BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lỡ một chuyến đò

12 Tháng Mười 20167:30 SA(Xem: 2169)
Lỡ một chuyến đò
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

(Viết theo tâm sự của một người bạn)

Chiếc phi cơ bắt đầu hạ dần cao độ. Đang từ khoảng trống mông mênh trên cao, giữa một không gian bao la, không biên giới, nó lầm lũi chui vào những đám mây trắng đang bồng bềnh trôi bên dưới, những đám mây lãng đãng, vẩn vơ như suy nghĩ của Tân, cũng đang bồng bềnh, lãng đãng và vẩn vơ.

Tiếng của cô tiếp viên, người Tàu, nói tiếng Anh rất chuẩn, vẫn vang vang, nhắc nhở:

– Chúng ta chuẩn bị đáp xuống phi trường New Orleans. Xin quý vị hành khách đừng di chuyển, tắt phôn tay, tắt máy vi tính, và thắt dây an toàn. Chúng ta sẽ hạ cánh trong vòng mười lăm phút nữa.

New Orleans!

Hai tiếng ấy nhắc nhở Tân về cuộc hành trình mà anh đang thực hiện. Mà thật ra, anh có mục đích gì trong chuyến đi này đây? Một sự mâu thuẫn đang giằng xéo tâm tư Tân. Anh đến đây để làm gì? Anh có nên gặp lại Thu hay không, khi mà hai người đã mất bặt tin tức của nhau hơn mười năm nay, kể từ cái ngày quê hương rơi vào tối tăm, tủi nhục.

Sau ngày ấy,Thu theo gia đình trở về Định Quán, làm rẫy, làm nương, dạy học độ nhật qua ngày, và nhất là để tránh một tai họa có thể xảy ra cho cô như lời đồn đại:

“Tất cả các cô gái chưa chồng, xinh đẹp đều được gả cho những người anh hùng dân tộc, đó là các thương binh của bộ đội Bắc Việt.”

Viễn ảnh ấy thật sự là một mối đe dọa cho cô và cho những thiếu nữ xinh xắn của miền Nam lúc bấy giờ. Mà con gái miền Nam lúc ấy, thì cô nào chẳng xinh đẹp. Vì họ sống trong môi trường tự do, được ăn học, được tự do chưng diện, được đón nhận những kiểu mẫu thời trang thích hợp của các nước trên thế giới, được giáo dục trong khuôn khổ đạo đức gia đình. Nên cô nào cũng duyên dáng, đảm đang.

Mà Thu của anh thì lại càng nổi trội hơn, cô có dáng người thon thả, mảnh mai. Những tà áo dài được khoác lên người Thu đều tôn thêm vẻ thướt tha, uyển chuyển. Nên mỗi lần hai đứa được đi chơi với nhau, anh đều yêu cầu cô mặc áo dài. Thu còn có mái tóc thật đẹp, đen nhánh, mượt mà buông xõa xuống đôi bờ vai thon, như một dòng suối, ngọt ngào, làm mát dịu tâm hồn Tân những buổi trưa nắng cháy, khi anh phóng vùn vụt chiếc xe Honda cổ lỗ xỉ, phun khói mịt mù của thằng bạn, lên thăm cô, mỗi lần được về phép.

Con đường từ Tân Bình đến Quang Trung không xa lắm, nhưng hai bên trơ trụi, không một bóng cây mà chỉ là những ruộng lúa khô cằn, cháy sém, vào mùa Hè, nắng từ mặt đường hắt lên nóng bỏng cả da mặt.

“Nóng thì nóng, trơ trụi thì trơ trụi, nào đã có sá gì so với những nắng lửa, mưa dầu, nơi chiến trận.”

Trái tim Tân nhắc nhở anh như thế. Và những giờ nghỉ phép ngắn ngủi ấy, đối với anh còn quý hơn bạc vàng, châu báu.

quangtrung-huannhuc-1
Trung tâm huấn luyện Quang Trung

Thế nhưng, có khi lên đến cái xóm đạo hiền hòa, dễ thương, nơi có một bóng hình mà anh luôn ấp ủ trong tim ấy, chưa chắc đã được gặp Thu. Vì có khi cô đi học thêm, có lúc cô theo các em vào buôn bán trong câu lạc bộ. Hôm nào may mắn, cô đang học bài ở nhà, nhưng cùng lúc ấy lại gặp phải ông Bô vô cùng nghiêm khắc của cô – Một vị hạ sĩ quan thâm niên, làm việc trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung – thì cũng đành chịu thua.

– Em nó còn bé lắm thiếu úy ạ! Có nói chuyện gì thì cứ trao đổi ở nhà. Đừng chở nó đi đâu, để thì giờ cho nó học hành.

Ông phán một câu như thế, thì coi như bằng không.

Ai đời, chuyện giữa hai trái tim đang yêu nhau thì thào, thủ thỉ mà ông cụ bảo cứ nói ngay tại nhà, với sự chứng kiến của ngài à thì thật là chết sướng hơn. Mà, ngày giờ đi phép thì anh đâu có quyền chọn lựa, cho nên bất cứ lúc nào có được tờ giấy phép trong tay, là anh vù về.

Đường trường xa, ta quyết đi cho đến cùng…

Và…

Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi, mà anh đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi. Quang Trung, nơi đây, ngày trước, anh đã một lần qua, khi học giai đoạn một, trước lúc được gởi lên Thủ Đức. Bây giờ anh mới thấm thía câu nói của người xưa. “Yêu ai, yêu cả đường đi lối về.”

Bởi thế, con đường ấy anh đã trải qua rất nhiều lần, đến nỗi quen thuộc từng ngã tư, từng trụ điện. Và nhất là những ngôi nhà xinh xắn trong cái xóm đạo nhỏ bé. Ngôi thánh đường đơn sơ mà ấm áp tình người.

Ngôi thánh đường có một con chiên ngoan đạo, vẫn hay ở lại sau những buổi chầu thường lệ, để cầu nguyện cho một người đang ngày đêm chiến đấu nơi miền xa. Thu vẫn viết thư cho anh biết như vậy.

Ôi! Tình yêu của của em thánh thiện và ngây thơ quá. Anh cảm thấy được an ủi rất nhiều với mối tình. Những đêm chờ giặc, những lúc xung phong, hay những khi nằm dưới giao thông hào, đếm pháo của giặc rót như mưa vào tuyến phòng thủ, anh vẫn nhớ đến Thu. Nhớ đến giọng nói ngọt ngào dễ mến, như tiếng hót của một loài chim lạ, như khúc nhạc nhẹ nhàng, lúc nào cũng văng vẳng bên tai anh.

Mỗi lần đưa cô đi chơi đây đó, trong những giờ phép ngắn ngủi – cả của anh lẫn của cô, không có bố ở nhà, thì mẹ cho phép đi chơi, nhưng phải về trước giờ bố về – Anh chỉ im lặng để nghe Thu thỏ thẻ. Khiến cô nũng nịu:

– Thu không chịu đâu, anh nói chuyện đi chứ! Sao để Thu nói không vậy?

– Anh chỉ muốn nghe Thu nói thôi.

– Anh ăn gian quá hà, bắt em làm diễn giả cho anh hoài sao!

– Anh muốn Thu nói vì đời chinh chiến, có ai biết được chữ ngờ, anh sợ mai kia, sẽ không có dịp nghe Thu nói nữa.

Cô vội đưa tay bịt mồm anh, phụng phịu:

– Anh lại nói gở nữa rồi, em không thích đâu. Mỗi đêm anh vẫn hằng cầu nguyện cho anh được bình an, mạnh khỏe, và luôn nhớ về em.

– Nhớ em thì lúc nào cũng nhớ, nhưng… em muốn anh nói, anh thật tình chẳng có chuyện gì để nói cả. Đời lính có gì vui đâu Thu. Ngoài những gian khổ, mất mát và hy sinh.

– Thì anh kể cho em nghe về sinh hoạt của anh, về những người bạn đồng đội, và nhất là những nơi anh đã đi qua.

– Trời ơi! Sinh hoạt đời lính thì giống như một cái đồng hồ ấy Thu ơi! Giờ nào chào cờ, giờ nào điểm danh, trực gác, v.v… Là đúng y bon. Đó là khi được về hậu cứ, còn khi đi hành quân thì tùy thuộc vào từng khu vực, có khi cũng được ngủ trưa một tý. Nằm nghe chim rừng hót líu lo, cứ như tiếng nói của Thu vậy…

– Anh lại ghẹo em nữa rồi! Em bắt đền anh đấy.

– Anh nói thật mà! Nhưng cũng có lúc, nửa đêm phải vùng dậy, chui xuống hầm để tránh đạn pháo.

– Eo ơi! Nguy hiểm thế sao?

– Chứ em nghĩ nó yên bình và thản nhiên như ở thành phố này ấy à? Em là người nhạy cảm rất dễ xúc động, mau nước mắt, nên anh không muốn kể cho em nghe nhiều về đời lính. Còn đồng đội của anh hả! Bọn họ phá như quỷ nhà chay. Đánh giặc thì lỳ lợm, về phố thì nhậu nhẹt bạt mạng. Cũng dễ hiểu thôi, đời lính mà, biết ra sao ngày sau. Nhưng được cái họ rất thương yêu nhau, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho nhau đó, em ạ! Chính nhờ tình đồng đội gắn bó như thế, họ mới có thể chia sẻ với nhau những gian khổ từ ngày này, qua ngày khác, mặc dù, họ là người tứ xứ, chỉ vì cùng yêu thích màu cờ sắc áo mà chiến đấu bên nhau.

– Họ hy sinh cho nhau như thế nào hở anh?

– Mới đây thôi, đơn vị anh hành quân lục soát một mật khu của Việt Cộng. Đêm đó, đóng quân nghỉ tại một cánh rừng vắng. Gần sáng thì địch tấn công. Tiền đồn là đơn vị đi nằm xa, cách đại đội vài trăm thước. Bị thiệt hại nặng, có mấy anh em bị thương, cần đưa về để tải thương. Khì điều động một đơn vị ra tiếp viện, thì có rất nhiều người tình nguyện đi theo, vì trong toán tiền đồn đó có bạn bè của họ. Sau đó, có những người bị thương, nhưng vẫn cố gắng cõng những người bị thương nặng hơn về đến Bộ Chỉ Huy Đại Đội.

– Trời ơi! Họ anh hùng quá anh nhỉ!

– Anh cũng đã rớt nước mắt khi nhìn hình ảnh người lính chỉ còn một tay, vì tay kia đã gẫy lặc lìa, lặc lọi, cố cõng một đồng đội bị thương ở chân về đến nơi an toàn, mặc cho máu me chảy ra xối xả.

– Thôi anh đừng kể nữa em sắp khóc đây nè!

Thế là Tân phải ngưng ngay lại, vì biết cô không nói đùa.

– Còn chuyện đi đến chỗ này, chỗ kia thì sao?

– Có mấy khi được đóng quân gần thành phố đâu mà em lo!

– Em lo gì cơ chứ?

– Thì,… không phải em lo anh quen biết cô này, cô nọ, trên đường dừng quân sao?

-Anh mà như thế, em giận anh đó.

– Anh thề có “giời,” bây giờ và mãi mãi, anh chẳng quen biết ai ngoài em! Chịu chưa? Công nương mau nước mắt của tôi! Kẻo không em lại khóc ngập lụt hết cái thành phố Saigon này bây giờ.

Hai đứa quen biết và yêu nhau hơn hai năm trời, từ lúc anh còn đang học giai đoạn một quân sự tại Quang Trung, nhưng chưa một lần đi ra ngoài vòng lễ giáo. Chưa một nụ hôn, chưa một lần đi chơi những chỗ tình tứ, lãng mạn như công viên, vườn Bách Thú. Tình yêu hai người dành cho nhau thật thánh thiện, trong trắng. Anh tự nguyện với lòng, sẽ gìn giữ mối tình đẹp đẽ ấy đến suốt kiếp.

Và Tân đã giữ đúng lời hứa đó, chí ít cho đến ngày hôm nay. Anh chưa hề quen biết một người con gái nào khác, chứ đừng nói đến yêu thương, hò hẹn. Cả hai không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một trở ngại nào đó có thể ảnh hưởng đến tình yêu của họ. Thế mà, dòng đời chia hai lối, bây giờ mỗi kẻ một nơi.

Phần Tân, sáng ngày 30 tháng 4 anh vẫn còn ở lại đơn vị, khi nghe “Tổng Thống” Dương văn Minh tuyên bố buông súng, anh tưởng chừng như cả đất trời sụp đổ dưới chân.

Thế ra những công sức anh bỏ ra góp phần bảo vệ mảnh đất này trong gần một chục năm trời là công dã tràng à?

Những bạn bè anh, những đồng đội, những chiến hữu của anh, với bao máu xương đã đổ xuống, những vành khăn tang chít vội lên những mái đầu xanh vô tội, những giọt nước mắt giàn giụa của người quả phụ đang vật vã bên xác chồng vừa đền xong nợ nước còn nằm kia, chỉ trong vài phút, qua lời tuyên bố của ông ta, bỗng trở thành vô nghĩa.

Ôi còn gì xót xa, đau đớn cho bằng! Tất cả như một cơn Đại Hồng Thủy đã được mô tả trong Thánh Kinh.
ditan-chayloantrungtamnhapnguquangtrung-30041975

Anh mang một tâm trạng não nề, đau đớn đi tìm Thu. Lên đến Quang Trung thì bóng người xưa đã biền biệt phương trời. Gia đình Thu dọn về Định Quán trước khi mọi điều tồi tệ xảy ra. Anh đã lỡ một chuyến đò.

Tân gặm nhắm nỗi buồn triền miên ấy, trong góc căn gác xép của một thằng bạn học, phục vụ trong quân chủng Hải Quân, vừa hy sinh vào giờ thứ 25.

Sau cái ngày bất ngờ gẫy súng ấy, anh như con chim lạc đàn, ngơ ngác giữa dòng đời xuôi ngược. Đi hay ở? Lúc đó đơn vị anh ở gần Saigon, nên cơ hội ra đi rất dễ dàng.

Nhưng đi thì đi về đâu? Còn mẹ, còn cha, còn anh, còn em và còn những đồng đội cũ hầu hết vẫn còn đây.

Trách nhiệm của anh, của một người lính chưa làm tròn lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc, một đêm giữa Vũ Đình Trường im lặng đến rợn người, chỉ nghe gió vi vu qua từng kẽ lá, như lời réo gọi của hồn thiêng sông núi và của anh linh tử sĩ:

Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm.

Anh không đủ dũng khí để tuẫn tiết theo thành, chí ít anh cũng phải ở lại đây, để chịu chung số phận với những người dân mà anh được giao phó trách nhiệm bảo vệ, nhưng anh đã không hoàn thành.

Anh phải ở lại đây để thấm thía cái tắc trách của anh – dù rất nhỏ, nhưng sĩ diện của một quân nhân không cho phép anh chạy tội – đã dẫn đến hậu quả như thế nào?

Dằn vật với những ý nghĩ mâu thuẫn ấy, cho đến khi sự thể muộn màng. Rồi đến một ngày, vào cuối tháng 6 năm ấy.

Như hàng ngàn, hàng vạn đồng đội, chiến hữu cũ, anh xách một cái túi nhỏ, hành trang là vài bộ quần áo cũ, với ít đồ dùng cá nhân, đến trình diện tại một trường trung học trước cửa Tòa Hành Chánh Gia Định.

Anh nhờ một người bạn chở đến đây, vì không muốn gia đình lo lắng nhiều.

Chung quanh anh những khuôn mặt hốc hác, âu lo, những giọt nước mắt bùi ngùi bịn rịn, khiến anh liên tưởng đến những lần anh chứng kiến cảnh đưa tiễn người lính trở lại đơn vị.

Lúc ấy, tiễn đưa người vào lửa khói chiến chinh, tuy không đến nỗi bi lụy như triều đình nước Yên đưa Kinh Kha sang dòng Dịch Thủy. Nhưng mọi người ngầm hiểu rằng bao nhiêu hiểm nguy đang rình rập, đợi chờ. Chẳng ai có thể ước hẹn một điều gì cho mai hậu. Thế mà, kẻ ở người đi vẫn sáng lên niềm tin trong từng ánh mắt, nụ cười, từng câu nói và từng nụ hôn nồng nàn họ vội vã trao cho nhau.

Hôm nay thì khác, ở đây, anh chỉ nhìn thấy những khuôn mặt âu sầu, ảo não, mặc dù người ta thông báo đi “Tập Trung” chỉ có mười ngày dành cho sĩ quan cấp úy.

Thiếu vắng hẳn những nụ cười, lại càng không có những môi hôn, có chăng chỉ là những nụ cười gượng gạo, méo mó và nụ hôn chỉ dành cho những đứa con mới lẫm đẫm biết đi, đang bi bô gọi ba ơi, ba hỡi.

Thân cá chậu chim lồng từ đó.

Những tháng năm nhục nhằn cơ cực, với bao đói khát bệnh tật, anh vẫn cố gắng vượt qua, vì cha mẹ già, nên chẳng dám mơ ước đến những lần thăm nuôi, để được nhận chút sinh khí từ bên ngoài cái nhà tù nhỏ.

Mà có vui gì cho cam, ở bên ngoài cũng chỉ là một khám đường không có cổng khóa, nhưng lại có những sợi dây thòng lọng, thắt vào cổ như cái vòng Kim Cô trên đầu Tôn Hành Giả.

Anh tìm nhiều cách để thăm hỏi tin tức về Thu, tất cả đều vô vọng. Niềm tin của anh vẫn chưa lụn tàn. Rất mơ hồ, tự sâu thẳm tâm hồn, anh luôn nghĩ rằng Thu vẫn còn chờ đợi anh ở một nơi nào đó.

Sau gần sáu năm trời, trong đọa đày, tủi nhục anh được trả tự do, với một tấm thân tàn tạ, hao mòn. Nhà cửa tan hoang, cha mẹ đi kinh tế mới, với niềm tin là anh sẽ được tha về sớm. Anh lại một lần nữa lạc lõng trên quê hương điêu tàn, đổ nát. Nhưng lần này, không bị phá hủy bởi súng đạn, xe tăng, đại pháo, mà vì chủ thuyết ngoại lai, không còn chút tình tự dân tộc nào từ những kẻ thắng trận.

Anh chạy vạy mãi mới xin được cái giấy phép đi đường, để lên Định Quán mong tìm dấu tích của Thu. Lúc ấy, đang còn quản chế, nên rất khó khăn trong việc đi lại. Tên công an phường đã hỏi một câu, làm anh muốn đứng tim:

– Mới cải tạo về, lại xin đi lên miền núi, chắc ông muốn theo Fulro hả?

– Tôi đi thăm người quen thôi, chứ Fulro ful-riết gì. Nhưng hình như các ông đã bắt hết bọn họ rồi mà.

Có được tờ giấy phép trong tay, anh lại phải nhờ vả đến người bạn học cũ, vốn là một giáo sư “mất dạy,” nay học nghề của Võ Đại Lang gánh một gánh phở bán rong, để nó giúp cho cái vé xe.

Ỳ à, ỳ ạch vật lộn với cái xe được cải tiến lại chạy bằng than, để theo kịp với thời tiền sử, thay vì chạy bằng dầu cặn như trước đây, anh tài xế phải mất mấy lần dừng lại sửa chữa. Mãi hơn gần giờ, Tân mới đến được nơi muốn đến. Hỏi thăm, tìm được nhà Thu thì đã gần đứng bóng.

Tân lại lỡ một chuyến đò. Gặp bố già nghiêm khắc ngày xưa. Nhưng bây giờ thì ông rất niềm nở, nói một thôi, một hồi:

– Thu nó đi rồi trung úy ạ!

– Ấy! Bác đừng gọi cháu như thế nữa! Thu đi bao giờ thế hả bác?

Lúc bấy giờ chỉ cần nói tiếng đi, là người dân miền Nam đều biết đi về đâu!

– Em nó mới đi hơn năm nay, được định cư rồi, gia đình cũng an tâm. Tôi nào có muốn nó phải xa nhà, xa mẹ cha, xa anh em như thế đâu! Thân gái dặm trường, một mình nơi đất khách quê người. Nhưng cái số nó vậy biết làm sao. Nó ra đi chỉ là một sự tình cờ may mắn mà thôi!

– Thu đang định cư ở đâu vậy bác?

– Ờ… Ở Mỹ. Trung úy à! Cháu ở lại đây ăn cơm với gia đình nhé.

– Dạ cháu xin cám ơn bác, cháu còn bị quản chế, nên không ở lại đêm được, khi nào có dịp, cháu sẽ lại lên thăm hai bác và các em. Bây giờ cháu xin cáo từ. Hai bác bảo trọng.

Thu có tất cả năm chị em gái, anh hay gọi đùa là Ngũ Long Công Chúa. Các cô rất quý anh, từ những ngày xưa thân ái đó. Nay các cô đã lớn bộn, cũng tíu tít giữ anh lại ăn cơm. Nhưng vì lòng tự trọng, anh đành chối từ. Ngay cả đến địa chỉ của Thu ở Mỹ, anh cũng không dám hỏi vì không muốn gia đình hiểu lầm.

Anh quay trở về căn chòi nhỏ, được cất trên nền đất cũ mà anh đã từng sống suốt thời thơ ấu. Mất cội nguồn, mất niềm tin. Anh đành phải ra đi, khi có một người bạn muốn anh đi theo để định hướng hải bàn.

Tân rời Saigon một buổi chiều cuối năm, lòng anh quặn thắt, khi nhìn những người dân đói rét lang thang, chúc đầu bên bãi rác trên vỉa hè, vào những giây phút thiêng liêng nhất của dân tộc. Anh cúi đầu bước đi, không dám ngửng mặt nhìn ai. Dường như anh sợ có người phát giác ra anh chính là một trong những kẻ thiếu trách nhiệm, đưa đẩy họ đến cuộc sống cùng cực hôm nay. Hoặc giả, họ phát giác ra anh, lại một lần nữa phủi tay trước những đau thương của dân tộc. Anh thật sự là một thằng hèn. Không đủ cam đảm nhìn nhận những lầm lỗi do mình gây ra.

Thế rồi, anh cũng đã đến bến bờ tự do, và được nhận đi định cư sau khi vào Thái Lan không bao lâu, vì anh là một quân nhân đã từng đi tù Cộng Sản.

Một cô gái còn trẻ, rất xinh xắn, nhưng bị khước từ trong hai lần phỏng vấn, ngỏ ý muốn kết hôn với anh để được đi định cư, làm anh thấy khó xử.

Nên chăng, khi người ta còn là con gái, mà mình thì không thể yêu ai khác ngoài Thu. Nhưng, nếu không giúp, có thể cô ta sẽ lâm vào tình trạng bế tắc, dẫn đến hậu quả khôn lường, chưa kể có thể bị bắt buộc hồi hương.

Ám ảnh vì mặc cảm tội lỗi của mình, anh bằng lòng giúp cô, với một điều kiện: Chỉ kết hôn trên danh nghĩa, chứ không thật sự sống chung, sau khi sang đến Mỹ, hai người có quyền tự do riêng.

Và anh đã giữ đúng lời cam kết lúc ban đầu. Mặc dù Lan, tên cô gái ấy, đã chăm sóc anh tận tình, bằng cả tấm lòng của một người vợ hiền, đảm đang. Trong suốt thời kỳ hai người chờ đi định cư.

Lòng anh cảm thấy thanh thản khi hai người đáp xuống phi trường New York, và cô được một người bạn đón đi. Trước khi chia tay, Lan ôm Tân thật thắm thiết, hôn phớt lên má anh và nói nhỏ:

– Tân! Em đội ơn anh vô cùng, em cũng đã yêu anh, qua thời gian mình sống chung giả tạo. Nhưng em tôn trọng tình yêu của anh dành cho người xưa. Bất cứ lúc nào, anh cũng có thể đến với em. Tờ khai chúng ta công bố trước Cao Ủy Liên Hiệp Quốc sẽ có giá trị vĩnh viễn với em. Còn riêng phần anh, anh toàn quyền quyết định.

Tân cũng hôn nhẹ lên vầng trán cô và nói nhỏ:

– Anh cũng xin cám ơn Lan đã chăm sóc anh như một một người vợ hiền, trong những tháng ngày qua. Chúng ta không duyên nợ với nhau, hãy cứ coi như là bạn nhé Lan!

Cô nhét vội vào túi áo Tân mảnh giấy ghi số điện thoại của người bạn, rồi rươm rướm nước mắt bước đi. Thỉnh thoảng vẫn ngoái đầu trông lại. Anh biết rằng chỉ cần đứng nói thêm vài ba câu nữa, thì cô sẽ òa khóc như một đứa trẻ, nên anh cũng vờ đánh trống lảng, quay đi chỗ khác, tránh tia nhìn tha thiết của cô.

Và cái số phôn ấy đến nay, anh vẫn còn giữ, nhưng chưa bao giờ được sử dụng.

Những tháng năm vật vã với cái lạnh khắc nghiệt, và cái nóng nung người của vùng Trung Mỹ, anh chỉ biết tìm niềm vui trong những sinh hoạt cộng đồng. Anh tham gia tất cả các hội đoàn, tham dự tất cả lễ lạt do các hội đồng hương tổ chức. Anh đóng góp bằng hết khả năng của mình từ vật chất đến tinh thần, từ công sức đến tiền bạc. Không nệ hà bất cứ việc gì cộng đồng cần đến. Anh làm tích cực, như để đoái công chuộc tội nên các hội đoàn đều rất quý mến anh.

Một lần, tham dự buổi họp mặt của Hội Ái Hữu Đồng Hương Lâm Đồng, anh tình cờ biết được tin tức của Thu. Và có số điện thoại của cô. Như bắt được vàng, anh đã bỏ dở buổi tiệc, về nhà gọi phôn ngay cho cô. Tay của Tân run run khi quay những con số cuối cùng. Và khi tiếng chuông từ đầu dây bên kia vọng lại. Anh như nghẹt thở chờ đợi. Hơn mười năm trời mới nghe lại được tiếng nói thân thương mà mình yêu quý, và mong mỏi, anh cảm thấy nghèn nghẹn trong cuống họng… khi đầu dây bên kia cất tiếng:

– A lô! A lô!

Vẫn chưa chắc chắc chắn lắm, dù anh biết mười mươi, đó là tiếng của Thu, và để tránh sự ngỡ ngàng, anh đã đổi giọng, phát âm theo tiếng Nam – mặc dù anh là dân bắc Kỳ di cư 54:

– Xin lỗi cho tôi được nói chuyện với cô Thu ạ!

– Thu đây, xin hỏi anh là ai thế, và gọi từ đâu đến ạ!

– Có phải Kim Thu, ngày xưa ở gần Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, sau ngày 30 tháng 4 theo gia đình về Định Quán không vậy cô?

– Thưa phải, nhưng anh là ai mà sao biết rành về Thu quá vậy? Để xem, giọng nói của anh nghe quen lắm. Nhưng… chắc không phải đâu, anh ấy là người Bắc mà.

– Cô Thu đang nói tới ai vậy?

– Tới một người xưa.

– Cô còn nhớ đến anh ấy sao?

– Còn nhớ chứ, đó là mối tình đầu đẹp đẽ nhất của Thu mà. Nhưng tại sao anh lại tò mò về chuyện của Thu như vậy? Anh là ai? Anh gọi đến đây có chuyện gì không?

– Xin lỗi tôi chưa xưng danh tánh, tôi tên Tấn, là bạn của người ấy, tôi đang định cư tại miền Trung nước Mỹ…

– Hả? Anh là bạn của anh Tân. Bạn như thế nào? Sao Thu không biết, còn anh Tân hiện nay ra sao, Thu sốt ruột muốn biết tin tức về anh ấy lắm.

– Cô hỏi từ từ thì tôi mới trả lời được chứ! Đúng, tôi là bạn của anh Tân, nhưng cô không biết là vì chúng tôi chỉ quen nhau khi ở trong nhà tù Cộng Sản. Mấy năm trời, chúng tôi nằm kề cận bên nhau, lúc nào tôi cũng chỉ nghe anh ấy nhắc đến cô.

– Anh ấy nhắc sao hở anh?

– Thì nhắc lại những kỷ niệm cũ, nhắc lại những ước hẹn của hai người, và nhiều thứ lắm. Như là anh ấy nói còn nợ cô cả những lần đưa nhau đi công viên, sở thú, và cả đến một nụ hôn, hai người cũng chưa trao nhau nữa.

– Anh ấy kể hết chuyện của chúng em cho anh nghe à?

– Thì những thằng tù chỉ sống bằng kỷ niệm thôi mà. Nhất là những thằng tù ốm đói như chúng tôi.

– Tôi nghiệp anh ấy.

– Sao lại tội nghiệp?

– Em nghe nói đi ở tù khổ lắm, mà nhà anh ấy thì nghèo, chắc bố mẹ chẳng thể nào gồng gánh đi thăm nuôi anh ấy được.

– Cô nói đúng, Tân là thằng con bà phước từ đầu đến cuối. Tụi nó thả Tân ra chỉ vì sợ Tân chết vì đói trong tù, chứ không phải học tập tốt lao động tốt đâu. Ngày được trả tự do, anh ấy chỉ còn như một con mắm.

Có tiếng thút thít bên đầu dây bên kia.

– Xin lỗi đã làm cô buồn.

– Anh đừng bận tâm, tính em vẫn vậy, em rất muốn nghe thêm tin tức về anh Tân.

– Đúng thế! Tân nói với tôi rằng cô rất mau nước mắt.

– Khi còn ở trong nước, có lần vào rừng làm rẫy, nhìn thấy mấy anh tù “cải tạo” ăn mặc rách rưới, em đã khóc hết nước mắt suốt một đêm trường. Hôm sau bố không cho em đi làm nữa.

– Thu vẫn có tính thương người như ngày nào!

– Anh bảo sao cơ !

– À!… Không có gì.

– Bây giờ anh hãy nói ngay cho em nghe về anh Tân đi.

– Từ từ tôi sẽ nói hết cho Thu nghe, nhưng nói chuyện điện thoại khuya thế này có làm phiền người trong nhà không vậy cô Thu?

– Không sao cả đâu hôm nay nhà em đi dự họp mặt với các bạn trong đơn vị cũ. Chắc khuya lắm mới về.

Hai lỗ tai Tân lùng bùng, như một trái đạn pháo 130 ly của địch nổ ngay trên nắp hầm trú ẩn. Cái điện thoại tuột khỏi tay Tân rơi xuống bàn gây lên tiếng động khô khốc. Tiếng Thu vẫn réo gọi, văng vẳng… Tân ngồi chết lặng… Hết cả rồi! Thế là tàn một ước mơ! Sao em nỡ vội lấy chồng hở Thu?

Anh cố gắng lấy lại bình tĩnh cầm cái điện thoại lên.

– Anh Tấn, anh còn đó không vậy, có chuyện gì xảy ra với anh thế?

– Không. Không có gì cả đâu cô Thu. Tôi bị cơn suyễn hành bất ngờ thôi!

– Anh uống thuốc đi, rồi nằm nghỉ ngơi, mặc dù bây giờ em đang rất sốt ruột nghe tin tức của anh Tân, nhưng để thư thả, khi nào anh khỏe rồi hãy nói. Thế còn chị và các cháu có nhà không?

– Tôi còn độc thân cô Thu ạ!

– Thôi chết! Bịnh hoạn như thế mà lại ở có một mình thì nguy hiểm lắm, nhỡ khi trái gió trở trời.

– Tôi “share” phòng với một anh bạn tù khác, nên cũng không đến nỗi nào, cô đừng lo. Chỉ sợ rắc rối cho cô thôi!

– Anh yên tâm đi. Ngay cả khi có nhà em ở nhà, anh vẫn có thể gọi phôn đến nói chuyện. Em mới lập gia đình với anh ấy non một năm nay! Sau những tháng năm dài mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng. Dĩ vãng cùng mối tình của em với anh Tân, anh ấy đã nghe qua. Và nếu có cơ hội em sẽ liên lạc với anh Tân. Anh ấy không ngăn cản, đó là điều kiện em đưa ra trước khi làm đám cưới.

– Cám ơn cô đã chia sẻ những riêng tư trong cuộc sống và cũng cám ơn cô còn nghĩ đến người bạn khốn khổ của tôi. Bây giờ tôi xin phép đi nghỉ. Khi nào thuận tiện, tôi sẽ gọi để nói cho cô biết tin tức của Tân. Chào cô và chúc cô ngon giấc.

– Anh Tấn! Anh Tấn.

Tân gác điện thoại lên giá, lòng chùng xuống một nỗi buồn vô hạn.

Thu vẫn còn yêu mình tha thiết, nhưng cô đã lập gia đình. Mình không thể trách móc gì cô ấy được. Tuổi xuân con gái chỉ có một thời. Đến nay, cô ấy đã tròm trèm ba mươi tuổi. Đợi chờ như thế là quá đủ cho một cuộc tình thủy chung rồi. Không thiếu những người đã là vợ, là chồng nhưng chỉ vài năm sau khi chồng đi tù, đã vội vàng cất bước sang ngang, không một lời từ giã. Thế thì anh còn khuấy động làm gì những kỷ niệm xưa cho lòng thêm vương vấn. Hãy để cho cô ấy yên vui với hạnh phúc dù muộn màng nhưng cô ấy xứng đáng được hưởng.

Còn người chồng kia nữa, anh ta với Tân không hề quen biết, đi họp mặt với anh em trong đơn vị cũ thì chắc cũng là một người lính ngày xưa, như thế là cùng chiến tuyến. Hẳn anh ấy cũng đã hy sinh nhiều lắm nên đến nay vẫn chưa lập gia đình. Hoặc đã có vợ, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh đau lòng của nhiều anh em khác.

Thuyền tình tách bến sang sông.
Anh còn ngơ ngẩn ngóng trông một người.
Chim bay tận cuối chân trời.
Còn tìm đâu nữa, bóng người anh yêu.

Thôi hãy ngủ yên đi dĩ vãng. Để cuộc tình chìm vào hư vô. Để ta sống nốt chuỗi ngày đơn độc, tha hương.

***

Tiếng bánh xe chạm đất, làm anh giật mình trở lại với thực tế. Đã dặn lòng như thế, mà hôm nay anh lại có mặt ở đây. Mà đã đến đây rồi, có muốn quay về cũng chẳng được nữa. Thôi thì cứ đến nhìn lại người xưa một lần, dù chỉ một lần rồi vĩnh viễn mất nhau cũng cam.

Ra khỏi phi trường, anh gọi đến công ty xe tắc xi, thuê bao hẳn một chiếc. Những việc này anh đã chuẩn bị sẵn trước khi lên đường, để tránh sự bỡ ngỡ. Vì đây là lần đầu tiên anh đến thành phố này. Anh đưa tấm giấy ghi địa chỉ khu thương mại mà Thu làm việc, hỏi anh ta từ đây đến đó mất bao lâu.

– Khoảng hơn nửa tiếng thôi, sir.

– Anh đưa tôi đến đó, chờ tôi trong 30 phút. Sau đó chở tôi về khách sạn này. Sáng mai bảy giờ anh đến khách sạn, đưa tôi ra phi trường. Ok?

– Yes, sir.

Ngồi vật xuống băng sau xe, Tân lại thả hồn về dĩ vãng.

Một tuần lễ sau, cũng vào ngày cuối tuần, anh gọi đến Thu. Cô rất mừng rỡ khi nghe tiếng anh:

-Trời ơi! Anh Tấn! Em chờ phôn anh muốn chết luôn vậy đó. Hôm ấy em lại quên hỏi xin số phôn của anh.

– Xin lỗi! Tôi không được khỏe suốt tuần nay. Mà những người về từ ngục tù Cộng sản có mấy ai khỏe đâu! Hôm nay mới đỡ đỡ, nên gọi cho cô đây. Gia đình cô vẫn thường chứ?

– Anh hỏi thế là ý làm sao?

– Không chẳng có ý gì cả, chỉ là hỏi suông thế thôi!

– Em mừng lắm khi nghe lại được tiếng nói của anh. Hôm nay, nghe giọng nói thấy anh có vẻ khỏe khoắn lại rồi đấy nhỉ! Nào anh hãy cho em biết thêm về anh Tân đi. Sau ngày ra tù, anh ấy có lên Định Quán tìm em, nhưng lúc ấy em đã vượt biên rồi. Bẵng đi từ ấy đến nay, chẳng biết anh ấy ra sao.

– Cô Thu này!

– Dạ.

– Tôi nghĩ, tốt nhất cô nên quên Tân đi. Bây giờ cô đã có bổn phận trong một mái gia đình, hãy để dĩ vãng qua đi như nó đã qua đi trong mười năm qua vậy.

– Nhưng em không thể nào quên anh Tân được.

– Thời gian sẽ là một phương thuốc công hiệu nhất, giúp cô xóa đi những ray rứt ấy.

Thu sụt sùi qua, tiếng nấc:

– Anh Tấn, anh làm ơn cho anh biết tin tức về anh Tân đi. Tụi em sẽ có cách giải quyết cho êm đẹp chuyện này mà. Em van anh đó, anh Tấn.

– Cô Thu, trước tiên, nếu cô tin tôi, thì xin đọc cho tôi cái địa chỉ của cô.

– Làm gì thế anh?

– Tôi sẽ gửi đến cô một vật này rất có ý nghĩa.

– Vâng anh chuẩn bị giấy bút đi, em đọc nhé. Đây là địa chỉ chỗ làm việc của em. Em có mặt ở đây suốt ngày.

– Cám ơn cô! Bây giờ cô bình tĩnh nghe tôi nói đây .

– Anh nói đi, làm em sốt ruột quá đi thôi! Hay anh Tân đã vượt biên đến Mỹ, mà nếu thế, sao anh ấy không gọi em à.

– Không cô Thu ạ! Tân đã không đi đến Mỹ mà đi đến một nơi khác.

– Đến nước nào vậy anh?

– Tân đã đi đến Thiên Đàng…

– Anh Tân ơi! Anh Tân.

Tiếng khóc òa vỡ trong phôn. Tân nghe như ai đang xé ruột gan mình ra thành trăm ngàn mảnh.

“Anh đang lừa dối em đó Thu ơi! Anh đây! Anh là Tân của em đây. Mình chỉ cách nhau có vài giờ bay thôi Thu ơi!”

Con tim bừng bừng lửa yêu đương thúc hối anh thốt lên những lời ấy, khi mường tượng ra cảnh Thu vật vã khóc lóc bên cái điện thoại. Nhưng lý trí đã ngăn chận kịp thời:

– Cô Thu! Cô Thu bình tĩnh lại. Mọi chuyện do ơn trên sắp đặt, cô có khóc thương bao nhiêu cũng vô ích mà thôi! Hãy yên ổn sống với nhiệm vụ của một người vợ. Hẳn ở nơi xa xôi kia, Tân sẽ rất vui, khi thấy cô được hạnh phúc. Tôi xin địa chỉ của cô là để gửi lại cho cô những kỷ vật ngày xưa mà hai người đã trao đổi cho nhau. Đó là ước nguyện của Tân trước khi nhắm mắt.

– Anh ấy mất ra sao vậy anh Tấn? Tiếng Thu vẫn thổn thức, đến xót xa.

– Sau khi đi tù về, chúng lại còn bắt đi thủy lợi ở mấy nông trường xa xôi. Tân mắc bệnh sốt rét mà chết.

– Anh cho em biết chính xác ngày giờ anh ấy mất, để em xin lễ cho anh ấy.

– Không cần đâu cô Thu ạ! Gia đình Tân lo cả rồi. Tôi xin lỗi đã đưa đến cho cô một tin không vui. Nhưng biết sao hơn, khi tôi đã nhận lời trăng trối của Tân. Chúc cô mau tìm lại sự yên bình trong tâm hồn. Chào cô.

Tân gác điện thoại. không để cho Thu kịp hỏi thêm một lời nào nữa. Sáng hôm sau, anh ra bưu điện gửi lại cho cô những lá thư mà ngày xưa cô đã viết cho anh. Với bao nhiêu lời yêu thương nồng cháy. Và một tuần lễ sau, anh mua vé máy bay đi New Orleans.

Bây giờ thì anh đang có mặt tại đây! Chỉ cách Thu có vài phút lái xe nữa. Hai người đang đứng chung trên một mảnh đất, hít thở chung một bầu trời, nghe như có hương thơm của nhau. Mà sao ngàn trùng xa cách.

Chiếc tắc xi dừng lại bên lề đường cho Tân bước xuống. Đó là một con đường thoáng, rộng, có trồng cây ở giữa, ngăn chia hai chiều xe lưu thông. Đứng từ xa, Tân hồi hộp đưa mắt quan sát cái nơi đang ấp ủ bóng hình mà anh đã từng yêu dấu bao nhiêu năm. Kia rồi. Anh bước qua một cửa hàng sửa chữa máy móc, rồi đến chỗ giặt quần áo, và đây. Đúng chỗ này rồi.

Trước khi đi, anh đã sửa soạn dung mạo cho thật khác biệt với ngày xưa. Để tóc dài bờm xờm, râu không cạo, lại đeo them chiếc kính đen to, che kín gần hết khuôn mặt. Tân không muốn Thu nhận ra anh. Hãy để nàng yên ổn với đời sống mới. Anh chỉ muốn được gặp lại Thu một lần, dù chỉ một lần ngắn ngủi. Thế là anh mãn nguyện lắm rồi.

Khi đi qua chỗ giặt quần áo, anh đã dừng lại khá lâu trước tấm kính, để quan sát xem có tí dấu tích gì của Tân trên con người anh hôm nay không. Anh tự tin và mạnh dạn bước vào tiệm tạp hóa nơi cuối dẫy phố.

Dù lòng đã dặn lòng, thật bình tĩnh, đừng để lộ một chút gì khiến Thu nghi ngờ. Nhưng, khi chưa bước hẳn vào trong tiệm, lướt mắt nhìn qua chỗ quầy tính tiền, đôi chân Tân không thể nào nhấc lên được, anh đứng chựng lại như trời trồng, ngay cửa. Khiến hai ba người khách phải thúc hối anh nhường đường cho họ qua.

Kim Thu đó! Kim Thu yêu dấu ngày xưa, đang ở trước mặt anh đây! Em vẫn không hề thay đổi dù đã hơn mười năm mình không gặp gỡ. Vẫn mái tóc thề buông xõa bờ vai thon nhỏ, vẫn vóc liễu, xương mai, vẫn nụ cười rạng rỡ trên môi, nhưng hôm nay, đôi mắt em là cả một trời thu u ám Thu ơi!

Tân muốn chạy đến ôm chầm lấy cô, hôn lên đôi mắt buồn ảo não ấy, đôi mắt mà anh chưa bao giờ dám hôn, dúi đầu vào suối tóc đen tuyền ấy, để hít thở hương thơm bồ kết mà cô thường gội khi xưa, và để nói lên những lời thương nhớ chất chứa trong lòng suốt mười năm qua.

– Ông cần chi ạ?

Nghe Thu hỏi Tân muốn buột miệng trả lời. Nhưng anh kềm lại được, như những gì sắp đặt trước khi đến đây, anh nói bằng tiếng Anh với cô:

– Xin lỗi, tôi không biết bà nói gì!

– Thế ông không phải là người Việt Nam sao?

– Không, thưa bà, tôi là người Tàu.

– Hèn chi ông trông rất giống người đồng hương của chúng tôi. Tôi có thể giúp gì cho ông ạ!

– Tôi cần mua một gói thuốc lá thôi! Cám ơn bà! Bà tử tế quá!

Tân rảo bước trong tiệm nhưng mắt vẫn nhìn về hướng Thu đang ngồi tính tiền. Nhờ cái kính đen, nên không ai biết anh đang nhìn đâu. Đau đớn chua xót nào bằng, người mình yêu thương, quý mến đang sờ sờ trước mặt, mình lại phải giả bộ ngó lơ. Tân biết, anh chỉ cần với tay ra, Thu có thể bỏ hết mọi thứ để đến bên anh.Nhưng một chút lương tri và liêm sỉ còn sót lại đã nhắc nhở anh rằng:

“Tân ơi! Mày không được quyền làm như thế. Hãy coi như số mệnh an bài. Mày với Thu đã không có duyên nợ với nhau. Thì đừng làm khổ nhau thêm nữa. Trong tim cô ấy, chắc chắn vẫn còn hình bóng của mày, nhưng là một thằng Tân đã chết, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Mày hãy nghĩ đến cuộc sống hiện tại của Thu và người chồng của cô ấy. Anh ta sẽ ra sao khi mày xuất hiện? Mày hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh trái ngang của người ta xem mày sẽ có cảm nghĩ như thế nào! Mày chỉ ước mong được một lần gặp lại cô ấy. Bây giờ mày đã thỏa mãn rồi, còn gì mà không ra tính tiền gói thuốc và trở về với căn gác xép cô đơn của mày đi.”

Tân quay trở lại quầy tính tiền, anh đứng thật gần, quan sát Thu thật kỹ, nhưng cô thì hoàn toàn không biết là anh đang chăm chú nhìn cô! Anh cố gắng thu nhận một lần cuối khuôn mặt xinh xắn, kiều diễm đã từng chập chờn trong những giấc mơ của anh, hơn mười năm qua.

Bên cạnh máy tính tiền là một phong bì dầy cộm, trong đó chứa đựng những lá thư cô viết cho anh hơn mười năm trước, mà anh mới gửi trả lại cô tuần vừa rồi. Nhìn thấy cái phong bì ấy, tại nơi cô làm việc, anh biết được rằng cô vẫn còn yêu anh tha thiết biết chừng nào.

Thu ơi! Thôi mình đành xa nhau. Em hãy yên vui với bổn phận, với cuộc sống hiện tại. Đừng bao giờ nghĩ về anh nữa em ạ! Với em, anh đã không còn hiện hữu trên cõi đời này, thì đừng tiếc nuối, nhớ thương làm chi em nhé. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp vô cùng đối với anh. Cám ơn em, nếu không có những kỷ niệm dấu yêu ấy, nếu không có bóng hình dịu hiền của em. Chưa chắc anh đã vượt qua được những gian truân trong cuộc sống. Để tồn tại đến ngày hôm nay. Nhưng, khi anh đứng vững được trên đôi chân của mình, thì cũng chính là lúc anh mất em vĩnh viễn. Anh chỉ cần giơ tay ra là nắm được bàn tay em trao gói thuốc cho anh, nhưng anh không đủ can đảm làm điều đó Thu ơi! Em đừng giận hờn vì anh đã lừa dối em. Cũng chỉ muốn em được sống yên ổn với gia đình mà thôi! Tất cả đã lỡ làng rồi Thu ạ! Vĩnh biệt em, Thu ơi!”

Tân biết rằng đây là lần cuối cùng, anh gặp cô. Và cũng kể từ nay, mối tình thiên thần, trong trắng ngây thơ ngày xưa của anh với cô, đã thật sự chấm dứt.

Anh thẫn thờ bước ra khỏi cửa tiệm, như một kẻ mộng du. Cả bầu trời tối sầm trước mắt anh, giữa trưa hè nắng cháy, gió biển mang hơi nước mằn mặn đầu môi. Hay là những giọt lệ khóc cho một cuộc tình ly tan? Anh lại lỡ một chuyến đò.

(Thủy Gia Trang, những ngày vào Hạ 2009)

Dương Thượng Trúc
Munau11@hotmail.com

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn