BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76320)
(Xem: 63016)
(Xem: 40409)
(Xem: 32004)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tuổi trẻ Văn Nghệ Sài Gòn tuần lễ này, 47 năm trước

02 Tháng Sáu 20167:11 SA(Xem: 2320)
Tuổi trẻ Văn Nghệ Sài Gòn tuần lễ này, 47 năm trước
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
3.34

Nhật ký Văn Nghệ, Thứ Bảy, 24 Tháng Năm, 1969


Đêm nay trên màn ảnh vô tuyến truyền hình Việt Nam, khán giả được xem vở kịch “Tiếng Cồng” do các nghệ sĩ thuộc Tiều Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (thuộc vùng II) trình diễn. Vở kịch, mặc dù thiếu những động tác thúc đẩy, thiếu sự hoài nghi (mầm mống tiềm tàng), chỉ kể lại một kinh nghiệm cũ, thiếu đột biến nhưng cũng được coi là một công trình đáng kể. Tác giả vở kịch trước hết đã hoàn thành một kịch bản tuyên truyền nhẹ nhàng. Viết kịch khó, viết kịch tuyên truyền khó hơn. Đối thoại được tính toán gọt giũa hết cái vẻ sỗ sàng hết cái ý muốn thuyết phục nóng nẩy, đề chỉ còn là sự việc. Nhưng sự việc trong Tiếng Cồng không nóng, không thôi thúc, bởi lẽ cái tranh chấp, cái đổi nghịch bị đẩy lùi về phía sau, trong khi chi tiết không nhiều. Kịch bản thành ra luôn luôn chỉ nằm trong một tình thế phẳng lặng - trong khi cần thay đổi tình thế nhiều lần, dồn các nhân vật vào chỗ phải phản ứng mạnh mẽ.

nhathohoakyallenginsberg
Nhà thơ Hoa Kỳ Allen Ginsberg (1926-1997) từng tới đọc thơ tại Sài Gòn trước 1975. (Trong The Great Modern Poets, Quercus). (Hình: Viên Linh cung cấp)

 

Trong các diễn viên, động thái của ông Trường làng thật đẹp, song cả vở kịch lại chỉ có một hình ảnh đẹp đó. Chi tiết tiếng đàn ma - không ai thấy người chơi đàn - cũng đẹp, song lại không nhiều. Tình tiết, khi chàng cán bộ Chiến Tranh Chính Trị được người con gái Thượng tặng cho chiếc koong diễn ra mờ nhạt hơn là sự mong đợi. Về phương diện thực hiện kịch bản, ban kịch đã thành công, bài trí có kịch tính ở trong (cửa sổ, liếp ngăn phòng trong và cửa ra vào, khẩu súng không bao giờ dùng đến,... đều gợi ra kịch tính). Các diễn viên gọn, kiềm chế tác động, nhất là người đóng vai ông trưởng làng, trưởng thôn. Vai cán bộ suy tưởng nhiều quá. Hai thiếu nữ Thượng mơ mộng chưa nồng, hận thù chưa nghiệt ngã. Màn quyết định đến hơi nhanh, khi tâm lý khán giả chưa thực sự được sửa soạn, không khí chưa thực sôi nổi vũ bão, chưa đằng đằng sát khí máu lửa mặc dù các mũi nhọn, lưỡi sắt lưỡi giáo mác bật ra liên hồi từ khác khe liếp ngách cửa xem rất ngoạn mục.

Khi màn buông xuống, chủ đề của vở Tiếng Cồng đã được trình bày tới nơi tới chốn, dù đôi điều nói ở trên có xảy ra, và vở kịch khá hấp dẫn. Đạo diễn vở kịch đã thành công khi đem được kịch bản Tiếng Cồng lên màn ảnh nhỏ - một việc không phải là dễ dàng gì.


Thứ Ba, 27 Tháng Năm, 1969

Màn bạc Sài Gòn vừa khởi chiếu từ hôm nay một phim chiến tranh của Walter E. Graumann, với Clif Robertson, George Chakiris và Maria Rerschy. Robertson được biết đến từ P.T.109 cuốn phim thuật lại cuộc đời binh nghiệp của Hải Quân Trung Úy Robert F. Kennedy, sau này là tổng thống Hoa Kỳ, và người tài tử hạng B này, năm nay vừa đoạt giải Oscar nam diễn viên xuất sắc nhất của Hàn Lâm Viện Khoa Học và Nghệ Thuật Hoa Kỳ. George Chakiris, gốc Hy Lạp, được khám phá từ West Side Story, là một trong những jeune premier sáng chói hiện nay. Cuốn phim nhan đề Mission 633.

Mission 633 là một phi vụ cực kỳ nguy hiểm của Đại Tá Grant và các phi công của ông. Họ phải phá bằng được những dàn hỏa tiễn của quân Đức, đang thiết lập tại một bờ biển thuộc Na Uy. Bấy giờ là năm 1944, Geogre Chakiris đảm nhiệm vai Trung Úy Bergmann, một trong những thủ lãnh quân kháng chiến Na Uy, làm hướng đạo viên cho Đại Tá Grant. Phi vụ thành công, nhưng 10 chiếc máy bay cất cảnh chỉ có một chiếc đáp được xuống đất, chiếc của Đại Tá Grant, nhưng ông vẫn phải chết. Vai chính chết, người hùng chết.

Người xem, sau khi ra khỏi rạp, có thể nhớ tới một phim tương tự, đã chiếu tại Sài Gòn cách đây khoảng 13 năm, đó là phim Les ponts sur Ton-Kirit một thiên anh hùng ca tuyệt diệu và cay đắng của Không Quân Hoa Kỳ, cũng trong đệ nhị thế chiến, vai chính do William Holden đảm trách. Chàng và phi đội phả phá bằng hết những cây cầu trên sông Ton-Kiri, và cuối cùng chàng cũng phải chết. Cái chết, đó là phần thưởng của anh hùng.


Thứ Sáu, 30 Tháng Năm, 1969

Tôi bước ra khoảng sân sau, ngửa mặt nhìn trời, nghe những hạt nước nho nhỏ, man mát bay lất phất. Trở vào nhà lấy cái ô Cụ Lý treo bỏ từ mùa mưa trước, mặc cái áo mưa ấm nhàu nát rồi lách ca lách cách tới nửa tiếng đồng hồ sau mới đặt được chân xuống ngõ. Đi nghe đọc thơ nó có khác đi xem xi nê, nhất là lại đi nghe đọc thơ ở quán “Thằng Bờm” nơi mỗi tối thứ sáu, chụm đầu quanh những chiếc bàn thấp dị hình, mộc mạc, trưởng giả một cách nghệ sĩ, anh chị em sinh viên, học sinh, tới ngồi bên nhau lẳng lặng và thỉ thầm, ngó nhau trong bóng mờ những ngọn đèn ít nến, đề thưởng thức một chương trình trình diễn nghệ thuật ca ngâm thân mật và miễn phí. Ở đây những tuần trước, Tú Kếu, Trần Tuấn Kiệt đã đọc thơ, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Khánh Ly đã hát. Và đêm nay từ miền Trung nghỉ phép vào Sài Gòn, đến lượt Hà Nguyên Thạch và Phan Nhự Thức trình bày những bài thơ mới nhất của mình, như tôi đã được thông báo trước đó hai ngày.

Ra khỏi nhà, cắp cái ô đen dưới nách, dưới những hạt mưa nhẹ lưa thưa không đủ ướt đất tôi đi bộ từ nhà ở đường Cao Thắng tới góc đường Đề Thám, con đường Dixmude bẩn thỉu chật hẹp xưa kia của miệt Sài Gòn chưa mở mang, chưa chật chội còn tăm tối và cũ kỹ. Lúc này mặt lề đã tráng sĩ măng, nhưng gồ ghề, ướt nhẹp, chỗ này xe sinh tố kềnh càng, chỗ kia một cái bàn bi đa gẫy chân, trước một đại lý bia B.G.I, hàng chồng thùng gỗ sừng sững, xếp từ hàng thùng cao lên tới phía trên mé lan can trên lầu một tấm vải bạt nhà binh hôi hám, lệt xệt. Cúi đầu đi dưới tấm bạt, tôi tới trước quán sinh viên.

Trước quán, xe dựng ngổn ngang, cả trên lề, cả dưới đường. Quanh đó thấp thoáng bóng người. Lúc này người ta đi nghe đọc thơ kể là đông.

Nhìn qua khung cửa hẹp, tôi ngại vào. Quán đã hết ghế. Phía trong trước cái quầy tính tiền bằng mây ken của cô Yến Trưng Vương, một thanh niên trong bộ treillis đang đọc thơ dưới bóng điện vàng.

Tôi mồi lửa điếu thuốc thơm, nghe Phan Nhự Thức đọc thơ tiếp người kia, qua tập thơ cầm trên tay. Tôi có cảm tưởng có ai đang vẫy mình, phía ngõ hẻm bên trái.

Đêm Nghĩa Hưng trời mịt mù lửa đạn
Chiều Ba Gia xác chết chật đường làng.

Người vẫy tôi là Nguyễn Hoàng Đoan, phóng viên các nhật báo, có làm thơ. Anh đưa tôi vào ngõ hẻm, đi lối sau vào trong quán Thằng Bờm. Bước qua cửa thấy một trong chín sinh viên quản trị quán, an Đạt, đang pha đồ uống. Đạt đưa cho tôi một ly chanh rhum là thứ tôi thích (thật ra họ không được quyền bán bia rượu ở đây, nhưng tôi dặn trước mua sẵn chai rhum, pha vào thành rượu mấy hồi). Tôi ngồi vào bên chiếc bàn thấp thuộc nhà bếp, bên ngoài không còn một chỗ nào. Lúc ấy Hà Nguyên Thạch đã đọc xong phần thơ của anh, và sau đó, Nguyễn Hoàng Đoan ra đọc một bài thơ tràng giang đại hải của Tú Kếu. Đọc thơ lúc này đã trở thành sinh hoạt văn nghệ phổ biến. Giữa tháng 5 vừa qua một số anh em ở Đà Nẵng trong khuôn khổ to chức CPS, cũng đã thực hiện được một đêm. Tôi nhớ, cách đây 3 năm, đêm đọc thơ đầu tiên đã rực rỡ thành công tại sân trường Đại Học Văn Khoa cũ, đường Gia Long, Anh em SVHS đã đông đảo tới ghe. Lần ấy có Đỗ Quí Toàn, Trần Tuấn Kiệt, Tú Kếu và tôi. Có thêm nhạc sĩ Thanh Thoại thuê ở đâu được một chiếc dương cầm Yamaha cà khổ, tới đệm tình tang cho nó xôm trò.

 

Thứ Ba, 3 Tháng Sáu, 1969

 

Viết tới những dòng trên, tôi đã ngừng để đi tim tài liệu về đêm đọc thơ gần nhất được biết của một thi sĩ Nga ở Mỹ Châu. Của Evgueni Evtoushenko ở Mexico. Cái đám khán giả đi nghe Evtoushenko đêm đó nó khác chúng ta nhiều, bởi vì ông ta đã đọc thơ cho các lực sĩ nghe. Đêm đọc thơ qui tụ khoảng 15,000 khán thính giả của thủ đô Mễ trong không khí Thế Vận Hội thứ XIX. Đêm đọc thơ như thế dĩ nhiên do Ban Tổ chức Thế Vận Hội dàn dựng. Dân Mễ xứ Mễ đi nghe Evtoushenko là dân Mễ của những “Candillos,” của Zapata của Franisco Villa của Dona Josefa Ortis de Domingues, của Octavio Pas, của những chàng cách mạng hụt, những tâm hồn nghệ sĩ dở dang trong phim “O'Cangaceiro” từng chiếu ở rạp Nam Việt, những chàng cao bồi lỡ trớn những lúc dừng ngựa, tựa lưng trên một bờ tường, thu mình trong một ngôi nhà đổ nát, réo rắt thổi lên âm thanh một chiếc khẩu cầm hay mệt mỏi bấm xuổng chiếc đàn ghi ta một khúc lãng tử buồn đời. Nó khác xa cái dân Mễ mà Sài Gòn được biết trong những phim cao bồi Mỹ sặc mùi đạn mã tử.

Hồi cuối năm ngoái, một ký giả đi Mễ về có mang cho tôi một món quà, tờ Press-Book về đêm đọc thơ cuối cùng của Evtoushenko đó. Nếu anh em sinh viên ở quán Thằng Bờm đã ỉn một tập Prospectus, tạm gọi như vậy, cho đêm đọc thơ vừa qua của hai bạn miền Trung, thì tờ Press-Book này đáng để mình nên làm theo. Một tờ giấy cứng gấp ba - thành sáu trang - in hình người thi sĩ đang đọc thơ, quang cảnh buổi đọc thơ, và một bài thơ làm tại chỗ của thi sĩ. Nó in offset nhiều màu nhiều hình trên giấy bìa láng, mình chỉ cần in typo trên giấy vừa vừa cũng sướng rồi. Nhưng cái tôi muốn nói là sân khấu của Evtoushenko. Một bục gỗ bao la, vĩ đại đèn chiếu sáng lóa. Trên bục có năm đài hình tròn, thi sĩ đứng ở đài giữa, bốn đài xung quanh là bốn người ngồi trong những thể ngồi khác nhau.


Thứ Tư, 1 Tháng Sáu, 2016


Cả năm nay dường như Little Saigon không có một đêm thơ nào? Mà dường như tháng nào cũng có một cuốn thơ được in ra? Sự khác biệt là gì? Thơ cho đám đông, thơ để đọc để ngâm cho một đám đông không phải là thứ thơ làm cho 2 người hay làm cho chỉ một người đọc thôi. Thơ vẫn in ra nhiều, nhưng có một loại thơ đã chết. Xin kết thúc bằng một đoạn thơ thi sĩ Evtoushenko đọc trước đám đông ở Mexico:

Quand changerons-nousles regles?
Repondez-moi!
Pourquoi gardez-vous le silence?
Premier peon?
Deuxième peon?
Troisième peon?
Quatrième peon?
-Vive le cinquième peon!

(Khi nào chúng ta sẽ đổi thay lề luật? Hãy trả lời tôi! Tại sao các người giữ im lặng? Hỡi con tốt một? Hỡi con tốt hai? Hỡi con tốt ba? Hỡi con tốt bốn? - Vạn tuế con tốt thứ năm!)

Viên Linh
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn