoàn 4 Kình Ngư mình có 2 Huy, Huy mập và em là Huy ốm râu ria giống anh, chứ không có Huy nào là nhà văn cả. Ông ta bảo đã nghe đọc trên đài VOA về quyển hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng” trong đó có nhắc đến tên Thiếu tá Phạm Văn Tiền thuộc Tiểu đoàn Hắc Long vào những ngày tháng sau cùng về cuộc lui binh lịch sử của TQLC tại cửa biển Thuân An Huế. Quyển sách tự truyện quá hay và cảm động đã được đọc liên tiếp trong nhiều tuần làm rơi nước mắt nhiều người. Lòng mừng rỡ đượm chút ngạc nhiên đầy xúc động và hãnh diện về em, về đơn vị và binh chủng mình!

Hình ảnh những ngày đó đã được hiện lại trong trí nhớ anh như mới hôm nào. Tất cả nguyên một Lữ Đoàn 147 gồm 4 tiểu đoàn tác chiến và các đơn vị phụ thuộc tổng cộng trên dưới bốn ngàn người đã bị thượng cấp bỏ rơi không thương tiếc. Dầu vậy chúng ta vẫn còn đội ngũ đàng hoàng, vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng cho đến khi kiệt sức. Nhiều anh em đã nối vòng tay lớn cùng nhau bung chốt lựu đạn tự sát trong tình thế tuyệt vọng hoàn toàn. Tác phẩm đầu tay của em ra đời thật đúng lúc vào tháng 6 năm 1985, đúng vào thời điểm mà mọi người đang thắc mắc vì sao TQLC đã rút lui rời bỏ Quảng Trị, Huế một cách quá nhanh như vậy, trong khi thừa khả năng bảo vệ dù cộng sản có cố gắng ra sức tấn công bằng hàng chục sư đoàn. Lương thực còn, súng đạn còn , dân chúng còn, tinh thần binh sĩ còn, các tiểu đoàn 3,4,5,7, 2 Pháo binh thuộc Lữ đoàn 147 còn, có sứt mẻ gì đâu. Không hiểu vì sao có lệnh tử thủ, rồi sau đó vài ngày có lệnh di tản để rồi xảy ra thảm cảnh pháp trường cát tại cửa biển Thuận An.


Những lời bàn tán về chuyện cũ trong quyển sách của em vẫn cứ được nhắc đi nhắc lại từ quán cà phê nầy đến quán cà phê khác, ngay trong những lúc ngày kỵ, giỗ đông người. Ai cũng nhìn anh với niềm thiện cảm về binh chủng TQLC mình, còn gì sung sướng bằng phải không em, anh nở lỗ mủi lắm chứ em. Thì ra những thằng lính TQLC cũng có thể cầm viết để trở thành nhà văn nổi tiếng chứ không phải chỉ có biết có cầm súng đấm đá mà thôi. Tháng 7 năm 1991 gia đình anh được định cư đến Mỹ theo diện HO 5 tại thị trấn nhỏ bé Pineville tận cùng phía Nam tiểu bang Louisiana, nơi rất hiếm công ăn việc làm, đa số sống nhờ vào tiền trợ cấp chính phủ. Tuy nhiên sau đó nhờ sự giúp đỡ của văn phòng tỵ nạn anh cũng tìm được chỗ tốt ở các vườn ương cây “Nursery”. Đây là những ngày tháng hạnh phúc sung sướng nhất đời mình, đêm nằm ngủ không còn lo sợ bọn công an rình rập khám xét. Nhiều đêm nằm mơ không biết mình đang ở đâu, khi thức giấc nhìn đèn sáng ngoài đường mò mẫm tứ tung mới biết mình đang được bình yên tại Mỹ.

thuyquanlucchien-thuanan-005
Một tối cuối tuần sau một ngày lao động vất vả, có một người gõ cửa đến thăm anh và mang theo một quyển sách. Dáng người sang trọng cao to, ông ta tự giới thiệu là Bác Sĩ Tô Phạm Liệu thuộc binh chủng Nhảy Dù, ông là một trong rất ít người còn sống sót của Tiểu đoàn 11 Dù trong trận chiến trên đỉnh đồi Charlie. Ông ta vừa mới về sau một chuyến họp hành tại Oklahoma và tình cờ biết được địa chỉ của anh qua lời giới thiệu của chiến hữu Nguyễn Văn Gừng. Ông nói đây là quyển sách “ Tháng Ba Gãy Súng” có nhắc đến ông, ông cứ đọc cho biết. Cuối tuần hôm đó anh bắt đầu đọc, đọc một mạch từ đầu đến cuối không sót chữ nào, lối hành văn của em thật hấp dẫn dễ lôi cuốn mọi người. Mặc dầu có những điều em hơi quá đáng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, nhất là đoạn nói về Trung úy Võ Văn Gắt, Đại đội trưởng của em. Sau đó một vài tuần điện thoại nhà anh reo tới tấp và những check gởi về cho anh thật nhiều trong đó có em là một trong những người cho tiền anh sớm nhất. Và cũng từ đó tháng nào anh cũng nhận đều đặn tạp chí Văn Học mà em là Tổng thư ký ban biên tập. Em, Lương, Ngô Hồng Hà, Phạm Văn Thành trong gia đình “ Kình Ngư” của mình cứ nằng nặc đòi đem xe rước gia đình anh về Cali để sống, anh thấy không tiện nên đã từ chối nhưng dầu sao cũng nhớ và mang ơn các em.

Ở binh chủng TQLC anh đã qua 3 tiểu đoàn đoàn tác chiến, trong đó Tiểu đoàn 2 Trâu Điên là lâu nhất từ ngày mới ra trường khi còn là Thiếu úy trung đội trưởng, đến lúc lên được Thiếu tá Tiểu đoàn phó tiểu đoàn nầy sau trận tái chiếm lại Cổ thành Quảng Trị năm 1972. Nhưng nếu có ai hỏi anh, thời gian nào là thời gian đẹp nhất trong đời quân ngũ của mình, anh sẽ trả lời ngay không suy tư, không tính toán đó là thời gian phục vụ ở Tiểu Đoàn 4 “Kình Ngư TQLC”. Bởi vì ở nơi đó anh đã tìm ra được một tình thương thật sự của những người lính tác chiến mũ xanh, nơi đó mới có những người anh, người em biết nhường cơm xẻ áo cho nhau rất thân thiện trong tình huynh đệ chi binh, nơi đó không có sự thù ghét ganh tỵ, anh ra anh, em ra em trong sự tương kính nhau thật sự. Anh về đây chẳng qua là một cơ duyên đưa đẩy, anh được thượng cấp thuyên chuyển về đơn vị nầy vào tháng 11- 1972 trong một buổi chiều mưa buồn thảm. Súng nổ đì đùng khắp nơi và mặt trận phía Bắc còn đang rất sôi động. Trung tá Nguyễn Đằng Tống thay thế Trung tá Nguyễn Xuân Quang và anh thay thế Đại úy Trịnh Hữu Phước ngay tại mặt trận sau trận “đập Long Quang”.

Đơn vị mình trong đó anh, có em, có rất chiến hữu khác, đã may mắn mang lại được nhiều chiến thắng trong một thời gian ngắn sau đó. Ngày đó em Thiếu uý làm Đại đội phó cho Trung úy Dương Tấn Tước còn Nguyễn Văn Gắt thì làm phó cho Trung úy Mai Văn Hiếu. Đơn vị đóng quân dọc theo chiều dài của bờ biển vùng Gia Đẳng, Mỹ Thủy. Em là người mà anh để ý trước nhất khi về đơn vị mới, dáng cao lều khều, nghe đâu em từ binh chủng không quân ba gai sao đó để rồi bị đưa về binh chủng TQLC, trong số đó có Sáng, Du Hồ, Ngô DZu, Long, Huy mập.., tất cả còn rất trẻ chịu chơi, uống rượu như uống nước mà đánh giặc rất chí tình! Lần đầu tiên do sự tình cờ anh lên thăm tuyến đầu Đại đội, thấy anh, em đã biến mất từ đâu rồi. Sau nầy được nghe Tước kể lại vì hắn không cạo râu nên tránh gặp Bạch Yến. Anh cũng giống y hệt như em khi đơn vị từ Hạ Lào được điều động về bảo vệ BCH Sư đoàn tại Hương Điền râu ria xồm xoàm lâu ngày không cạo, khi Lạng Sơn đi thăm tuyến , anh cũng trốn không dám gặp, sợ quá chỉ một ngày sau đó anh cạo liền. Qua lời kể của Trung Tá Phúc Tiểu đoàn trưởng là Lạng Sơn bảo nó cứ để râu trông cho oai mắc mớ gì phải cạo, và cũng từ đó anh được có một cái tên mới “ Tiền Râu”.

Cái tốt của em là không bao giờ biết cờ bạc ăn thua với lính và rất thương thuộc cấp của mình, nhưng bù lại thì sống bụi đời, ăn nhậu và hút thuốc số một không ai bằng. Anh không giống như em nhưng anh lại đam mê một thứ khác, cái thứ mà theo anh chẳng bao giờ thấy em để ý. Một lần gặp em “ dù” ra Huế trong lúc đơn vị đang đóng ở làng TQLC tại Hải Lăng, em say sướt mướt và chính anh đã chở em về. Anh thông cảm và chẳng có một lời nào khiển trách em, có lẽ đây là lý do mà em thương anh nhiều nhất.

Chiều nào cũng vậy, những ngày tháng đóng quân dọc theo mé biển, anh em mình ra sân đá banh trên cát. Em cũng chạy như ai, nhưng chẳng bao lâu thì ngồi thở dốc, uống rượu nhiều quá làm sao có sức phải không em. Em là một trong những tay nhậu cự phách nhất so với nhiều kiện tướng thuộc tiểu đoàn. Sao Mai Trần Kim Tài và Dương Công Phó còn phải chào thua em. Với em tinh thần đơn vị là số một không ai bằng. Anh nhớ sau trận Cửa Việt Tiểu đoàn mình được về “hấp hơi” tại Trung tâm huấn luyện Đống Đa Huế. Thời gian nầy Thiếu tá Toàn đã về thay Trung tá Tống rồi. Đơn vị mình được vào chung kết tranh cúp bóng đá với đội banh của trung tâm. Mình thua với tỷ số 2-1, vì họ gian lận mướn cầu thủ nhà nghề từ Huế vào. Sau khi bị thua đau, một số anh em quyết ăn thua đủ, rượt họ chạy có cờ quanh sân vận động, trong đó Cao Xuân Huy là người dẫn đầu chạy hăng nhất. Anh còn nhớ lời em nói “Địt mẹ tức chớ ông thầy!”

Em được về phép trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, chiến trận xảy ra khắp nơi, hết nơi nầy đến nơi khác lần lượt lọt vào tay địch. Ban Mê Thuột, Pleiku, Quân đoàn 2 ồ ạt rút về Nha Trang trong cảnh hỗn loạn. Sàigòn vẫn còn ăn chơi nhưng rất nao núng về những tin bất lợi nầy. Những kẻ chức trọng quyền cao, sẵn tiền bạc trong tay đang tìm cách cao bay xa chạy, thế mà em vẫn nài nỉ van xin để được có mặt trên những chuyến bay cuối cùng, em nóng lòng về đơn vị nơi đó có các bạn bè chiến hữu của em đang ngày đêm đánh đấm với kẻ thù. Đồi 51 đã bị địch tràn ngập thất thủ, Thiếu úy Sáng tử trận cùng gần hết trung đội của mình. Em biết, nhưng em vẫn sốt ruột để xin ra trận cùng anh em chiến đấu, sống chết có nhau, em không đào ngũ mặc dầu biết mình sắp xung phong vào chốn gian nguy, em không hề nao núng. Bạn bè chiến hữu mến phục em và anh cũng thế. Lúc đó đơn vị mình thay đổi hoàn toàn, anh về làm Tiểu đoàn trưởng Hắc Long, còn niên trưởng Toàn 816 chuẩn bị về Tiểu đoàn 16 tân lập, Thiếu tá Đinh Long Thành sẽ về thay thế làm Tiểu đoàn trưởng Kình Ngư, NguyễnTrí Nam thế anh làm phó.

Anh thích nhất trong một vài điều trong quyểnTháng Ba Gãy Súng mà anh cho là rất thật và cảm động vô cùng, chỉ xảy ra trong đơn vị TQLC mình “Gặp tôi đi tới, đại úy Tài hỏi -Đụ mẹ, đại đội mầy đâu? -Loạn xà ngầu hết rồi anh Hai -Chúng tôi vẫn gọi Tài là anh Hai, anh Hai Tài. Anh Tài cầm roi nhắp nhắp về phía tôi - Đụ mẹ 5 roi nhen mầy! -Tôi cười ngượng –lên tàu rồi sẽ đánh, anh Hai. Em đi trước nghe -Ờ, tới Huế gom đại đội lại đi thằng láu cá.” Đọc qua đoạn nầy mọi người đều cảm thấy thương yêu em hơn, rất bình dị nhưng thể hiện được sự tôn kính cấp chỉ huy của mình. Hình ảnh của một Đai đội trưởng Trần Kim Tài đã nói lên được lòng tận tụy và thương yêu binh sĩ thuộc quyền của một cấp chỉ huy TQLC ngay trong những giờ phút gian nan tuyệt vọng nhất.

Huy em! Thời gian nầy năm ngoái em đã hết sức chiến đấu từng giây phút với lưỡi hái tử thần, nhưng dù cố gắng nhưng sức không kham nổi đoạn đường, cuối cùng thì em cũng phải chào thua định mệnh Những gì đã xảy ra trong ngày tang lễ của em đã nói lên được sự thương tiếc của mọi người đã ưu ái dành cho em trong giấc ngủ cuối đời. Quá nhiều giọt nước mắt để tiếc thương em ngay cả những người không hiện diện. Sau nầy và mãi mãi khi nhắc đến cuộc chiến Việt Nam, mọi người sẽ nhớ đến em, tác giả Cao Xuân Huy và tác phẩm để đời Tháng Ba Gãy Súng.

Huy em! Em đang ở đâu đó trên khắp bốn phương trời , hãy vui chơì thong thả vì em đã rũ sạch nợ trần. Nếu có gặp lại Long, Sáng, Trí Nam,Thanh Chiêu và nhất là ông anh cả Nguyễn Đằng Tống ..và nhiều chiến hữu khác trong đơn vị Kình Ngư mình, cho anh gởi lời thăm hỏi và chắc rằng một ngày nào đó anh cũng sẽ gặp lại em. Vì ai cũng một lần ra đi…phải không em?

Anh của em
Arlington , Texas ngày 10-11-2011
Bạch Yến 324 Phạm Văn Tiền

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn