BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73177)
(Xem: 62204)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về một người hát tù khúc

12 Tháng Bảy 20167:22 SA(Xem: 1839)
Về một người hát tù khúc
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Về hưu.

Hai chữ ấy không chỉ gợi lên cảm giác thoải mái của việc buổi sáng thức dậy không còn phải lo hối hả cho kịp giờ đến sở và việc gì trong nhà cũng phải đợi đến cuối tuần mới có thì giờ thu xếp.

Về hưu.

Hai chữ ấy còn nhắc chúng ta rằng mình đã già. Và những thuộc tính không thể thiếu của tuổi già.

Một trong những thuộc tính đáng ghét nhất của tuổi già là bệnh tật.

Chuyên mục Tù Khúc của trang T.Vấn & Bạn Hũu đã đặc biệt trân trọng một trong những người hát (và sáng tác) Tù Khúc tiêu biểu là anh Nguyễn Tiến Việt, tức ký giả Việt Long quen thuộc hơn 20 năm nay của đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA) qua bài “Trò chuyện với người hát Tù Khúc” tháng 10 năm 2012 sau khi tạm hoàn tất giai đoạn một của công trình giới thiệu và lưu trữ những bài hát được sáng tác trong các nhà tù Cộng sản sau biến cố tháng 4 năm 1975.

vietlongnguyentienviet-minhhoa
Người hát tù khúc : Nguyễn Tiến Việt – Minh Hòa


Sau buổi trò chuyện đó, Nguyễn Tiến Việt có hứa sẽ dành trọn vẹn thì giờ tiếp tay với T.Vấn & Bạn Hữu trong công việc gom nhặt những tác phẩm tù khúc đem về gìn giữ ở góc Tù Khúc. Và việc ấy chỉ có thể thực hiện được khi anh về hưu, dọn nhà từ khu vực thủ đô về lại miền Cali nắng ấm, nơi có rất nhiều những bạn bè anh của một thời ngạo nghễ hát vang những bài tù khúc trong khắp những nhà tù từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam.

Cuối cùng, như bao người đến tuổi về hưu khác, Nguyễn Tiến Việt cũng về hưu. Và cũng đã kịp dọn nhà về miền nắng ấm Cali với các con của mình nay đã trưởng thành.

Nhưng thật quái ác, Nguyễn Tiến Việt chưa kịp bắt tay vào những việc dự định làm khi về hưu thì bệnh tật đã ập đến, bắt con người vốn hoạt bát năng động là thế phải nằm liệt một chỗ.

Cái tin Nguyễn Tiến Việt bị tai biến mạch máu não phải vào bệnh viện cấp cứu khiến tôi sững người. Và dù chưa biết – không biết – chàng đã về hưu, trong trí tôi cứ bật lên câu cảm thán : Vậy là Nguyễn Tiến Việt đã về hưu rồi !!!

Một cách thật ích kỷ, tôi nghĩ đến công trình thu gom những Tù Khúc mà Nguyễn Tiến Việt hứa với tôi 4 năm trước sẽ tiếp tục khi về hưu. Giờ thì chàng nằm đó, nhiều ngày hôn mê bất tỉnh không ăn không uống. Đến nay vẫn không nghe được tin tức gì khả quan hơn.

Khi bình tâm lại, tôi đã có lúc tự trách mình. Tham công tiếc việc đến thế sao? Bạn mình nằm xuống, không lo cho sự an nguy của bạn, lại chỉ lo cho công việc đang làm với bạn còn dở dang.

Tôi gặp Nguyễn Tiến Việt lần đầu tiên dịp tết năm 1983 ở trại cải tạo Xuân Lộc Z30A. Từ trại Xuân Lộc B, Việt qua bên tôi – trại A – với tính cách cổ động viên cho đội bóng trại B thi đấu cùng đội bóng trại A. Hôm ấy, được sự dặn dò của Trần Lê Việt cũng ở trại B, Nguyễn Tiến Việt nhắn gặp tôi và cựu trung tá Bùi Quyền (khóa đàn anh Võ Bị của NTV) để hát cho chúng tôi nghe một số bản tù khúc sáng tác bên trại B, trong đó có bài “Viên Đạn Cũ” tràn đầy khí thế “tù khúc” do chính Việt sáng tác.

Vài năm sau, chúng tôi lần lượt được thả ra khỏi trại tù. Những dịp hiếm hoi gặp nhau ngoài đời của tôi với Nguyễn Tiến Việt, tất cả chỉ xoay quanh những “công việc”, những dự định cho tương lai, những điều sẽ cố làm một khi đến được bến bờ tự do. Dường như chúng tôi chưa một lần ngồi xuống với nhau vì tình bạn thông thường cho những câu chuyện không thể thiếu của những người bạn. Có lẽ vì thế mà trí não của tôi chỉ nghĩ đến công việc còn dang dở của hai chúng tôi khi nghe tin bạn mình nằm đó bất động vì bạo bệnh.

Tôi với Nguyễn Tiến Việt hơn kém nhau một hai tuổi nên cứ coi nhau như đồng lứa. Đặt chân đến đất Mỹ, bằng vào sự nhanh nhẹn, thông minh, tháo vát cộng thêm với khả năng lý luận sắc bén, giọng nói ấm áp trời phú, Việt được tuyển vào làm trong ban biên tập tiếng Việt của đài phát thanh Á Châu Tự Do. Hơn hai mươi năm nay, Nguyễn Tiến Việt đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực vạch trần bộ mặt sát nhân, giả dối, phản dân hại nước của nhà nước và chế độ Cộng sản, hoàn thành ước nguyện của một cựu SQ/QLVNCH, một cựu tù cải tạo, lúc nào cũng nghĩ đến trách nhiệm chưa được chu toàn của mình. Có thể nói, Nguyễn Tiến Việt là người “làm được nhiều việc” nhất trong anh em chúng tôi, một thế hệ vừa bước vào đời với thật nhiều hoài vọng, chưa kịp làm gì thì biến cố tháng 4/1975 xẩy đến, đành chỉ biết ngậm ngùi dắt nhau vào tù như những đàn anh đáng kính của mình.

Khi viết những dòng này, tôi đã có dịp nhìn lại Nguyễn Tiến Việt, và chính mình, và những người cùng thế hệ, cùng thân phận, như một đời người mà những điều bất như ý chẳng may lại là hành trang chúng tôi mang theo cho đến tận cuối đời, bất kể chúng tôi đã vùng vẫy như thế nào để thoát ra khỏi số phận.

Tưởng tượng ra hình ảnh một Nguyễn Tiến Việt nằm đó, chằng chịt những dây, ống, một cảm giác bất lực tràn ngập trong tôi. Có lẽ cũng giống cái cảm giác bất lực mà Nguyễn Tiến Việt đang cảm thấy lúc này. Chỉ khác một điều là Việt không thể tự mình nói lên được cảm giác ấy.

Anh Việt ơi, nếu số phận thế hệ chúng mình nó phải như thế như ý trời đã định thì tôi tin rằng anh đã làm tất cả những gì có thể làm được, như những ngày xưa anh em chúng ta từng mơ ước. Và anh, hơn ai hết, có thể ngẩng cao đầu hát (thầm trong đầu) khúc tù ca năm nào đã từng vang lên trên khắp những nhà tù tiền sử, như giờ đây tiếng hát của anh vẫn còn được lưu trữ lại trong góc chuyên mục Tù Khúc của chúng ta, để các thế hệ mai sau sẽ có dịp ghé lại, nghe, đọc và nhỏ lệ khóc cho một thế hệ Việt Nam rất không may của lịch sử.

Chỉ tiếc, chúng ta vẫn chưa hoàn thành công việc.

Cũng may. Một ước nguyện khác của Nguyễn Tiến Việt đã rất trọn vẹn, rất ấm áp theo đúng ý nghĩa của ấm áp. Năm 1982, Nguyễn Tiến Việt viết bài tù ca “Hẹn Thề” tại trại Xuân Lộc, để tâm sự với vợ con :

Đứng đây trông núi đá mòn

Trông em héo hắt nhìn con đến thì . . .”

Và ao ước :

” . . .Mai đây rửa sạch hờn oan

Trăm năm tơ tóc chứa chan ân tình. . .”

Giờ đây, con đã lớn, đã trưởng thành. Người vợ “héo hắt” năm xưa vẫn luôn bên cạnh chồng, đã từng nhiều lần cùng chồng cất cao tiếng hát tù đầy trong suốt chiều dài mấy chục năm từ quê nhà ra đến mảnh đất tạm dung. Cùng với chồng, chị đã hồi sinh. Hồi sinh từ đời thường. Hồi sinh trong tiếng hát mang hy vọng đến cho đời, cho Nguyễn Tiến Việt, cho những người bạn của Việt. Hồi sinh cả trong giây phút Nguyễn Tiến Việt nằm hôn mê chờ giải phẫu. Hẳn là Việt đã rất mãn nguyện.

Tôi viết những lời chúc lành gởi đến Nguyễn Tiến Việt giữa không gian tĩnh lặng nhưng tràn ngập giọng hát ấm áp, chứa chan hy vọng của Nguyễn Tiến Việt qua tù khúc “Hẹn Thề” khiến lòng tôi nhẹ nhõm một cảm giác thật bình yên.

Tang điền kia bỗng đổi thay

Nhân thân tựa lá gió bay mịt mù

Mình sẽ lại gặp nhau nhé Nguyễn Tiến Việt!

T.Vấn

Tháng 6 năm 2016

Nguồn http://t-van.net/?p=27847

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn