BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kỷ niệm với Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha-Trang

17 Tháng Hai 20175:58 SA(Xem: 1858)
Kỷ niệm với Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha-Trang
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.73

Ban ca nhạc Bình-Minh được thành lập vào giữa thập niên 50 của thế kỷ XX. Ngày Đài Phát Thanh Nha-Trang được khánh thành, trong khuôn viên Tòa Tỉnh, ban Ca Nhạc Bình-Minh đã góp mặt. Trong chương trình phát thanh trực tiếp của ngày hôm đó Thanh-Điệp trình bày nhạc phẩm Trở Về Thôn Cũ của Nhị-Hà và Thanh-Hoa trình bày nhạc phẩm Chiến Sĩ Của Lòng Em của Canh-Thân.

Nguyên nhân nào thúc đẩy Ba tôi – Cụ Điệp-Linh Nguyễn-Văn-Ngữ – thành lập Ban Bình-Minh, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ, trước khi thành lập Ban Bình-Minh, Ba tôi đã là sáng lập viên và trở thành Trưởng Ban văn nghệ Khu Công-Chánh miền Nam Trung Nguyên Trung Phần.

Sinh Hoạt của Ban Bình Minh

Ban Bình-Minh phụ trách văn nghệ cho Đài Phát Thanh Nha-Trang mỗi tuần hai lần, vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật. Ngoài ra, Ban Bình-Minh cũng thường trình diễn tại các rạp xi-nê thuộc thành phố Nha-Trang và các tỉnh lân cận để gây quỷ cứu trợ nạn nhân chiến tranh và nạn nhân thiên tai.

Toàn Ban tập dượt chung vào những ngày cuối tuần tại nhà của Ba tôi. Sau khi tập xong, mỗi người nhận trách nhiệm và bản nhạc để về nhà tập riêng, sẵn sàng cho buổi tập chung kế tiếp. Ba tôi có nhiệm vụ viết hòa âm và phân đoạn cho những bản song ca và hợp ca hoặc hợp tấu.

Vào thời điểm đó hầu như các chương trình phát thanh đều được thâu băng rồi đem đến Đài để Đài phát đi. Riêng Ban Bình-Minh chọn phát thanh trực tiếp. Ba tôi – cũng như quý vị trong ban Bình-Minh – đều tin tưởng vào khả năng của toàn Ban chứ không tin tưởng vào kỹ thuật thâu băng. Tôi còn là đứa bé con, ai bảo sao tôi hay vậy; tuy nhiên, tôi hiểu, phát thanh trực tiếp thì không thể gây tiếng động, không thể ngưng để thay thế hay sửa đổi bất cứ điều gì.

Vì hiểu tầm mứt quan trọng của chương trình phát thanh trực tiếp, cho nên tôi đã vừa hát vừa... khóc khi đơn ca bản Valse tiền chiến, cung Ré trưởng. Đó là bản Tiếng Thu, được một nhạc sĩ khuyết danh, trong thời kỳ tản cư, phổ nhạc từ thơ của Lưu-Trọng-Lư. (không phải bản Tiếng Thu do Phạm-Duy phổ nhạc). Bản này mang âm hưởng bán cổ điển Tây-Phương và rất khó hát; vì hát một đoạn thì ngưng cho nhạc đệm rồi lại hát, rồi lại ngưng, rồi lại hát.

bannhacbinhminhdaiphatthanhnhatrang
Chú Phan-Phi-Phụng được toàn Ban đặt biệt hiệu là Phụng Trợn. Khi thích nhạc phẩm nào thì Chú Phụng thuộc rất nhanh, không cần nhìn bản nhạc, Chú chỉ nhìn lên trần nhà rồi say sưa vừa đàn vừa gật gù theo mỗi thì mạnh (temps fort), không cần để ý đến bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì chung quanh. Cái không may cho tôi là Chú Phụng rất thích bản Tiếng Thu này.

Khởi đầu, toàn ban hòa tấu rất nhịp nhàng và tôi hát cũng bình thường. Nhưng càng về sau Chú Phụng càng hăng, càng đàn nhanh hơn cả Valse Musette nữa và Chú chỉ nhìn lên trần nhà rồi gật gù theo tiếng đàn. Toàn Ban phải đàn nhanh theo Chú. Phòng vi âm nhỏ, không thể di chuyển dễ dàng, vì ngại gây ra tiếng động. Ba tôi, từ góc đối diện, cố phất tay ra hiệu cho Chú Phụng chậm lại, nhưng Chú có thấy đâu! Tôi, tuy vững nhịp, nhưng vẫn sợ vào sai nhịp; vì nếu tôi vào sai nhịp thì ban nhạc sẽ “rớt”. Vì vậy, tôi vừa hát vừa khóc, vì sợ “bể dĩa”.

Sau buổi phát thanh đó, trên đường về, Ba tôi và tôi gặp nhạc sĩ Minh-Kỳ – tôi gọi nhạc sĩ Minh-Kỳ bằng Chú, vì Chú trẻ hơn Ba tôi – đang đi bộ hóng mát trước nhà, trên đường Yersin. Nhà Chú Minh-Kỳ ở cách nhà tôi vài blocks. Chú Minh-Kỳ thường theo dõi chương trình ca nhạc của Đài Phát Thanh Nha-Trang. Mỗi khi gặp Ba tôi, Chú Minh-Kỳ thường góp nhiều ý kiến xây dựng và rất nhiều lần, Chú – cũng như nhạc sĩ Canh-Thân –khuyến khích Ba tôi cho tôi trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp; nhưng lúc nào Ba tôi cũng cười hiền hòa: “Thôi, để cho cháu nó đi học.” Hôm đó, vừa thấy chúng tôi, Chú Minh-Kỳ hỏi Ba tôi: “Anh Ngữ, tại sao con nhỏ Thanh-Điệp bữa nay hát nhão nhẹt vậy?” Ba tôi kể rõ nguyên nhân cho chú Minh-Kỳ nghe trong khi tôi mắc cỡ, bậm môi, nhìn chỗ khác.

Những Nhân Vật Trong Ban Bình Minh

*- Cụ Điệp-Linh Nguyễn-Văn-Ngữ: Công chức; Trưởng Ban; đã qua đời.

Tôi không nhớ Ba tôi chọn biệt hiệu Điệp-Linh – do tên tôi và tên em trai của tôi ghép lại – từ lúc nào. Nhưng tôi nhớ, thời kỳ tản cư, Linh và tôi chỉ được chơi quanh quẩn cạnh hầm tròn, gần một quán nước bên đường, để dễ nhảy xuống hầm khi nghe báo động máy bay Pháp xuất hiện. Ba tôi mở lớp dạy học tại ngôi đình bỏ hoang. Ban ngày Ba tôi dạy văn hóa cho trẻ em; ban tối Ba tôi dạy Pháp-văn cho những cán bộ muốn trao dồi học vấn để khỏi bị mặc cảm với thanh niên trí thức miền Nam “thoát ly” ra “vùng giải phóng” ngày một nhiều.

Nhiều lần tôi nghe vài thanh niên “thoát ly” từ miền Nam, ngồi nghỉ chân nơi quán nước, hỏi Má tôi khi Má tôi gọi chị em tôi vào nhà ăn trưa: “Tại sao chị dám lấy tên của một nhạc sĩ để đặt tên cho con của chị?” Má tôi tình thật: “Dạ, mô có. Ông nớ mượn tên hai đứa con của tui để làm biệt hiệu đó.” Những thanh niên đó nhìn nhau, cười, tỏ vẻ không tin và họ nói với nhau bằng tiếng Tây cho nên tôi không hiểu.

Sau khi hồi cư một thời gian, tôi lại thấy bút hiệu Điệp-Linh xuất hiện trên tờ Đuốc-Thiêng và tờ – dường như là Sóng Thần – do bà Trùng-Dương làm chủ nhiệm. Khi lớn lên, tôi bắt đầu tập tành viết lách. Vì muốn “dựa hơi” Ba tôi, tôi xin Cụ cho tôi dùng biệt hiệu của Cụ và lấy chữ đệm từ tên của em gái tôi – Mỹ Phượng – lót vào giữa thành Điệp-Mỹ-Linh. Ba tôi đồng ý.

*- Cô Thùy-Giang: Công chức; xướng ngôn viên chính của Ban Bình-Minh; mất liên lạc.

Cô Thùy-Giang là Bắc-Kỳ di cư, nhà ở sau rạp xi-nê Modern. Cô có giọng nói rất dịu dàng, quyến rũ. Tôi vẫn nhớ, ngày đó, sau câu giới thiệu của nhân viên Đài Phát Thanh: “Bây giờ, xin quý thính giả thưởng thức phần ca nhạc do Ban Bình-Minh đảm trách.” Nhân viên ấy phất tay ra hiệu. Giọng trầm ấm của Cô Thùy-Giang trổi lên: “Kính thưa quý thính giả, đây, Ban Ca Nhạc Bình-Minh”. Cô hơi chậm lại ở năm chữ cuối và Cô nhấn giọng ở hai tiếng Bình-Minh. Cô hướng mắt về phía Ba tôi. Ba tôi phất tay ra hiệu. Toàn Ban hòa tấu bản Bình-Minh Ca Khúc của Võ-Đức-Thu.

Vào khoảng phân đoạn thứ hai của bản nhạc, Ba tôi nhẹ nhàng xoay micro để tiếng nhạc trở nên nhỏ dần, văng vẳng, xa xa, trong khi Cô Thùy-Giang giới thiệu thành phần Ban Ca cũng như Ban Nhạc và những tác phẩm sẽ được trình bày vào tối hôm đó.

Ban Nhạc gồm có:

*- Anh Phạm-Đình-Phê: Học sinh, hiện định cư tại Charlotte, NC.

Nhà Anh Phê ở gần Tòa án. Anh đàn Violon và Guitar. Tiếng đàn của Anh đã đưa Anh vào một “cuộc tình lớn”; nhưng khi vào Saigon học Anh mới gặp được “người bạn đường”. Sau khi được Cộng Sản Việt Nam thả về và trước khi sang Mỹ theo diện H.O. Anh mở lớp dạy nhạc tại Nha-Trang. Anh là người duy nhất trong Ban Bình-Minh, sau 1975, đã nuôi sống bản thân và gia đình bằng khả năng âm nhạc. Tôi say mê tiếng Guitar của Marc Antoine nhưng tiếng Guitar mà tôi yêu thích lại là của Anh Phê và của Hồ-Quang-Liêm, con út của tôi, tốt nghiệp từ Musicians Institute tại Hollywood, California.

*- Anh Hà-Quang-Đức: Học sinh, hiện còn ở Việt-Nam.

Anh là Bắc-Kỳ di cư, nhà ở Xóm Mới. Anh Đức đàn Hạ-uy-cầm rất tuyệt . Sau năm 1975, theo lời anh Phê kể, anh Hà-Quang-Đức theo Phục-Quốc. Chỉ một thời gian ngắn, anh Đức bị Việt-Cộng bắt và bị tù 18 năm. Sau khi mãn tù anh Đức trở về sống tại Nhatrang.

*- Chú Tưởng: Công chức; đàn Accordéon.

Tôi thích nhìn những ngón tay của Chú Thưởng khi Chú đàn những bản Valse và Tango.

*- Anh Cường, học sinh, chơi guitar.

 Rất tiếc tôi không nhớ nhiều chi tiết về anh Cường và Chú Tưởng. Và tôi cũng mất liên lạc với hai vị này.

*- Chú Vân-Sơn. Phục vụ trong Quân Cụ.

Chú Vân-Sơn cũng Bắc-Kỳ di cư, dáng người cao lớn, rất khỏe mạnh, nhà ở Phú-Vinh. Chú Vân-Sơn đàn Hạ-uy-cầm. Tôi vẫn nhớ, mỗi lần độc tấu bản Eternally của Charlie Chaplin, cuối những phân đoạn thích hợp, Chú Vân-Sơn tạo những ngón “vuốt” rất lạ lùng, làm buốt lòng người nghe. Sau năm 1975 Chú cũng bị Việt-Cộng cho đi cải tạo. Khoảng thập niên 80, lúc vào Saigon làm thủ tục đi Mỹ, bất ngờ Ba tôi gặp lại Chú Vân-Sơn tại bến tàu. Chú làm “ban bù”, tức là phu khuân vác, ở bến tàu!

*- Chú Phan-Phi-Phụng: Giáo sư trường Kỹ-Thuật; mất liên lạc.

Chú Phụng có biệt tài đàn Banjo Alto với cả ngón tay út của bàn tay trái. Banjo Alto chỉ có bốn giây, vậy mà chú trémolo nghe đã tai lắm.

*- Anh Hoàng-Đình-Phiên: Học sinh, hiện ngụ tại Nam California.

Nhà anh Phiên là tiệm sách Kim-Anh, đầu đường Độc-Lập. Anh Phiên đàn Accordéon. Anh là “cột trụ” của Ban Gió-Mùa, cũng thuộc Đài Phát Thanh Nha-Trang. Anh chỉ tăng cường cho Ban Bình-Minh khi nào Ba tôi yêu cầu. Ba tôi thường bảo tiếng đàn Accordéon của anh Phiên không khác gì tiếng Accordéon nhà nghề của Trần-Văn-Lý. Khi bất ngờ anh Phiên đọc tùy bút Tưởng Như Trở Về, Anh hoang mang, không biết Điệp-Mỹ-Linh là ai mà lại viết rõ về Anh.

Sau đó, tôi không nhớ năm nào, trong một ngày đại hội Hải-Quân, tại quận Cam, California, tôi được mời lên sân khấu nói chuyện. Lúc thấy tôi anh Phiên rất ngạc nhiên, nói với người bạn ngồi bên cạnh: “Ủa, đây là ‘con nhỏ’ Thanh-Điệp mà. Ô, thôi rồi! Hèn gì cô nàng viết về tao không sai tý nào cả!” Tiếc rằng, sau khi tôi rời sân khấu, anh Phiên đón tôi nơi cửa, nhưng vì tính tôi hay quên mà anh Phiên lại không nói tên nên tôi... không nhận ra Anh!

*- Anh Mầu: Thương gia; bặt tin.

Tôi không nhớ anh Mầu họ gì. Tôi chỉ nhớ Anh là người Việt lai Tàu, nói tiếng Việt không rõ lắm. Anh ở nơi ngôi nhà hai tầng ngay trước chợ Đầm. Tiếng Saxophone Alto và lối trình diễn của Anh, nhất là khi Anh độc tấu những bản Jazz hay nhạc tình, có sức thu hút hết sức lạ lùng! Mỗi khi nghe tiếng Saxo. của Jim Bretney tôi lại nhớ đến tiếng Saxo. của anh Mầu.

*- Anh Trần-Nam: Học sinh; mất liên lạc.

Nhà anh Trần-Nam ở hơi xéo xéo với Ty Thông Tin. Anh Trần-Nam chơi Guitar và Clarinette. Anh có biệt tài dùng Guitar giả tiếng Đại-hồ-cầm. Khi nghe tiếng Clarinette điêu luyện của Kenny G. không thể nào tôi không nghĩ đến Anh và tiếng Clarinette của Anh.

*- Chú Huỳnh-Anh: Thương gia; bặt tin.

Nhà Chú Huỳnh-Anh ở gần nhà anh Mầu. Tôi thật sự không nhớ Chú Huỳnh-Anh này có phải là tác giả bản nhạc rất nổi tiếng lúc bấy giờ – Em Gắng Chờ – hay không. Nhưng hình ảnh tôi không thể quên được là lúc Chú đứng cạnh cây Đại-hồ-cầm. Những ngón tay của bàn tay trái của Chú tung tăng trên giây đàn, những ngón tay của bàn tay phải “búng” giây đàn trong khi chân mặt của Chú nhun nhún, nhịp nhịp theo mỗi thì mạnh (temps fort) và mắt Chú trông như chìm đắm vào cõi nào rất xa, rất mơ hồ.

*- Chú Ninh: Không-Quân; mất liên lạc.

Tôi cũng không nhớ Chú Ninh họ gì. Tiếng Saxo. của Chú Ninh điêu luyện lắm, nhưng có lẽ tuổi hơi lớn, khoảng gần bằng tuổi của Ba tôi, cho nên hơi của Chú không được dài. Vì vậy Chú chỉ thích chơi những bản nhạc vui, nhạc hùng. Tiếng Saxo. của Chú Ninh trong những bản swings làm cho đôi vai và tay chân của người thích khiêu vũ đều phải cử động mạnh.

*- Chú Tâm-Giao: Quân Cụ; mất liên lạc.

Chú Tâm-Giao chơi Guitar. Nhà của Chú ở đường Hai-Chùa. Chú Tâm-Giao rất hợp với Ba tôi, vì cả hai Ông đều thích nhạc Pháp. Chú thường độc tấu những nhạc phẩm bán cổ điển Tây phương.

*- Chú Thiều: Tư chức; mất liên lạc.

Tôi không nhớ Chú Thiều họ gì, nhưng tôi nhớ Chú Thiều và anh Châu (thuộc Ban Văn Nghệ Khu Công-Chánh miền Nam trung nguyên Trung phần) là hai “tay” trống “cừ khôi” nhất của Nha-Trang lúc bấy giờ.

*- Thanh-Điệp: Học sinh, đàn Accodéon; hiện ngụ tại Houston.

Vào thời điểm đó, tại Saigon, ca sĩ Thúy-Nga là một phụ nữ thường đệm Accordéon rồi hát những ca khúc Việt-Nam, chứ ca sĩ Thúy-Nga chưa bao giờ độc tấu Accordéon bất cứ một nhạc phẩm ngoại quốc nào cả.

Trong khi đó, tại Nha-Trang, ngoài phần hòa tấu với Ban Bình-Minh, Thanh-Điệp cũng đã độc tấu những nhạc khúc bán cổ điển Tây phương, như Le Beau Danube Bleu của J. Strauss, Flots Du Danube của Ivanovici, La Golondrina của N. Serradell, Liebestraum của F. Liszt, v. v…trên sân khấu cũng như trên Đài Phát Thanh. Thanh-Điệp đã được các bạn cùng thời ở trường Võ-Tánh đặt biệt hiệu thân thương là “Điệp Accord.”

Ban Ca gồm có:

*- Cô Thùy-Giang: Ngoài phần xướng ngôn, Cô Thùy-Giang còn là một giọng ca nồng cốt của Ban Bình-Minh. Cô Thùy-Giang thích hát những bản Tango đổi sang Cha Cha Cha. Khi trình diễn trên sân khấu, Cô chỉ hơi lắc nhẹ đôi vai một tý là khán giả vỗ tay vang dội, vì cho là “đợt sóng mới”.

*- Chú Thu-Hoài: Phục vụ trong Liên Đoàn Bảo-An; mất liên lạc.

Chú Thu-Hoài có giọng tenor rất đặc biệt. Tôi thường nghịch, bảo Chú là Eddie Fisher của Nha-Trang. Chú Thu-Hoài chuyên đơn ca những tình khúc mang nặng tình tự dân tộc như Tình Quê Hương, Quê Nghèo, Về Miền Trung, Đố Ai, Tình Hoài Hương, v. v…

*- Chị Thúy-Minh: Học sinh; tên thật là Đỗ-Minh-Tham, hiện định cư tại New York.

Nếu Saigon có Thanh-Thúy với tiếng hát nức nở thì Nha-Trang có Thúy-Minh với giọng trầm, buồn. Tôi nhớ nhạc khúc Ánh Đèn Đêm do Thúy-Minh trình bày được yêu cầu nhiều nhất.

*- Chị Hoàng-Thu: Học sinh; tên thật là Đặng-Minh-Nguyệt, con của giáo sư Đặng-Văn-Tế. Chị hiện sống tại Saigon.

Chị Hoàng-Thu có giọng ca ngọt ngào, tha thiết và đôi khi, ở cuối một phân đoạn, Chị “láy” giọng một tý là người nghe không thể nào không mê giọng hát của Chị.

*- Chị Thanh-Hoa: Học sinh; mất liên lạc.

Chị Thanh-Hoa tên thật là Tôn Nữ Canh-Thìn. Giọng chị Thanh-Hoa đúng là soprano, vừa cao, trong vừa thánh thót, mượt mà. Biệt tài của Thanh-Hoa là Chị có thể hát cả nhạc êm dịu và nhạc hùng. Sau này, mỗi khi nghe Mireille Mathew tôi đều nhớ đến giọng hát của chị Thanh-Hoa mà một thời được thính giả của Đài Phát Thanh Nha-Trang yêu mến.

*- Anh Hàn-Phong-Cao: Học sinh. Hiện ngụ tại San Jose.

Giọng ca thiên phú và giọng ngân điêu luyện của anh Hàn-Phong-Cao chẳng khác nào tiếng hát nhà nghề của Anh-Ngọc. Trong những bản hợp ca nhiều bè, bao giờ giọng Anh cũng nổi bậc. Sau mấy mươi năm bặt tin tình cờ tôi gặp lại Anh vào khoảng cuối thập niên 80.

Đến năm 1995, sau khi tôi phát biểu cảm tưởng nhân ngày đại hội Hải-Quân toàn quốc, tai San Jose, xướng ngôn viên yêu cầu tôi khoang về chỗ; vì anh có vài điều muốn phỏng vấn tôi ngay trên sân khấu. Sau những câu hỏi thông thường, anh hỏi một câu cuối: “Xin chị cho bíết, tùy bút Tưởng Như Trở Về là tự truyện hay có bao nhiêu phần trăm hư cấu? Và những nhân vật trong tùy bút đó có thật ngoài đời hay là…” Xướng ngôn viên dừng lại ở đó, nhìn tôi, chờ đợi. Tôi đáp: “Thưa, để trả lời câu hỏi của anh, tôi xin mời một nhân vật trong Tưởng Như Trở Về đang hiện diện trong hội trường này đứng lên trình diện quan khách. Xin mời anh Hàn-Phong-Cao.” Vậy là anh em tôi nhận được tràng pháo tay thật dòn.

*- Chú Phan-Phi-Phụng. Chú Phan-Phi-Phụng chỉ song ca hoặc hợp ca chứ Chú không thích đơn ca, mặc dù Chú có giọng ca không kém chi chú Thu-Hoài. Chú Phan-Phi-Phụng và chị Thúy-Minh là đôi song ca không đối thủ, đặc biệt là dân ca, của Nha-Trang thời bấy giờ.

*- Anh Hà-Quang-Đức. Ngoài tiếng đàn Hạ-uy-cầm bất tuyệt, anh Hà-Quang-Đức còn có giọng ca rất ngọt ngào, trau chuốt. Anh thường trình bày những bản tình ca thời tiền chiến.

*- Thanh-Điệp: Tên thật là Nguyễn Thị Thanh-Điệp. Thanh-Điệp là giọng hát chính của Ban Bình-Minh; bởi vì, nếu bất cứ một lý do nào mà một trong những người trong Ban Ca không thể đến Đài Phát Thanh được thì Thanh-Điệp phải nhận trách nhiệm hát thế cho nhân vật đó. Cũng vì lý do này mà Cụ Điệp-Linh Nguyễn-Văn-Ngữ thường nhờ anh Hoàng-Đình-Phiên tăng cường vào giờ phút chót, vì Thanh-Điệp bận hát, không thể đàn được.

Sau khi Ban Bình-Minh tan rã, vì không chịu đựng được những lời dè bỉm đầy ác ý, tôi phản ứng tiêu cực. Tôi bỏ hát, bỏ đàn để được ... yên thân!

Khi biết tôi bỏ đàn Accordéon từ lâu, Ba tôi chỉ im lặng, thở dài. Nhìn nét mặt của Cụ, tôi biết Ba tôi rất thất vọng về tôi! Tôi cảm thấy đau trong lòng! Khi Ba tôi qua đời, niềm đau đó òa vỡ để cùng với niềm ân hận xoáy sâu trong lòng tôi. Tôi muốn tập đàn trở lại cho lòng bớt ray rức. Nhưng ngón tay của tôi không còn nhanh như xưa!

Con gái của tôi mua tặng tôi cây đàn, nay lại tìm mua cho tôi tập nhạc World’s Favorite Series số 27 dành riêng cho Accordéon. Khi nhìn vào bản nhạc, lúng túng tìm “gam”, tôi mới nhận ra được những khó khăn mà ngày xưa không bao giờ tôi nghĩ đến. Đó là mắt tôi nhìn theo nốt nhạc rất chậm, ngón tay tôi cũng chậm mà lại cứng như gỗ và không thể nào tôi thuộc được bản nhạc! Khi nào đàn sai, tôi có cảm tưởng như Ba tôi vẫn bên cạnh tôi để chỉ dẫn cho tôi như ngày xưa. Những lúc đó tôi khóc thầm và tôi đàn những bản buồn để nghe một mình, thương nhớ một mình, nuối tiếc một mình và xót xa, cay đắng cũng một mình!

Theo tiếng đàn, tôi tưởng như tôi thấy lại được một người đàn ông trẻ, sau khi biết đứa con gái đầu lòng thích đàn Accordéon, đã đưa đứa bé gái vào tận Saigon, đến tiệm đàn Mỹ-Tín, đường Hai-Bà-Trưng, đặt mua cây đàn từ Ý-Đại-Lợi và đặt mua cuốn sách dạy Accordéon bằng tiếng Pháp, từ Pháp. Khi tiệm đàn Mỹ-Tín gửi thư cho biết cây đàn đã về, người đàn ông đó lại đưa đứa bé gái vào Saigon nhận cây đàn để về lại Nha-Trang dạy nó đàn. Tất cả công khó đó của người Cha “được” đứa bé gái đem vùi lấp hết chỉ vì nó tự ái, không muốn tạo lý do để bị mỉa mai, tỵ hiềm!

Sự Tan Rã Của Ban Bình Minh

Sau cuộc đảo chánh (hụt) lật đổ Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm, Ba tôi bị người láng giềng – vì đố kỵ với Ba tôi – bịa chuyện, báo cáo với công an rằng Ba tôi hạ ảnh Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm vào đêm đảo chánh. Ba tôi bị mật vụ điều tra. Không tìm ra bằng chứng, và cũng nhờ sự can thiệp của ông Nguyễn-Văn-Thưởng – Trưởng Khu Công-Chánh miền Nam Trung nguyên Trung phần – Ba tôi không bị kết tội. Nhưng sau đó, Ba tôi bị (hoặc được?) “trả” về Hành-Chánh; Ba tôi thuộc ngạch Hành Chánh Trung Ương.

Nhờ về lại Hành-Chánh, ngay sau đó, Ba tôi được bổ nhiệm vào quận Cam-Lâm với chức vụ Phó Quận Trưởng Hành Chánh. Chỉ một thời gian ngắn, quận Cam-Lâm trở thành thị xã Cam-Ranh và Ba tôi nhận chức Trưởng Ty Nội-An thị xã Cam-Ranh – Ba tôi bị Cộng Sản Việt Nam cho đi cải tạo lâu năm chỉ vì chức vụ này – đồng thời Ba tôi cũng được biệt phái dạy Pháp-văn, toàn thời gian, cho các lớp đệ nhị cấp trường trung học công lập Cam-Ranh.

Sự thuyên chuyển của Ba tôi là nguyên nhân tạo nên sự tan rã của Ban Ca Nhạc Bình-Minh. Điều này khiến Ba tôi buồn bao nhiêu thì, khi Ba tôi nhận được lệnh biệt phái dạy Pháp-văn toàn thời gian cho các lớp đệ nhị cấp trường trung học Cam-Ranh, Ba tôi vui bấy nhiêu; vì Ba tôi có cơ hội “vẫy vùng” trở lại trong địa hạc mà Ba tôi yêu thích không kém chi văn chương, âm nhạc, và kịch nghệ./.

ĐIỆP MỸ LINH

www.diepmylinh.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn