BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Họa sĩ ‘Chóe’

26 Tháng Năm 20166:52 SA(Xem: 2298)
Họa sĩ ‘Chóe’
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Khoảng đầu tháng 4 năm 1971, tôi về làm việc tại Phòng 3, Bộ Tổng Tham Mưu, QLVNCH (P3/BTTM/QLVNCH). Nơi tôi làm việc có 2 hạ sĩ quan (HSQ) chuyên đảm trách vẽ các chart (bản trình bày các đề mục của bài thuyết trình).

Người thứ 1 là trung sĩ tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật, tên là Phương tôi không nhớ rõ lắm, thời gian rảnh rỗi anh luôn vẽ các mẫu mã của các chai thuốc hoặc hộp thuốc cho các công ty dược phẩm.

Người thứ 2 hơi đặc biệt, và là họa sĩ “Chóe” sau này. Tôi xin nói lên những điều tôi biết về người họa sĩ tài hoa này với mục đích đóng góp 1 số dữ kiện cho những người viết văn học sử sau này có thêm 1 số tài liệu, do đó thời gian được đóng khung từ tháng 4, 1971 đến 30 tháng 4, 1975.

Một hôm tôi đưa tài liệu đến Hạ Sĩ Chí, để vẽ lên chart dàn bài chi tiết chúng tôi sẽ thuyết trình. Trong lúc Hạ Sĩ Chí lo trình bày trên chart, tôi ngó lên bàn làm việc của anh có những bức vẽ truyền thần từ những tấm hình 4-6 còn dở dang. Lối vẽ của anh hơi lạ và lôi cuốn sự tò mò của tôi, anh phác thảo trước bằng bút chì sau đó anh tô lại bằng ngòi bút học trò ngòi bút rông hoặc lá tre mà học sinh tiểu học sử dụng từ thập niên 50 tới 60).

Nét bút tô của anh rất mạnh và có dáng dấp như 1 bức hí họa mà tôi thường thấy trên báo chí tại miền Nam VN. Mực vẽ màu đen. Khi anh trình bày xong chart thuyết trình, tôi nói lối vẽ của anh thích hợp cho các tranh hí họa, anh cười và không đóng góp ý kiến, sau đó tôi được anh cho biết anh tên là Nguyễn Hải Chí, trình độ học vấn lớp 5. Tôi rất ngạc nhiên vì anh có dáng dấp của 1 người trí thức, anh cao khoảng 1.70m nước da hơi đen 1 chút. Anh rất ít nói và có nụ cười tươi và hiền lành, anh đi làm bằng xe Lambretta màu silver. Anh sinh năm 1944 tại An Giang.

Chúng tôi thường vào nhiệm sở trước 10-15 phút và thường bàn luận về tình hình chiến sự cũng như tình hình thế giới. Tôi để ý thấy Hạ Sĩ Chí lắng nghe câu chuyên của chúng tôi. Khoảng 1 hay 2 tháng sau tôi thấy anh bắt đầu vẽ tranh hí họa với tên “Chóe,” tên nghe lạ và hay, tôi thắc mắc hỏi tên “Chóe” có từ đâu ? Anh trả lời bà xã anh nói anh tên là Chí thì lấy bút hiệu là “Chóe” cho có vần. Bà xã anh người Công Giáo di cư, sở dĩ tôi biết điều này vì có 1 lần anh mời tôi ghé thăm nhà anh ở mặt tiền khu Ngã 5 Chuồng Chó. Anh nổi lên với những bức hí họa đăng tại tại các báo Hòa Bình, Sóng Thần, Khởi Hành, Diễn Đàn và Đại Dân Tộc.

kissinger-leductho-hihoacuachoe-300x201Qua nét vẽ anh trình bày sự đối đầu giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, tại hòa đàm Paris, nhìn vào hình chúng ta có thể nhận ra ngay Kissinger với cặp kính cận dầy cộm cộng thêm với lỗ mũi to và khoằm. Riêng với Tổng Thống Richard Nixon, họa sĩ Chóe đã nắm vững 3 nét đặc biệt trên khuôn mặt của ông ta, đó là mái tóc quăn cuốn lên phía trên, lỗ mũi khoằm nhưng thanh hơn mũi của Kissinger, điểm chót là cái cằm nhọn. Những tranh của họa sĩ Chóe đã được báo chí Mỹ để ý tới, tôi sẽ đề cập tới ở phần sau. Riêng tại miền Nam Việt Nam, anh trình bày sự tranh giành quyền lực giữa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.

Với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ cần nhìn cặp mắt trong tranh chúng ta có thể nhận ra ngay đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, họa sĩ Chóe đã nắm được điểm đặc sắc nhất trên khuôn mặt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Về phần Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ họa sĩ Chóe đã diễn tả đầy đủ khuôn mặt với bộ ria mép dầy cộm, cặp mắt với mí mắt hơi hơi sụp xuống và chúng ta có thể nhận ra ngay là Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.

Ngoài ra họa sĩ Chóe cũng vẽ 1 số tranh liên quan đến tệ nạn tham nhũng tại miền Nam VN. Vào năm 1972, tôi không nhớ rõ ngày tháng, họa sĩ Chóe có nhờ tôi dịch cho anh lá thư của báo Mỹ có tên (tôi không nhớ rõ) là Chicago Herald Tribune hay Chicago Daily News. Nội dung đề nghị sẽ in những bức vẽ của họa sĩ Chóe trong 1 cuốn sách, với giá biểu là những bức tranh nào đã đăng rồi sẽ được trả 20.00 USD, và 100.00 USD với những tranh mới vẽ, ngoài ra khi sách in xong và phát hành trên nước Mỹ, anh sẽ được chia theo tác quyền. Từ ngày nổi tiếng và cộng tác với nhiều báo, đời sống của anh khá hơn và tôi thấy anh hút thuốc lá 555, càng ngày nét vẽ của anh càng độc đáo hơn về những đề tài chính trị. Một hôm anh cho tôi biết anh có tiếp xúc với nữ Dân Biểu Kiều Mộng Thu, tôi nghĩ anh nghiêng về thành phần thứ ba. Anh có lần bị Cục An Ninh Quân Đội mời làm việc.

Từ năm 1973, tình hình chiến sự gia tăng, nên tôi ít có dịp nói chuyện với anh. Dư luận xầm xì bàn tán anh có liên quan đến Cộng Sản, theo tin đồn anh là Huỳnh Bá Thành (trung tá công an cộng sản sau năm 1975 ). Ngày 30 tháng 4, 1975, miền Nam VN sụp đổ. Tôi đi tù từ Nam ra Bắc, và sau gần 10 năm tù tôi được tha về. Trong những ngày lang thang tìm việc làm, có 1 lần tôi lên lầu 1 của thương xá Tam đa cũ bây giờ là Imexco do ông Charles Đức, 1 Việt kiều Pháp điều hành, tôi đang lần bước qua các gian hàng, tới gần cuối dãy, tôi thấy họa sĩ Chóe đang vẽ trang trí. Tôi hỏi thăm Chóe mới được biết anh vừa ở tù về và xin được vẽ trang trí ở đây, tôi kể cho anh nghe những tin đồn về anh trước năm 1975. Chóe trả lời thời gian ở tù của anh đã xóa bỏ hết các tin đồn đầy ác ý này. Từ đó tôi ít gặp anh cho tới thời gian gần đây nghe tin anh bị ung thư gan và được gia đình đưa qua Mỹ chữa ở vùng Virginia nhưng không thành công và anh mất ngày 12 tháng 3 năm 2003.

Theo Google anh vẽ từ năm 1965, theo tôi năm 1971 mới chính là khởi điểm nghề vẽ của anh, vì như tôi đã trình bày ở phần đầu, năm 1971 anh còn đang vẽ truyền thần. Ước mong bài viết này sẽ đóng góp thêm dữ kiện về họa sĩ Chóe.

Liêu Đặng
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn