BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Như Phong - Một trí thức yêu nước

22 Tháng Tám 20167:28 SA(Xem: 1685)
Như Phong - Một trí thức yêu nước
54Vote
42Vote
31Vote
21Vote
11Vote
3.89

Lê Xuân Khoa, sinh năm 1928 tại Hà Nội, nghề nghiệp chính là dạy học. Trước 1975, ông là giáo sư Đại học Văn khoa Sài-gòn, Đại học Đà-lạt, Minh Đức và Vạn Hạnh, nguyên Đổng lý Văn phòng Bộ Văn hóa Giáo dục, Phó Viện trưởng Viện Đại học Saigon.  Sau 1975, định cư ở Hoa Kỳ, ông là Chủ tịch Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á (SEARAC) ở Washington DC, chuyên vận động về chính sách cứu trợ, thâu nhận và định cư tị nạn. Năm 1996, ông trở về nghề dạy học, làm giáo sư thỉnh giảng trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế (SAIS), Đại học Johns Hopkins. Hiện cư ngụ tại Irvine, Nam California. Tác phẩm: Việt Nam 1945-1990: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử.

Chắc chắn tôi là một trong những người cuối cùng nộp bài cho Ban Biên Tập cuốn sách “Tưởng niệm Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến”. Có hai lý do chính đã khiến tôi trì hoãn đến giờ chót việc góp mặt bên cạnh nhữngbài viết của người thân trong gia đình hay bằng hữu của Như Phong, một nhà báo, một chuyên gia về cộng sản, một mưu sĩ hay chiến lược gia, hay đơn giản hơn, một kẻ sĩ. Đối với tôi, dù ở danh nghĩa nào, nhân cách của Như Phong, trên hết, vẫn là một trí thức một lòng vì dân vì nước.

nhuphonglevantien-150x150
Như Phong Lê Văn Tiến

Thứ nhất, dù quen biết anh từ những năm giữa thập kỷ 1950 cho đến ngày anh mất, dù biết khá nhiểu về lối sống và việc làm của anh và lâu lâu có cùng anh trao đổi ý kiến, tôi chưa bao giờ thật sự làm việc chung với anh, vì tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, không phải nhà nghiên cứu hay giảng dạy về chính trị học và cũng không thuộc một đảng phái chính trị hay theo đuổi một sự nghiệp chính trị để có dịp tham vấn anh. Thứ hai, khi gặp lại anh Như Phong ở Hoa Kỳ, tôi vẫn chỉ gặp riêng anh để đưa anh tới mấy nơi anh muốn gặp để cám ơn về những nỗ lực bảo vệ và can thiệp cho anh trong suốt thời gian bị tù đày, hoặc để anh tìm hiểu khả năng hợp tác nếu họ có những dự án nghiên cứu về Việt Nam. Khi anh lâm trọng bệnh, tôi cũng chỉ một mình đến thăm anh ở nhà của Lan Đài, con gái nuôi của anh. Cũng tại đây, tôi được anh giới thiệu với Lan Đài, một con người thật đáng quý.Tóm lại, quan hệ giữa tôi và anh Như Phong hoàn toàn mang tính cá nhân, do lòng quý trọng của tôi đối với anh hầu hết qua những lần gặp gỡ riêng và không khi nào do công việc chung. Bởi thế, tôi cảm thấy khá lạc lõng nếu tham gia viết bài tưởng niệm cùng với những người thân cận với anh hơn do quan hệ gia đình hay nghề nghiệp. Tuy nhiên vì một số anh em trong Ban Biên Tập cuốn sách này biết tôi có một ít kỷ niệm đáng nhớ với anh Như Phong ở Việt Nam và ở Mỹ nên đã nhắc nhở tôi là những kỷ niệm đó, dù ít ỏi, cũng không thể bỏ sót trong một tập hợp bài viết của đông đủ bạn bè cùng tưởng nhớ đến ngày vĩnh biệt anh, thấm thoắt đã 15 năm qua.

Vì những lẽ trên và cũng vì đã ở vào tuổi gần đất xa trời, tôi thấy đây là dịp đầu tiên và duy nhất để tôi có thể chia sẻ mối quan hệ và những kỷ niệm riêng của tôi với anh Như Phong mà rất ít người biết đến, và trong số ít đó thì hầu hết đã qua đời. Tôi cũng nhân dịp này làm sáng tỏ một số sự kiện về hoạt động độc lập của tôi liên quan tới một số nhân vật chính trị, tôn giáo và quan hệ Mỹ-Việt nhằm xóa bỏ một số ngộ nhận có thể còn tồn tại. Qua mấy trang hồi tưởng dưới đây, tôi hi vọng không những chỉ tham gia một việc làm đầy ý nghĩa của Ban Biên Tập, mà những mẩu chuyện về cá nhân tôi sẽ không bị hiểu là sự bày tỏ “cái tôi đáng ghét” và cũng sẽ được đón nhận một cách tự nhiên bởi các bằng hữu của Như Phong cũng như bởi độc giả khắp nơi, trong hay ngoài nước.

*

Tôi gặp anh Như Phong lần đầu tiên là vào khoảng cuối năm 1956 khi tình cờ có mặt trong một buổi chuẩn bị bàn giao tờ báo Tự Do từ nhóm Tam Lang, Mặc Đỗ, Như Phong (khi đó Như Phong đang làm Thư ký tòa soạn) chuyển sang cho Phạm Việt Tuyền làm Chủ nhiệm. Anh Như Phong sẽ ở lại với chức vụ Tổng Thư ký Tòa soạn. Tôi nói tôi “tình cờ có mặt” trong buổi họp mặt không chính thức này vì khi đó anh Phạm Việt Tuyền đang là Chủ nhiệm tuần báo Tân Kỷ Nguyên mà tôi có tên trong nhóm biên tập vì là bạn học cũ của anh ở Đại học Văn khoa Hà Nội. Đó cũng là thời gian Tân Kỷ Nguyên đã hay sắp đóng cửa sau trên dưới một năm hoạt động. Trong những lần họp sau đưa đến buổi chính thức bàn giao tờ Tự Do, tôi đều không tham gia vì không giữ một vai trò gì cả.Sau này, tôi cũng chỉ góp bài rất bất thường cho tờ Tự Do với tư cách một thân hữu chứ không phải đồng nghiệp.

Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm nhật báo Tự Do là do vai trò đặc biệt của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng Thống (thực chất là Cơ quan Tình báoTrung ương, hay đơn giản là Sở Mật Vụ.) Anh Tuyền là bạn học cũ rất thân với BS Tuyến vì cả hai đều là Công giáo gốc từ Phát Diệm, nhờ đó anh được đưa vào Phủ Tổng thống làm Tham vụ Chuyên môn và được tài trợ làm tờ tuần báo Tân Kỷ Nguyên. Năm 1956, khi nhật báo Tự Do có quan điểm chỉ trích chính quyền và đã có ba người bị bắt là Mặc Thu, Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt) và Phạm Tăng thì BS Tuyến, vốn quen biết với nhiều trí thức độc lập và đảng phái quốc gia, đã dàn xếp vụ án chính trị này. Kết quả là ba nhà báo Tự Do được thả, Phạm Việt Tuyền làm Chủ nhiệm và Như Phong Tổng Thư ký Tòa soạn. Vì nhà tôi ở gần tòa báo trên đường Võ Tánh nên tôi thỉnh thoảng ghé thăm và thường có dịp nói chuyện với anh Như Phong, và qua sự giới thiệu của anh, tôi được quen biết thêm các anh Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng và sau này, anh Trần Việt Sơn, một người rất hiền lành nhưng lại là một ngọn bút bình luận rất sắc bén của nhật báo Tự Do.

Khoảng giữa 1957, do trung gian của BS Trần Kim Tuyến và Phạm Việt Tuyền, Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã có những cuộc thảo luận với Giáo sư Nguyễn Đăng Thục về một sách lược vận dụng truyền thống văn hóa Á châu để liên kết các nước trong khu vực chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản. Ý tưởng này đã phát sinh trong những khóa giảng của GS Thục về triết học Đông phương và Tư tưởng ViệtNam ở Đại học Văn khoa Hà Nội và qua những trao đổi giữa Giáo sư với một số sinh viên đã trưởng thành như Lý Quốc Sỉnh, Doãn Quốc Sỹ, Lê Thành Trị, Lê Hữu Mục, Phạm Việt Tuyền và tôi, thường được gọi nửa đùa nửa thật là “nhóm Văn hóa Dân tộc của cụ Thục”. Kết quả cuộc thảo luận Ngô Đình Nhu-Nguyễn Đăng Thục năm 1957 là sự ra đời của Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hóa Á châu (gọi tắt là Hội Văn Hóa Á Châu) do GS Nguyễn Đăng Thục làm Chủ tịch và tôi làm Tổng Thư ký. Quá trình thành lập và hoạt động của Hội VHAC về quan hệ quốc tế có nhiều sự kiện đáng ghinhớ nhưng không thuộc phạm vi của bài này.

Sở dĩ chuyện Hội VHAC được nhắc đến ở đây là vì anh Như Phong cũng có liên quan trong những ngày đầu thành lập hội. Vì được Như Phong thuyết phục về tầm nhìn và sứ mệnh của nhật báo Tự Do, Phạm Việt Tuyền đã nói với anh về dự án thành lập Hội VHAC,và Như Phong đã góp ý với Phạm Việt Tuyền và Trần Kim Tuyến về chiến lược văn hóa. Khi biết tôi đảm nhận vai trò Tổng Thư ký VHAC, anh Như Phong đã có một nhận định mà tôi rất thán phục. Anh bảo rằng tôi đã quyết định đúng, vì bản chất của tôi thích hợp với sự nghiệp văn hóa chính trị hơn là những hoạt động thuần túy chính trị. Anh cũng nói với Phạm Việt Tuyền là khả năng của tôi về tổ chức và giao dịch với bên ngoài là những điều kiện cần thiết cho việc điều hành Hội Văn Hóa Á Châu mà Chủ tịch “triết gia” Nguyễn Đăng Thục không… quan tâm. Một thời gian ngắn trước 1960, khi tôi đã dọn nhà về đường Ngô Đình Khôi (Công Lý nối dài, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), anh Như Phong trở thành láng giềng của tôi trong một con đường nhỏ cạnh nhà tôi và chỉ cách nhau mấy căn. Bên kia đường là biệt thự của Trung tướng Thái Quang Hoàng.

*

Tình hình chính trị Việt Nam sau cuộc đảo chính thất bại do tướng Nguyễn Chánh Thi cầm đầu tháng 11 năm 1960 đã làm gia tăng lòng bất mãn trong dân chúng về chế độ “gia đình trị” của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ngay cả trong số những người từng ủng hộ ông, gồm có nhóm Tự Do. Trước đó mấy tháng, tôi cũng đã rời bỏ Hội VHAC để sang Pháp chuẩn bị làm luận án về Thiền học Việt Nam.

Sau vụ ném bom Dinh Độc Lập của hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc vào tháng Hai 1962 thì BS Tuyến bắt đầu móc nối với một số lãnh tụ đảng phái đối lập, đặc biệt là nhóm ĐạiViệt, cùng một số tướng lãnh âm mưu đảo chánh nhưng chỉ nhằm loại bỏ vai trò của vợ chồng ông Ngô Đình Nhu ra khỏi chính quyền Ngô Đình Diệm. BS Tuyến bị ông Nhu nghi ngờ dẫn đến hậu quả là Sở Nghiên Cứu Chính Trị bị giải tán vào đầu năm 1963 và Giám đốc Trần Kim Tuyến được bổ nhiệm làm Tổng Lãnh sự tại Ai Cập. Tuy nhiên, trên đường đi nhậnnhiệm vụ, ông Tuyến đã ở lại Hong Kong và chọn cuộc sống lưu vong. Nhật báo Tự Do lại được Như Phong chuyển về hướng đối lập qua những tin tức và bài vở bất lợi cho chế độ.

Khoảng giữa 1962, tôi và một nhóm thân hữu gồm các anh Vương Văn Bắc, Trần Văn Kiện, Phạm Văn Thuyết, Đỗ Doãn Quế thành lập tuần báo Xã Hội Mới với quan điểm cấp tiến nhằm xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ. Tôi đứng tên chủ nhiệm và LS Vương Văn Bắc làm chủ bút. Tôi hỏi ý kiến anh Như Phong và nhờ anh giúp đỡ về kỹ thuật. Anh sốt sắng giới thiệu ngay một nhà báo trẻ được anh đào tạo rất chuyên nghiệp là anh Nguyễn Thượng Hiệp sang giúp tôi làm Tổng Thư ký tòa soạn. Loạt bài đầu tiên tấn công một đối tượng mà chúng tôi mệnh danh là “Ngụy trí thức” tức là những kẻ có học nhưng hữu tài vô hạnh, chỉ xu nịnh giới quyền thế để được hưởng danh lợi vị kỷ và làm hại cho quốc gia, dân tộc. Sau đó Xã Hội Mới đưa ra những vấn đề trước mắt cần được sửa đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Như Phong không viết bài cho Xã Hội Mới nhưng anh thường “gà” ý kiến cho nhóm chúng tôi. Tờ báo lại đặc biệt có anh Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt) phụ trách cột báo châm biếm hàng tuần (tôi không còn nhớ tên) với văn phong rất thâm nho và có lẽ được nhiều người thích đọc nhất. Các trang báo thường có nhiều đoạn bỏ trắng vì bài vở phải qua Bộ Thông tin kiểm duyệt trước khi in. Khi cuộc tranh đấu Phật giáo lan rộng thì số báo đặc biệt về tự do tôn giáo bị xóa bỏ gần hết khiến không thể ấn hành được. Chỉ mấy tuần sau, Xã Hội Mới đành phải tự đình bản, thọ chưa đầy một tuổi.

Tháng Tám 1963, sau  khi văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự tử bằng độc dược để phản đối chính quyền đưa ông ra xử về tội ủng hộ các âm mưu đảo chánh, nhật báo Tự Do bị đóng cửa và Tổng Thư ký Như Phong bị bắt cho đến khi quân đội lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11, 1963. Vừa được giải thoát khỏi nhà tù, Như Phong được mời tham gia Hội đồng Nhân sĩ bên cạnh Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Từ nay cho đến thời Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, mưu sĩ và chiến lược gia Như Phong thỏa chí tung hoành trong giới lãnh đạo quân sự và chính khách dân sự. Anh có rất nhiều cơ hội tham chính vì được mời nhưng anh luôn luôn giữ vững lối sống tự do, ngoài vòng cương tỏa của danh lợi. Anh chỉ muốn giúp cho các nhân vật chính trị có thể đạt được mục tiêu của họ nếu anh tán thành hay thấy phù hợp với mục tiêu của anh. Chính vì anh không đòi hỏi hay mưu đồ gì cho cá nhân anh mà Như Phong dễ được những người tham vấn anh tin cậy và quý trọng. Uy tín của anh lên rất cao trong gần hai năm khủng hoảng lãnh đạo với những cuộc chỉnh lý liên miên trong hàng ngũ các tướng lãnh và có tới bốn chính phủ đoản mệnh với các thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương và Phan Huy Quát. Như Phong đặc biệt có ảnh hưởng trên chính trường miền Nam trong hai năm làm éminence grise cho Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng không vì thế mà anh không thất bại, và thất bại lớn nhất trong cuộc đời mưu sĩ của anh là khi anh bỏ hết tâm trí và thì giờ thành lập ba liên danh Cây Dừa I. II, III để ứng cử vào Quốc Hội đầu tiên của Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa. Ba liên danh này gồm đủ đại diện chính trị, tôn giáo, trí thức,  nếu đắc cử, sẽ tạo thành một khối khuynh đảo trong Thượng viện và sẽ hậu thuẫn đắc lực cho tướng Nguyễn Cao Kỳ nếu ông nắm chức vụ Tổng Thống. Nhưng trong một cuộc tranh luận gay go giữa các tướng lãnh trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc gia, ông Kỳ đã “bốc đồng” nhường cho ông Thiệu đứng đầu liên danh quân đội ứng cử Tổng thống và chấp nhận làm phó trong cuộc bầu cử Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa năm 1967. Hậu quả không tránh được do quyết định bất ngờ của tướng Kỳ là cả ba liên danh Cây Dừa của đạo diễn Như Phong đều thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện.

Biết rằng Nguyễn Cao Kỳ không còn có cơ hội trở lại cầm quyền, Như Phong chấm dứt quan hệ với các nhân vật lãnh đạo trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Thiệu. Anh muốn khôi phục lại tờ nhật báo Tự Do nhưng mấy lần xin phép chính quyền đều không có kết quả. Anh lại trở về với sở trường của anh là chuyên gia về cộng sản và phụ trách thuyết giảng về cộng sản Bắc Việt tại trường Cao đẳng Quốc phòng. Như Phong tiếp tục hợp tác với Patrick Honey, một chuyên gia người Anh về cộng sản mà anh quen thân từ nhiều năm trước. Anh thường xuyên được các học giả và cơ quan truyền thông ngoại quốc tiếp cận như một nguồn tài liệu phong phú và đáng tin cậy nhất về tình hình chính trị ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam.

Từ sau khi báo Tự Do bị đình bản năm 1963, tôi không có dịp gặp lại anh Như Phong vì anh bị bắt, rồi sau cuộc đảo chính 1 tháng 11, anh dốc hết thì giờ vào sinh hoạt chính trị. Thời gian đó, tôi cũng đang bận giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn và Đại học Đà Lạt. Đầu năm 1965, BS Phan Huy Quát được Hội đồng Quân lực mời lập chính phủ trong đó BS Nguyễn Tiến Hỷ, một đồng chí Đại Việt của BS Quát, giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục. Khi đó, một chuyện bất ngờ đã diễn ra là BS Hỷ mời tôi làm Đổng lý Văn phòng Bộ Văn hóa Giáo dục. Anh Như Phong biết rõ tôi không phải đảng viên Đại Việt nhưng biết tôi quen biết với một số nhân vật đảng phái và tôn giáo khác nhau (tất nhiên không thể nhiều bằng anh), đặc biệt trong thời gian làm Chủ nhiệm tuần báo Xã Hội Mới tôi thường họp với nhóm của anh Hỷ ở nhà anh Nguyễn Tất Ứng cùng với anh Nguyễn Văn Hướng (Mười Hướng) và anh Phụ tức Phan Châm (cũng là bí danh của anh Nguyễn Tiến Hỷ). Tôi chắc chắn anh Như Phong cũng bất ngờ khi thấy tôi nhận hợp tác với anh Hỷ trong Bộ Giáo dục vì anh đã từng nhận định rằng tôi không phải là con người làm chính trị. Thật ra, anh Hỷ mời tôi không chỉ vì tôi quen biết với nhóm Đại Việt mà chính vì kinh nghiệm quá khứ của tôi trong vai trò Tổng Thư ký Hội Văn hóa Á châu, hội viên của Tổng hội Giáo giới Quốc tế (World Confederation of Organizationsof the Teaching Profession –WCOTP) và giáo sư các trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và Chính trị Kinh doanh Đà-lạt. Ngoài ra, tôi còn là bạn thân của hai người em ruột của anh Hỷ là Dược sĩ Nguyễn Tiến Châu và Bác sĩ Nguyễn Tiến Hoánh.

Quả thật tôi nhận giúp BS Nguyễn Tiến Hỷ chỉ vì anh cầm đầu Bộ Văn hóa Giáo dục và cũng vì anh tán thành một đề nghị của tôi về chính sách giáo dục là cần hoãn dịch cho các giáo chức, vì đây là một đội ngũ chống cộng rất quan trọng ở hậu phương. Tôi nảy sinh ý kiến này do kết quả một cuộc điều nghiên của WCOTP cho thấy con số viên chức trong chính quyền miền Nam bị cộng sản sát hại nhiều nhất không phải là những quan chức có trách nhiệm về hành chính hay quân sự mà lại là các giáo chức, nhất là giáo viên ở địa phương. Tôi giải thích cho WCOTP biết rằng, trong các gia đình Việt Nam, thày giáo rất được kính trọng và có ảnh hưởng trong xã hội, hơn cả những nhân vật có quyền lực như Quận trưởng hay Tỉnh trưởng. Các phụ huynh và học sinh luôn luôn nghe theo lời khuyên bảo của thày giáo. Bởi vậy một nhà giáo có tinh thần quốc gia là một chiến sĩ nguy hiểm cho cộng sản hơn một người lính cầm súng. Miễn hay hoãn dịch cho giáo chức sẽ giúp gia đình họ được tiếp tục cuộc sống ổn định và họ sẽ trở thành những cán bộ đắc lực lôi cuốn được nhân dân theo lý tưởng quốc gia. Theo BS Nguyễn Tiến Hỷ, đề nghị của tôi được Thủ tướng Phan Huy Quát khen là quốc sách nhưng rốt cuộc không được Hội đồng Quân lực chấp thuận.

Chính phủ Phan Huy Quát mới hoạt động được bốn tháng thì có sự bất đồng nghiêm trọng giữa Thủ tướng và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, rốt cuộc cả hai ông đều đồng ý trả lại quyền lập chính phủ mới cho quân đội. Trong khi anh Như Phong bận rộn xây dựng quyền lực cho Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, tôi trở về Viện Đại học Sài Gòn và lập tức được Bộ Giáo dục biệt phái một niên khóa sang giúp cho Viện Đại học Vạn Hạnh vừa thành lập. Hết nhiệm kỳ, tôi lại được Bộ cử sang Bangkok làm Phó Giám đốc Văn phòng các Tổng trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMES). Sau một năm, Văn phòng (Secretariat) được đổi thành Tổ chức (Organization) và SEAMES trở thành SEAMEO, cho đến nay vẫn còn hoạt động. Cuối năm 1967, tôi trở về Đại học Văn khoa Sài Gòn và tiếp tục dạy cho đến 1974 thì được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Đại học Sài Gòn phụ trách Nghiên cứu và Phát triển. Chưa làm được gì nên chuyện thì chỉ mấy tháng sau, do hậu quả của cuộc triệt thoái cao nguyên, tôi phải huy động sinh viên vào công cuộc cứu trợ đồng bào tị nạn từ các tỉnh miền Trung đổ xuống Thủ đô và các tỉnh miền Nam. Cuối tháng Tư, tôi kịp đưa gia đình sang Mỹ tị nạn và được tin Như Phong quyết định ở lại dù có nhiều bạn bè ngoại quốc hối thúc và sẵn sàng đưa anh đi.

*

Tôi gặp lại anh Như Phong ở Sài Gòn vào giữa năm 1993 khi tôi bắt đầu thực hiện chương trình trợ giúp người tị nạn hồi hương từ các trại Hong Kong và Đông Nam Á. Chương trình này của Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á (Southeast Asia Resource Action Center, SEARAC) do tôi làm chủ tịch cùng một số cơ quan thiện nguyện Hoa Kỳ vận động Bộ Ngoại giao Mỹ bảo trợ và chính phủ Việt Nam đồng ý cho thi hành. Khi về Hà Nội làm thủ tục với Ủy ban Điều phối Viện trợ Nhân dân (PACCOM), tôi gặp lại ông Lê Minh Trần, một quan chức bộ Công an phụ trách Việt kiều mà tôi gặp lần đầu năm 1991 khi tôi cùng một phái đoàn thiện nguyện quốc tế về Việt Nam tìm hiều đời sống của người tị nạn hồi hương. Sau này tôi được biết Lê Minh Trần chính là Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng. Vì đã biết nhau từ trước, cuộc đối thoại giữa tôi và ông Trần rất thẳng thắn và thoải mái. Trước khi chia tay, tôi hỏi Lê Minh Trần rằng tôi có thể đi thăm một số bạn còn ở trong các trại cải tạo hay đã được thả hay không. Ông Trần trả lời việc đi thăm người còn ở trong trại thì phải có thời gian làm thủ tục xin phép, nhưng việc gặp gỡ những người đã được thả về nhà thì không có gì trở ngại. Vì lời xác nhận đó, khi vào tới Sài Gòn, tôi quyết định đến thăm các anh Như Phong và Doãn Quốc Sỹ.

(Ở đây cần mở một dấu ngoặc để nói về những nỗ lực của cộng đồng người Việt hải ngoại vận động các chính phủ và tổ chức quốc tế yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các tù nhân cải tạo. Riêng ở Hoa Kỳ, ngoài việc tham gia vào những nỗ lực chung, tôi chú trọng vào giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhà báo bị bắt giữ. Những người đứng đầu danh sách luôn luôn là hai ông bạn Như Phong và Doãn Quốc Sỹ. Tôi làm việc trực tiếp với Đại tướng John Vessey, đặc sứ của Tổng thống Reagan về POW/MIA và với ông Robert Funseth, Phụ tá Ngoại trưởng về vấn đề tù cải tạo quân sự và dân sự. Mùa Xuân năm 1989, tôi thúc giục Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải ngoại qua đại diện tại vùng HoaThịnh Đốn là nhà báo Chử Bá Anh, cập nhật danh sách văn nghệ sĩ và nhà báo đang bị giam giữ để chuyển cho Funseth trước khi ông lên đường đi Hà Nội vào tháng Tám dự vòng đàm phán cuối cùng về vấn đề định cư tù nhân cải tạo.  Một tháng trước đó, tôi đưa phái đoàn đại diện Văn Bút gồm bốn người, hai ở Mỹ là Chử Bá Anh và Viên Linh và hai đến từ Canada là Nguyễn Ngọc Ngạn và Trà Lũ. Ông Funseth và đoàn đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhận bản danh sách cập nhật và thảo luận với phái đoàn Văn Bút, sau đó mời mọi người dự bữa trưa tại một phòng ăn riêng trong Bộ Ngoại giao).

Phụ tá Ngoại trưởng Robert Funseth tiếp phái đoàn Văn Bút
do Gs Lê Xuân Khoa hướng dẫn để đưa danh sách các văn nghệ sĩ Việt Nam
đang bị tù cải tạo, đứng đầu sổ là nhà báo Như Phong và nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Trước khi đi Việt Nam, tôi điện thoại cho anh Nguyễn Ngọc Linh để hỏi địa chỉ và số điện thoại của anh Như Phong ở Tân Định. Linh rất mừng nghe tin tôi sẽ tìm gặp Như Phong, nhờ tôi nhắn tin và đưa dùm cho anh Như Phong một trăm USD. Đúng ngày hẹn, tôi tới gặp anh Như Phong, thấy anh rất khỏe mạnh và vẫn giữ được phong độ nhanh nhẹn, hài hước như xưa. Tất nhiên chúng tôi trò chuyện rất lâu, ôn lại nhiều chuyện đã quatrong hai thời Đệ nhất và Đệ nhị VNCH, qua hai lần anh bị bắt sau 1975 và đặc biệt hai lần anh nhịn đói làm mọi người phải kinh ngạc. Anh cho tôi đọc bản sao lá thư anh gửi ban Giám đốc trại trong lần bị bắt lần hai mà anh gọi là “đơn xin phép được nhịn đói” để cầu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước sớm tỉnh ngộ và trả lại cho dân những quyền tự do căn bản. Lần đầu anh nhịn đói 49 ngày, lần sau anh quyết định nhịn tới 63 ngày. Có lẽ cộng sản sợ lần này anh sẽ chết nên trước áp lực dồn dập và mạnh mẽ của quốc tế, họ đã phải thả anh vào ngày nhịn thứ hai mươi. Tôi hỏi anh làm sao có thể sống sót sau thời gian nhịn đói lâu như vậy. Anh nói chỉ sau mấy ngày sẽ thấy quen, không đói nữa. Anh còn khuyên tôi lâu lâu nên nhịn ăn mấy bữa, sẽ thấy người khỏe ra và đầu óc minh mẫn hơn trước. Cũng trong dịp ôn lại chuyện xưa, Như Phong nêu lên thắc mắc của anh về sự hợp tác bất ngờ của tôi với BS Nguyễn Tiến Hỷ gần ba mươi năm trước. Tôi giải tỏa được thắc mắc của anh và anh cho tôi hay là anh cũng biết chuyện anh Mười Hướng, khi làm Tổng Thư ký Phủ Tổng thống thời ông Nguyễn Văn Thiệu, có ý muốn đưa tôi vào thành phần nội các nhưng tôi không nhận. Tôi cũng chia sẻ thêm là khi anh Đinh Trịnh Chính làm Bộ trưởng Thông tin, anh Chính có mời tôi hợp tác qua sự giới thiệu của anh Nguyễn Ngọc Linh, nhưng tôi cũng từ chối.

Tạm chia tay với anh Như Phong, tôi đến thăm anh Doãn Quốc Sỹ. Trong thời gian vận động cho anh Sỹ ở Mỹ, nhân danh chủ tịch SEARAC, tôi có đứng tên chung với con trai anh là Doãn Quốc Thái đang định cư ở Houston, Texas, trong lá thư gửi Thống đốc và một số dân biểu, nghị sĩ bang Texas xin can thiệp với chính phủ Việt Nam thả anh Sỹ và cho anh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Anh Sỹ lái xe gắn máy đưa tôi đến thăm giáo sư Nguyễn Đăng Thục, thấy cụ còn khỏe nhưng lưng đã còng, gia đình nhờ có cô con gái định cư ở Pháp gửi tiền về giúp nên cũng đỡ vất vả. Một chuyện đáng nhớ là khi thấy tôi muốn gặp lại một số bạn bè cũ mà không đủ thì giờ, anh chị Sỹ đã tổ chức một bữa ăn ở nhà mời tới mười mấy người tới dự, trong đó có anh Như Phong. Tôi quá lo ngại cho anh Sỹ vì chắc chắn công an vẫn đang theo dõi anh, nhưng khi nghe tôi tỏ nỗi lo ngại, anh Sỹ rất thản nhiên trả lời: “Chả sao đâu, cùng lắm thì mình lại trở vào trại giam thôi.” Tôi thầm khen tướng công an Lê Minh Trần/Nguyễn Văn Hưởng giữ đúng lời hứa để cho tôi thoải mái gặp lại những bạn bè cựu tù cải tạo.

*

Khi anh Như Phong tới Mỹ năm 1994, tôi được anh liên lạc và cho hay đang ở chung nhà với Đinh Quang Anh Thái, người bạn trẻ đã cùng bị giam với anh trong trại tù cải tạo. Tôi quen biết Thái trong một lần đi thăm trại tị nạn ở Hong Kong khi anh đang là tình nguyện viên của Project Ngọc, một nhóm bạn trẻ ở Nam Cali, giúp cho người tị nạn đang làm thủ tục thanh lọc, nhất là những người sẽ bị cưỡng bách hồi hương. Thái có đến gặp tôi ở khách sạn và qua một đêm ngủ chung phòng, ngoài tình hình đồng bào trong các trại, Thái đã kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm ở trong tù với nhiều nhân vật nổi tiếng trong đó có BS Nguyễn Tiến Hỷ và nhà báo Như Phong.

Từ Washington DC qua California thăm Như Phong, tôi được biết thêm là anh đã bắt liên lạc được với một số đảng viên cộng sản cao cấp như Trần Độ, Nguyễn Kiên Giang và Hoàng Minh Chính. Tôi được anh cho nghe những đoạn thu băng điện thoại cho thấy tư tưởng cấp tiến của những nhân vật bất đồng chính kiến này đang hoạt động đối lập với chính sách độc tài đảng trị ở trong nước. Tôi rất mừng thấy anh đã đi tiên phong trong đường lối giải thể chế độ cộng sản bằng cách tiếp cận với những đảng viên và trí thức yêu nước và có lý tưởng dân chủ thực sự.

Năm 1997, khi Như Phong từ Nam Cali sang vùng DC để hợp tác với đài Á châu Tự Do vừa được thành lập, tôi đã chỉ gặp riêng anh như đã nói đến trong phần đầu của bài này, vì khi đó cũng là thời gian tôi bị một số dư luận trong cộng đồng chống đối kịch liệt, phần lớn do hiểu lầm và một số ít vì ác ý, về những chuyến đi Việt Nam của tôi trong chương trình giúp người tị nạn hồi hương. Trong những lần gặp riêng này và trong những ngày đầu của Như Phong ở vùng thủ đô, tôi đã đưa anh đi gặp Robert Funseth là người đã can thiệp đặc biệt cho anh trong danh sách Văn Bút, gặp Fred Brown, giáo sư và chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Johns Hopkins, để thảo luận tính khả thi của một số dự án nghiên cứu. Tôi cũng đưa anh đến thăm trụ sở Asia Watch, một bộ phận của Human Rights Watch đã mạnh mẽ can thiệp cho anh được thả năm 1994. Lần này anh đã mang theo một tấm tranh sơn mài khá lớn của họa sĩ Đằng Giao để tặng cho Asia Watch kèm theo lời cám ơn nồng nhiệt.

Khi đó tôi đã về hưu và được mời giảng dạy trong Chương trình về “Thay đổi và Phát triển Xã hội” (Social Change and Development) tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) thuộc ĐH Johns Hopkins. Đầu năm 2000 tôi bắt đầu dự án viết sách về lịch sử tị nạn và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Tôi chuẩn bị sang thăm Trung tâm Văn khố Hải ngoại (Centre des Archives d’Outre-Mer, CAOM) của Pháp ở Aix-en-Provence để tìm tài liệu về bối cảnh chính trị dẫn đến cuộc di cư tị nạn từ Bắc vào Nam của gần một triệu người năm 1954-1955. Anh Như Phong đã mách cho tôi ở một khách sạn rất vừa túi tiền vừa có thể đi bộ tới CAOM và cũng chia sẻ với tôi một số nguồn tài liệu mà anh đã tra cứu tại nơi này một vài năm trước. Khi đó anh đã bắt đầu bị ung thư phổi.

Năm 2001, bệnh anh đã trở nặng. Lần đầu tiên đến thăm anh ở nhà Lan Đài, tôi đã thấy anh phải đeo ống thở oxygen nhưng vẫn làm việc và đi lại trong nhà. Mấy lần sau tôi đều ghé tiệm mua cháo bò với trứng Bắc thảo hoặc mua mật ong organic mang đến cho anh. Cuối năm đó, khi anh phải vào bệnh viện cấp cứu và có đông người thăm, tôi không tới nữa. Khi anh mất, không ai cho tôi hay tin, và thật tình nếu có được báo tin, tôi cũng sẽ ở nhà âm thầm khóc anh và thắp nén hương tưởng niệm. Tôi tin rằng anh luôn luôn hiểu rõ con người của tôi. Và bây giờ, qua sự góp mặt trong cuốn tưởng niệm nhà trí thức yêu nước Như Phong, tôi cũng tin rằng tôi sẽ có thêm nhiều bạn hiểu tôi hơn.

LÊ XUÂN KHOA

15 tháng 8, 2016.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn