BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39376)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đi bộ đội

27 Tháng Mười Hai 20166:24 SA(Xem: 1613)
Đi bộ đội
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

Buổi chiều mùa đông ngày 26/12 năm ấy, tôi chào bố mẹ lên đường nhập ngũ. Cả xã có 6 đứa, do xã đội trưởng dẫn đi. Chúng tôi tập trung ở xã Hải Anh, ngủ ở nhà dân một đêm. Hôm sau địa phương giao chúng tôi cho đơn vị tuyển quân. Thế là trở thành bộ đội. Đơn vị đầu tiên của tôi là tiểu đoàn 616, sư đoàn 320B. Một tuần sau, có thêm 2 thằng cùng xã được bổ sung, coi như cùng đợt. Vậy là đợt ấy xã tôi có 8, trong đó có một thằng con ông bí thư và một thằng con ông xã đội trưởng. Lúc ấy, chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

Một sự kiện trọng đại, bước ngoặt của cuộc đời nhưng tâm trạng tôi bình thường. Ừ, gọi thì đi. Nghĩa vụ mà. Sáng hôm ấy, tôi còn dậy sớm lội xuống ao nhổ rau cần cho mẹ mang đi chợ bán. Lạnh lắm. Buổi trưa ăn cơm bình thường như mọi ngày, có điều lặng lẽ hơn. Cũng có nhà tổ chức liên hoan tiễn con nhưng nhà tôi nghèo. Tôi xách cái túi nhựa mà bố tôi được phân phối ở trường, may dọc, có 2 quai xách, đựng hai bộ quần áo. Bố mẹ tôi cho 5 đồng để tiêu vặt, cô tôi cho 5 đồng, bà hàng xóm cho 3 đồng. Ủy ban thì tặng hai chiếc khăn mặt hoa dâu. Bố tôi lo con chưa sung sức sẽ khó khăn trong tập luyện và chiến đấu. Lúc ấy tôi chỉ có 43 kg. Mẹ tôi hôm ấy nói ít nhưng tôi biết bà buồn. Tôi trêu và cũng là dọa bà, đọc hai câu thơ Nguyễn Bính:

Một lần sảy bước ra đi

Là không hẹn một lần về nữa đâu.

Bà mắng: “Chỉ nói dại”.

Tôi đùa dai: “Đằng nào chẳng mất gáo. Khi ấy mợ (tôi gọi bố mẹ bằng cậu mợ) phải đòi bằng được cái bằng tổ quốc mất quân đấy nhé”.

Nhà nào có con hy sinh thì được Bằng Tổ quốc ghi công, xuyên tạc thành Tổ quốc mất quân. Có 1 hoặc 2 con đi bộ đội được Bảng Gia đình vẻ vang, gọi xiên xẹo thành Bảng gia đình vắng vẻ. 3 con đi bộ đội hoặc chỉ có 2 con trai mà đi bộ đội cả thì được Bảng vàng danh dự, dân gian xuyên tạc thành bảng vàng tuyệt tự.

Nói tâm trạng bình thường vì tôi khi ấy vừa trẻ vừa chưa vợ nên chưa biết lo trước lo sau, thanh thản lắm. Có bận tâm chút vì phải xa bố mẹ và vì nhà tôi nghèo. Khi đi, tôi biết bố mẹ còn mấy món nợ để nuôi con ăn học chưa trả được.

Bố tôi vốn là ông đồ, dạy học tư, tiếng Pháp nói, viết và dịch tốt, Hán văn cũng thế. Ông lại biết nghề thuốc. Ông từ quê Nam Trực xuống chợ Ninh Cường mở một hiệu thuốc Bắc ở rồi quen biết mẹ tôi bán hàng xén ở đó. Ông từng cứu nhiều người khi đã cập kề cửa tử. Có lần con bệnh đáp ơn cả một đôi hoa tai 1 chỉ vàng, ông cho chị tôi đeo. Gia đình tôi hồi ấy thuộc loại khá giả. Sau cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh (1958 – 1960), bố tôi thành ông giáo cấp 1, còn mẹ tôi bị ép bỏ buôn bán về làm hợp tác xã. Con nhà buôn bán nòi mà về làm ruộng khi tuổi đã 40 nên nghề nông không thể thạo. Cảnh nhà túng quẫn từ đấy. Vì vậy khi ra đi, tôi còn xót xa thương bố gầy yếu, thương mẹ vất vả. Chứ còn chuyện sống chết, gần như chẳng băn khoăn gì. Lại ân hận vì thỉnh thoảng hay cãi bà, còn bố thì không dám, y như lũ con tôi bây giờ.

Chị tôi theo em lên nơi tập trung, hôm sau giao quân xong thì về. Chị khóc dữ lắm. Chị mới được xuất ngũ khỏi Thanh niên xung phong. Có lần nhớ nhà, chị trốn đơn vị về. Một bác ở ủy ban xã nhận chị làm con nuôi, đến hỏi xem con về có được phép không. Biết chị bỏ về, bác bắt chị lên đơn vị, giải thích vì nghĩa vụ, vì danh dự gia đình này nọ. Thế là chị lại đi. Chị kể, đơn vị bắt tất cả làm đơn tình nguyện đi tiền tuyến. Gọi là đơn tình nguyện nhưng phải hiểu đó là lệnh, chứ có ai thực sự tình nguyện. Chị em ký đơn tình nguyện xong, về lán ôm nhau khóc.

nguyentuongthuy
Tác giả

Hồi ấy, mỗi năm có 3 đợt tuyển quân, một đợt vào cuối hay đầu năm, một đợt tháng 4 và một đợt tháng 8. Đợt tuyển quân trước đó 4 tháng, vào giữa tháng 8 tôi cũng đã đi. Khi giao cho đơn vị bộ đội họ khám lại một lần nữa, tôi và một số đứa bị đuổi về. Lý do có thể là yếu tim hay bệnh nào đó, thấp bé nhẹ cân, thậm chí một vết hắc lào cũng loại. Nhưng vào bộ đội rồi thì tất cả thành hắc lào, ghẻ lở hết vì đi tập toàn bùn đất, quần áo có 2 bộ không khô kịp nên ít thay. Tất cả hôi như lũ chồn.

Những thanh niên chuẩn bị gọi nhập ngũ đều được khám sức khỏe tại địa phương trước khi giao quân nhưng đa phần đạt. Khi giao quân rồi, quân y khám có kỹ hơn. Xóm tôi cũng có nhiều đứa đến tuổi, nhưng không được gọi vì gia đình không vào hợp tác xã, hoặc có vấn đề về lý lịch. Nhưng dần dần thấy mấy đứa này cũng lần lượt đi hết, chắc vì lớp sau chưa lớn kịp.

Nhiều thanh niên tìm cách trốn bộ đội. Có anh trốn lên miền núi, ở nhà quen rồi chết trên đó, nghe nói ngã nước, thành ra đủ điều tiếng, chẳng ai thương. Có đứa giả điếc, khi khám sức khỏe, bác sĩ hỏi gì cũng lắc đầu chỉ vào tai ra vẻ không nghe thấy. Ông bác sĩ cũng cao thủ, khoát tay ra dấu bảo về. Cậu này hí hửng tưởng thoát nạn nhưng vừa ra đến cửa thì bác sĩ mới ném cái “panh” (y cụ để khám lưỡi, họng) vào khay nhôm "choang" một cái. Cậu kia giật mình ngoái lại. Thế là không phải điếc. Bác sĩ vẫy cậu ta quay lại, ghi vào hồ sơ sức khỏe: Đủ tiêu chuẩn.

Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, hệ 10/10. Trường tôi có 4 lớp 10, chọn ra 6 đứa để đi học nước ngoài. Khi ấy, chuyện chỉ xét lý lịch rồi cho đi du học hay học đại học cũng đã giảm bớt mà chú trọng hơn đến lực học, vì con em có công với cách mạng, làm chức to lại học quá dốt không theo được. Chúng tôi phải ra bệnh viện huyện khám sức khỏe, sau đó lên bệnh viện tỉnh khám một lần nữa. Rồi mấy đứa ấy lần lượt đi nước ngoài hết, không Liên Xô thì Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Đông Âu, còn tôi không được gọi vì xã không duyệt hồ sơ cho tôi, lý do để lại đi bộ đội. Sau, tôi vẫn được gọi đi thi đại học, nhưng thi thì thi chứ không thấy gọi nhập trường. Tôi còn nhớ số báo danh là H367, nghe nói H là ký hiệu của Trường ĐH Bưu điện Truyền thanh ở Thái Nguyên. Hồi ấy thi xong, gọi nhập trường thì gọi chứ không có chuyện báo điểm, báo trúng tuyển hay không trúng. Đứa nào không được gọi nhập trường, một là không đủ điểm, hai là thuộc dạng giữ lại để đi lính. Không biết tôi thuộc dạng nào nhưng những đứa tôi gà bài cho đều vào đại học cả. Tôi lên ban tuyển sinh tỉnh hỏi lý do, có phải em không đủ điểm không hay là địa phương không cho em đi đại học? Họ trả lời rằng cái này không nói được.

Tôi thấy lạ, bộ đội thì có trừ sinh viên, trừ giảng viên đại học, trừ công chức ra đâu. Sao cứ phải ở địa phương mới đi bộ đội được. Nghĩ thế nhưng hồi ấy chưa biết cãi, mà có cãi cũng chẳng được. Sau nghĩ lại, có lẽ đi từ địa phương thì họ được chỉ tiêu. Cũng như bây giờ họ muốn tôi bán nhà đi nơi khác ở, nhường tên “phản động” cho quận huyện khác vậy, có điều là một đằng thì muốn vơ vào lấy thành tích, một đằng thì muốn đẩy đi cho khuất mắt. Tôi hiếu học, nhiều hoài bão nên việc phải bỏ dở học làm tôi buồn. Chứ còn đi lính, đi đánh nhau đi chăng nữa, tôi bình thản, không băn khoăn gì nhiều nhưng phần không thích là có.

Những thanh niên khác cũng vậy, trừ các trường hợp tìm cách trốn còn thì gọi là phải đi vì đó là nghĩa vụ. Chẳng ai thích nghề đánh nhau. Cũng có trường hợp xung phong thật, nhưng hiếm lắm, chứ không như đài báo tuyên truyền rằng thanh niên nô nức tình nguyện nhập ngũ. Chuyện đào ngũ cũng nhiều nhưng nhục. Họ gọi lên xã, bắt đeo trước ngực tấm bìa ghi: “Cả như tôi thì mất nước” rồi đem ra cho nhân dân “góp ý”, thực chất là đấu tố. Làm riết rồi cũng sợ, nhưng không sợ bằng chết nên vẫn cứ trốn. Trên đường hành quân vào Nam mà trốn thì gọi là “B quay”, một từ mới, chỉ điều nhục nhã.

Sau khi nhập ngũ, đầu tiên chúng tôi được đóng quân tại huyện nhà, ở xã Hải Nam, cách nhà khoảng 15 km. Một tháng sau thì đến Tết. Chúng tôi được thả về ăn tết với gia đình mấy ngày. Tết xong, chúng tôi di chuyển về nơi huấn luyện chính ở HTX Trường Sơn, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bốn ngày đi bộ xen giữa là 1 ngày nghỉ thì tới nơi. Ở đây toàn đồng bào từ Ý Yên Nam Định lên khai hoang, lập vùng kinh tế mới. Chính xã Ngọc Lương là nơi có trang trại của gia đình chị Cấn Thị Thêu, nơi chị bị bắt lần thứ hai vào sáng sớm ngày 10/6/2016. Tôi vô tình trở lại nơi này trong một chuyến đi thăm chị Thêu (lần tù trước). Đến trang trại của gia đình chị, hỏi địa danh mới nhớ ra mình từng đóng quân ở đây. Chuyện này tuy ngẫu nhiên nhưng có cái gì đó rất khó giải thích.

Thấy tôi nhanh nhẹn, có chút chữ nghĩa, thủ trưởng rút lên làm liên lạc cho Ban chỉ huy đại đội cùng với một thằng nữa đã làm từ trước đó. Hồi ấy, văn hóa tốt nghiệp phổ thông là hiếm lắm, cả đại đội chỉ vài thằng. Có cả thằng mù chữ, nó chuyên nhờ tôi viết hộ thư về cho vợ. Tôi phải đặt mình vào vị trí nó, tức là thằng có vợ rồi để viết cho đúng tâm lý. Tôi còn bắt nó kể chuyện vợ chồng nó để lựa mà viết sao cho tình cảm. Thực ra, tôi còn có ý tò mò xem vợ chồng lấy nhau thì nó như thế nào nữa. Viết xong, đọc cho nó duyệt, nó thích lắm, khen mày tài. Vợ nó gửi thư lên, tôi lại phải đọc cho nó nghe. Một lần thư vợ nó có thêm phần tái bút: “Em cám ơn anh Thụy, anh tình cảm và thấu hiểu em lắm, anh đừng đọc đoạn này nhá”. Vì không xem trước nên tôi cứ thế đọc tướng lên: “Tái bút: Em cám ơn anh Thụy, anh tình cảm và thấu hiểu em lắm, anh đừng đọc đoạn này nhá”. Đọc xong, tôi mới biết là câu ấy dành cho tôi. Chết cha. May mà thằng này hiền, nó không để ý gì. Theo Luật thì không tuyển người mù chữ vào bộ đội, nhưng địa phương cứ ép đi cho đủ chỉ tiêu.

Làm liên lạc, như theo cái tên của nó là truyền mệnh lệnh xuống cho các trung đội, tiểu đội. Hồi ấy, thông tin liên lạc bằng điện tín chỉ ở chiến trường, chứ ở đơn vị huấn luyện thì chỉ ở cấp trung đoàn trở lên. Không hiểu sao thủ trưởng không ký vào giấy hay sổ mà cứ sai chúng tôi phát lệnh mồm thế này thế khác. Có lần chạy xuống các trung đội truyền lệnh thì gặp anh trung đội trưởng đang dẫn trung đội chạy ra bãi tập. Tôi quát: Dừng lại! Hôm nay cho thảo luận chính trị! Thế là trung đội trưởng lập tức hô: “Đằng sau quay! Hướng doanh trại! Thường bước!”. Thực ra chúng tôi ở nhà dân, làm quái gì có doanh trại. Chắc anh gọi thế cho nó oai. Hẳn là mấy thằng lính thắc mắc sao cùng đi bộ đội với nó mà tôi quát, thủ trưởng của nó phải nghe.

Vì có khiếu, tôi còn phải lo kẻ vẽ khẩu hiệu quyết tâm, thi đua, nhiệt liệt, hoan hô… đủ cả. Lại phải làm báo tường, lo tập văn nghệ nên ít khi phải ra thao trường. Nhưng dù tập ít hay học lỏm tôi cũng biết đủ kỹ thuật, chiến thuật. Ngoài ra, liên lạc còn lo tạp vụ chung cho ban chỉ huy, nhưng không phải phục vụ riêng cho ai. Việc cá nhân của thủ trưởng nào, tự ông ấy lo. Chỉ có một lần người yêu của chính trị viên phó lên chơi, tôi phải chở chị bằng xe đạp lên chỗ anh đang tập huấn. Giao chị cho anh xong thì đã khuya, tôi một mình đạp xe về, qua mấy bãi tha ma, sợ gần chết.

Thư từ, công văn cũng là việc của liên lạc. Hàng ngày đi lấy thư trên tiểu đoàn về thì nộp cho thủ trưởng. Thủ trưởng kiểm duyệt xong dán lại, khi ấy tôi mới đem phát cho người nhận. Vậy mà cũng ối đứa nó nể mình, sợ mình thù vặt giấu thư đi. Bóc thư đọc cũng là cách để nắm được tư tưởng lính. Việc này được coi là chuyện đương nhiên, chẳng ai nghĩ đó là hành vi phạm pháp, cũng chẳng ai gọi đó là đọc trộm mà cho rằng đó là quyền của thủ trưởng. Cũng nhờ kiểm duyệt mà thủ trưởng biết được tư tưởng của lính, thằng này nhớ nhà, thằng nọ sợ chết, thằng kia tư tưởng yên tâm, lập trường vững vàng. Ngoài ra còn biết được kế hoạch đào ngũ của đứa nào đó, tóm gọn.

Tuy nhiên, việc bỏ trốn mà thủ trưởng không biết trước vẫn xảy ra. Có lần một thằng trốn, thủ trưởng giao cho các mũi truy tìm. Tôi một mình một mũi, mai phục tại cầu Nho Quan, cách đơn vị 10 km. Đến 8 giờ tối thì tóm được nó. Thằng này hơn tôi mấy tuổi đã lấy vợ và có 2 con, to gấp rưỡi tôi. Nó sợ quá, bảo, tao nhớ nhà lắm, mày cho tao về. Mày bắt tao lại thì ông Vi (đại đội trưởng) giết tao mất. Hay là mày cùng về với tao…

Tôi cũng nhớ nhà, nhưng tôi sợ phải đeo bảng “Cả như tôi thì mất nước”. Tôi định thả nó ra thì mấy anh làm bảo vệ ở cầu ập đến. Biết chuyện, các anh ấy lột cái dây lưng vải loại 2,5 cm dành cho lính mới nhập ngũ ở lưng nó ra, trói tay lại, giấu dưới vạt áo để tôi đưa nó về. Lúc này tôi không dám thả nó ra nữa vì đã có người chứng kiến. Tôi với nó khoác vai nhau như đôi bạn thân thiết cứ thế đi bộ về.

.......

Sau đó, số phận đưa đẩy mỗi đứa đi một hướng. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, tôi vẫn loanh quanh ở tuyến phục vụ dù mặc dù cũng từng phải viết đơn tình nguyện ra mặt trận kiểu như chị tôi mà tôi đã kể trên. Sau chiến tranh, hỏi han về nhau mới biết được đợt tôi đi có 8 đứa thì 2 thằng tử trận. Đây là một tỉ lệ thấp so với nhiều đợt nhập ngũ khác.

Chuyện đi bộ đội với tôi cũng chẳng có gì phải tiếc nuối. Nếu không đi lính, tôi đã đi học ở Liên Xô hay nước XHCN nào đó, rồi biết đâu trở thành một quan chức cuồng đảng hay thành một ông tiến sĩ cạo giấy nào đó mà cả hai loại người này tôi biết đến khá nhiều.

24/12/2016
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn Blog Nguyễn Tường Thụy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn