BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73352)
(Xem: 62245)
(Xem: 39430)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà Mẹ Lê

29 Tháng Mười Hai 20167:26 SA(Xem: 3049)
Nhà Mẹ Lê
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Nhà ba mẹ tôi ở bên này sông Hàn. Nhìn từ thượng nguồn, thị xã Đà Nẵng nằm bên trái con sông gồm ba bốn quận. Phố chính thuộc quận nhất. Ba tôi dựng căn nhà ở đường Gia Long, trên miếng đất người bác cho từ những ngày chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng.

Ông dượng, chồng dì ruột tôi tập kết. Mẹ tôi kể ông thoát được mật vụ Pháp, nhảy xuống sông Hàn, bơi từ bên này bờ sang bên kia bờ rồi trốn luôn. Từ đó dì Hai ở lại An Hải, khu vực bên phải con sông, nuôi con trai đến lớn. Anh họ tôi tên Minh, thành con một từ chia đôi đất nước. Ba anh ra ngoài đó theo đảng! Có lẽ ông ta cũng vỡ mộng nên nghe mẹ tôi nói dượng đã muốn bơi qua sông Bến Hải để chẩu về Nam… Thế đó trong lý lịch dì tôi có chồng tập kết.

danangxua-duonggialong
Đường Gia Long - Đà Nẵng


Mẹ tôi còn có cô em gái út là dì Năm. Lúc đầu dì còn ở bên kia sông với dì Hai, giúp chị săn sóc cháu. Có lẽ trước khi thương tôi nhất, anh Minh con dì Hai đã được dì Năm cho đứng hàng số một trong những đứa nhỏ bà con. Dì Năm tôi hay lý luận nhưng việc này có lẽ dì “nhìn” bằng trái tim. Cha anh Minh đang ở ngoài miền Bắc thì nó được thương hơn. Lúc đó tôi chưa là con mồ côi giấy tờ có chữ “Quốc Gia Nghĩa Tử”. Lúc đó một vài người quen cũng chưa giúp mẹ tôi ý kiến để cho tôi vào trường Thiếu Sinh Quân: “Chính phủ nuôi dạy nó thì đỡ cho con mệ Ba”. Bác láng giềng người Huế nào đó nói thế. Cũng may mẹ tôi không muốn vậy khi ba tôi chết ngày ở quân đội. Mẹ giữ tôi lại trong nhà mười mấy năm cho ăn học. Giờ nhớ lại tôi biết ơn mẹ vô vàn cũng như con xóm nhỏ.

Khi mẹ tôi một mình lo cho tôi và em Dũng, dì Năm sang ở chung để giúp chị một tay. Tôi được dì Năm thương hơn từ đó. Anh Minh còn ở bên kia sông và đã lớn. Thỉnh thoảng anh qua thăm hai dì bên này Hàn. Đó là những lúc anh có cớ để dạo phố vì An Hải đâu có gì ngoài ngôi chợ lẹp xẹp gần bến phà. Dạo sau này anh lớn và đẹp trai ra. Anh biết “lên đồ số một”. Anh mang giày da “cũng số một” luôn như tụi bạn tôi to nhỏ. Những người trong khu phố dạo ấy nói anh “có vẻ Sài Gòn” hơn là dân ở tỉnh. Cũng may nhiều người biết Minh là cháu của mẹ tôi nên anh qua lại cũng không đến nổi bị khó chịu vì cách nhìn của họ. “Con mệ Ba” mẹ tôi cũng có uy tín nên được láng giềng thương dầu nghề nghiệp trong giấy gia đình là “nội trợ” như hàng triệu người đàn bà khác. Chẳng qua mẹ tôi hiền và hay giúp người.

Bác hàng xóm, bạn ba tôi từ ngoài Huế, nhìn anh Minh lại không ưa. Nhà bác ở cạnh nhà mẹ tôi. Ngày trước ba tôi dành một phần đất bác tôi cho để chia cho bạn làm nhà, có chỗ che mưa che nắng. Sau ngày ba tôi chết, những dịp sửa sang lại sân đất vườn tược, bác cứ lấn dần. Hy vọng bác biết điều đừng để mái hiên nhà bác đụng tường nhà ba mẹ tôi ngày anh em tôi lớn!

Dì Năm tôi bực mình vì chuyện này lắm vì thấy nhà chị không có đàn ông rồi bị người ta hà hiếp. Thêm vào đó mấy người này lại hay nói gần nói xa những lúc anh Minh sang chơi nên dì cũng nói gần nói xa lại. Chiến tranh rồi đó. Một ông người Huế và một cô nhỏ gốc Quảng cãi không lại không ngừng, có chuyện. Mẹ tôi nói: “Thôi đi Năm. Mi cãi làm chi!” Dì tôi thì: “Thôi sao được! Đâu phải ai gốc hoàng tộc thì cũng hơn thứ dân. Xí…” Chữ “xí” của dì út chắc chạy dài muốn qua khỏi đèo!

Bác “gốc hoàng tộc” có nhiều con lắm nhưng con bác học cao đến lớp 5 là ở nhà chạy long rong. Mẹ tôi thì “làm gì thì làm nhưng phải học con ạ dù ba mi chết”. Thế đó anh em tôi gắng mang bảng danh dự về nhà cho mẹ vui. Sau này lớn hơn tôi nghĩ bác kia ganh nên hay “xọt dưa”. Thấy anh em tôi học không thua nhóc tì nào trong khu vực nên bác càng ganh bạo lúc nhìn con mình. Nghe bác nói nhiều lúc cũng tức cười: Con vua thì lại làm vua. Con sải nhà chùa đi quét lá đa. Chưa chắc đúng đó nghe.

Bác nói xa nói gần đủ thứ chuyện. Dì Năm tôi nghe chói tai. Đến khi dì chịu không nổi thì cái “lý luận Quảng Nam” được dịp đem dùng. Hai bên đôi co. Mấy chú lính Quân Y phải đứng ra cản trận ẩu đả khi nhà kia ỷ đông tràn qua định đánh. Chú lính thấy tôi cầm khúc củi tạ đứng xớ rớ nên la cho một trận sau khi nói nhà bác láng giềng về lại bên kia đi.

“Mi cầm củi làm chi?”

Tôi lịt lịt vừa đi vừa trả lời;

“Ai đánh dì và mẹ thì con xáng khúc củi này liền!”

Anh Minh tôi đã lên trung học đệ nhị cấp. Anh học trường tư nhưng tôi ít nghe anh nói chuyện bài vở. Dì Năm hay cho anh tiền để mua sách và học thêm toán vài ngày trong tuần. Hình như tiền đó chạy vào quán cà phê nơi có những cô tiểu chủ xinh xinh ngồi sau quầy. Tôi thắc mắc không biết ngồi trong quán tối, nhìn ly cà phê rồi lười biếng kéo hơi thuốc lá có gì vui mà anh thích dữ. Nhưng “thời trang mới” thuở đó hình như vậy. Cũng như bây giờ ngồi ngoài mái hiên cà phê Factory vào mùa hè. Những chân, những lưng và những rún kín hở đôi khi đeo nhẫn đã là cơn mưa hạ.

Thời anh Minh lớn thị xã tôi ở chưa đến mức này đâu. Khi tôi vào trung học, con bà chủ rạp xi nê nằm trên đường Độc Lập của thành phố đi tắm biển, chơi bạo mặc bikini. Thứ hai lúc đợi chào cờ học trò mấy lớp đồn vang. Tôi biết chị đó có mái tóc dài đẹp lắm. Chỉ tội ở thành phố này, đi chơi với bồ hay làm điều gì cũng không tránh khỏi tiếng đồn.

Anh họ tôi đã qua những ngày không cha như thế. Chưa lọt lòng cha anh đã tập kết. Nhìn kỷ anh, tôi nghĩ ông dượng mình chiến lắm nên người dì “đẹp gái” dong dỏng cao của tôi mới thương. Duyên nợ gì đây mà dì không thích cãi lại dính ông “hay cãi”. Dượng tập kết, để lại người mẹ và đứa con cho dì tôi. Cái gánh quá nặng của người đàn bà. Dì tôi tối tăm mặt mủi để nuôi con, nuôi mẹ chồng. Cứ nghĩ đến người mẹ tuổi dưới hăm lăm, ngày ngày lo việc khuân vác gạo trong thương cảng nhiều lúc tôi thương dì quá. Mà dì đâu ngừng ở đó. Ở nhà, dì làm thêm nghề tay trái để kiếm tiền còm. Dì nhận đồ nhà binh ở bộ tư lệnh Sư Đoàn 2. Giặt ủi. Đầu tắt mặt tối cũng vì con.

Đến ngày anh Minh được lệnh gọi nhập ngũ dì Hai hoảng lên. Dì không có nhiều tiền, không quen biết lớn để lo cho con. Việc phải làm là lấy vợ cho nó không thôi sợ tuyệt tự. Dì “coi mắt” được chị nào trong xóm nhưng anh Minh chê. Mặc kệ! Dì đi hỏi. Đi cưới. Nhà có con dâu nhưng anh họ tôi lại không muốn chung giường. Anh “mới” hơn rồi nên đâu muốn cảnh đặt đâu ngồi đó. Anh vờ như anh vẫn còn độc thân; về nhà ăn vài ba miếng lúc đói rồi đi chơi. Chị dâu họ tạm của tôi ở nhà dì giúp đỡ mẹ chồng. Nhiều lúc tôi thấy chị như đứa con gái ruột của dì Hai. Chị lo cơm nước cho gia đình. Chị giặt ủi phụ mẹ chồng. Chị quét lá ngoài vườn. Chị chăm nuôi gia súc. Chị làm tất cả nhưng  anh họ tôi vẫn vờ như không thấy. Không thương và cũng chẳng yêu! Anh sang nhà mẹ tôi thường xuyên để tránh gặp vợ và nghe mẹ rầy rà. Anh to nhỏ với dì Năm, người hiểu anh nhiều nhất. Dì tôi cũng không biết phân giải làm sao để giúp đứa cháu. Dì biết chị mình thương con, lo cho giòng dõi của người chồng. Dì cũng hiểu phần nào ước mơ của anh Minh. Anh họ tôi đang tuổi lớn và còn “đi trên Ngũ Hành Sơn!”

Nhà dì tôi có vườn trái cây. Dì trồng nhiều ổi sẻ là loại trái cây tôi rất thích. Nhiều lúc qua bên đó, sau khi chào hỏi bà nội anh Minh và dì, tôi chạy tuốt ra vườn làm khỉ! Tôi trèo lên cây, vừa hái nhét túi, vừa nhai rau ráu cho đã. Dì đứng dưới cứ sợ thằng cháu xẩy tay rớt xuống đất. “Mi té thì tao đẻ không kịp để đền cho ba mẹ mi!” Tôi ở trên cao nói vọng xuống để trấn an dì. Những lúc đó dì hay gọi “Minh ơi! Minh hỡi! Đi ra hái ổi cho em.” Anh họ tôi nói hắn trèo được mà. Sợ chi. Thế đó tôi tha hồ tung hoành trong thế giới riêng của mình với cây trái vườn nhà dì. Lúc này tôi biết được tên thật của chị dâu họ tôi. Tên chị giống tên tôi, chỉ khác cái họ. Vậy cũng đỡ vì mẹ tôi bảo con gái giòng Lê sao mà khổ! Không biết có đúng không nhưng nhìn dì Hai, nhìn mẹ rồi đến dì Năm tôi thấy hình như ai cũng khổ dầu đâu có ai dở và xấu gì cho cam. Trong ba người, dì hai và mẹ đã mất chồng. Dì Năm thì không muốn lập gia đình. Dì ngại vì thấy hai chị thì phải!

Anh Minh đi lính, lúc đầu ở Quân Y. Sau này anh qua Thiết Giáp lúc xin đi học khóa Hạ Sĩ Quan đặc biệt. Thiết đoàn này thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh trấn đóng ở khu vực Bình Định. Thế đó dì Hai tôi quen dần với Bồng Sơn, Tam Quan, Phù Ly, Phù Cát… Đường xá xa xôi dì vẫn thường xuyên lặn lội đi thăm con. Thời gian đó, đi bằng xe đò từ Đà Nẵng đến Bình Định đâu phải là chuyện dễ dàng. Du kích chôn mìn, đắp mô và bắn sẻ vào xe hành khách nhiều đoạn ở Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngải. Qua khu vực Bình Định lại càng tang thương hơn. Rừng dừa vẫn còn nhưng nhiều chỗ không có ngọn! Sư Đoàn 2 Bộ binh đã dời bộ tư lệnh về Quảng Ngãi nên dì tôi bỏ luôn cái nghề giặt ủi tay trái. Dì chỉ còn khuân gạo ở thương cảng.

Vài ba tháng dì lặn lội đi thăm anh Minh. Có lúc dì bảo vợ của con đi cùng. Nhiều khi dì đi một mình. Thế đó tay xách tay mang dì tôi lặn lội đường xa để mong thấy hắn, để khuyên và hy vọng hắn xiêu lòng cho bà một đứa cháu. Nhưng anh Minh cứ vờ. Anh lỡ thương chị nào đó làm y tá trong khu vực đóng quân. Dì Năm tôi biết mà không dám nói với chị. Chỉ tội chị Ân, người dâu chính thức. Cưới hỏi xong cả năm mà có chồng cũng như không! Ở nhà chồng chị thui thủi làm bổn phận dâu con. Buổi tối chị chạy về thăm mẹ ruột. Chị không phải con gái giòng Lê sao mà cũng lận đận.

Sau này dì Hai tôi không thích nghe cải lương nhiều. Dì theo dõi thường xuyên tin tức buổi trưa của đài phát thanh Sài Gòn. Có tin đánh nhau là dì chăm chú. Từ đó dì quen dần với: “Tin tức chiến sự hăm bốn giờ qua trên bốn vùng chiến thuật…” Dì tôi như cái máy tiên đoán trình trạng chiến trường. Nghe thị xã có giới nghiêm là dì biết đâu đó có đánh nhau lớn. Dì thương con nên cầu nguyện một cách ích kỷ như người ta cầu trúng số độc đắc: “Đánh đâu thì đánh đừng đánh ở Bình Định!” Thằng con trai độc nhất đang ở đơn vị tác chiến nơi đó làm sao dì yên lòng cho nổi. Dì tôi buồn ra mặt và bắt đầu uống rượu. Rượu đế! Lúc đầu là uống cho đỡ nhức mỏi (?) những hôm làm việc lao động ngoài thương cảng. Về sau, rượu với dì tôi là để giải sầu. Chồng tập kết từ 54, ở ngoài Bắc hay vào Nam chẳng biết. Con ở quân đội bên này không biết nay mai ra sao.

Dì Năm thấy chị như vậy cũng chẳng vui. Thêm chuyện anh Minh nói làm dì nhức cả đầu. Cô y tá anh quen những ngày ở Quân Y vẫn còn thương anh. Anh muốn lập gia đình với chị này mặc kệ người vợ mẹ anh đã cưới hỏi. Dì Năm tôi lắc đầu hết ý kiến. Vợ chính thức của anh chăm chỉ làm bổn phận con dâu nhưng anh Minh coi như không có. Anh không về thăm vì không thương. Tội chị Ân và cũng tội luôn dì Hai đang trông ngóng có ngày được bồng cháu nội. Có lần anh Minh về phép mà nhà không được vui. Dì Hai hỏi anh về việc gia đình, vợ và con tương lai. Anh nghe xong, biết mẹ sắp la nên dọt ngay. Anh qua nhà mẹ tôi để nói chuyện với dì Năm. Sau đó anh trở lại đơn vị rồi mất tích trong trận đánh cuối  mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Tam Quan. Người mẹ nhận hung tin ngã ra bất tỉnh. Buổi chiều chị Ân sang thành phố báo tin cho mẹ tôi và dì Năm. Hai người mắt đỏ chạch. Dì Năm nhìn tôi đang tuổi lớn rồi thở dài.

Dì Hai lặn lội vào hậu cứ con để nhận xác. Người sĩ quan trực bảo anh Minh mất tích. Dì còn chút ít hy vọng nhưng đã vật vã, khóc đến lã người ở hậu trạm chi đoàn con mình. Ông kế toán trưởng giúp dì khai giấy tờ để nhận mười hai tháng lương tử tuất. Người ta nói là anh chưa chắc chết nhưng làm giấy trước vậy thôi. Sau này đi tác chiến tôi thấy nhiều cảnh khóc không nổi. Ai đó nghêu ngao người chết hai lần chỉ là chuyện nhỏ. Tôi nghĩ xác người anh họ tôi bị vùi lấp đâu đó trong lòng chiến xa! Cũng trong thời gian đi tác chiến tôi biết nhân viên ở hậu cứ nhiều lúc không dám nói thật với thân nhân người chết. Cả hai, ai cũng khổ cả!

Nhưng dì tôi tin thật con mình mất tích. Dì lại ra vô Bình Định thường xuyên hy vọng hậu cứ con có tin những người thất lạc. Dì còn nghe đài bên kia và tốn thêm tiền cho thầy bói! Nghe đồn nơi đâu có thầy coi hay là dì tìm đến. Dì kể ông thượng sĩ làm việc hậu cứ thấy dì hoài đã quen mặt. Và câu trả lời vẫn thế. Anh Minh mất tích!

Đến lúc tôi sang thăm dì để đi đôn quân thì dì khóc. Dì nhớ anh Minh. Nói tới lính tráng là bóng dáng con lại về và dì khóc sụt sùi. Anh Minh vẫn bặt tin và dì đã hết hy vọng. Cả giòng họ ba nó coi như tuyệt tự! Dì nhìn tôi, nói với thằng cháu mà nồng hơi rượu. Một lúc sau dì chửi cả hai miền, chửi “thằng Hồ, thằng Thiệu, thằng Kỳ…” Dì lôi hết cả đám lảnh đạo Nam Bắc ra dũa toe tua rồi ôm mặt khóc, nói lảm nhảm như một người mất trí. Tôi lẳng lặng ra nhìn vườn trái cây rồi theo phà qua sông về lại Đà Nẵng. Tôi biết đơn vị nào tôi tình nguyện mà không cho mẹ biết. Chắc chắn mẹ sẽ cản dầu mẹ cũng như dì, không có nhiều tiền và quen biết lớn để lo cho con. Mẹ tôi có dư khả năng để chạy bạc triệu cho tôi về đơn vị nào đó ở Sài Gòn tôi cũng chẳng về. Tôi không thích cái thứ tuyên bố vung vít này nọ cuối cùng đi làm cảnh sát công lộ. Ông ca sĩ nhạc trẻ nào đó đã huyênh hoang trên báo sẽ là Biệt Cách Dù cuối cùng là như vậy đó. Con mẹ nó!

Từ đó tôi không gặp lại dì Hai. Khi theo lữ đoàn về ngang thành phố một đêm cuối tháng 3, 75, trong đầu tôi chỉ có mẹ và các em. Hai người dì thân thương chìm đâu mất trong lòng GMC đêm chuyển quân.

Ông chồng dì tôi về lại An Hải sau tháng 4, 75. Ông mang theo vợ. Bà Bắc Kỳ nào đó chằn ăn trăn quấn, một hai xúi ông lấy lại căn nhà. Lúc ông đi nhà ông đâu được tường vôi, mái ngói. Ông về, mẹ đã già, con chết trận. Giờ chỉ còn người vợ nhưng cả hai nhìn nhau để mà nhìn. Thăm hỏi gì đâu ông lại nhắc chuyện quyền sở hữu căn nhà. Dì tôi làm xong ly rượu đế, hằn giọng một tiếng là bắt đầu. Chuyện từ lúc ông tập kết đến chuyện hai mươi năm sau. Nhìn cái lon thượng tá lúc đầu dì hơi khớp. Nhưng nói một lúc say máu, thêm bóng dáng anh Minh tôi trở về, dì Hai nói luôn cho chồng cũ biết. Thượng tá hạ tá cái gì! Dì lôi tên đám lảnh đạo hai miền ra mà tế sống như dì từng làm những lúc say rượu nhớ con chết trận mất xác. Dì chửi Thiệu Kỳ, chửi ba đời Hồ, chửi luôn Đồng, Duẫn. Hôm nay có ông chồng cũ trở về cọng thêm bà vợ răng đen mã tấu chỉ muốn cướp lại nhà trong đó công sức hơn hai mươi năm của dì tôi đâu ít. Dì tôi lấy chổi cùn ra quét thượng tá chồng cũ như quét rác! Bà Bắc Kỳ vợ kế đứng dậy theo chồng đi ra. Hai người xuống phà qua bên kia phố ghé thăm mẹ tôi và dì Năm. Mẹ tôi thật sự sợ khi thấy ông trong bộ đồ chính quy miền Bắc. Cái hình đội nón bê rê của ba tôi trên bàn thờ dì Năm đã đem cất.

Những gì liên quan đến chính phủ miền Nam, như tấm bảng kẻ chữ “Đả đảo Cọng Sản nằm vùng” trước hiên đã được lấy xuống. Nhưng như những người trong xóm, không có ai làm thứ trở cờ mang khăn quàng đỏ! Bác láng giềng gốc hoàng tộc bảo mẹ tôi giấu được gì thì giấu…
Dượng hỏi ba tôi đâu? Chết. Tôi đâu? Mất tích. Dũng đâu? Chết! Thật tình mẹ tôi sợ vì ám ảnh của ngày tháng còn ở quê ngoại. Hai cậu bị du kích bắn chết. Nhà mẹ tôi cũng từng cho người chạy nạn từ Huế, Quảng Trị vào ở trọ. Chuyện kể còn như mới hôm qua thôi.

Ông chồng dì tôi ở lại ăn bữa cơm. Ông xin cái hộp quẹt Zippo. Lúc dì Năm đưa, ông mừng ra mặt. Ông cẩn thận kéo mép áo chùi dấu tay cầm trước khi bỏ vào túi quần. Chuyện một lúc ông hỏi được đơn vị tôi. Lúc đó mẹ tôi nói thật không biết nó sống hay chết. Mẹ không nhờ nhưng ông xin cái hình tôi rồi hứa đi tìm ở Quảng Nam, nơi tôi hành quân lần cuối với lữ đoàn ngoài Trung. Làm sao mà tìm ra! Cháu ông theo đơn vị hành quân Xuân Lộc rồi đi mất đất.

Xóm cũ tôi đổi đời từ đó cũng như căn nhà tôi sống từ thơ ấu. Chỉ còn bức tường phòng ngủ nơi tôi viết nguyên tờ bích báo bằng thơ. Thơ của tôi làm Tết năm 74 khi nấn ná ở lại nhà. Dì Năm đã cố chùi đi khi mất Đà Nẵng nhưng chùi không hết. Tội dì tôi. “Họ bên đó” là những ám ảnh kinh hoàng nên dì lo dầu những bài thơ “con cóc’ đó là thơ tình.

Dì Hai bảo chị Ân đi lấy chồng khác sau những năm chờ đợi mỏi mòn. Dì vẫn sống bên sông, nơi căn nhà cũ. Dì chỉ còn một mình vì ông chồng cũ đã rước mẹ mình đi. Dì tôi cô độc như thế lúc mẹ tôi còn bên nhà và thêm tám năm nữa khi mẹ tôi ở Mỹ. Thỉnh thoảng mẹ về xứ, hai chị em to nhỏ với nhau. Dì hỏi thăm tôi. Mẹ chỉ bảo cháu bận không về được. Bên này tôi vẫn hy vọng có ngày gặp được dì, mong dì cuối đời thoát được cái “huông của con gái giòng Lê” như mẹ nói. Nhưng Tín em tôi gởi điện thư sang cách đây hai mươi ngày: “Dì Hai ngã xuống đất ở nhà bên An Hải mà không ai biết. Đến khi láng giềng hay, chở vào bệnh viện thì mạch máu não bị đứt. Dì chết! Mẹ gọi về gấp.”

Dì thoát rồi đó dì…

An Phú Vang
Tháng 6, 2001
[Trích TIỂU TRIỆU MINH]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn